Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Sáu Tuần II Mùa Chay Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: St 37, 3-4. 12-13a. 17b-28
“Này thằng chiêm bao đến kia rồi, anh em hãy lại đây, chúng ta bắt giết nó”.
Trích sách Sáng Thế.
Israel mến thương Giuse hơn mọi đứa con khác, vì ông sinh ra Giuse trong lúc tuổi già. Ông may cho Giuse một chiếc áo nhiều mầu. Các anh của Giuse thấy cha mình thương Giuse hơn mọi đứa con, nên sinh lòng ghen ghét và không thể nói chuyện thân mật với Giuse.
Khi các anh Giuse đi chăn những đoàn chiên của cha mình tại Sikem, thì Israel nói với Giuse: “Có phải các anh con đang chăn chiên ở Sikem không? Con hãy lại đây, cha sai con đi tìm các anh con”.
Giuse đi tìm các anh mình và gặp các anh tại Đôtain. Khi các anh thấy Giuse từ đằng xa tiến lại gần, họ liền âm mưu tìm cách giết Giuse. Họ nói với nhau rằng: “Này thằng chiêm bao đến kia rồi, anh em hãy lại đây, chúng ta bắt giết nó, ném xác nó xuống một cái giếng cạn và nói nó bị thú dữ ăn thịt, rồi xem các điềm chiêm bao của nó sẽ ra sao?”
Ruben nghe nói thế, liền định cứu Giuse khỏi tay anh em, nên nói rằng: “Chúng ta đừng giết nó, đừng làm đổ máu, song ném nó xuống giếng nơi hoang vu này, và như thế, tay các em không phải vấy máu”. Ruben nói như thế, vì có ý muốn cứu Giuse khỏi tay các anh em, để đem Giuse về cho cha mình. Khi Giuse vừa đến gần, các anh liền cởi áo dài Giuse đang mặc, và bắt ném xuống giếng cạn.
Đang khi các ông ngồi ăn bánh, thì thấy một đoàn người Ismael từ Galaad tiến về Ai-cập, các con lạc đà của họ chở đầy hương liệu, nhựa thơm và dầu thơm. Giuđa nói với các anh em rằng: “Chúng ta giết em chúng ta và giấu máu nó đi, thì có ích lợi gì? Tốt hơn là chúng ta đem bán nó cho người Ismael và tay chúng ta không phải vấy máu, vì Giuse là em ruột thịt chúng ta”. Các anh em nghe theo lời Giuđa, nên khi các người lái buôn từ Mađian đi ngang qua đó, các ông kéo Giuse lên khỏi giếng và đem bán cho các người Ismael với giá hai mươi đồng bạc, và họ dẫn Giuse sang Ai-cập. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 104, 16-17. 18-19. 20-21
Đáp: Các ngươi hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm (c. 5a).
Xướng:
1) Chúa đã gọi cảnh cơ hàn về trên đất nước, và rút đi mọi sự nâng đỡ bằng cơm bánh. Ngài đã sai một người đi trước họ: Giuse đã bị bán để làm nô lệ. – Đáp.
2) Thiên hạ đã lấy xiềng để trói chân người, và cổ người bị cột bằng xích sắt, cho tới khi ứng nghiệm lời tiên đoán của người, lời của Chúa đã biện minh cho người. – Đáp.
3) Vua đã sai cởi trói cho người, Chúa của chư dân cũng đã giải phóng người. Vua đã tôn người làm chủ của mình, và làm chúa trên toàn diện lãnh thổ. – Đáp.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Tv 94, 8ab
Hôm nay các ngươi đừng cứng lòng, nhưng hãy nghe lời Chúa phán.
