Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Tư Tuần X Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: 1 V 18, 20-39
“Chớ gì dân này nhìn nhận Chúa là Thiên Chúa và chính Chúa đã hoán cải lòng họ”.
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Vua Acáp sai người triệu tập toàn thể con cái Israel và nhóm họp các tiên tri trên núi Carmel.
Bấy giờ Êlia đến cùng toàn dân và tuyên bố rằng: “Các ngươi đi nước đôi cho đến khi nào? Nếu Chúa là Thiên Chúa, các ngươi hãy theo Người; nếu Baal là thiên chúa, thì hãy theo nó đi!” Dân chúng không thưa lại được lời nào. Êlia nói tiếp: “Chỉ còn tôi là tiên tri duy nhất của Chúa, mà tiên tri của Baal thì có đến bốn trăm năm mươi người. Hãy cho chúng tôi hai con bò đực; họ hãy chọn lấy một con cho họ, xẻ ra từng miếng đặt trên củi, nhưng đừng đốt lửa. Phần tôi, tôi làm thịt con bò kia, xếp trên củi và cũng không châm lửa. Đoạn các ông hãy kêu cầu danh các thần của các ông, còn tôi, tôi sẽ kêu cầu danh Chúa của tôi. Đấng nào đáp lời cho lửa xuống đốt, thì Đấng ấy là Thiên Chúa”. Toàn dân đồng thanh đáp: “Đề nghị hay đấy!”
Vậy Êlia nói với các tiên tri của Baal rằng: “Các ông hãy chọn lấy một con bò và làm thịt trước đi, vì các ông đông hơn, rồi hãy kêu cầu danh thần của các ông, nhưng đừng châm lửa”. Họ liền bắt con bò người ta trao cho mà làm thịt. Họ kêu cầu danh Baal từ sáng đến trưa và nguyện rằng: “Lạy thần Baal, xin nghe lời chúng tôi!” Nhưng chẳng có tiếng đáp, cũng chẳng ai trả lời. Họ nhảy múa chung quanh bàn thờ họ đã dựng lên. Khi trời đã trưa, Êlia chế diễu họ rằng: “Hãy gào thét to hơn, vì Baal là một vị thần. Có khi Người đang là tính công chuyện hoặc đang bận việc, hoặc đi vắng, hay đang ngủ chăng, và sẽ thức dậy”. Họ càng kêu lớn tiếng, lấy gươm giáo rạch mình theo tập tục họ, cho đến khi mình đầy máu me. Khi đã quá trưa, họ còn đọc thần chú đến giờ dâng lễ vật thường lệ, nhưng không có tiếng đáp, cũng chẳng có ai trả lời tỏ dấu lưu tâm đến.
Bấy giờ Êlia nói với toàn dân rằng: “Hãy lại gần tôi”. Toàn dân liền đến gần bên ông. Ông dựng lại bàn thờ Chúa trước kia đã bị phá huỷ. Ông lấy mười hai hòn đá đúng theo số mười hai chi tộc con cái Giacóp, là kẻ đã được nghe lời Chúa phán như sau: “Ngươi sẽ gọi là Israel”. Ông dùng các hòn đá ấy làm bàn thờ kính danh Chúa. Rồi ông đào một cái mương, rộng chừng hai đấu hạt giống, chung quanh bàn thờ; ông xếp củi, xẻ con bò ra từng miếng và đặt trên củi. Đoạn ông nói: “Hãy múc đầy bốn hũ nước và đổ trên của lễ toàn thiêu và củi”. Và họ làm như thế. Ông còn dạy: “Hãy làm như vậy một lần thứ hai”. Khi người ta đã làm như ông dạy, ông lại ra lệnh: “Hãy làm như thế một lần thứ ba”. Và họ làm lần nữa. Nước chảy chung quanh bàn thờ, mương đầy nước.
