Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Sáu tuần 10 Thường Niên
BÀI ĐỌC I: 1 V 19, 9a. 11-16
“Hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa”.
Bài trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, khi Êlia đã lên núi Horeb của Thiên Chúa, ông trú ẩn trong một cái hang. Có lời Chúa phán cùng ông rằng: “Hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa”. Bỗng Chúa đi qua; có một cơn gió mạnh xé núi non và nghiền nát đá trước mặt Chúa. Nhưng Chúa không ở trong gió bão. Sau trận gió bão thì đất động; Chúa cũng không ở trong cơn động đất. Sau cơn động đất thì có lửa; nhưng Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa thì có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe thấy, Êlia liền lấy áo choàng che mặt lại, đi ra đứng ở cửa hang. Bỗng có tiếng nói với ông: “Hỡi Êlia, ngươi làm gì ở đây?” Ông thưa: “Lòng nhiệt thành với Chúa các đạo binh nung nấu con, vì con cái Israel đã phản bội với giao ước của Chúa, phá huỷ các bàn thờ, dùng gươm giết các tiên tri của Chúa, chỉ còn con sống sót và họ đang tìm hại mạng sống con”. Nhưng Chúa phán cùng ông: “Hãy lên đường trở về qua lối sa mạc miền Ðamas. Tới nơi, ngươi hãy xức dầu phong Hazael làm vua Syria, xức dầu phong Giêhu con ông Namsi làm vua Israel, và xức dầu cho Êlisê, con Saphat người xứ Abel-Mêhula, làm tiên tri thế ngươi”.
Ðó là lời Chúa.
ÐÁP CA: Tv 26, 7-8a. 8b-9abc. 13-14
Ðáp: Lạy Chúa, con tìm kiếm dung nhan Chúa (c. 8b).
1) Lạy Chúa, xin nghe tiếng con kêu cầu, xin thương xót và nhậm lời con. Về Chúa, lòng con tự nhắc lời: “Hãy tìm ra mắt Ta”.
2) Và lạy Chúa, con tìm ra mắt Chúa, xin Chúa đừng ẩn mặt xa con, xin đừng xua đuổi tôi tớ Người trong thịnh nộ. Chúa là Ðấng phù trợ con, xin đừng hất hủi con.
3) Con tin rằng con sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa!
ALLELUIA: Ga 1, 14 và 22b
All. All. – Ngôi lời đã làm người và ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. – All.
PHÚC ÂM: Mt 5, 27-32
“Ai nhìn người nữ mà ước ao phạm tội, thì đã ngoại tình với người ấy trong lòng rồi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe dạy người xưa rằng: “Chớ ngoại tình”. Phần Thầy, Thầy bảo các con: Ai nhìn người nữ mà ước ao phạm tội, thì đã ngoại tình với người ấy trong lòng rồi. Nếu mắt bên phải con làm con vấp phạm, thì hãy móc quăng khỏi con đi: thà mất một chi thể còn lợi cho con hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Và nếu tay phải con làm con vấp phạm, thì hãy chặt mà quăng đi, vì thà mất một chi thể còn lợi cho con hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. “Có lời dạy rằng: “Ai bỏ vợ mình, hãy trao cho vợ một giấy ly dị”. Phần Thầy, Thầy bảo các con: bất cứ ai bỏ vợ mình-ngoại trừ vì lý do gian dâm-là làm cớ cho vợ ngoại tình; và ai cưới người vợ bị bỏ, cũng phạm tội ngoại tình nữa”.
Ðó là lời Chúa.
