Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Sáu Tuần XXXIV Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: Kh 20, 1-4. 11 – 21, 2
“Những người đã chết phải chịu phán xét theo các việc họ đã làm. Tôi đã thấy Giêrusalem mới từ trời xuống”.
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.
Tôi là Gioan đã thấy một thiên thần từ trời xuống, tay cầm chìa khoá vực thẳm và một dây xiềng rất lớn. Người bắt lấy con rồng, là con rắn thuở xưa, tức là Ma Quỷ và là Satan, rồi trói nó lại một ngàn năm, ném nó xuống vực thẳm, khoá cửa lại, và đóng ấn trên vực thẳm, để nó không còn lừa dối các dân tộc nữa, cho đến khi nào chẵn một ngàn năm, sau đó thả nó ra ít lâu.
Tôi lại thấy có mấy ngai toà, và những vị ngồi trên toà đó cũng được quyền xét xử. Tôi thấy linh hồn của những kẻ đã bị trảm quyết vì đã làm chứng về Đức Giêsu và vì lời Thiên Chúa, họ là những người không thờ lạy Mãnh thú và hình tượng của nó, không chịu để thích chữ trên trán và trên tay họ. Họ được sống và hiển trị với Đức Kitô một ngàn năm.
Tôi lại thấy một toà lớn trắng tinh và vị đang ngự trên toà ấy, trời đất lẩn trốn khỏi tôn nhan Người, và không còn tìm thấy chỗ nào dành cho chúng nữa. Tôi cũng thấy những kẻ đã chết, lớn cũng như bé, đang đứng trước toà, các quyển sách được mở ra, và một quyển Sách nữa cũng đã mở sẵn, tức là Sách sự sống, những kẻ đã chết phải chịu phán xét theo như các điều ghi chép trong sách, tuỳ các việc họ đã làm. Biển cả liền để cho những người chết ở trong ấy được đi ra; tử thần và địa ngục cũng để cho những kẻ chết ở trong ấy được đi ra: mỗi người phải chịu phán xét theo các việc họ đã làm. Địa ngục và tử thần đều bị ném xuống hồ lửa: đó là cái chết thứ hai. Kẻ nào không thấy ghi tên mình trong Sách sự sống, đều bị ném xuống hồ lửa.
Tôi lại thấy trời mới đất mới. Vì trời cũ đất cũ đã qua đi, và biển cũng không còn nữa.
Và tôi là Gioan đã thấy thành thánh Giêrusalem mới, tự trời xuống, từ nơi Thiên Chúa, tề chỉnh như tân nương được trang điểm cho tân lang của mình. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 83, 3. 4. 5-6a và 8a
A+B: Đây là nhà tạm của Thiên Chúa ở với loài người (Kh 21, 3b).
A) Linh hồn tôi khát khao và mòn mỏi, mong vào hành lang nhà Thiên Chúa. Tâm thần và thể xác tôi hoan hỉ, tìm đến cùng Thiên Chúa trường sinh.
B) Đến như chim sẻ còn kiếm được nhà, và chim nhạn tìm ra tổ ấm để làm nơi ấp ủ con mình, cạnh bàn thờ Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa thiên binh, ôi Đại Vương và Thiên Chúa của con.
A) Ôi Thiên Chúa, phúc đức ai ngụ nơi nhà Chúa: họ sẽ khen ngợi Chúa tới muôn đời. Phúc thay người được Chúa con nâng đỡ. Họ tiến lên ngày càng thêm hăng hái.
A+B: Đây là nhà tạm của Thiên Chúa ở với loài người (Kh 21, 3b).
