Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Tư Tuần XXVII Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: Gl 2, 1-2. 7-14
“Các đấng đã nhận biết ơn đã ban cho tôi”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.
Anh em thân mến, mười bốn năm sau, tôi lại lên Giêrusalem cùng với Barnaba và có đem Titô theo. Tôi đã theo ơn mạc khải mà lên đó, và tôi đã trình bày với các đấng đó về Tin Mừng mà tôi rao giảng nơi các dân ngoại, tôi bàn hỏi riêng với những bậc vị vọng, vì e rằng mình đang bôn tẩu hoặc đã bôn tẩu luống công chăng.
Trái lại, khi các đấng ấy thấy rằng tôi được uỷ nhiệm rao giảng Tin Mừng cho người không chịu cắt bì, cũng như đã uỷ nhiệm cho Phêrô rao giảng cho những người đã chịu cắt bì, (vì Đấng đã ban cho Phêrô làm Tông đồ cho những người đã chịu cắt bì, cũng đã ban cho tôi làm Tông đồ lo cho các dân ngoại), và khi đã nhận biết ơn đã ban cho tôi, thì Giacôbê, Kêpha và Gioan, là những vị được kể như cột trụ, đã bắt tay tôi và Barnaba, tỏ tình thông hảo. Thế là chúng tôi đi sang các dân ngoại, còn các đấng thì đi đến với những người đã chịu cắt bì. Bấy giờ chúng tôi chỉ còn phải nhớ đến những người nghèo khổ, và đó là chính điều tôi đã định tâm thi hành.
Nhưng khi Kêpha đến Antiôkia, tôi đã phản đối ông ngay trước mặt, vì ông làm điều không phải. Vì chưng trước khi mấy người bên Giacôbê đến, thì ông vẫn dùng bữa với những người dân ngoại, nhưng khi những người ấy đến, thì ông lẩn lút và tự lánh mặt đi, bởi sợ những người thuộc giới cắt bì. Những người Do-thái khác đều giả hình như ông, thậm chí cả Barnaba cũng bị lôi cuốn theo sự giả hình của họ. Nhưng khi thấy họ không thẳng thắn sống theo chân lý Tin Mừng, tôi đã nói với Kêpha trước mặt mọi người rằng: “Nếu ông là Do-thái, mà còn sống theo thói người dân ngoại, chứ không theo thói người Do-thái, thì lẽ nào ông bắt ép người dân ngoại phải theo thói người Do-thái sao?. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 116, 1. 2
Đáp: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian (Mc 16, 15).
Xướng:
1) Toàn thể chư dân, hãy khen ngợi Chúa! Hết thảy các nước, hãy chúc tụng Người! – Đáp.
2) Vì tình thương Chúa dành cho chúng ta thực là mãnh liệt, và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn đời. – Đáp.
ALLELUIA: Mt 4, 4b
Alleluia, alleluia! – Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 11, 1-4
“Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông”. Người nói với các ông: “Khi các con cầu nguyện, hãy nói:
” ‘Lạy Cha, nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ’ “. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
05/10/2022 – THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 27 TN
Th. Faustina Kowalska, trinh nữ
Lc 11,1-4
XIN ĐỪNG THUẬN THEO CÁM DỖ
“Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.” (Lc 11,4)
Suy niệm: Là một con người thì bị cám dỗ là điều hết sức bình thường và đương nhiên nữa. Ai cũng có thể bị cám dỗ nhưng mỗi người có tự do và cách thế riêng để đáp trả trước những cơn cám dỗ ấy. Có những người đã gục ngã thất bại, nhưng cũng có những người vẫn đứng vững và không thuận theo cám dỗ, cho dù sự cám dỗ ấy rất mãnh liệt. Làm thế nào để con người chúng ta, vốn yếu đuối và tội lỗi, lại có thể chiến thắng được sự cám dỗ của ma quỷ, thế gian và xác thịt như vậy? – Thưa, đó chính là cầu nguyện. Chính Chúa Giê-su là Đấng đã chiến thắng cám dỗ bằng lời cầu nguyện, và Ngài cũng dạy chúng ta làm như vậy khi chúng ta cầu nguyện mỗi ngày bằng lời kinh Lạy Cha, lời kinh do chính Chúa dạy các môn đệ: “xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”.
