Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Tư tuần 23 Thường Niên
BÀI ĐỌC I: 1 Cr 7, 25-31
“Ngươi bị ràng buộc với vợ ư? Ngươi đừng tìm cách tháo gỡ. Ngươi không còn ràng buộc với vợ ư? Ngươi đừng tìm cưới vợ nữa”.
Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, về những người đồng trinh, tôi không có lời Chúa truyền dạy nào, nhưng tôi đã được Chúa thương, nên tôi cho ý kiến như một người đáng tin cậy. Vậy tôi nghĩ rằng đó là một điều tốt theo nhu cầu hiện tại. Phải, người ta ở vậy quả là một điều tốt. Ngươi bị ràng buộc với vợ ư? Ngươi đừng tìm cách tháo gỡ. Ngươi không còn bị ràng buộc với vợ ư? Ngươi đừng tìm cưới vợ nữa. Nhưng nếu ngươi cưới vợ, ngươi chẳng có tội gì. Và nếu kẻ đồng trinh kết bạn, thì chẳng có tội gì. Nhưng những người thể ấy, sẽ chuốc lấy khốn khổ vào thân. Phần tôi, tôi muốn cho anh em tránh được điều đó. Anh em thân mến, tôi nói cùng anh em điều này là: Thời giờ vắn vỏi; còn có cách là những ai có vợ, hãy ăn ở như không có; những ai than khóc, hãy ăn ở như không than khóc; những kẻ hân hoan, hãy ăn ở như không hân hoan; những người mua sắm, hãy ăn ở như không có gì; những ai dùng sự đời này, hãy ăn ở như không tận hưởng, vì chưng bộ mặt thế gian này đang qua đi.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 44, 11-12. 14-15. 16-17
Ðáp: Xin hãy nghe, thưa nương tử, hãy coi và hãy lắng tai (c. 11a).
1) Xin hãy nghe, thưa nương tử, hãy coi và hãy lắng tai, hãy quên dân tộc và nhà thân phụ, để Ðức Vua Người sủng ái dong nhan: chính Người là Chúa của cô nương, hãy phục vụ Người.
2) Tất cả huy hoàng là nàng công chúa đi vào cung nội, áo nàng dệt bằng những sợi chỉ vàng. Bận áo gấm sặc sỡ, nàng được dẫn tiến Ðức Vua, theo sau nàng là những cô trinh nữ bạn bè, họ cũng được bệ kiến long nhan.
3) Họ bước đi trong niềm hân hoan vui vẻ, tiến vào trong cung điện Ðức Vua. Người sẽ có con nối gót tiên vương liệt vị, và phong họ làm quan trên cả sơn hà.
ALLELUIA: Ep 1, 17-18
All. All. – Xin Chúa Cha của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cho mắt tâm hồn chúng ta được sáng suốt, để chúng ta biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi chúng ta. – All.
PHÚC ÂM: Lc 6, 20-26
“Phúc cho những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn các môn đệ và nói:
“Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ các ngươi như kẻ bất lương, ngày ấy các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế. “Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả”.
Ðó là lời Chúa.
(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)
++++++++++++++++++
11/09/2024 – THỨ TƯ TUẦN 23 TN
Lc 6,20-26
SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI LÀ TRÊN HẾT
“Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa.” (Lc 6,22)
Suy niệm: Ngày 4 tháng 8 năm 2005, một chiếc tàu ngầm Nga gặp nạn ở độ sâu 190 mét dưới lòng biển. Sau nhiều lần cân nhắc, chính phủ Nga đã lên tiếng xin các nước có khả năng giúp cứu sống 7 thuỷ thủ của họ đang mắc nạn trong tàu. Sinh mạng của các thuỷ thủ được đặt trên các lo ngại khác. Ba ngày sau, họ được cứu sống. Sự sống ở đời này còn quý vậy huống hồ sự sống đời đời. Các tín hữu thời thánh Lu-ca khốn khổ vì bị xã hội kỳ thị, tước mất quyền lợi, hành khổ chỉ vì họ là người thuộc về Giê-su Ki-tô. Càng xôn xao hơn khi có người trong cộng đoàn vì lợi lộc hay mạng sống đã phản bội và từ bỏ niềm tin vào Chúa Giê-su. Trong hoàn cảnh này, các tín hữu đã nhớ lại lời của Chúa, nhắc lời Chúa cho nhau : Có thập giá trên con đường họ đi tới là dấu chỉ chắc chắn họ đang đi đúng đường. Đành rằng phải chịu mất mát, đớn đau, nhưng sự sống đời đời với Chúa Giê-su vẫn quý hơn, được đặt trên những thiệt thòi người đời gây nên.