PHÚC ÂM: Mt 21, 33-43. 45-46
“Đứa con thừa tự kia rồi, nào anh em, chúng ta hãy giết nó”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông hãy nghe dụ ngôn này: Có ông chủ nhà kia trồng được một vườn nho. Ông rào dậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây tháp canh; đoạn ông cho tá điền thuê, rồi đi phương xa. Đến mùa nho, ông sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi. Nhưng những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác. Chủ lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy. Sau cùng chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: “Đứa con thừa tự kia rồi: Nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó”. Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết. Vậy khi chủ về, ông sẽ xử trí với bọn họ thế nào? Các ông trả lời: “Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ mùa nộp phần hoa lợi”. Chúa Giêsu phán: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy trong Kinh Thánh sao:
” ‘Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc; đó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta’? Bởi vậy, Ta bảo các ông: Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái”.
Các Thượng tế và biệt phái nghe dụ ngôn đó, thì hiểu Người ám chỉ về mình. Họ liền tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng, vì thiên hạ đều tôn Người là Tiên tri. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
18/03/2022 – THỨ SÁU TUẦN 2 MC
Th. Sy-ri-lô, giám mục Giê-ru-sa-lem
Mt 21,33-43.45-46
COI CHỪNG BỊ SA THẢI!
“Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.” (Mt 21,43)
Suy niệm: Thời kinh tế thị trường, có những doanh nhân mở công ty, thuê nhân viên và thuê cả giám đốc. Nếu giám đốc nào kinh doanh không tốt, thì bị cách chức, sa thải như đối với công nhân vậy. Tệ hơn, những ai có ý chiếm dụng của cải của chủ thì không những bị sa thải mà còn bị truy tố trước pháp luật nữa. Tin Mừng hôm nay cho thấy công cuộc xây dựng Nước Thiên Chúa cũng có điều tương tự. Đức Giê-su tuyên bố với các thượng tế và kỳ mục Do Thái rằng Thiên Chúa sẽ không cho họ tiếp tục coi sóc công việc của Ngài nữa, mà sẽ trao cho một dân khác biết sinh hoa lợi.
Mời Bạn: Chúng ta đang được Thiên Chúa trao phó cho công trình xây dựng Nước Trời. Nhưng nếu chúng ta không biết dùng mọi khả năng hiện có để làm việc thì chắc chắn sẽ bị ‘cách chức’, bị sa thải và biết đâu, còn bị ‘truy tố’ nữa.
Chia sẻ: Trong hoàn cảnh sống hiện tại của mình, bạn được mời gọi làm gì để xây dựng Nước Thiên Chúa? Đâu là kế hoạch của bạn để đóng góp cho công cuộc này?
Sống Lời Chúa: Mỗi sáng thức dậy, ta ý thức mình là một người lao động ở trong ‘công trường Nước Thiên Chúa’. Công trường này thật to lớn, và phần đóng góp của chúng ta thật bé nhỏ, nhưng cũng thật quan trọng. Ta không làm thì có nghĩa là để lại một lỗ hổng không ai khác làm thay được.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, là Ki-tô hữu, con được vinh dự làm việc trong công cuộc Nước Trời. Xin giúp con biết nhiệt tâm đóng góp phần mình, và không bao giờ lợi dụng người khác, lợi dụng Giáo Hội, lợi dụng Chúa để tìm lợi ích riêng.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Trong Mùa Chay, Giáo Hội cho chúng ta nghe dụ ngôn những tá điền.
Những tá điền này được chủ nhà cho canh tác vườn nho của mình,
để đến mùa hái nho họ giao lại cho ông hoa lợi.
Đây là một vườn nho được ông chủ quan tâm săn sóc.
Ông đã trồng, đã rào giậu, khoét bồn đạp nho và xây tháp canh.
Tiếc thay, khi ông chủ sai các đầy tớ đến để thu hoa lợi
các tá điền chẳng những không nộp, mà còn hành hạ họ và giết đi (c. 35).
Nhóm đầy tớ thứ hai cũng chịu chung số phận (c. 36).
Nhưng ông chủ vẫn không thất vọng trước sự độc ác của các tá điền.
Sau cùng, ông đã sai chính con trai mình đến với họ.