Mời Bạn: Ngày nay, có rất nhiều “chước cám dỗ” rất mạnh mẽ đang đe dọa đến đời sống của mỗi người chúng ta. Bạn có luôn tỉnh thức và cầu nguyện để xa tránh được những cơn cám dỗ đó không? Chắc chắn không ai dám tự hào vì mình đã chiến thắng được cám dỗ bởi vì cám dỗ không chỉ đến có một lần rồi thôi. Liệu chúng ta có cách gì hữu hiệu hơn ngoài việc kiên trì cầu nguyện không?
Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm loại bỏ một cơn cám dỗ ngay khi nó mới manh nha len lỏi vào trong tâm trí mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chiến thắng được những cơn cám dỗ nhờ việc kiên trì cầu nguyện, xin Chúa giúp chúng con biết học nơi Chúa, quyết tâm kiên trì cầu nguyện để chống trả mọi cơn cám dỗ đang bủa vây rình rập linh hồn chúng con. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm
Có nhiều định nghĩa về con người.
Con người là con vật biết sử dụng các dụng cụ.
Con người là con vật biết suy nghĩ đắn đo.
Nhưng như thế vẫn chưa đủ.
Phải định nghĩa con người là con vật biết cầu nguyện,
nghĩa là có khả năng lắng nghe và đáp lời Thiên Chúa.
Con người là sinh vật biết chuyện trò với Tạo Hoá.
Cầu nguyện không phải là nói với một sự vật, một ý tưởng,
nhưng là nói với một Ðấng siêu vượt tôi,
mà lại rất gần gũi thân thương và biết tôi.
Ðấng ấy nói với tôi và nghe được lời tôi nói.
Có nhiều tâm tình khi ta cầu nguyện:
thống hối, tri ân, ca ngợi, thờ lạy, dâng hiến, nài xin.
Nài xin chẳng phải là điều hạ giá con người.
Con người cảm nghiệm được thân phận mong manh,
nên khiêm hạ đi tìm sự nâng đỡ.
Xin cho chúng con bánh cần dùng mỗi ngày.
Bánh vật chất, bánh tinh thần, Bánh Thánh Thể.
Bánh cho chúng con sự sống.
Xin tha thứ tội chúng con,
để chúng con được sống bình an sau những va vấp.
Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.
Cơn cám dỗ lớn nhất là chỉ sống cho mình,
và khép lại trước Thiên Chúa và anh em.
Quỳ xuống cầu xin là thái độ của người biết mình,
biết những gì mình có thể làm được,
và biết những gì nằm ngoài tầm tay của mình.
Chẳng phải chỉ cầu nguyện khi gặp chuyện khó.
Ðể hít thở bình thường cũng cần đến ơn trên.
Cần có thái độ kiên trì khi cầu nguyện.
Hãy cứ gõ cửa nhà Chúa trong đêm mịt mù.
Cần tập đứng đợi, tập quấy rầy Chúa.
Thế nào Ngài cũng mở cửa và cho mọi sự ta cần.
Hãy để Ngài tự do cho vào lúc và theo cách Ngài muốn,
dù điều đó không hợp với ước mơ của ta.
Lắm khi ta có cảm tưởng Ngài không nhận lời.
Có thể vì lời nài xin của ta đầy tính ích kỷ,
hay vì Ngài muốn dành cho ta một ơn lớn hơn.
Xin Ðức Giêsu dạy ta biết cách cầu xin,
đưa ta ra khỏi những bận tâm hẹp hòi về chính mình,
để thấy những nhu cầu lớn lao của Hội Thánh.
Ơn cao cả nhất mà chắc chắn Cha muốn ban cho ta
đó là Chúa Thánh Thần.
Có Thánh Thần là có niềm vui, sức mạnh, ánh sáng, sự sống.
Có khi nào ta nài xin Cha ban Thánh Thần chưa?
Cầu nguyện
Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,
những ơn con thấy được,
và những ơn con không nhận là ơn.
Con biết rằng
con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,
biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.
Con thường đau khổ vì những gì
Cha không ban cho con,
và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.
Tạ ơn Cha vì những gì
Cha cương quyết không ban
bởi lẽ điều đó có hại cho con,
hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.
Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha
dù con không hiểu hết những gì
Cha làm cho đời con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
5 THÁNG MƯỜI
Tính Nhân Bản Của Thánh Kinh
Từ khi Thiên Chúa tự biểu lộ chính Ngài cho Abraham – nghĩa là tái lập cuộc đối thoại giữa con người với Đấng Sáng Tạo vốn đã bị gãy đổ do tội Adam – tính nhân bản đích thực theo Thánh Kinh không ngừng khẳng định phẩm giá độc đáo nơi mỗi con người. Mỗi người đều được Thiên Chúa tạo dựng giống hình ảnh Ngài. Mỗi người đều được Chúa Kitô cứu chuộc và mời gọi đi vào trong mối hiệp thông với Ngài.
