Ngày thứ tư (13-09-2023) – Trang suy niệm

12/09/2023

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Tư. Thánh Gioan Kim Khẩu

BÀI ĐỌC I: Cl 3, 1-11

“Anh em đã chết với Đức Kitô. Vậy anh em hãy kiềm chế các chi thể anh em”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Đức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Đức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Đức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang.

Vậy anh em hãy kiềm chế các chi thể anh em, tức là những điều trần tục: là sự gian dâm, ô uế, dục tình, đam mê xấu xa và hà tiện, tức là sự thờ phượng thần tượng. Vì những tội ấy mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống trên những người con phản nghịch. Xưa kia anh em cũng đã sống trong những tội ấy, khi anh em sống trong những thói hư nết xấu đó. Nhưng bây giờ, anh em hãy loại bỏ tất cả những điều đó, là sự giận dữ, phẫn nộ, độc ác, phạm thượng, và lời tục tĩu bởi miệng anh em. Anh em chớ nói dối với nhau; anh em hãy lột bỏ người cũ cùng các việc làm của nó, và mặc lấy người mới, con người được đổi mới theo hình ảnh của Đấng đã tạo thành nó: ở đấy không còn Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, người man rợ hay người Scytha, nô lệ hay tự do nữa; nhưng Đức Kitô là mọi sự và ở trong mọi sự.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 144, 2-3. 10-11. 12-13ab

Đáp: Chúa hảo tâm với hết mọi loài (c. 9).

1) Hằng ngày con sẽ chúc tụng Chúa, và con sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen, sự vĩ đại của Chúa không thể đo lường được.

2) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài.

3) Để con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời; chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ.

ALLELUIA: Ep 1, 17-18

All. All. – Xin Chúa Cha của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cho mắt tâm hồn chúng ta được sáng suốt, để chúng ta biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi chúng ta. – All.

PHÚC ÂM: Lc 6, 20-26

“Phúc cho những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn các môn đệ và nói:

“Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ các ngươi như kẻ bất lương, ngày ấy các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế. “Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả”.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

13/09/2023 – THỨ TƯ TUẦN 23 TN

Th. Gio-an Kim Khẩu, giám mục, tiến sĩ HT

Lc 6,20-26

NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚC PHÚC

Khi ấy, Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó. Khốn cho các người là những kẻ giàu có.” (Mt 14,28)

Suy niệm: Khác với Tin Mừng Mát-thêu khi công bố Hiến Chương Nước Trời, Tin Mừng Lu-ca hôm nay khi ghi lại lời công bố các mối phúc của Chúa thì có kèm theo những lời “chúc dữ” nữa. Ở bản văn Tin Mừng Lu-ca, Đức Giê-su đưa ra lời chúc phúc để khuyến thiện và thúc đẩy mọi người sống thánh thiện bằng cách vui vẻ đón nhận cuộc sống hiện tại với những nghịch cảnh, khó khăn và coi đây là những cách thế để sống tốt lời Chúa mời gọi nên thánh. Đồng thời Chúa Giê-su cũng nêu lên những lời cảnh cáo khi đưa ra các “mối họa” để các tín hữu cần cảnh giác để phòng tránh trên bước đường hoàn thiện của mình.

Mời Bạn: Bước theo Chúa Giê-su là bạn đang đi con đường dẫn tới sự thánh thiện. Tuy nhiên, cuộc đời lữ thứ có nhiều thử thách gian nan và chúng ta được mời gọi để “thánh hóa” những nghịch cảnh đó để nên phương tiện đạt tới Nước Trời. Đồng thời chúng ta cũng được nhắc nhở hãy cẩn trọng trước những thực tại trần gian bởi đó có thể là mối nguy, là sự cản trở chúng ta trên bước đường theo Chúa.

Sống Lời Chúa: Mời bạn chọn một trong bốn mối phúc để làm phương châm cho cuộc sống với hai điều quyết tâm: một điều cần tránh và một điều phải làm để thăng tiến trên con đường nên thánh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, trên đường về quê trời, chúng con theo Chúa với nhiều thách thức và cơ hội. Xin cho chúng con luôn biết chọn Chúa và thánh ý Chúa trong mỗi ngày sống của mình. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Một học sinh nghèo trả lại chiếc bóp lượm được.
Một giáo viên kiên trì theo đuổi nghề giáo.
Một cán bộ về hưu trong cảnh thanh bạch.
Một bạn nữ bỏ chỗ làm có thu nhập cao…
Một nhân viên từ chối những đồng tiền hối lộ.
Giữa cuộc sống khó khăn,
vẫn có bao người không bị mê hoặc bởi bạc tiền.
Họ chọn sống trong cảnh nghèo,
lam lũ hơn, nhưng vui hơn và thanh thản hơn.
Vẫn có bao người nếm được mối phúc của Tin Mừng:
“Phúc cho anh em là những người nghèo khó,
Vì Nước Trời là của anh em”.

