Ngày thứ tư (12-04-2023) – Trang suy niệm

11/04/2023

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Tư trong tuần Bát nhật Phục Sinh

BÀI ĐỌC I: Cv 3, 1-10

“Có cái này tôi cho anh, là nhân danh Ðức Giêsu, anh hãy đứng dậy mà đi”.

Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, vào giờ thứ chín, là giờ cầu nguyện, Phêrô và Gioan lên đền thờ. Lúc bấy giờ có một anh què từ lúc mới sinh, hằng ngày được người ta khiêng đến cửa đền thờ, gọi là Cửa Ðẹp, để xin những người vào đền thờ bố thí cho. Khi thấy Phêrô và Gioan tiến vào đền thờ, anh liền xin bố thí. Phêrô và Gioan nhìn anh và nói: “Anh hãy nhìn chúng tôi”. Anh ngước mắt chăm chú nhìn hai ngài, mong sẽ được hai ngài cho cái gì. Nhưng Phêrô nói: “Vàng bạc thì tôi không có, nhưng có cái này tôi cho anh, là: nhân danh Ðức Giêsu Kitô Nadarét, anh hãy đứng dậy mà đi!” Rồi Phêrô nắm tay mặt anh mà kéo dậy, tức thì mắt cá và bàn chân anh trở nên cứng cát; anh nhảy ngay lên mà đứng và đi được; anh cùng hai ngài tiến vào đền thờ, anh vừa đi vừa nhảy nhót và ngợi khen Thiên Chúa, và dân chúng đều thấy anh đi và ngợi khen Chúa. Họ nhận ra anh chính là kẻ ngồi ăn xin ở Cửa Ðẹp đền thờ, nên họ bỡ ngỡ sửng sốt về việc xảy đến cho anh.

Ðó là lời Chúa.

ÐÁP CA: Tv 104, 1-2. 3-4. 6-7. 8-9

Ðáp: Tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui (c. 3b).

1) Hãy ca tụng Chúa, hãy hoan hô danh Ngài, hãy kể ra sự nghiệp Chúa ở giữa chư dân. Hãy xướng ca, đàn hát mừng Ngài, hãy tường thuật mọi điều kỳ diệu của Chúa.

2) Hãy tự hào vì danh thánh của Ngài, tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Chúa, hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn.

3) Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Ngài, hỡi con cháu Giacóp, những người được Ngài kén chọn. Chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Ngài bao trùm khắp cả địa cầu.

4) Tới muôn đời Ngài vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Ngài đã an bài tới muôn thế hệ, lời minh ước Ngài đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Ngài đã thề với Isaac.

ALLELUIA: Tv 117, 24

All. All. – Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. – All.

PHÚC ÂM: Lc 24, 13-35

“Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Ðang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: “Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?” Một người tên là Clêophas trả lời: “Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay”. Chúa hỏi: “Việc gì thế?” Các ông thưa: “Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp”. Bấy giờ Người bảo họ: “Ôi kẻ khờ dại, chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Ðấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?” Ðoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn”. Người liền vào với các ông. Ðang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Ðoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: “Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?” Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Các vị đó bảo hai ông: “Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon”. Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

Ðó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

12/04/2023 – THỨ TƯ TRONG TUẦN BÁT NHẬT PS

Lc 24,13-35

THÊM “LỬA”

Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,30-32)

Suy niệm: Nhà văn Ki-tô giáo nổi tiếng N. Kazantzakis nói rằng: “Điều tôi quan tâm không phải là con người, mặt đất, bầu trời, mà là ngọn lửa thiêu đốt con người, mặt đất, bầu trời”. Nếu vậy, ông nghĩ thế nào về hai môn đệ Em-mau hôm nay? Hai môn đệ “hết lửa”! Một đội bóng “hết lửa” chỉ có từ thua đến thua to! Hai môn đệ “hết lửa” với Thầy, với công cuộc của Thầy, chỉ còn nước cờ duy nhất là đào tẩu về nhà! Thế nhưng, khi được gặp Đức Ki-tô phục sinh thì mọi sự đổi khác. Họ được chuyền “lửa”, tiếp thêm “lửa” nhờ Lời vàø Thánh Thể của Ngài : “Dọc đường, khi Người nói chuyện… lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?” Đầy “lửa” đến độ họ đứng dậy, vượt quãng đường 12 km ngay trong đêm, để gặp các bạn làm chứng rằng mình đã gặp Thầy.