Đó là địa vị của con người trong thế giới này và trong bậc thang giá trị. Đành rằng văn chương và nghệ thuật thường đề cập đến tính yếu đuối, mỏng dòn, thú nhục dục, thói đạo đức giả và tính thô bạo của con người. Nhưng chúng ta cũng biết rằng, trên hết, con người thật kỳ diệu với lối suy nghĩ sáng sủa, với những khám phá khoa học, với những cảm hứng trữ tình trong thi ca, với những sáng tạo nghệ thuật trác tuyệt, với tính cách đạo đức anh hùng, và quan trọng nhất là với những chứng tá thánh thiện trong Đức Kitô.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 05/10
Thánh Faustina Kowalska, trinh nữ
Gl 2, 1-2. 7-14; Lc 11, 1-4.
Lời Suy Niệm: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông.”
Các môn đệ đã khát khao sự cầu nguyện, nên đã xin Chúa dạy cho biết cách cầu nguyện và đã được Chúa Giêsu dạy cách cầu nguyện với kinh: “Lạy Cha”. Đối với người Kitô hữu, cầu nguyện là hơi thở rất cần thiết cho đời sống đức tin. Người Kitô hữu khi cầu nguyện luôn mang tâm tình của người con thân thưa với Cha của mình là Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên muôn loài muôn vật, cũng là Đấng hằng yêu thương mỗi người trong chúng ta mà Ngài đã tạo dựng nên chúng ta và trao mọi sự Ngài đã tạo dưng cho chúng ta quản lý, săn sóc và gìn giữ, Trước mỗi lời cầu nguyện chúng ta đều thân thưa “Lạy Cha”.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho các cha mẹ trong gia đình luôn ý thức trong việc dạy giáo lý cho con cái của mình; hiểu biết từng ý những lời trong các kinh nguyện sẵn có, để giúp con cái của mình có tâm tình trong lúc cầu nguyện cùng Chúa.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 05/10: Thánh nữ Faustina
Ngày 18/05/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra sắc lệnh, quyết định đưa lễ nhớ thánh nữ Faustina Kowalska vào lịch phụng vụ chung của Giáo hội và lễ nhớ không buộc này được cử hành vào ngày 05/10 hàng năm.
Lễ nhớ (không buộc) vào ngày 05/10
Sắc lệnh được ký bởi Đức Hồng y Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Kỷ luật và Bí tích, và Đức tổng giám mục Arthur Roche, Tổng Thư ký của Bộ, xác định: “Chấp nhận lời thỉnh cầu và mong ước của các vị mục tử, các tu sĩ nam nữ, cũng như các hiệp hội giáo dân và xét đến sự ảnh hưởng do việc thực hành tu đức của thánh Faustina tại nhiều nơi trên thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã truyền ghi tên thánh Maria Faustina (Helena) Kowalska, trinh nữ, vào trong lịch phụng vụ chung của Giáo hội Roma và lễ nhớ tùy chọn kính ngài sẽ được cử hành vào ngày 05/10.”
Văn bản phụng vụ kính nhớ thánh Faustina
Bộ Phụng tự cũng xác định: “Lễ nhớ mới này sẽ được đưa vào tất cả các Lịch và sách phụng vụ để cử hành Thánh lễ và các giờ kinh phụng vụ; các bản văn phụng vụ kèm theo sắc lệnh này phải được dịch và chấp thuận, và sau khi Bộ Phụng tự phê chuẩn, sẽ được các Hội đồng giám mục xuất bản.”
Nguồn cảm hứng cho phong trào Lòng Chúa thương xót
Thánh Faustina sinh năm 1905 tại làng Głogowiec, gần Łódź, nước Ba Lan, và qua đời năm 1938, tại Cracovia. Trong cuộc đời ngắn ngủi trong dòng các Nữ tu Đức Mẹ Từ bi, thánh nữ đã quảng đại sống theo ơn gọi nhận được từ Chúa và phát triển một đời sống thiêng liêng sâu sắc. Trong Nhật ký tâm hồn của mình, chính thánh Faustina thuật lại những điều Chúa đã thực hiện nơi thánh nữ vì ơn ích của tất cả mọi người: lắng nghe Chúa, Đấng là Tình yêu và Thương xót, thánh Faustina hiểu rằng sự khốn khổ của con người không thể sánh với lòng thương xót không ngừng tuôn tràn từ trái tim của Chúa Kitô. Do đó, thánh nữ đã trở thành nguồn cảm hứng cho một phong trào loan báo và cầu khẩn Lòng Chúa thương xót trên toàn thế giới.
