Ngày thứ sáu (25-09-2020) – Trang suy niệm

24/09/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Sáu Tuần XXV Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Gv 3, 1-11

“Vạn vật dưới bầu trời đều trải qua thời gian của chúng”.

Trích sách Giảng Viên.

Mọi sự đều có thì giờ của chúng. Vạn vật dưới bầu trời đều trải qua thời gian của chúng. Có thời gian sinh, thì cũng có thời gian chết. Có thời gian trồng xuống, thì cũng có thời gian nhổ lên cái đã trồng. Có thời gian giết chết, thì cũng có thời gian chữa lành. Có thời gian phá huỷ, thì cũng có thời gian xây dựng. Có thời gian khóc lóc, thì cũng có thời gian cười vui. Có thời gian than van, thì cũng có thời gian nhảy múa. Có thời gian rải đá, thì có thời gian thu lượm lại. Có thời gian gần gũi, thì cũng có thời gian xa cách. Có thời gian thâu hoạch, thì cũng có thời gian tiêu tán đi. Có thời gian gìn giữ, thì cũng có thời gian loại bỏ. Có thời gian xé rách, thì cũng có thời gian vá lại. Có thời gian thinh lặng, thì cũng có thời gian nói năng. Có thời gian yêu thương, thì cũng có thời gian giận ghét. Có thời gian chinh chiến, thì cũng có thời gian hoà bình.

Con người còn được gì do công lao vất vả của mình? Tôi suy nghĩ về sự khổ cực mà Thiên Chúa đã để cho con cái loài người phải chịu đựng.

Chúa tác tạo vạn vật trong thời gian Chúa muốn, và trao phó thế gian cho loài người tranh giành, nhưng con người không hiểu được việc Thiên Chúa đã làm từ đầu đến cuối. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 143, 1a và 2abc. 3-4

Đáp: Ôi Đá Tảng của con, chúc tụng Chúa! (c. 1a)

Xướng:

1) Ôi Đá Tảng của con, chúc tụng Chúa! Chúa là Tình Thương và là chiến lũy, là Đấng phù trợ và giải phóng con. Chúa là khiên thuẫn, là chỗ con nương náu. – Đáp.

2) Lạy Chúa, nhân loại là chi mà Chúa chăm nom, con người là chi mà Chúa thương nghĩ tới? Con người ta như hơi gió thoảng, đời người ta như bóng thoáng qua. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 94, 8ab

Alleluia, alleluia! – Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 9, 18-22

” Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa. Con Người phải chịu nhiều đau khổ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: “Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?” Các ông thưa rằng: “Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa, đã sống lại”. Người lại hỏi các ông rằng: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”. Đó là lời Chúa

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

25/09/2020 – THỨ SÁU TUẦN 25 TN

Lc 9,18-22

HOÁN CẢI CÁCH NGHĨ

“Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” (Lc 9,22)

Suy niệm: Mặc dù tuyên xưng rất đúng Thầy Giê-su “là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa,” nhưng hình ảnh về Đấng Ki-tô trong suy nghĩ của Phê-rô lại khác hoàn toàn với căn tính Đấng Ki-tô trong chương trình của Thiên Chúa. Đối với Phê-rô, Đấng Ki-tô phải thật oai hùng, đầy quyền năng, lãnh đạo dân chúng làm cuộc cách mạng để mang lại sự tự do, hưng thịnh cho dân Chúa, chứ không phải là Đấng Ki-tô đau khổ, bị loại bỏ, bị giết chết, rồi mới bước vào vinh quang. Để chấn chỉnh cách nghĩ sai lạc đó của các ông, Chúa đã nghiêm giọng cấm không được nói với ai về danh xưng Ki-tô của Ngài. Đồng thời Ngài mặc khải về con đường thập giá, mời gọi các ông hoán cải cách nghĩ, lối nhìn, để vui vẻ đón nhận và can đảm bước theo một Đức Ki-tô như Thiên Chúa muốn.

Mời Bạn: Người Ki-tô hữu vẫn tuyên xưng Thiên Chúa là Cha nhân lành, Đấng giàu lòng xót thương. Nhưng có vẻ như trong cách nghĩ của nhiều người, sự nhân lành và tình thương ấy chỉ được tỏ hiện những lúc được Chúa ban ơn, được chữa lành bệnh tật, gặp nhiều may lành trong mọi việc… Còn khi gặp đau khổ hoạn nạn, đối diện với nguy biến, thử thách nặng nề, như trong cơn đại dịch Covid-19, ta lại cho rằng Thiên Chúa bỏ rơi mình. Phần bạn thì sao?