Mời Bạn: Những lúc bối rối hoang mang bạn có nhớ tới lời của Chúa không? Sự sống đời đời được bạn coi trọng hơn hết không?
Chia sẻ: Mời bạn tìm hiểu cuộc đời của một thánh tử đạo Việt Nam (chẳng hạn thánh An-rê Kim Thông) để noi gương dấn thân theo Chúa đến cùng.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dâng một hy sinh để tỏ lòng yêu mến Chúa Giê-su Thánh Thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con rất vướng víu vì những giằng kéo hằng ngày làm con không sống trọn cho Chúa. Xin cho con dám chấp nhận những hy sinh, thiệt thòi giữa cuộc đời để con luôn vui bước trọn con đường theo Chúa.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Một học sinh nghèo trả lại chiếc bóp lượm được.
Một giáo viên kiên trì theo đuổi nghề giáo.
Một cán bộ về hưu trong cảnh thanh bạch.
Một bạn nữ bỏ chỗ làm có thu nhập cao…
Một nhân viên từ chối những đồng tiền hối lộ.
Giữa cuộc sống khó khăn,
vẫn có bao người không bị mê hoặc bởi bạc tiền.
Họ chọn sống trong cảnh nghèo,
lam lũ hơn, nhưng vui hơn và thanh thản hơn.
Vẫn có bao người nếm được mối phúc của Tin Mừng:
“Phúc cho anh em là những người nghèo khó,
Vì Nước Trời là của anh em”.
Người đời thường coi hạnh phúc bắt nguồn
từ giàu sang, no đủ, từ danh thơm tiếng tốt.
Đức Giêsu đưa chúng ta đi vào một thế giới khác,
với lối đánh giá khác, làm chúng ta ngỡ ngàng.
Ngài cho các môn đệ của Ngài biết rằng:
họ là những người có phúc,
khi phải chịu nghèo đói, đau khổ, bách hại vì Ngài.
Nước Trời đã thuộc về họ từ đây,
và hạnh phúc sẽ trọn vẹn trong ngày sau hết.
Đức Giêsu đã sống những mối phúc trước chúng ta.
gài là một người thợ thủ công nghèo,
Ngài biết đến sự dày vò của cơn đói,
Ngài đã từng nhỏ lệ trước thành Giêrusalem,
và đã chịu mọi khổ hình cho đến chết.
Nhưng Đức Giêsu là con người hạnh phúc,
vì biết mình luôn sống cho Cha và con người.
Chúng ta cần có kinh nghiệm của Đức Giêsu:
Nghèo của cải mà thật giàu Nước Thiên Chúa.
Đức Giêsu chúc phúc cho những môn đệ nghèo của Ngài,
nhưng Ngài không ca ngợi sự bần cùng, lạc hậu.
Cả cuộc đời Ngài là một hành vi cúi xuống
để nâng dậy những ai nghèo sức khoẻ, nghèo niềm vui.
Hôm nay Ngài muốn chúng ta
đến với khu lao động, với lớp học tình thương,
xóa đi cái nghèo tri thức, nghèo những ước mơ cao cả.
Sự no đủ và niềm vui phải bắt đầu từ đời này.