Đứa con thừa tự cũng chẳng được nể vì, bị lôi ra khỏi vườn nho và giết đi.
Khi kể dụ ngôn này Đức Giêsu muốn nói mình chính là người con ấy,
người Con của ông chủ vườn nho là Thiên Chúa.
Ngài tiên báo về cái chết sắp đến của mình
bởi tay những tá điền sát nhân là các nhà lãnh đạo Do thái giáo đương thời.
Cái chết của Đức Giêsu nằm trong chuỗi những cái chết của các ngôn sứ
là các đầy tớ đã được Thiên Chúa sai đến với dân Ítraen trong dòng lịch sử.
Tuy nhiên, cái chết ấy đặc biệt cao quý vì là cái chết của chính Người Con.
Hơn thế nữa, cái chết ấy không phải là một dấu chấm hết.
Nó là cánh cửa mở ra một trang mới của lịch sử,
không phải chỉ là lịch sử của dân tộc Ítraen, mà còn của cả nhân loại.
“Viên đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên viên đá đầu góc.
Đó là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta” (c. 42).
Giáo Hội sơ khai thích dùng trích dẫn trên đây của thánh vịnh 118, 22
để nói về việc Đức Giêsu bị loại trừ và được tôn vinh (x. Cv 4,11; 1Pr 2,7).
Bị loại bỏ là việc độc ác của con người,
còn trở nên viên đá góc là việc làm kỳ diệu của Thiên Chúa.
“Thu hoa lợi”, “nộp hoa lợi”, “sinh hoa lợi” (cc. 34, 41, 43).
Hoa lợi là điều mà ông chủ nhắm tới khi ông đầu tư cho vườn nho.
Ông đã không thu được hoa lợi gì từ những tá điền độc ác,
bởi đó ông đã lấy vườn nho lại, cho người khác làm để lấy hoa lợi.
Vườn nho bây giờ được hiểu là Nước Thiên Chúa.
Nước này không còn nằm trong tay giới lãnh đạo dân Do thái nữa,
nhưng được trao cho một dân biết sinh hoa lợi (c. 43).
Dân mới ấy chính là Giáo Hội phổ quát,
trong đó gồm cả dân ngoại và những người Do thái tin Đức Giêsu.
Chúng ta thuộc về Giáo Hội, thuộc về đoàn dân mới.
Chúng ta hãnh diện vì được trao phó vườn nho là Nước Thiên Chúa,
và lo lắng trước trách nhiệm phải sinh hoa lợi cho xứng ở đời này.
Làm thế nào để Giáo Hội nộp hoa lợi đúng mùa cho Chủ?
Làm thế nào để chúng ta không rơi vào tội của các tá điền đi trước?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
con thường thấy mình không có thì giờ,
nhưng đồng thời cũng thấy mình
lãng phí bao thời gian quý báu.
Nhiều khi con tự hỏi
mình thực sự làm việc bao nhiêu giờ mỗi ngày.
Xin cho con biết quý trọng từng giây phút
đang trôi qua mà con không sao giữ lại được.
Chúa đã trao cho con nén bạc thời gian,
để con sinh lợi tối đa theo ý Chúa.
Xin cho con luôn làm việc như Chúa :
hăng say, tận tụy và vui tươi,
vâng phục, có phương pháp và đầy sáng tạo.
Vì quá khứ thì đã qua,
và tương lai thì chưa đến,
nên xin dạy con biết trân trọng giây phút hiện tại.
Xin cho con thấy Chúa
lúc này đang ở đây bên con,
và đang mời gọi con đáp lại tiếng của Ngài
bằng những hành động cụ thể.
Con xin hiến dâng Chúa giây phút này
như một hy lễ,
với tất cả những bất ngờ, đớn đau, thách đố.