Sống Lời Chúa: Đọc kinh Lạy Cha mỗi ngày cách chậm rãi, để giục lòng vững tin vào tình yêu Cha trên trời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hoán cải lòng chúng con, để chúng con đặt trọn niềm tin vào tình yêu Chúa, đặc biệt trong cơn thử thách cũng như lúc gặp nguy nan. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu đã đi cầu nguyện một mình,
trước khi đặt những câu hỏi quan trọng cho các môn đệ.
“Dân chúng nói Thầy là ai ?” (c. 18).
Ngài muốn biết dư luận nghĩ gì về mình.
Nói chung họ nghĩ Ngài là một ngôn sứ đầy quyền năng (x. Lc 24, 19).
Điều đó đúng nhưng không đủ.
Đức Giêsu mong nghe ý kiến của những người đã ở gần Ngài hơn.
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (c. 20).
Phêrô đại diện anh em trả lời: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.”
Câu trả lời này đúng hơn và đủ hơn,
nhưng cũng dễ gây hiểu lầm và chưa đến lúc cần công bố.
Chính vì thế Đức Giêsu đã cấm các môn đệ không được tiết lộ (c. 21).

Phêrô đã trả lời đúng, vì Thầy Giêsu quả là Đấng Kitô
hay còn gọi là Đấng Mêsia mà dân Do Thái mong đợi từ bao đời.
Nhưng Phêrô có thể hiểu sai khuôn mặt của Đấng Mêsia đó.
Mêsia Giêsu không phải là người sẽ giải phóng Ítraen khỏi ách Rôma,
cũng không phải là người muốn nắm quyền lực trần thế.
Nhưng Ngài sẽ phải chịu khổ hình và bị giết chết bởi giới lãnh đạo (c. 22).
Mêsia Giêsu mang khuôn mặt đau khổ của Người Tôi Trung.
Phêrô đã đi theo Mêsia nào?
Nếu ông biết số phận bi đát đang chờ đợi Thầy của ông,
ông có còn muốn theo Ngài nữa không?

“Còn con, con bảo Thầy là ai?”
Đức Giêsu cũng hỏi từng người chúng ta như vậy, nhiều lần trong đời.
Tôi phải trả lời, vì tôi không nên đi theo Đấng mà tôi không biết là ai.
Tôi nghe câu hỏi trên ở mọi chặng đường của cuộc sống,
và có thể đưa ra những câu trả lời khác nhau, dựa trên kinh nghiệm,
bởi lẽ Đức Giêsu là một Mầu nhiệm không ngừng mở ra cho tôi.
Qua từng biến cố trong đời, tôi lại khám phá ra những nét mới nơi Ngài.
Ngài vẫn là một, nhưng mang nhiều dáng dấp khác nhau khi đến với tôi,
để đáp lại những khát vọng sâu thẳm nơi trái tim.

Nhưng trả lời câu hỏi của Thầy Giêsu không hẳn đã là điều quan trọng.
Điều quan trọng là sống câu trả lời của mình.
Đời tôi là một chuỗi những câu trả lời cho câu hỏi đó.
Nếu tôi coi Ngài là Thầy, xin được ngồi nghe và để Thầy uốn nắn.
Nếu tôi coi Ngài như Bạn, xin được dành giờ để tâm sự, sẻ chia.
Nếu tôi tin Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người,
xin được cúi đầu thờ lạy trước tình yêu khiêm hạ.
Nếu tôi gọi Ngài là Chúa, xin được hiến trọn đời mình
để cùng Ngài phục vụ cho kế hoạch cứu độ của Cha.
Nếu tôi gọi Ngài là Đấng Giải Phóng, xin Ngài cho tôi được tự do,
và cho tôi được cộng tác với Ngài giúp thế gian ra khỏi vòng nô lệ.
Cuối cùng, nếu tôi biết rõ Ngài yêu tôi cách độc nhất,
xin để cho đời mình đáp lại tình yêu.