Ước gì chúng ta sống như Đức Kitô,
tự nguyện trở nên nghèo hơn
để làm giàu cho người khác (2 Cr 8,9).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin cho con nhìn thấy những người nghèo
ở quanh con, ở trong gia đình con,
đang cần đến con.
Bất cứ ai cần đến con đều là người nghèo,
xin cho con thấy Chúa trong họ.
Dần dần con hiểu rằng
cả người giàu cũng nghèo,
nghèo vì cần thấy đời họ có ý nghĩa.
Dần dần con chấp nhận rằng
cả bản thân mình cũng nghèo
và cần đến người khác.
Lắm khi con cần một nụ cười, một ánh mắt,
một lời thăm hỏi đỡ nâng.
Cám ơn Chúa vì đã dựng nên chúng con
ai cũng nghèo về một mặt nào đó,
ai cũng cần đến người khác.
Như thế là chúng con được mời gọi sống cho nhau,
làm cho nhau thêm giàu có.
Cám ơn Chúa vì Chúa cũng nghèo,
vì Chúa rất cần đến chúng con
để hoàn thành công trình cứu độ.
Xin cho con khiêm tốn nhận mình nghèo
để nhận lãnh,
can đảm nhận mình giàu
để hiến trao. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
11 THÁNG CHÍN
Chúng Ta Khắc Khoải Mong Được Chiêm Ngắm Nhan Thánh Chúa
Trong cả Cựu và Tân Ước, con người sống trong thế giới hữu hình giữa những thực tại thế tục. Tuy nhiên con người ý thức sâu xa về sự hiện hữu của Thiên Chúa – một sự hiện diện định hình toàn bộ cuộc sống của họ.
Vị Thiên Chúa hằng sống ấy quả thực là bức tường thành bảo vệ con người giữa mọi thử thách và đau khổ của cuộc hiện sinh dương thế này. Khi cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa, con người khao khát chiếm hữu Ngài cách hoàn toàn. Con người cố tìm cách để nhìn thấy dung nhan Thiên Chúa. Tác giả Thánh Vịnh viết:
“Như nai rừng mong mỏi
tìm về suối nước trong,
hồn con cũng trông mong
được gần Ngài, lạy Chúa.
Linh hồn con khao khát Chúa Trời,
là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến,
vào bệ kiến Tôn Nhan?” (Tv 42, 2-3).
Trong khi con người cố gắng để biết Thiên Chúa – để chiêm ngắm dung nhan Ngài và để cảm nghiệm sự hiện diện của Ngài – thì Thiên Chúa hướng về phía con người để mạc khải chính sự sống của Ngài cho con người. Công đồng Vatican II nói nhiều về tầm quan trọng của việc Thiên Chúa can thiệp vào thế giới này. Công đồng giải thích rằng: “qua sự mạc khải của Ngài, Thiên Chúa muốn tự tỏ hiện và thông đạt chính Ngài cũng như ý muốn từ đời đời của Ngài về ơn cứu độ cho con người.” (MK 6).
Tuy nhiên, Thiên Chúa, Đấng từ bi và nhân ái và là Đấng tự mạc khải chính Ngài, vẫn tiếp tục là một mầu nhiệm khôn dò đối với con người. Và con người – người lữ khách kiếm tìm tuyệt đối – vẫn mãi mãi suốt đời kiếm tìm dung mạo của Thiên Chúa. Nhưng ở cuối hành trình đức tin, con người sẽ về đến “nhà Cha”. Và trong ngôi nhà thiên quốc này, con người hy vọng chiêm ngắm Thiên Chúa “diện đối diện” (1Cr 13,12).
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 11/9
1Cr 7, 25-31; Lc 6, 20-26.