Mời Bạn: Nhìn lại mình để xem bạn còn “lửa” không? Lửa yêu mến Chúa, lửa say mê công cuộc cứu độ cao cả của Ngài, lửa yêu thương đồng loại, lửa yêu mến người thân, nhất là người bạn đời?

Sống Lời Chúa: Để thêm “lửa” trong đời sống đạo, tôi sẽ trung thành đọc Lời Chúa và nỗ lực sống Lời ấy mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con ngọn lửa trong Trái Tim Chúa. Xin làm tim chúng con ấm lại mỗi ngày, nhờ được nghe Chúa nói như hai môn đệ về Em-mau, và được Chúa nuôi bằng bánh ban sự sống. Ước gì chúng con luôn có lửa nhiệt tình để hết lòng phụng sự Nước Chúa, lửa tình yêu để vượt qua những hận thù đố kỵ. Amen. (Rabbouni)

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm:

Dưới dáng dấp một người khách lạ,
Chúa Giêsu phục sinh đến với hai môn đệ Emmau.
Ngài đến đúng lúc, đúng lúc họ đang bỏ cuộc,
quay quắt và ray rứt vì chuyện đã qua.
Ngài đi cùng với họ, đi gần bên họ,
khiêm tốn trở thành một người bạn đồng hành.
 

Ngài gợi chuyện, hay đúng hơn,
Ngài muốn tham dự vào câu chuyện dở dang của họ.
Chúa Giêsu không nản lòng trước câu trả lời lạnh nhạt:
“Chắc chỉ có ông mới không biết chuyện vừa xảy ra…”
Ngài không cắt đứt cuộc đối thoại: “Chuyện gì vậy?”
Ngài giả vờ không biết để họ nói cho vơi nỗi buồn.
Chúa Giêsu kiên nhẫn lắng nghe lời họ tâm sự.
“Trước đây, chúng tôi hy vọng rằng…”
Như thế niềm hy vọng này chỉ còn là chuyện quá khứ.
 

Cả niềm tin cũng trở nên chai lì,
họ đâu có tin vào lời của các bà ra thăm mộ.
Khi lắng nghe, Chúa Giêsu nhận ra cái gút của vấn đề,
những câu hỏi mà họ không tìm ra lời giải đáp.
Tại sao một người của Chúa, người mà họ tin là Ðức Kitô
lại bị đóng đinh như một kẻ bị Thiên Chúa chúc dữ?
Chúa Giêsu vén mở ý nghĩa của mầu nhiệm đau khổ.
Ðau khổ là nhịp cầu mà Ðức Kitô phải vượt qua
để sang bờ bên kia là vinh quang bất diệt.
Ðau khổ không phải là chuyện xui xẻo, rủi ro,
nhưng nó có chỗ đứng trong chương trình cứu độ.
 

Lời của Chúa Giêsu là Tin Mừng ngọt ngào,
khiến nỗi đau của họ dịu đi, lòng họ như ấm lại.
Họ cố nài ép Ngài ở lại dùng bữa chiều.
Và chính lúc Ngài cầm bánh bẻ ra trao cho họ
thì họ nhận ra vị khách lạ chính là Thầy Giêsu.
Kinh nghiệm của hai môn đệ Emmau cũng là của chúng ta.
Lúc ta tưởng Ngài vắng mặt, thì Ngài lại đang ở gần bên.
Lúc ta nhận ra Ngài ở gần bên, thì Ngài lại biến mất rồi.
 

Nhưng chính lúc Ngài biến mất,
ta lại cảm nghiệm sâu hơn sự hiện diện của Ngài.
Ngài đến lúc ta không ngờ.
Ngài đi mà ta không giữ lại được.
Ngài ở lại với ta cả khi ta không thấy Ngài nữa.
Ðấng Phục Sinh vẫn đến với ta hôm nay
qua một người bạn hay một người lạ ta gặp tình cờ.
Qua họ, Ngài thổi vào lòng ta niềm hy vọng tin yêu.
 

