Ngày thứ sáu (20-09-2024) – Trang suy niệm

19/09/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Sáu. Thánh Anrê Kim Têgon

BÀI ĐỌC I: 1 Cr 15, 12-20

“Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì đức tin của anh em cũng vô giá trị”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, nếu chúng tôi rao giảng rằng Đức Kitô đã từ cõi chết sống lại, làm sao trong anh em lại có người dám nói: không có vấn đề kẻ chết sống lại? Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Kitô cũng đã không sống lại. Mà nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời giảng của chúng tôi sẽ nên trống rỗng, và Đức Tin của anh em cũng ra trống rỗng. Vì chưng nếu kẻ chết không sống lại, thì chúng tôi bị coi là những chứng nhân giả dối về Thiên Chúa, vì lẽ chúng tôi đã làm chứng nghịch với Thiên Chúa rằng: Chúa đã phục sinh Đức Kitô, khi mà Chúa đã không làm cho Người sống lại. Bởi chưng nếu những kẻ chết không sống lại, thì Đức Kitô cũng đã không sống lại. Và nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì đức tin của anh em cũng vô giá trị, vì anh em vẫn còn ở trong tội lỗi. Vậy ngay cả những người đã an giấc trong Đức Kitô cũng hư vong. Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Đức Kitô trong đời sống hiện tại mà thôi, thì chúng ta là những người đáng thương hại nhất. Nhưng kỳ thực Đức Kitô đã sống lại, Người là đầu mùa những người đã an giấc ngàn thu.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 16, 1. 6-7. 8b và 15

Đáp: Lạy Chúa, khi thức giấc, con no thoả nhìn chân dung Chúa

1) Lạy Chúa, xin nghe điều chính nghĩa của con, xin để ý đến lời con kêu cứu, lắng tai nghe tiếng con thốt ra từ cặp môi chân thành!

2) Con kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời con, lạy Chúa, xin ghé tai về bên con, xin nghe rõ tiếng con. Xin tỏ ra đức từ bi lạ lùng của Chúa, là Đấng giải thoát khỏi bọn đối phương, những ai tìm nương tựa tay hữu của Ngài.

3) Xin che chở con trong bóng cánh tay Ngài. Phần con, nhờ công chính, sẽ được thấy thiên nhan, khi thức giấc, con no thoả nhìn chân dung Chúa.

ALLELUIA: Tv 118, 36a và 29b

All. All. – Lạy Chúa, xin nghiêng lòng con theo lời Chúa răn bảo, và xin rộng tay ban luật pháp của Chúa cho con. – All.

PHÚC ÂM: Lc 8, 1-3

“Có mấy phụ nữ đi với Người và họ đã lấy của cải mình mà giúp Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: là bà Maria cũng gọi là Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy quỷ ám, bà Gioanna vợ của Chusa, viên quản lý của Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác; những bà này đã lấy của cải mình mà giúp Người.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

20/09/2024 – THỨ SÁU TUẦN 24 TN

Th. An-rê Kim và Phao-lô Chung và các bạn tử đạo

Lc 8,1-3

‘NỮ TÔNG ĐỒ’ CỦA CHÚA

Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ. (Lc 8,1.3)

Suy niệm: Trả lời cho phóng viên tờ La Croix trên chuyến bay từ Rio de Janeiro về Roma, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng không có phụ nữ, Giáo Hội mất đi sức phong phú của mình. Vì chưng, một Giáo Hội không có các phụ nữ cũng giống như đoàn Tông Đồ không có Mẹ Ma-ri-a. Vai trò của phụ nữ không chỉ là người mẹ trong gia đình mà còn là hình ảnh của Đức Ma-ri-a, Đấng làm cho Giáo Hội sinh ra và lớn lên. Trong Tin Mừng Luca, cùng với nhóm Mười Hai, còn có các “nữ tông đồ” đi theo Chúa “trên từng cây số,” hỗ trợ vật chất cho các ngài. Nhờ đó, việc loan báo Tin Mừng được thuận lợi hơn.

