Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Tư Tuần II Mùa Giáng Sinh Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: 1 Ga 4, 11-18
“Nếu chúng ta thương yêu nhau, thì Thiên Chúa ở trong chúng ta”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, nếu Thiên Chúa thương yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải thương yêu nhau. Chẳng ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nếu chúng ta thương yêu nhau, thì Thiên Chúa ở trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta đã được tuyệt hảo. Do điều này mà chúng ta biết chúng ta ở trong Người và Người ở trong chúng ta là Người đã ban Thánh Thần cho chúng ta. Và chúng ta đã thấy và chứng nhận rằng Chúa Cha đã sai Con Mình làm Đấng Cứu Thế. Ai tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở trong người ấy và người ấy ở trong Thiên Chúa. Còn chúng ta, chúng ta đã biết và tin nơi tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta.
Thiên Chúa là Tình Yêu, và ai ở trong tình yêu, thì ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong họ. Do đó, tình yêu của Thiên Chúa đã trọn vẹn đối với chúng ta, để chúng ta tin tưởng trong ngày phán xét, vì Người thế nào, thì chúng ta cũng thế ấy ở thế gian này. Nơi tình thương không có sự sợ hãi, nhưng tình thương trọn lành thì loại bỏ sợ hãi ra ngoài, vì sợ hãi mang theo hình phạt, và người nào sợ hãi thì không hoàn hảo trong tình thương. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 71, 2. 10. 12-13
Đáp: Lạy Chúa, muôn dân khắp mặt đất sẽ thờ lạy Chúa (c. 11).
Xướng:
1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực. – Đáp.
2) Các vua xứ Tác-xi và quần đảo sẽ mang lễ vật đến, các vua xứ Ả-rập và Saba sẽ đem triều cống lễ vật. – Đáp.
3) Vì Người sẽ cứu thoát kẻ nghèo khó khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu thoát mạng sống kẻ cùng khổ. – Đáp.
ALLELUIA:
Alleluia, alleluia! – Thiên Chúa đã sai tôi đi rao giảng tin mừng cho hạng nghèo khó, báo tin cho tù nhân được phóng thích. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 6, 45-52
“Họ thấy Người đi trên mặt biển”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
(Khi năm ngàn người đã được ăn no), Chúa Giêsu liền giục các môn đệ xuống thuyền, qua bờ bên kia trước mà đến Bếtsai-đa, đang khi Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện. Chiều đến, thuyền đã ra giữa biển, còn Người thì một mình ở trên đất. Khoảng canh tư đêm tối, Người thấy họ khó nhọc chèo chống vì ngược gió, Người đi trên mặt biển mà đến với họ, và Người muốn vượt qua trước họ. Họ thấy Người đi trên mặt biển, thì tưởng là ma, nên la hoảng lên. Vì ai nấy đều thấy Người và hoảng hốt, nên Người liền lên tiếng bảo họ rằng: “Hãy yên trí, chính Thầy đây, đừng sợ”. Rồi Người lên thuyền họ, và gió im lặng. Tâm hồn họ lại càng sửng sốt hơn, vì họ chưa hiểu gì về vấn đề bánh: lòng họ còn mù tối. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
05/01/2022 – THỨ TƯ ĐẦU THÁNG SAU LỄ HIỂN LINH
Mc 6,45-52
KHI THUYỀN CÓ CHÚA
Khi các ông thấy Người đi trên mặt biển lại tưởng là ma, thì la lên… Lập tức, Người bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”. Người lên thuyền với các ông, và gió lặng.(Mc 6,49-51)
Suy niệm: Con thuyền các môn đệ vất vả chèo chống năm xưa khi phải chống chọi với sóng to gió lớn, là hình ảnh ‘con thuyền Giáo Hội’ và cũng là ‘con thuyền cuộc đời’ của mỗi người chúng ta hôm nay. Có một sự khác biệt rất lớn về số hành khách có mặt trên thuyền lúc đó. Khi thuyền không có Chúa, con thuyền bị chao đảo, các môn đệ phải vất vả bởi sóng to gió ngược. Hơn thế nữa, tâm hồn các môn đệ cũng hoang mang bất ổn: nhìn thấy Chúa, các ông lại sợ hãi, hoảng hốt tưởng là thấy ma. Trái lại, khi trên thuyền có Chúa: bên ngoài thì sóng gió liền yên lặng và thuyền của các ông hêt chao đảo, và bên trong tâm hồn các ông cũng được bình an, không còn sợ hãi nữa nhưng các ông lại bàng hoàng sửng sốt, có lẽ vì chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra hoặc vì quá vui mừng. Điều quan trọng là các môn đệ nhận thấy rằng: khi trên thuyền có Chúa thì họ không còn sợ hãi.
