Ngày thứ sáu (18-01-2019) – Trang suy niệm

17/01/2019

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Sáu Tuần I Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Dt 4, 1-5. 11

“Chúng ta hãy mau mau tiến vào nơi an nghỉ đó”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái. 

Anh em thân mến, chúng ta hãy lo sợ kẻo đang khi lời hứa được vào trong sự an nghỉ của Chúa còn có giá trị mà có người trong anh em tưởng mình không được hưởng. Quả thật, chúng ta đã nhận lãnh tin mừng như họ; nhưng lời họ đã nghe không sinh ích gì cho họ, bởi họ không lấy đức tin mà thông hiệp với những kẻ đã tin. Chúng ta là những kẻ đã tin; chúng ta đang đi vào nơi an nghỉ, như lời Người phán rằng: “Như Ta đã thề trong cơn thịnh nộ, chúng sẽ không được vào nơi an nghỉ của Ta”. Dầu vậy, các công trình của Người đã được hoàn tất từ tạo thiên lập địa. Vì chưng, có câu nói về ngày thứ bảy rằng: “Và ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã nghỉ mọi việc”. Lại có câu khác rằng: “Không, chúng nó sẽ chẳng vào nơi an nghỉ của Ta”. Vậy chúng ta hãy mau mau tiến vào nơi an nghỉ đó, để không ai sa ngã mà nên gương bất trung. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 77, 3 và 4bc. 6c-7. 8

Đáp: Chúng tôi sẽ không quên lãng những kỳ công của Chúa (c. 7c).

Xướng: 1)Điều mà chúng tôi đã nghe, đã biết, mà tổ tiên đã thuật lại cho chúng tôi hay, chúng tôi sẽ kể lại cho thế hệ tương lai, đó là những lời khen ngợi và quyền năng của Chúa. – Đáp.

2)Để họ đứng ra và thuật lại cho con cái họ, hầu cho chúng đặt niềm hy vọng nơi Thiên Chúa, và không quên lãng những kỳ công của Người, những giới răn của Người chúng sẽ tuân theo. – Đáp.

3)Và chúng đừng trở nên như tổ tiên chúng, một thế hệ khó dạy và lăng loàn, một thế hệ không có lòng ngay thẳng, và không có tâm hồn trung kiên cùng Thiên Chúa. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 118, 27

Alleluia, alleluia! – Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 2, 1-12

“Con Người có quyền tha tội dưới đất”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Sau ít ngày, Chúa Giêsu lại trở về Capharnaum; nghe tin Người đang ở trong nhà, nhiều người tuôn đến đông đảo, đến nỗi ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng, và Người giảng dạy họ. Người ta mang đến cho Người một kẻ bất toại do bốn người khiêng. Vì dân chúng quá đông, không thể khiêng đến gần Người được, nên họ dỡ mái nhà trên chỗ Người ngồi một lỗ to, rồi thòng chiếc chõng với người bất toại xuống. Thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: “Hỡi con, tội lỗi con được tha”. Lúc ấy, có một ít luật sĩ ngồi đó, họ thầm nghĩ rằng: “Sao ông này lại nói thế? Ông nói phạm thượng. Ai có quyền tha tội, nếu không phải là một mình Thiên Chúa”. Chúa Giêsu biết tâm trí họ nghĩ như vậy, liền nói với họ: “Tại sao các ông nghĩ như thế? Nói với người bất toại này: ‘Tội lỗi con được tha’ hay nói: ‘Hãy chỗi dậy vác chõng mà đi’, đàng nào dễ hơn? Nhưng (nói thế là) để các ông biết Con Người có quyền tha tội dưới đất”. – Người nói với kẻ bất toại: “Ta truyền cho con hãy chỗi dậy, vác chõng mà về nhà”. Lập tức người ấy đứng dậy, vác chõng ra đi trước mặt mọi người, khiến ai nấy sửng sốt và ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Chúng tôi chưa từng thấy như thế bao giờ”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

18/01/2019 – THỨ SÁU TUẦN 1 TN

Tuần lễ cầu cho hiệp nhất Ki-tô hữu

Mc 2,1-12

QUYỀN NĂNG THA THỨ

Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.” (Mc 2,5)

Suy niệm: Thật là lạ! Những người có mặt không tỏ vẻ khó chịu về cái vụ gỡ mái nhà để thả người bại liệt xuống trước mặt Chúa. Mà những kinh sư lại bất bình vì Chúa nói lời tha tội mà họ cho là phạm thượng. Mà cũng lạ hơn nữa. Họ đến xin chữa cho khỏi bại liệt. Còn Chúa Giê-su, Ngài nhìn ra đức tin trong lòng họ và ban ơn tha tội. Ngài chữa lành bệnh tật cho họ – đó là điều phụ thuộc – để dẫn họ đến điều chính yếu: họ được tha tội và được cứu khỏi mọi ác quả của tội lỗi. Ngài tỏ cho chúng ta thấy quyền năng thật sự của Thiên Chúa. quyền năng tha thứ, quyền năng cứu độ của một Thiên Chúa đầy yêu thương.

