Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Tư tuần 5 Phục Sinh – Năm A
BÀI ĐỌC I: Cv 15, 1-6
“Người ta quyết định là các ngài lên Giêrusalem xin các Tông đồ và niên trưởng giải quyết vấn đề này”.
Bài trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, có mấy người từ Giuđê đến dạy bảo các anh em rằng: “Nếu anh em không chịu cắt bì theo luật Môsê, thì không được cứu độ”. Do đó, Phaolô và Barnaba đã tranh luận gắt gao với họ. Bấy giờ người ta quyết định là Phaolô và Barnaba và một ít người khác thuộc phe họ lên Giêrusalem gặp các Tông đồ và niên trưởng để xin giải quyết vấn đề này.
Các ngài được giáo đoàn tiễn đưa, và khi đi ngang qua Phênixê và Samaria, các ngài kể lại việc dân ngoại trở lại khiến mọi anh em đầy hân hoan. Khi đến Giêrusalem, các ngài được giáo đoàn, các Tông đồ và kỳ lão đón tiếp, rồi các ngài kể lại bao nhiêu việc Thiên Chúa đã thực hiện với các ngài. Nhưng có mấy người tín hữu thuộc nhóm biệt phái đứng lên nói rằng: “Phải cắt bì cho những người dân ngoại và bắt họ cũng phải giữ luật Môsê”. Các Tông đồ và các kỳ lão họp lại cứu xét việc này.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5
Đáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa” (c. 1).
1) Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”. Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi.
2) Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên.
3) Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Đavít.
ALLELUIA: Ga 16, 28
All. All. – Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian; bây giờ Thầy lại bỏ thế gian mà về cùng Cha. – All.
PHÚC ÂM: Ga 15, 1-8
“Ai ở trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.
“Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi.
“Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin, và sẽ được. Đây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy”.
Đó là lời Chúa.
(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)
++++++++++++++++++
10/05/2023 – THỨ TƯ TUẦN 5 PS
Th. Gio-an A-vi-la, linh mục, tiến sĩ HT
Ga 15,1-8
NHƯ CÀNH LIỀN CÂY
“Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho… Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15,4-5)
Suy niệm: Những người thân khi phải xa nhau thường trao nhau kỷ vật và nhắc nhở nhau đừng xa mặt cách lòng. Ở đây, càng hơn thế, trong Bữa Tiệc chia tay, Chúa Giê-su lập Bí Tích Thánh Thể để trao ban chính mình Ngài. Ngài không kỳ vọng ta nhớ Ngài như một hoài niệm. Ngài cũng không hiện diện để ta chỉ sống bên cạnh Ngài. Chúa Giê-su dùng hình ảnh cây nho-cành nho để nói lên bản chất mối quan hệ giữa Ngài và các môn đệ. Ngài tha thiết mời gọi đến độ như năn nỉ các môn đệ ở lại với Ngài như cành nho gắn liền với cây nho.
Mời Bạn: Hãy nhìn một cây bất kỳ nào đó với những cành của nó và cảm nghiệm mối liên hệ sự sống của bạn đối với Chúa Giê-su: – Điều gì sẽ xảy ra nếu cành bị cắt lìa cây, hay nếu vì lý do nào đó, mạch nhựa sống giữa cây và cành bị tắc nghẽn? – Rồi đến trường hợp cành vẫn gắn liền với thân cây, nhưng chỉ xum xuê tán lá chứ không sai quả, cần được cắt tỉa để có thể sinh nhiều hoa trái – những hy sinh, khổ chế trong cuộc đời bạn cũng có mục đích như thế.
Sống Lời Chúa: 1/ Sắp xếp chương trình sống để tham dự Thánh Lễ và rước lễ cách thường xuyên và ý thức hơn. 2/ Làm việc hy sinh là những sự cắt tỉa tự nguyện để lớn lên đúng căn tính của một môn đệ Chúa Giê-su hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dạy con biết ở lại với Chúa như cành liền cây – và xin dạy con biết chấp nhận những hy sinh khổ chế cần thiết để lớn lên và trổ sinh hoa trái dồi dào. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy Niệm
Cây nho là một cây quen thuộc trên đất Palestin.
Người ta trồng nho để ăn trái hay làm rượu.
Đức Giêsu đã từng thấy những cây nho với những cành nho trĩu quả.
Ngài muốn dùng hình ảnh này để nói lên tương quan giữa Ngài với môn đệ.
“Thầy là cây nho, anh em là cành” (c. 5).
Cành sống được, sinh trái được, là nhờ còn gắn liền với cây.
Dòng nhựa nguyên từ cây sẽ nuôi sống cành.