(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)
++++++++++++++++++
14/06/2024 – THỨ SÁU TUẦN 10 TN
Mt 5,27-32
TRÁNH XA TỘI LỖI
‘‘Thà mất một phần thân thể còn hơn toàn thân bị ném vào hỏa ngục.’’(Mt 5,29)
Suy niệm: Chúa Giê-su thường bị người Do Thái dị nghị vì giao du với “bọn thu thuế và quân tội lỗi” (Mt 9,11). Nhưng Chúa cho biết sứ mạng của Ngài là “đến để cứu những gì đã hư mất” (Mt 18,11). Chúa thương yêu khoan dung đối với kẻ có tội: Ngài kêu gọi Lê-vi làm tông đồ, đến nhà của Da-kêu giúp ông hoán cải, tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình…; trái lại Ngài không chút khoan nhượng đối với tội lỗi. Chúa dùng những lời rất mạnh mẽ để dạy chúng ta quyết liệt chiến đấu chống lại tội lỗi: “Nếu tay phải làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt tay đi, vì thà mất một phần thân thể, còn hơn toàn thân phải sa hỏa ngục” (Mt 5,30). Ý của Chúa là ngay cả những “dịp tội”, tức là những phương tiện, hoàn cảnh dẫn ta đến chỗ sa ngã phạm tội, cũng phải diệt trừ từ trong trứng nước.
Mời Bạn: Khi phạm tội, ta chối từ tình yêu Chúa, cố tình cắt đứt mạch sống ân sủng, làm cho ơn Chúa không đến và hoạt động trong ta, làm cho ta không còn sống thân mật với Thiên Chúa. Để được sống thân tình với Chúa là Đấng Thánh, Chúa mời gọi bạn dứt khoát đoạn tuyệt với tội lỗi. Cố lên bạn nhé, và Chúa sẽ ban ơn trợ giúp bạn.
Sống Lời Chúa: Noi gương Chúa Giê-su chống trả cơn cám dỗ cách quyết liệt ở mức cao nhất và ngay lập tức không chần chờ, không khoan nhượng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su. Chúa đã chịu chết để giải thoát con khỏi quyền lực tội lỗi và đã sống lại để trao ban cho con sự sống mới. Xin cho con biết chiến đấu mỗi ngày với những cám dỗ và thói xấu nơi con. Khi con sa ngã pham tội, xin cho con thành tâm sám hối, tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa và mau mắn quay về với Chúa.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
14 THÁNG SÁU
Tham Dự Vào Sự Sống Của Thiên Chúa
Con người có thể đi vào trong một quan hệ giao ước với Thiên Chúa, vì con người đã được tạo dựng theo hình ảnh của chính Thiên Chúa. Điều này làm cho con người có thể hiểu biết chân lý và chọn lựa những gì đúng và tốt. Thật vậy, sự kiện con người mang hình ảnh Thiên Chúa chính là căn bản cho tiếng gọi tham dự vào sự sống nội tại của Thiên Chúa. Như vậy Thiên Chúa có thể mạc khải những thực tại siêu nhiên cho con người.
Đây là một mầu nhiệm cao cả mà Thiên Chúa đã vén mở cho chúng ta. Ngài đã tạo thành chúng ta theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài, không chỉ để cho ta có thể trở thành người một cách trọn vẹn, mà còn để ta có thể chia sẻ sự sống thần linh của Ngài. Thật là một ân huệ quá mức tưởng tượng! Nói cách khác, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đã trao cho chúng ta tất cả những mạc khải và những ân sủng ta cần để ta có thể chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa. Chúng ta có tất cả những gì mình cần để đạt đến định mệnh tròn đầy của mình trong Đức Kitô và triển nở trong sự sống siêu nhiên của Thiên Chúa.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 14/6
1V 19, 9a-11; Mt 5, 27-32.
Lời suy niệm: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng người đó đã ngoại tình với người ấy rồi.” (Mt 3,27).
Nơi chính mỗi người, đều đã được chính Thiên Chúa đặt để một tiếng nói lương tâm. Tiếng nói của lương tâm rất chân thật trong sự phân định tốt và xấu, điều nên làm và điều nên tránh. Điều này trong Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo còn cho biết về vấn đề ngoại tình: “Ngoại tình, từ này chỉ sự không chung thuỷ phu phụ, khi hai người, mà ít là một trong hai đó có dây hôn phối, có quan hệ tình dục với nhau, kể cả nhất thời, thì phạm tội ngoại tình. Đức Kitô lên án tội ngoại tình, ngay cả khi chỉ là ngoại tình trong ước muốn đơn giản. Điều răn thứ sáu và Tân Ước tuyệt đối cấm ngoại tình. Các tiên tri tố giác tính nghiêm trọng của tội ngoại tình. Các ngài thấy tội ngoại tình là hình ảnh của tội thờ ngẫu tượng. (GL 2380).