Mời Bạn: Đường đến với Chúa không phải bao giờ cũng suôn sẻ; có phải chúng ta vẫn hay dễ dàng bỏ cuộc ngay từ trở ngại đầu tiên? Và nhất là trên con đường đến tòa hòa giải để nhận ơn tha thứ? Bạn có sẵn sàng để người khác giúp bạn đưa bạn đến với Chúa không?

Chia sẻ: Bạn nghĩ thế nào về ý kiến của một số người cho rằng: Chúa là Cha nhân lành lúc nào cũng sẵn sàng tha thứ cho tôi, mọi nơi và mọi lúc, vì thế tôi cần gì phải đi đến tòa giải tội?

Sống Lời Chúa: Tòa giải tội là nơi để nhận ơn chữa lành tận căn bên trong, chứ không phải là nơi trút bỏ gánh nặng về mặt tâm lý. Để xứng đáng đón nhận niềm vui lớn lao này, tôi dốc lòng chuẩn bị kỹ càng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa chí ái, mỗi lần con được tha thứ, là thêm một lần Chúa thực thi quyền năng tối thượng của Chúa trên con. Xin cho con biết mau mắn tìm về và gặp được Chúa những khi con lỗi lầm để con được Chúa thứ tha.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

18 THÁNG GIÊNG

Giá Trị Và Phẩm Cách Của Lao Động

Mọi người – nam cũng như nữ – đều là những lữ khách trên mặt đất này, những lữ khách trong cuộc hành hương kiếm tìm sự thật, kiếm tìm Thiên Chúa! Và mọi người đều được mời gọi vào cuộc hành hương này. Chúng ta là khách hành hương, là thành phần của Dân Thiên Chúa; chúng ta được Đấng Tạo Hóa, Cha chúng ta, dẫn dắt tiến về với sự thánh thiện viên mãn nơi Ngài. Ngài đang dẫn đưa chúng ta đến với Ngài xuyên qua bao kinh nghiệm và thử thách của cuộc sống hôm nay.

Để chỉ cho ta biết con đường sự sống đưa ta về hiệp nhất với Ngài, Thiên Chúa đã gửi chính Con của Ngài đến với ta. Ngài đã đặt người Con ấy làm viên đá góc, nhờ đó chúng ta có thể vươn tới ơn cứu độ (1Pr 2, 6 – 8). Thật vậy, trong Đức Giêsu Kitô, chúng ta cũng trở nên những viên đá sống “xây dựng tòa nhà thiêng liêng để thành hàng tư tế thánh dâng lễ vật thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa” (1Pr 2, 5). Những lễ vật thiêng liêng này được gắn kết với mọi thực tại dệt nên cuộc sống chúng ta, nhất là gắn kết với lao động con người – vì lao động là chiều kích nền tảng của cuộc sống con người trên trái đất.

Tôi tưởng cần nêu vài suy tư về giá trị và phẩm cách của lao động con người. Đức Giêsu Kitô là con của một người thợ mộc. Phần lớn cuộc đời Người, trong kiếp người, Người cần cù làm việc nối nghiệp của Thánh Giu-se – cha nuôi Người. Bằng chính nghề thợ mộc của Người, Đức Giêsu cho thấy rằng trong đời sống hằng ngày, chúng ta được kêu gọi sống phẩm giá của lao động. Bằng lao động, con người tham dự vào công cuộc sáng tạo của chính Thiên Chúa. Dù làm việc ở nhà máy hay trong văn phòng, trong bệnh viện hay ngoài đồng ruộng…, ở bất cứ đâu chúng ta cũng đang góp phần vào công trình tạo dựng của chính Thiên Chúa; điều này đem lại giá trị và ý nghĩa cho mọi công việc của chúng ta.

“Giá trị lao động của một người được ấn định trước hết không phải bởi loại công việc mà người ấy làm, nhưng là bởi vì công việc ấy được làm bởi một nhân vị” (Thông Điệp Laborem exercens, 6). Như vậy, mọi lao động của con người, dù có vẻ nhỏ nhặt đến đâu, đều phải được hết mực kính trọng, bảo vệ và tưởng thưởng thích đáng. Nhờ đó, mọi gia đình – và toàn thể cộng đồng xã hội – sẽ có thể sống trong hòa bình, thịnh vượng và phát triển.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 18/1

Dt 4, 1-5. 11; Mc 2, 1-12.

