Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Sáu Tuần XIX Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: Ed 16, 1-15. 60. 63
“Ngươi tuyệt hảo nhờ sự huy hoàng Ta đã mặc cho ngươi, thế mà ngươi đã mãi dâm truỵ lạc”.
Trích sách Tiên tri Êdêkiel.
Có lời Chúa phán cùng tôi rằng: “Hỡi con người, hãy cho Giêrusalem biết tội ác ghê tởm của nó. Hãy nói: Chúa là Thiên Chúa phán cùng Giêrusalem rằng: Nguồn gốc và sinh quán của ngươi là xứ Canaan. Cha ngươi là người Amorê: mẹ ngươi là người Xêthêa. Khi ngươi sinh ra, ngày ngươi chào đời, người ta không cắt rốn, không rửa ngươi trong nước cho sạch sẽ, không xát muối và bọc khăn cho ngươi. Không ai đem lòng thương xót nhìn ngươi để làm cho ngươi một công việc nào như thế. Ngày ngươi sinh ra, vì ghê tởm ngươi, người ta đã bỏ ngươi ngoài đồng.
Ta đi qua gần ngươi và thấy ngươi dẫy dụa trong máu. Ta đã nói cùng ngươi rằng: ‘Hãy sống trong máu và lớn lên như cỏ ngoài đồng’. Ngươi đã nảy nở, lớn lên và đến tuổi dậy thì. Ngực ngươi nở nang, tóc ngươi rậm dài, nhưng ngươi vẫn khoả thân. Bấy giờ Ta đi qua gần ngươi và thấy ngươi. Lúc đó ngươi đã đến tuổi yêu đương. Ta lấy vạt áo trải trên mình ngươi mà che sự khoả thân của ngươi. Ta thề và kết ước với ngươi – lời Chúa phán – và ngươi đã thuộc về Ta. Ta đã tắm ngươi trong nước, rửa máu trên mình ngươi và xức dầu cho ngươi. Ta đã mặc cho ngươi áo màu sặc sỡ và xỏ giày da tốt cho ngươi, thắt lưng ngươi bằng dây gai mịn và choàng cho ngươi áo tơ lụa. Ta đã lấy đồ quý mà trang điểm cho ngươi. Ta đã đeo xuyến vào tay ngươi, đeo kiềng vào cổ ngươi. Ta đã xỏ khoen vào mũi ngươi, đeo hoa tai vào tai ngươi và đặt triều thiên rực rỡ trên đầu ngươi. Ngươi đã được trang điểm bằng vàng bạc, mặc áo bằng vải mịn, tơ lụa và hàng thêu. Ngươi ăn bột miến lọc, mật ong và dầu ôliu. Càng ngày ngươi càng xinh đẹp và tiến lên ngôi nữ hoàng. Ngươi đã lừng danh giữa các dân tộc nhờ sắc đẹp của ngươi vì ngươi thật là tuyệt hảo nhờ sự huy hoàng Ta đã mặc cho ngươi. Chúa là Thiên Chúa phán, nhưng ngươi đã cậy sắc đẹp và lợi dụng danh tiếng của ngươi, để mãi dâm trụy lạc. Ngươi hiến thân cho bất cứ ai qua đường. Nhưng phần Ta, Ta sẽ nhớ lại giao ước Ta đã lập với ngươi khi ngươi còn xuân xanh. Ta sẽ lập với ngươi một giao ước vĩnh cửu. Như thế, để ngươi phải nhớ lại mà xấu hổ, và vì xấu hổ, ngươi sẽ không còn mở miệng ra nữa, khi Ta tha thứ hết mọi việc ngươi đã làm. Chúa là Thiên Chúa phán”. Đó là lời Chúa.