LỜI SUY NIỆM: “Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: Phúc cho anh em.” (Lc 6,20)
Chúa Giêsu đang đưa ra cho mỗi người trong chúng ta bốn điều mà Người cho đó là “Phúc” và bốn điều Người cho là “họa”. Đối với người thế gian, thì họ khó chấp nhận vì hoàn toàn đi ngược lại với quan niệm sống của họ, nhưng với những người Kitô hữu chúng ta, là những người đã tin vào Người, thì hoàn toàn tin tưởng vào quyền năng và ơn ban của Người, bởi vì tất cả những điều nêu trên đều là những thách đố trong cuộc sống của chúng ta, nếu chúng ta không cậy dựa vào quyền năng phép tắc, yêu thương và ơn ban cần thiết của Người, thì mỗi người trong chúng ta cũng khó vượt thắng những quan niệm của thế gian.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con chuyên tâm cầu nguyện với sự vững tin, phó thác vào bàn tay quan phòng của Chúa để chúng con vững tiến trên con đường phúc thật mà Chúa hứa ban cho chúng con. Amen.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
11 Tháng Chín
Thuốc Dã Rượu
Cách đây vài năm, công ty dược phẩm Hoffman La Roche ở Thụy Sĩ đã tình cờ khám phá ra một loại thuốc có tính chất làm dã rượu. Các nhà khoa học trong phòng thí nghiệm của công ty đã đem loại thuốc mới này thí nghiệm trên các chú chuột đang say túy lúy. Như thuốc tiên, mấy cú chuột đang say bỗng trở nên tỉnh táo hẳn lại.
Nhiều người nghiện rượu có lẽ đã mừng thầm với phát minh mới này. Nhưng mọi người đều sửng sốt khi một nhà nghiên cứu của công ty nói trên đã đề nghị hủy bỏ loại thuốc mới này. Ông giải thích như sau: “Xã hội sẽ tốt hơn nếu không có loại thuốc này, Bởi vì loại thuốc này sẽ khuyến khích người say uống nhiều hơn. Những người uống thuốc này sẽ có cảm giác là không bao giờ họ bị đốn ngã vì chất men… Thật ra, loại thuốc này có đặc tính làm cho dã rượu, chứ không làm bớt lượng rượu trong máu cũng như các tác hại khác trong hệ thống thần kinh và trong các bộ phận khác”.
Loại thuốc dã rượu trên đây có thể làm cho chúng ta nghĩ đến thứ bình an giả tạo mà nhiều người đang đi tìm.
Thiên Chúa đã dựng nên con người để sống trong bình an với Ngài. Những buổi chiều tà khi Thiên Chúa đến trong Vườn Ðịa Ðàng để chuyện vãn với Ađam và Evà: đó là hình ảnh của một sự kết hiệp thâm sâu giữa con người và Thiên Chúa. Thế nhưng, con người đãchối bỏ Thiên Chúa và đã cắt đứt mối dây thân tình ấy… Từ đó, bất an đã trở thành số phận thường tình của con người.
Nhưng bất an không những chỉ là một trừng phạt, bất an là nỗi khao khát mà Thiên Chúa đã đặt vào lòng người để giúp con người tìm đường quay lại với Ngài…
Dù sống trong hoàn cảnh nào, dù sống trong xã hội nào, dường như không ai thoát khỏi cái lo, cái sợ… Nếu những người Việt Nam đói khổ lo sợ cho ngày mai không cơm, không áo, thì những người Âu, Mỹ dư dật lại lo sợ trước trăm nghìn cái đe dọa khác của cuộc sống… Dĩ nhiên, không ai có thể so sánh được đau khổ của một người nghèo đói, mất tự do với sự bất an của những người giàu có. Nhưng trong cơ bản, nỗi khổ tâm và bất an nào cũng có một sức nặng riêng của nó. Dường như mỗi người đều có một thập giá, một nỗi khổ và một ưu tư tỷ lệ với sức lực của mình…
Chúa Giêsu kêu mời mọi người chúng ta hãy đặt tất cả tin tưởng vào Tình Yêu quan phòng của Thiên Chúa. Dù có lo lắng đến đâu, chúng ta cũng không thể làm cho mình cao hơn một chút. Mỗi người có nỗi khổ riêng của mình và mỗi ngày có nỗi khổ của ngày đó…
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư – Tuần 23 – TN2 – Năm Chẵn
Bài đọc: I Cor 7:25-31; Lk 6:20-26.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu mai sau.
