Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Tư Tuần XXVIII Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: Gl 5, 18-25
“Những ai thuộc về Đức Kitô, thì đóng đinh xác thịt cùng với các dục vọng vào thập giá”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.
Anh em thân mến, nếu anh em được Thánh Thần hướng dẫn, anh em không còn ở dưới chế độ lề luật nữa. Vả chăng người ta thừa hiểu sự nghiệp của xác thịt là: tà dâm, ô uế, phóng đãng, buông tuồng, thờ lạy thần tượng, phù phép, thù hằn, kình địch, ghen tương, giận dữ, cãi lẫy, bất bình, bè phái, giết người, say sưa, mê ăn uống, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho anh em hay, như tôi đã từng nói rằng: hễ những ai phạm các điều lỗi đó, sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa.
Còn hoa quả của Thánh Thần là: yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lành, khoan dung, dịu hiền, trung trực, đức hạnh, tiết độ, trinh khiết. Lề luật không chống lại các điều ấy. Vả chăng, những ai thuộc về Đức Kitô, thì đã đóng đinh xác thịt cùng với các dục vọng và đam mê vào thập giá. Nếu chúng ta sống nhờ Thánh Thần, chúng ta cũng hãy ăn ở theo Thánh Thần. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6
A+B=Lạy Chúa, ai theo Chúa sẽ được ánh sáng ban sự sống (c. Jo 8,12).
A=Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày.
B=Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt.
A=Kẻ gian ác không được như vậy, họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi; vì Chúa canh giữ đường lối người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong.
A+B=Lạy Chúa, ai theo Chúa sẽ được ánh sáng ban sự sống.
ALLELUIA: Mt 4, 4b
– Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 11, 42-46
“Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái, và khốn cho các ngươi, hỡi những tiến sĩ luật”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa phán rằng: “Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi nộp thuế thập phân, bạc hà, vân hương, và các thứ rau, mà lại bỏ qua đức công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa: Phải thi hành những điều này, và không được bỏ những điều kia. Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi ưa thích ngồi ghế nhất trong các hội đường, và ưa thích được chào hỏi ngoài phố chợ. Khốn cho các ngươi, vì các ngươi giống những mồ mả không rõ rệt, người ta bước đi ở trên mà không hay biết!”
Có một tiến sĩ luật trả lời Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy nói như thế là Thầy sỉ nhục cả chúng tôi nữa”. Người đáp lại rằng: “Hỡi những tiến sĩ luật, khốn cho các ngươi nữa! Vì các ngươi chất lên người ta những gánh nặng không thể vác được, mà chính các ngươi dù một ngón tay cũng không động tới”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
12/10/2022 – THỨ TƯ TUẦN 28 TN
Lc 11,42-46
CẠM BẪY GIẢ HÌNH
“Khốn cho các người! Các người như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay.” (Lc 11,44)
Suy niệm: Để đặt bẫy thú rừng, người ta phải nguỵ trang thật khéo: cái bẫy phải dấu kín đằng sau và bên dưới lớp vỏ bọc thật tự nhiên, đẹp đẽ và tạo cảm giác an toàn. Thói giả hình có thể ví như một thứ cạm bẫy: Bên ngoài thì đạo đức gương mẫu, luôn chu toàn việc “nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương và đủ thứ rau cỏ” cách chi li và vượt quá mức luật định, trong khi trong lòng thì “xao lãng đức công bằng và lòng yêu mến Thiên Chúa”, với cái vỏ bọc như thế, họ tưởng có thể ‘đánh lừa’ mọi người, ‘đánh lừa’ chính mình và cả Thiên Chúa. Đức Giê-su lên án cách nặng nề thứ ‘cạm bẫy giả hình’ này mà Ngài ví với những “mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế” (Mt 23,27).
