Ngày thứ sáu (25-10-2019) – Trang suy niệm

24/10/2019

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Sáu Tuần XXIX Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I:    Rm 7, 18-25a

“Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi cái xác chết này?”

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma. 

Anh em thân mến, tôi biết rằng sự lành không ở trong tôi, nghĩa là trong huyết nhục của tôi. Vì chưng ước muốn thì tôi vẫn có, nhưng làm cho sự lành nên hoàn hảo thì không sao được. Bởi vì sự lành tôi muốn thì tôi không làm, còn sự dữ tôi không muốn thì tôi lại làm. Thực ra nếu tôi làm điều tôi không muốn, thì bấy giờ không phải chính tôi làm điều đó, nhưng là sự tội ở trong mình tôi. Thành ra khi tôi muốn làm sự lành, tôi nhận thấy trong tôi có lề luật, vì sự dữ vẫn kèm bên tôi. Theo như con người bên trong, tôi cũng ưa thích lề luật Thiên Chúa: nhưng tôi thấy trong chi thể tôi có một lề luật khác đối địch với lề luật tâm thần tôi, và giam hãm tôi dưới ách lề luật sự tội trong chi thể tôi. Tôi là con người vô phúc! Ai sẽ cứu tôi khỏi cái xác chết này? Cảm tạ Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Như thế, chính tôi lấy tâm thần mà phục vụ lề luật Thiên Chúa; còn về xác thịt, thì vâng phục lề luật của sự tội. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 118, 66. 68. 76. 77. 93. 94

Đáp:  Lạy Chúa, xin dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài (c. 68b).

Xướng:

1) Xin Chúa dạy con sự thông minh và lương tri, vì con tin cậy vào các chỉ thị của Ngài. – Đáp.  

2)Chúa là Đấng tốt lành và nhân hậu, xin dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài. – Đáp. 

3)Xin Chúa tỏ lòng thương hầu uỷ lạo con, theo như lời đã hứa cùng tôi tớ Chúa. – Đáp. 

4)Nguyện Chúa xót thương cho con được sống, vì luật pháp Ngài là sự sung sướng của con. – Đáp. 

5)Đời đời con không quên những huấn lệnh của Ngài, bởi lẽ đó mà Ngài đã ban cho con được sống. – Đáp. 

6)Con thuộc về Chúa, xin Chúa cứu độ con, vì con tìm kiếm huấn lệnh của Ngài. – Đáp. 

ALLELUIA: Ga 15, 15b

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 12, 54-59

“Các ngươi biết tìm hiểu diện mạo trời đất? Còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán bảo dân chúng rằng: “Khi các ngươi xem thấy đám mây nổi lên ở phía tây, lập tức các ngươi nói rằng: Trời sắp mưa; và sự thật xảy ra như thế. Và khi gió nam thổi đến, thì các ngươi nói: Trời sắp nóng nực. Và việc đã xảy ra như thế. Hỡi những kẻ giả hình, các ngươi biết tìm hiểu diện mạo của trời đất, còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu? Tại sao các ngươi không tự mình phê phán điều gì phải lẽ? Thế nên, khi ngươi cùng với kẻ đối phương ra trước mặt quan quyền, thì đang lúc đi dọc đường, ngươi hãy cố lo liệu cho ổn thoả với nó đi, kẻo nó lôi ngươi đến trước quan toà, và quan toà trao ngươi cho lý hình và lý hình tống ngươi vào ngục. Ta bảo cho ngươi hay, ngươi sẽ không thể ra khỏi đó cho đến khi nào trả xong đồng xu cuối cùng”.     