Khi đã đến giờ dâng của lễ toàn thiêu, tiên tri Êlia tiến ra cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Israel, xin tỏ ra Chúa là Thiên Chúa của Israel và con là tôi tớ của Chúa, và chính vì tuân lệnh Chúa truyền mà con đã làm các việc này. Lạy Chúa, xin nhậm lời con, xin đoái nghe lời con, hầu cho dân này nhìn nhận Chúa là Thiên Chúa và chính Chúa hoán cải lòng họ”. Bấy giờ lửa Chúa giáng xuống thiêu đốt của lễ toàn thiêu, củi, đá và cả bụi đất, đồng thời cũng hút hết nước trong mương. Trông thấy thế, toàn dân kinh hãi sấp mặt xuống đất mà nói rằng: “Chúa là Thiên Chúa! Chúa là Thiên Chúa!”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 15, 1-2a. 4. 5 và 8. 11
Đáp: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa (c. 1).
Xướng:
1) Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa, con thưa cùng Chúa: Ngài là chúa tể con. – Đáp.
2) Thiên hạ tăng thêm nhiều nỗi đau thương của họ, họ là những kẻ chạy theo các thần tượng ngoại lai. Con sẽ không dâng lễ quán bằng máu của chúng, cũng không đọc tên chúng trên môi. – Đáp.
3) Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Người nắm giữ vận mạng của con. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng. – Đáp.
4) Chúa sẽ chỉ cho con đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời! – Đáp.
ALLELUIA: Tv 24, 4c và 5a
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 5, 17-19
“Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tưởng Thầy đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Thầy bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
08/06/2022 – THỨ TƯ TUẦN 10 TN
Mt 5,17-19
“PHÁ HỦY SÁNG TẠO”
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5,17)
Suy niệm: “Phá huỷ sáng tạo,” một khái niệm mới lạ xuất hiện vào thập niên 1930 do Nhà kinh tế học nổi tiếng Schumpeter, diễn tả việc hủy bỏ cái cũ để cho ra đời cái mới tối tân, hữu hiệu hơn. Từ đó đến nay, khái niệm này đã đúng trên nhiều mặt của cuộc sống, nhất là về các mảng kỹ thuật số, máy tính, điện thoại,… thế hệ cũ đã được thay thế bằng các loại đời mới. Luật là một mảng của cuộc sống, thường xuyên cần được điều chỉnh cho phù hợp. Chúa Giê-su tôn trọng những điều trọng yếu trong lề luật, nhưng Ngài “kiện toàn” cho đúng ý Thiên Chúa, chứ không “phá huỷ”. “Phá huỷ” nếu có thì đó là ‘phá hủy sáng tạo’ để đưa con người đạt đến tự do, trưởng thành hơn trong luật của tình yêu, chứ không phải là nô lệ cưỡng bách. Ý nghĩa của “kiện toàn lề luật” là ở chỗ: giữ luật không chỉ bên ngoài, nhưng phát xuất từ trái tim, đi đến cốt lõi là thật sự mến Chúa và tha nhân thôi.
Mời Bạn: Luật của Chúa hôm qua và hôm nay vẫn là một. Nhưng tinh thần giữ luật nơi con người thời đại lại khác. Bạn đang sống luật Chúa với một tinh thần nào? Yêu mến và tự do như Chúa Giê-su hay vẫn nệ luật như người Do Thái? Đời sống cầu nguyện, thực thi Tin mừng có làm bạn thêm hạnh phúc, tự do hơn hay khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, nặng nề?
Sống Lời Chúa: Tuân giữ giới răn của Chúa với lòng tự nguyện và yêu mến.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con yêu luật Chúa truyền. Xin cũng giúp con giữ luật ấy trong tinh thần yêu mến, chứ không phải nệ luật, vì nệ luật là bóp nghẹt chính lề luật. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy Niệm
Đã có thời người ta nghĩ rằng theo Công giáo là bất hiếu,
vì phải từ bỏ việc cúng giỗ cha mẹ tổ tiên.
Nếu người chết cũng có nhu cầu ăn uống tiêu dùng như người sống,
thì hiếu thảo đòi phải lo cho người đã khuất được đầy đủ, ấm no.
Nhiều người không dám theo đạo,
vì sợ theo đạo thì không được cúng giỗ tổ tiên, phải bỏ ông bà.