Lạy Chúa Giêsu, xin cho các đôi hôn phối trong Giáo Hội Chúa luôn ý thức: Ngoại tình là một sự bất công, tự vi phạm giao ước của mình, vi phạm thể chế hôn nhân, và làm phương hại đến điều thiện hảo của việc sinh sản con cái, để biết gìn giữ hạnh phúc trong gia đình. Amen.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
14 Tháng Sáu
Tôi Biết Chạy Ðến Với Ai?
Sau khi phản bội Chúa bằng một cái hôn, Giuda cảm thấy thất vọng đến độ không còn nghĩ rằng mình có thể được tha thứ nữa. Ông cầm 30 đồng bạc là giá của sự phản bội và đi vào Ðền thờ để trả lại cho các thượng tế và kỳ lão. Sau đó, ông ra ngoài lấy dây thắt cổ tự vận.
Câu chuyện ấy đã được xen vào vở tuồng thương khó nổi tiếng của dân làng Oberammergau bên Ðức. Cứ 10 năm một lần, theo một lời thề hứa mà ông cha đã để lại từ mấy trăm năm qua, người dân làng diễn ra cuộc tử nạn của Chúa giêsu. Vở kịch thu hút khán giả từ khắp nơi trên thế giới.
Người ta kể lại rằng lần kia, một em bé gái 7 tuổi ngồi cạnh mẹ để xem vở tuồng. Người đóng vai Giuda, trong cơn thất vọng não nề đã thốt lên: “Tôi biết đi đến với ai bây giờ? Tôi đã phản bội Thầy tôi. Thế là hết! Tô không biết phải chạy đến với ai nữa”.
Em bé ngồi bên cạnh mẹ cảm thông cho số phận của kẻ chìm đắm trong thất vọng. Em muốn tìm cách để cứu vớt con người khốn khổ ấy. Em bèn quay sang mẹ và nói lớn đến độ tất cả mọi khán thính giả có mặt trong hội trường đều nghe được: “Má ơi, sao ông ta không chạy đến với Mẹ Maria?”.
Chúa Giêsu cũng có một người Mẹ như mọi người, và nhất là Ngài cũng trải qua một thời thơ ấu như mọi người. Kỷ niệm của những giây phút ngồi trên gối Mẹ, những lần sà vào lòng Mẹ, những lần mếu máo khi lạc mất Mẹ, hay những lần vòi vĩnh Mẹ… hẳn phải luôn đậm nét trong ký ức của Chúa Giêsu. Có lẽ chính kinh nghiệm của bản thân ấy đã trở thành bài học về hồn nhiên trong trắng, tin tưởng, phó thác của tuổi thơ mà Chúa Giêsu luôn đề ra cho chúng ta khi Ngài nói: “Nếu các ngươi không nên giống như trẻ nhỏ, các ngươi không được vào nước Trời”.
Tuổi thơ thường gắn liền với mẹ. Còn âm thanh nào bộc phát, tự nhiên, quen thuộc và êm dịu trên môi của trẻ thơ cho bằng tiếng “Mẹ”. Khi vui, trẻ thơ kêu mẹ, lúc đói, trẻ thơ cũng kêu mẹ. Khi tỉnh thức, trẻ thơ cũng kêu mẹ, lúc ngái ngủ, trẻ thơ cũng kêu mẹ… Mẹ là tất cả của trẻ thơ.