Ước gì con dám sống hết mình giây phút hiện tại
để hiện tại đưa con vào vĩnh cửu của Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
18 THÁNG BA
Hệ Tại Ở Tấm Lòng
Giáo Hội kêu gọi chúng ta hòa giải với Thiên Chúa. Tin Mừng nhắc chúng ta rằng việc hòa giải hệ tại ở tấm lòng. Cốt lõi của đời sống đức tin chính là một thái độ đúng đắn đối với chính mình và đối với Thiên Chúa. Nếu chúng ta là những môn đệ đích thực và những chứng nhân của Đức Kitô, chúng ta không thể sống mà không tìm kiếm sự hòa giải bên trong tâm hồn mình đối với Thiên Chúa. Chúng ta không thể ở lại trong tội lỗi, cũng không thể tiến bước trên đường về nhà Cha bằng … nửa tấm lòng – trong khi Cha đang nóng ruột quay quắt chờ mong trông thấy bóng ta trở về!
Qua dụ ngôn Người Con Đi Hoang, Chúa Giê-su đã cho chúng ta thấy sức mạnh và cái đẹp của sự giao hòa bằng cách đánh động không chỉ trí năng của ta mà cả óc tưởng tượng, trái tim và lương tâm ta nữa. Biết bao con người trong các thời đại đã qua, và biết bao con người thời nay đã gặp đi gặp lại nơi dụ ngôn này câu chuyện riêng tư của chính mình!
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 18/3
Thánh Cyrillô Giêrusalem
Giám mục tiến sĩ Hội Thánh
St 37, 3-4. 12-13a. 17b-28; Mt 21, 33-43. 45-46.
LỜI SUY NIỆM: “Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!”
Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn những ta điền sát nhân; Người muốn cảnh tỉnh các người Pharisêu và các kinh sư cũng như các nhà lãnh đạo dân Do-thái: Chính Thiên Chúa đã giao phó vai trò chăm sóc dân của Ngài, nhưng họ chỉ nghĩ đến quyền lợi của họ, và sinh lòng muốn chiếm đoạt, và sử dụng theo ý của riêng mình, mà đã gạt bỏ các ngôn sứ cũng như chính Con Một của Thiên Chúa. Điều này trong số họ đều hiểu là Người đang nói về chính họ. nhưng họ vẫn cứng lòng từ chối Người. Tìm cách giết Người
Lạy Chúa Giêsu. Trong cuộc sống của chúng con luôn có Lời Chúa cảnh tỉnh mỗi khi chúng con đi vào chốn lỗi lầm. Xin cho mỗi người trong chúng con biết cảng tỉnh để sửa mình lại hầu có thể trở nên tốt lành hơn.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 18-03: Thánh CYRILÔ Thành GIÊRUSALEM
Giám mục Tiến sĩ (315 – 387)
Xi-ri-lô nhiệt thành học kinh thánh tại Giêrusalem. Khoảng 30 tuổi, Ngài được thụ phong linh mục và sau nhiều thăng trầm Ngài trở thành giám mục Giêrusalem.
Một phép lạ ghi dấu khởi đầu đời giám mục của Ngài. Chính Ngài đã kể lại phép lạ ấy trong một lá thư gửi cho các vua Constansce. Ngày 7 tháng 5 năm 351, vào buổi sáng, trên nền trời thành phố hiện ra một cây thánh giá sáng chói. Thánh giá trải dài từ đỉnh Canvê tới cây dầu. Cảm kích tột độ, đàn ông đàn bà và trẻ em bỏ nhà chạy đến nhà thờ, lớn tiếng ca ngợi Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Các khách hành hương đến viếng đất thánh loan đi khắp nơi.
Nhiều lương dân và người Do thái trở lại, Xi-ri-lô viết thư cho hoàng đế Constance biết hiện tượng lạ thường này như lời kêu gọi nhà vua trở về với đức tin công giáo.
