Ngày thứ sáu (15-01-2021) – Trang suy niệm

14/01/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Sáu Tuần I Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Dt 4, 1-5. 11

“Chúng ta hãy mau mau tiến vào nơi an nghỉ đó”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, chúng ta hãy lo sợ kẻo đang khi lời hứa được vào trong sự an nghỉ của Chúa còn có giá trị mà có người trong anh em tưởng mình không được hưởng. Quả thật, chúng ta đã nhận lãnh tin mừng như họ; nhưng lời họ đã nghe không sinh ích gì cho họ, bởi họ không lấy đức tin mà thông hiệp với những kẻ đã tin. Chúng ta là những kẻ đã tin; chúng ta đang đi vào nơi an nghỉ, như lời Người phán rằng: “Như Ta đã thề trong cơn thịnh nộ, chúng sẽ không được vào nơi an nghỉ của Ta”. Dầu vậy, các công trình của Người đã được hoàn tất từ tạo thiên lập địa. Vì chưng, có câu nói về ngày thứ bảy rằng: “Và ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã nghỉ mọi việc”. Lại có câu khác rằng: “Không, chúng nó sẽ chẳng vào nơi an nghỉ của Ta”. Vậy chúng ta hãy mau mau tiến vào nơi an nghỉ đó, để không ai sa ngã mà nên gương bất trung. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 77, 3 và 4bc. 6c-7. 8

Đáp:  Chúng tôi sẽ không quên lãng những kỳ công của Chúa (c. 7c).

Xướng: 1) Điều mà chúng tôi đã nghe, đã biết, mà tổ tiên đã thuật lại cho chúng tôi hay, chúng tôi sẽ kể lại cho thế hệ tương lai, đó là những lời khen ngợi và quyền năng của Chúa. – Đáp.

2) Để họ đứng ra và thuật lại cho con cái họ, hầu cho chúng đặt niềm hy vọng nơi Thiên Chúa, và không quên lãng những kỳ công của Người, những giới răn của Người chúng sẽ tuân theo. – Đáp.

3) Và chúng đừng trở nên như tổ tiên chúng, một thế hệ khó dạy và lăng loàn, một thế hệ không có lòng ngay thẳng, và không có tâm hồn trung kiên cùng Thiên Chúa. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 118, 27

Alleluia, alleluia! – Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 2, 1-12

“Con Người có quyền tha tội dưới đất”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Sau ít ngày, Chúa Giêsu lại trở về Capharnaum; nghe tin Người đang ở trong nhà, nhiều người tuôn đến đông đảo, đến nỗi ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng, và Người giảng dạy họ. Người ta mang đến cho Người một kẻ bất toại do bốn người khiêng. Vì dân chúng quá đông, không thể khiêng đến gần Người được, nên họ dỡ mái nhà trên chỗ Người ngồi một lỗ to, rồi thòng chiếc chõng với người bất toại xuống. Thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: “Hỡi con, tội lỗi con được tha”. Lúc ấy, có một ít luật sĩ ngồi đó, họ thầm nghĩ rằng: “Sao ông này lại nói thế? Ông nói phạm thượng. Ai có quyền tha tội, nếu không phải là một mình Thiên Chúa”. Chúa Giêsu biết tâm trí họ nghĩ như vậy, liền nói với họ: “Tại sao các ông nghĩ như thế? Nói với người bất toại này: ‘Tội lỗi con được tha’ hay nói: ‘Hãy chỗi dậy vác chõng mà đi’, đàng nào dễ hơn? Nhưng (nói thế là) để các ông biết Con Người có quyền tha tội dưới đất”. – Người nói với kẻ bất toại: “Ta truyền cho con hãy chỗi dậy, vác chõng mà về nhà”. Lập tức người ấy đứng dậy, vác chõng ra đi trước mặt mọi người, khiến ai nấy sửng sốt và ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Chúng tôi chưa từng thấy như thế bao giờ”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

15/01/2021 – THỨ SÁU TUẦN 1 TN

Mc 2,1-12

SỨ MẠNG RAO GIẢNG LỜI

“Người rao giảng lời cho họ.” (Mc 2,1)

Suy niệm: Đức Giê-su là Con Thiên Chúa đến thế gian không chỉ để làm một thầy lang chữa bệnh. Sứ mạng đầu tiên của Ngài là “nói lời Thiên Chúa” cho chúng ta. Lời Thiên Chúa là lời quyền năng không chỉ có sức chữa lành bệnh tật phần xác, mà hơn nữa còn tha tội, là chữa lành bệnh tật linh hồn. Chúa Giê-su đã tỏ hiện quyền năng của Lời khi Ngài cho anh bại liệt đứng dậy “vác chõng mà đi về nhà” đồng thời Ngài tuyên bố “tội của con đã được tha.” 