Vào thời thánh Mátthêu, một số người Do Thái cũng có nỗi sợ tương tự.
Họ tin vào Đức Giêsu và muốn trở thành môn đệ của Ngài,
nhưng họ lại sợ làm thế là bỏ đạo của cha ông, bỏ Do Thái giáo.
Họ sợ giáo huấn mới mẻ của Đức Giêsu làm họ bỏ Luật Môsê,
và không còn thuộc về dân Thiên Chúa nữa.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu khẳng định:
“Đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hay lời các Ngôn sứ.
Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (c. 17).
Luật Môsê thật ra là Luật của Thiên Chúa trao qua trung gian ông Môsê.
Môsê đã làm nhiệm vụ trao lại cho dân Do Thái và giải thích Luật ấy.
Người Do Thái từ bao đời đã giữ Luật theo lời giải thích của Môsê.
Bây giờ có một Đấng mới xuất hiện, là Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa.
Ngài biết rõ ý định của Thiên Chúa mà Ngài âu yếm gọi là Cha.
Đức Giêsu không gạt bỏ Luật của Thiên Chúa được trao cho Môsê.
Nhưng Ngài sẽ giải thích lại Luật ấy cho đúng với ý Thiên Chúa,
vì chẳng ai biết rõ ý Cha bằng Con.
Trong Bài Giảng trên núi mà ta sắp nghe trong những ngày tới,
ta sẽ thấy Đức Giêsu giải thích lại Luật Môsê như thế nào.
Hành vi đó được gọi là kiện toàn hay hoàn chỉnh.
Một giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ đã được mở ra với Đức Giêsu.
Giai đoạn chung cục này vừa liên tục, vừa vượt quá giai đoạn cũ.
Đức Giêsu mời chúng ta tuân giữ nghiêm túc Luật Thiên Chúa đã ban,
nhưng theo cách giải thích mới mẻ, hoàn chỉnh và có thẩm quyền của Ngài.
Muốn trở nên hoàn thiện, muốn đón nhận Nước Trời do Ngài khai mở,
cần sống Luật Tôra đã được Ngài giải thích lại.
Người Kitô hữu gốc Do Thái khi theo Đức Giêsu thì chẳng sợ mình bỏ đạo,
bỏ Lề Luật, bỏ các Ngôn sứ hay truyền thống của cha ông
Giáo huấn của Đức Giêsu đã chứa đựng cốt lõi tinh túy của Luật ấy rồi.
Làm thế nào để các Kitô hữu Á Châu cảm thấy đức tin của mình
không tạo ra sự xung đột hay đoạn tuyệt
với những giá trị của nền văn hóa mình đã lãnh nhận và đã sống?
Làm sao để mình sống viên mãn là một Kitô hữu, một người Công Giáo Rôma,
mà vẫn chẳng mất căn tính là người Việt Nam hay người Châu Á?
Chỉ cần một điều kiện, đó là thấy Kitô giáo không phá bỏ, nhưng kiện toàn
tất cả mọi giá trị cao quý có trong các nền văn hóa và tôn giáo khác.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa,
Chúa đã muốn trở nên con của loài người,
con của trái đất, con của một dân tộc.
Chúa vẫn yêu mến dân tộc của Chúa
dù họ từ khước Tin Mừng
và đóng đinh Chúa vào thập giá.
Xin cho chúng con biết yêu mến quê hương,
một quê hương còn nghèo nàn lạc hậu
sau những năm dài chiến tranh,
một quê hương đang mở ra trước thế giới
nhưng lại muốn giữ gìn bản sắc dân tộc
và bảo vệ nền đạo lý của cha ông.
Xin cho chúng con đừng nhắm mắt ngủ yên
trong sự an toàn và tiện nghi vật chất,
nhưng biết trăn trở trước nỗi khổ đau,
và làm một điều gì đó thật cụ thể
cho những đồng bào quanh chúng con.
Ước gì chúng con biết phục vụ đất nước
bằng khối óc, quả tim và đôi tay.