ALLELUIA: Kh 2, 10c -Chúa phán: “Ngươi hãy giữ lòng trung thành cho đến chết, thì Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống”. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 21, 29-33
“Khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng nước Thiên Chúa đã gần đến”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ thí dụ này rằng: “Các con hãy xem cây vả và mọi thứ cây cối. Khi chúng đâm chồi nảy lộc, thì các con biết rằng mùa hè đã gần đến. Cũng thế, khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng nước Thiên Chúa đã gần đến. Thầy bảo thật các con, thế hệ này sẽ chẳng qua đi cho đến khi mọi sự ấy xảy đến. Trời đất sẽ qua đi; nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
25/11/2022 – THỨ SÁU TUẦN 34 TN
Th. Ca-ta-ri-na A-lê-xan-ri-a, trinh nữ, tử đạo
Lc 21,29-33
NƯỚC TRỜI ĐƯỢC NHẬN BIẾT QUA ĐỜI SỐNG CỦA KI-TÔ HỮU
“Khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều đại Thiên Chúa đã đến gần.” (Lc 21,31)
Suy niệm: Không ai biết Nước Thiên Chúa cách chính xác như thế nào, nhưng qua giáo huấn của Chúa Giê-su, ta có thể nhận ra Nước Thiên Chúa ấy là trạng thái không còn đau khổ, cũng chẳng còn chết chóc, bất công; là nơi chan chứa tình thương, ngập tràn hạnh phúc, bình an vì có Thiên Chúa ngự trị. Nói cách khác, nơi nào có yêu thương đong đầy, con người cùng nhau đẩy lùi bất công, kiến tạo hòa bình, thì nơi đấy Nước Thiên Chúa đang hiện diện. Nếu giữa xã hội đang loại trừ Thiên Chúa, chạy theo lối sống hưởng thụ, tôn thờ vật chất, nhưng vẫn có những Ki-tô hữu can đảm đi ngược dòng, bền bỉ chiến đấu với sự dữ, luôn chọn Chúa, lan tỏa các giá trị của Tin Mừng; vẫn có các Ki-tô hữu coi nhẹ vật chất, bình tâm giữa khủng hoảng, miệt mài gieo yêu thương qua phục vụ, thì lối sống của họ sẽ trở nên những dấu chỉ cho con người thời đại hôm nay nhận biết Triều đại Thiên Chúa đã đến gần.
Mời Bạn: Qua dụ ngôn cây vả, Chúa Giê-su mời gọi bạn và tôi can đảm bước theo con đường chứng tá đó để làm chứng cho Nước Trời. Bạn sẽ làm gì để đáp lại lời kêu mời ấy?
Sống Lời Chúa: Bạn hãy tích cực tham gia các hoạt động của cộng đoàn đức tin, cố gắng cư xử tử tế hơn với mọi người lân cận khởi đi từ chính gia đình mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin biến đổi lòng trí chúng con để chúng con dám sống yêu thương phục vụ theo ơn gọi của người Ki-tô hữu. Nhờ đó, đời sống của chúng con trở nên chứng tá cho mọi người nhận biết Chúa và cùng sống yêu thương nhau. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Cây vả là một cây rất thường thấy ở xứ Paléttin.
Khi nó đâm chồi, người ta biết ngay đã vào mùa hè.
Rồi thì nó sẽ ra hoa và kết trái.
Không phải chỉ có cây vả, mọi cây khác cũng vậy (c.29).
Cứ nhìn tình trạng hiện tại của cây, ta biết được điều gì sắp xảy đến.
Nước Thiên Chúa cũng vậy.
Trước khi Nước Thiên Chúa đến sẽ có những dấu hiệu
ở trên trời, dưới đất hay ngoài biển khơi.
Đức Giêsu đã nhắc cho ta về những dấu hiệu đó (Lc 21, 11. 25-26).
Khi bắt đầu đi rao giảng cách đây hai ngàn năm,
Đức Giêsu tuyên bố: Nước Thiên Chúa đã đến gần (Mc 1, 15).
Và Nước ấy đã được khai mạc với chính con người Đức Giêsu.
Lời nói và việc làm của Ngài đã mở ra Nước ấy trên mặt đất.
Như hạt giống, Nước ấy đã không ngừng lớn lên cả ngày lẫn đêm,
đã ảnh hưởng mạnh mẽ như nhúm men trong đống bột,
và đã phải chịu sự tấn công của kẻ thù gieo cỏ lùng vào giữa lúa.