Hoặc bài vắn này: Ed 16, 59-63
Chúa là Thiên Chúa đã phán thế này: “Ta sẽ đối xử với ngươi như ngươi đã đối xử với Ta, ngươi đã khinh rẻ lời thề mà huỷ bỏ giao ước. Nhưng phần Ta, Ta sẽ nhớ lại giao ước Ta đã lập với ngươi khi ngươi còn xuân xanh. Ta sẽ lập với ngươi một giao ước vĩnh cửu. Và ngươi sẽ ghi nhớ các đường lối của ngươi mà cảm thấy nhục khi Ta lấy các chị các em gái ngươi mà ban cho ngươi làm con, mặc dầu chúng không có chân trong giao ước của ngươi. Ta sẽ giữ vững giao ước của Ta với ngươi, và ngươi sẽ biết rằng Ta là Chúa, và như thế, để ngươi phải nhớ lại mà xấu hổ, và vì xấu hổ, ngươi sẽ không còn mở miệng ra nữa, khi Ta tha thứ hết mọi việc ngươi đã làm. Chúa là Thiên Chúa phán”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Is 12, 2-3. 4bcd. 5-6
Đáp: Chúa đã bỏ cơn giận của Chúa và đã an ủi tôi (c. 1c).
Xướng:
1) Đây Thiên Chúa là Đấng Cứu Chuộc tôi, tôi sẽ tin tưởng mà hành động và không khiếp sợ: vì Chúa là sức mạnh, là Đấng tôi ngợi khen, Người sẽ trở nên cho tôi phần rỗi. – Đáp.
2) Hãy ca tụng Chúa và kêu cầu danh Người; hãy công bố cho các dân biết kỳ công của Chúa; hãy nhớ lại danh Chúa rất cao sang. – Đáp.
3) Hãy ca tụng, vì Người làm nên những việc kỳ diệu; hãy cao rao việc đó trên khắp hoàn cầu. Hỡi người cư ngụ tại Sion, hãy nhảy mừng ca hát, vì Đấng cao cả là Đấng Thánh Israel ở giữa ngươi. – Đáp.
ALLELUIA: 1 Ga 2, 5
Alleluia, alleluia! – Ai giữ lời Chúa Kitô, thì quả thật, tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 19, 3-12
“Vì lòng chai đá của các ngươi mà Môsê đã cho phép các ngươi rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, có những người biệt phái đến cùng Chúa Giêsu và hỏi thử Người rằng: “Có được phép rẫy vợ vì bất cứ lẽ gì không?” Người đáp: “Nào các ông đã chẳng đọc thấy rằng: Từ thuở ban đầu, Tạo Hoá đã dựng loài người có nam có nữ, và Người đã phán: Bởi thế nên người nam sẽ bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai sẽ nên một thân xác? Cho nên họ không còn là hai, nhưng là một thân xác. Vậy điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, thì loài người không được phân ly”. Họ hỏi lại: “Vậy tại sao Môsê đã truyền cấp tờ ly hôn mà cho rẫy vợ?” Người đáp: “Vì lòng chai đá của các ông mà Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy. Tôi bảo các ông rằng: Ai rẫy vợ, trừ nố gian dâm, và đi cưới vợ khác, thì phạm tội ngoại tình. Và ai cưới người đã bị rẫy, cũng phạm tội ngoại tình”.
Các môn đệ thưa Người rằng: “Nếu sự thể việc vợ chồng là như thế, thì tốt hơn đừng cưới vợ”. Người đáp: “Không phải mọi người hiểu được điều ấy, nhưng chỉ những ai được ban cho hiểu mà thôi. Vì có những hoạn nhân từ lòng mẹ sinh ra, có những hoạn nhân do người ta làm nên, và có những người vì Nước Trời, tự trở thành hoạn nhân. Ai có thể hiểu được thì hiểu”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
14/08/2020 – THỨ SÁU TUẦN 19 TN
Th. Mắc-xi-mi-li-a-nô M. Kôn-bê, linh mục, tử đạo
Mt 19,3-12
BẬC SỐNG NÀO CŨNG CAO ĐẸP
Chúa Giê-su nói: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”… Các môn đệ thưa Người: “Nếu làm chồng mà phải như thế với vợ thì thà đừng lấy vợ còn hơn.” Chúa Giê-su nói: “Không phải cũng hiểu được câu nói ấy. Chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu được mà thôi.” (Mt 19,6.10-11)
Suy niệm: Đặc tính hôn nhân Ki-tô giáo là một vợ một chồng và chung thuỷ với nhau suốt đời; đó quả là một lý tưởng tuyệt đẹp, lý tưởng đến nỗi nhiều người sợ rằng đó là điều không tưởng. Ngay cả một số môn đệ còn nghĩ rằng như thế thì “đi tu” còn có lý hơn! Chúa Giê-su cho biết đời tu cũng cao đẹp và hấp dẫn, nhưng không phải là dễ hơn, bởi vì “chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu được” mà thôi. Quả vậy, trong khi bậc sống hôn nhân diễn tả tình yêu chung thuỷ của Đức Ki-tô với Hội Thánh, thì bậc sống tu trì – tức là độc thân vì Nước Trời – lại diễn tả ngay ở đời này cuộc sống thanh thoát như các thiên thần ở đời sau.