Và ước gì chúng con biết khiêm tốn
cộng tác với muôn người thiện chí.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
8 THÁNG SÁU
Một Cộng Đồng Nhân Vị
Bản văn Sáng Thế 2,24 được kết hợp với lời chúc phúc được ghi lại trong Sáng Thế 1,28: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất”. Chúng ta nhận ra rằng hôn nhân và gia đình – vốn là một phần của mầu nhiệm sáng tạo con người – được nối kết bởi mệnh lệnh “thống trị” mặt đất. Mệnh lệnh này được Đấng Tạo Hóa ủy thác cho đôi vợ chồng đầu tiên.
Con người được kêu gọi thống trị mặt đất, nhưng con người phải cẩn thận. Con người được kêu gọi để thống trị mặt đất chứ không phải để hủy diệt nó; vì công trình sáng tạo là một quà tặng của Thiên Chúa và xứng đáng được chúng ta tôn trọng. Người nam và người nữ được mời gọi để thống trị mặt đất cùng với nhau. Và mối kết hợp này là gốc rễ phát sinh gia đình và xã hội.
Con người là hình ảnh của Thiên Chúa không chỉ vì con người là nam và là nữ – nhưng còn vì mối quan hệ hỗ tương của phái tính. Mối quan hệ ấy làm nên linh hồn và trái tim của “cộng đồng nhân vị”. Nó trở thành một thực tại qua Bí Tích Hôn Nhân và mang dáng dấp của sự hiệp nhất ba ngôi vị thần linh nơi Chúa Ba Ngôi.
Về chủ đề này, Công Đồng Vatican II tuyên bố: “Thiên Chúa đã không dựng nên con người cô độc – bởi vì từ khởi thủy, ‘Ngài đã tạo dựng có nam có nữ’ (St 1,27); sự liên kết giữa họ đã tạo nên một thứ cộng đoàn đầu tiên giữa người với người. Thực vậy, tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính; và nếu không liên lạc với những người khác, con người sẽ không thể sống và thể hiện các khả năng của mình” (MV 12).
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 08/6
1V 18, 20-39; Mt 5, 17-19.
LỜI SUY NIỆM: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến, không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.”
Khi các môn đệ của Chúa Giêsu chứng kiến những việc làm của Người và những giáo huấn Người dạy cho dân chúng, trước sự chống đối của nhóm người Pharisêu và các kinh sư; đã làm cho các ông hoang mang. Chúa Giêsu nhận ra điều đó, nên Người nói: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến, không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” Điều này trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cho chúng ta biết được: “Luật cũ là một sự chuẩn bị nào đó cho Luật Tin Mừng. Luật mới kiện toàn các mênh lệnh của luật cũ bằng sự biến đổi tận gốc rễ của các hành vi, là trái tim. Luật mới là luật của tình yêu, luật của ân sủng, luật của sự tự do.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho tất cả chúng con sống với luật yêu thương bằng chính con tim của chúng con; với ân sủng của Chúa Thánh Thần.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
08 Tháng Sáu
Mẹ Chúng Ta
Một ngày kia, thánh Gioan Bosco rao giảng về vinh quang của Mẹ Maria tại nhà thờ chính tòa Torino. Giữa lúc đang thao thao bất tuyệt, ngài bỗng dừng lại thinh lặng một hồi lâu rồi đặt câu hỏi với cử tọa như sau: “Ai trong anh chị em có thể nói cho tôi biết Ðức Mẹ là ai?”
Thánh nhân phải lập lại câu hỏi đó đến ba lần mới nghe được một tiếng trả lời yếu ớt từ phía cuối nhà thờ như sau: “Thưa Cha, Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa”. Thánh Gioan Bosco gật đầu nói tiếp: “Ðúng thế, Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng nói thế vẫn chưa đủ. Tôi muốn anh chị em kể hết những tước hiệu của Mẹ Maria”. Liền sau đó, cử tọa liền kể ra tất cả những tước hiệu của Mẹ: Mẹ là cửa Thiên Ðàng, Mẹ là Ðấng an ủi những kẻ có tội, Mẹ là Ðấng phù trợ các tín hữu, Mẹ là Ðấng cứu chữa kẻ bệnh tật v.v…
Sau khi nghe kể hết những tước hiệu mà người ta gán cho Ðức Maria, thánh Gioan Bosco mỉm cười nóitiếp: “Ðức Maria là tất cả những gì anh chị em vừa kể ra, nhưng vẫn chưa hết. Tôi muốn noid thêm về Ðức maria…”.