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

25/10/2019 – THỨ SÁU TUẦN 29 TN

Lc 12,54-59

NHẬN RA DẤU CHỈ THỜI ĐẠI

Đức Giê-su nói với đám đông: “Cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?” (Lc 12,56)

Suy niệm: Theo kinh nghiệm dân gian,  người Do-thái biết rằng khi mây kéo lên ở phía tây, trời sẽ có mưa; hoặc thấy gió nồm thổi, họ biết ngay trời sẽ oi bức (x. Lc 12,54-55). Chúa Giê-su muốn họ dùng kinh nghiệm ấy để “đọc” các dấu chỉ của thời đại, hầu có thể ứng phó kịp thời với những đổi thay. Cái khó nhất trong đời sống đức tin là tỉnh táo nhận ra cái nào là dấu chỉ đáng quan tâm, cũng như nhạy bén nhận ra ý Chúa mời gọi phải làm gì qua những dấu chỉ ấy. Các đạo sĩ từ phương Đông đã nhận ra Con Thiên Chúa chào đời qua dấu chỉ ánh sao lạ. Rồi Đấng Cứu Thế xuất hiện, với lời rao giảng khôn ngoan, với những phép lạ kỳ diệu, lẽ ra phải là một dấu chỉ lớn nhất cho người đương thời, thế nhưng họ thiếu nhạy bén để nhận ra chân tướng của Ngài. Hầu như các dấu chỉ không dễ dàng nhận biết, đúng là Nước Trời chỉ mạc khải cho những người bé mọn.

Mời Bạn: Giáo Hội đang phải đương đầu với những khủng hoảng, có người bi quan nghĩ rằng không thể vượt qua. Còn bạn, qua những sự kiện đó, bạn có thể đọc ra được dấu chỉ tích cực để nhận biết Chúa đang mời gọi bạn làm gì để xây dựng Hội Thánh không?

Sống Lời Chúa: Noi gương Mẹ Ma-ri-a, hãy ghi nhớ và suy niệm trong lòng những gì đang xảy ra để nhận biết và thực thi thánh ý Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng khôn ngoan và luôn dùng những cách thế khác nhau để bày tỏ thánh ý. Xin cho chúng con một tinh thần sáng suốt trước những dấu chỉ của thời đại, hầu biết phân biệt phải trái để luôn sống đẹp lòng Chúa. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

25 THÁNG MƯỜI

Liên Kết Với Nhau Qua Phép Rửa

Đức Kitô đang nhắm đến loại hiệp nhất nào? Ngài đang nói về sự hiệp nhất do Phép Rửa. Sự hiệp nhất này được Thánh Phaolô quảng diễn trong Thư Galata: “Tất cả anh em, vì đã được thanh tẩy trong Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô, và nên một trong Đức Kitô Giêsu ” (Gl 3,27-28)

Qua Phép Rửa, chúng ta không chỉ được dìm vào trong nước mà trước hết đó là được dìm vào trong cái chết cứu chuộc của Đức Kitô. Và cũng như cái chết của Đức Kitô đánh dấu sự bắt đầu của cuộc sống mới như được vén mở nơi cuộc Phục Sinh, thì việc chúng ta được dìm trong nước của bí tích Phép Rửa cũng đánh dấu sự bắt đầu của một cuộc sống mới.

Sự sống mới ấy chính là sự sống do ân sủng, cùng một sự sống như được biểu hiện nơi cuộc Phục Sinh của Đức Kitô. Đây chính là sự sống của Đức Kitô được Chúa Cha ban tặng cho chúng ta trong Chúa Thánh thần.

Sự sống đầy sức cứu độ này chỉ có một mà thôi. Sự sống ấy hiện diện nơi tất cả những ai lãnh nhận Phép Rửa. Đó là lý do tại sao bất cứ ai lãnh nhận Phép Rửa đều nên một trong Đức Kitô. Phép Rửa vừa diễn tả vừa đạt được tiếng gọi hiệp nhất đối với mọi Kitôhữu. Đó cũng là tiếng gọi hiệp nhất trong nhiệm thể Giáo Hội duy nhất, nhờ Thánh Thần.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 25/ 10

Rm 7, 18-25; Lc 12, 54-59.

LỜI SUY NIỆM:  “Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc trời thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này, sao các ngươi lại không biết nhận xét?”

