Ngày thứ tư (01-02-2023) – Trang suy niệm

31/01/2023

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Tư Tuần IV Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Dt 12, 4-7, 11-15

“Chúa sửa dạy ai mà Người yêu mến”.

Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, khi chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa đến nỗi phải đổ máu, và anh em đã quên lời yên ủi tôi nói với anh em, như nói với những người con rằng: “Hỡi con, con chớ khinh thường việc Chúa sửa dạy, và đừng nản chí khi Người quở trách con; vì Chúa sửa dạy ai mà Người yêu mến, và đánh đòn kẻ mà Người chọn làm con”.

Trong khi được sửa dạy, anh em hãy bền chí, Thiên Chúa xử sự với anh em như con cái: vì có người con nào mà cha không sửa phạt? Ngày nay, hẳn ai cũng coi việc sửa dạy là nỗi buồn khổ hơn là nguồn vui, nhưng sau này, nó sẽ mang lại hoa quả bình an công chính cho những ai được sửa dạy. Vì thế, anh em hãy nâng đỡ những bàn tay bủn rủn và những đầu gối rụng rời. Đường anh em đi, anh em hãy bạt cho thẳng, để người què khỏi bị trẹo chân, nhưng được an lành.

Anh em hãy sống hoà thuận với hết mọi người, hãy ăn ở thánh thiện, chẳng vậy không được nhìn thấy Thiên Chúa. Anh em hãy coi chừng, đừng để mất ơn Chúa, đừng để một rễ cay đắng nào mọc chồi gây xáo trộn và làm cho nhiều người bị nhiễm độc. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 102, 1-2. 13-14. 17-18a

Đáp: Lòng yêu thương của Chúa vẫn còn tồn tại từ thuở này tới thuở kia cho những ai kính sợ Người (c. 17).

1. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa! Toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. – Đáp.

2. Cũng như người cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Người. Người hiểu biết chỗ gây hình của chúng tôi, Người nhớ rằng tro bụi là tụi chúng tôi! – Đáp.

3. Nhưng lòng yêu thương của Chúa vẫn còn tồn tại, từ thuở này đến thuở kia cho những ai kính sợ Người, và đức công minh Chúa còn dành để cho con cháu họ, cho những ai giữ lời minh ước của Người. – Đáp.

ALLELUIA: Ga 8, 12

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 6, 1-6

“Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Đến ngày Sabbat, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: “Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” Và họ vấp phạm vì Người. Chúa Giêsu liền bảo họ: “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình”. Ở đó Người không làm được phép lạ nào, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh và giảng dạy. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

01/02/2023 – THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN

Mc 6,1-6

NGÔN SỨ BỊ TỪ CHỐI

“Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” (Mc 6,4)

Suy niệm: ‘Bụt nhà không thiêng!’ Câu tục ngữ nói lên não trạng ‘sính ngoại’: Hàng nội dù chất lượng có tốt cũng bị coi thường. Dân làng Na-da-rét dù có ngạc nhiên về lời giảng dạy khôn ngoan và những phép lạ của Đức Giê-su, họ không thể chấp nhận “bác thợ, con bà Ma-ri-a”, người đồng hương với họ, lại là một ngôn sứ! Họ phẫn nộ tẩy chay Ngài (x. Lc 4,28-30) không chỉ vì ghen ăn tức ở, mà còn vì một lý do sâu xa hơn: “họ không tin Ngài” (Mc 6,6). Với cặp mắt định kiến, họ coi Ngài chỉ như một người phàm mà họ tưởng rằng đã quá rõ lai lịch. Họ không tin nhận Ngài chính là Đấng Ki-tô, được Thiên Chúa sai đến. Ơn cứu độ, do đó, cũng không thể thấm vào lòng họ được.

Mời Bạn: Cái nhìn đầy thành kiến khiến người ta không thể nhận ra giá trị tốt đẹp đích thực nơi người khác, nói chi đến việc tin nhận mầu nhiệm thâm sâu của Thiên Chúa. Cần lắm một thái độ chân thành, khiêm tốn, biết lắng nghe, đối thoại. Để xoá bỏ óc thành kiến nguy hiểm ấy, cần nhớ rằng mình có thể sai lầm, và cũng nhớ rằng những sự việc bình thường nhất, những con người bé mọn nhất cũng có thể là dấu chỉ dẫn chúng ta đến chân lý của Chúa.