Mời gọi chúng ta mặc lấy tâm tình của trẻ thơ để được vào nước Trời, hẳn Chúa Giêsu cũng muốn nhắn gửi chúng ta cho Mẹ của Ngài. Trở nên trẻ thơ trong nước Trời cũng có nghĩa là biết chạy đến với Mẹ Ngài. Trở nên trẻ thơ trong nước Trời cũng có nghĩa là mặc lấy tâm tình của chính Mẹ Ngài, bởi vì còn ai trong trắng, tin tưởng, phó thác cho bằng Mẹ.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu – Tuần 10 – TN2
Bài đọc: 1 Kgs 19:9a, 11-16; Mt 5:27-32.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người phải theo cách thức và đường lối của Thiên Chúa.
Thiên Chúa dựng nên tất cả mọi sự là cho một mục đích. Khi con người biết xử dụng tạo vật Chúa dựng nên theo như mục đích Ngài muốn, nó sẽ sinh lợi ích cho con người; nếu con người xử dụng nó trái với mục đích Thiên Chúa muốn, nó sẽ trở thành điều tai hại cho con người.
Các bài đọc hôm nay tập trung trong việc con người phải theo cách thức và đường lối của Thiên Chúa, chứ không được tự do làm theo ý con người muốn. Trong bài đọc I, ngôn sứ Elijah buồn giận vì những cố gắng của ông không đem lại kết quả như lòng ông mong muốn. Đức Chúa hiện ra với ông trong tiếng gió để an ủi và cũng để báo cho ông biết: bổn phận của ngôn sứ là phải làm những gì Thiên muốn và theo cách thức của Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kết án những ai lạm dụng những chi thể của thân xác để phạm tội ngoại tình trong tư tưởng. Ngài cũng lên án những ai không trung thành giữ giao ước hôn nhân họ đã hứa với Thiên Chúa và với người phối ngẫu.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ngôn sứ phải làm theo ý của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh.
1.1/ Elijah giận dữ vì hoàn cảnh xảy ra không theo cách thức của ông.
(1) Phê bình văn bản: Câu 9b-11a không thể ở trong bản nguyên thủy vì:
– 9b-10 lặp lại 13b-14
– Đức Chúa chưa đi qua, làm sao Đức Chúa nói với Elijah (11a)? Trừ phi đó là lời của sứ thần của Đức Chúa.
(2) Lý do làm Elijah buồn giận: Ông là người thích những gì gay cấn. Ông muốn Đức Chúa làm những truyện đại sự như đóng cửa trời không cho mưa và khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi của lễ… Thiên Chúa muốn dạy ông một bài học trong lần hiện ra hôm nay: Cả ba trường hợp kinh hồn xảy ra, nhưng Đức Chúa không ở trong đó như Elijah nghĩ: “Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa không ở trong cơn gió bão. Sau đó là động đất, nhưng Đức Chúa không ở trong trận động đất. Sau động đất là lửa, nhưng Đức Chúa cũng không ở trong lửa.”
Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng đó, ông Elijah lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang. Ông không nghĩ Đức Chúa sẽ đến trong cơn gió nhẹ nhàng, nhưng Đức Chúa đã tới. Ngài hỏi ông: “Elijah, ngươi làm gì ở đây?” Câu hỏi của Đức Chúa vừa mang sự khiển trách vừa mang tính an ủi. Ngài biết tất cả những gì đang xảy ra trong tâm hồn ông. Câu trả lời của Elijah mang tính hờn giận: “Lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh, nung nấu con, vì con cái Israel đã bỏ giao ước với Ngài, phá huỷ bàn thờ, dùng gươm sát hại các ngôn sứ của Ngài. Chỉ sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng con.”
Ngôn sứ của Thiên Chúa dễ dàng rơi vào tình trạng như Elijah, vì thấy những cố gắng của mình không mang lại kết quả; nhưng họ chỉ nhìn thấy kết quả khi Thiên Chúa cho nhìn thấy, thường là khi đã chết rồi.