Được Đức Gioan Phaolô II tuyên thánh vào năm 2000, tên của thánh Faustina nhanh chóng được biết đến trên khắp thế giới, và qua đó cổ võ việc cầu khẩn Lòng Chúa thương xót trong mọi thành phần Dân Chúa, và chứng tá đáng tin cậy của nó trong việc hướng dẫn đời sống các tín hữu. Đây chính là lý do Đức Thánh Cha quyết định đưa lễ kính nhớ thánh Faustina vào lịch phụng vụ chung của Giáo hội.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
05 Tháng Mười
Sứ Ðiệp Của Một Người Tàn Tật
Hằng năm tổ chức có tên là “Tự nguyện chịu đau khổ” hành hương đến Lộ Ðức để chia sẻ kinh nghiệm của họ khi đối đầu với đau khổ. Năm 1982, khách hành hương đã chú ý đến lời chia sẻ của Jacques Lebreton, một phó tế vĩnh viễn không tay, mù mắt. Chúng ta hãy lắng nghe chứng từ của ông:
Sau trận đánh ở El Alamem, tôi và các bạn của tôi đang lo gỡ mìn. Một anh bạn tôi cầm một quả lựu đạn và vô tình mở chốt. Trong cơn hốt hoảng, anh trao cho tôi. Tôi cứ tự nhiên cầm lấy quả lựu đạn. Nó đã nổ tung trong tay tôi. Tôi tối tăm mặt mũi, không nói được nữa. Tôi cảm thấy mình đang chết. Tôi chỉ còn là một người không tay, không mắt… Tôi toan tự tử.
Trên giường bệnh ở nhà thương, tôi, một người đã không giữ đạo từ lâu, tôi bắt đầu cầu nguyện. Tôi xin được rước lễ. Tôi đã hiểu nguyên do sự đau khổ của tôi là tội lỗi nhân loại: đó là thù oán, kiêu căng, chiến tranh… Và tôi đã tìm lại được sự an vui và trông cậy.
Tôi cảm thấy một cái gì tương tự như Chúa Giêsu trong vườn Giêtsêmani. Ngài cũng không muốn chịu đau khổ. Ngài đã van xin: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này”, nhưng liền sau đó, Ngài lại thưa: “Lạy Cha, xin vâng theo ý Cha”. Sau thảm kịch Golgotha, Ngài đã sống lại. Chính nhờ mầu nhiệm chết và sống lại mà Chúa Kitô muốn cho chúng ta cùng sống. Tôi đã đạt đến mức độ không phải là chịu đựng mà là chấp nhận. Chịu đựng là một thất bại. Chấp nhận là một chiến thắng. Trên giường bệnh, tôi đã khóc, khóc vì sung sướng với ý nghĩ ấy. Ðiều mà tự nhiên tôi cũng không thể chịu được, nay nhờ ơn Chúa tôi đã chịu được.
Như lời văn hào Mauriac nói: “Chúa Giêsu không đến để xóa bỏ đau khổ, nhưng để cùng hiện diện với những người đau khổ”. Tôi đã cảm nghiệm được lời Chúa phán: “Phúc cho những kẻ khóc lóc, phúc cho những kẻ đau khổ”.
Tại Evreux, tôi được gặp một người đàn bà hoàn toàn bất toại, đến nỗi không thể nói được. Nhưng nhờ ngón chân cái của bà, bà có thể máy động bàn chữ cái trên một miếng ván và bà đã tặng cho tôi một bài thơ có tựa đề “Nụ cười”.
Tôi liên tưởng đến một người đàn ông khác, bị điếc lúc 14 tuổi, mù từ lúc lên 16 tuổi. Trên giường bệnh, lúc hấp hối, người đàn ông 87 tuổi này đã thốt lên như sau: “Tôi đã trải qua một cuộc đời tốt đẹp”.
Ông Jacques Lebreton kết luận như sau: “Tôi, một người không tay, không mắt, tôi cũng thấy đời tươi đẹp. Cuối cùng, sự tàn tật lớn lao nhất là bị chia lìa với Thiên Chúa. Tôi không thể nói như vậy, nếu tôi lành lặn với đôi mắt và đôi tay. Nhưng tôi có thể nói như vậy vì tôi biết thế nào là sống xa Chúa. Và hôm nay, sau một chặng đường dài, tôi lớn tiếng kêu lên với tất cả các người anh em của tôi rằng: Thiên Chúa hằng sống. Ðức Kitô đã sống lại”.