Sống Lời Chúa: Thay vì nghĩ xấu, nói xấu người khác, bạn tìm khám phá những ưu điểm nơi họ, nhất là nơi những người mà bạn vốn không ưa thích.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su đáng mến. Chúa đã sống kiếp khó nghèo ở giữa chúng con. Xin cho chúng con luôn cư xử tôn trọng với mọi người nhất là với những người bé nhỏ khó nghèo.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Chẳng rõ Đức Giêsu đã xa gia đình, xa ngôi làng Nadarét bao lâu rồi.
Nhưng hôm nay, Ngài lại trở về với hội đường của làng vào ngày sabát.
Dù sao Ngài đã có danh tiếng trước đám đông, lại có môn đệ đi theo…
Trở về với hội đường thân quen, Ngài được mời đọc sách thánh và giảng dạy.
Nghe lời Ngài giảng, nhiều người sửng sốt ngỡ ngàng.

“Bởi đâu ông này được như thế?
Ông được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao?
Ông làm được những phép lạ như thế nghĩa là gì?” (c. 2).
Những câu hỏi cho thấy người dân Nadarét nhìn nhận
sự khôn ngoan trong lời giảng và quyền năng trong việc làm
mà họ bắt gặp nơi con người ông Giêsu, người cùng làng với họ.
Chỉ có điều là họ nghĩ không ra nguồn gốc của những chuyện đó.

Tại sao họ lại không coi Đức Giêsu là người của Thiên Chúa,
và coi Thiên Chúa là nguồn gốc mọi khả năng lạ lùng của Ngài?
Câu trả lời là vì người dân làng đã quá quen với ông Giêsu.
Họ tự hào biết rất rõ về nghề nghiệp của ông: một bác thợ.
Họ tự hào biết rất rõ về họ hàng ruột thịt: mẹ và anh chị em của ông,
những người họ có thể kể tên, những người đang là bà con lối xóm với họ.
Họ cũng biết rõ quãng đời thơ ấu và trưởng thành của ông Giêsu.
Chính cái biết này đã ngăn cản
khiến họ không thể tin ông Giêsu là một ngôn sứ.
Hay đúng hơn chính vì họ có một hình ảnh rất cao cả về một ngôn sứ
nên quá khứ bình thường của Đức Giêsu khiến họ không thể tin được.

Người dân Nadarét đã không ngờ mình có người làng cao trọng đến thế:
một ngôn sứ, một Đấng Kitô, một Thiên Chúa làm người, ở với họ.
Và họ cũng không ngờ sự cao trọng đó lại được gói trong lớp áo tầm thường,
không ngờ Đức Giêsu sẽ là người làm cho cả thế giới biết đến Nadarét.
Làm thế nào chúng ta tránh được sai lầm của người Nadarét xưa?
Cần tập nhận ra Chúa đến với mình trong cái bình thường của cuộc sống.
Cần thấy Chúa nơi những người tầm thường mà ta quen gặp mỗi ngày.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nadarét đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người.

Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.

Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống. 

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

1 THÁNG HAI

Sức Mạnh Giấu Ẩn Trong Sự Bất Lực

Thiên Chúa hiện diện ở giữa mọi nền văn hóa của con người, bởi vì Ngài hiện diện nơi chính con người – là tạo vật mà Ngài đã dựng nên theo hình ảnh Ngài. Thiên Chúa không ngừng hiện diện nơi những ai – bằng kinh nghiệm và bằng cảm hứng của mình – đóng góp vào việc hình thành những giá trị, những tập tục và những cơ chế làm nên di sản văn hóa của toàn thế giới này.

Nhưng vị Vua Vinh Hiển còn muốn đi vào trong những nền văn hóa này bằng một cách thế trọn vẹn hơn nữa. Ngài muốn đi vào trong cung lòng của bất cứ ai sẵn sàng mở rộng để đón nhận Ngài: “Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên! Cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính, để Đức Vua vinh hiển ngự vào!” Trong biến cố dâng Đức Giêsu vào đền thờ, Thiên Chúa đã vào đền thánh của Ngài trong tư cách là “Vua Vinh Hiển”.

Nhưng – “Đức Vua vinh hiển đó là ai?” (Tv 24, 7 – 8). Lễ Dâng Chúa Giê-su Vào Đền Thờ trao cho chúng ta câu trả lời. Chúng ta nhìn ngắm Maria và Giu-se ẵm một hài nhi vào đền thờ Giê-ru-sa-lem. Hôm ấy là bốn mươi ngày sau biến cố hài nhi chào đời.

Và hai người đã trình diện hài nhi cho các tư tế trong đền thờ để chu toàn lề luật. Nhưng, với thái độ tuân phục ấy, hai người đang chu toàn một cái gì đó còn hơn cả lề luật. Mọi sấm ngôn thuở xưa giờ đây đang được hiện thực trọn vẹn, vì Maria và Giu-se đang mang vào đền thờ “ánh sáng của mọi dân tộc.”

