Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Sáu Tuần VI Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: Gc 2, 14-24. 26
“Cũng như xác không hồn là xác chết, thì đây đức tin không việc làm là đức tin chết”.
Trích sách của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, nếu có ai nói mình có đức tin, mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích gì? Đức tin như thế có thể cứu được nó ư? Nếu có anh chị em nào không cơm ăn áo mặc, mà có kẻ trong anh em lại bảo họ rằng: “Chúc anh chị em đi bình an, và ăn no mặc ấm”, mà anh em lại không cho họ những gì cần dùng cho thân xác, thì nào có ích gì? Về đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm, là đức tin chết tận gốc rễ.
Nhưng có người sẽ nói: “Anh, anh có đức tin; còn tôi, tôi có việc làm”. Anh hãy tỏ cho tôi thấy đức tin không việc làm của anh, và tôi sẽ lấy việc làm mà chỉ cho anh thấy đức tin của tôi. Anh tin Thiên Chúa là Đấng duy nhất ư? Như thế là đúng. Ma quỷ cũng tin như thế và chúng run sợ. Hỡi người khờ dại, anh có muốn biết rằng đức tin không việc làm là đức tin chết không? Abraham, tổ phụ chúng ta, đã chẳng nhờ việc làm mà được công chính hoá khi hiến dâng con mình là Isaac trên bàn thờ đó sao? Anh có thấy rằng: đức tin hợp tác với việc làm, và nhờ việc làm mà đức tin được hoàn hảo đó không? Như vậy đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh rằng: “Abraham đã tin vào Thiên Chúa và việc ấy được kể là điều công chính cho người, và người đã được gọi là bạn thiết nghĩa của Thiên Chúa”.
Do đó anh em có thấy rằng: người ta nhờ việc làm mà được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi không? Quả vậy, cũng như xác không hồn là xác chết, thì đức tin không việc làm là đức tin chết. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 111, 1-2. 3-4. 5-6
Đáp: Phúc đức thay người ham mộ luật pháp của Chúa (c. 1b).
Xướng:
1) Phúc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết lòng ham mộ luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ hùng cường trong Đất Nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân. – Đáp.
2) Trong nhà người có tài sản phú quý, và lòng quảng đại người còn mãi muôn đời. Trong u tối người xuất hiện như ánh sáng soi kẻ lòng ngay, người nhân hậu, từ bi và công chính. – Đáp.
3) Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình. Cho tới đời đời người sẽ không nao núng: người hiền đức sẽ được ghi nhớ muôn đời. – Đáp.
ALLELUIA: Tv 118, 27
Alleluia, alleluia! – Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 8, 34-39 (Hl 8, 34 – 9, 1)
“Ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm thì sẽ cứu được mạng sống mình”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm, thì sẽ cứu được mạng sống mình. Vì chưng được lời lãi cả thế gian mà mất mạng sống mình, thì nào được ích gì? Và người ta lấy gì mà đánh đổi mạng sống mình? Ai hổ thẹn vì Ta và vì lời Ta trong thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn từ khước nó, khi Người đến trong vinh quang của Cha Người cùng với các thần thánh”.
Và Ngài nói với họ: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: trong số những kẻ có mặt đây, có người sẽ không phải nếm cái chết, trước khi thấy Nước Thiên Chúa đến trong quyền năng”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
18/02/2022 – THỨ SÁU TUẦN 6 TN
Mc 8,34-9,1
ĐƯỢC VÀ MẤT TRONG ĐỜI
“Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Mc 8,35)
Suy niệm: Tin Mừng của Chúa Ki-tô thường đưa ra những đòi hỏi xem ra thật nghịch lý. Theo xu hướng tự nhiên người ta hăm hở tìm kiếm những gì là có lợi cho mình: của cải, danh vọng, càng nhiều càng tốt. Thế nhưng càng tìm kiếm những thứ đó càng bị mất. Và ngược lại ai dám liều mạng sống mình thì lại được mạng sống ấy! Nhưng với một điều kiện dám liều “vì Chúa Ki-tô và vì Tin Mừng”. Lối sống tưởng chừng trái ngược tự nhiên, nhưng lại là giá trị sống đích thực, viên mãn không chỉ ở đời này mà vững bền mãi đến cả đời sau. Kinh Hòa Bình, được cho là của thánh Phan-xi-cô Át-xi-di, diễn đạt lại chân lý ấy: “Chính lúc chết đi, là khi vui sống muôn đời!”