Người tín hữu chúng ta tin “sống gởi thác về.” Cõi trần này chỉ là chỗ tạm dung, chỉ khi chết đi mới thực sự là về nhà vĩnh cửu của mình. Nếu chúng ta xem cõi trần này là chỗ tạm dung thì chúng ta đừng tích trữ của cải trần gian vì sẽ không mang theo được khi nhắm mắt nằm xuống. Trái lại, phải dùng mọi cố gắng để chuẩn bị mang theo những hành trang cần thiết của đời sau để chuẩn bị cho cuộc sống hạnh phúc với Chúa trên Thiên Đàng. Trong Bài đọc I, thánh Phaolô dạy các tín hữu về việc sống ơn gọi độc thân hay gia đình trong cuộc trần với viễn tượng của cuộc sống mai sau. Trong Phúc Âm, Chúa chúc lành cho những người mà thế gian coi thường và chúc dữ cho những người mà thế gian khen tặng.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy chú ý đến những sự đời sau vì thế gian đang qua đi.
Điểm đầu tiên chúng ta cần nhấn mạnh: Những lời khuyên của thánh Phaolô phải được hiểu trong bối cảnh lịch sử của câu “thế gian này đang qua đi.” Ngài tin là Ngày Tận Thế sắp sửa đến; vì thế, các tín hữu phải gạt bỏ mọi chia trí làm cản trở cho việc chuẩn bị để về với Chúa. Sau này, khi biết Ngày Tận Thế sẽ không đến ngay, thánh Phaolô có cái nhìn khác hơn về ơn gọi gia đình như những gì ngài viết cho các tín hữu thành Êphêsô. Dẫu sao đi nữa, những gì ngài viết vẫn có giá trị của nó: Đừng quá chú trọng đến của cải vật chất và sự hưởng thụ ở đời này, mà phải dành thời giờ và nỗ lực để chuẩn bị cho cuộc sống mai sau.
Nhiều người nhận xét: Thánh Phaolô coi trọng ơn gọi độc thân hơn ơn gọi gia đình vì những gì ngài viết ở đây. Thực sự ngài chỉ viết theo kinh nghiệm sống, và như ngài viết ngay từ đầu của Bài đọc, đây chỉ là những lời khuyên chứ không phải là giáo điều phải tin. Ngay sau những câu hôm nay ngài giải thích rõ hơn: “Tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người. Còn người có vợ thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng chồng. Tôi nói thế là để mong tìm ích lợi cho anh chị em, tôi không có ý gài bẫy anh chị em đâu, nhưng chỉ muốn đề nghị với anh chị em một điều tốt, để anh chị em được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co.” (I Cor 7:32-35).
Thánh Phaolô không khuyên mọi người phải từ bỏ ơn gọi gia đình để sống đời độc thân: “Bạn đã kết hôn với một người đàn bà ư? Đừng tìm cách gỡ ra. Bạn chưa kết hôn với một người đàn bà ư? Đừng lo kiếm vợ. Nhưng nếu bạn cưới vợ, thì cũng chẳng có tội gì. Và nếu người con gái lấy chồng, thì cũng chẳng có tội gì.” Nhưng ngài chỉ nhắc nhở một sự thật: họ sẽ bị chia trí và sẽ không có nhiều thời gian để lo việc của Chúa.
2/ Phúc Âm: Quá chú ý đến những sự đời này làm con người quên đi những sự đời sau.
So sánh “Bài giảng trên núi” của Matthêu (5:2-12) và “Bài giảng trong đồng bằng” của Luca (6:20-26):
– Matthêu dùng ngôi thứ ba để áp dụng cách tổng quát trong khi Luca dùng ngôi thứ hai để áp dụng trực tiếp cho các môn đệ và những ngừơi nghe.