Thiên Chúa đi vào đền thánh không phải trong tư cách của một đấng quyền lực mạnh mẽ, nhưng là trong dáng dấp của một em bé trên đôi cánh tay mẹ mình. Vua Vinh Hiển không đến trong uy phong lẫm liệt của nhân loại, không rình rang đình đám ồn ào. Ngài không gây giật gân, khiếp hãi. Ngài vào đền thờ vẫn với cung cách như khi Ngài vào thế giới: là một bé thơ. Ngài vào đền thờ trong lặng lẽ, nghèo hèn, và hiện diện với Ngài là những kẻ nghèo hèn và những người khôn ngoan.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 01/2

Dt 12, 4-7. 11-15; Mc 6, 1-6.

LỜI SUY NIỆM: Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đổi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta được làm phép lạ như thế, nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giôsết, Giuđa và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? Và họ vấp ngã vì Người. (Mc 6, 2-3).

          Chúa Giêsu đã sống suốt 30 năm từ nhỏ đến lớn tại làng Nadarét và đã làm nghề thợ mộc. Dân làng Nadarét ai ai, cũng cho mình là đã biết rõ về Người, và những người thân họ hàng với Người. Giờ đây, sau một thời gian ngắn Người đi rao giảng về Nước Trời và Người đã nổi tiếng, đã làm cho dân làng đặt ra nhiều câu hỏi về Người, khi Ngươi trở lại quê nhà. Nhưng họ lại không tìm hiểu thêm về Người; gây nên cho họ sự không tin vào Người. Họ đã đánh mất ơn lành của Người ban, như những nơi khác.

          Trong cuộc sống ngày hôm nay, nơi mỗi cộng đoàn giáo xứ, người tín hữu cũng đang vấp phải những suy nghĩ như dân làng Nadarét xưa, khi thấy những người anh chị em tích cực dấn thân tham gia sinh hoạt cộng đoàn, hay nhìn những vị tân chủ chăn đến chăm sóc giáo xứ, cứ cho là mình biết quá nhiều về ngài, rồi tự đánh giá và xem thường.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn có tâm tình khiêm tốn yêu thương tôn trọng những người sống chung quanh chúng con và cùng đồng hành với họ trong cuộc sống với ân sủng Chúa đã ban. Amen

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

01 Tháng Hai

 Rừng Mắm  

Trong một chuyện ngắn mang tựa đề “Rừng Mắm”, cố văn sĩ Bình Nguyên Lộc đã giải thích về ích lời của cây mắm qua mẩu đối thoại sau đây giữa hai ông cháu:

– Cây mắm sao con không nghe nói đến bao giờ?

– Con không nghe nói vì cây mắm không dùng được để làm gì hết, cho đến làm củi chụm lửa cũng không được nữa là.

– Vậy trời sinh nó làm chi mà vô ích dữ vậy ông nội, lại sinh ra hằng hà sa số như là cỏ vậy?

Bờ biển này mỗi năm được phù sa bồi thêm cho rộng ra hàng mấy ngàn thước, phù sa là đất bùn mềm lũn và không bao giờ thành đất thịt để ta hưởng nếu không có rừng mắm mọc trên đó cho chắc đất. Một mai kia, cây mắm sẽ ngã rạp, giống tràm sẽ nối ngôi mắm. Rồi sau mấy đời tràm, đất sẽ thuần, cây ăn trái mới mọc được. Thấy thằng cháu nội ngơ ngác chưa hiểu, Ông cụ vịn vai nó nói tiếp: “Ông với tía, má con là cây mắm, chân giam trong bùn. Ðời con là tràm, chân vẫn còn lắm bùn chút ít, nhưng đất đã gần thuần rồi. Con cháu của con sẽ là xoài, mít, dừa, cau. Ðời cây mắm tuy vô ích nhưng không uổng đâu con”. 

Mỗi lần nhìn lại thời gian đã qua, chúng ta thường tự hỏi: “Tôi đã làm gì được cho tôi, cho quê hương, cho Giáo Hội?”. Ý nghĩ về sự vô tích sự của mình có thể tạo nên trong tâm hồn chúng ta mỗi chua xót, đắng cay, thất vọng. 

Chúng ta hãy nhìn lại của đất phù sa và cây mắm trong câu chuyện trên đây. Cần phải có cây mắm, đất phù sa mới trở thành đất thịt, để rồi từ đó cây tràm và các laọi câu khác mới có thể mọc lên. 