Mời Bạn: Thật bất hạnh cho chúng ta khi chúng ta không còn cảm thấy Chúa đang hiện diện trong cuộc đời mình, đặc biệt là những khi phải đối diện với sóng gió của cuộc đời. Như con thuyền của các môn đệ năm xưa, Chúa vẫn luôn đưa mắt nhìn và dõi theo con thuyền cuộc đời của mỗi người chúng ta hôm nay. Hãy luôn vững tin rằng, khi có Chúa thì ‘con thuyền đời’ của bạn được bình an.
Sống Lời Chúa: Chúa luôn ở với bạn. Bạn cần suy niệm Lời Chúa trong thinh lặng để nhận ra điều đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn vững tin vào tình yêu quan phòng của Chúa. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm qua cho thấy Đức Giêsu tỏ mình cho dân chúng
như một người mục tử lo cho nhu cầu vật chất và tinh thần của đoàn chiên.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu tỏ mình cho riêng các môn đệ.
Ngài xuất hiện như người có uy quyền trên biển cả và cuồng phong.
Sau phép lạ bánh hóa nhiều, Đức Giêsu trả lại sự lặng lẽ cho vùng hoang địa.
Ngài bắt buộc các môn đệ lên thuyền sang bờ bên kia trước,
Còn Ngài thì đi giải tán đám đông cuồng nhiệt muốn tôn Ngài làm vua.
Hãy lắng nghe sự tĩnh lặng của nơi hoang vu này, của núi và đất.
Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, sẵn sàng bước vào cuộc trò chuyện với Cha.
ãy cảm được sự lắng xuống của tâm hồn Ngài, sau một thành công vang dội.
Đức Giêsu chìm sâu trong cầu nguyện với Cha,
nhưng Ngài vẫn biết điều gì đang xảy ra cho môn đệ.
Ngài đang ở trên mặt đất vững vàng,
còn họ phải lênh đênh giữa biển, vất vả chèo chống vì gió ngược.
Hãy chiêm ngắm cách tỏ mình đặc biệt của Đức Giêsu cho các môn đệ.
Ngài “đến với các ông” vào lúc trời gần sáng, lúc chưa thấy rõ mặt người.
Ngài đến khi các môn đệ đã qua một đêm mệt mỏi, vắng Thầy.
Ngài đến một cách khác thường bằng cách đi trên mặt nước biển
Ngài đến khiến các ông nhìn thấy tưởng là ma, hoảng hốt la lên.
Ngài đến đem lại bình an: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !”
Ngài bước vào con thuyền của các ông, và trời lặng gió.
Chúng ta cần làm quen với những kiểu tỏ mình khác thường của Chúa.
Ngài đến với ta vào lúc không ngờ, dưới những dáng dấp kỳ lạ.
Chúng ta phải có khả năng nhận ra khuôn mặt Ngài trong bóng tối lờ mờ,
giữa những thất bại, nhọc nhằn, giữa những cô đơn, sợ hãi.
Ngài đến đem bình an mà ta tưởng là yêu ma.
Biết bao lần ta gặp gió ngược trong đời,
nỗ lực nhiều nhưng tiến tới chẳng bao nhiêu.