– Matthêu cấu trúc bài giảng bằng “8 mối phúc” trong khi Luca bằng “4 mối phúc” và “4 mối khốn.” Bốn mối phúc của Luca đều được trình bày trong 8 mối phúc của Matthêu. Có lẽ Luca muốn làm nổi bật lên sự tương phản giữa tiêu chuẩn của Nước Trời và của thế gian.
Những lời Chúa phán về 4 mối phúc gợi lên niềm hy vọng cho những người nghèo khổ, đói khát, đau khổ, và bị bắt bớ vì Con Người; trong khi như bom nổ ngang tai cho những người giầu có, no đủ, vui cười, và được ca tụng. Chúa Giêsu lấy những giá trị thế gian tôn thờ và đảo ngược chúng: Bốn điều phúc của thế gian thành 4 điều khốn, và 4 điều khốn của thế gian thành 4 điều phúc.
Tại sao tiêu chuẩn của Nước Trời hòan tòan ngược lại tiêu chuẩn của thế gian? Lý do đơn giản như thánh Phaolô nói ở trên vì “thế gian này đang qua đi,” để tiến tới một quê hương vĩnh cửu trên trời. Một cái nhìn chi tiết vào 4 mối Chúa nói sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn:
(1) Nghèo khó: Sự giầu có làm cho con người khó vào Nước Trời như Chúa nói: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời.” Giầu có làm con người bằng lòng với những hưởng thụ của cuộc sống hiện tại và quên đi cuộc sống đời sau. Họ dùng tất cả thời gian và nỗ lực để kiếm tiền, và sau khi kiếm tiền lại lo hưởng thụ; họ không còn thời giờ cho Chúa. Người nghèo hiểu họ chỉ cần ăn để sống nên không lo tích trữ. Nếu Thiên Chúa đã nuôi chim trời và thú vật ngòai đồng, Ngài sẽ không để cho con cái của Ngài phải chết đói. Họ dành giờ để chuẩn bị cho cuộc sống mai sau.
(2) Đói khát: Luca chỉ để trống không “đói khát” trong khi Matthêu có thêm “sự công chính.” Chắc chắn Chúa không cổ võ sự đói khát về của ăn và lấy làm sung sướng khi thấy con mình phải chết đói; nhưng điều Ngài muốn nói ở đây là những đói khát về tinh thần. Thế gian cậy vào sức mình trong khi người nghèo cậy vào Thiên Chúa. Ngài sẽ lấp đầy những đói khát tinh thần này.
(3) Đau khổ: Không đau khổ sẽ không có vinh quang; nếu con người muốn chung phần vinh quang thì cũng phải chung phần đau khổ với Chúa. Hơn nữa đau khổ còn giúp rèn luyện con người để có thể vượt qua mọi cám dỗ và trở ngại trong cuộc sống. Người ham thích vui sướng và trốn tránh đau khổ sẽ không thành công ngay cả ở đời này.
(4) Bị bắt bớ vì Con Người: Các tiên tri và những người rao giảng bị bắt bớ và giết chết vì nói những gì thế gian không muốn nghe, nhưng là những gì Chúa muốn nói. Ai tuyên xưng Chúa trước mặt thiên hạ thì Ngài cũng tuyên xưng người ấy trước mặt Cha Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Là người tín hữu, chúng ta phải sống theo tiêu chuẩn Nước Trời, chứ không theo tiêu chuẩn của thế gian. Chúng ta không thể bắt cá hai tay: vừa sống theo tiêu chuẩn của Nước Trời vừa sống theo tiêu chuẩn của thế gian, vì như Chúa đã xác quyết: “Các con không thể làm tôi cả Thiên Chúa lẫn tiền tài” (Mt 6:24).
– Ngay cả trong đời sống gia đình, chúng ta không thể dành hết thời giờ và cố gắng cho gia đình mà quên đi bổn phận của chúng ta với Thiên Chúa, Người mà sẽ sống với chúng ta mãi mãi sau này. Những người sống độc thân vì Nước Trời, họ sẽ có nhiều thời giờ cho Chúa và tha nhân hơn.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************