Chờ mãi vẫn không thấy có câu trả lời nào, thánh nhân mới nói: “Tôi xin được nói với anh chị em Ðức Maria là ai: Ngài là Mẹ chúng ta. Phải, Mẹ chúng ta. Ðó là điều đáng nói nhất về Mẹ Maria. Trên trần gian này, không ai có thể gần gũi thiết thân với chúng ta cho bằng Mẹ chúng ta, không ai yêu thương chúng ta hơn Mẹ chúng ta. Cũng thế trên Thiên Ðàng không có vị thánh nào yêu thương chúng ta và sẵn sàng lắng nghe chúng ta cho bằng Mẹ Maria…”.
Chính lúc Ðức Maria đứng câm lặng dưới chân thập giá, mà Chúa Giêsu đã long trọng trối phó Ngài cho thánh Gioan và đồng thời cũng trao phó thánh Gioan cho Mẹ.
Sự sinh nở nào cũng diễn ra trong đớn đau. Chính trong niềm đau tột cùng của những giây phút đứng kề bên thập giá Chúa Giêsu mà Ðức Maria mới sinh hạ chúng ta, đã trở thành Mẹ của chúng ta. Thánh Gioan cũng tiếp nhận Mẹ trong niềm hiệp thông sâu xa vào thập giá của Chúa Giêsu.
Thập giá là nguồn ơn cứu rỗi, nhưng mãi mãi vẫn là biểu trưng của tội ác. Sự độc ác tột cùng mà người Do Thái và La Mã ngày xưa đã trút xuống trên Chúa Giêsu qua thập hình, ngày nay vẫn còn được con người tiếp diễn dưới muôn hình thức khác. Tựu trung khi con người chối bỏ chính mình, khi con người trà đạp người khác, thì đó là lúc con người dựng thêm những thập giá mới.
Thập giá vẫn luôn có mặt trong cuộc sống con người như một nhắc nhở về tội ác của mình. Kết hiệp với Chúa Giêsu trong cuộc tử nạn của Ngài chính là cố gắng chiến đấu chống lại tội lỗi.
Sứ điệp của Ðức Maria trong tất cả những lần hiện ra đều có chung một nội dung: đó là kêu gọi loài người ăn năn sám hối, cải thiện cuộc sống. Cũng như ngày xưa, đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu, Mẹ đã câm lặng nuốt từng nỗi đớn đau, ngày nay khi nhìn thảm cảnh của những người con cái đang chối bỏ lẫn nhau, đang chém giết nhau, đang đóng đinh nhau, Mẹ cũng bày tỏ một niềm đau.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư – Tuần 10 – TN2 – Năm Chẵn
Bài đọc: 1 Kgs 18:20-39; Mt 5:17-19.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Biết phân biệt những gì thuộc Thiên Chúa hay thuộc con người.
Sống trong cuộc đời vàng thau lẫn lộn, sự thật trộn với sự sai lầm, người tín hữu cần Chúa Thánh Thần để nhận ra sự thật từ biết bao sự sai lầm trong thế gian.
Các bài đọc hôm nay nêu bật một số nguyên tắc giúp người tín hữu nhận ra sự thật. Trong bài đọc I, ngôn sứ Elijah bày ra cuộc thi đấu giữa ông và tất cả nhà vua, 450 ngôn sứ của Baal, và toàn thể nhà Israel. Mục đích của ngôn sứ là để cho tất cả nhận ra đâu là Thiên Chúa đích thực để thờ phượng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu muốn các môn đệ phân biệt Luật của Thiên Chúa và luật của con người. Luật của Thiên Chúa thì bất biến trong khi luật của con người có thể thay đổi và bị hủy diệt.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Nếu Đức Chúa là Thiên Chúa, các ngươi hãy từ bỏ thần Baal và thờ phượng Người.