Mời Bạn: Cần tránh thái độ “đứng núi này trông núi nọ”. Hãy nhớ rằng cả hai bậc sống đều cao đẹp và không cuộc sống nào cao đẹp lại chấp nhận một lối sống dễ dãi buông thả. Vấn đề của mỗi người không phải là bậc sống nào cao hơn mà là Chúa chọn gọi mình vào bậc sống nào.
Chia sẻ: Những giá trị chân thật của cả hai bậc sống ngày nay đều đang bị đe doạ. Hãy sống trọn vẹn bậc sống của mình để những giá trị đó được toả sáng.
Sống Lời Chúa: Đã chọn lựa bậc sống (khấn dòng/chức thánh/kết hôn) ư? Hãy trung thành. Nếu chưa, hãy suy nghĩ cầu nguyện để chọn đúng bậc sống của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chọn đúng và trung thành với bậc sống Chúa muốn kêu gọi con.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm
“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phép phân ly.”
Lời của Đức Giêsu đã vang vọng qua hai mươi thế kỷ,
và vẫn thường được chọn để in trên thiệp cưới.
Phải chăng người ta ngầm nhắc nhau rằng
ly dị là từ không nên có trong từ điển của các đôi vợ chồng.
Tiếc thay số vụ ly hôn nơi các kitô hữu đã gia tăng đáng kể.
Sống với nhau đến đầu bạc răng long trở thành một giấc mơ.
Trong xã hội Do-thái giáo thời Đức Giêsu,
người phụ nữ không được bình đẳng với nam giới.
Người vợ là một thứ tài sản của người chồng,
nên chỉ người chồng mới có quyền ly dị vợ, có khi chỉ vì một lý do cỏn con.
Trước câu hỏi: “chồng có được phép ly dị vợ vì bất cứ lý do nào không?”
Đức Giêsu đã kiên quyết nói không (c. 6).
Ngài bênh vực các bà vợ bị áp chế.
Họ không phải là một món hàng bỏ đi khi không cần hay không ưng.
Lập trường của Ngài đi ngược với nền văn hóa và tôn giáo thời đó.
Điều này khiến chính các môn đệ bị sốc (c. 10).
Hóa ra các ông vẫn cho mình có quyền bỏ vợ khi họ muốn.
Người Pharisêu trích sách Đệ Nhị Luật (24, 1)
để biện minh cho việc được phép ly dị đúng theo Luật Môsê (c. 7).
Còn Đức Giêsu lại trích sách Sáng Thế (2, 24)
để nhấn mạnh cho sự hiệp nhất vĩnh viễn giữa đôi vợ chồng.
“Cả hai thành một xương một thịt” không chỉ về mặt thân xác,
mà còn trở nên một lòng, một ý, một ước mơ, một hành động.
Ngài khẳng định điều này đã có từ thuở ban đầu (cc. 4. 8)
và nằm trong ý định nguyên thủy của Thiên Chúa.
Việc Môsê cho phép ly dị chỉ là một nhượng bộ tạm thời (c. 8).
Đức Giêsu đến để hoàn chỉnh Luật Môsê
và khai mở ý muốn trọn vẹn của Thiên Chúa về hôn nhân.