Nhưng kinh nghiệm một mình với gió ngược mà không có Thầy ở bên
cũng là một kinh nghiệm đáng quý.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con nhìn thấy sự hiện diện của Chúa
ở bên con dưới muôn ngàn dáng vẻ.
Chúa hiện diện lặng lẽ
như tấm bánh nơi nhà Tạm,
nhưng Chúa cũng ở nơi những ai nghèo khổ,
những người sống không ra người.
Chúa hiện diện sống động nơi vị linh mục,
nhưng Chúa cũng có mặt ở nơi hai, ba người
gặp gỡ nhau để chia sẻ Lời Chúa.
Chúa hiện diện nơi Giáo Hội
gồm những con người yếu đuối, bất toàn,
và Chúa cũng ở rất sâu
trong lòng từng Kitô hữu.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con thấy Chúa
đang tạo dựng cả vũ trụ
và đang đưa dòng lịch sử này về với Chúa.
Xin cho con gặp Chúa nơi bất cứ ai là người
vì họ có cùng khuôn mặt với Chúa.
Xin cho con khám phá ra
Chúa đang hẹn gặp con
nơi mọi biến cố buồn vui của đời thường.
Ước gì con thấy Chúa ở khắp nơi,
thấy đâu đâu cũng là nhà của Chúa.
Và ước gì con đừng bỏ lỡ bao cơ hội gặp Chúa
trên bước đường đời của con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
5 THÁNG GIÊNG
Gia Đình – Một Cộng Đồng Thân Ái
Trong tiếng gọi của Thiên Chúa hằng sống, gia đình được mời gọi trở thành một cộng đồng của hòa bình và thân ái. Đồng thời, đó cũng là mô hình cộng đồng mà Thiên Chúa mời gọi mọi cá nhân và mọi dân tộc hướng tới hình thành. Trước hết, để gia đình triển nở trọn vẹn, cần phải có một bầu khí xã hội thực sự hòa bình và huynh đệ trong đó quyền lợi của mỗi thành viên đều được bảo vệ.
Thế nhưng ngày nay gia đình đang phải chịu những căng thẳng tột độ do các xu hướng của xã hội hiện đại. Gia đình đang phải đương đầu với sự phân hóa và sự sụp đổ của quyền bính. Các bậc cha mẹ đang kinh nghiệm nỗi khó khăn trong việc truyền đạt cho con cái mình những giá trị Kitô giáo đích thực. Xu hướng đô thị hóa đang tạo ra những khu ngoại ô chen chúc dân cư, những vấn đề khó khăn về nhà ở, nạn thất nghiệp hay thiếu việc làm ngày càng tăng cao. Và tất cả tình hình ấy có một ảnh hưởng tiêu cực trên gia đình.
Giáo Hội quyết liệt chống lại những sự dữ luân lý đang tấn công vào đời sống gia đình và vợ chồng; bởi vì Giáo Hội xác tín sâu sắc rằng những sự dữ ấy đi ngược lại kế hoạch của Thiên Chúa đối với con người. Những sự dữ ấy xúc phạm tính chất linh thánh của hôn nhân và chà đạp các giá trị của sự sống con người. Giáo Hội có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của gia đình cũng như bảo vệ mọi thiện ích của từng người. Đó là lý do tại sao Giáo Hội xác nhận lại trách nhiệm của mình trong việc nói lên sự thực đầy đủ về con người.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 05/01
Thánh Gioan Neumann, Gm
1Ga 4, 11-18; Mc 6, 45-52.
Lời Suy Niệm: “Chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa biển hồ, chỉ còn mội mình Người ở trên đất. Người thấy các ông vất vả chèo chống, vì gió ngược; nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông.”
Sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, làm cho lòng dân chúng muôn tôn vinh Người. Người biết nên đã tách các môn đệ của Người xa khỏi đám đông. Chính trên đương đi đó, Người luôn hướng về các môn đệ của Người. Chính Người thấy rõ các môn đệ của Người đang gặp khó khăn, và Người đã đi trên mặt biển mà đến với họ.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho tất cả chúng con đặt niềm tin vào Chúa trong mọi hoàn cảnh sống của mình: luôn được Chúa nhìn thấy và Chúa sẽ đến ban lại bình an cho chúng con.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
05 Tháng Giêng
Chiếc Áo Rách
Một linh sư Ấn giáo nọ rất hài lòng về sự tiến bộ của người đệ tử. Nhận thấy rằng người đệ tử không cần đến sự dìu dắt của ông nữa, cho nên ông mới bỏ mặc anh trong túp lều tranh rách nát bên cạnh một bờ sông. Một buổi sáng, khi thức dậy, người đệ tử xuống dòng sông thanh tẩy theo đúng nghi thức, rồi giặt chiếc áo rách rưới của mình. Ðây là tài sản duy nhất của anh ta.
Ngày nọ, anh đau đớn vô cùng khi nhận ra chiếc áo phơi ở bờ sông đã bị chuột cắn tả tơi. Không còn cách nào nữa, người đệ tử đành phải vào làng gõ cửa để xin một chiếc áo khác. Cái áo lần nữa cũng bị chuột gặm nát. Anh mới xin được một con mèo. Lần này anh khỏi phải lo lắng về mấy con chuột nữa. Nhưng không xin áo mặc, thì người đệ tử cũng phải xin cơm, bánh mà thôi.
Ngày ngày phải vác bị đi khất thực, người đệ tử cảm thấy mình như một thứ gánh nặng đối với dân làng. Nghĩ thế, cho nên anh mới tìm cách tậu cho bằng được một con bò để lấy vốn làm ăn. Nhưng có bò thì cũng phải có cỏ cho bò ăn. Những ngày đầu, anh còn tự mình cắt cỏ cho bò ăn. Về lâu về dài, nhận thấy không còn thì giờ cho sự cầu nguyện nữa, cho nên anh đành phải thuê người cắt cỏ cho bò. Bò càng ngày càng sinh sản ra nhiều, người cắt cỏ cũng phải gia tăng. Không mấy chốc, mảnh đất xung quanh túp lều của anh đã biến thành một nông trại. Con người đã một thời muốn bỏ đi tất cả mọi sự để trở thành một tu sĩ nay nghiễm nhiên trở thành một chủ nông trại giàu có. Có tiền, có mọi sự, cho nên anh cũng muốn có người chia sẻ công việc của anh. Anh đành phải cưới vợ. Và không mấy chốc, anh đã trở thành một trong những chủ nông trại giàu có nhất trong làng.
Vài năm sau, khi có dịp trở lại thăm ngôi làng cũ, vị linh sư đã một thời dẫn dắt anh, ngạc nhiên vô cùng vì thay cho túp lều nghèo nàn bên bờ sông, nay là cả một cơ nghiệp đồ sộ. Dò hỏi được tung tích của người chủ nông trại, vị linh sư mới lên tiếng hỏi người đệ tử của mình: “Thế này nghĩa là gì hả con?”. Người đệ tử mới trả lời: “Có lẽ thầy không tin. Nhưng tất cả cơ nghiệp này hiện hữu là cũng chỉ vì con đã không làm cách nào để giữ được chiếc áo rách”.
Vì chén cơm manh áo, người ta có thể đánh mất lý tưởng của mình. Vì chén cơm manh áo, người ta có thể chà đạp phẩm giá của mình cũng như của người khác. Vì chén cơm manh áo, người ta có thể chối bỏ niềm tin của mình. Ðó là mối hiểm nguy mà bất cứ ai cũng có thể rơi vào.