Rao giảng Lời Chúa là trung tâm điểm trong sứ vụ của Đức Giê-su. Vì thế, dù mục đích của dân chúng khi đến với Đức Giê-su là để xem dấu lạ, để thoả mãn tính hiếu kỳ, hay để được chữa bệnh, được ăn bánh no nê, thì Đức Giê-su vẫn kiên quyết giữ đúng mục đích của Ngài là rao giảng lời Chúa. Nói Lời Chúa và nói về Chúa: đó cũng chính là sứ mạng chính yếu của Giáo Hội.

Mời Bạn: Ngày nay, có nhiều giáo xứ, nhiều hội đoàn, nhiều nhóm Công giáo làm từ thiện. Nhưng liệu chúng ta có thực sự rao giảng về Chúa qua việc làm của chúng ta không, hay là chúng ta cũng chỉ giống như bao nhiêu tổ chức từ thiện ngoài xã hội khác? Mọi hoạt động của người ki-tô hữu chỉ xứng danh là của môn đệ Chúa Ki-tô khi nó chuyển tải được Lời Ngài đó là Tin Mừng của tình yêu, lòng thương xót và ý định cứu độ của Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa: Thường xuyên học hỏi và suy niệm Lời Chúa để có thể nói về Chúa và lan truyền giá trị Tin Mừng cho những người bạn gặp gỡ và phục vụ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con không chỉ loan báo về Chúa cho tha nhân bằng việc giúp đỡ, chia sẻ vật chất với họ nhưng còn bằng việc nói Lời Chúa và nói về Chúa cho họ. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Bối cảnh của bài Tin Mừng là căn nhà của ông Simon ở Caphácnaum.
Đức Giêsu đang được hết sức ái mộ bởi đám đông dân chúng.
Biết ngài trở về, họ tụ tập lại đông đến nỗi cửa cũng chẳng còn lối vào.
Chính vì thế khi bốn người bạn khiêng anh bất toại tới,
họ không biết làm sao mà vào được trong nhà để gặp Đức Giêsu.

Dù sao cũng có một tình cảm nào đó giữa năm người này.
Rất có thể họ là một nhóm bạn quen biết nhau và muốn giúp nhau.
Cả năm người đều tin rằng đến với Đức Giêsu là có hy vọng khỏi bệnh.
Họ đã hẹn nhau vào một ngày nhất định để lên đường.
Tình bạn được biểu lộ qua việc vất vả khiêng người bất toại.
Khi không vào được nhà, chắc cả năm người đều bối rối.
Về ư? hay chờ đợi? hay cứ liều gạt đám đông mà vào?
Hay còn một giải pháp nào khác tốt hơn?
Thời nay chúng ta khó hiểu được chuyện dỡ mái nhà mà vào.
Nhưng mái nhà của người Palestine thời ấy cũng khá đơn sơ,
chỉ gồm những thanh xà đặt trên các tường đá, rồi lợp tranh lên trên.
Nhóm năm người đã chọn giải pháp này, sau khi đã bàn bạc và nhất trí.
Kế đến là chuyện phân công.
Phải xin phép chủ nhà, phải leo lên dỡ mái bằng thang và làm một lỗ hổng,
phải kéo anh bất toại với chõng lên và hạ xuống ngay tại chỗ Đức Giêsu ngồi.
Tất cả công việc này cần nhiều sức mạnh và sự khéo léo,
nhất là cần lòng tin và tình bạn.