Cầu nguyện:

Xin hãy dẫn dắt con
đi từ cõi chết đến sự sống,
từ lầm lạc đến chân lý.

Xin hãy dẫn dắt con
đi từ thất vọng đến hy vọng,
từ sợ hãi đến tín thác.

Xin hãy dẫn dắt con
đi từ ghen ghét đến yêu thương,
từ chiến tranh đến hòa bình.

Xin hãy đổ đầy bình an
trong trái tim chúng con,
trong thế giới chúng con,
trong vũ trụ chúng con.

(Mẹ Têrêxa Calcutta)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

25 THÁNG CHÍN

Tiếng Gọi Làm Môn Đệ Chúa

Chúng ta đã tìm hiểu những chân lý mà Giáo Hội tuyên xưng và rao giảng. Những chân lý này thiết lập nên nền tảng của Giao Ước Mới với Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.

Chúng ta đã nắm hiểu mục đích của việc giáo dục Kitô giáo. Ngay từ những năm đầu đời của chúng ta tại gia đình và giáo xứ, chúng ta đã nghe lời mời gọi trở thành môn đệ Đức Giêsu Kitô. Đây là mục tiêu của lời cầu nguyện chúng ta. Lời cầu nguyện của chúng ta cùng với gia đình và cộng đoàn xứ đạo của mình đã đưa chúng ta đến gần hơn bao giờ hết mầu nhiệm về sự hiện diện của Đức Kitô.

Đó là mục tiêu của việc giáo dục Kitô giáo. Nhờ Phép Rửa, chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa. Giờ đây chúng ta lại trở nên những môn đệ của Đức Giêsu Kitô.

Các con, và cả Cha nữa, chúng ta phải cảm tạ Thiên Chúa về cha mẹ và về các cha xứ của chúng ta. Chúng ta phải cảm tạ Thiên Chúa về tất cả những ai đã giúp chúng ta nhận hiểu chân lý được Thiên Chúa mạc khải qua Đức Giêsu Kitô và được Hội Thánh truyền giảng.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 25/9

Gv 3, 1-11; Lc 9, 18-22.

LỜI SUY NIỆM: Ông Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.” Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.

          Lời tuyên xưng của Tông Đồ Phêrô; cũng phải là lời tuyên xưng của mỗi Kitô hữu chúng ta ngày hôm nay; Đặc biệt chúng ta được Tin Mừng hướng dẫn và soi sáng; khi Sứ thần truyền tin cho Đức Maria: “Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35). Và rồi khi Thượng Hội Đồng Do Thái, chất vấn Người, sau khi Người bị bắt; Thượng Hội Đòng hỏi về Người: “Vậy ông là Con Thiên Chúa sao?”  Người đáp: “Đúng như các ông nói, chính tôi đây.” (Lc 22,70)

          Lạy Chúa Giêsu, xin cho tất cả chúng con tin, và sẵn sàng làm chứng đức tin và rao truyền Danh Chúa cho mọi người để cùng được hưởng hạnh phúc đời đời.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

NGÀY 25-09 THÁNH GIUSE CALASANZ – LINH MỤC (1557 – 1648)

Thánh Giuse Calasanz sinh năm 1557 tại Peralta de la Sal miền Aragonia. Cha mẹ Ngài là những một giàu có trong miền, nhưng đã dày công dạy cho con biết yêu Chúa thiết tha, ham thích cầu nguyện và gớm ghét tội lỗi. Chính Giuse ngay từ niên thiếu đã tỏ dấu có lòng bác ác đặc biệt với trẻ nhỏ và ưu tư giáo dục chúng. Ngài thường tụ họp các bạn trẻ lại để dạy cho chúng biết các mầu nhiệm đức tin và biết cách cầu nguyện.

Lớn lên, Giuse được gởi học văn phạm và các môn cổ điển tại Estadilla. 15 tuổi Ngài đã hoàn tất chương trình trung học. Cha mẹ Ngài đặt rất nhiều hy vọng vào tương lai của con. Giuse lại mong chờ một sứ mệnh cao cả hơn. Ngài xin theo học một chương trình sống rất nghiêm khắc để đề phòng những dục vọng bất chính. Ngài còn nhiệt thành dạy giáo lý cho người dốt nát, thăm viếng giúp đỡ các bệnh nhân và những người nghèo khổ. Dầu vậy Ngài đã thành công mỹ mãn và được phép cha cho ở lại để học dân luật và giáo luật.