Mời Bạn: Hội Thánh được khai sinh để làm cho Nước Thiên Chúa rộng mở trên khắp hoàn cầu, hầu mọi dân nhận biết danh Thiên Chúa. Bản chất của Hội Thánh là loan báo Tin Mừng. Cho nên, dù bạn là nam hay nữ, giáo sĩ hay giáo dân, hãy tích cực đóng góp công sức, thời gian, khả năng, vật chất cho sứ vụ cao quý ấy của Hội Thánh.

Chia sẻ: Bạn nghĩ gì khi đọc điều răn thứ năm của Hội Thánh: “Đóng góp theo khả năng cho nhu cầu của Hội Thánh”? (GLHTCG, số 2043).

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ tự nguyện và thành tâm đóng góp theo khả năng cho nhu cầu vật chất của cộng đoàn, giáo xứ, giáo phận, hay Tòa Thánh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, tất cả những gì con có là của Chúa ban; xin cho con biết sử dụng những nén bạc ấy cách tích cực và xứng hợp, hầu làm rạng danh Chúa và mưu ích cho tha nhân.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Nhóm Mười hai cùng đi với Thầy Giêsu qua các thành phố, làng mạc,
để rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa (c. 1).
Chuyện các môn đệ nam giới đi theo Thầy
là chuyện bình thường trong xã hội Do Thái.
Chuyện lạ ở đây là chuyện cùng đi với Thầy còn có các phụ nữ.
Các bà đi theo Thầy, rong ruổi trên những nẻo đường của vùng Galilê.
Họ như thuộc cùng một nhóm với các môn đệ.
Vào thời Đức Giêsu, chuyện phụ nữ đi chung như thế quả là gây sốc.
Nếu một phụ nữ cứ tiếp xúc với nam giới ở ngoài họ hàng,
thì bản thân chị ấy và gia đình sẽ phải mang tiếng xấu.
Vả lại chẳng ông chồng nào chịu để cho vợ mình làm như vậy.

Những phụ nữ đã đi theo Thầy Giêsu từ Galilê.
Câu này nói lên căn cước của nhóm phụ nữ.
Họ đã theo Thầy đến chỗ Thầy chịu đóng đinh (Lc 23, 49).
Họ đã theo Thầy đến chỗ Thầy được mai táng (Lc 23, 55).
Họ là những người đầu tiên ra thăm mộ vào sáng sớm (Lc 24, 1-3).
Theo Tin Mừng Mátthêu (28, 9-10), Máccô (16, 9) và Gioan (Ga 20, 18),
chính họ là những người đầu tiên được thấy Đấng phục sinh
Hai môn đệ Emmau tuy không tin lời chứng của các phụ nữ về Phục sinh,
nhưng hai ông đã gọi họ là những phụ nữ trong nhóm chúng tôi (Lc 24, 22).
Những phụ nữ này còn có mặt cùng với nhóm Mười Hai,
để cầu nguyện chung, sau khi Thầy Giêsu được cất về trời (Cv 1, 13-14).
Như thế nhóm phụ nữ này đã kiên trì và can đảm đi theo Thầy Giêsu,
từ Galilê đến Núi Sọ, và từ Núi Sọ đến cộng đoàn Giáo Hội sơ khai.
Một cách nào đó, họ xứng đáng được gọi là người môn đệ.

Đức Giêsu đã không chỉ thu hút được các môn đệ nam theo Ngài.
Qua việc trừ quỷ và chữa bệnh, Ngài đã làm cho nhiều cuộc đời tươi trở lại.
Một nhóm phụ nữ khi được chữa lành, đã muốn tỏ lòng biết ơn,
trong đó có bà Gioanna, là người đã lập gia đình, giàu có và quyền quý.
Họ quyết định đi theo Đức Giêsu và các môn đệ như những trợ tá.
Họ dùng của cải mình có để phục vụ các ngài (c. 3).
Không nên coi việc phục vụ của nhóm phụ nữ là thấp kém,
vì các môn đệ cũng được mời gọi làm người phục vụ anh em (Mc 10, 43).
Và chính Thầy Giêsu cũng đã sống như một người phục vụ (Lc 22, 27).
Không thấy nói đến việc các phụ nữ này được Thầy Giêsu sai đi rao giảng.
Có lẽ vì vào thời đó ở nước Do Thái, người ta còn coi thường phụ nữ,
và không coi các phụ nữ như những chứng nhân đáng tin.