Hẳn Đức Giêsu đã hết sức kinh ngạc trước lòng tin này.
Lòng tin mạnh mẽ không lùi bước trước khó khăn cản trở.
Lòng tin đầy sáng tạo, dám tìm ra những con đường mới mẻ và khác thường.
Lòng tin mang tính tập thể, vì là niềm tin của cả nhóm năm người.
Lòng tin đòi vất vả, đổ mồ hôi, chứ không chỉ ở trong tâm trí.
Lòng tin táo bạo vì dỡ mái nhà có thể bị Đức Giêsu coi là là khiếm nhã.
Đức Giêsu đã thấy được lòng tin này và ngài đã chữa lành (c. 5).

Con đường trở về nhà của năm người thật là vui và nhẹ nhàng.
Người ta có thề đi ngang hàng với nhau, chứ không phải khiêng nhau nữa.
Nhìn nhóm người trên, tôi tự đặt cho mình vài câu hỏi.
Khi tôi bất toại, có người bạn nào giúp tôi không?
Tôi có khiêm nhường để cho người khác giúp tôi không?
Tôi có sẵn sàng để người khác đưa tôi đến với Giêsu không?
Tôi có chấp nhận vất vả để giúp một người bạn đang gặp khó khăn không?

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,
xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải,
để con làm bật rễ khỏi lòng con
những ích kỷ và khép kín.

Xin cho con đức tin can đảm
để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến,
chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.

Xin cho con đức tin sáng suốt
để con thấy được thế giới
mà mắt phàm không thấy,
thấy được Ðấng Vô hình,
nhưng rất gần gũi thân thương,
thấy được Ðức Kitô nơi những người nghèo khổ.

Xin cho con đức tin liều lĩnh,
dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,
dám tiến bước trong bóng đêm
chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa,
dám lội ngược dòng với thế gian
và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó.

Xin cho con đức tin vui tươi,
hạnh phúc vì biết những gì
đang chờ mình ở cuối đường,
sung sướng vì biết mình được yêu
ngay giữa những sa mù của cuộc sống.

Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp
qua những cọ xát đau thương của phận người,
để dù bao thăng trầm dâu bể,
con cũng không để tàn lụi niềm tin
vào Thiên Chúa và vào con người.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

15 THÁNG GIÊNG

Đời Sống Gia Đình Củng Cố Cấu Trúc Xã Hội

Như chúng ta thấy, gia đình – trong tư cách là “xã hội thứ nhất” – có những đòi hỏi tự nhiên của riêng nó và không thể bị o ép bởi các ý thức hệ hoặc bởi những đòi hỏi cá biệt nào đó của xã hội. Thật vậy, trách nhiệm của xã hội là phải gìn giữ và hỗ trợ gia đình bằng cách thiết lập những khoản luật và chế định những giá trị luân lý để phục vụ cho thiện ích chung. Bất cứ điều luật hay chuẩn mực luân lý nào không hỗ trợ cho gia đình thì cũng không thể nào là tốt cho toàn xã hội, vì gia đình là nền móng của xã hội. Những gì phá hoại gia đình thì đồng thời cũng phá hoại tất cả xã hội. Xã hội nào sẵn sàng xé rách gia đình rốt cục cũng sẽ thấm thía sự thật ấy.

Các nhà cầm quyền và những người làm công tác khoa học cần nhận thức rằng những nhu cầu chính đáng của con người và của xã hội đòi phải có sự cộng tác giữa lĩnh vực xã hội trần thế và lĩnh vực tôn giáo để bênh vực cho quyền lợi của gia đình. Công Đồng Vatican II nhìn nhận: “Trong khi theo đuổi mục đích cứu rỗi của mình, Giáo Hội không phải chỉ truyền thông sự sống Thiên Chúa cho con người, nhưng còn chiếu giãi ánh sáng của sự sống thần linh ấy trên toàn thế giới. Giáo Hội làm công việc này, trước hết bằng cách chữa trị và nâng cao phẩm giá nhân vị, củng cố cơ cấu của xã hội nhân loại và thấm nhuần cho hoạt động thường nhật của con người một chiều hướng và một ý nghĩa sâu xa hơn.” (MV 40) Như vậy, trong khi bảo vệ quan điểm Kitô giáo về đời sống hôn nhân và gia đình, Giáo Hội cũng đang xây dựng và củng cố toàn thể cộng đồng xã hội trần thế bằng một nền nếp luân lý vững chãi và tốt lành.