          Trong cuộc sống lắm người chỉ biết quan tâm đến những gì có thể làm ảnh hưởng đến cuộc sống của mình, gia đình mình và những người thân thiết nhất của mình, ngoài ra đều vô tâm, đặc biệt vô tâm đến những sự thiệt hại cho những người đang sống chung quanh mình, cho xã hội mà mình đang chung sống; vô tâm với tiếng nói lương tâm ngay thẳng trong con người của mình.

          Lạy Chúa Giêsu. Trong cuộc sống của mỗi người trong chúng con đều có nhiều điều đã làm bất hòa giữa những người anh chị em chung quanh của chúng con, cũng như đã làm mất sự giao hòa với Chúa. Xin cho mỗi người trong chúng con biết làm hòa với người và với Chúa khi chúng con còn thể làm được, khi đang còn sống.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

25 Tháng Mười

Con Chim Sáo

Trong một tập thơ mang tựa đề “Có muôn nghìn lý do để sống”, Ðức Cha Helder Camera, vị giám mục người Brazil nổi tiếng là vị tông đồ của người nghèo đã ghi lại câu chuyện ngụ ngôn sau đây: Bên cạnh nhà tôi, có một con chim sáo quanh năm ngày tháng sống giữa trời… Tôi vẫn có thói quen nói chuyện với nó. Một hôm, tôi hỏi chú sáo có nơi ngủ nghỉ không. Nó ngạc nhiên trả lời: “Có chứ!… Màn là trời, chiếu là đất. Có bao giờ thiếu đâu”.

Do những đòi hỏi của trí khôn loài người, tôi mới hỏi nó: “Thế thì những lúc mưa gió, chú trú ngụ ở đâu”. Nó nhanh nhẩu trả lời: “Bộ ông nghĩ là thỉnh thoảng tôi không cần tắm gội sao?” Tôi hỏi nó có đói không. Con chim sáo mỉm cười đáp: “Ðiều mà tôi muốn là được hót. Tôi sinh ra để hót mà…”. Và nó cất tiếng hót như sau: “Hỡi loài người kiêu ngạo. Hãy nói cho ta biết đi: liệu ngươi không chết sao?”.

Tôi cứ nài nỉ để chú sáo nhận món quà tôi biếu: đó là một ít bánh mì có thịt… Chú sáo lại được dịp cười cợt sự ngây ngô của tôi. Nó bảo tôi: “Ông không biết là loài sáo chúng tôi không có ăn bánh mì và thịt như các ông sao?”.

Lần kia, tôi hỏi chú sáo có cầu nguyện không. Nó không hiểu được câu hỏi của tôi. Nó chỉ cười trả lời: “Có mấy chú nhóc con lấy đá ném tôi. Nhưng tôi bay đi, tôi cười và tôi hót”.

Một lúc nào đó, tôi có ý nghĩ đưa con sáo vào bệnh viện để nhờ các bác sĩ tìm ra căn bệnh của nó và chữa trị cho nó. Nhưng tôi chợt nhận ra rằng nó chỉ là một con chim.

Qua câu chuyện ngụ ngôn trên đây, có lẽ Ðức Cha Helder Camera muốn gợi lên cho chúng ta cái thảm trạng của con người ngày nay: chiến tranh, chết chóc, đau khổ đều phát xuất từ chỗ con người không chấp nhận nhau. Ai cũng muốn người khác phải suy nghĩ như mình, phải hành động như mình, phải sống như mình. Ý thức hệ nào cũng cho là ưu việt và muốn áp đặt trên người khác ngay cả bằng bạo lực.

Ngày nay, con người mỗi lúc một ý thức hơn về sự đa diện của các nền văn hóa, của các khuynh hướng chính trị, của các tôn giáo… Sự trưởng thành của nhân loại được thể hiện qua chính sự chấp nhận ấy: chấp nhận sự khác biệt của tha nhân, chấp nhận tư tưởng của người khác. Khoan dung là thái độ mà con người ngày nay đang cần hơn bao giờ hết.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Sáu Tuần 29 TN, Năm lẻ

Bài đọc: Rom 7:18-25a; Lk 12:54-59.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải biết suy xét cho chín chắn để tìm ra sự thật.