Mời Bạn: Dù biết đó là ảo, nhưng nhiều người vẫn bị mê hoặc bởi ‘cái bẫy giả hình’. Người ta dễ cảm thấy yên lương tâm với việc tuân giữ một số khoản luật, tham dự một số việc đạo đức, và cho thế là đã ‘đạt chuẩn ngoan đạo’, nhưng điều đó chỉ có ý nghĩa đích thực khi được thực hiện với lòng chân thành bên trong. Sống đạo là sống thực tâm, nhất quán từ suy nghĩ đến lời nói và hành động, vì “Chúa là Đấng thấu suốt mọi tâm can” (Cv 15,8).
Sống Lời Chúa: Quyết tâm làm mọi việc với đức công bình và lòng nhân ái.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Ngài lột bỏ ‘mặt nạ’ trong đời sống của con. Hôm nay và mỗi ngày, xin giúp con rũ sạch thói sống giả tạo, để trở nên đẹp hơn trong ứng xử chân thành, sống chân thật từ trong suy nghĩ -lời nói- cũng như việc làm. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu trách các nhà lãnh đạo.
Họ là những người Pharisêu, những nhà thông luật.
Họ được dân chúng kính nể vì học thức, vì chức vụ, vì đời sống đạo đức.
Nhưng họ cũng có những khiếm khuyết cần sửa đổi.
Đức Giêsu ba lần nói “Khốn cho” đối với người Pharisêu (cc. 42-44).
Khốn cho thứ nhất vì họ quá chú tâm giữ những điều lặt vặt, phụ thuộc,
mà xao lãng cái chính yếu và quan trọng.
Họ nộp thuế 10% về những thứ rau cỏ ngoài vườn để tỏ lòng đạo đức.
Tiền thuế này được dùng để giúp đỡ các tư tế và các thầy Lêvi.
Nhưng tiếc là họ không để ý đến sự công bình đối với tha nhân,
và lòng yêu mến đối với Thiên Chúa (c. 42).
Tương quan hai chiều của họ bị tổn thương.
Việc nộp thuế, dâng cúng cho nhiều cũng không sao kéo lại được.
Đức Giêsu đòi giữ cả hai, nhất là những bổn phận chính yếu:
“Các điều này phải làm mà các điều kia cũng không được bỏ.”
Khốn cho thứ hai vì họ thích tiếng khen từ người đời.
Không yêu mến Thiên Chúa, nhưng họ lại yêu mến ghế đầu nơi hội đường,
và yêu thích được chào hỏi nơi công cộng (c. 43).
Địa vị, tiếng tăm là điều họ tha thiết tìm kiếm.
Mọi việc họ làm đều nhằm tôn vinh cho cái tôi.
Chính vì thế một đời sống bề ngoài có vẻ sống cho Chúa,
kỳ thực lại là một tìm kiếm hư danh cho chính mình.
Khốn cho thứ ba gắn liền với sự giả hình trên đây.
Đức Giêsu ví họ với mồ mả người chết chôn dưới đất.
Vì không có gì làm dấu, nên chẳng ai biết đó là mồ mả để tránh.
Nhiều người giẫm lên nên bị ô nhơ mà không hay.
Nghe Đức Giêsu nói, một nhà thông luật cảm thấy bị xúc phạm.
Đức Giêsu cũng sẽ nói ba lần Khốn cho đối với các vị này.
Họ là những nhà chuyên môn giải thích luật và là thầy dạy dân chúng.
Khốn cho đầu tiên vì họ đã làm cho luật trở nên một gánh quá nặng.
Những giải thích của họ làm sinh ra bao cấm đoán và đòi buộc
vượt xa những gì chính bản văn lề luật đòi hỏi.
Thí dụ trong ngày sabát, có 39 loại công việc không được phép làm.
Luật thay vì là nguồn vui, nguồn hạnh phúc, thì lại trở nên ách nặng nề.
Nhiệm vụ của người thông luật không phải chỉ là dạy luật,
mà còn là giúp người khác giữ luật.
Với thái độ đứng ngoài, không muốn động vào,
không muốn trợ giúp, dù bằng một ngón tay (c. 46),
người thông luật sẽ không làm cho người ta cảm thấy tình yêu Thiên Chúa.