Mời Bạn: Lời Chúa mời gọi chúng ta dám ra khỏi chính mình, dám bỏ đi sự tự ái, ích kỷ, ganh tỵ, hận thù, tham lam, bạo lực, gian dối và biết mở lòng ra để Chúa đong đầy yêu thương, tha thứ, quảng đại, nâng đỡ nhau trong cuộc sống. Phải dám liều “mất mạng sống vì Chúa và vì Tin Mừng” khởi đi những việc nho nhỏ ngay trong đời thường. Cái chúng ta cần để cho mất đi là những tiêu cực trong cuộc sống và để được lại lối sống tích cực từ trong suy nghĩ lời nói và hành động.
Sống Lời Chúa: Dám liều “mất mạng sống vì Chúa và vì Tin Mừng” bằng cách suy nghĩ và nói điều tích cực, và biết quảng đại cho đi trong việc cụ thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa từ nhân, Chúa đã chết để chúng con được sống. Xin cho chúng con biết chết đi cho những con người tội lỗi, để làm mới lại con người của chúng con trong Chúa.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Trên con đường đi ngang giáo phận Xuân Lộc,
có ngôi nhà thờ mặt tiền mang một dòng chữ to : “Sống là chọn.”
Câu này dễ làm ta nghĩ đến câu kế tiếp : “mà chọn là bỏ.”
Bỏ là điều, dù muốn dù không, ai cũng phải làm nhiều lần trong đời.
Thai nhi phải bỏ bụng mẹ ấm êm, cô gái bỏ gia đình để về nhà chồng.
Bỏ khi chọn việc, chọn trường, chọn nhà, chọn ơn gọi…
Bỏ thường làm ta đau đớn, nhưng ta không thể chọn tất cả.
Tuy nhiên, có khi từ bỏ đem lại niềm vui, đến nỗi ta không biết mình đang bỏ.
Một vận động viên, một nhà khoa học hay một tu sĩ đã tự ý bỏ nhiều điều.
Nhưng họ rất vui khi nghĩ đến kết quả của việc từ bỏ đó.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời các môn đệ và đám đông
từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo ngài (c. 34).
Từ bỏ chính mình là không coi mình như trung tâm nữa,
không coi danh dự, quyền lợi, dự tính, của cải là điều mình phải nắm chặt.
Vác thanh ngang của thập giá là việc mà người sắp bị đóng đinh phải làm.
Như thế vác thập giá đồng nghĩa với việc chấp nhận cái chết sắp xảy ra.
Đức Giêsu đã sống những điều này trước khi mời chúng ta sống.
Ngài đã vác thập giá Cha trao cho ngài.
Ngài đã từ bỏ chính mình hoàn toàn khi bị treo trên thập giá.
Đời sống người Kitô hữu mãi mãi không bao giờ dễ dàng,
vì đó là hành trình vác thập giá của riêng mình theo chân Thầy Giêsu.
Thập giá ghi dấu ấn trên bất cứ ai dám sống thật sự ơn gọi kitô hữu.
Nhưng thập giá lại không phải là kết thúc của Kitô giáo.
Kitô giáo kết thúc bằng sự sống và sự sống lại của Đức Giêsu.
Tất cả nghịch lý nằm ở chỗ ai dám mất thì lại được,
còn ai cố giữ cho được thì lại mất.
Mà cái được và cái mất không như nhau.
Cái mất chỉ là mạng sống tạm bợ ở đời này,
còn cái được là sự sống vĩnh hằng ở đời sau (c. 35).
Đức Giêsu đã trải qua kinh nghiệm này, kinh nghiệm được và mất.
Ngài mời chúng ta dám sống kinh nghiệm ấy cùng với ngài.
Được cả thế giới này mà mất sự sống đời đời thì có ích chi ? (c.36).
Đức Giêsu hôm nay vẫn muốn nhắc nhở chúng ta như thế.