Ðã có khoảng 6,000 vụ lành bệnh lạ lùng được ghi nhận tại Lộ Ðức, trong số này chỉ có 64 vụ được Giáo Hội công nhận là phép lạ. Nhưng phép lạ cả thể nhất của Lộ Ðức cũng như của những trung tâm Thánh Mẫu khác: chính là phép lạ của lòng tin. Và trong những phép lạ của lòng tin ấy, kỳ diệu hơn cả vẫn là niềm tin, sự chấp nhận, tinh thần lạc quan của chính những người đau khổ. Trong niềm đau tột cùng trong thân xác cũng như tâm hồn, những con người ấy vẫn còn thấy được ý nghĩa của cuộc sống, tình yêu cao cả của Chúa. Ðó chính là phép lạ mà Chúa vẫn tiếp tục thực hiện qua những người có lòng tin. Và đó cũng là phép lạ mà chúng ta không ngừng kêu cầu Chúa thực hiện.
Nhìn lên thập giá Chúa, trong niềm hiệp thông với Mẹ Ngài, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta được tiếp tục tin yêu, được tiếp tục nhìn thấy ánh sáng phục sinh giữa những đêm tối của khổ đau, thử thách. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho không biết bao nhiêu người đang quằn quại trong đau đớn của thể xác, trong cô đơn của tâm hồn. Xin cho họ được nâng đỡ, ủi an và tìm được niềm tin.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư – Tuần 27 – TN2 – Năm Chẵn
Bài đọc: Gal 2:1-2, 7-14; Lk 11:1-4.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nguyên tắc và hành động
– Hành động muốn nhất quán phải theo một nguyên tắc, chứ không tùy hứng lúc nào muốn làm thì làm khi nào không muốn thì không làm. Trong một cộng đòan cũng thế, có một số nguyên tắc và qui luật tất cả mọi người phải giữ thì mới có sự hòa điệu trong cộng đòan. Nếu để mặc ai muốn làm gì thì làm thì cộng đòan sẽ bị xáo trộn và mất trật tự.
– Trong việc giáo dục cũng thế, để việc giáo dục các con trong gia đình có hiệu quả, cha mẹ cần đồng ý với nhau một số qui tắc và triệt để tuân theo. Nếu cha mẹ giáo dục tùy hứng và không đồng nhất, con cái dễ bị lẫn lộn không biết cái gì tốt cái gì xấu, không biết phải theo ai và làm khi nào. Kết quả có thể con cái sẽ sống buông thả mà không cần theo luật lệ.
– Trong Giáo Hội sơ khai cũng có những vấn đề như thế. Bài đọc I trình bày sự cách biệt giữa người Do Thái và Dân Ngọai, một bên là Phaolô bên kia là Phêrô, một số các Tông Đồ, và những người thuộc giới cắt bì. Trong Phúc Âm, khi được yêu cầu dạy cho các môn đệ biết cách cầu nguyện, Chúa đã dạy cho các ông cách cầu nguyện trong Kinh Lạy Cha. Kinh này tóm tắt một số các nguyên tắc quan trọng và cần thiết khi một người cầu nguyện với Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Cần hành động theo qui tắc để bảo vệ sự hiệp nhất trong Giáo Hội.
1.1/ Ý ngay lành của Phaolô: Sự hiệp nhất trong Giáo Hội là một trong những đề tài quan trọng của các Thư Phaolô. Trong trình thuật hôm nay, thánh Phaolô muốn hiệp thông với Giáo Hội tại Jerusalem nên ngài, cùng với Barnaba và Titus, lên đó để trình bày cho Phêrô, người lãnh đạo Gíao Hội, và một số những người có thế giá trong Giáo Hội, về Tin Mừng mà ngài rao giảng cho Dân Ngọai. Mục đích của ngài là để cho có sự thống nhất trong đạo lý để đừng gây ngộ nhận cho các tín hữu mới trở lại theo Chúa.
1.2/ Mỗi người có một sứ vụ khác nhau trong việc rao giảng cùng một Tin Mừng.