Với sự phục sinh của Đức Giêsu, Nước ấy chắc chắn sẽ đến.
Chắc chắn Nước Thiên Chúa sẽ đến trong vinh quang,
dù chúng ta không biết rõ khi nào, tuy sẽ có những điềm báo trước.
Ngày Nước Thiên Chúa đến cách huy hoàng trên trái đất
sẽ là ngày tận thế, ngày Đức Giêsu trở lại để phán xét mọi người.
Kitô hữu là người tin vào lời Đức Giêsu.
“Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua” (c. 33).
Chúng ta chờ đợi, vì chúng ta tin Đức Giêsu sẽ trở lại.
Sau hai ngàn năm chờ đợi và nỗ lực dựng xây,
ngày Đức Giêsu quang lâm đã gần hơn nhiều.
Biết đâu câu nói sau của Đức Giêsu
lại chẳng ứng nghiệm cho chính thế hệ chúng ta:
“Thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra.” (c. 32).
Không được để mình nguội lạnh và mất đi thái độ chờ đợi.
Không được để chiến thắng tạm thời của sự dữ ở đâu đó
khiến chúng ta mất đi lòng tin,
và những bách hại khiến ta mất đi lòng kiên trì cần thiết (Lc 21, 19).
Nước Thiên Chúa vẫn đến gần hơn mỗi ngày.
Không thiếu dấu chỉ để nhận ra Nước Thiên Chúa đang đến.
Chúng ta phải thấy có biết bao dấu chỉ tích cực, đầy hy vọng,
ngay giữa những khi tưởng như Nước ấy bị xóa sổ, loại trừ.
Đừng để mình rơi vào thái độ bi quan, khoanh tay vì chán nản.
Phải làm sao để ngày tận thế không phải là một ngày buồn,
ngày của những đổ vỡ và mất mát chia ly.
Phải làm sao để ngày ấy là ngày lịch sử nhân loại mở sang trang mới.
Đức Giêsu xuất hiện như Điểm Ômêga, Điểm đến của cả vũ trụ.
Con người và cả vũ trụ đều được hưởng ơn cứu chuộc (Rm 8, 19-23),
và Thiên Chúa Cha được tôn vinh.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã yêu trái đất này,
và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết
nỗi khổ đau và hạnh phúc,
sự bi đát và cao cả của phận người.
Xin dạy chúng con biết đường lên trời,
nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.
Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,
chúng con thấy mình được thêm sức mạnh
để xây dựng trái đất này,
và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.
Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,
xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời
không làm chúng con quên trời cao;
và những vẻ đẹp của trần gian
không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.
Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,
mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
25 THÁNG MƯỜI MỘT
Mái Ấm Đích Thực Của Chúng Ta
“Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào lòng các ngươi” (Ed 36,27). Khi hai con người, một nam một nữ, tiến tới trước bàn thờ trong tư cách là thừa tác viên của nhau để cử hành Bí Tích Hôn Phối, Giáo Hội khẩn cầu cùng Đấng Tạo Hóa. Giáo Hội xin Thánh Thần xuống trên hai con người sắp trở thành vợ và chồng và sắp bắt đầu một gia đình mới này. Họ sắp sửa cùng chung sống dưới một mái nhà và cùng nhau xây dựng cuộc sống chung gia đình.
Mái ấm là nơi mà vợ chồng chung sống, là dấu hiệu bên ngoài của cuộc sống họ. Nhưng đó cũng là một mầu nhiệm thâm sâu mà họ cùng nhau chia sẻ trong lòng. Con người ta không chỉ sống trong một mái ấm, họ còn xây dựng một mái ấm. Và họ xây dựng mái ấm bằng cách sống trong lòng nhau: chồng trong vợ, vợ trong chồng, con cái trong cha mẹ và cha mẹ trong con cái. Và mái nhà của Cha chúng ta trên trời là chỗ trú ngụ đích thực của trái tim con người. Như vậy, chúng ta nhìn thấy nơi mái nhà một phản ảnh mầu nhiệm mà Đức Kitô nói đến trong Căn Gác Thượng: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và chúng ta sẽ đến và cư ngụ trong người ấy” (Ga 14,23).