Cầu nguyện:
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
Nhờ thế Người là tất cả của tôi.
Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
Nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
Đến với Người trong mọi sự,
Và dâng người tình yêu trong mọi lúc.
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
Nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.
Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
Nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người
Và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.
R. Tagore
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
18 THÁNG HAI
Bạn Có Nghe Ngài Gõ Cửa?
“Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta” (Ge 2, 12). Đó là tiếng gọi của Thiên Chúa cho riêng từng người trong Giáo Hội. Thiên Chúa kêu gọi mỗi chúng ta trở về với Ngài. Đấy là sứ điệp của mọi mùa Chay. Đó là lý do tại sao mùa Chay được gọi là một ‘nhịp mạnh’. Trong mùa này, hơn bất cứ lúc nào khác, chính Thiên Chúa nói với chúng ta. Ngài kêu gọi. Ngài gõ vào cánh cửa tâm hồn ta.
Thiên Chúa muốn chiếm lấy chúng ta. Tình yêu của Ngài dành cho chúng ta thật quá đỗi thâm trầm, vì Ngài biết từng người trong chúng ta đến tận những đáy sâu thẳm nhất. Ngài biết rằng mãi mãi chúng ta còn khắc khoải bao lâu chưa trở lại cùng Ngài. Vì thế, đây cũng là một tình yêu ‘hay ghen’(cf. Ge 2, 18). Tình yêu ‘hay ghen’ ấy của Thiên Chúa làm nên bầu khí của mùa Chay, từ Thứ Tư Lễ Tro cho đến Tam Nhật Thánh.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 18/2
Gc 2, 14-24. 26; Mc 8, 34-9,1.
LỜI SUY NIỆM: “Đức Giêsu gọi đám đông cùng các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thánh giá mình mà theo.”
Chúa Giêsu, đã được Chúa Cha giới thiệu: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra con.” (lc 3,22); “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” (Mc 9,7). Với tâm tình của Chúa Giêsu: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.” (Ga 15, 9). Chúa Giêsu muốn mỗi một người trong chúng ta ngày càng trở nên giống như Người, muốn được như vậy: là phải biết từ bỏ chính mình và vác thánh giá mình mà theo Chúa. để được Chúa Cha yêu thương:
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho tất cả chúng con biết từ bỏ chính mình, ý riêng của mình, cùng những tham vọng của trần thế; để biết lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống; giúp cho chúng con luôn được ở mãi trong tình yêu thương của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
18 Tháng Hai
Hai Biển Hồ
Palestina có tới hai biển hồ… Hai biển hồ này hoàn toàn khác nhau. Một biển hồ thường được gọi là biển hồ Galilêa. Ðây là một biển hồ rộng lớn với nước trong xanh mà người ta có thể uống và cá cũng có thể sống trong đó. Xung quanh hồ này là những vườn cây và thảm cỏ xanh tươi. Nhà cửa cũng mọc lên rất nhiều xung quanh biển hồ này… Chúa Giêsu đã gặp gỡ với những người môn đệ đầu tiên của Ngài tại đây và Ngài cũng nhiều lần đi thuyền xuyên qua biển hồ này.
Biển hồ thứ hai tại Palestina là Biển Chết. Ðúng như tên gọi của nó, không có sự sống nào trong cũng như xung quanh biển hồ này. Nước mặn đến nỗi mà người cũng có thể trở thành bệnh hoạn nếu uống phải. Mùi hôi thối từ Biển Chết xông lên khiến không ai muốn sống gần đó.
Có điều kỳ lạ là hai biển hồ này đều nhận nước từ cùng một nguồn là sông Jordan. Nước sông Jordan chảy vào biển hồ Galilêa rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch khác. Hồ Galilêa nhận lãnh để rồi chia sẻ cho những hồ khác, nhờ đó nước của nó luôn luôn trong sạch và mang lại sức sống cho cây cỏ, muôn thú cũng như con người.
Biển Chết cũng nhận nước từ sông Jordan, nhưng nó giữ lấy riêng cho nó do đó nước của nó trở thành mặn chát và hôi thối.