Thật vậy, tinh thần vâng phục của các tín hữu đối với giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình sẽ bảo đảm rằng các nhân đức luân lý vốn có khả năng vãn hồi sự công bằng, lòng trung tín, sự kính trọng nhân vị, tinh thần trách nhiệm và sự hiểu biết lẫn nhau … sẽ được nhấn mạnh và đề cao vì ích lợi của toàn xã hội.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 15/1

Dt 4, 1-5.11; Mc 2, 1-12.

LỜI SUY NIỆM: “Này con, con đã được tha tội rồi.”

          Với đức tin và sự tận tình của bốn người bạn, họ bất chấp những trở ngại. Họ đã đưa được người bạn của mình, gặp được Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn thấy không chỉ chữa lành cái bất toại của người nằm trên chỏng mà bốn người bạn đem đến. Chúa còn thấu hiểu rất rõ những gì nằm sâu kín trong tâm hồn của anh ta nữa. Chúa đã chữa lành cả tâm hồn cho anh ta. “Này con, con đã được tha tội rồi”

          Lạy Chúa Giêsu. Chúa muốn chúng con cùng cọng tác với nhau để đem những con người bệnh tật thể xác cũng như tinh thần đến gặp Chúa. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn giữ vững đức tin và lòng trông cậy để thực hiện đức ái.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

 15 Tháng Giêng  

Bình An Cho Các Con  

Có lần người ta hỏi đại thi hào Dante của nước Italia rằng: đâu là điều mà ông mong mỏi và tìm kiếm nhất trong cuộc sống. Bậc vĩ nhân đã trả lời như sau: “Tôi vẫn luôn đi tìm kiếm điều mà bất cứ ai cũng tìm kiếm: đó là sự bình an”.

 Ðó là điều mà chúng ta vẫn cầu xin cho người quá cố: trên bia mộ nào, chúng ta cũng luôn ghi lời cầu xin: xin cho họ được an nghỉ nghìn thu. Phải chăng trong cuộc sống hiện tại thế này, chúng ta sẽ không bao giờ tìm được hòa bình và an nghỉ? Trong những phút giây cuối đời, Chúa Giêsu đã hứa hẹn với chúng ta: “Ta ban bình an cho các con. Ta ban thứ bình an mà thế giới không thể ban tặng cho các con”.

 Thế giới của chúng ta dường như chưa bao giờ được hưởng những giây phút thái bình thực sự. Hòa bình chỉ là những khoảnh khắc tạm bợ đầy những rình rập của chiến tranh và lo sợ.

 Trước Chúa Kitô 600 năm tai Roma, một đền thờ đã được xây lên để kính nhớ thần Janus, vị thần mà người ta đã lấy tên để đặt cho tháng đầu tiên trong năm. Theo ước mong của toàn dân trong đế quốc La Mã, đền thờ này chỉ được mở cửa trong thời bình. Trong vòng 600 năm ấy, dường như các cửa của đền thờ này chỉ được mở trong ba giai đoạn ngắn ngủi. Cánh cửa Hòa Bình đóng mãi đối với con người ở mọi thời đại. Thời đại nào thế giới cũng mong đợi hòa bình, thời đại nào con người cũng mong đợi hòa bình. Khát vọng của Hòa Bình ăn rễ sâu trong lòng người, ngay cả những người suốt đời chỉ gieo rắc chiến tranh và đau thương cho người khác. Chúng ta thích khung cảnh tịch mịch thư thái, chúng ta ngây ngất trước ánh bình minh tươi sáng, chúng ta vui thỏa trước buổi chiều tà êm ả, chúng ta yêu thích những cánh hoa tươi mát v.v… Chúng ta thán phục những con người luôn tỏ ra bình thản trước những hoàn cảnh xáo trộn. Chúng ta đi tìm những tư tưởng bình an, những dòng nhạc êm dịu, những con người hiền lành.

 Chúa Giêsu đã nói đến hai chữ bình an không biết bao nhiêu lần. Ngày Ngài sinh hạ, các Thiên Thần loan báo sứ điệp của bình an. Ngài là Vua của những người xây dựng Hòa Bình.