Mỗi một người sinh ra trên cõi đời này, dù tàn tật, dù dốt nát và xấu xa đến đâu, cũng có thể là một thứ cây mắm, cây tràm để cho đất đai trở thành màu mỡ, nhờ đó những cây ăn trái mới có thể vươn lên. 

Ước gì ý nghĩa ấy giúp chúng ta có một cái nhìn lạc quan hơn về quá khứ, về chính bản thân của chúng ta. Trong Tình Yêu Quan Phòng của Chúa, mỗi người đều có một chỗ đứng trong lịch sử nhân loại và đều có một giá trị bổ túc cho những thiếu sót của người khác. 

Với ý nghĩ ấy, còn tâm tình nào xứng hợp hơn trong giây phút này cho bằng tri ân, cảm mến đối với Thiên Chúa Tình Yêu? Cảm tạ Ngài đã tạo dựng nên chúng ta, cảm tạ ngài đã ban chúng ta được phục vụ Ngài, cảm tạ Ngài đã cho chúng ta được hữu dụng trong Tình Yêu Quan Phòng của ngài.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư – Tuần 4 – TN1 – Năm lẻ

Bài đọc: Heb 12:4-7, 11-15; Mk 6:1-6.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải coi trọng những người trong gia tộc.

Con người hay bị chi phối bởi thành kiến: chủng tộc, giai cấp, nghề nghiệp, xóm làng, gia đình … Những thành kiến này ảnh hưởng đến sự phê phán và cách đối xử của một người với người khác. Để có thái độ khách quan, con người cần phải vượt qua những bức tường thành kiến này mới có thể nhìn thấy những cái hay của những người trong gia đình, cộng đòan, hay cùng quê hương xứ sở.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong những mối tương quan của con người. Trong Bài Đọc I, tác-giả Thư Do-Thái ví mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người như mối liên hệ giữa cha và con. Như người cha phải sửa phạt con cái, Thiên Chúa cũng phải sửa phạt con người. Mục đích của việc sửa phạt không phải vì ghét bỏ, nhưng để giúp đức tin của con người ngày càng vững mạnh hơn, để họ có thể đương đầu với những cám dỗ và thử thách của cuộc đời. Trong Phúc Âm, Thánh Marcô tường thuật thái độ khinh thường của những người đồng hương với Chúa Giêsu. Họ đã không vượt qua được những thành kiến về nghề nghiệp và gia đình, để tin vào sự khôn ngoan và uy quyền của Thiên Chúa. Chúa Giêsu báo trước cho các ngôn sứ 3 nơi mà họ bị khinh thường: gia đình, họ hàng, và quê hương.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Dạy dỗ và sửa phạt vì lo lắng cho tương lai của con.

1.1/ Hai kiểu mẫu giáo dục: Người tị nạn Việt-Nam chắc chắn đã nhiều lần bị giằng co giữa 2 kiểu mẫu giáo dục con:

(1) Kiểu giáo dục Âu-Mỹ: Không được dùng bạo lực với con nít như: mắng chửi, đe dọa, và đánh đòn. Phải dùng những cách để trẻ con nhận ra lỗi lầm của nó như đứng ra một nơi riêng và tạm thời không cho tham gia vào những sinh họat chung. Phải chăng những cách thức này hiệu quả cho tất cả mọi trẻ?

(2) Kiểu giáo dục Kinh Thánh và Việt-Nam: Tác-giả Thư Do-Thái khuyên: “Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy?” Động từ Hy-Lạp dùng ở đọan này là “mastigo,w =đánh đòn; kỷ luật; trừng phạt.” Một người có thể cho cả 3 nghĩa đều thích hợp ở đây. Nhưng trong các Sách Khôn Ngoan và Sách Tiên Tri, các hình phạt của Thiên Chúa dành cho những người không tuân theo lệnh của Ngài, không phải chỉ đơn thuần là các cách thức giúp con người nhận ra lầm lỗi; nhiều lần các tác giả đã nói đến cây roi (Pro 10:13, 13:24, Isa 9:4), đổ máu, và ngay cả cái chết. Truyền thống Việt-Nam cũng theo truyền thống Kinh-Thánh khi nói: “Thương cho roi cho vọt. Ghét cho ngọt cho bùi.”

Người cha vô trách nhiệm là người cha không huấn luyện và sửa dạy con mình, và để mặc cho chúng muốn làm gì thì làm. Một đứa trẻ vô kỷ luật sẽ không thể thành công trên đường đời. Tương tự, cái đau khổ nhất của con người là khi Thiên Chúa để mặc họ muốn làm gì thì làm. Một khi Thiên Chúa để mặc, ma quỉ sẽ vào và thao túng người đó; họ sẽ trở thành nô lệ cho ma quỉ.