Khi nhìn Nhóm Thầy Giêsu cách đây hai mươi thế kỷ,
chúng ta thấy Thầy đã táo bạo, dám đi ngược với nền văn hóa thời đó.
Ngài mở rộng thế giới của phụ nữ, vốn chỉ giới hạn trong gia đình.
Phụ nữ hôm nay được mời gọi tham gia vào những công việc chung.
Chúng ta cần thấy sự hiện diện tích cực của các phụ nữ lo việc bác ái,
dạy giáo lý, làm việc cho giáo xứ, hay ở trong các tổ chức của giáo phận.
Làm sao có được nhiều phụ nữ thánh thiện và năng động như Mẹ Têrêsa?

Cầu nguyện

Giữa một thế giới
đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

 Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

20 THÁNG CHÍN

Nối Những Nhịp Cầu Yêu Thương

Bạn hãy hăng say cộng tác với Đấng Cứu Độ. Người bày tỏ cho chúng ta thấy lòng thương xót của Chúa Cha. Trong Đức Kitô, Chúa Cha luôn luôn chan tưới hồng ân của Ngài trên chúng ta. Ngài ban cho chúng ta sự sống và sức mạnh. Ngài tha thứ chúng ta và đưa chúng ta vào mối quan hệ riêng với Ngài; Ngài sai Con của Ngài đến với chúng ta, qua Người Con ấy lòng thương xót của Ngài tuôn trào.

Vâng, bạn hãy học với Đức Ki-tô, hình ảnh hoàn hảo (Tổng Luận Thần Học I,35) diễn tả tình yêu vô hạn của Chúa Cha. Như Chúa Giêsu, bạn hãy gần gũi với con người. Nhất là, hãy gần gũi với những người bệnh tật, những người bị chà đạp phẩm giá. Bạn hãy trở thành người chiến sĩ xây dựng nền văn minh tình thương, hãy nhiệt thành chia sẻ lòng bác ái chân thực, để thăng tiến nhân loại này nên tốt hơn. Như vậy, bạn sẽ tham dự trọn vẹn vào công cuộc cứu độ của Đức Ki-tô.

Hội Thánh ngỏ lời với các bạn, những người xây đắp nền văn minh tình thương: “Kinh nghiệm của quá khứ và của chính thời đại chúng ta cho thấy rằng chỉ công bằng mà thôi thì chưa đủ để đảm bảo cho con người được sống trên mọi chiều kích của sự sống. Chúng ta cần phải có được năng lực sâu xa hơn nữa, đó chính là tình yêu” (Div. In Mis, 12).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 20/9

Thánh Anrê Kim ngôn, Phaolô Chong Hasang

Và các bạn tử đạo

1Cr 15, 12-20; Lc 8, 1-3.

Lời Suy Niệm: Đức Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, cùng đi với Người có Nhóm Mười Hai. (Lc 8,1)

          Trong đời sống công khai rao giảng của Chúa Giêsu, Người luôn luôn tiến bước từ nơi này đến nơi khác, Người không giới hạn ranh giới. Người loan báo về Tin Mừng, tin về Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Chúa Thánh Thần (Rm  14,17). Và nguyện ước của Người, luôn được Người mời gọi: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép Rửa, sẽ được cứu độ, còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.” (Mc 16,15-16).

          Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa cho hạt giống đức tin mà chúng con đã được Chúa Cha ban qua Chúa, luôn được triển nở trong lòng nhân loại và trong vũ trụ này. Để tất cả được bình an trong Chúa. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

20 Tháng Chín

Bởi Vì Tôi Rất Yêu Mến Bà!

Một buổi tối nọ, Mẹ Têrêxa thành Calcutta tiến lại gần một người mà người ta vừa mang vào căn nhà dành cho những người hấp hối. Ðó là một lão bà. Mình phủ đầy những mảnh giẻ rách, nước da đen đầy những vết thương hôi thối. Mẹ Têrêxa đã chùi rửa các vết thương và chăm sóc để ngừa bị nhiễm trùng. Nhưng người đàn bà đáng thương này đang hấp hối… có lẽ khó mà qua khỏi, do đó tốt hơn là nên tìm cách an ủi lần cuối cùng bằng một chén canh nóng và tràn đầy tình thương yêu.