 Thánh Phaolô luôn mở đầu và chấm dứt các lá thư của Ngài bằng những lời cầu chúc bình an nồng nhiệt nhất.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Sáu, Tuần I TN, Năm lẻ

Bài đọc: Heb 4:1-5, 11; Mk 2:1-12.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải lắng nghe, hiểu thấu, và thực hành Lời Chúa.             

            Thiên Chúa đã dạy dỗ và hướng dẫn con người mọi sự, ngày xưa cũng như thời nay; nhưng rất ít người chịu lắng nghe, tìm hiểu, và mang ra thực hành. Vì thế, không lạ gì mà con người vẫn tiếp tục cuộc sống triền miên đau khổ trong tội lỗi của mình.

            Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc lắng nghe và đáp trả Lời Chúa. Trong Bài Đọc I, Tác-giả Thư Do-Thái nhấn mạnh đến việc: nếu con người không chịu tuân giữ Lời Chúa dạy, họ sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dùng uy quyền chữa lành để chứng minh Ngài có quyền tha tội; và như một hiệu quả, Ngài đến từ Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hãy cố gắng vào chốn yên nghỉ của Thiên Chúa.

            1.1/ Chốn yên nghỉ của Thiên Chúa: Tác giả Do-Thái dùng chữ “chốn yên nghỉ” để chỉ hai thực tại:

            (1) Đất Hứa như thời dân Do-Thái lang thang suốt 40 năm trong sa mạc: Thiên Chúa hứa ban cho dân được vào Đất Hứa sau 40 năm lang thang trong sa mạc. Điều kiện để được vào Đất Hứa là phải lắng nghe và vâng phục Thiên Chúa để vượt qua những thử thách trong cuộc hành trình; nhưng không phải tất cả được vào Đất Hứa, rất nhiều người đã ngã gục dọc đường vì đã không tuân lệnh Thiên Chúa (x/c Num 13 và 14), đến nỗi Chúa đã phải thịnh nộ thề rằng: “Chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta.” Sau cùng, chỉ có một số trung thành và vâng lời được Joshua hướng dẫn vào Đất Hứa để ổn định cuộc sống trong vùng đất chảy “sữa và mật.” Theo tác-giả Thư Do-Thái, biến cố vào Đất Hứa đã qua rồi, nhưng lời Thiên Chúa nói: “Chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta” vẫn còn hiệu nghiệm. Đó là lý do tại sao ông đi tìm một biến cố khác mà lời của Chúa phán vẫn còn hiệu nghiệm.

            (2) Thiên Chúa nghỉ ngơi ngày Sabbath sau khi đã tạo dựng vũ trụ trong 6 ngày: Tác giả trở về với biến cố tạo dựng của Thiên Chúa trong Sách Sáng Thế Ký để tìm ra “chỗ an nghỉ” của Thiên Chúa: “Công việc của Thiên Chúa đã hoàn thành từ tạo thiên lập địa, như có chỗ Thiên Chúa phán về ngày thứ bảy rằng: Khi đã làm xong mọi công việc, thì ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ” (x/c Gen 1 và 2). Trong 6 ngày tạo dựng, trình thuật STK đều nói rõ “qua một buổi sáng và một buổi chiều;” nhưng trong ngày Sabbath Chúa nghỉ, không thấy nói tới “một buổi chiều.” Vì điều này, các Rabbi chú giải: ngày nghỉ của Thiên Chúa không có cùng tận. Chốn yên nghỉ không chỉ giới hạn trong Đất Hứa, nhưng được trải rộng ra tới chốn yên nghỉ của Thiên Chúa, mà tác giả Thánh Vịnh 95 gọi là “chốn yên nghỉ của Ta.”

            Nếu hiểu theo nghĩa sau này, lời Thiên Chúa nói vẫn còn ứng nghịêm, như tác giả áp dụng vào trong việc nghe rao giảng Tin Mừng: “Vậy chúng ta phải sợ rằng trong khi lời hứa được vào chốn yên nghỉ của Người vẫn còn đó, mà có ai trong anh em bị coi đã mất cơ hội. Quả thế, chúng ta đã được nghe loan báo Tin Mừng như những người kia. Nhưng lời họ đã nghe không sinh ích gì cho họ, bởi vì những kẻ đã nghe không lấy đức tin đáp lại lời giảng. Còn chúng ta là những người tin, chúng ta đang vào chốn yên nghỉ đó, như lời Thiên Chúa đã phán: Nên Ta mới thịnh nộ thề rằng: chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta.”