LỜI SUY NIÊM: “Vài ngày sau, Đức Giêsu trở lại thành Caphácnaum. Hay tin Người ở nhà, dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết.”

          Giáo huấn và lời giảng dạy của Chúa Giêsu đã đi vào lòng của đám đông dân chúng, đã đáp lại những gì họ đang khát vọng. Họ được chữa lành mọi bệnh tật trên thân xác và tâm hồn họ được ủi an, nâng đỡ; giúp cho họ sống đúng với phẩm giá của một con người trong việc thờ phượng Thiên Chúa và sống với người thân cận. Nên khi thấy Chúa ở đâu, thì đám đông dân chúng lại tụ tập quanh Người.

          Lạy Chúa Giêsu. Chúa nhìn thấy đức tin của bốn người đưa người bại liệt nằm trên giường đến với Chúa, Chúa đã chữa lành: “Này con, con đã được tha tội rồi.” Xin cho chúng con ngày hôm nay có được đức tin như người bại liệt và sự nhiệt tình của bốn người bạn trong Tin Mừng.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

 18 Tháng Giêng

 Tấm Gương Sự Thật  

Theo câu chuyện cổ tích của người Tây Phương về Cô Bạch Tuyết và bảy chú lùn thì Sự Thật chiếu sáng và nói qua một tấm gương. Khi hoàng hậu, người kế mẫu của Bạch Tuyết nhìn vào tấm gương sự thật ấy để hỏi về mình, bà được trả lời như sau: “Thưa hoàng hậu, hoàng hậu là người đẹp nhất hiện nay”. Mà quả thật, so sánh với những người đàn bà đương thời, bà ta là người đẹp nhất.

 Nhưng công chúa Bạch Tuyết mỗi ngày một lớn và trở nên xinh đẹp. Trắng như tuyết, đỏ như máu, đen như mun: ba màu sắc ấy kết hợp một cách hài hòa để mỗi ngày một gia tăng vẻ đẹp cho cô bé, dù chỉ mới lên 7 tuổi. Ai cũng nhận thấy rằng cô đã vượt xa người kế mẫu về sắc đẹp.

 Một hôm, hoàng hậu kế mẫu hỏi ý kiến của chiếc gương Sự Thật một lần nữa. Lần này, tấm gương đã trả lời: “Thưa hoàng hậu, quả thực hoàng hậu là người xinh đẹp ít ai sánh bằng. Nhưng hiện nay, công chúa Bạch Tuyết đã đẹp hơn hoàng hậu bội phần. Ðây là điều mà không ai chối cãi được, 7 chú lùn đã xác định điều đó”. 

Người kế mẫu không muốn chấp nhận Sự Thật ấy. Bà không thể nào chấp nhận một đứa con riêng của chồng được quyền đẹp hơn Bà. Sự ganh ghét đã bắt đầu gặm nhấm tâm hồn bà để rồi bà chỉ còn có mỗi một ý nghĩ trong đầu: đó là loại bỏ người đối thủ tí hon của bà. Bà sai người cho thuốc độc vào một trái táo rồi mang đến cho Bạch Tuyết. Cô bé bị ngộ độc và đã đi vào cõi chết, nhưng vẫn giữ nguyên nét đẹp trên gương mặt. Một hoàng tử đã say mê nhìn khuôn mặt bất động ấy. Chàng đã đặt trên môi Bạch Tuyết một chiếc hôn. Trái táo độc rớt khỏi môi và Bạch Tuyết đã được hồi sinh. Người hoàng hậu kế mẫu nghe điều đó. Sự oán hận và ganh tức đã dồn lên khiêùn cho người đàn bà chết tốt.

 Tấm gương Sự Thật của chúng ta chính là Ðức Kitô.

 Philatô đã có lần hỏi Chúa Giêsu: Sự Thật là gì? Chúa Giêsu đã không trả lời cho câu hỏi ấy. Nhưng hẳn những người môn đệ đã có lần nghe Chúa Giêsu tuyên bố: “Ta là Ðường, là Sự Thật, và là Sự Sống” đều có thể trả lời cho câu hỏi ấy. 