Ðầu một Năm Mới, tiến thêm một bước trong cuộc hành trình đức tin, chúng ta hãy xin Chúa ban thêm sáng suốt để thấy được bậc thang giá trị trong cuộc sống của chúng ta. Xin Ngài ban thêm can đảm để trong khi mưu cầu của cải vật chất, chúng ta có đủ sức khước từ mọi hành động bất chánh, mọi thỏa hiệp với lừa đảo, gian trá. Xin Ngài ban thêm lòng quảng đại để chúng ta biết mở rộng quả tim và đôi bàn tay để chia sớt, để san sẻ với mọi người khốn khổ.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư sau Lễ Hiển Linh
Bài đọc: I Jn 4:11-18; Mk 6:45-52.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình yêu hòan hảo lọai trừ sự sợ hãi.
Con người sợ nhiều thứ trong cuộc đời: sợ mất những gì đang sở hữu, sợ đau vì phải chịu đủ thứ bệnh tật, sợ ma quỉ, sợ chết, và sợ bị Thiên Chúa phạt. Những nỗi sợ hãi này làm con người trở nên nhát đảm, không dám sống và làm chứng cho sự thật. Sợ hãi tự nó không xấu, nhưng nếu sau khi được thuyết phục bởi lý trí không nên sợ, mà con người vẫn sợ, lúc đó sợ hãi trở thành tội. Khi nào con người không còn sợ hãi nữa, lúc đó con người mới thực sự biết sống. Các Bải Đọc hôm nay xoay quanh tình yêu và sợ hãi.
Trong Bài Đọc I, Thánh Gioan quả quyết: “Tình yêu hòan hảo lọai trừ sự sợ hãi.” Nếu con người thực sự tin vào tình yêu Thiên Chúa, con người sẽ không sợ hãi bất cứ điều gì, vì Thiên Chúa hằng yêu thương, quan tâm, và săn sóc mọi sự cho con người. Trong Phúc Âm, các môn đệ sợ bị chìm thuyền vì gió bão, các ông sợ vì có người đi cạnh thuyền như bóng ma; nhưng Chúa Giêsu củng cố niềm tin của các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tình yêu hòan hảo là tình yêu Thiên Chúa.
1.1/ Hai điều kiện để có được Thiên Chúa:
(1) Tin Đức Kitô đến từ Thiên Chúa: Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải cho con người về tình yêu Thiên Chúa: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Jn 3:16). Trong Bài Đọc hôm nay, Thánh Gioan làm chứng lại điều này: “Phần chúng tôi, chúng tôi đã chiêm ngưỡng và làm chứng rằng: Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng cứu độ thế gian.” Và ngài còn đẩy xa hơn: “Hễ ai tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở lại trong người ấy và người ấy ở lại trong Thiên Chúa.” Điều này hiển nhiên, vì Cha và Con không thể tách rời nhau, hễ có Cha là có Con; vì thế, khước từ Đức Kitô là khước từ tình yêu Thiên Chúa.
(2) Giữ giới luật yêu thương Đức Kitô dạy: Khi một người đã có tình yêu Thiên Chúa ở lại trong lòng, họ không thể sống ngược lại với sự thúc đẩy của tình yêu này: “Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.” Hệ quả là người ấy sẽ dùng đủ mọi cách để đáp trả lại tình yêu Thiên Chúa, và yêu thương anh em như Thánh Gioan khuyên nhủ: “Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau. Thiên Chúa chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau,
thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo.” Gioan mặc khải cho chúng ta một khía cạnh khác của tình yêu khi ngài nói: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được rằng chúng ta ở lại trong Người và Người ở lại trong chúng ta: đó là Người đã ban Thánh Thần Người cho chúng ta.” Chúng ta đã nói trong đọan trên: hễ có Con là có Cha, vì Cha-Con không thể tách rời nhau. Ở đây, chúng ta nhận diện ra vai trò của Ngôi Ba Thiên Chúa; hễ có Cha và Con, là cũng có cả Thánh Thần; vì Ba Ngôi Thiên Chúa không thể tách rời nhau. Thánh Thần là tình yêu liên kết giữa Cha và Con.
