Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Sáu Tuần X Mùa Thường Niên Năm lẻ
BÀI ĐỌC I: 2 Cr 4, 7-15
“Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại, cũng sẽ làm cho chúng tôi được sống lại với Đức Giêsu và sẽ đặt chúng tôi bên Người làm một với anh em”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, chúng ta chứa đựng kho tàng ấy trong những bình sành, để biết rằng quyền lực vô song đó là của Thiên Chúa, chứ không phải phát xuất tự chúng ta. Chúng ta chịu khổ cực tư bề, nhưng không bị đè bẹp; chúng ta phải long đong, nhưng không tuyệt vọng; chúng ta bị bắt bớ, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Bởi vì chúng ta luôn mang trên thân xác mình sự chết của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu được tỏ hiện nơi thân xác chúng ta. Vì chưng, mặc dầu đang sống, nhưng vì Đức Giêsu, chúng tôi luôn luôn nộp mình chịu chết, để sự sống của Đức Giêsu được tỏ hiện trong thân xác hay chết của chúng tôi. Vậy sự chết hoành hành nơi chúng tôi, còn sự sống hoạt động nơi anh em. Nhưng anh em hãy có một tinh thần đức tin, như đã chép rằng: “Tôi đã tin, nên tôi đã nói”, và chúng tôi tin, nên chúng tôi cũng nói, bởi chúng tôi biết rằng Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại, cũng sẽ làm cho chúng tôi được sống lại với Đức Giêsu, và sẽ đặt chúng tôi bên Người làm một với anh em. Mọi sự đều vì anh em, để ân sủng càng tràn đầy, bởi nhiều kẻ tạ ơn, thì càng gia tăng vinh quang Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 115, 10-11. 15-16. 17-18
Đáp: Lạy Chúa, con sẽ hiến dâng lời ca ngợi làm sinh lễ (c. 17a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Tôi đã tin cậy ngay cả trong lúc tôi nói: “Tấm thân tôi trăm phần khổ cực!” Trong lúc kinh hoàng tôi đã thốt ra: “Hết mọi người đều giả dối”. – Đáp.
2) Trước mặt Chúa thật là quý hoá cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. Ôi lạy Chúa, con là tôi tớ Chúa, tôi tớ Ngài, con trai của nữ tì Ngài, Ngài đã bẻ gãy xiềng xích cho con. – Đáp.
3) Con sẽ hiến dâng lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. – Đáp.
ALLELUIA: Ga 1, 14 và 22b
Alleluia, alleluia! – Ngôi lời đã làm người và ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 5, 27-32
“Ai nhìn người nữ mà ước ao phạm tội, thì đã ngoại tình với người ấy trong lòng rồi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe dạy người xưa rằng: ‘Chớ ngoại tình’. Phần Thầy, Thầy bảo các con: Ai nhìn người nữ mà ước ao phạm tội, thì đã ngoại tình với người ấy trong lòng rồi. Nếu mắt bên phải con làm con vấp phạm, thì hãy móc quăng khỏi con đi: thà mất một chi thể còn lợi cho con hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Và nếu tay phải con làm con vấp phạm, thì hãy chặt mà quăng đi, vì thà mất một chi thể còn lợi cho con hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục.