Người đàn bà đáng thương ấy sững sờ nhìn và hỏi Mẹ Têrêxa bằng một giọng thều thào:

– “Tại sao bà lại làm như vậy?”

Mẹ Têrêxa trả lời:

– “Bởi vì tôi rất yêu mến bà…”

Một tia sáng hạnh phúc, dù vẫn còn pha chút nghi ngờ, phát xuất từ tận đáy lòng, đã ngời lên khuôn mặt gầy gò của người đàn bà, nơi dấu ấn của tử thần đã bắt đầu xuất hiện.

– “Ôi bà hãy nhắc lại một lần nữa đi!”

– “Tôi rất yêu mến bà”. Mẹ Têrêxa lập lại bằng một giọng điệu rất dịu dàng.

– “Hãy nhắc lại, hãy nhắc lại đi bà”.

Người đàn bà đang bước vào cõi chết xiết chặt tay Mẹ Têrêxa và kéo về phía bà ta, như muốn lắng nghe rõ hơn, nghe với niềm hạnh phúc tràn trề những lời lẽ tuyệt vời nhất trên cõi đời…

Bằng chính tình yêu của mình, Mẹ Têrêxa đã biết nhìn sự suy sụp của tình người, Mẹ đã biết khám phá ra cái thực thể thiêng liêng Mầu Nhiệm của những con người nghèo hèn xấu số nhất. Chúng ta cũng hãy luôn nhìn mọi người bằng chính cái nhìn yêu thương và tôn trọng của chính Chúa đối với mọi người…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Sáu – Tuần 24 – TN2 – Năm Chẵn

Bài đọc: I Cor 15:12-20; Lk 8:1-3.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Làm việc cho một mục đích

Tất cả các hành động có suy nghĩ của con người đều được làm cho một mục đích, ví dụ: học sinh đến trường để trau dồi kiến thức và để chuẩn bị kiếm việc làm mai sau. Tòan bộ cuộc sống của con người cũng thế, họ sống và hành động cho một mục đích. Đối với các tín hữu, mục đích của cuộc đời chính là sự sống lại đời sau. Thánh Phaolô nhấn mạnh mục đích này trong Bài đọc I. Nhóm Mười Hai và một số phụ nữ đi theo Chúa để giúp phần vào việc rao giảng Tin Mừng: nhóm Mười Hai trực tiếp rao giảng trong khi nhóm phụ nữ dùng của cải để giúp đỡ Chúa Giêsu và các môn đệ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Niềm tin Phục Sinh

Có những người không tin chuyện kẻ chết sống lại trong cộng đòan tín hữu Côrintô. Thánh Phaolô nhắc nhở những người này trọng tâm của Tin Mừng mà ngài rao giảng là sự sống lại. Nếu Chúa Kitô không sống lại thì kẻ chết cũng không sống lại; và nếu kẻ chết không sống lại thì sẽ chẳng có cuộc sống đời sau. Nếu không có cuộc sống đời sau thì các tín hữu cần gì phải tin vào Thiên Chúa và giữ vác lời dạy dỗ của Ngài. Họ cứ việc sống như những Dân Ngọai: ăn uống thả cửa và hưởng thụ tối đa những gì thế gian dâng tặng.

Nhưng Chúa Kitô thực đã Phục Sinh. Thánh Phaolô tuy không được chứng kiến tận mắt “ngôi mộ trống,” hay những lần Chúa hiện ra với Nhóm Mười Một sau khi Ngài sống lại; nhưng Ngài đã thấy tận mắt Chúa Kitô Phục Sinh khi ngã ngựa trên đường đi Damascus, đã nghe lời cảnh giác “khốn cho ngươi nếu cứ đưa chân đạp mũi nhọn,” và sứ vụ được chính Chúa trao ban làm Tông Đồ Dân Ngọai. Chính biến cố này đã làm thay đổi cả cuộc đời của ngài và là lý do tại sao ngài hăng say hy sinh tất cả cho việc rao giảng Tin Mừng.