Người đời thường coi hạnh phúc bắt nguồn
từ giàu sang, no đủ, từ danh thơm tiếng tốt.
Đức Giêsu đưa chúng ta đi vào một thế giới khác,
với lối đánh giá khác, làm chúng ta ngỡ ngàng.
Ngài cho các môn đệ của Ngài biết rằng:
họ là những người có phúc,
khi phải chịu nghèo đói, đau khổ, bách hại vì Ngài.
Nước Trời đã thuộc về họ từ đây,
và hạnh phúc sẽ trọn vẹn trong ngày sau hết.

Đức Giêsu đã sống những mối phúc trước chúng ta.
gài là một người thợ thủ công nghèo,
Ngài biết đến sự dày vò của cơn đói,
Ngài đã từng nhỏ lệ trước thành Giêrusalem,
và đã chịu mọi khổ hình cho đến chết.
Nhưng Đức Giêsu là con người hạnh phúc,
vì biết mình luôn sống cho Cha và con người.
Chúng ta cần có kinh nghiệm của Đức Giêsu:
Nghèo của cải mà thật giàu Nước Thiên Chúa.

Đức Giêsu chúc phúc cho những môn đệ nghèo của Ngài,
nhưng Ngài không ca ngợi sự bần cùng, lạc hậu.
Cả cuộc đời Ngài là một hành vi cúi xuống
để nâng dậy những ai nghèo sức khoẻ, nghèo niềm vui.
Hôm nay Ngài muốn chúng ta
đến với khu lao động, với lớp học tình thương,
xóa đi cái nghèo tri thức, nghèo những ước mơ cao cả.
Sự no đủ và niềm vui phải bắt đầu từ đời này.
Ước gì chúng ta sống như Đức Kitô,
tự nguyện trở nên nghèo hơn
để làm giàu cho người khác (2 Cr 8,9).

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,
xin cho con nhìn thấy những người nghèo
ở quanh con, ở trong gia đình con,
đang cần đến con.

Bất cứ ai cần đến con đều là người nghèo,
xin cho con thấy Chúa trong họ.

Dần dần con hiểu rằng
cả người giàu cũng nghèo,
nghèo vì cần thấy đời họ có ý nghĩa.

Dần dần con chấp nhận rằng
cả bản thân mình cũng nghèo
và cần đến người khác.

Lắm khi con cần một nụ cười, một ánh mắt,
một lời thăm hỏi đỡ nâng.

Cám ơn Chúa vì đã dựng nên chúng con
ai cũng nghèo về một mặt nào đó,
ai cũng cần đến người khác.
Như thế là chúng con được mời gọi sống cho nhau,
làm cho nhau thêm giàu có.

Cám ơn Chúa vì Chúa cũng nghèo,
vì Chúa rất cần đến chúng con
để hoàn thành công trình cứu độ.

Xin cho con khiêm tốn nhận mình nghèo
để nhận lãnh,
can đảm nhận mình giàu
để hiến trao. Amen. 

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

13 THÁNG CHÍN

Chạm Đến Tận Nguồn Sự Sống

Đức Kitô là Đường bởi vì Người là Sự Thật. Chính Người là câu trả lời cuối cùng cho câu hỏi “Thiên Chúa là ai ?” Đây là lời chứng của Tông Đồ Gioan: “Không ai từng xem thấy Thiên Chúa. Nhưng người Con Một của Thiên Chúa, Đấng ở bên cạnh Chúa Cha, đã mạc khải về Ngài. ” (Ga 1,18)

Qua Mầu nhiệm Nhập thể, Đức Giêsu Kitô tỏ bày tình yêu, lòng quan tâm và thương xót của Thiên Chúa hằng sống. Và Người bày tỏ như thế trong tư cách là Con của Đức Maria – là Thiên Chúa làm người – bằng một cách thế mà loài người có thể hiểu được.

Chúng ta đạt đến Thiên Chúa qua sự thật về chính Thiên Chúa và qua sự thật liên quan đến tất cả những gì tồn tại ngoài Thiên Chúa: qua tạo vật, là đại vũ trụ; và qua con người, là tiểu vũ trụ. Chúng ta đạt đến Thiên Chúa qua sự thật được công bố bởi Đức Kitô và qua sự thật là chính Đức Kitô. Chúng ta đạt đến Thiên Chúa nơi Đức Kitô, Đấng không ngừng tuyên bố: “Ta là sự thật”.

Đạt đến Thiên Chúa qua sự thật là Đức Kitô, đó quả thật là đạt đến nguồn mạch của mọi sự sống. Đây là nguồn mạch sự sống vĩnh cửu vốn bắt đầu ngay trên trần gian này trong “sự mịt mù của đức tin”. Chúng ta chịu đựng sự mịt mù này cho đến khi chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa diện đối diện trong ánh sáng vinh hiển của chính Ngài.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 13/9

Thánh Gioan Kim Khẩu, Giám mục

Tiến sĩ Hội Thánh

Cl 3, 1-11; Lc 6, 20-26.