“Có lời dạy rằng: ‘Ai bỏ vợ mình, hãy trao cho vợ một giấy ly dị’. Phần Thầy, Thầy bảo các con: bất cứ ai bỏ vợ mình-ngoại trừ vì lý do gian dâm-là làm cớ cho vợ ngoại tình; và ai cưới người vợ bị bỏ, cũng phạm tội ngoại tình nữa”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
14/06/2019 – THỨ SÁU TUẦN 10 TN
Mt 5,27-32
THANH LỌC CON TIM VÀ ĐÔI MẮT
Đức Giê-su nói: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.” (Mt 5,28)
Suy niệm: Có những đôi mắt là “cửa sổ của tâm hồn” nhưng cũng có “những đôi mắt in hình viên đạn”. Những viên đạn hận thù, ghen tương, trả đũa, những viên đạn thèm khát tính dục được “bắn” vào người khác. Mà sở dĩ chúng ta mang những “đôi mắt in hình viên đạn” thèm muốn, bởi vì chính chúng ta đã mở tung “cửa sổ tâm hồn” cho những trang sách báo nhảm nhí, những cuộn phim với lắm hình ảnh bạo lực, đồi truỵ, và bao hình thức giải trí phóng túng khác… Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su lên án những ai chủ ý dùng đôi mắt của mình để khơi gợi những ước muốn bất chính, hay nói cách khác, Ngài cảnh báo những tâm hồn chất đầy những ước muốn bệnh hoạn và dùng con mắt để thoả mãn những ham muốn đen tối ấy.
Mời Bạn: Thanh lọc con tim của bạn để con tim ấy bớt đi những ham muốn đen tối. Thanh lọc cái nhìn của bạn để cái nhìn ấy được trong sáng.
Chia sẻ: Khó khăn lớn nhất của tôi hiện nay khi nỗ lực sống trung thành trong đời vợ chồng, hoặc khi sống đức khiết tịnh như Chúa mời gọi là khó khăn nào?
Sống Lời Chúa: Để thanh lọc con tim và đôi mắt theo Lời Chúa dạy, tôi sẽ không đọc sách báo nhảm nhí, không xem các phim ảnh đồi truỵ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con một tâm hồn theo hình ảnh Tấm Bánh Thánh, một tâm hồn trong trắng, cố tránh cả những ô uế nhỏ mọn, để luôn xứng đáng với Chúa. Xin nâng chúng con lên cao, vượt qua những thèm muốn chiếm đoạt, để biết tự hiến trong yêu thương. Amen. (Cha Galot)
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
14 THÁNG SÁU
Tham Dự Vào Sự Sống Của Thiên Chúa
Con người có thể đi vào trong một quan hệ giao ước với Thiên Chúa, vì con người đã được tạo dựng theo hình ảnh của chính Thiên Chúa. Điều này làm cho con người có thể hiểu biết chân lý và chọn lựa những gì đúng và tốt. Thật vậy, sự kiện con người mang hình ảnh Thiên Chúa chính là căn bản cho tiếng gọi tham dự vào sự sống nội tại của Thiên Chúa. Như vậy Thiên Chúa có thể mạc khải những thực tại siêu nhiên cho con người.
Đây là một mầu nhiệm cao cả mà Thiên Chúa đã vén mở cho chúng ta. Ngài đã tạo thành chúng ta theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài, không chỉ để cho ta có thể trở thành người một cách trọn vẹn, mà còn để ta có thể chia sẻ sự sống thần linh của Ngài. Thật là một ân huệ quá mức tưởng tượng! Nói cách khác, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đã trao cho chúng ta tất cả những mạc khải và những ân sủng ta cần để ta có thể chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa. Chúng ta có tất cả những gì mình cần để đạt đến định mệnh tròn đầy của mình trong Đức Kitô và triển nở trong sự sống siêu nhiên của Thiên Chúa.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 14/6
2Cr 4, 7-15; Mt 5, 27-32.
LỜI SUY NIỆM: “Anh em nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy báo cho anh em biết, ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.”
Chúa Giêsu rất quan tâm đến dời sống hôn nhân gia đình trong nhân lại, bởi vì nơi gia đình là trường học đầu tiên về đời sống Kitô hữu và là một trường học làm người phong phú hơn. Ở đó người ta học được sự kiên nhẫn và niềm vui của lao động, tình yêu thương huynh đệ, sự tha thứ quảng đại, thâm chí tha thứ nhiều lần và nhất là phụng thờ Thiên Chúa qua kinh nghuyện, và qua cuộc dâng hiến đời mình.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang dạy chúng con điều này, để giúp cho tất cả các gia đình được sống hạnh phúc toàn vẹn luôn biết trao thân cho nhau trong mọi khía cạnh của con người mình về thể lý cũng như tinh thần. Xin cho chúng con ý thức những điều này, để sống đẹp lòng Chúa và hưởng hạnh phúc một cách bền vững.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
14 Tháng Sáu
Tôi Biết Chạy Ðến Với Ai?