Phụng vụ khơi gợi cho chúng ta hình ảnh tuyệt vời của cộng đồng hôn nhân và đời sống gia đình vốn đã được mô tả trong Thánh Kinh. Chúng ta gặp thấy hình ảnh đó trong Thư Eâphêsô khi Thánh Phao-lô nói về sự kết hợp giữa vợ chồng trong hôn nhân Kitô giáo: “Đây là một mầu nhiệm lớn lao, tôi đang nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5,32).
Tình yêu của vợ và chồng có mẫu thức của nó nơi tình yêu của Đức Kitô đối với Giáo Hội và phản ảnh tình yêu ấy cho thế giới. Trên Thập Giá, Đức Giêsu đã diễn tả đầy đủ nhất về tình yêu này. Người hy sinh chính sự sống của Người vì tình yêu đối với Hiền Thê của người là Giáo Hội. Chúa Thánh Thần, Đấng mà mỗi người chúng ta lãnh nhận trong Bí Tích Phép Rửa và Bí Tích Thêm Sức, giúp cho những người vợ và chồng có thể yêu nhau với cùng tình yêu hiến thân đó. Thánh Phao-lô dạy những người làm chồng: “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh, … thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh” (Ep 5,25-26). Tình yêu của Đức Kitô là một tình yêu bất diệt, một tình yêu không ngừng trao ban sự sống và đơm bông kết trái. Cũng vậy, các đôi vợ chồng Kitôhữu được gắn kết với nhau trong một sự kết hợp có sức sáng tạo và dưỡng nuôi sự sống mới.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 25/11
Thánh Catarina Alexandria, trinh nữ tử đạo
Kh 20, 1-4. 11-21,2; Lc 21, 29-33.
Lời Suy Niệm: “Thầy bảo thật anh em; thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. Trời đất sẽ qua đi, nhưng những Lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.”
Lời của Chúa Giêsu, là Lời Hằng Sống, Lời dẫn đưa con người gặp lại Chúa Cha, Đấng đã yêu thương và tuyển chọn để trở nên con cái của Ngài. Và Chúa Giêsu cho biết những Lời của Người luôn có giá trị đối với lịch sử của mọi loài mọi vật cho dầu trời đất có đổi thay, hay bị biến mất thì Lời Ngài luôn là đúng với lịch sử của tất cả mọi loài và mọi vật.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con nhớ đến Lời Chúa trong mọi hoàn cảnh sống của chúng con, để chúng con đứng vững trong đức tin với thời gian trước mọi cám dỗ của thế gian.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
25 Tháng Mười Một
Không Qúa Muộn Ðể Nên Thánh
Người Nhựt Bản có kể một câu chuyện như sau:
Zenkai là một thanh niên con của một hiệp sĩ Samourai. Anh được tuyển vào phục dịch cho một viên chức cao cấp trong triều đình. Không mấy chốc, Zenkai đem lòng say mê người vợ của chủ mình. Anh lập mưu giết người chủ và đem người đàn bà trốn sang một vùng đất lạ.
Anh tưởng có thể ăn đời ở kiếp với người đàn bà. Nhưng không mấy chốc, người đàn bà đã để lộ nguyên hình của một con người ích kỷ, đê tiện. Zenkai đành bỏ người đàn bà và ra đi đến một vùng đất khác, ở đó anh sống qua ngày bằng nghề hành khất.
Trong cảnh bần cùng khốn khổ, Zenkai đã bắt đầu hồi tâm để nhớ lại những hành động tội lỗi của mình. Anh quyết định làm một việc thiện để đền bù cho quá khứ nhơ nhớp của mình.
Anh đi về một vùng núi hiểm trở, nơi mà nhiều người đã bỏ mình vì khí hậu khắc nghiệt cũng như vì công việc nặng nhọc. Zenkai đem hết sức lực của mình để khai phá một con đường xuyên qua vùng núi ấy.