Thánh Phaolô đãghi lại lời vàng ngọc của Chúa Giesu như sau: “Cho thì có phúc hơn nhận lãnh”. Thật ra, càng trao ban, người ta càng nhận lãnh trở lại nhiều hơn.
Một đồng tiền kinh doanh là một đồng tiền sinh lợi. Một ánh lửa chia sẻ là một ánh lửa tỏa lan. Một vết dầu thả lỏng là một vết dầu loang. Ðôi môi có hé mở mới thu nhận được nhiều nụ cười. Bàn tay có mở rộng trao ban, tâm hồn mới tràn ngập vui sướng…
Càng trao ban, càng được nhận lãnh: đó là một định luật sống của con người trong mọi lĩnh vức. Tất cả con người chúng ta, tất cả sự sống của chúng ta, tất cả tài năng của chúng ta, tất cả những gì chúng ta có: tất cả đều do Chúa ban tặng. Thiên Chúa ban tặng tất cả cho chúng ta để chúng ta trao ban cho người khác và như vậy, chúng ta mới cảm nhận được hạnh phúc đích thực… Cũng như biển hồ Galilêa tiếp nhận nước từ dòng sông Jordan để rồi ban tặng cho những sông lạch xung quanh và nhờ đó, trở thành trong xanh tươi tốt, cũng thế, sự sống chúng ta lãnh nhận từ Thiên Chúa chỉ trở thành tươi tốt nếu nó được chia sẻ và trao ban cho người khác. Càng giữ lấy riêng cho mình, sự sống trong chúng ta sẽ héo tàn và chết dần chết mòn.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu – Tuần 6 – TN2
Bài đọc: Jam 2:14-24, 26; Mk 8:34-9:1.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người phải lãnh nhận hậu quả cho lối sống của mình.
Trong cuộc đời có 2 lối sống chính: lối sống theo ý định của Thiên Chúa và lối sống theo sở thích của con người. Con người có tự do để lựa chọn sống theo lối nào, nhưng chọn lối sống là chọn hậu quả của lối sống đó mang lại.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh 2 lối sống này và hậu quả của nó. Trong Bài Đọc I, tác giả Thư Giacôbê nhấn mạnh việc các tín hữu phải biểu tỏ đức tin bằng hành động; vì đức tin không việc làm là đức tin chết. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu trình bày lối sống của những người muốn theo Chúa: họ phải từ bỏ chính mình và vác thập giá hằng ngày. Tuy là lối sống hy sinh gian khổ, nhưng nó mang lại hậu quả tốt lành cho con người cả đời này và đời sau.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.
1.1/ Đức tin và hành động
(1) Sự quan trọng của đức tin: Cả Chúa Giêsu và Phaolô đều chú trọng đặc biệt đến đức tin. Chúa Giêsu nói: điều kiện để được hưởng cuộc sống đời đời là tin Ngài được Thiên Chúa sai đến (Jn 6:39-40). Thánh Phaolô nhấn mạnh: con người được trở nên công chính là nhờ niềm tin vào Đức Kitô, chứ không bằng việc giữ cẩn thận Lề Luật (Rom 3:20; Gal 2:16).
(2) Sự quan trọng của hành động: Tác giả Thư Giacôbê chú trọng đặc biệt đến hành động: “Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng?” Ông dẫn chứng một ví dụ cụ thể: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no,” nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?” Và tác giả kết luận: “đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.”
Thực ra, Chúa Giêsu cũng như thánh Phaolô không có ý nói hành động không cần thiết; nhưng các ngài muốn nêu bật sự cần thiết của đức tin. Con người phải có niềm tin đúng trước khi có thể hành động đúng. Chúa Giêsu cũng đã từng nhấn mạnh đến hành động: “Không phải tất cả những ai nói Lạy Chúa! Lạy Chúa! mà được vào Nước Trời; nhưng Nước Trời chỉ dành cho những ai nghe và thực hành Lời Chúa.”
1.2/ Đức tin của tổ-phụ Abraham được chứng minh bằng hành động: Người ta đã tốn rất nhiều thời giờ và bút giấy vào việc tranh cãi thần học: “Con người được nên công chính nhờ đức tin vào Thiên Chúa hay bằng việc giữ Lề Luật?” Có 3 chủ trương trong lịch sử:
(1) Một số người Do-thái cũng như chủ thuyết Pelagianism tin con người nên công chính bằng việc giữ Lề Luật hay nhờ làm các việc lành.