Sau khi phản bội Chúa bằng một cái hôn, Giuda cảm thấy thất vọng đến độ không còn nghĩ rằng mình có thể được tha thứ nữa. Ông cầm 30 đồng bạc là giá của sự phản bội và đi vào Ðền thờ để trả lại cho các thượng tế và kỳ lão. Sau đó, ông ra ngoài lấy dây thắt cổ tự vận.
Câu chuyện ấy đã được xen vào vở tuồng thương khó nổi tiếng của dân làng Oberammergau bên Ðức. Cứ 10 năm một lần, theo một lời thề hứa mà ông cha đã để lại từ mấy trăm năm qua, người dân làng diễn ra cuộc tử nạn của Chúa giêsu. Vở kịch thu hút khán giả từ khắp nơi trên thế giới.
Người ta kể lại rằng lần kia, một em bé gái 7 tuổi ngồi cạnh mẹ để xem vở tuồng. Người đóng vai Giuda, trong cơn thất vọng não nề đã thốt lên: “Tôi biết đi đến với ai bây giờ? Tôi đã phản bội Thầy tôi. Thế là hết! Tô không biết phải chạy đến với ai nữa”.
Em bé ngồi bên cạnh mẹ cảm thông cho số phận của kẻ chìm đắm trong thất vọng. Em muốn tìm cách để cứu vớt con người khốn khổ ấy. Em bèn quay sang mẹ và nói lớn đến độ tất cả mọi khán thính giả có mặt trong hội trường đều nghe được: “Má ơi, sao ông ta không chạy đến với Mẹ Maria?”.
Chúa Giêsu cũng có một người Mẹ như mọi người, và nhất là Ngài cũng trải qua một thời thơ ấu như mọi người. Kỷ niệm của những giây phút ngồi trên gối Mẹ, những lần sà vào lòng Mẹ, những lần mếu máo khi lạc mất Mẹ, hay những lần vòi vĩnh Mẹ… hẳn phải luôn đậm nét trong ký ức của Chúa Giêsu. Có lẽ chính kinh nghiệm của bản thân ấy đã trở thành bài học về hồn nhiên trong trắng, tin tưởng, phó thác của tuổi thơ mà Chúa Giêsu luôn đề ra cho chúng ta khi Ngài nói: “Nếu các ngươi không nên giống như trẻ nhỏ, các ngươi không được vào nước Trời”.
Tuổi thơ thường gắn liền với mẹ. Còn âm thanh nào bộc phát, tự nhiên, quen thuộc và êm dịu trên môi của trẻ thơ cho bằng tiếng “Mẹ”. Khi vui, trẻ thơ kêu mẹ, lúc đói, trẻ thơ cũng kêu mẹ. Khi tỉnh thức, trẻ thơ cũng kêu mẹ, lúc ngái ngủ, trẻ thơ cũng kêu mẹ… Mẹ là tất cả của trẻ thơ.
Mời gọi chúng ta mặc lấy tâm tình của trẻ thơ để được vào nước Trời, hẳn Chúa Giêsu cũng muốn nhắn gửi chúng ta cho Mẹ của Ngài. Trở nên trẻ thơ trong nước Trời cũng có nghĩa là biết chạy đến với Mẹ Ngài. Trở nên trẻ thơ trong nước Trời cũng có nghĩa là mặc lấy tâm tình của chính Mẹ Ngài, bởi vì còn ai trong trắng, tin tưởng, phó thác cho bằng Mẹ.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 10 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: 2 Cor 4:7-15; Mt 5:27-32.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mục đích của thân xác con người
Thiên Chúa dựng nên tất cả mọi sự là cho một mục đích. Khi con người biết xử dụng tạo vật Chúa dựng nên theo như mục đích Ngài muốn, nó sẽ sinh lợi ích cho con người; nếu con người xử dụng nó trái với mục đích Thiên Chúa muốn, nó sẽ trở thành điều tai hại cho con người.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong mục đích của thân xác con người. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô nhận ra mục đích của thân xác là để diễn tả tình yêu Thiên Chúa cho tha nhân, và mưu cầu ơn cứu độ cho chính bản thân và cho mọi người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kết án những ai lạm dụng những chi thể của thân xác để phạm tội ngoại tình trong tư tưởng. Ngài cũng lên án những ai không trung thành giữ giao ước hôn nhân họ đã hứa với Thiên Chúa và với người phối ngẫu.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu.