Ngày 11 tháng 4 năm 1575, Ngài chịu phép cắt tóc gia nhập hàng giáp sĩ.

Sau khi đậu tiến sĩ giáo luật và dân luật, Giuse tiếp tục học thần học tại Valence. Nơi hoa lệ này, quỉ đã ra sức tấn công đức trinh khiết của Giuse. Nhưng quyết hiến thân cho Chúa, Giuse đã chiến thắng vẻ vang. Từ đó Ngài bỏ Valence để tiếp tục theo học tại Alcada.

Tuy nhiên một hung tin làm xáo trộn cuộc đời Ngài. Người anh của Giuse, một sĩ quan trong quân đội từ trần mà chưa có con nối dõi tông đường. Giuse trở về quê nhà vâng lời cha mẹ nhưng vẫn nuôi ước vọng làm linh mục. Ngài ra sức cầu nguyện và được nhậm lời. Ngài bị lâm trọng bệnh và các y sĩ đều bó tay. Người cha của Giuse hứa sẽ cho Ngài làm linh mục nếu được chữa lành. Giuse đã lành bệnh.

Ngày 17 tháng 12 năm 1583, Giuse được thụ phong linh mục. Từ đó cha Giuse lao mình vào công việc chấn hưng đạo đức. Ngài đã thành công đến nỗi 35 tuổi đã được đặt làm bề trên địa phận Urgel. Dầu vậy, Ngài cảm thấy sức thúc đẩy đến Roma. Ngài lên đường và suốt năm năm. Ngài đã sống tại giáo đô như là một khách hành hương khiêm tốn. Trong thời gian này, thánh nhân đã thấy tận mắt sự khốn cùng và những tật xấu của đám dân nghèo. Ngài xác tín rằng tình trạng này gây nên bởi sự thiếu hiểu biết về đạo.

Hiện đang sở hữu tài sản lớn lao do người cha từ trần để lại, Ngài liền thiết lập những trường miễn phí cho dân nghèo. Nhiều người đến cộng tác với Ngài, phần lớn là các giáo sĩ. Dần dần họ họp thành một dòng giáo sĩ triều được đặt dưới sự bảo trợ của Mẹ Thiên Chúa. Năm 1622 cha Giuse đã đặt làm bề trên tiên khởi. Các trường dưới sự hướng dẫn của Ngài ngày càng thêm nhiều, công cuộc của Ngài lan rộng sang Đức, Bohemia và Ba Lan.

Về già, cha Giuse trở thành nạn nhân của một âm mưu nhằm truất phế Ngài xuống. Mầm mống chia rẽ vì ghen tỵ mọc lên trong dòng, khiến Đức Innocentê X hạ dòng xuống thành hội đạo đức mà thôi. Cha Giuse vẫn vui vẻ chấp nhận. Tuy nhiên Chúa lại thưởng công cho Ngài và nhiều phép lạ, nhất là được thấy Đức Mẹ ẵm Chúa Giêsu đến xem các học trò của Ngài lần hạt và ban phép lành cho họ. Ngài còn được ơn nói tiên tri, cho biết 10 năm sau dòng sẽ phục hồi và bành trướng mạnh mẽ.

Ngày 25 tháng năm 1648, thánh Giuse từ trần vì một cơn sốt, thọ 92 tuổi, năm 1767 Ngài được tuyên thánh. Năm 1948 Ngài được đặt làm vị tông đồ việc giáo dục và làm đấng bảo trợ các trường công giáo.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

25 Tháng Chín

“Con Người Bất Hạnh Nhất Trần Gian” 

Cuộc đời của nhạc sĩ Beethoven, ngay cả khi đạt đến đỉnh cao của danh vọng, cũng không phải là một cuộc đời hạnh phúc. Tất cả những người viết tiểu sử của nhạc sĩ đều ghi nhận rằng ông đã qua một thời tuổi thơ khốn khổ. Cha ông đã xem kỳ tài âm nhạc của ông như một cơ hội để làm tiền. Thần đồng âm nhạc đã phải ngồi vào đàn Piano từ sáng tới chiều, đến độ ông đâm chán cả âm nhạc. Chỉ có mẹ ông mới là nguồn an ủi duy nhất của ông trong lúc tuổi thơ, nhưng bà đã mất năm ông mới 17 tuổi.