1.1/ Vua chúa và hầu hết con cái Israel chạy theo thần Baal: Con người rất dễ quên và hay thay đổi. Dưới thời vua Ahab, nhà vua và hầu hết dân chúng đã chạy theo thần Baal của người Sidon và Canaan. Họ hầu như quên hẳn những gì Thiên Chúa đã làm cho tổ tiên của họ. Một số những lý do làm cho con người quay lưng với sự thật:
(1) Sự thật mất lòng: Thiên Chúa đòi con người phải đi con đường hẹp, nhưng con người lại thích đường rộng rãi thênh thang và cuộc sống dễ dãi. Đa số những người vô thần không phải họ không biết có Thiên Chúa, nhưng họ sợ nếu tin họ phải giữ các giới răn của Thiên Chúa, hay ít nhất họ sẽ phải cắn rứt lương tâm khi làm điều sai trái; vì thế, họ từ chối luôn Chúa để dễ dàng phạm tội. Đã không tin Thiên Chúa thì chớ, nhiều khi họ còn khó chịu khi thấy người khác biểu tỏ niềm tin vì làm cho lương tâm của họ bị cắn rứt; nên họ nhân danh tự do để đòi chính phủ phải cấm luôn những biểu lộ này. Thật vô lý khi họ được tự do để sống vô thần nhưng lại bắt các người khác không được sống hữu thần!
(2) Lý do chính trị: Vua Israel, sau khi đất nước bị chia đôi, không muốn dân của mình xuống Jerusalem tham dự các lễ nghi, vì sợ họ nếu cứ xuống đó, sẽ theo vua Judah thì sẽ mất dân; nên nhà vua đã cho làm hai tượng bò vàng bắt dân thờ: một tượng đặt ở Bethel giữa biên giới của hai vương quốc Israel và Judah, tượng kia đặt ở Dan giữa biên giới của Israel với Syria.
(3) Lợi nhuận và hưởng thụ vật chất: Quỉ thần và thế gian biết chiếc mồi hiệu nghiệm nhất cho con người là tiền của. Với sức mạnh của đồng tiền cám dỗ, ít người có thể thắng nổi.
(4) Chiều theo ý của người khác: Nhiều người biết sự thật nhưng không có can đảm để sống theo sự thật. Vua Ahab chiều theo ý của bà hoàng Jezebel vì sợ phật lòng mỹ nhân. Một số con cái chiều theo ý của cha mẹ không dám theo đạo hay đi tu vì sợ mang tội bất hiếu.
1.2/ Cuộc thi đấu giữa ngôn sứ Elijah và 450 ngôn sứ của Baal
(1) Đề nghị của ngôn sứ Elijah: Để chứng tỏ đâu là Thiên Chúa thật, ngôn sứ Elijah đề nghị cách thức giải quyết bằng cách mỗi bên lập đền thờ của mình, sát tế bò làm của lễ nhưng không đốt lửa, rồi kêu cầu với Thiên Chúa của mình. Thần nào cho lửa thiêu xuống đốt của lễ, đó là thần thật mà mọi người phải thờ phượng. Đây là:
+ Một đề nghị can đảm: Chỉ một mình ngôn sứ Elijah chống lại vua Ahab, 450 ngôn sứ của Baal, và tất cả con cái Israel, để làm chứng cho sự thật. Elijah mời gọi tất cả phải xét lại niềm tin vô lý của họ: “Các ngươi nhảy khập khiễng hai chân cho tới bao giờ? Nếu Đức Chúa là Thiên Chúa, hãy theo Người; còn nếu là Baal thì cứ theo nó!”
+ Một đề nghị rất táo bạo: nhưng nói lên niềm tin vững mạnh của ngôn sứ Elijah vào Thiên Chúa. Nếu kết quả không như nguyện ước, ngôn sứ sẽ mất mạng vào tay vua Ahab và các ngôn sứ của Baal.
+ Một đề nghị rất hữu hiệu: Chẳng gì hữu hiệu cho bằng mắt thấy tai nghe. Đề nghị này chẳng những giúp con cái Israel nhận ra uy quyền của Thiên Chúa, mà còn thấy sự vô hiệu của việc thờ các thần khác.