1.1/ Thiên Chúa ban cho con người một thân xác có thể chịu đau khổ để diễn tả tình yêu:
(1) Mục đích của thân xác con người: Có ít nhất ba quan niệm khác nhau về mục đích của thân xác con người:
+ Quan niệm của trường phái Epicurean: thân xác con người được dùng để thỏa mãn các dục vọng.
+ Quan niệm bi quan của Hy-lạp về thân xác: thân xác là ngục tù giam hãm linh hồn; để giải phóng linh hồn, con người phải tìm mọi cách để thoát khỏi thân xác.
+ Quan niệm của Kitô Giáo về thân xác: thân xác là khí cụ Thiên Chúa dùng để mang ơn cứu độ cho mọi người. Như Chúa Giêsu trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, Ngài dùng thân xác của mình để diễn tả tình yêu Thiên Chúa và tiêu diệt sự chết cho con người; Thiên Chúa cũng ban cho mỗi người một thân xác và muốn mọi người dùng nó để diễn tả tình yêu Thiên Chúa cho tha nhân, và mưu cầu ơn cứu độ cho chính họ và cho mọi người.
(2) Tất cả các chi thể trong thân xác đều có thể được dùng để làm vinh quang Thiên Chúa: Với trí óc, con người có thể học hỏi những thánh ý cao siêu của Thiên Chúa; với miệng lưỡi con người có thể ca tụng Thiên Chúa và nói những gì Ngài muốn cho tha nhân; với trái tim con người có thể tỏ tình yêu Thiên Chúa cho tha nhân; với đôi tay con người có thể săn sóc và giúp đỡ tha nhân; với đôi chân, con người có thể đi rao giảng Tin Mừng đến tận cùng cõi đất.
(3) Sự mỏng giòn của thân xác và sức mạnh của Thiên Chúa: Già cả, đau yếu, bệnh tật … làm cho con người nhận ra sự mong manh của thân xác; nhưng cũng giúp con người nhận ra sức mạnh của Thiên Chúa hoạt động trong con người, như Phaolô nhận xét: “Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi.”
Thánh Phaolô, khi nhìn lại cuộc đời mình, nhất là những kinh nghiệm có được trong 3 cuộc hành trình rao giảng Tin Mừng, đã phải thốt lên: “Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt.” Nếu nhìn lại cuộc đời mỗi người, chúng ta đều có thể nhận ra những kinh nghiệm như Phaolô: Đau khổ của con người đến từ mọi phía: thiên tai, chiến tranh, nghèo đói, mọi thứ bệnh tật, công việc làm ăn, tranh chấp trong gia đình và ngoài xã hội; nhưng tại sao chúng ta vẫn sống và có thể vượt qua mọi đau khổ này? Thưa là vì chúng ta có sức mạnh và hy vọng nơi Thiên Chúa. Chúng ta tin Thiên Chúa sẽ cho sống lại và cho chung hưởng vinh quang bất diệt với Ngài.
1.2/ Chịu đựng gian khổ để chinh phục mọi người về cho Thiên Chúa: Theo thánh Phaolô, khi chịu Phép Rửa Tội là chúng ta cùng chịu dìm mình trong Cuộc Thương Khó của Đức Kitô; để rồi sẽ cùng được sống lại và chung phần vinh quang với Ngài. Trong trình thuật hôm nay, Phaolô diễn tả điều này như sau: ”Chúng tôi luôn mang nơi thân mình Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe doạ vì Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi.”