Như cành không tự mình sinh trái được (c. 4),
người môn đệ cũng chẳng làm gì được nếu không gắn bó với Thầy (c. 5).
Có một lối nói đặc biệt để diễn tả sự gắn bó này: ở lại trong.
Cụm từ này được nhắc lại sáu lần như một điệp khúc (cc. 4-7).
“Anh em hãy ở lại trong Thầy”: một lời kêu mời tha thiết của trái tim.
Thầy Giêsu như xin các môn đệ đừng quay lưng trước tình yêu,
vì tình yêu cần được đáp trả mới nên trọn vẹn.
“Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (c. 4).
Cành nho không có tự do để chọn ở lại hay không ở lại.
Chỉ con người mới có thể tự nguyện ở lại hay cố tình từ chối.
Nhưng ở lại trong Thầy cũng có nhiều cấp độ.
Chắc chúng ta đã ở lại trong Chúa Giêsu phục sinh đến một mức nào đó.
Và cây đời của chúng ta đã sinh hoa trái ít nhiều.
Nhưng chúng ta vẫn cần ở lại hơn để có trái nhiều hơn.
Càng ở lại sâu, càng có trái nhiều, trái ngon, trái tồn tại mãi (cc. 5.8.16).
Trái tỷ lệ thuận với việc chúng ta ở lại trong Chúa.
Nét đặc sắc làm nên đời người Kitô hữu chính là chuyện của cây và cành.
Cây và cành cùng sẻ chia một dòng nhựa sống.
Kitô hữu không chỉ sống với Giêsu, sống như Giêsu, sống cho Giêsu,
mà còn sống trong Giêsu, sống sự sống của Chúa Giêsu phục sinh.
Chưa sống trong Giêsu, chưa thực sự là Kitô hữu.
Chúng ta cũng không quên vai trò của Thiên Chúa Cha người trồng nho.
Cây nho Giêsu được Cha vun trồng chăm bón.
Các cành nho không sinh trái thì bị Cha chặt đi.
Các cành đã sinh trái thì được Cha cắt tỉa để sinh trái hơn (c. 2).
Cha cắt tỉa không vì độc ác, nhưng vì yêu, vì muốn điều tốt hơn cho cành nho.
Chữ hơn giúp chúng ta hiểu được những cắt tỉa đau đớn trong đời mình.
Có thể nói chính Đức Giêsu cũng đã được Cha cắt tỉa
qua khổ đau, nhục nhã và cái chết kinh hoàng.
Không phải vì Ngài chưa thanh sạch, nhưng để Ngài giống và gần ta hơn.
“Điều làm Cha được tôn vinh là anh em sinh trái nhiều” (c. 8).
Vinh quang của Cha không nghịch với sự triển nở thật sự của con người.
Sự èo uột, cằn cỗi của chúng ta mới là nỗi nhục cho Thiên Chúa.
Hãy sinh trái nhiều nhờ chấp nhận những cắt tỉa của Cha qua lời của Giêsu.
Cầu Nguyện
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần có Chúa hiện diện
để con khỏi quên Chúa.
Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con yếu đuối,
con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ.
Không có Chúa,
con đâu còn nồng nhiệt hăng say.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn,
cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến.
Con cần được thêm sức mạnh
để khỏi ngừng lại dọc đường.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời.
Con không dám xin những ơn siêu phàm,
chỉ xin ơn được Ngài hiện diện.
Xin ở lại với con
vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa
và không đòi phần thưởng nào khác
ngoài việc được yêu Chúa hơn.
(Cha Piô)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
10 THÁNG NĂM
Cơn Đau Sinh Nở Giáo Hội
Trong Mùa Phục Sinh, phụng vụ qui hướng đặc biệt về Sách Công Vụ Tông Đồ. Chúng ta dõi bước theo cuộc hành trình tông đồ của Phao-lô và Barnaba đến nhiều thành phố khác nhau trên khắp đế quốc Rô-ma – ở những nơi đó, Tin Mừng lần đầu tiên được công bố và Giáo Hội được khai sinh.
Sự phát triển từng bước ấy của Tin Mừng và của Giáo Hội chính là hoa trái của mầu nhiệm Vượt Qua đã diễn ra tại Giê-ru-sa-lem. Tất cả những sự kiện ấy – đều có mối gắn kết với căn gác thượng ngày nào – đã tiếp tục cùng một công cuộc cứu độ của Đức Kitô. Chúng ta nhìn thấy công cuộc cứu độ của Đức Kitô được xúc tiến xuyên qua hoạt động rao giảng Tin Mừng và xuyên qua đời sống Giáo Hội như được ghi lại trong Sách Công Vụ Tông Đồ.