Hôn nhân không phải chỉ là chuyện của hai người yêu nhau và lấy nhau.
Trong Lễ Cưới có sự hiện diện của Thiên Chúa là Đấng phối hợp.
Ngài tiếp tục bảo vệ tình yêu, cả khi hai người cùng muốn chia tay.
Hôn nhân không phải là một bản hợp đồng
mà hai bên được phép xé bỏ khi muốn.
Chung thủy mãi mãi là chuyện khó đối với con người thời nay.
Khi thịnh vượng, lúc gian nan, khi mạnh khỏe, lúc đau yếu,
khi buồn chán và thất vọng về nhau, khi yếu đuối và vấp ngã,
khi đổ vỡ quá lớn tưởng như không sao hàn gắn được,
khi đời sống vợ chồng thành như hỏa ngục trần gian…
khi ấy người ta cần Thiên Chúa để tiếp tục yêu thương và kính trọng nhau.
Xin bớt một chút ích kỷ tự ái, thêm một chút khiêm hạ yêu thương,
bớt một chút tự do đam mê, thêm một chút hy sinh tha thứ…
để gìn giữ tình nghĩa vợ chồng như quà tặng mong manh của trời cao.
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
Xin cho con gặp được ánh mắt của Chúa
Ít là một lần trong đời.
Khi tương lai con đang vững vàng ổn định,
Xin hãy nhìn con như Chúa đã nhìn Lêvi
Và mời gọi con đứng lên theo Chúa,
Bỏ lại tất cả những gì con cậy dựa.
Khi con chẳng còn là mình, vấp ngã như Simon,
Xin hãy quay lại nhìn con
Bằng ánh mắt xót thương, tha thứ,
Để con òa khóc như trẻ thơ.
Khi con khao khát cuộc sống cuộc đời hoàn thiện,
Xin hãy nhìn con bằng ánh mắt yêu thương
Như Chúa đã trìu mến
Nhìn người thanh niên giàu có.
Khi con ước mong được thấy khuôn mặt Chúa,
Xin Chúa hãy dừng lại và ngước lên nhìn con,
Như Chúa đã ngước lên nhìn Dakêu
Và cho ông thấy cả tấm lòng bao la bát ngát.
Lạy Chúa Giêsu,
Xin dạy chúng con biết nhìn con người hôm nay
Bằng ánh mắt của Chúa.
Chúa động lòng thương
Khi thấy bao người yếu đau,
Thấy đám đông bơ vơ như chiên không mục tử.
Ánh mắt Chúa thấu suốt lòng người.
Chúa buồn phiền khi thấy có kẻ lòng chai dạ đá,
Nhưng Chúa cũng vui
Khi thấy bà góa nghèo bỏ vào tất cả.
Đôi mắt Chúa đã từng nhòa lệ
Trước cái chết của người bạn thân là Ladarô,
Và trước viễn ảnh sụp đổ của thành đô yêu dấu.
Lạy Chúa, đôi mắt là cửa số của tâm hồn.
Xin cho con qua cửa sổ ấy mà vào tâm hồn Chúa. Amen
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
14 THÁNG TÁM
Mục Đích Phổ Quát Của Con Người Trong Kế Hoạch Của Thiên Chúa
Tuy nhiên, Công Đồng không nhắm mắt trước những vấn đề ngổn ngang mà con người đối mặt khi phát triển trái đất, cả những vấn đề trong chính mình lẫn những vấn đề trong cuộc sống với người khác. Sẽ là thiếu thành thật nếu phớt lờ những vấn đề ấy; cũng vậy, sẽ là một sai lầm nếu trình bày các vấn đề ấy một cách không đúng đắn và không phù hợp qua việc không qui chiếu đến sự quan phòng và ý định của Thiên Chúa.