Giống như Chúa Giêsu chịu gian khổ trong Cuộc Thương Khó là để chết thay cho con người và đem lại sự sống cho họ, các môn đệ cũng phải chịu đựng gian khổ để rao giảng Tin Mừng và chinh phục các linh hồn về cho Thiên Chúa. Thánh Phaolô nhận ra ý nghĩa cao cả của đau khổ khi ngài viết: ”Như thế, sự chết hoạt động nơi chúng tôi, còn sự sống thì lại hoạt động nơi anh em… Thật vậy, tất cả những điều ấy xảy ra là vì anh em. Như thế, ân sủng càng dồi dào, thì càng có đông người hơn dâng lên Thiên Chúa muôn ngàn lời cảm tạ, để tôn vinh Người.” Sở dĩ các môn đệ có thể can đảm chịu gian khổ ngay cả cái chết, vì họ tin vững mạnh sẽ được Thiên Chúa cho sống lại: ”Quả thật, chúng tôi biết rằng Đấng đã làm cho Chúa Giêsu trỗi dậy cũng sẽ làm cho chúng tôi được trỗi dậy với Chúa Giêsu, và đặt chúng tôi bên hữu Người cùng với anh em.”
2/ Phúc Âm: Thân xác con người trong ơn gọi gia đình
2.1/ Ngoại tình trong tư tưởng: Hai yếu tố chính cấu thành Bí-tích Hôn Phối: (1) để hai người yêu thương nhau; và (2) để sinh sản con cái cho Thiên Chúa. Tình dục không bao giờ là mục đích chính của hôn nhân, nhưng chỉ là hậu quả của tình yêu giữa hai người. Hiểu thần học về hôn nhân như thế, khi con người lấy nhau, mục đích chính là vì yêu thương: vì yêu mến Thiên Chúa, họ tỏ tình yêu thương cho nhau và cho con cái. Họ dùng thân thể mình để diễn tả tình yêu Thiên Chúa cho nhau. Vì thế, họ phải trung thành yêu thương nhau suốt đời, như Luật dạy: Chớ ngoại tình.
Không những thế, họ còn phải cẩn thận tránh xa những dịp làm thương tổn đến tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với người phối ngẫu của mình. Thiên Chúa quá biết từ ước muốn sẽ dẫn tới hành động, nên Ngài muốn con người phải biết kiểm soát luôn cả ước muốn của mình. Vì thế, Chúa dạy: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.”
Các bộ phận trong thân xác đều có chức năng quan trọng để mở mang Nước Chúa như đã nói ở trên; nhưng nếu các bộ phận chẳng những đã không làm vinh quang cho Nước Chúa, mà còn làm thiệt hại cho phần linh hồn, thì phải làm như Chúa Giêsu dạy: “Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục.”
2.2/ Vợ chồng phải trung thành với nhau suốt đời: Hiểu ý nghĩa của hôn nhân và mục đích của thân xác như thế, khi con người lãnh nhận Bí-tích Hôn Phối là họ hứa sẽ trung thành với nhau suốt đời; và sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không thể phân ly. Moses cho phép ly dị là vì sự cứng lòng của con người. Giáo Hội cho phép ly dị trong những trường hợp đặc biệt cũng là cho sự yếu đuối của con người mà thôi.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Thiên Chúa ban cho chúng ta mỗi người một thân xác, không phải là để hưởng thụ; nhưng để mưu cầu ơn cứu độ cho chính mình và cho tha nhân.
– Chúng ta phải biết dùng các chi thể của thân xác chúng ta cho việc rao giảng Tin Mừng và mở mang Nước Chúa. Nếu chúng ta không biết cách dùng, chúng sẽ trở nên bằng chứng để buộc tội chúng ta.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************