(2) Thánh Phaolô chủ trương con người nên công chính nhờ đức tin (nhưng không chỉ bằng đức tin như anh em Tin Lành cắt nghĩa). Nếu đọc các Thư Phaolô cẩn thận, một người sẽ nhận ra ngài đề cập rất nhiều đến nhu cầu cần phải tránh tội, tập luyện nhân đức, và làm các việc lành.
(3) Thánh Giacôbê: con người nên công chính bằng cả đức tin lẫn việc làm. Cả hai Phaolô và Giacôbê, đều dẫn chứng gương tổ-phụ Abraham: “Ông Abraham tổ phụ chúng ta, đã chẳng được nên công chính nhờ hành động, khi ông hiến dâng con mình là Isaac trên bàn thờ đó sao? Bạn thấy đó: đức tin hợp tác với hành động của ông, và nhờ hành động mà đức tin nên hoàn hảo. Như thế ứng nghiệm lời Kinh Thánh đã chép: Ông Abraham tin Thiên Chúa, và vì thế Thiên Chúa kể ông là người công chính và ông được gọi là bạn của Thiên Chúa.”
Câu trả lời xác thực và rõ ràng nhất là Thư Giacôbê. Tác giả nhấn mạnh đến cả đức tin và việc làm: “Anh em thấy đó, nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi. Thật thế, một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết.”
2/ Phúc Âm: Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất.
2.1/ Lối sống theo Thiên Chúa: Chúa Giêsu nói với dân chúng và các môn đệ: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.”
(1) Từ bỏ chính mình: là từ bỏ ý muốn, sở thích, và lối sống cá nhân để chấp nhận thánh ý và lối sống theo Thiên Chúa. Đây là điều khó khăn nhất để từ bỏ, vì nó đòi con người hầu như phải từ bỏ tất cả những gì con người ưa thích.
(2) Vác thập giá mình mà theo: Theo Chúa là chọn sống theo lối sống của Thiên Chúa, mà lối sống của Chúa Giêsu là theo con đường đau khổ. Ngài đòi con người phải từ bỏ lối sống ích kỷ và an toàn, để chấp nhận lối sống hy sinh cho tha nhân và tin tưởng hoàn toàn nơi Thiên Chúa.
2.2/ Hậu quả của lối sống theo Thiên Chúa: Có một mâu thuẫn trong cuộc sống mà Chúa Giêsu muốn nêu bật trong câu này: Người càng lo lắng đến bảo vệ cuộc sống theo cách thức con người, họ sẽ mất nó; người sẵn sàng từ bỏ chính mình, và hy sinh sống cho người khác và Thiên Chúa, họ sẽ cứu được mạng sống. Chúng ta có thể nhìn thấy điều này xảy ra ngay tự đời này trong gia đình hay cộng đoàn: khi cha mẹ chấp nhận gian khổ để hy sinh cho con cái, gia đình sẽ an vui hạnh phúc; ngược lại, khi cha mẹ chỉ ích kỷ lo cho mình, gia đình sẽ tan vỡ và mọi phần tử của gia đình sẽ chịu thiệt hại.
Người từ chối không chịu sống theo cách thức của Thiên Chúa, không những phải lãnh nhận hậu quả ở đời này, mà còn phải chịu những hình phạt đời sau nữa, như lời Chúa Giêsu tuyên bố: “Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Để mang lại hậu quả tốt đẹp cho cá nhân và cộng đoàn, chúng ta phải từ bỏ lối sống theo sở thích con người để chấp nhận lối sống hy sinh và từ bỏ của Thiên Chúa.
– Tin vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô là phải tuân giữ những gì Ngài dạy. Chúng ta không thể chỉ tin Thiên Chúa trong lòng hay chỉ nơi chót lưỡi đầu môi.
– Con đường Thập Giá là con đường cứu sống: Chúa Giêsu đã đi con đường đó để nhân loại được sống; chúng ta cũng phải đi con đường đó để cứu sống chúng ta và sinh lợi ích cho nhiều người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************