Tất cả đã trở thành có thể – duy chỉ nhờ quyền năng của Đức Kitô Khổ Nạn và Phục Sinh và nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đấng được Người gửi đến. Các Tông Đồ nhắc chúng ta rằng chúng ta phải trải qua nhiều thử thách trước khi có thể bước vào triều đại của Thiên Chúa (Cv 14, 22). Đó là con đường mà Đức Kitô dã giới thiệu cho mọi Kitôhữu. Giáo Hội đang được khai sinh trong tâm hồn những con người môn đệ, trong những cộng đoàn mới, trong mọi nơi chốn mà Thánh Thần Chúa tác động. Giáo Hội đang được khai sinh và đơm hoa kết trái nhờ ở mầu nhiệm Vượt Qua vĩ đại là cái chết và cuộc phục sinh của Chúa. Giáo Hội vẫn được khai sinh như thế qua hàng bao thế kỷ. Và hôm nay, sau ngót hai ngàn năm, chúng ta vẫn gắn kết với di sản cuộc khai sinh mang tính cứu độ ấy của Giáo Hội.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 10/5
Thánh Gioan Avila, linh mục
Tiến sĩ Hội Thánh
Cv 15, 1-6; Ga 15, 1-8.
Lời Suy niệm: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được.”
Chúa Gêsu đang mời gọi mỗi người chúng ta phải biết sống đời sống hiệp thông với Chúa với Giáo hội của Chúa, chính nhờ sự hiệp thông này chúng ta mới sinh được nhiều hoa trái tốt lành, nếu chúng ta không sống với sự hiệp thông này thì đời của chúng ta sẽ phải khô héo. Người ta nhặt lấy quăng vào lửa cho nó cháy đi.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Cây Nho chúng con là cành. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn được hiệp thông với Chúa với Giáo Hội của Chúa để chúng con được sống và sinh nhiều hoa trái cho mình và cho mọi người chung quanh chúng con. Amen.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
10 Tháng Năm
Bàn Tay Phải Của Chúa Giêsu
Có rất nhiều giai thoại kể về những tượng thánh giá cổ xưa… Tại một nhà thờ bên Tây Ban Nha, có một tượng thánh giá cổ rất đặc biệt. Cánh tay trái của Chúa Giêsu vẫn còn đóng vào gỗ giá, nhưng cánh tay mặt thì rời ra và đưa đến phía trước trong tư thế ban phép lành.
Người Tây Ban Nha kể về nguồn gốc của tượng thánh giá này như sau: Một hôm có một tội nhân đến xưng tội với vị linh mục chính xứ ngay dưới cây thánh giá này. Như thường lệ, mỗi khi giải tội cho một tội nhân có quá nhiều tội nặng, vị linh mục này tthường tỏ ra rất nghiêm khắc. Ngài ra việc đền tội nặng cũng như ngăm đe nhiều điều.
Tội nhân ra về, lòng cảm thấy nhẹ nhàng. Nhưng tính nào tật ấy, không bao lâu, người đó sa ngã lại. Lần này, sau khi anh xưng thú tội lỗi, vị linh mục lại đe dọa như sau: “Ðây là lần cuối cùng tôi giải tội cho ông”.
Nhiều tháng trôi qua, tội nhân lại đến quỳ dưới chân linh mục cũng bên dưới cây thánh giá và lại xin ơn tha thứ một lần nữa. Nhưng lần này, vị linh mục đã dứt khoát. Ngài trả lời: “Ông đừng có đùa với Chúa. Tôi không thể ban phép giải tội cho ông nữa”.
Nhưng lạ lùng thay, khi vị linh mục vừa khước từ tội nhân, thì ông bỗng nghe một tiếng thì thầm từ bên thánh giá. Bàn tay phải của Chúa Giêsu bỗng được rút ra khỏi thánh giá và ban phép lành cho hối nhân. Và vị linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy như sau: “Chính ta là người đã đổ máu ra cho người này, chứ không phải ngươi”.
Từ đó, bàn tay phải của Chúa Giêsu cứ ở mãi trong tư thế ấy, như không ngừng mời gọi con người đến để ban ơn tha thứ…
Kinh Thánh thuật lại rằng trong cuộc hành trình tiến về đất hứa, khi đi qua giữa sa mạc, dân Israel đã bị rắn cắn. Môi sen đã sai đúc một con rắn đồng và treo lên một ngọn cây để tất cả những ai bị rắn cắn, nhìn vào con rắn đồng ấy đều được chữa lành…
Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta nhìn lên thập giá của Ngài.