Ngài vẫn đến với ta qua từng thánh lễ.
Ngài đích thân giảng Tin Mừng và bẻ bánh trao cho ta.
Sống như Chúa phục sinh là tập đến với tha nhân,
tập đồng hành, tập gợi ý, tập lắng nghe, tập soi sáng…
Hôm nay vẫn có nhiều người bạn đang lê gót về Emmau.

Cầu Nguyện:
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần có Chúa hiện diện
để con khỏi quên Chúa.
Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con yếu đuối,
con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ.
 

Không có Chúa,
con đâu còn nồng nhiệt hăng say.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn,
cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến.
Con cần được thêm sức mạnh
để khỏi ngừng lại dọc đường.
 

Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời.
Con không dám xin những ơn siêu phàm,
chỉ xin ơn được Ngài hiện diện.
Xin ở lại với con
vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa
và không đòi phần thưởng nào khác
ngoài việc được yêu Chúa hơn.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

12 THÁNG TƯ

Đức Tin Và Việc Làm

Vậy thì, thế nào là trở nên một Kitôhữu? Câu trả lời: đó là tiếp tục đón nhận và chấp nhận lời chứng của các Tông Đồ, các thị chứng nhân, về ơn cứu độ của chúng ta. Đó là tin vào Đức Kitô với cùng một đức tin đã được khai sinh nơi các Tông Đồ do những hành động và lời nói của Đấng Phục Sinh.

Tông Đồ Gio-an viết: “Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người. Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy. Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo” (1Ga 2,3-5).

Vị Tông Đồ đang nói về một đức tin sống động. Một đức tin sống động là một đức tin đem lại hoa trái là những việc làm thiện hảo. Đó chính là những việc làm của tình yêu. Đức tin sống động nhờ tình yêu của Thiên Chúa ở nơi chúng ta. Tình yêu được diễn tả qua việc tuân giữ các điều răn. Cũng có thể không có mâu thuẫn nào giữa sự hiểu biết (= tôi biết Người) và những hành động của một người tuyên xưng Đức Kitô. Chỉ những ai hoàn thành đức tin của mình bằng những việc làm thiện hảo mới là người ở lại trong sự thật.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 12/4

THỨ TƯ TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Cv 3, 1-10; Lc 24, 13-35.

LỜI SUY NIỆM: “Khi đồng bàn với họ; Người cầm bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người.”

          Lời Chúa trong ngày hôm nay; tường thuật chuyện Chúa Giêsu cùng đồng hành, gợi chuyện, lắng nghe và giải thích Kinh Thánh cho hai người môn đệ, đang mang tâm trạng thất vọng. Điều này, giúp cho mỗi người Kitô hữu, nhận ra là tất cả chúng ta đều nằm trong sự quan tâm, chăm sóc gìn giữ của Chúa Giêsu, Người không muốn mất bất cứ một ai, với bất cứ lý do gì.

          Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh. Xin ban cho mỗi người trong chúng con ham thích đọc Lời Chúa với sự sáng soi của Chúa Thánh Thần, hầu giúp chúng con ngày càng vững mạnh trong đức tin và hăng say trong việc loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

12 Tháng Tư

Ra Ði Là Chết Trong Lòng Một Ít 

Phật giáo Trung Hoa rất nhớ ơn và hãnh diện vì có thiền sư là Ðường Tam Tạng. Ông là người đã có công vượt núi trèo non để đi Tây Trúc thỉnh Kinh đem về phổ biến cho dân gian.

Truyện Tây Du Ký đã ghi lại cuộc ra đi đầy gian nan của thầy Tam Tạng. Nhưng những gian nan thử thách xảy đến cho thiền sư họ Ðường không phải chỉ là gai góc hiểm trở của đoạn đường dài, mà chính là những tật xấu mà ba người môn đệ thân tín nhất của thầy là hiện thân. Tôn ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng, ba cái tên này chính là ba nết xấu mà thiền sư họ Ðường cũng như bao người khác phải vượt qua để đạt chính quả. Ba nết xấu đó là: lòng kiêu căng, lòng ham vật dục và tính lười biếng.

Ra đi là chết trong lòng một ít… Thiền sư họ Ðường có lẽ đã phải chiến đấu và hao mòn vì những tham sân si trong lòng thầy.