Ban ngày đi khất thực, ban đêm đào đường xuyên qua núi. Zenkai cặm cụi làm công việc ấy ròng rã trong 30 năm trời.
Hai năm trước khi Zenkai hoàn thành công trình của mình, thì người con của viên chức triều đình mà anh đã sát hại trước kia bỗng tìm ra tung tích của anh. Người thanh niên thề sẽ giết Zenkai để trả thù cho cha mình. Biết trước mình không thoát khỏi án phạt vì tội ác mình đã gây ra mấy chục năm trước, Zenkai phủ phục dưới chân người thanh niên và van xin:
“Tôi xin sẵn sàng chịu chết. Nhưng cậu hãy cho phép tôi được hoàn thành công việc tôi đang làm dở. Khi mọi sự đã hoàn tất, cậu hãy giết tôi”.
Người thanh niên ở lại để chờ cho đến ngày trả được mối thù cho cha. Nhưng trong khi chờ đợi, không biết làm gì, người thanh niên đành phải bắt tay vào việc đào đường với Zenkai mà vẫn nuôi chí báo thù cha.
Nhưng chỉ một năm sau cùng làm việc với kẻ đã giết cha mình, người thanh niên cảm thấy mọi ý muốn báo thù đều tan biến trong anh. Thay vào đó, anh lại thấy dậy lên trong lòng sự cảm phục và thương mến đối với sự nhẫn nhục, chịu đựng của Zenkai.
Con đường đã được hoàn thành trước dự định. Giờ đây dân chúng có thể qua lại vùng núi hiểm trở một cách dễ dàng.
Giữ đúng lời hứa, Zenkai đến phủ phục trước mặt người thanh niên để chấp nhận sự trừng phạt. Nhưng người thanh niên vừa đỡ Zenkai dậy vừa nói trong tiếng khóc:
“Làm sao tôi có thể chém đầu được thầy của tôi?”
Câu chuyện trên đây hẳn hàm chứa được nhiều bài học. Ngạn ngữ Latinh thường nói:” Sai lầm, vấp ngã là chuyện thường tình của con người, nhưng ngoan cố trong sai lầm là bản chất của ma quỉ”. Nét đẹp quí phái nhất nơi lòng người đó là còn biết hồi tâm, còn biết nhận ra lỗi lầm và từ đó quyết tâm xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Trong câu chuyện trên đây hẳn phải là hình ảnh của sự phục thiện mà Thiên Chúa vẫn luôn khơi dậy trong lòng người.
Nhưng bài học đáng chú ý hơn trong câu chuyện trên đây có lẽ là: tình liên đới xóa tan được hận thù trong lòng người. Người thanh niên đã khám phá ra giá trị ấy khi bắt tay làm việc với Zenkai, con người mà trước đó anh đã quyết tâm tiêu diệt cho bằng được. Quả thực, tình liên đới, sự đồng lao cộng khổ, sự hiện diện bên nhau có sức tiêu diệt được hận thù trong lòng người.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu – Tuần 34 – TN2 – Năm Chẵn
Bài đọc: Rev 20:1-4, 11-15, 21:1-2; Lk 21:29-33.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy tìm thánh ý Thiên Chúa qua những dấu hiệu xảy ra trong cuộc đời.
Giống như người Do-Thái, nhiều người chúng ta thích được chứng kiến những phép lạ xảy ra: Đức Mẹ hiện ra, Đức Mẹ làm phép lạ, Đức Mẹ khóc, Trái tim Chúa chảy máu, sự linh thiêng chữa lành của cha Piô hay cha Trương Bửu Diệp. Nghe chỗ nào có những hiện tượng này, con người đua nhau tới để chứng kiến và để xin ơn.