Những lời Khốn cho của Đức Giêsu cách đây hai mươi thế kỷ
vẫn còn nguyên giá trị cho Hội Thánh của các Kitô hữu hôm nay.
Để có thể xây dựng một Hội Thánh Việt Nam cho kỷ nguyên mới,
chúng ta cần tránh những lỗi của người xưa.
Cầu nguyện
Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các Kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
12 THÁNG MƯỜI
Muối Và Ánh Sáng Cho Trần Gian.
Trước khi được tung vào khắp thế giới, các Tông Đồ đã cùng với Đức Maria, Mẹ Giáo Hội, cầu nguyện và chờ đợi để đón nhận Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu đã hứa gởi Thánh Thần, Đấng Phù Trợ, đến đưa dẫn các Tông Đồ vào toàn bộ chân lý và ban cho các ngài ân sủng để đáp lại tiếng gọi của Tin Mừng. Thật vậy, phải có sức mạnh của Thánh Thần, Giáo Hội mới có thể soi sáng cho mọi người. Chỉ nhờ Thánh Thần, Giáo Hội mới có thể trở thành muối và ánh sáng cho trần gian (Mt 5, 13-14). Chỉ nhờ Thánh Thần, Giáo Hội mới có thể canh tân và cứu độ mọi người, đem họ đến cùng Chúa Kitô.
Khi Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin lần đầu tiên được chính thức thành lập, đó cũng là giai đoạn sôi động của những khám phá lớn lao về các vùng đất mới. Những thế giới mới mở ra vẫy gọi bước chân các nhà truyền giáo của Giáo Hội. Và nhu cầu thiết lập một cơ chế để phục vụ cho mục đích rao giảng Tin Mừng trở thành cấp thiết hơn bao giờ.
Ngày nay, chúng ta đang ở trong một thời đại khác hẳn. Công cuộc thám hiểm trái đất đã hoàn tất. Tất cả các lục địa đều đã mở ra sẵn sàng đón nhận sứ điệp của Tin Mừng, với những giáo hội tươi trẻ và đầy triển vọng. Một mùa gặt bội thu đang mời gọi những thợ gặt có khả năng là ánh sáng và muối cho trần gian.
Hai ngàn năm lịch sử Giáo Hội, xét về mặt địa dư thì Tin Mừng đã được loan báo cho toàn thể thế giới. Nhưng trong bối cảnh sứ vụ loan báo Tin Mừng của mình, Giáo Hội không quên bổn phận thăng tiến con người, phát triển xã hội và bảo vệ các quyền của con người.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 12/10
Gl 5, 18-25; Lc 11, 42-46.
Lời Suy Niệm: “Đức Giêsu nói: Khốn cho các ngươi nữa, hỡi các nhà thông luật! Các ngươi chất lên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các ngươi, thì dù một ngón tay cũng không đụng vào.”
Chúa Giêsu đang nhắc nhở tất cả những ai đang hiểu biết; đang làm trưởng các cộng đoàn cần phải để ý đến những gì mình đòi hỏi nơi những thành viên trong nhóm, trong đoàn phải hy sinh cái này cái khác, phải thực hiện điều này điều nọ, còn chính mình thì lại không thực thi, không đóng góp mà lại đòi có một tổng kết tốt đẹp.
Lạy Chúa Giêsu, chất gánh nặng trên vai người anh em là một tật xấu mà tất cả mỗi người trong chúng con đều đang mắc phải. Xin Chúa cho chúng con biết sửa mình, canh tân đời sống mình bằng Lời Chúa, để sống đức ái hầu giúp nhau trong việc thực thi Lời Chúa.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
12 Tháng Mười
Người Nữ Tu Khó Tính
Thánh nữ Têrêxa hài đồng Giêsu được trao phó cho công việc trông coi một chị nữ tu già bị bất toại. Người nữ tu già này nổi tiếng là một người khó tính trong nhà dòng. Têrêxa phải dìu bà đi từng bước. Một chút thiếu sót cũng đủ cho Têrêxa bị trách móc. Bà không một lần nói lên một tiếng cám ơn. Thế nhưng Têrêxa vẫn luôn tỏ ra vui tươi hồn nhiên và chịu đựng tất cả vì thánh nữ yêu mến Chúa và vì Tình Yêu Chúa, thánh nữ yêu mến người nữ tu già đáng thương này.