Công Đồng nói: “Ngày nay, tuy đã tự hào trước những khám phá và quyền lực mình, nhân loại vẫn thấy lo lắng thắc mắc về sự tiến hóa hiện nay của thế giới, về chỗ đứng và phận vụ của con người trong vũ trụ, về ý nghĩa của những cố gắng cá nhân cũng như tập thể, và sau hết về cùng đích của con người và muôn loài” (MV 3).
Rồi Công Đồng tiếp tục giải thích: “Cũng như trong bất cứ cơn khủng hoảng tăng trưởng nào, sự biến đổi này kéo theo những khó khăn không nhỏ. Chẳng hạn như đang khi bành trướng quá rộng quyền lực của mình, không phải lúc nào con người cũng có thể bắt nó phục vụ mình. Cố gắng đi sâu hơn vào thâm tâm mình, con người nhiều khi lại tỏ ra hoang mang hơn về chính mình. Dò dẫm tìm hiểu rõ hơn những luật lệ của đời sống xã hội, con người lại do dự không dám định đoạt hướng đi cho mình” (MV 4).
Một cách rất ấn tượng, Công Đồng nói về “những mâu thuẫn và chênh lệch” là hệ lụy của sự thay đổi “nhanh chóng và lộn xộn” trong các điều kiện kinh tế xã hội, trong tập quán, trong văn hóa, trong suy nghĩ và trong lương tâm con người, trong gia đình, trong các mối quan hệ xã hội, trong quan hệ giữa các nhóm, các cộng đồng và các quốc gia. Điều này gây ra “những ngờ vực và thù nghịch nhau, những xung đột và thống khổ mà chính con người là nguyên nhân và nạn nhân.” (MV 8-10).
Cuối cùng, Công Đồng vạch ra gốc rễ của vấn đề nói trên khi tuyên bố: “Những chênh lệch dày vò thế giới ngày nay gắn kết với một chênh lệch căn bản hơn phát xuất từ đáy lòng con người” (MV 10).
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 14/8
Thánh Maximilianô Maria Kolbê, linh mục tử đạo
Ed 16, 1-15.60-63; Mt 19, 3-12.
LỜI SUY NIỆM: “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ, và Người đã phán: Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.”
Trong hôn nhân Công Giáo, Giáo Hội đòi buộc một nam và một nữ chung thủy trọn đời. không được ly dị vì bất cứ lý do gì. Giữa người nam và người nữ có bổn phận và trách nhiệm cùng chung tay xây dựng một gia đình và giáo dục con cái ngày càng khôn lớn trước mặt Chúa và người đời; trong đó cả hai đều hợp tác với nhau làm chung nhiều công việc tốt. giúp nhau tránh việc xấu và sự ác. Cả hai đều biết tôn trọng nhau, biết lắng nghe nhau, nhận ra lỗi của mình, biết xin lỗi, biết sửa lỗi và biết cám ơn nhau; nâng đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh để ngày càng làm thăng tiến hôn nhân gia đình.
Lạy Chúa Giêsu. Trong hôn nhân gia đình luôn cần có tình yêu ngự trị. Xin cho chúng con luôn biết nghĩ đến hạnh phúc của người phối ngẫu hơn là hạnh phúc của riêng mình; biết hãnh diện vì được phục vụ hơn là được phục vụ; nhờ đó trong từng gia đình của chúng con luôn có sự hạnh phúc.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
14 Tháng Tám
Còn Tình Nào Cao Quý Hơn
Vào khoảng cuối tháng 7/1941, một tù nhân đã trốn khỏi trại tập trung Auschwitz. Theo quy định của những người Ðức quốc xã đang điều khiển trại, cứ một tù nhân đào thoát, thì 10 người khác phải thế mạng.