Nhưng các phép lạ xảy ra là để khơi dậy niềm tin nơi những người chứng kiến; những gì Thiên Chúa muốn con người hiểu khi chứng kiến các phép lạ. Ví dụ: Chúa Giêsu làm phép lạ là để cho con người nhận ra quyền năng của Thiên Chúa trong Ngài, và để con người tin Ngài là Thiên Chúa. Nếu sau khi đã chứng kiến phép lạ mà vẫn còn nghi ngờ, hay không tin, hay chối từ luôn cả phép lạ, có ích gì cho con người đâu?
Các Bài đọc hôm nay dạy con người biết nhìn những sự việc xảy ra trong trời đất, để tìm ra thánh ý Thiên Chúa ẩn giấu qua những sự việc này. Trong Bài đọc I, Thánh Gioan tường trình những thị kiến sẽ xảy ra trong Ngày Phán Xét. Mục đích của ngài là để các tín hữu xác tín Ngày Tận Thế chắc chắn sẽ xảy ra, và ngài mong các tín hữu hãy biết chuẩn bị cho Ngày này. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhắc nhở con người: Nếu khi nhìn cây vả đâm chồi, họ biết mùa Hè sắp tới; thì khi nhìn các sự việc xảy ra trong trời đất, họ cũng phải biết Ngày của Thiên Chúa đã gần đến.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Những sự việc sẽ xảy ra trong Ngày Phán Xét.
1.1/ Quyền lực của Satan sẽ bị vô hiệu hóa bởi quyền lực của Thiên Chúa: Satan và đồng bọn đã bị tống cổ khỏi Thiên Đàng (Rev 12:9), và bây giờ bị thiên thần xích cổ và giam trong hỏa ngục: “Bấy giờ tôi thấy một thiên thần từ trời xuống, tay cầm chìa khoá vực thẳm và một dây xích lớn. Người bắt lấy Con Mãng Xà, tức là Con Rắn xưa, cũng là ma quỷ hay Satan, và xích nó lại một ngàn năm. Người quăng nó vào Vực Thẳm, rồi đóng cửa và niêm phong lại, để nó không còn mê hoặc các nước, cho đến khi hết một ngàn năm ấy. Sau đó, nó phải được thả ra trong một thời gian ngắn.” Điều này chứng tỏ quyền năng của Thiên Chúa: Satan có quyền lực là do Thiên Chúa để cho họat động. Khi Thiên Chúa quyết định lấy lại, Satan không thể chống cự lại Thiên Chúa
1.2/ Triều đại 1000 năm: Thiên thần xích cổ Satan trong 1000 năm để Đức Kitô và các vị tử đạo có thể cai trị thế giới trong 1000 năm: “Rồi tôi thấy những chiếc ngai, có người ngồi trên đó, và họ được ban quyền xét xử. Tôi cũng thấy linh hồn những người đã bị chém đầu vì đã rao giảng lời chứng của Đức Giêsu và lời của Thiên Chúa; họ là những kẻ đã không thờ lạy Con Thú và tượng của nó, và không nhận thích dấu của nó trên trán và trên tay. Họ sống lại và hiển trị với Đức Kitô một ngàn năm.”
Câu hỏi được đặt ra: Phải chăng triều đại 1000 năm này phải xảy ra trên trần gian này trước khi Ngày Phán Xét và triều đại muôn đời? Dựa trên Sách Khải Huyền và một số đọan văn của Tân Ước (Mt 19:28, I Cor 6:2ff, 15:24, II Tim 2:12), rất nhiều các Giáo Phụ và tín hữu ngay từ các thế kỷ đầu (Justin, Ireneaus, Tertullian) và kéo dài cho tới các giáo phái của thời đại chúng ta (Anabaptists, Adventists, Jehovah’s Witnesses) tin triều đại 1000 năm sẽ xảy ra trên thế gian này.
Ngược lại, Giáo Hội Công Giáo theo truyền thống của Thánh Augustine (x/c Civitas Dei 20:7-9), không theo sự phiên dịch này. Thánh Augustine cắt nghĩa triều đại 1000 năm đã và đang xảy ra rồi. Ngài phân biệt hai cuộc sống lại:
(1) Cuộc sống lại của những người đã chết: Cuộc sống lại này xảy ra ngay sau khi họ chết.