Tình yêu đối với Chúa thường không tỏ hiện bên ngoài. Dấu hiệu bên ngoài của tình yêu mến đối với Chúa chính là yêu mến tha nhân. Và chúng ta chứng tỏ tình yêu đối với tha nhân không những bằng lời nói nhưng nhất là bằng hành động, bằng sự nhẫn nhục, tha thứ và cảm thông.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư – Tuần 28 – TN2 – Năm Chẵn
Bài đọc: Gal 5:18-25; Lk 11:42-46.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hai lối sống: theo Thánh Thần hay theo xác thịt.
Đối phương của Thánh Phaolô tố cáo: Vì muốn chiêu mộ nhiều tín hữu nên Phaolô rao truyền một thứ đạo quá dễ dàng: chỉ cần tin mà không cần giữ Lề Luật. Thánh Phaolô trả lời cho họ bằng cách phân biệt 2 lối sống: theo Thánh Thần và theo Lề Luật. Ngài tố cáo họ đã sống theo lối sống thấp hèn của Lề Luật. Những người đặt niềm tin nơi Chúa Kitô sống một lối sống cao hơn mà Lề Luật không bao giờ có thể đạt tới, đó là lối sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng vạch ra những tật xấu của các Kinh-sư và Luật-sĩ vì lối sống theo Lề Luật của họ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: So sánh hai lối sống: theo Thánh Thần và theo xác thịt (Lề Luật)
Theo đạo lý của Thánh Phaolô: Con người trở nên công chính không bằng việc giữ Lề Luật, nhưng bằng niềm tin vào Đức Kitô thể hiện qua đức bác ái. Tương xứng với đạo lý này là hai lối sống: nếu một người chọn trở nên công chính theo Lề Luật, người ấy sẽ sống theo lối xác thịt; nếu một người chọn trở nên công chính bằng niềm tin vào Đức Kitô, người ấy sẽ để cho Thánh Thần hướng dẫn, và không còn lệ thuộc Lề Luật nữa.
1.1/ Lối sống theo xác thịt: Thánh Phaolô liệt kê một số các dấu hiệu của lối sống theo xác thịt:
– dâm dục, ô uế, hoang đàng: để thỏa mãn những dục vọng thấp hèn của xác thịt;
– thờ bụt thần, dùng phù phép: không tin tưởng nơi sức mạnh của Thiên Chúa;
– hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận: hòan tòan ngược lại với đức bác ái;
– tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ: không xây dựng sự hiệp nhất trong cộng đòan;
– say sưa, chè chén: để thỏa mãn nhu cầu ăn uống của xác thịt.
Nếu một người để mình sống theo những khuynh hướng này, Thánh Phaolô cảnh cáo: “Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa.”
1.2/ Lối sống theo Thánh Thần: Thánh Phaolô liệt kê 9 dấu hiệu cuả lối sống theo Thánh Thần mà ngài gọi là hoa quả của Thánh Thần. Đây là những nhân đức mà con người có thể luyện tập được khi để cho Thánh Thần hướng dẫn:
(1) Bác ái (Charity): hoa quả đầu tiên và quan trọng nhất của lối sống theo Thánh Thần;
(2) Hoan lạc (Joy): niềm vui trong tâm hồn chứ không phải niềm vui vì lợi lộc vật chất;
(3) Bình an (Peace): không sợ hãi trước một đau khổ nào, vì luôn tin nơi Thiên Chúa;
(4) Đại lượng (Generosity): không lấy ác báo ác, nhưng luôn rộng lượng tha thứ;
(5) Tử tế (Kindness): sẵn sàng giúp đỡ những người cần đến và tử tế với mọi người;
(6) Từ tâm (Goodness): có lòng thương xót cho mọi người;
(7) Hiền hoà (Gentleness): không to tiếng la lối, chửi mắng, hay đánh đập người khác;
(8) Trung tín (Faithfulness): trung thành với những gì đã thề hứa dẫu gặp khó khăn;
(9) Tiết độ (Self-control): tự chủ trong mọi lãnh vực ăn, uống, ngủ, và hưởng thụ.