Năm 28 tuổi, Beethoven bắt đầu bị điếc. Ông cảm thấy thất vọng hoàn toàn. Và tai họa đã tiếp diễn cho đến cuối đời ông.

Tuy nhiên, con người “bất hạnh nhất trần gian ấy” như ông thường nói về mình đã sáng tác những dòng nhạc bất hủ nhất ở cuối thế kỷ thứ 18 và đầu thế kỷ thứ 19.

Kho tàng ẩn dấu trong ta chỉ có thể được khám phá và đem ra thi thố với thế giới nếu ta biết chiến đấu. Ðiều đó đòi hỏi những năm tháng dài, tuy nhiên, trở ngại cuối cùng mà ta có thể vượt qua sẽ làm ló rạng kho tàng ẩn dấu trong ta. Thánh Basiliô đã nói: vĩ nhân không phải là người chỉ đọ sức với những điều cả thể, nhưng chính là biết làm cho những việc tầm thường trở thành cao cả bằng chính sức mạnh của mình.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Sáu Tuần 25 TN2, nhớ các thánh Dòng Đa-minh Tử Đạo tại Nhật Bản

Bài đọc: Eccl 3:1-11; Lk 9:18-22.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử.

Sống trong trần gian, con người cảm thấy khả năng hạn hẹp của mình vì bị lệ thuộc vào trời đất, thời gian, hòan cảnh, và môi trường sinh sống. Nếu biết trước và họach định làm sao cho phù hợp với các yếu tố này, con người sẽ thành công; nếu không, sẽ nắm chắc phần thất bại. Khác hẳn với con người, Thiên Chúa luôn luôn làm mọi sự hợp thời đúng lúc vì Ngài biết mọi sự và không bị tùy thuộc vào bất cứ một yếu tố nào. Các Bài đọc hôm nay dẫn chứng những ví dụ cụ thể về hai sự khác biệt này.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thời nào việc đó. Chìa khóa thành công: phải biết 4 đúng: đúng thời, đúng nơi, đúng người, đúng chất liệu.

1.1/ Con người cần phải biết làm việc hợp thời đúng lúc để đạt được kết quả mong muốn. Người Việt-Nam chú trọng đến 3 yếu tố cần phải có để bảo đảm thành công trong bất cứ lãnh vực nào của cuộc đời: thiên thời – địa lợi – nhân hòa; nếu thiếu một trong 3 yếu tố sẽ nắm chắc thất phần bại.

(1) Thiên thời: là thời gian của Trời. Con người cần phải biết thời gian của Trời qua các hiện tượng và trật tự trong trời đất: nắng, mưa, gió, tuyết, xuân, hạ, thu, đông. Để dễ hiểu, chúng ta lấy một ví dụ về nông nghiệp: Biết những điều này sẽ giúp con người biết phác họa kế họach khi nào cầy đất, khi nào gieo mạ, khi nào cấy, bao lâu phải chờ đợi, và khi nào phải gặt. Người không hiểu biết thời gian của trời sẽ gieo khi phải gặt, và vì thế đã đi sai với thời gian của Trời, làm sao có kết quả được? Hơn nữa, con người còn cần phải kiên nhẫn chờ đợi sau khi đã gieo trong một thời gian cần thiết: không thể gặt sớm quá hoặc để lâu quá. Gặt sớm quá sẽ chưa đủ chín và để lâu quá sẽ ủng thối.

(2) Địa lợi: là cơ hội xảy đến với con người trên thế gian. Vẫn theo ví dụ về nông nghiệp, nếu con người mua được mảnh đất tốt: nằm chỗ không cao quá để khỏi bị khô cằn, không sâu quá để khỏi bị lụt lội. Rồi còn phải tùy thuộc vào phân bón, thuốc diệt sâu rầy… Nếu con người không biết nắm lấy những cơ hội xảy đến trong cuộc đời để biết cách đầu tư cho hợp thời thì cũng sẽ không thành công.