Linh hồn các người chết đã được sống lại và hiển trị với Đức Kitô.
(2) Cuộc sống lại lần thứ hai: Cuộc sống lại này xảy ra trước Ngày Phán Xét. Sau đó, các người lành sẽ được cuộc sống trường sinh bất tử, các kẻ dữ sẽ bị tiêu diệt muôn đời.
Satan đã bị khống chế bởi Đức Kitô. Ngài ban quyền cho các Tông Đồ và những người kế vị các ngài có quyền cầm buộc hay tháo cởi, quyền này vượt trên quyền lực của Satan. Satan và đồng bọn sẽ thao túng mạnh mẽ trên con người trong thời gian trước Ngày Phán Xét.
1.3/ Ngày Phán Xét: Trong Ngày này, những điều sau đây sẽ xảy ra:
(1) Vũ trụ sẽ bị xóa sạch: Gioan được mặc khải: “Bấy giờ tôi thấy một ngai lớn màu trắng và thấy Đấng ngự trên đó. Đất và trời biến mất trước mặt Người, không để lại dấu vết.”
(2) Tất cả mọi người sống lại và chịu phán xét: “Rồi tôi thấy những người chết, lớn cũng như nhỏ, đứng trước ngai. Sổ sách đã mở sẵn; rồi một cuốn khác cũng đã mở ra: đó là Sổ Trường Sinh. Các người chết được xét xử tuỳ theo việc họ đã làm, chiếu theo những gì đã được ghi chép trong sổ sách. Biển trả lại những người chết nó đang giữ; Tử thần và Âm phủ trả lại những người chết chúng đang giữ, và mỗi người chịu xét xử tuỳ theo các việc đã làm.”
(3) Tử Thần, Âm Phủ, và các kẻ dữ, sẽ bị tiêu diệt muôn đời: “Tử thần và Âm phủ bị quăng vào hồ lửa. Hồ lửa này là cái chết thứ hai. Ai không có tên ghi trong Sổ Trường Sinh thì bị quăng vào hồ lửa.”
(4) Cuộc sống trường sinh cho người lành: “Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như Tân Nương trang điểm để đón Tân Lang.”
2/ Phúc Âm: Khi thấy những điều đó xảy ra, thì anh em hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.
2.1/ Phiên dịch các hiện tượng trong trời đất: Kinh nghiệm dạy con người biết phiên dịch các hiện tượng trong trời đất. Con người quan sát các hiện tượng trời đất: nếu cùng một kết quả xảy ra sau nhiều lần như thế, con người kết luận nó cũng sẽ xảy ra như vậy trong lần tới. Chúa Giêsu trưng dẫn một ví dụ mà người nghe đều đã có kinh nghiệm: “Anh em hãy xem cây vả cũng như tất cả những cây khác. Khi cây đâm chồi, anh em nhìn thì đủ biết là mùa hè đã đến gần rồi.”
2.2/ Phiên dịch các hiện tượng của Ngày Phán Xét: Chúa Giêsu nói tiếp: “Cũng vậy, khi anh em thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.” Ngày Phán Xét là một chân lý, chứ không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng. Chúa Giêsu xác tín với các môn đệ: “Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta cần tìm hiểu thánh ý Thiên Chúa qua những sự kiện xảy ra trong cuộc đời: những hiện tượng thiên nhiên trong vũ trụ, những biến cố trong cuộc đời mỗi người, và những gì sẽ xảy ra trong Ngày Phán Xét.
– Các sự kiện quan trọng nhất của cuộc đời mà chúng ta đã nghe đi nghe lại trong Phụng Vụ Lời Chúa cuối năm là 3 sự sau: sự chết, sự sống lại, và sự phán xét.
– Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng cho Ngày Phán Xét, vì mọi người sẽ được lãnh nhận phần thưởng trường sinh hay bị tiêu hủy muôn đời là tùy thuộc vào những gì họ đã làm ở đời này.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************