Duyệt qua khu biệt giam, viên chỉ huy Fritsch trỏ tay vào hàng rào các tù nhân và ông đếm từ 1 đến 10. Mười người bị tử thần chiếu cố đã lần lượt tiến đến trước mặt người đồ tể. Người thứ mười đứng cạnh cha Maximiliano Kobel chợt la lên thảm thiết: “Vợ tôi, con tôi, trời ơi! Tôi sẽ không bao giờ gặp được vợ con tôi”. Cha Maximiliano Kobel đã kéo người tử tội thứ mười đó lại và ngài tiến ra đứng thế chỗ cho anh…
Sau này, Francis Gajownizcek, người đàn ông đã được cha Maximiliano Kobel chết thế đã kể lại: Tinh thần trong trại thay đổi hẳn. Sự kiện này đã tạo ra một ấn tượng cao đẹp vàsâu xa… Vị linh mục dòng Fanxico đó không những chỉ chia sẻ cho các bạn tù một mẩu bánh, vài muỗng xúp, nhưng là chính mạng sống của mình để chuộc mạng cho người khác…
Liên tiếp trong hai tuần, cha Maximiliano Kobel đã phải nhịn đói, nhịn khát để chờ chết. Cơn hấp hối kéo dài quá lâu khiến những người Ðức quốc xã không thể chờ đợi được. Sau cùng, viên lý hình đã kết thúc cuộc đời của cha bằng một mũi thuốc độc.
Thân xác của cha đã được hỏa táng và tro tàng đã được rắc trên đồng lúa như phân bón. Nguyện ước lúc thiếu thời của cha đã được thành tựu: “Tôi ước ao được hóa thành tro bụi vì Ðức Trinh Nữ Vô Nhiễm nguyên tội. Ước gì tro đó được reo rắc khắp nơi trên thế giới để không còn một mảnh thi hài nào còn sót lại…”.
Nhà tù nào cũng có thể là một hỏa ngục: hỏa ngục của hận thù, của ích kỷ, của phản bội. Có lẽ nhiều người Việt Nam đã và đang trải qua những hành hạ dã man gấp bội phần những gì đã diễn ra trong các trại tập trung thời Ðức quốc xã…
Nhà tù có thể là hỏa ngục, nhưng cũng có thể là Thiên Ðàng: Thiên Ðàng của hy sinh, nhẫn nhục, yêu thương, tha thứ, quảng đại… Biết bao nhiêu hoa thơm đã chớm nở trong cảnh khốn cùng ấy. Khốn khổ càng nhiều, hy sinh càng cao.
“Không có tình yêu nào cao quý bằng tình yêu của người thí mạng sống vì người mình yêu”. Chúa Giêsu đã tuyên bố như thế và Ngài đã đi đến cùng cam kết của Ngài. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá không những là sự thể hiện của sự độc ác dã man của con người, nó còn là dấu chỉ của mối tình của một người đã yêu và yêu cho đến cùng…
Cái chết hy sinh vì người khác, Chúa Giêsu muốn luôn được tiếp tục qua cuộc sống của người Kitô. Ðã có rất nhiều người đã lập lại cái chết đó qua suốt lịch sử của Giáo Hội và hiện nay, còn biết bao nhiêu người vẫn còn tái diễn cái chết đó qua những hy sinh hằng ngày của mình…
Hôm nay, chúng ta kính nhớ thánh Maximiliano Kobel, ngươòi đã chết thay cho một người bạn tù. Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong thánh cho ngài ngày 10/10/1982 và đặt ngài làm quan thầy của thời đại khó khăn. Kinh nghiệm của ngài chắc chắn đang tái diễn hằng ngày trong xã hội chúng ta, trong đó người Kitô không ngừng được mời gọi để quên mình và sống cho người khác.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 19 TN2
Bài đọc: Eze 16:1-15, 60, 63 (hay Eze 16:59-63); Mt 19:3-12
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình yêu và ly dị.
Nhiều đôi tân hôn trong ngày cưới đã yêu nhau và hạnh phúc đến độ mọi người nhìn vào đã phải thốt lên họ thật “xứng đôi vừa lứa.” Vài năm sau gặp lại hỏi anh chồng: “Vẫn hạnh phúc chứ?” Anh buồn bã quay đi và trả lời: “Ly dị rồi!” Làm sao hai người đã yêu nhau đến thế và đã thề trước nhan thánh Chúa là sẽ yêu thương nhau trọn đời lại có thể “đường ai nấy đi” trong vòng mới chỉ hai hay ba năm? Thực ra, ly dị là vấn đề của mọi thời đại và mọi nơi. Trong xã hội chúng ta đang sống, ly dị trở thành phổ thông đến độ cứ hai cặp kết hôn thì một cặp ly dị. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Có được phép ly dị vì bất kỳ lý do nào không? Nếu được, trong hoàn cảnh nào được phép ly dị?