Nếu Chúa Kitô không sống lại, thì đức tin của Phaolô và các tín hữu không có nền tảng và phải chịu nhiều hâu quả quan trọng. Hậu quả đầu tiên là con người vẫn còn sống trong tội lỗi của mình: Chúa chết là chết cho tội lỗi con người; nếu Chúa không sống lại thì sự chết vẫn còn thống trị con người. Hậu quả thứ hai là hy vọng của con người vào cuộc sống mai sau là hy vọng hão huyền và không có nền tảng. Hậu quả thứ ba là các tín hữu sẽ là những người dại dột so với Dân Ngọai; tại sao lại phải hy sinh giữ luật Chúa mà không tận hưởng tất cả những thú vui của thế gian dâng tặng nếu chỉ có cuộc sống đời này và chết là hết?

Nhưng không phải thế! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, Ngài mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.

2/ Phúc Âm: Loan báo Tin Mừng là bổn phận của nhiều người.

Chúa Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Ngài không đơn thân rao giảng, nhưng có hai nhóm cùng đi rao giảng với Ngài.

* Nhóm Mười Hai: là những người môn đệ thân tín và nòng cốt cho sứ vụ rao giảng. Các ông đi theo Chúa để học hỏi, để được Chúa huấn luyện, và để được Chúa sai đi. Các ông cũng sẽ tiếp tục làm những gì Chúa đang làm: chọn các môn đệ để dạy dỗ, để huấn luyện, và để sai đi.

* Nhóm phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh: Đó là (1) Bà Maria gọi là Maria Magđala, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, (2) bà Gioanna, vợ ông Khuda quản lý của vua Hêrôđê, (3) bà Susanna và nhiều bà khác nữa. Chúa Giêsu và Nhóm Mười Hai có khả năng để vừa rao giảng Tin Mừng vừa làm lụng nuôi thân; nhưng nếu làm như thế, họ sẽ còn rất ít thời giờ cho việc rao giảng. Hơn nữa, Chúa Giêsu muốn cho mọi người đều góp phần trong việc rao giảng Tin Mừng.

Mỗi người đóng góp vào việc rao giảng Tin Mừng tùy theo khả năng của mình: Có người tận hiến cả cuộc đời để học hỏi và rao giảng Tin Mừng như nhóm Mười Hai. Có người tuy sống trong ơn gọi gia đình, nhưng vẫn có thể đóng góp vào việc rao giảng bằng cách giúp đỡ những người rao giảng về phương diện vật chất như nhóm phụ nữ đi theo Chúa hôm nay. Họ muốn Chúa Giêsu và các Tông Đồ có sức khỏe và thời gian để rao giảng Tin Mừng.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Trọng tâm của Tin Mừng và mục đích của cuộc đời là sự sống đời sau. Nếu Chúa Kitô đã chết và đã sống lại thì con người hy vọng sẽ cùng được sống lại để chung hưởng hạnh phúc với với Ngài. Mục đích này phải là lý do của mọi hành động của con người.

– Mỗi người đều có bổn phận đóng góp cho việc truyền giảng Tin Mừng theo khả năng Chúa ban cho. Trong thực tế, nhiều bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ đã chân thành giúp đỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ vì họ muốn các ngài có sứ khỏe để làm việc cho Chúa. Nhiều nhà chuyên môn đã giúp các cha và các giáo xứ tài năng và thời giờ trong việc điều hành giáo xứ. Sau cùng, có rất nhiều các phụ nữ đã góp công của trong việc dọn dẹp, nấu ăn, và cung cấp những phương tiệc cần thiết cho những người rao giảng. Họ cũng là những người cung cấp cho Giáo Hội những nhà rao giảng qua việc sinh và nuôi dưỡng con cái. Tất cả đều mong cho Tin Mừng ngày càng lan rộng; và nếu họ đã đón tiếp những người rao giảng, họ hy vọng cũng sẽ được chung phần với phần thưởng Chúa ban cho những người rao giảng Tin Mừng cả đời này và đời sau như Chúa đã hứa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************