Chúa Giêsu không chỉ là Sự Thật một cách trừu tượng, một cách trống rỗng, mà là Sự Thật của con người, đối với con người. Cũng chính Philatô, sau khi đã ra lệnh đánh đòn Chúa Giêsu, đã đưa Người ra trước dân chúng và tuyên bố: “Này là Người”. Này là người, này là con người, hay đúng hơn là sự thật về con người. Chúa Giêsu đã để lộ tất cả con người của ngài qua những vết thương trên người. Phải chăng con người chỉ để lộ nhân tính và tất cả những nét cao quý nhất của mình qua những lằn roi, qua những vết thương đau vì yêu thương, vì phục vụ?

 Chúa Giêsu là tấm gương Sự Thật của con người. Chỉ qua Ðức Kitô, chúng ta mới có thể nhận diện được con người đích thực của chúng ta. Nhìn vào Ðức Kitô, tội lỗi và những bất toàn của chúng ta sẽ hiện ra, nhưng hình ảnh cao quý được Thiên Chúa in trên mỗi người chúng ta cũng tỏ lộ.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Sáu Tuần 1 TN, Năm lẻ

Bài đọc: Heb 4:1-5, 11; Mk 2:1-12.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải lắng nghe, hiểu thấu, và thực hành Lời Chúa.

Thiên Chúa đã dạy dỗ và hướng dẫn con người mọi sự, ngày xưa cũng như thời nay; nhưng rất ít người chịu lắng nghe, tìm hiểu, và mang ra thực hành. Vì thế, không lạ gì mà con người vẫn tiếp tục cuộc sống triền miên đau khổ trong tội lỗi của mình.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc lắng nghe và đáp trả Lời Chúa. Trong Bài Đọc I, Tác-giả Thư Do-Thái nhấn mạnh đến việc: nếu con người không chịu tuân giữ Lời Chúa dạy, họ sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dùng uy quyền chữa lành để chứng minh Ngài có quyền tha tội; và như một hiệu quả, Ngài đến từ Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hãy cố gắng vào chốn yên nghỉ của Thiên Chúa.

1.1/ Chốn yên nghỉ của Thiên Chúa: Tác giả Do-Thái dùng chữ “chốn yên nghỉ” để chỉ hai thực tại:

(1) Đất Hứa như thời dân Do-Thái lang thang suốt 40 năm trong sa mạc: Thiên Chúa hứa ban cho dân được vào Đất Hứa sau 40 năm lang thang trong sa mạc. Điều kiện để được vào Đất Hứa là phải lắng nghe và vâng phục Thiên Chúa để vượt qua những thử thách trong cuộc hành trình; nhưng không phải tất cả được vào Đất Hứa, rất nhiều người đã ngã gục dọc đường vì đã không tuân lệnh Thiên Chúa (x/c Num 13 và 14), đến nỗi Chúa đã phải thịnh nộ thề rằng: “Chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta.” Sau cùng, chỉ có một số trung thành và vâng lời được Joshua hướng dẫn vào Đất Hứa để ổn định cuộc sống trong vùng đất chảy “sữa và mật.” Theo tác-giả Thư Do-Thái, biến cố vào Đất Hứa đã qua rồi, nhưng lời Thiên Chúa nói: “Chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta” vẫn còn hiệu nghiệm. Đó là lý do tại sao ông đi tìm một biến cố khác mà lời của Chúa phán vẫn còn hiệu nghiệm.

(2) Thiên Chúa nghỉ ngơi ngày Sabbath sau khi đã tạo dựng vũ trụ trong 6 ngày: Tác giả trở về với biến cố tạo dựng của Thiên Chúa trong Sách Sáng Thế Ký để tìm ra “chỗ an nghỉ” của Thiên Chúa: “Công việc của Thiên Chúa đã hoàn thành từ tạo thiên lập địa, như có chỗ Thiên Chúa phán về ngày thứ bảy rằng: Khi đã làm xong mọi công việc, thì ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ” (x/c Gen 1 và 2). Trong 6 ngày tạo dựng, trình thuật STK đều nói rõ “qua một buổi sáng và một buổi chiều;” nhưng trong ngày Sabbath Chúa nghỉ, không thấy nói tới “một buổi chiều.” Vì điều này, các Rabbi chú giải: ngày nghỉ của Thiên Chúa không có cùng tận. Chốn yên nghỉ không chỉ giới hạn trong Đất Hứa, nhưng được trải rộng ra tới chốn yên nghỉ của Thiên Chúa, mà tác giả Thánh Vịnh 95 gọi là “chốn yên nghỉ của Ta.”