(3) Nhân hòa: là lòng người hòa thuận. Con người phải biết cách cư xử sao cho hợp tình, hợp lý, và hợp nơi chốn. Không thể cười nơi đám ma và khóc trong đám cưới như Sách Giảng Viên dạy: “một thời để khóc lóc, một thời để vui cười; một thời để than van, một thời để múa nhảy.” Hơn nữa, con người nào phải áp dụng cách cư xử đó; không thể áp dụng một cách cư xử cho hết mọi người. Sách Giảng Viên dạy: “một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng; một thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời để gây chiến, một thời để làm hoà.” Lòng người rất phức tạp và thay đổi. Nếu không biết cư xử sao cho phù hợp lòng người cũng nắm chắc phần thất bại.

1.2/ Trái với con người, Thiên Chúa luôn luôn làm mọi sự hợp thời và đúng lúc vì Ngài không lệ thuộc vào thời gian và thời gian của con người nằm trong tay của Ngài. Ngài cũng chẳng bị tùy thuộc vào cơ hội vì Ngài biết tất cả những gì xảy ra và Ngài tạo cơ hội cho con người. Ngài không bị lệ thuộc vào con người nhưng tất cả mọi người phải tùy thuộc nơi Ngài. Tác giả của Sách Giảng Viên xác quyết: “Thiên Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc. Thiên Chúa cũng ban cho con người biết nhận thức về vũ trụ, tuy thế, con người cũng không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử.”

2/ Phúc Âm: Đúng người: Thánh Phêrô tuyên xưng: Thầy là Đức Kitô!

Câu hỏi “Đức Giêsu là ai?” không phải chỉ quan trọng cho Tiểu Vương Hêrôđê mà còn quan trọng hơn cho các Tông Đồ, những người đang theo Chúa Giêsu. Nếu các Tông Đồ không biết đúng Ngài là ai thì làm sao các ông có thể tiếp tục sứ vụ của Chúa ở trần gian sau khi Chúa Giêsu từ giã cuộc đời để về với Chúa Cha? Nhất là khi các ông phải đối diện với những đau khổ và cái chết sắp tới của Ngài. Trình thuật của Luca đặt câu hỏi này trong bối cảnh Chúa cầu nguyện một mình, Ngài cầu xin Thiên Chúa để các Tông Đồ biết nhận ra Ngài là ai.

2.1/ Câu hỏi đầu tiên Chúa đặt cho các ông: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlijah, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” Tất cả những câu trả lời này tuy có nói lên được sự tôn kính và uy quyền của Chúa, nhưng vẫn không phải là câu trả lời Chúa mong muốn, vì những nhân vật này chỉ là những người dọn đường cho Đấng Thiên Sai tới mà thôi. Câu hỏi thứ hai quan trọng hơn câu hỏi thứ nhất: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.” Đây mới thực sự là câu trả lời Chúa Giêsu muốn nghe, vì các ông biết đích xác Ngài là Đức Kitô có nghĩa là Đấng được xức dầu để làm vua. Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai, vì người Do-Thái đang chờ đợi một Đấng Thiên Sai khác với những gì Ngài sắp mặc khải cho các Tông Đồ.

2.2/ Kế họach cứu độ của Thiên Chúa: Các Tông Đồ không chỉ cần biết Chúa Giêsu là ai, mà còn cần phải biết kế họach cứu độ của Thiên Chúa, vì cuộc Thương Khó của Ngài sắp diễn ra tại Jerusalem. Như những người Do-Thái khác, các ông đang chờ đợi một Đấng Thiên Sai uy quyền, sẽ đánh dẹp tất cả các kẻ thù của người Do-Thái, cai trị họ trong công lý, và triều đại của Người sẽ vô tận. Nhưng kế họach cứu độ của Thiên Chúa thì rất khác với dân, Chúa Giêsu tiên báo cho các ông cuộc Thương Khó sắp tới của Ngài lần đầu tiên: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” Chúng ta sẽ thấy trong các chương sau, không dễ cho các Tông Đồ hiểu và chấp nhận kế họach cứu độ của Thiên Chúa qua con đường Thập Giá.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Để đạt được kết quả như lòng mong ước, con người cần phải biết và làm đúng thời gian, đúng nơi chốn, và hợp lòng người.

– Để đạt được mục đích của cuộc đời, chúng ta cần biết Chúa Giêsu là ai, hiểu những gì Ngài mặc khải, và làm những gì Ngài truyền. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************