Các bài đọc hôm nay tập trung trong hai chủ đề tình yêu và ly dị. Trong bài đọc I, ngôn sứ Ezekiel dùng hình ảnh một cô gái để nói lên tình yêu và sự trung thành của Thiên Chúa dành cho nhà Israel. Ngài yêu họ khi họ chưa là một quốc gia, khi họ vẫn còn bị đối xử tàn nhẫn như nô lệ bên Ai-cập. Ngài đã giải thoát họ khỏi đất nô lệ và đồng hành với họ suốt 40 năm trường trong sa mạc. Ngài đuổi dân bản xứ đi và cho họ vào sở hữu một vùng đất chảy sữa và mật… Nhưng khi họ đã trở thành một dân tộc, họ đã bội nghĩa quên thề để chạy theo thờ phượng các thần của ngoại bang. Ngài có thể bỏ mặc họ cho quân thù giày xéo, nhưng Ngài chọn con đường yêu thương họ đến cùng. Trong Phúc Âm, một số người Pharisees đến thách thức và hỏi Chúa Giêsu: “Người ta có được ly dị vợ mình vì bất kỳ lý do gì không?” Chúa Giêsu cho họ nguyên lý của Thiên Chúa từ thuở ban đầu: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sự trung thành của Thiên Chúa dành cho nhà Israel: Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
1.1/ Thiên Chúa yêu Israel dù họ chẳng có gì đáng yêu: Để hiểu tội lỗi của Israel đã xúc phạm đến Thiên Chúa nặng đến chừng nào, Thiên Chúa đã trở về nguồn gốc quá khứ để cho họ thấy Ngài đã yêu họ như nào. Ngài dùng hình ảnh một trẻ gái mới sinh để mô tả nguồn gốc của Israel, họ không phải là một quốc gia từ đầu, chẳng có đất đai hay của cải để sinh sống, chẳng ai thèm quan tâm đến nhu cầu của họ, làm nô lệ và bị đối xử tàn nhẫn bên Ai-Cập. Chúa đã nghe tiếng khóc than của họ nên Ngài đã dùng Moses đưa họ vượt Biển Đỏ vào Đất Hứa.
Khi đã vượt Biển Đỏ vào sa mạc, Chúa đã đồng hành để dạy dỗ và thanh tẩy họ, nhưng lúc ấy họ vẫn chưa có một tấc đất để ở (không mảnh vải che thân). Vì yêu thương nên Chúa đã thề nguyền và lập giao ước với họ (giao ước Sinai), Ngài trở thành Vua của họ, và họ trở thành dân riêng của Ngài. Thiên Chúa đã cho họ đánh thắng quân thù để chiếm Vùng Đất Hứa đầy sữa và mật mà Ngài đã hứa ban. Họ phát triển mạnh mẽ và trở thành một dân tộc nổi tiếng trên địa cầu vì Chúa ở với họ. Nhưng một khi đã trở nên mạnh mẽ và nổi tiếng, họ đã khinh dể lời thề mà huỷ bỏ giao ước đã ký kết với Thiên Chúa, họ đã quay lưng phản bội Ngài để chạy theo các thần ngọai bang và thờ phượng chúng.
1.2/ Thiên Chúa vẫn trung thành yêu thương: Mặc dù bị Israel phản bội, Thiên Chúa vẫn trung thành với giao ước mà Ngài đã thiết lập với họ từ thời họ còn thanh xuân. Ngài sẽ phải đánh phạt họ để thanh tẩy trước khi ký kết với họ một giao ước mới, giao ước vĩnh cửu. Tất cả quá khứ của Israel đã được các tiên tri phơi bày trước mắt họ để họ phải xấu hổ vì đã bội ước quên thề, và trong lúc phải tủi nhục, họ sẽ không dám mở miệng nói gì được nữa, khi Chúa tha thứ cho họ tất cả những việc họ đã làm.