1.2/ Tâm lý của người bị sửa dạy: Đa số con người đều không muốn cho ai nói động đến, sửa dạy, và sửa phạt mình. Tác giả Thư Do-Thái cũng nói lên điều này: “Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính.” Mục đích của việc sửa dạy là nhắm tới lợi ích tương lai của đương sự. Chẳng hạn, khẩu hiệu huấn luyện các binh lính: “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu.” Tương tự trong việc huấn luyện đức tin: “Bởi vậy, hãy làm cho những bàn tay bủn rủn, những đầu gối rã rời, nên mạnh mẽ. Hãy sửa đường cho thẳng mà đi, để người què khỏi trật bước và hơn nữa, còn được chữa lành.” Để con người có thể vượt qua mọi đau khổ của cuộc đời, đức tin con người cần được thử luyện như vàng thử lửa.

Hơn nữa, việc sửa dạy không phải chỉ nhắm tới cá nhân đương sự mà thôi, nhưng còn nhắm tới lợi ích của cộng đòan, và những người đương sự sẽ có trách nhiệm nữa: “Anh em phải cố ăn ở hoà thuận với mọi người, phải gắng trở nên thánh thiện; vì không có sự thánh thiện, thì không ai sẽ được thấy Chúa. Anh em phải coi chừng, kẻo có ai lừng khừng mà mất ân sủng của Thiên Chúa, kẻo có ai trở nên rễ đắng nảy mầm, gây xáo trộn và do đó làm hư hỏng nhiều người.”

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu bị khinh thị tại quê quán của Ngài.

2.1/ Họ nhận ra sự khôn ngoan và uy quyền của Chúa Giêsu: Khi họ nghe những lời giảng dạy của Chúa trong hội đường, và chứng kiến các phép lạ Ngài làm, một cách khách quan họ đã phải thốt lên: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” Thay vì truy tầm căn nguyên của những điều lạ lùng này, họ để thành kiến ảnh hưởng đến sự phê phán và cách đối xử của họ với Chúa Giêsu. Lý do sâu xa hơn là vì kiêu ngạo, con người không muốn ai hơn mình; nhất là những người ở địa vị thấp kém hơn mình về tuổi tác, gia thế, và hòan cảnh xã hội.

2.2/ Họ khinh thường Chúa Giêsu vì 2 lý do:

(1) Nghề nghiệp: của Chúa Giêsu là thợ mộc. Cũng như nghề nghiệp đánh cá của các Tông-đồ, nghề thợ mộc được coi như nghề lao động tay chân và ít học thức. Giảng dạy khôn ngoan không thể đến từ những người làm những việc này. Nói theo kiểu Việt-Nam, “con vua thì lại làm vua, con bác xã chùa lại quét lá đa.”

(2) Gia tộc tầm thường: “Ông ta không phải con bà Maria, và là anh em của các ông James, Joses, Judah và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Có lẽ Thánh Giuse đã qua đời lâu trước khi biến cố này xảy ra, nên không thấy họ nhắc tới Thánh Giuse, mà chỉ đề cập đến Đức Mẹ. Những tên được đề cập tới có lẽ là các anh chị em họ của Chúa. Họ có ý muốn nói: một người sinh ra từ một gia tộc tầm thường như thế, không thể nào làm được những công việc như Chúa Giêsu đã làm.

2.3/ Ba nơi ngôn sứ bị coi thường: Lẽ ra, “một người làm quan cả họ được nhờ;” nhưng khi cả họ không được nhờ, không phải vì cá nhân người làm quan, nhưng vì sự khinh thường của những người trong họ hàng. Chúa Giêsu trở về quê quán là để giảng dạy và giúp đỡ những người thân thuộc lối xóm; nhưng đứng trước thái độ khinh thường của họ, “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin.” Chúa Giêsu để lại cho các ngôn sứ một bài học thực tế, họ sẽ bị khinh thường tại 3 nơi: (1) chính quê hương mình; (2) giữa đám bà con thân thuộc; và (3) trong gia đình mình.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Để có thể thành công trong cuộc đời, chúng ta cần phải được sửa dạy và chịu hình phạt. Tương tự, để đức tin của chúng ta có thể vượt qua những thử thách trong cuộc đời, Thiên Chúa cần sửa phạt những khi chúng ta lầm lỗi.

– Thành kiến làm chúng ta mù quáng và đối xử bất công với người khác. Để bảo tòan sự công bằng, chúng ta cần lọai bỏ thành kiến và chú trọng tới những gì người khác làm hay đạt được. Chúng ta cần có thái độ này với những người trong gia đình và cộng đòan.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************