– Trong kế họach của Thiên Chúa, Phaolô được Chúa trao sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho những người không cắt bì (Dân Ngọai); trong khi Phêrô được Chúa trao sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho những người cắt bì (Do Thái). Sứ vụ tuy có khác nhau nhưng Đấng đã hoạt động nơi ông Phê-rô, biến ông thành Tông Đồ của những người được cắt bì, cũng đã hoạt động biến Phaolô thành Tông Đồ các Dân Ngoại.
– Phải biết tôn trọng sứ vụ của người khác trong việc rao giảng Tin Mừng: Khi nhận ra ân huệ Thiên Chúa đã ban cho Phaolô, các ông Giacôbê, Phêrô và Gio-an, những người được coi là cột trụ, đã bắt tay Phaolô và Barnaba để tỏ dấu hiệp thông: Phaolô và Barnaba thì lo cho các Dân Ngoại, còn Phêrô, Giacôbê và Gioan thì lo cho những người được cắt bì. Một điều chung tất cả cùng nêu lên là phải nhớ đến những người túng thiếu.
1.3/ Để việc rao giảng Tin Mừng có hiệu quả, những người lãnh đạo phải hành động theo những nguyên tắc nhất định. Một ví dụ cụ thể là sự xung đột tường thuật hôm nay: Theo nguyên tắc: “Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô”(Gl 3:28-28), nhưng hành động của các Tông Đồ và đám đông rất khác nhau:
– Hành động của Phêrô: Ông thường dùng bữa với những người gốc Dân Ngoại trước khi có những người của ông Giacôbê đến; nhưng khi những người này đến, ông lại tránh né và tự tách ra, vì sợ những người được cắt bì.
– Hành động của đám đông: Những người Do-thái khác cũng theo ông mà giả hình giả bộ, khiến cả ông Barnaba cũng bị lôi cuốn mà giả hình như họ.
– Hành động của Phaolô: Khi ông Phêrô đến Antiôchia, Phaolô đã cự lại Phêrô ngay trước mặt, vì ông đã làm điều đáng trách và không đi đúng theo chân lý của Tin Mừng. Phaolô đã sửa sai Phêrô trước mặt mọi người: “Nếu ông là người Do Thái mà còn sống như người Dân Ngoại, chứ không như người Do Thái, thì làm sao ông lại ép người Dân Ngoại phải xử sự như người Do Thái?”
2/ Phúc Âm: Sự quan trọng của cầu nguyện trong Tin Mừng Luca.
2.1/ Không phải ai cũng biết cách cầu nguyện: Theo phong tục của Do Thái, các Rabbi thường dạy cho các môn đệ một kinh đơn giản để họ có thể dùng hằng ngày để cầu nguyện. Gioan Tẩy Giả cũng làm như thế cho các môn đệ của ông. Và hôm nay, một người trong nhóm môn đệ của Chúa Giêsu cũng đến và nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông.” Lý do tại sao phải dạy là vì các môn đệ không biết cách cầu nguyện làm sao cho đúng: cái gì cũng xin, xin những điều hại cho người khác, chỉ biết ích kỷ xin cho mình …
2.2/ Chúa Giêsu dạy cho môn đệ cách cầu nguyện: Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”
Quan sát những lời dạy của Chúa Giêsu, chúng ta nhận thấy có những nguyên tắc sau:
(1) Những gì liên quan tới Thiên Chúa: Trước tiên, lời cầu nguyện được dâng lên Thiên Chúa là Cha chứ không phải bất cứ ai khác; Người luôn yêu thương và quan tâm đến nhu cầu của con cái mình. Tất cả những gì thuộc Thiên Chúa phải được con người quan tâm đến trước những nhu cầu của cá nhân con người: xin làm cho thánh danh Cha vinh hiển chứ không xin làm vinh danh con, xin cho triều đại Cha mau đến chứ không xin cho triều đại của con đến trước Cha. Cầu nguyện nhưng cũng nhận ra bổn phận của người con: làm vinh danh Cha và làm cho triều đại Cha mau đến bằng những công việc và cách sống của mình; để mọi người nhìn thấy và ngợi khen Cha trên trời.
(2) Những gì liên quan tới con người: cả quá khứ, hiện tại, và tương lai.
– Hiện tại: Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy;
– Quá khứ: Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con.
– Tương lai: Và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải hành động theo những nguyên tắc nhất định trong đời sống cá nhân, gia đình, và cộng đòan; để bảo vệ sự hiệp nhất của tập thể. Cần hiểu biết lý do và sự quan trọng của các nguyên tắc trước khi hành động và dạy người khác làm như thế.
– Chúng ta cần phải nhận ra và tôn trọng sứ vụ của mọi người trong kế họach cứu độ của Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************