Nếu hiểu theo nghĩa sau này, lời Thiên Chúa nói vẫn còn ứng nghịêm, như tác giả áp dụng vào trong việc nghe rao giảng Tin Mừng: “Vậy chúng ta phải sợ rằng trong khi lời hứa được vào chốn yên nghỉ của Người vẫn còn đó, mà có ai trong anh em bị coi đã mất cơ hội. Quả thế, chúng ta đã được nghe loan báo Tin Mừng như những người kia. Nhưng lời họ đã nghe không sinh ích gì cho họ, bởi vì những kẻ đã nghe không lấy đức tin đáp lại lời giảng. Còn chúng ta là những người tin, chúng ta đang vào chốn yên nghỉ đó, như lời Thiên Chúa đã phán: Nên Ta mới thịnh nộ thề rằng: chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta.”

1.2/ Điều kiện để được vào chốn yên nghỉ của Thiên Chúa: Phải lấy đức tin đáp lại lời giảng. Nghe giảng là để dẫn tới đức tin, chứ không phải chỉ nghe cho qua lần chiếu lệ. Có rất nhiều cách nghe giảng khác nhau: nghe như nước đổ đầu vịt, nghe như vịt nghe sấm, nghe tai này qua tai kia, nghe để bới lá tìm sâu, chuyên chú lắng nghe để học hỏi… Cách nghe giảng đúng đắn là chuyên chú lắng nghe để học hỏi, để hiểu thấu trọng tâm của lời giảng, và sau đó, đem ra thực hành trong cuộc sống để đạt được mục đích Thiên Chúa muốn. Nếu chỉ nghe cho qua lần chiếu lệ, làm sao con người có thể hiểu Lời Chúa; và nếu không hiểu, làm sao có thể thực hành. Vì thế, không vào được chốn yên nghỉ của Thiên Chúa là hậu quả ắt phải tới.

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu là Thiên Chúa vì Ngài làm được những việc Thiên Chúa làm.

2.1/ Chúa Giêsu có uy quyền chữa bệnh: Trình thuật kể: “Đang khi Người giảng dạy cho họ, người ta đem đến cho Đức Giêsu một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống.” Mái nhà của người Do-Thái không xuôi ra hai bên như mái nhà chúng ta, mà phẳng như hình chữ nhật để người ta có thể dùng làm sân thượng để hóng mát. Vì thế, việc dỡ mái nhà xuống cũng đơn giản và ít gây thiệt hại. Khi thấy cách biểu lộ niềm tin của họ, Chúa Giêsu bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.” Tội này có thể là tội dỡ mái nhà hay tội của người bại liệt.

2.2/ Chúa Giêsu có quyền tha tội:

(1) Tội lỗi và hình phạt: Theo truyền thống Do-Thái, hình phạt là hậu quả của tội lỗi: có thể của cá nhân hay của cha mẹ (Job 4:7, Jn 9:2). Các Rabbi có câu: “Không người bệnh nào được lành bệnh cho tới khi tất cả tội lỗi của anh được tha thứ.”

(2) Lý luận của Chúa Giêsu: Khi Ta tha hình phạt qua việc chữa lành, là Ta tha tội, nguyên nhân của hình phạt.

(3) Lý luận của các Kinh-sư: Trong đám đông, có nhiều các Kinh-sư đến không phải để nghe Thiên Chúa giảng, nhưng để bới lá tìm sâu để có thể kết án Chúa, và họ nghĩ họ đã tìm ra lý do để kết án Chúa phạm thượng: ” Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?”

(4) Chúa Giêsu dùng lý luận của các Kinh-sư và việc chữa lành để chứng minh cho họ biết Ngài là Thiên Chúa: “Tâm trí Đức Giêsu thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: “Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy? Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: “Con đã được tha tội rồi,” hai là bảo: “Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi,” điều nào dễ hơn?” Dĩ nhiên điều dễ làm hơn là bảo “Con đã được tha tội rồi;” vì không ai có thể kiểm chứng được, còn điều khó làm là bảo “Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi;” phải là người có uy quyền mới làm được và mọi người đều kiểm chứng.

“Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, Đức Giêsu bảo người bại liệt, Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!” Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Nghe giảng là để dẫn tới đức tin hay làm cho đức tin tăng trưởng hơn, chứ không phải nghe cho qua lần chiếu lệ. Cả người rao giảng lẫn các tín hữu, chúng ta phải tôn trọng lúc lắng nghe và chia sẻ Lời Chúa.

– Nếu chúng ta khinh thường hay không chịu chuẩn bị, chúng ta đã hoang phí thời giờ của người rao giảng cũng như người nghe; và nhất là không đạt được mục đích của cuộc đời: được sống với Thiên Chúa muôn đời.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************