1.3/ Kết quả cuộc thi đấu
(1) Cố gắng của 450 ngôn sứ của Baal: Họ kêu cầu danh thần Baal từ sáng tới trưa: “Lạy thần Baal, xin đáp lời chúng tôi!” Nhưng không một tiếng nói, không một ai trả lời, và họ nhảy khập khiễng bên cạnh bàn thờ họ đã dựng. Theo thói tục của họ, họ dùng gươm, giáo rạch mình đến chảy máu. Quá trưa rồi mà họ vẫn tiếp tục nói liên miên cho tới giờ dâng lễ; nhưng vẫn không một tiếng nói, không ai trả lời, không người để ý. Trả lời sao được khi Baal chỉ là sản phẩm tưởng tượng do con người làm ra!
(2) Elijah chứng tỏ quyền năng của Thiên Chúa: Đến giờ dâng lễ, ngôn sứ Elijah tiến ra và nói: “Lạy Đức Chúa, Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Israel! Ước chi hôm nay người ta biết rằng trong Israel Ngài là Thiên Chúa và con là tôi tớ Ngài. Cũng vì lời Ngài phán mà con đã làm tất cả các việc này. Xin đáp lời con, lạy Đức Chúa, xin đáp lời con, để dân này nhận biết Ngài là Đức Chúa, Thiên Chúa thật, và Ngài đã khiến họ thay lòng đổi dạ.” Bấy giờ lửa của Đức Chúa ập xuống, thiêu rụi của lễ, củi, đá và bụi, cả nước trong mương cũng hút cạn luôn. Toàn dân thấy vậy, liền phủ phục sát đất và nói: “Đức Chúa quả là Thiên Chúa! Đức Chúa quả là Thiên Chúa!”
2/ Phúc Âm: Ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.
Tất cả Luật và Lời Thiên Chúa phán ra đều tốt lành và muôn đời không đổi vì phát xuất từ Thiên Chúa và có khả năng giúp con người sống tốt lành; nhưng vấn đề là ở phía con người. Chúa Giêsu xác quyết: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Moses hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.” Một số những lý do làm con người hiểu sai Luật của Thiên Chúa:
(1) Không hiểu nguyên tắc của Lề Luật và phiên dịch Luật theo ý mình: Ví dụ: Luật ngày Sabbath. Nguyên tắc là để con người nghỉ ngơi và thờ phượng Chúa; chứ không phải để tranh luận trong những vấn đề liên quan đến sự sống như: có nên chữa bệnh nhân trong ngày Sabbath, có nên bứt bông lúa để ăn cho khỏi đói, vì đó thuộc lãnh vực bảo vệ sự sống.
(2) Tạo thêm nhiều Luật khác: Những nhà làm luật của Do-thái tạo thêm 615 luật từ những Luật Chúa ban cho Moses, ấy là chưa kể những luật bất thành văn (truyền khẩu) vì vô tình hay vì lợi nhuận (định nghĩa thế nào là của lễ thanh sạch). Những luật do con người làm ra có thể thay đổi hay hủy bỏ.
Khi Chúa tranh luận những việc liên quan đến Luật, Chúa muốn con người nhận ra đâu là Luật của Thiên Chúa và đâu là luật của con người. Các kinh sư tranh luận với Chúa muốn đánh lừa mọi người để kết tội Chúa như người phá bỏ Luật của Thiên Chúa. Ngài cũng muốn cho họ nhận ra nguyên lý đứng đang sau là tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, chứ không giữ cách vụ luật.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chân lý không bao giờ lệ thuộc vào số đông người vì số đông có khuynh hướng tương đối hóa chân lý theo sở thích. “Gió chiều nào che chiều đó” sẽ không bao giờ dẫn con người tới đích điểm.
– Chúng ta đừng dễ dàng chạy theo sở thích của đám đông, nhưng phải bảo vệ những gì chân thật và tốt lành. Chúng ta phải sống làm sao để đạt mục đích cuộc đời chứ không theo những đòi hỏi của thế gian và xác thịt.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************