Mục đích đầu tiên của Xi-ri-lô là nỗ lực xây dựng sự hiệp nhất giữa các tâm hồn vì không có sự phân rẽ nào có thể tổn tại được trong lòng Giáo hội, lòng bác ái của Ngài bao trùm hết những người đau khổ, đến nỗi Ngài bị trách cứ là đã bán đồ thánh và nhất là những đồ trang hoàng đại đế Contastinô đã hiến dâng cho nhà thờ.
Các giáo huấn của Ngài còn giữ lại được, đã chúng tỏ rằng: trong những thế kỷ đầu, người ta đã tôn kính dấu thánh giá thế nào, Ngài khuyên : – “Hãy in dấu thánh giá Chúa Giêsu Kitô trên trán các con. Thấy dấu này quỉ ma sẽ chạy trốn. Hãy làm dấu thánh giá khi ăn uống, khi thức dậy cũng như khi ngủ. Hãy làm dấu thánh giá trong mọi hành động”.
Là mục tử gương mẫu, thánh Xi-ri-lô kiên quyết bảo vệ chân lý đức tin chống lại những kẻ lạc giáo. Ba lần Ngài bệ đày khỏi Giêrusalem và ba lần Ngài được tái lập tại tòa giám mục. Dưới thời Julianô bội giáo, khi trở lại địa phận, Ngài sẽ là chứng nhân của một sự lạ nữa không thể quên được.
Nhà vua muốn đưa ra một sự phủ nhận đối với lời tuyên bố của Chúa Giêsu về việc tàn phá đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu đã loan báo rằng: đền thờ sẽ bị phá huỷ và không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Nhà vua muốn phủ nhận lời tiên báo, định xây lại nhà thờ tái lập lại việc thờ phượng của Do thái giáo. Các công nhân đổ về Giêrusalem. Để tái thiết đền thờ người ta đã dâng hiến mọi của cải cần thiết. Dân Do thái khắp nơi tụ tập lại. Hãnh diện vì sự bao bọc của nhà vua, họ khinh miệt và đe dọa các Kitô hữu. Đức giám mục bị tấn công cả từ phía các lương dân lẫn các tín hữu quá yếu kém lòng tin.
iữa những nhục mạ của một số người và nước mắt của một số người khác, Ngài quả quyết rằng sự thách thức bất lương sẽ đổi thành cơn bấn loạn cho lương dân và cho người Do thái. Trong khi đó, đêm ngày triệt hạ cái nền móng cũ một cách vô tình, người Do thái đã nỗ lực hoàn thành lời tiên báo không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Khi họ bắt đầu thực hiện việc xây cất thì có những cơn giông thổi lửa xuống đất, thiêu đốt các công nhân, làm cho họ không ai tới nơi để thực hiện công trình được. Julianô đã nghĩ tới truyện trả thù Xi-ri-lô vì sự thất bại khủng khiếp của ông. Nhưng cái chết đã ngăn cản không cho ông thực hiện ý định.
Đang khi lo lắng cho địa phận mình, Xi-ri-lô lại nhận được sắc lệnh lưu đày mới thời Valens. Ngài bị lưu đày mười một năm và đã trở lại vĩnh viễn tại Giêrusalem dưới thời vua Gratianô.
Ngài đã tham dự công đồng Constantinople. Các giám mục họp lại, viết thư cho Đức Giáo hoàng để ca tụng đức tin và thái độ anh hùng của Xi-ri-lô. Đây là chứng tích cuối cùng về con người vĩ đại đã bảo vệ đức tin Kitô giáo này.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
18 Tháng Ba
Ðất Thánh
Một giáo xứ miền quê nọ đã được thành lập từ lâu, nhưng chưa có được một ngôi nhà thờ xây cất hẳn hoi. Giáo dân lại nằm rải rác trong hai ngôi làng sát cạnh nhau. Khát vọng duy nhất của giáo dân là được có nơi thờ phượng đàng hoàng… Với sự hăng say bộc phát của những người nông dân, mọi người đã quảng đại đáp lại lời kêu gọi của các chức sắc trong giáo xứ: kẻ góp tiền, người cho vật dụng… Thế nhưng vấn đề cơ bản vẫn là: đâu là địa điểm xứng hợp nhất để xây cất nhà thờ. Người trong làng này thì muốn ngôi nhà thờ tọa lạc trong làng của mình. Người bên làng kia thì lại muốn ngôi nhà thờ được xây cất gần bên chỗ mình ở. Thế là hai bên cứ tranh luận, không bên nào muốn nhường bên nào. Tiền đã có sẵn, vật dụng cũng đã đầy đủ, nhưng không biết phải đặt viên đá đầu tiên bên làng nào.