Nhìn lên thập giá của Ngài để thấy được án phạt của tội lỗi.
Nhìn lên thập giá để thấy được tình yêu bao la của Chúa.
Phải, bên kia sự độc ác của tội lỗi, Chúa Giêsu chỉ muốn chúng ta nhìn thấy được tình yêu của Thiên Chúa: một tình yêu không ngừng tha thứ, một tình yêu vượt lên trên mọi tư tưởng, mọi tiêu chuẩn phán đoán, mọi khát vọng của chúng ta.
Nhìn lên thập giá Chúa không phải để thất vọng vì gánh nặng của tội lỗi, mà trái lại để cảm mến được hồng ân bao la của Chúa, để cho tâm hồn được phấn khởi, tin yêu hơn…
Nhìn lên thập giá Chúa để cảm mến được ơn tha thứ của Ngài, chúng ta cũng được mời gọi để cảm thông, để tha thứ hơn đối với người anh em của chúng ta. Càng nhận ra được tình yêu tha thứ của Chúa, chúng ta còn được mời để gọi tha thứ nhiều hơn. Còn tha thứ nhiều hơn, chúng ta còn dễ cảm mến được ơn tha thứ của Chúa…
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư – Tuần V – PS
Bài đọc: Acts 15:1-6; Jn 15:1-8.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Điều gì là điều khẩn thiết của Kitô Giáo?
Mỗi dân tộc trên địa cầu đều có một truyền thống, một văn hóa, và một giá trị khác nhau cần được tôn trọng. Khi Kitô Giáo được rao giảng vào dân tộc đó, các nhà truyền giáo cần phải nghiên cứu cẩn thận các truyền thống, văn hóa, và giá trị của họ. Mục đích là để làm sao cho dân tộc đó có thể đón nhận và thực hành đức tin, mà vẫn không xung đột với những truyền thống và văn hóa của họ.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy tầm quan trọng của vấn đề. Trong Bài Đọc I, Giáo Hội thời sơ khai phải đương đầu với nhiều vấn đề khi phải làm một sự chuyển tiếp từ Do-thái Giáo qua Kitô Giáo: Nên giữ những gì và nên bỏ những gì khi dân Do-thái và Dân Ngoại gia nhập Kitô Giáo? Cụ thể là 2 vấn đề chính: Dân Ngoại có phải cắt bì và giữ Lề Luật khi theo Kitô Giáo? Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra một điều khẩn thiết hơn cả: Các tín hữu phải sống kết hợp mật thiết với Ngài như cây nho và cành; nếu không sẽ không thể sinh hoa trái, sẽ bị khô héo, và sẽ bị cắt bỏ ra ngoài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Có cần phải cắt bì và giữ Lề Luật để được cứu độ?
1.1/ Theo các tín hữu Pharisees: Phải cắt bì và giữ Lề Luật.
(1) Về việc cắt bì: Những người Do-thái từ Judah tới nói với Dân Ngoại: “Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Moses, thì anh em không thể được cứu độ.” Cắt bì là dấu chỉ của giao ước giữa Thiên Chúa và tổ-phụ Abraham (Gen 17). Chúa Giêsu chịu cắt bì tám ngày sau khi sinh ra (Lk 2:21); Phaolô cũng chịu cắt bì (Phi 3:5). Bằng việc cắt bì, một người Do-thái biết họ thuộc về dân của Thiên Chúa, và là con cháu của tổ phụ Abraham.
Tuy nhiên, điều quan trọng là niềm tin yêu nơi Thiên Chúa, cắt bì chỉ là dấu hiệu bề ngoài để chứng tỏ niềm tin yêu bên trong. Nếu cắt bì mà không tin yêu vào Thiên Chúa, cắt bì có ích chi đâu, Dân Ngoại nhiều nơi cũng có thói quen như vậy. Ngôn sứ Jeremiah (Jer 4:4, 9:24-26) đã từng nói lên sự cần thiết phải cắt bì trái tim và lòng trí. Thiên Chúa yêu mến sự công bằng và tình yêu hơn là cắt bì.
(2) Lề Luật: Có những người thuộc phái Pharisee đã trở thành tín hữu, bấy giờ đứng ra nói rằng: “Phải làm phép cắt bì cho người ngoại và truyền cho họ giữ luật Moses.” Trước tiên, chúng ta cần phân biệt Lề Luật của Thiên Chúa và của con người (thói quen hay truyền thống): Luật của Thiên Chúa không thể thay đổi; luật do con người làm ra có thể thay đổi.