Tin Mừng cũng nhắc đến một cuộc ra đi: đó là cuộc ra đi của Chúa Giêsu. Ngài rời bỏ quê hương để đi Galilêa. Galilêa chỉ cách Nagiarét vài chục cây số… Nhưng với Chúa Giêsu cuộc trẩy đi này bao hàm một cuộc lột xác và từ bỏ trọn vẹn. Ngài từ bỏ tất cả để vào sa mạc.

Ra đi có nghĩa là ra khỏi chính mình và không quay nhìn lại phía sau. Ra đi tức là chấp nhận chết đi trong lòng một ít.

Thánh nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu, mặc dù chưa một lần ra khỏi bốn bức tường của tu viện, đã được Giáo Hội chọn làm quan thầy các xứ truyền giáo.

Một lúc nào đó, có lẽ chúng ta cũng khao khát được mang Tin Mừng của Chúa đến một nơi xa lạ… Ước mơ ấy có thể làm cho chúng ta quên đi thựck tại của không biết bao nhiêu người thiếu thốn lương thực cho thể xác cũng như tinh thần.

Ra đi loan báo Tin Mừng, trước tiên chính là ra lhỏi con người của chúng ta. Ra khỏi con người của thiển cận, ích kỷ của chúng ta để mặc lấy một cái nhìn nhậy cảm hơn trước sự hiện diện của tha nhân.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư – Tuần BNPS

Bài đọc: Acts 3:1-10; Lk 24:13-35.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa vẫn đồng hành với các môn đệ sau cái chết của Ngài.

Xa cách Chúa là một khủng hỏang và mất mát tất cả cho các môn đệ, vì họ đã đặt trọn vẹn niềm tin và cuộc đời của họ nơi Ngài. Hầu hết đã bỏ Chúa trong Cuộc Thương Khó của Ngài; và giờ đây không còn được nhìn thấy Ngài nữa, họ chán nản, thất vọng. Nhiều người rời Jerusalem để trở về với gia đình, làm lại cuộc đời như hai môn đệ trên đường về Emmaus. Chính Chúa Giêsu đã nhìn thấy trước viễn ảnh này khi Ngài nói với các môn đệ: “Họ sẽ diệt chủ chăn, và đàn chiên sẽ tan tác.”

Các Bài Đọc hôm nay muốn nhấn mạnh: mặc dầu không còn sống trên dương gian, Chúa vẫn đồng hành và hoạt động trong và với các ông. Ngài vẫn có thể chữa lành, dạy dỗ, và làm cho con người thất vọng được sống hy vọng qua các môn đệ của Ngài. Trong Bài Đọc I, Chúa cho Phêrô quyền lực để chữa lành người què từ khi sinh, như Ngài đã từng làm cho dân chúng. Phêrô đã nhân danh Chúa Giêsu Kitô người Nazareth để làm phép lạ này. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu thắp lên niềm hy vọng cho 2 môn đệ trên đường Emmaus khi Ngài cùng các ông bẻ bánh và học hỏi những biến cố vừa xảy ra dưới lăng kính của Kinh Thánh.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ông Phêrô chữa lành người què từ khi lọt lòng mẹ.

Một hôm, ông Phêrô và ông Gioan lên Đền Thờ, vào buổi cầu nguyện giờ thứ chín. Các ông vẫn giữ thói quen lên Đền Thờ cầu nguyện mặc dù Chúa Giêsu không còn nữa và Ngài đã khai mào một kỷ nguyên mới. Điều này chứng tỏ cho chúng ta thấy, có những thói quen tốt lành cần giữ, chứ không phải khi bắt đầu kỷ nguyên mới là đạp đổ tất cả những gì của kỷ nguyên cũ.

(1) Phép lạ chữa lành cần thiết để khơi dậy niềm tin: Thiên Chúa vẫn không ngừng cảm thương với những đau khổ của kiếp người, và Ngài luôn dùng tình thương của con người để làm vơi đi những nỗi bất hạnh của đồng loại. Phép lạ chữa lành của Phêrô hôm nay chứng minh điều này, và cần thiết để cho các tông đồ biết Chúa ban uy quyền và tình thương để các ông tiếp tục thi hành sứ vụ mang con người về cho Thiên Chúa.

