Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Tư Tuần V Mùa Thường Niên Năm lẻ
BÀI ĐỌC I: St 2, 4b-9. 15-17 (Hr 5-9. 15-17)
“Thiên Chúa đặt con người vào vườn địa đàng”.
Trích sách Sáng Thế.
Trong ngày Thiên Chúa tạo dựng trời đất, thì chưa có bụi cây nào mọc ngoài đồng, không có một cây rau cỏ nào nẩy mầm ngoài đồng ruộng, vì Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa rơi xuống đất, và chưa có người để trồng trọt, nhưng lúc đó mạch nước từ đất vọt lên, tưới khắp mặt đất. Vậy Thiên Chúa lấy bùn đất nắn thành con người, thổi sinh khí vào lỗi mũi và con người trở thành một vật sống.
Thiên Chúa lập một vườn tại Eđen về phía đông và đặt vào đó con người mà Ngài đã dựng nên. Thiên Chúa cho từ đất mọc lên mọi thứ cây trông đẹp, ăn ngon, với cây sự sống ở giữa vườn, và cây biết lành dữ.
Vậy Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn địa đàng, để họ trồng tỉa và coi sóc vườn. Và Thiên Chúa truyền lệnh cho con người như sau: “Ngươi được ăn mọi thứ trái cây trong vườn, nhưng chớ ăn trái cây biết lành dữ, vì ngày nào ngươi ăn nó, ngươi sẽ phải chết”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 103, 1-2a. 27-28. 29bc-30
Đáp: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa (c. 1a).
Xướng:
1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, lạy Chúa là Thiên Chúa của con, Ngài rất ư vĩ đại! Ngài mặc lấy oai nghiêm huy hoàng, ánh sáng choàng thân như mang áo khoác. – Đáp.
2) Hết thảy mọi vật đều mong chờ ở Chúa, để Ngài ban lương thực cho chúng đúng thời giờ. Khi Ngài ban cho thì chúng lãnh, Ngài mở tay ra thì chúng no đầy thiện hảo. – Đáp.
3) Ngài rút hơi thở chúng đi, chúng chết ngay, và chúng trở về chỗ tro bụi của mình. Nếu Ngài gởi hơi thở tới, chúng được tạo thành, và Ngài canh tân bộ mặt trái đất. – Đáp.
ALLELUIA: Ga 15, 15b
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 7, 14-23
“Những gì từ con người ta xuất ra, đó là cái làm cho người ta ra ô uế”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu lại gọi dân chúng mà bảo rằng: “Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người ta xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Ai có tai để nghe thì hãy nghe”.
Lúc Người lìa dân chúng mà về nhà, các môn đệ hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn ấy. Người liền bảo các ông: “Các con cũng mê muội như thế ư? Các con không hiểu rằng tất cả những gì từ bên ngoài vào trong con người không thể làm cho người ta ra ô uế được, vì những cái đó không vào trong tâm trí, nhưng vào bụng rồi xuất ra”. Như vậy Người tuyên bố mọi của ăn đều sạch. Người lại phán: “Những gì ở trong người ta mà ra, đó là cái làm cho người ta ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
13/02/2019 – THỨ TƯ TUẦN 5 TN
Mc 7,14-23
ĐIỀU LÀM CHO Ô UẾ
“Chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7,15)
Suy niệm: Môi trường thiên nhiên ngày nay đang bị ô nhiễm trầm trọng chẳng phải tự nó làm cho nó ô uế. Chính từ tâm địa xấu xa của con người dẫn đến những hành động làm cho môi trường bị ô uế và làm hại ngược lại con người sống trong đó. Thức ăn tự nó chẳng phải là thứ gì ô uế và không làm cho ô uế tâm hồn người ăn nó. Tâm hồn người ta bị ô uế là do lòng dạ xấu xa của họ. Từ tấm lòng xấu mới xuất ra những thứ xấu xa. “Lòng đầy thì mới nói ra.” Đức Giê-su liệt kê một loạt tội lỗi làm cho con người ra ô uế và chúng phát xuất từ lòng xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tội lỗi bắt nguồn từ trong ý muốn, trong lòng. Nếu có hành động biểu lộ ra bên ngoài thì đó chỉ là biểu hiện của cái lòng đã phạm tội.
Mời Bạn: Những tội lỗi được Đức Giê-su liệt kê vốn xuất phát từ lòng xấu của con người. Kể ra những tội lỗi xấu xa này, Đức Giê-su không có chỉ khuyên phải tránh những tội lỗi ấy, vì đó chỉ là cách “chữa bệnh theo triệu chứng”; nhưng Người muốn truy đến tận nguồn gốc phát sinh ra tội là lòng người, vì cỏ phải nhổ tận gốc, bệnh phải chữa tận căn. Bạn có thể nhận thấy mình có tội, nhưng bạn đã biết đâu là gốc rễ tội lỗi đó, đâu là “mối tội đầu” của bạn chưa?