Giữa lúc vấn đề địa điểm chưa ngã ngũ, thì một vấn đề lớn lại xảy ra: một nạn hạn hán trầm trọng đe dọa dân chúng trong cả hai làng. Thế là người ta chỉ còn nghĩ đến việc chống hạn hán hơn là xây cất nhà thờ. Nhưng sức người có hạn, việc dẫn thủy nhập điền không đạt được chỉ tiêu. Năm đó, toàn dân trong hai làng đều phải chịu cảnh đói khát.
Sống bên cạnh nhau, cho nên mặc dù ngăn cách về hành chính, dân hai làng vẫn coi nhau như bà con ruột thịt… Có hai gia đình nông dân nọ rất mực thương nhau và tương trợ nhau. Một người bên làng này luôn nghĩ đến cảnh đói khổ mà người bạn bên làng kia đang phải chịu. Thế là một đêm nọ, anh đã phân chia phần lúa thóc thu hoạch được trong vụ mùa vừa qua và lặng lẽ vác lên vai để mang qua cứu trợ người bạn của làng bên cạnh… Trong khi đó thì người bạn bên làng bên cạnh cũng có một ý nghĩ tương tự. Anh cũng hành động y như người bạn của mình. Cũng chính đêm hôm đó, anh đã sớt bớt phần lúa của mình để mang qua biếu người bạn ở làng kế bên… Giữa đêm tối, không hẹn hò, hai người bạn đã gặp nhau trong cùng một ý nghĩ và hành động. Không cần một lời giải thích, không cần một lời chào hỏi, hai người đã hiểu nhau: Họ bỏ bao lúa xuống đất và ôm trầm lấy nhau… Ðiểm gặp gỡ của tình bạn, của tình tương thân tương ái, của tình liên đới, của chia sẻ ấy đã được giáo dân của hai ngôi làng gọi là đất Thánh và không cần phải mất nhiều thủ tục để giải quyết, họ đã đồng thanh chọn địa điểm ấy làm nơi xây cất nhà thờ.
Nhà thờ là nơi hẹn hò: hẹn hò với Thiên Chúa, hẹn hò với con người. Không ai đến nhà thờ mà không tìm gặp được sức mạnh từ chính Chúa, sự an ủi đỡ nâng từ những người anh em của mình… Do đó, nhà thờ phải là điểm đến của mọi nẻo đường, nhà thờ phải là nơi hội tụ của mọi xây dựng, nhà thờ phải là giải đáp của mọi tranh luận… Người ta không thể xây dựng những ngôi nhà thờ nguy nga tráng lệ mà lại làm ngơ trước những người đang dẫy chết bên cạnh. Người ta không thể nhắm mắt đi đến nhà thờ trong khi bên lề đường có bao nhiêu kẻ lê lết trong đói khổ… Phải chăng, nhà thờ chỉ có thể xây dựng ngay chính trên đất Thánh của chia sẻ, của san sớt, của tình liên đới mà thôi? Phải chăng, việc đi đến nhà thờ cũng chỉ có ý nghĩa khi nó là điểm đến, là biểu trưng của chính những viên gạch bác ái mà người ta không ngừng xây dựng trong cuộc sống hằng ngày?