(2) Giúp đỡ tha nhân không chỉ bằng vàng bạc: nhưng có thể là làm cho bình phục, hay mở mang trí tuệ bằng sự dạy dỗ, hay làm cho tha nhân có được niềm tin và hy vọng … Khi anh què nhìn thấy ông Phêrô và ông Gioan sắp vào Đền Thờ, anh liền xin bố thí. Ông Phêrô nói với anh: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nazareth, anh đứng dậy mà đi!” Rồi ông nắm chặt lấy tay mặt anh, kéo anh chỗi dậy. Lập tức bàn chân và xương mắt cá của anh trở nên cứng cáp. Anh đứng phắt dậy, đi lại được.

(3) Phản ứng của con người khi chứng kiến phép lạ: Sau khi được chữa lành, anh què vào Đền Thờ cùng với hai ông, anh vừa đi vừa nhảy nhót và ca tụng Thiên Chúa. Toàn dân thấy anh đi lại và ca tụng Thiên Chúa. Và khi nhận ra anh chính là người vẫn ngồi ăn xin tại Cửa Đẹp Đền Thờ, họ kinh ngạc sững sờ về sự việc mới xảy đến cho anh.

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu hiện đến với hai môn đệ trên đường đi Emmaus.

Có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmaus, cách Jerusalem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Sự kiện hai ông đi khỏi Jerusalem và tâm sự của hai ông khi trò chuyện với Chúa Giêsu chứng tỏ hai ông đã đánh mất niềm tin và hy vọng vào Đức Kitô.

2.1/ Họ nghe và nhìn thấy Chúa, nhưng không nhận ra Ngài: Đang lúc hai ông trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản nên không nhận ra Người. Chúa đồng hành với họ, để tìm ra những băn khoăn lo lắng của họ, và Ngài giúp họ để nhìn thấy ý nghĩa của những biến cố liên quan đến Ngài.

(1) Nỗi lo âu và thất vọng của hai môn đệ: Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu, và thưa: “Chuyện ông Giêsu Nazareth. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.” Các ông đã không thể nối kết các sự kiện đã xảy ra nên đã không nhìn ra ý nghĩa của chúng. Trong cuộc đời, chúng ta đã nhiều lần như vậy. Chúng ta để cho những biến cố qua đi mà không nhận ra sự liên hệ của chúng trong cuộc đời chúng ta. Để có thể nhìn thấy ý nghĩa và vai trò của chúng, chúng ta cần năng nhìn lại và dành thời giờ suy tư về những biến cố xảy ra.

(2) Giải thích Kinh Thánh: Bấy giờ Đức Giêsu nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” Rồi bắt đầu từ ông Moses và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa.Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ.

2.2/ Các môn đệ nhận ra Chúa.

(1) Qua việc cử hành Thánh Lễ: Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” Đây là hình ảnh của một Thánh Lễ mà chúng ta tham dự: phần cắt nghĩa Kinh Thánh tương xứng với phần Phụng Vụ Lời Chúa, và phần bẻ bánh tương xứng với phần Phụng Vụ Thánh Thể; cả hai đều cần thiết để chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mỗi người, và có sức mạnh để đương đầu với mọi vấn đề của cuộc sống.

(2) Qua việc hiệp thông huynh đệ và học hỏi: Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Jerusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon.” Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. Khi đứng riêng lẻ một mình, chúng ta dễ cảm thấy chán nản, thất vọng; nhưng khi hội họp cùng nhau chia sẻ niềm tin, chúng ta sẽ được thêm khôn ngoan và sức mạnh để nâng đỡ niềm tin của nhau.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúa vẫn đang sống; Ngài vẫn hoạt động giữa chúng ta. Cuộc sống sẽ vô nghĩa, nặng nề, và buồn tẻ nếu chúng ta không có Chúa Giêsu đồng hành; nhưng cuộc sống sẽ vô cùng ý nghĩa nếu chúng ta có sự hiện diện của Ngài trong đời sống. Ngài cung cấp cho chúng ta tất cả khôn ngoan, sức mạnh, ơn thánh để sống cách ý nghĩa trong cuộc đời này.

– Những lúc chán nản, nghi nan, và thất vọng, chúng ta hãy cầu nguyện với Ngài: “Mời Chúa ở lại với chúng con, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.”

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************