Sống Lời Chúa: Mỗi khi kiểm điểm đời sống thấy mình phạm tội này tội kia, mời bạn xét thêm động lực nào đã tác động khiến bạn làm như thế.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Giáo Hội Chúa là thánh thiện, nhưng con cái Giáo Hội là những tội nhân. Xin cho chúng con khi nỗ lực canh tân Giáo Hội thì trước hết hãy nỗ lực canh tân lòng mình.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
13 THÁNG HAI
Theo Đuổi Kỷ Luật Bản Thân
Thánh Phao-lô nhấn mạnh đến ý nghĩa tâm linh của thể thao: “Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều” (1Cr 9, 25). Ngài nhận thức rằng sự quân bình, kỷ luật bản thân, sự điều độ và nhất là nhân đức là những yếu tố không thể thiếu trong hoạt động thể thao.
Để trở thành một vận động viên chân chính, người ta cần phải trung thực với chính mình và với người khác. Người ta cần có lòng trung thành và nghị lực tinh thần hơn cả sức lực thể lý. Người ta phải biết kiên trì, phải có tinh thần cộng tác, tính cách hào hiệp, lòng quảng đại, thái độ cởûi mở bao dung. Tất cả những điều ấy đều là những đòi hỏi của một căn bản đạo đức. Nhưng, Tông Đồ Phao-lô còn thêm: “Các vận động viên làm thế để chiến thắng một triều thiên tạm bợ chóng qua, còn chúng ta, chúng ta nhắm đến một triều thiên vĩnh cửu”. Qua những lời ấy, chúng ta tìm thấy sự phác họa một nền đạo đức thể thao và thậm chí một nền thần học soi sáng cho tất cả các giá trị của thể thao.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 13/2
St 2, 5-9. 15-17; Mc 7, 14-23.
LỜI SUY NIÊM: Sau đó Đức Giêsu lại gọi đám đông tới và bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ. Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế, nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.”
Đối với các kinh sư và người Pharisêu họ xem trọng việc giữ luật bên ngoài; như phải rửa tay trước, không được dụng vào người phung hủi . Để khỏi phải ô uế, hay là không làm bất cứ việc gì trong ngày Sabát kể cả việc chữa lành cho bệnh nhân, để tỏ lòng thờ phượng Thiên Chúa. mà chẳng đếm xỉa gì đến cảm xúc nội tâm, để rồi đánh giá nhau. Chúa Giêsu thấy rõ những điều đó nên Chúa đã mời gọi mọi người hãy nghe cho rõ; Người nói: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế.” Nhưng chính những cái từ con người xuất ra, như là: “Những ý định xấu – tà dâm – trộm cắp – giết người – ngoại tình – tham lam – độc ác – xảo trá – trác táng – ganh tỵ – phỉ báng – kiêu ngạo – ngông cuồng.” Là cái làm cho con người ra ô uế.”
Lạy Chúa Giêsu. Chúa đã công khai đưa ra mười ba tính hư tật xấu làm hư hại con người. Xin cho mỗi người trong chúng con biết từ bỏ và tránh xa mười ba điều xấu đó. Để chúng con được sống trong tình thương của Chúa và của người anh em.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
13 Tháng Hai
Mang Tên Một Vị Thánh
Hiện nay, những người vẽ bản đồ tại Liên Xô đang phải điên đầu vì tên của các thành phố. Khắp nơi trong toàn lãnh thổ, dân chúng yêu cầu hoàn lại tên cũ cho thành phố, tên mà Stalin và những người kế vị của ông đã xóa bỏ. Tại Leningrat chẳng hạn, dân chúng yêu cầu đòi lại đô thị của họ với tên cũ là Petersburg hay St. Petersburg, nghĩa là đô thị của Thánh Phêrô. Ðây là một trong những đề tài nóng bỏng mà hội đồng thành phố đang đưa ra thảo luận. Trong một chương trình truyền hình địa phương người hướng dẫn chương trình đã tránh dùng tên Lenigrat mà lại gọi tắt là Peter, nghĩa là tên gọi cũ của đô thị. ngững người yêu cầu hoàn trả tên cũ lại cho các đô thị nói rằng: cũng như những người có quyền giữ tên cha sinh mẹ đẻ của mình, thì cũng thế, một đô thị cũng phải được quyền giữ tên khai nguyên của nó.