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu – Tuần II – MC
Bài đọc: Gen 37:3-4, 12-13ª, 17b-28; Mt 21:33-43, 45-46.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa
Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 tại Việt-nam được nhiều người gọi là Ngày Quốc Hận; nhưng cũng là cơ may cho biết bao gia đình Việt-nam gởi các “Giuse” ra các nước ngòai. Các Giuse này sau một thời gian lập nghiệp nơi xứ người, đã đưa cả gia đình còn kẹt ở Việt-nam sang đòan tụ; hay ít nhất, cũng gởi bao nhiêu của cải về Việt-nam để cứu cả nước khỏi đói khát. Nhìn lại biến cố 30 tháng 4, nhiều người Việt-nam nhận ra sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài thực hiện nhiều điều tốt lành từ biến cố tang thương này.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta nhìn thấy sự quan phòng của Thiên Chúa: nhiều sự tốt lành được thực hiện ngay cả từ những ghen tương, giận ghét của con người. Trong Bài Đọc I, ông Giuse đầu tiên bị các anh bán sang Ai-cập với giá 20 đồng bạc, vì ghen tị em mình được cha thương hơn tất cả mọi anh em. Nhưng trong sự quan phòng của Thiên Chúa, ông đã trở thành Tể-tướng của Ai-cập để chuẩn bị cứu đói và đưa cả gia đình: cha và các anh em qua đòan tụ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra câu truyện vườn nho của Thiên Chúa để ám chỉ sự bạc bẽo của dân và cái chết tương lai của Ngài. Nhưng trong sự quan phòng của Thiên Chúa, “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.” Ngài chính là Tảng Đá đem lại Ơn Cứu Độ, không những cho dân tộc Do-thái, mà còn cho tất cả các dân tộc.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ông Giuse bị các anh bán sang Ai-cập.
1.1/ Sự ghen tị và ác độc của các anh: Ông Israel có lý do để yêu Giuse hơn tất cả các con, vì ông đã già mới sinh được cậu; nhưng khi các anh cậu thấy cha yêu cậu hơn tất cả các anh, thì sinh lòng ghét cậu và không thể nói năng tử tế với cậu. Cơ hội báo thù đến khi cha gởi cậu mang cơm nước cho các anh đang chăn chiên ngòai đồng, và cậu gặp các anh ở Dothan. Họ thấy cậu từ xa, và trước khi cậu tới gần họ thì họ lập mưu giết chết cậu. Họ bảo nhau: “Thằng tướng chiêm bao đang đến kia! Bây giờ, nào ta giết và ném nó xuống một cái giếng. Ta sẽ nói là một thú dữ đã ăn thịt nó. Rồi ta sẽ thấy các chiêm bao của nó đi tới đâu!”
Giuse có biệt tài về việc giải thích các điềm chiêm bao. Cậu đã từng chiêm bao và giải thích nó cho cha và các anh, vì cậu nói cha và các anh đều quỳ xuống lạy cậu. Chính điều này làm cho các anh càng ghét và gọi cậu là “Thằng tướng chiêm bao.” Khi qua Ai-cập, nhờ giải thích các điềm chiêm bao cho hai ông quan mà cậu được ra khỏi tù; và cho Vua Pharao mà cậu được thăng chức Tể-tướng. Trong Cựu-ước, chiêm bao là cách con người hiểu biết các kế họach kỳ diệu, nhưng ẩn giấu mà Thiên Chúa sắp làm trên con người. Qua những điềm chiêm bao này, Giuse thấu hiểu tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa đã hướng dẫn ông, gia đình, và nhân lọai.