1.2/ Đức Chúa truyền cho ngôn sứ Elijah phải làm theo ý của Ngài: Đức Chúa không để ý đến những lời hờn giận của Elijah; nhưng Ngài trao cho ông 3 sứ vụ mới: “Ngươi hãy đi con đường ngươi đã đi trước qua sa mạc cho tới Damascus mà về. Tới nơi, ngươi sẽ xức dầu phong Hazael làm vua Syria; còn Jehu con của Nimshi, ngươi sẽ xức dầu tấn phong nó làm vua Israel. Elisah con Shaphat, người Abelmeholah, ngươi sẽ xức dầu tấn phong nó làm ngôn sứ thay cho ngươi.” Việc trao 3 sứ vụ này cho chúng ta thấy sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa. Ngài dùng con người trong một thời gian rồi lại chuyển giao nhiệm vụ cho người khác. Qua ba việc này, Ngài đang chuẩn bị tất cả những người sẽ thay thế cho vua Syria, vua Israel, và cho cả Elijah.
2/ Phúc Âm: Ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình.
2.1/ Ngoại tình trong tư tưởng: Hai yếu tố chính cấu thành bí-tích Hôn Phối: (1) để hai người yêu thương nhau; và (2) để sinh sản con cái cho Thiên Chúa. Tình dục không bao giờ là mục đích chính của hôn nhân, nhưng chỉ là hậu quả của tình yêu giữa hai người. Hiểu thần học về hôn nhân như thế, khi con người lấy nhau, mục đích chính là vì yêu thương: vì yêu mến Thiên Chúa, họ tỏ tình yêu thương cho nhau và cho con cái. Họ dùng thân thể mình để diễn tả tình yêu Thiên Chúa cho nhau. Vì thế, họ phải trung thành yêu thương nhau suốt đời, như Luật dạy: Chớ ngoại tình.
Không những thế, họ còn phải cẩn thận tránh xa những dịp làm thương tổn đến tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với người phối ngẫu của mình. Thiên Chúa quá biết từ ước muốn sẽ dẫn tới hành động, nên Ngài muốn con người phải biết kiểm soát luôn cả ước muốn của mình. Vì thế, Chúa dạy: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.”
2.2/ Tránh những dịp gây nguy hiểm cho phần rỗi linh hồn: Chúng ta không thể hiểu theo nghĩa đen câu Chúa nói: “Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục.” Nếu hiểu như thế, con người chúng ta chẳng còn gì để loại bỏ, và cũng chẳng sống được. Điều Chúa Giêsu muốn nói ở đây là chúng ta phải quan tâm đặc biệt đến phần rỗi linh hồn. Nếu những gì chúng ta đang có mà nó gây nguy hiểm cho phần rỗi, hãy mạnh dạn vứt đi, thà đừng có còn hơn. Chúng ta phải mạnh dạn loại bỏ tất cả những thứ không có lợi đó như: xem xi-nê, phim ảnh, party, và nhất là tứ đổ tường.
2.3/ Vợ chồng phải trung thành với nhau suốt đời: Khi con người lãnh nhận bí-tích Hôn Phối, họ hứa sẽ trung thành với nhau suốt đời; và họ biết: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không thể phân ly.” Moses cho phép ly dị là vì sự cứng lòng của con người (Mt 19:8). Giáo Hội cho phép ly dị trong những trường hợp đặc biệt cũng là cho sự yếu đuối của con người mà thôi.
Chúa Giêsu còn đi xa hơn: “Ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.” Người ly dị vợ cũng phải mang thêm một tội là làm cớ cho vợ ngoại tình. Người ăn ở với người đàn bà bị rẫy đó cũng phạm tội ngoại tình luôn. Điều này dẫn chứng cho chúng ta thấy, tội rất ít khi dừng lại ở chỗ làm thiệt hại cá nhân, nhưng bành trướng rộng tới gia đình và xã hội.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Thiên Chúa ban cho chúng ta mỗi người một thân xác, không phải là để hưởng thụ; nhưng để mưu cầu ơn cứu độ cho chính mình và cho tha nhân.
– Chúng ta phải biết dùng các chi thể của thân xác chúng ta cho việc rao giảng Tin Mừng và mở mang Nước Chúa. Nếu chúng ta không biết cách dùng, chúng sẽ trở nên bằng chứng để buộc tội chúng ta.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************