Tại cộng hòa Georgia, trường đại hoạc kỹ thuật Tbilisi đã xóa bỏ tên của Lênin và ngay cả tượng của ông cũng bị đạp đổ. Tại nhiều nơi khác, người ta cũng xóa bỏ tên mới của các đô thị để lấy lại tên cũ vốn đã có từ thời các đô thị này được thiết lập. Gorky sẽ được phục hồi lại như trước kia là Novgorod. Bezhnev sẽ được mang tên cũ là Nabereznye, Zhadanov sẽ được phuc hồi là Mariupol, nghĩa là đô thị của Ðức Maria.
Mỗi người chúng ta, khi chịu phép rửa cũng đều mang một tên mới. Chúng ta thường gọi đó là tên thánh. Thánh bởi vì đó là tên của một vị Thánh, nhưng thánh bởi vì tất cả chúng ta đều được mời gọi để nên thánh, hay nói như Thánh Phaolô, tất cả chúng ta đều là những người thánh. Thật thế, nhờ Phép Rửa, người tín hữu Kitô được tham dự vào chính sự thánh thiện của Thiên Chúa; nhờ Phép Rửa, người tín hữu Kitô trở thành Ðền Thờ thánh thiện của Chúa Thánh Thần.
Ðó là nguồn gốc, là căn tính của người Kitô chúng ta. Mang lấy tên của một vị thánh, người Kitô luôn được nhắc nhở rằng bản chất của họ chính là nên thánh, nguồn gốc của họ chính là sự thánh thiện. Chính vì nguồn gốc ấy, cho nên họ luôn được mời gọi để làm việc thiện, để cầu nguyện, để chịu đựng, để sống tử tế, để sống vui tươi, để sống phục vụ. Nói tóm lại, vì thông dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa, người Kitô luôn được mời gọi để sống như Ðức Kitô, Ðấng qua cái chết và sự Phục Sinh, đã thể hiện chính sự thánh thiện của Thiên Chúa.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 5 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: Gen 2:5-9, 15-17; Mk 7:14-23.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cái gì làm con người ra xấu xa tội lỗi?
Có người cho là việc sống gần gũi với những kẻ tội lỗi, vì “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra, chứ không nhất thiết phải xảy ra. Chẳng hạn, người quân tử “sống gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.” Hay như Chúa Giêsu chủ trương: Ngài như một thầy thuốc đến tìm các con bệnh để chữa lành, mặc dù các biệt-phái và kinh-sư nghĩ Ngài cũng tội lỗi như những người thu thuế và gái điếm, nều Ngài giao thiệp với họ.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh đề tài “cái gì làm con người ra xấu xa tội lỗi.” Trong Bài Đọc I, tác-giả tường thuật một trình thuật khác về việc tạo dựng. Thiên Chúa tạo dựng nên con người và đặt ông vào Vườn Địa Đàng mà Ngài đã tạo dựng sẵn. Thiên Chúa truyền lệnh: Con người có thể ăn mọi trái cây trong Vuờn, ngọai trừ cây cho biết thiện và ác. Lệnh truyền này dẫn tới sự sa ngã của con người trong ít ngày tới, khi con người bất tuân lệnh Thiên Chúa. Chính hành động bất tuân này làm cho con người nhận ra sự xấu xa tội lỗi của mình. Trong Phúc Âm, truyền thống Do-Thái cho con người ra xấu xa tội lỗi là vì không cẩn thận giữ các luật thanh tẩy. Chúa Giêsu phủ nhận truyền thống này khi Ngài tuyên bố chỉ có những gì phát ra từ tâm hồn, mới làm con người ra xấu xa tội lỗi mà thôi.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Một trình thuật khác về việc tạo dựng
“Ngày Đức Chúa là Thiên Chúa làm ra đất và trời, chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên mặt đất, chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên, vì Đức Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất và không có người để canh tác đất đai. Nhưng có một giòng nước từ đất trào lên và tưới khắp mặt đất. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. Rồi Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Eden, về phía Đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra.”
1.1/ Phân biệt 2 trình thuật khác nhau về việc tạo dựng vũ trụ, P và J: Nếu một người chú ý đến việc thay đổi cách gọi Thiên Chúa, người đó sẽ thấy có 2 trình thuật khác nhau về việc tạo dựng. Các nhà chú giải phân biệt 2 trình thuật tạo dựng khác nhau trong việc tạo dựng. Trình thuật của truyền thống giáo sĩ, P, gọi “Thiên Chúa;” trong khi trình thuật Yahweh, J, gọi “Đức Chúa là Thiên Chúa.” Kiểu trình thuật của J sống động và cụ thể hơn P. Kiểu mô tả về Thiên Chúa có vẻ con người hơn. Tổng quan nhắm tới trái đất và con người, chứ không tới vũ trụ và thần tính như P.