1.2/ Kế họach của con người và sự quan phòng của Thiên Chúa: Các anh muốn giết cậu để thủ tiêu ngay từ đầu, nhưng một người anh là Reuben tìm cách cứu em khỏi tay họ, bằng cách đề nghị ném cậu xuống giếng; và họ đã ném cậu xuống một cái giếng cạn không có nước. Sau đó, khi họ đang ngồi ăn, một người anh khác là Judah đề nghị với các anh em: “Ta giết em và phủ lấp máu nó, nào có ích lợi gì? Thôi, ta hãy bán nó cho người Ismael, nhưng đừng động tay tới nó, vì nó là em ta, là ruột thịt của ta.” Các anh em nghe cậu. Khi thấy những lái buôn người Madian đi qua đó, họ kéo Giuse lên khỏi giếng, rồi bán cậu cho người Ismael hai mươi đồng bạc. Những người này đưa Giuse sang Ai-cập. Anh Judah này là hình ảnh của Tông-đồ Judah sẽ bán Chúa Giêsu 30 đồng bạc. Qua biến cố này, chúng ta nhận ra Thiên Chúa dùng cả tình thương của anh Reuven và lòng tham tiền của anh Judah để cứu Giuse khỏi chết.
2/ Phúc Âm: Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường.
2.1/ Câu truyện Vườn Nho của Tân-ước: Sở dĩ chúng ta gọi như vậy là để phân biệt với câu truyện Vườn Nho của Cựu-ước mà Tiên-tri Isaiah tường thuật (Isa 5:1-7). Chúa Giêsu dùng thể văn lọai suy mà người nghe hiểu ngay Ngài đang muốn ám chỉ ai và về điều gì:
Vườn nho là nhà Israel và gia chủ là chính Thiên Chúa. Các tá điền là những người lãnh đạo trong Israel: tư tế, kinh sư, và biệt phái. Đầy tớ của chủ là các tiên tri qua các thời đại. Điểm khác biệt giữa hai câu truyện Vườn Nho là sự sai đi của Người Con. Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!” Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi. Chúa Giêsu muốn đối thọai với khán giả để chính họ ra bản án cho các tá điền:
– “Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?”
– Họ đáp: “Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông.”
2.2/ Sự quan phòng của Thiên Chúa: Đức Giêsu bảo họ: “Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta. Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.” Câu Kinh Thánh Chúa Giêsu trích dẫn ở đây là Thánh Vịnh 118:22-23. Chúa Giêsu muốn cắt nghĩa cho họ biết Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa đang được thực hiện ngay trong sự ghen ghét và ác độc của các tá điền. Ngài chính là Tảng Đá mà các nhà lãnh đạo Do-Thái sắp giết chết; nhưng chính cái chết của Ngài sẽ đem lại lợi ích cho mọi người: Do-thái cũng như Dân-ngọai. Từ nay, Nước Thiên Chúa không chỉ giới hạn trong dân tộc Do-thái nữa; mà sẽ mở rộng đến mọi dân tộc. Sẽ có những dân tộc biết sinh hoa lợi cho Thiên Chúa nhiều hơn dân tộc Do-thái.
Các Thượng-tế và Biệt-phái hiểu ngay là Người đang nói về họ qua dụ ngôn Người kể. Như là một sự sắp đặt, “Họ tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng, vì dân chúng cho Người là một ngôn sứ.” Họ chưa thi hành kế họach được, vì giờ của Ngài chưa đến. Khi giờ đến, họ sẽ làm theo Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa đã vạch sẵn.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Thiên Chúa đang điều khiển và quan phòng mọi sự xảy ra trong thế giới này. Con người có thể nghĩ họ là người điều khiển, nhưng thực ra họ đang làm những gì đã được xếp đặt trong sự quan phòng của Ngài.
– Dĩ nhiên con người vẫn có tự do để cộng tác hay làm nghịch lại ý của Thiên Chúa; nhưng họ không thể làm cho những gì Thiên Chúa họach định đừng xảy ra. Ngài có thể dùng tất cả những cái tốt cũng như cái xấu của con người để đạt những gì Ngài họach định.
– Sự quan phòng của Thiên Chúa nhiều khi không dễ hiểu; nhưng chúng ta phải tin, vì nếu chúng ta hiểu được mọi sự quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta không còn là người nữa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************