– Lề Luật chính yếu là là Thập Giới mà Thiên Chúa đã ban cho dân trên núi Sinai qua ông Moses đại diện cho toàn dân (Exo 20:1-17). Thập Giới này không thay đổi và mọi người, Do-thái cũng như Dân Ngoại, đều phải tuân hành.
– Những luật của con người do thói quen hay do truyền thống: luật thanh sạch, hay những chi tiết về giữ ngày Sabbath. Dân Ngoại không phải giữ các truyền thống này. Chính Chúa Giêsu cũng từng tranh luận với các kinh-sư và biệt-phái về những truyền thống này, và sửa sai họ: Các ông dùng truyền thống của các ông để bãi bỏ Lề Luật của Thiên Chúa (Mt 15:2-6, Mk 7:3-13).
1.2/ Theo Phaolô và Barnabas: Dân Ngoại không có truyền thống cắt bì và giữ luật thanh sạch như người Do-thái. Hơn nữa, Lịch sử Cứu Độ đã bước sang giai đọan mới và bao gồm các Dân Ngoại. Ông Phaolô và ông Barnabas chống đối và tranh luận khá gay go với họ. Người ta bèn quyết định cử ông Phaolô, ông Barnabas và một vài người khác lên Jerrusalem gặp các Tông Đồ và các kỳ mục, để bàn về vấn đề đang tranh luận này.
Chúng ta không biết những lập luận của hai ông khi tranh luận với họ; nhưng theo Phaolô trong các Thư sau này: Khi Chúa Giêsu đến, Ngài đã mang Lề Luật tới chỗ kiện toàn. Vì biến cố sinh ra, chết đi, và sống lại; giờ đây, không còn nhất thiết phải trở thành người Do-thái trước khi trở thành Kitô hữu. Con người được cứu độ không do bởi việc cắt bì và giữ Lề Luật; nhưng do bởi niềm tin của họ vào Đức Kitô.
Tuy vấn đề cắt bì và Lề Luật đã được giải quyết trong Công Đồng Jerusalem; nhưng nó vẫn còn là bài học kinh nghiệm cho chúng ta trong đời sống hiện tại. Mỗi khi có những xung đột như thế, chúng ta cần ngồi xuống để phân tích xem điều gì quan trọng phải giữ và điều gì không quan trọng có thể bỏ hay thích ứng được. Bắt một người ngoại kiều hay một dân tộc phải theo văn hóa và truyền thống của mình trong việc thực hành đức tin dễ đưa đến bất đồng và gây nhiều trở ngại cho việc rao giảng Tin Mừng; một ví dụ cụ thể là việc thờ cúng tổ tiên tại Việt-nam.
2/ Phúc Âm: Sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu là điều khẩn thiết hơn cả.
Mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa là trung tâm điểm của Đạo. Vì thế, tất cả những gì giúp đưa con người tới Thiên Chúa, và giúp cho mối liên hệ này phát triển tối đa là những điều cần thiết hơn cả. Trong dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu ví mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa như sau: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.”
(1) Lời Kinh Thánh: cần thiết để con người biết Thiên Chúa là ai, những gì Ngài mong muốn, và những gì Ngài đã, đang, và sẽ làm cho con người. Lời Kinh Thánh có sức tẩy sạch những gì là gian trá và mờ ám của thế gian như Chúa Giêsu nói hôm nay: “Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em.”
(2) Các Bí-tích: giúp thông chuyển đời sống thần linh và ơn thánh từ Thiên Chúa đến cho con người. Hình ảnh những cành nho cần nhựa sống nuôi dưỡng của cây nho dẫn chứng sự cần thiết của các Bí-tích, nhất là Bí-tích Thánh Thể: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.”
(3) Sinh hoa kết trái bằng việc giữ các giới răn: Hoa trái đây là những gì con người làm cho Thiên Chúa và cho tha nhân, từ việc yêu mến, đến việc giữ Lề Luật của Thiên Chúa, và tất cả những gì con người có thể làm cho tha nhân. Khi con người sinh hoa kết trái, con người làm Thiên Chúa được tôn vinh.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Trong lãnh vực đức tin, chúng ta cần chú trọng tới mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa, biểu lộ qua việc tin và yêu Ngài bằng những việc làm cụ thể.
– Mỗi khi có xung đột về truyền thống, văn hóa, và giá trị; chúng ta cần cùng nhau cầu nguyện và giải quyết, để xem coi những gì quan trọng về đạo lý cần giữ, những gì cần thích ứng với hoàn cảnh, và những gì có thể bỏ được.
– Việc bắt người khác phải theo truyền thống và văn hóa của mình sẽ đưa đến chia rẽ và làm trở ngại cho việc rao giảng Tin Mừng đến mọi nơi và mọi người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************