2/ Phúc Âm: Vấn đề ly dị.
2.1/ Tại sao không được ly dị? Khi những người Biệt-phái và Luật-sĩ đến hỏi Chúa Giêsu có được phép ly dị vì bất cứ lý do nào không? Thay vì trả lời có hoặc không, Chúa Giêsu đưa ra một nguyên tắc từ thuở ban đầu khi Thiên Chúa tạo dựng con người: “Ngài đã làm ra con người có nam có nữ, và Ngài đã phán: Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Gen 2:23-24). Thiên Chúa thiết lập nguyên tắc chứ không thiết lập luật, và dựa trên nguyên tắc này thì hôn nhân bất khả phân ly.
2.2/ Tại sao Moses cho phép ly dị? Khi họ thưa với Người: “Thế sao ông Moses lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?” Người bảo họ: “Vì các ông lòng chai dạ đá (schlerokardía = khó dạy), nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu không có thế đâu.” Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu kêu gọi họ trở lại thuở ban đầu khi mọi sự Chúa dựng nên đều tốt lành, ly dị chỉ xảy ra sau khi con người đã sa ngã và Moses đã cho phép. Tuy nhiên, điều Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh ở đây đó là luật của con người làm ra vì sự cứng lòng của con người, chứ không phải luật của Thiên Chúa ban cho. Nếu con người muốn trở lại thuở ban đầu tốt lành thì không bao giờ được ly dị.
Có sự khác biệt giữa các Phúc Âm Nhất Lãm trong câu kế tiếp: Marcô và Luca không liệt kê ra bất cứ trường hợp nào được phép ly dị, nhưng Matthew liệt kê một trường hợp có thể được ly dị khi Chúa nói: “Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp gian dâm (pornéia), ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình” (Mt 18:9). Các nhà chú giải tranh luận về nghĩa của pornéia vì nó có quá nhiều nghĩa. Theo Friberg lexicon, “pornéia” có nghĩa gian dâm, rộng hơn “moikéia”= ngọai tình. Pornéia có thể bao gồm bất cứ lọai gian dâm nào như giao hợp giữa hai người chưa kết hôn, đĩ điếm, hay các loại giao hợp bất bình thường.
2.3/ Tại sao có những người không kết hôn? Các môn đệ thưa Người: Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn. Nhưng Người nói với các ông: Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu. Rồi Chúa liệt kê 3 hạng người không kết hôn: (1) Có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng: Đây gồm những người thiếu các yếu tố sinh lý cần thiết để có thể giao hợp. (2) Có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn: Đây gồm những họan quan làm việc trong triều đình để tránh việc họ có thể giao hợp với các cung phi của nhà vua. (3) Có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời: Đây gồm các linh mục, tu sĩ nam, nữ, giáo dân, những người tự ý không kết hôn để họ có thể dành tất cả cuộc đời cho việc mở mang Nước Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Ly dị không thể chấp nhận vì 2 lý do chính: (1) Đó là nguyên tắc căn bản từ ban đầu: Điều gì Thiên Chúa đã liên kết, con người không thể phân ly, và (2) Thiên Chúa đã làm gương cho con người về sự trung thành: Ngài đã tha thứ hết mọi tội cho con người dẫu con người đã phản bội Ngài. Chúa Giêsu đã chết cho con người khi con người vẫn còn là tội nhân.
– Hậu quả của ly dị: tan nát gia đình, để lại vết thương lòng cho mọi người trong gia đình, và con cái là thành phần phải chịu thiệt hại nhiều nhất.
– Đau khổ trong đời sống gia đình không thể nào tránh được, nhưng có thể vượt qua với ơn thánh của Chúa ban qua các bí-tích, nhất là bí-tích Hòa Giải và Thánh Thể. Hai vợ chồng cần năng lãnh nhận hai bí-tích này thì mới mong có thể trung thành với nhau suốt cuộc đời.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************