            1.2/ Điều kiện để được vào chốn yên nghỉ của Thiên Chúa: Phải lấy đức tin đáp lại lời giảng. Nghe giảng là để dẫn tới đức tin, chứ không phải chỉ nghe cho qua lần chiếu lệ. Có rất nhiều cách nghe giảng khác nhau: nghe như nước đổ đầu vịt, nghe như vịt nghe sấm, nghe tai này qua tai kia, nghe để bới lá tìm sâu, chuyên chú lắng nghe để học hỏi… Cách nghe giảng đúng đắn là chuyên chú lắng nghe để học hỏi, để hiểu thấu trọng tâm của lời giảng, và sau đó, đem ra thực hành trong cuộc sống để đạt được mục đích Thiên Chúa muốn. Nếu chỉ nghe cho qua lần chiếu lệ, làm sao con người có thể hiểu Lời Chúa; và nếu không hiểu, làm sao có thể thực hành. Vì thế, không vào được chốn yên nghỉ của Thiên Chúa là hậu quả ắt phải tới.

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu là Thiên Chúa vì Ngài làm được những việc Thiên Chúa làm.

            2.1/ Chúa Giêsu có uy quyền chữa bệnh: Trình thuật kể: “Đang khi Người giảng dạy cho họ, người ta đem đến cho Đức Giêsu một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống.” Mái nhà của người Do-Thái không xuôi ra hai bên như mái nhà chúng ta, mà phẳng như hình chữ nhật để người ta có thể dùng làm sân thượng để hóng mát. Vì thế, việc dỡ mái nhà xuống cũng đơn giản và ít gây thiệt hại. Khi thấy cách biểu lộ niềm tin của họ, Chúa Giêsu bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.” Tội này có thể là tội dỡ mái nhà hay tội của người bại liệt.

            2.2/ Chúa Giêsu có quyền tha tội:

            (1) Tội lỗi và hình phạt: Theo truyền thống Do-Thái, hình phạt là hậu quả của tội lỗi: có thể của cá nhân hay của cha mẹ (Job 4:7, Jn 9:2). Các Rabbi có câu: “Không người bệnh nào được lành bệnh cho tới khi tất cả tội lỗi của anh được tha thứ.”

            (2) Lý luận của Chúa Giêsu: Khi Ta tha hình phạt qua việc chữa lành, là Ta tha tội, nguyên nhân của hình phạt.

            (3) Lý luận của các Kinh-sư: Trong đám đông, có nhiều các Kinh-sư đến không phải để nghe Thiên Chúa giảng, nhưng để bới lá tìm sâu để có thể kết án Chúa, và họ nghĩ họ đã tìm ra lý do để kết án Chúa phạm thượng: ” Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?”

            (4) Chúa Giêsu dùng lý luận của các Kinh-sư và việc chữa lành để chứng minh cho họ biết Ngài là Thiên Chúa: “Tâm trí Đức Giêsu thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: “Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy? Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: “Con đã được tha tội rồi,” hai là bảo: “Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi,” điều nào dễ hơn?” Dĩ nhiên điều dễ làm hơn là bảo “Con đã được tha tội rồi;” vì không ai có thể kiểm chứng được, còn điều khó làm là bảo “Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi;” phải là người có uy quyền mới làm được và mọi người đều kiểm chứng.

             “Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, Đức Giêsu bảo người bại liệt, Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!” Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!”           

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Nghe giảng là để dẫn tới đức tin hay làm cho đức tin tăng trưởng hơn, chứ không phải nghe cho qua lần chiếu lệ. Cả người rao giảng lẫn các tín hữu, chúng ta phải tôn trọng lúc lắng nghe và chia sẻ Lời Chúa.

            – Nếu chúng ta khinh thường hay không chịu chuẩn bị, chúng ta đã hoang phí thời giờ của người rao giảng cũng như người nghe; và nhất là không đạt được mục đích của cuộc đời: được sống với Thiên Chúa muôn đời.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************