Trên hành trình đi tìm sự thật, con người có thể dùng nhiều cách khác nhau. Con người có thể dùng lý luận, dựa vào điều đã biết để tìm ra điều chưa biết. Con người có thể dùng kinh nghiệm, những gì đã xảy ra trong những hoàn cảnh tương tự, chắc chắn sẽ xảy ra cho lần tới. Con người có thể tin vào những gì Thiên Chúa dạy qua các nhà lãnh đạo và các tiên tri. Hay có thể dùng tổng hợp của tất cả các cách.

Các Bài Đọc hôm nay mời gọi con người hãy biết suy xét để tìm ra sự thật và tin theo. Trong Bài Đọc I, dựa vào lý luận và kinh nghiệm cá nhân, Phaolô muốn chứng minh cho người Do-thái biết Lề Luật không có sức mạnh để thúc đẩy con người làm điều thiện và giải thoát con người khỏi tội; đó là lý do họ phải tin Thiên Chúa gởi Đức Kitô đến để giải thoát con người khỏi tội, và giúp con người có sức mạnh vượt thắng tội lỗi. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói với các khán giả của Ngài: nếu trí khôn và kinh nghiệm có thể giúp họ nhận ra những hiện tượng trong trời đất; chúng cũng có thể giúp họ nhận ra những điều tốt xấu trong lãnh vực luân lý mà họ phải thi hành. Nếu họ không chịu suy xét để nhận ra và hành động, họ sẽ phải lãnh nhận mọi hậu quả của hành động của họ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Lề Luật giúp con người biết thiện, biết ác; nhưng không cho sức mạnh để làm.

1.1/ Con người có thể nhận ra đâu là thiện, ác: Để hiểu lý luận của Phaolô, chúng ta cần hiểu lý luận của người Do-thái. Đối với họ, Lề Luật của Thiên Chúa đủ để giải thoát và làm cho con người được cứu độ. Đối với thánh Phaolô, Lề Luật chỉ giúp con người phân biệt giữa thiện và ác, chứ không cung cấp cho con người sức mạnh để làm.

Phaolô dùng lý luận và kinh nghiệm để thuyết phục những người Do-thái như sau: “Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. Bởi đó tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay.”

1.2/ Con người có thể muốn, nhưng không có khả năng làm điều thiện: Theo kinh nghiệm, từ chỗ biết đến chỗ làm là điều không dễ: có những người biết rất nhiều, nhưng không bao giờ chịu hành động theo những gì họ biết; nhiều khi còn hành động hoàn toàn ngược lại. Thánh Phaolô diễn tả sự giằng co này như sau: “Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa; nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi. Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?” Chính Đức Kitô cũng đề phòng các môn đệ của Ngài về sự nguy hiểm của xác thịt và việc cần phải tỉnh thức: “Tinh thần thì mau mắn; nhưng xác thịt thì nặng nề.”

Để giúp con người làm lành tránh dữ, con người không chỉ dựa vào Lề Luật; nhưng phải tin vào Đức Kitô, Đấng Thiên Chúa Cha gởi tới để giúp con người thoát khỏi cuộc chiến nội tâm này. Với Đức Kitô, con người có thể làm lành tránh ác như Phaolô tuyên bố: “Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!” Phaolô không giải thích chi tiết làm sao Đức Kitô giúp con người tránh tội và sống công chính trong trình thuật hôm nay; nhưng trong chương 8 kế tiếp, Phaolô so sánh về cuộc sống theo xác thịt và cuộc sống theo ân sủng của Thánh Thần. Truyền thống của Giáo Hội cũng nhấn mạnh tới cuộc sống nhân đức có được do ân sủng của Thiên Chúa và sự chế ngự xác thịt của con người sẽ giúp các tín hữu tránh tội và sống công chính.