1.2/ Tình yêu hòan hảo lọai trừ sự sợ hãi: Tình yêu hòan hảo là tình yêu Thiên Chúa; khi con người đã có được tình yêu Thiên Chúa, con người không nên sợ hãi gì cả, vì:
(1) Thiên Chúa uy quyền: Ngài có thể làm mọi sự, và Đức Kitô đã chiến thắng tất cả quyền lực trong vũ trụ này, ngay cả quyền lực của ác thần và sự chết.
(2) Thiên Chúa yêu thương: Ngài trung thành yêu thương tới cùng; vì thế, chúng ta không sợ Ngài sẽ đổi ý, nhưng sợ chính chúng ta sẽ đổi ý mà thôi. Thánh Gioan khuyên con người không nên sợ ngay cả Ngày Phán Xét: “Dựa vào điều này mà tình yêu đã nên hoàn hảo với chúng ta, đó là chúng ta có thể tự tin trong Ngày Phán Xét, vì Đức Giêsu thế nào thì chúng ta cũng như vậy ở thế gian này.”
Nếu một Thiên Chúa uy quyền có thể làm mọi sự và yêu thương đến độ ban Người Con Một để cứu chuộc con người, chúng ta không còn bất cứ lý do nào để sợ hãi, như Gioan nói: “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo.”
2/ Phúc Âm: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”
2.1/ Chúa Giêsu có uy quyền trên gió bão: Ngay sau Phép Lạ “Bánh hóa nhiều,” là Phép Lạ “Đi trên biển và truyền sóng gió phải im lặng.” Thánh Marco tường thuật: “Lập tức, Đức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia về phía thành Bethsaida trước, trong lúc Người giải tán đám đông. Sau khi từ biệt các ông, Người lên núi cầu nguyện. Chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa biển hồ, chỉ còn một mình Người ở trên đất. Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông.” Khi Người lên thuyền với các ông, sóng gió lặng im. Theo trình thuật, Chúa Giêsu, tuy lên núi cầu nguyện, nhưng mắt Ngài không quên theo dõi các ông. Khi thấy các ông lâm nguy, Ngài đến và giúp các ông thóat khỏi nguy hiểm của gió bão.
2.2/ Các Tông-đồ sợ hãi: Là con người, các ông lo sợ tất cả những gì đe dọa đến sự sống. Trình thuật hôm nay tường thuật 2 nỗi lo sợ của các ông:
(1) Sức mạnh của gió bão: là nỗi lo sợ cho những người sống về nghề thuyền chài. Gió bão có thể làm thuyền chìm và lấy đi mạng sống con người. Hồ Galilee được nhiều người gọi là Biển Hồ vì kích thước to lớn của nó (21km/13km/204m).
(2) Quyền lực của ma quỉ: Cộng với nỗi lo sợ gió bão là nỗi lo sợ ma quỉ. Người Do-Thái tin quyền lực của ma quỉ, và Chúa Giêsu đã nhiều lần trục xuất quỉ ra khỏi con người. Các ông nhìn ra Chúa, nhưng không thể hiểu một người mà có uy quyền đi trên mặt nước; vì thế, “khi các ông thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên. Quả thế, tất cả các ông đều nhìn thấy Người và đều hoảng hốt.”
2.3/ Chúa Giêsu trấn an các Tông-đồ: Người bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Một khi có Chúa Giêsu đồng hành, con người sẽ không phải sợ hãi bất cứ một quyền lực nào: sóng gió phải yên lặng, ma quỉ phải nghe lời, điều không thể trở thành có thể.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta sợ hãi nhiều thứ và chưa có bình an, vì chúng ta chưa sở hữu và chưa tin tưởng hòan tòan nơi tình yêu của Thiên Chúa.
– Để có được tình yêu Thiên Chúa, chúng ta phải tin tưởng hòan tòan nơi Đức Kitô và giữ các giới răn của Ngài, nhất là giới luật yêu thương.
– Sợ hãi là khuynh hướng tự nhiên của con người; nhưng tình yêu Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi sợ hãi trong cuộc đời, để có thể sống bình an và đạt được ý nghĩa của cuộc sống.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************