Giáo Hội, trong Sách GLCG, số 1832, liệt kê thêm 3 hoa quả của Chúa Thánh Thần:
(10) Kiên nhẫn (Patience): không dễ thay đổi khi phải đương đầu với khó khăn;
(11) Đơn giản (Modesty): không để cho của cải vật chất chi phối cuộc đời;
(12) Trong sạch (Chastity): giữ thể xác và tâm hồn luôn trong trắng.
Thánh Phaolô khẳng định: “Không có luật nào chống lại những điều như thế.” Hơn nữa, Lề Luật chỉ có thể ngăn cấm con người để đừng phạm tội, nhưng không thể giúp cho con người sống theo những tiêu chuẩn cao thượng như thế. Nhưng những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào Thập Giá cùng với các dục vọng và đam mê. Đồng thời, Thánh Thần của Đức Kitô sẽ giúp con người đạt được mức tòan thiện của cuộc sống.
2/ Phúc Âm: Tai hại của việc sống theo Lề Luật
2.1/ Chúa Giêsu mắng chửi các Biệt-phái: Thuế Thập Phân là 10% cho tất cả các hoa mầu ruộng đất, trả trực tiếp cho những người Levites; và họ sẽ trả 10% những gì họ thu được cho các tư tế. Chúa Giêsu không kết tội họ vì bắt người ta nộp thuế Thập Phân, nhưng trách họ về bốn tội sau đây:
(1) Xao lãng lẽ công bằng: cất giấu các lợi nhuận thu được để dùng riêng;
(2) Thiếu lòng yêu mến Thiên Chúa: vì quá chú trọng đến các nghi lễ bên ngòai (Mk 7:6);
(3) Thích hư danh: thích ngồi ghế đầu trong hội đường để mọi người nhìn thấy, thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng để thấy mình quan trọng;
(4) Đánh lừa thiên hạ: “Các người như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay.” Lề luật dạy: hễ động vào mồ mả là trở thành ô uế cho dù có biết hay không. Chúa ví các Kinh-sư cũng nguy hiểm như các mồ mả không làm dấu vì sự giả hình của họ.
2.2/ Mắng chửi các Luật-sĩ: Lề Luật tự nó không xấu mà còn giúp để giữ trật tự; nhưng Chúa mắng chửi các Luật-sĩ vì họ lợi dụng Lề Luật để ức hiếp tha nhân. Ví dụ: để tránh giữ luật đi xa trong ngày Sabbath, họ dùng giây để làm cho giới hạn của nhà họ được rộng lớn hơn; để lấy tài sản của một người phải giúp cha mẹ, họ dùng luật Coban: của dâng cho Thiên Chúa không ai được đụng tới (Mk 7:11). Và còn trăm ngàn cách khác họ có thể đi chung quanh để buộc tội người khác và kiếm lợi nhuận cho mình. Vì thế, Đức Giêsu nói với họ: “Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Người Công Giáo không phải là người chỉ tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô rồi muốn làm gì thì làm; nhưng họ phải từ bỏ lối sống theo xác thịt và học sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần.
– Mười hai dấu hiệu để thấy nếu một người sống theo lối sống của Thánh Thần: bác ái, vui tươi, bình an, kiên nhẫn, đại lượng, trung thành, từ tâm, tốt lành, hiền hậu, đơn giản, tiết độ, và trong sạch.
– Ngược lại lối sống theo Thánh Thần là lối sống theo xác thịt hay Lề Luật mà Chúa Giêsu mắng chửi các Kinh-sư và Luật-sĩ. Họ coi thường Thiên Chúa, háo danh, và dùng Lề Luật để đối xử bất công và đánh lừa tha nhân.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************