2/ Phúc Âm: Phải biết dùng trí khôn để tìm ra sự thật.

2.1/ Kiến thức về thời tiết: Cha ông chúng ta ngày xưa, tuy không có các dụng cụ dùng để tiên đoán thời tiết như chúng ta ngày nay, biết dùng kinh nghiệm để tiên đoán thời tiết; và lưu truyền cho con cháu bằng những câu thơ đơn giản, dễ hiểu, và dễ nhớ. Chẳng hạn: “Cơn đàng Đông vừa trông vừa chạy,Cơn đàng Nam vừa làm vừa chơi.” Ý nghĩa: Khi thấy mây đen kéo tới từ phía Đông của Việt Nam, nghĩa là từ Biển Nam Hải đi tới, là chắc chắn sẽ có mưa. Vì thế, phải chạy cho nhanh chóng kẻo bị ướt; nhưng khi thấy mây đen kéo tới từ phía Nam, thì sẽ không có mưa, cứ việc thong thả làm hay chơi.

Đức Giêsu cũng dùng kinh nghiệm như thế khi nói với đám đông rằng: “Khi các người thấy mây kéo lên ở phía Tây, các người nói ngay: “Mưa đến nơi rồi,” và xảy ra đúng như vậy. Khi thấy gió Nồm thổi, các người nói: “Trời sẽ oi bức,” và xảy ra đúng như vậy. Ý nghĩa: Khi mây đen kéo tới từ phía Tây của Do-Thái, nghĩa là từ Biển Mediterranean đưa tới, là chắc chắn sẽ có mưa; khi gió Nồm (gió từ phía Nam) thổi tới là trời sẽ oi bức, vì thổi qua sa mạc.

2.2/ Kiến thức về thời gian: Vào thời đại của Chúa Giêsu, mọi người đều trông đợi Đấng Thiên Sai tới để giải phóng dân tộc. Theo các Sách Tiên Tri, Thiên Chúa sẽ cho những dấu để dân nhận biết khi nào Đấng Thiên Sai tới; chẳng hạn, theo Sách Tiên tri Isaiah: “Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân” (Isa 61:1). Nhưng khi Chúa Giêsu nhắc cho họ biết, chính Ngài là Đấng tiên tri Isaiah đã loan báo (Lc 4:21), họ vẫn không tin vào Ngài. Đó là lý do tại sao hôm nay Chúa trách họ: “Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?”

2.3/ Dùng kiến thức tâm lý để chuẩn bị cuộc sống tương lai: Để chuẩn bị đối diện với sự công bằng của Thiên Chúa trong Ngày Phán Xét, Chúa trưng dẫn một ví dụ về kiện cáo mà con người vẫn thường làm: “Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục. Tôi bảo cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.” Ý nghĩa: công bằng là phải trả cho người khác những gì thuộc về họ. Nếu đã đối xử bất công với người khác thì hãy đền trả họ càng sớm càng tốt; nếu không, sẽ phải đền trả nơi tòa án và sẽ phải chịu tù đày nữa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Con người là con vật biết suy xét: biết dùng kinh nghiệm quá khứ để rút ra kinh nghiệm sống cho hiện tại; đồng thời, biết dùng những gì xảy ra trong hiện tại để mưu ích cho tương lai. Chúng ta đừng vội tin những gì người khác nói khi chưa suy xét cẩn thận, và đừng để cho người khác hay thế gian điều khiển cuộc sống của chúng ta.

– Sau khi đã tìm ra sự thật, chúng ta phải có can đảm để sống theo và làm chứng cho sự thật, thì mới có thể sinh lợi ích cho chúng ta và cho mọi người.

– Chúng ta không thể tự mình tránh tội và sống công chính mà không có ơn thánh của Đức Kitô. Chúng ta phải năng lãnh nhận các bí-tích để có sức mạnh tránh tội và luyện tập nhân đức.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************