Theo nội dung của tòan thể trình thuật theo J, việc tạo dựng là phần giới thiệu vào việc sa ngã, và là hệ quả của sự xa cách dần dần giữa con người và Thiên Chúa. Tất cả những điều này là phần giới thiệu của những câu truyện của các Tổ-phụ, và cách tối hậu, cho những hành động cứu con người trong biến cố Xuất Hành. Vì thế, trình thuật của việc tạo dựng theo J, cũng như theo P, là bắt đầu của Lịch sử Cứu Độ.
Cũng như trình thuật của P, tác-giả nhấn mạnh đến tất cả là do Thiên Chúa tạo dựng. Ngài tạo dựng nên con người và ban cho người sự sống bằng cách “thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.” Điều này làm cho con người khác với các sinh vật khác, vì sự sống của con người là chính hơi thở của Thiên Chúa. Thiên Chúa làm lên Vườn Địa Đàng Eden, và đặt con người vào đó. Nước để tưới cũng do Thiên Chúa dựng nên thay vì đã có sẵn như trình thuật của P. Theo tiếng Do-Thái, con người “adam” và đất “adamah” có chung mối liên hệ: con người bởi đất mà ra (câu 7); con người xử dụng đất để sinh sống (câu 5b); và con người sẽ trở về với đất (3:19).
1.2/ Lệnh truyền của Thiên Chúa cho con người:
(1) Hai cây hay một cây? Trình thuật kể: “Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác.” Theo câu này, có 2 cây ở giữa vườn: cây trường sinh và cây cho biết điều thiện điều ác. Chúng ta sẽ trở lại điều này trong trình thuật về sự sa ngã của con người.
(2) Lệnh truyền của Thiên Chúa: Đức Chúa là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết.” Hạnh phúc của con người có được là do việc tuân giữ lệnh truyền của Thiên Chúa. Tội lỗi và chết chóc xảy ra là khi con người bật tuân lệnh Ngài.
2/ Phúc Âm: Con người lẫn lộn giữa nhơ bẩn bên ngòai và xấu xa tội lỗi bên trong.
2.1/ Truyền thống Do-Thái và việc thanh tẩy: Họ tin việc giữ luật thanh tẩy không phải là cho những lý do vệ sinh bên ngòai; nhưng là cho sự thanh sạch bên trong để xứng đáng dâng lễ vật cho Thiên Chúa và được Ngài nhận lời cầu xin. Ví dụ, nếu một tư-tế đụng phải xác chết, ông sẽ không thanh sạch để dâng lễ vật; ăn vật dơ bẩn làm ô uế tòan thể con người.
2.2/ Giáo huấn về sự thanh sạch của Chúa Giêsu:
(1) Phân biệt giữa nhơ bẩn thân xác và xấu xa tâm hồn. Chúa Giêsu giải thích: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được… Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài?” Tác giả dùng cẩn thận 2 danh từ Hy-Lạp khác nhau: tim, “kardia” và bao tử, “koilia.”
Thực phẩm có dơ bẩn đến đâu chăng nữa, cũng không thể làm tâm lòng con người ra xấu xa tội lỗi; vì thực phẩm không thể nào vào tim, nhưng qua bao tử và rồi những chất dơ được thải ra ngòai. Thực phẩm có thể làm cho con người bệnh về phần xác, nhưng không bao giờ có thể đem bệnh tật về phần linh hồn.
(2) Xấu xa tội lỗi bên trong gây thiệt hại hơn: Chúa Giêsu tiếp tục giải thích: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.” Ngài có ý muốn nói cho họ biết Thiên Chúa là Đấng nhìn thấu suốt mọi sự trong tâm hồn con người. Họ không thể đánh lừa Thiên Chúa bằng việc quan sát qua loa những luật lệ thanh tẩy bên ngòai. Rất nhiều lần trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước, Thiên Chúa đã từng nói với họ: của lễ Ngài ưa thích không phải là những hiến tế hay nghi lễ bên ngòai, nhưng là một tâm hồn thống hối và một trái tim ước muốn thi hành thánh ý của Thiên Chúa.
Lối giải thích của Chúa Giêsu đảo ngược những giá trị mà người Do-Thái vẫn tin từ bao đời. Họ khó chịu vì Chúa Giêsu đã vô hiệu hóa bao nhiêu Luật thanh tẩy của họ. Rất khó cho họ chấp nhận cách giải thích của Chúa Giêsu, vì một số trong họ, như 7 anh em nhà Maccabees sẵn sàng chấp nhận cái chết chứ không ăn thịt heo mà họ coi là con vật dơ bẩn.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Điều làm con người ra xấu xa tội lỗi không phải là thực phẩm, hòan cảnh, hay làm bạn với tội nhân; nhưng chính là những ước muốn và việc làm xấu của con người.
– Chúng ta không thể đánh lừa Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi sự trong tâm hồn, bằng những lễ nghi và lề luật hời hợt bên ngòai.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************