Lời Suy niệm: Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em…  Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi…”

          Chúa Giêsu đang đưa ra bốn hoàn cảnh được Chúa cho là: “phúc cho anh em”; và bốn hoàn cảnh mà Chúa cho là “khốn cho các ngươi”. Theo quan niệm của Thế gian thì nó hoàn toàn trái ngược nhau. Nhưng với ơn ban của Chúa, người Kitô hữu sẽ nhận thức được thế nào là Phúc thật và những gì là điều khốn nạn cho mình ngay hôm nay cũng như cho mai sau. Đây là một thách thức lớn với mỗi con người “hưởng hạnh phúc theo kiểu của thế gian hay hưởng hạnh phúc theo đường lối của Chúa.”

          Lạy Chúa Giêsu. Như lời của thánh Phaolô Tông Đồ cũng đang nhắc nhở chúng con: “Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hinh mới tôn tại vĩnh viễn” (2Cr 4,17-18). Xin cho chúng con đức khôn ngoan để đón nhận những lời chúc phúc của Chúa. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

NGÀY 13-09 THÁNH GIOAN KIM KHẨU – GIÁM MỤC, TIẾN SĨ HỘI THÁNH. (347 – 407)

Thánh Gioan Kim Khẩu sinh tại Antiôchia nước Syria, năm 347, cha Ngài là một sĩ quan quân đội, đã qua đời ít lâu sau khi Ngài sinh ra. Mẹ Ngài goá bụa vào tuổi đôi mươi đã từ khước tái hôn để dành trọn tình mẫu tử vào việc giáo dục con cái. Vì vậy thánh nhân liên tiếp được hướng dẫn sống đời cầu nguyện thinh lặng. Gioan còn được mẹ ký thác cho Libaniô, nhà hùng biện thời đó, dạy cho thuật ăn nói. Thánh nhân nhanh chóng bắt kịp rồi qua mặt thầy về khoa này. Một ngày kia, khi đọc bài tập của Gioan, Libanio đã phải thốt lên : – “Phúc cho những hoàng đế nào được tán tụng như vậy”.

Hai mươi tuổi, Gioan đã biện hộ trứơc tòa án với một tài năng đặc biệt khiến nhiều người thán phục. Gioan một thời gian đã để mình bị lôi cuốn theo nhiệt tình của dân chúng. Nhưng rồi Ngài đã sớm nhận ra mối nguy của danh vọng và dứt khoát giã từ pháp đình để tự hiến cho Thiên Chúa. Sau khi học thánh kinh, Ngài theo thánh Meletô (+381). Giám mục Antiochia, là đấng đã dạy dỗ, rửa tội và phong cho Ngài tác vụ đọc sách.

Năm 374, thánh Gioan ẩn mình trong miền núi Syria, thụ giáo với tư sĩ thánh thiện trong 4 năm. Sau đó Ngài ẩn mình trong một hang đá hai năm để cầu nguyện và học hỏi Kinh thánh. Ngã bệnh vì cuộc sống quá khắc khổ, Ngài trở lại Antiochia và được thánh Melatiô phong chức phó tế năm 318. Năm 386, Ngài thụ phong linh mục và bắt đầu giảng dạy, một phận vụ lúc ấy chỉ do các giám mục phụ trách. Suốt 38 năm, tài lợi khẩu của Ngài thật đăc biệt có sức lôi cuốn cả dân thành Antiochia.

Ngày 26 tháng 2 năm 398, thánh Gioan được tấn phong giám mục thành Constantinople. Ngài mau mắn sửa đổi lại tòa giám mục. Bán của cải, Ngài phân phát cho người nghèo khó và xây dựng một nhà thương, Ngài lo lắng nhổ tận gốc rễ những lạm dụng trong giáo đoàn. Với tất cả sự hùng biện, Ngài công kích những vô kỷ luật xa hoa, ngay tại triều đình. Bà vận động chống lại thánh nhân.

Ngài nói : – “Hãy nói với Hoàng Hậu rằng: Gioan Kim Khẩu chỉ sợ có một điều, không phải lưu đày tù tội, cũng không phải nghèo túng và phải chết đi nữa, mà chỉ sợ phạm tội thôi”.

Và Ngài đã bị lưu đày nơi Cucuusus ở Armenia. Đức giám mục tại đó tiếp đón Ngài nồng hậu. Đức giáo hoàng Innocentê I, gởi đặc sứ tới Constantinople triệu tập một công đồng để dàn xếp nội vụ. Nhưng các thành viên bị tống giam và thánh Gioan Kim Khẩu còn bị lưu đầy đi xa hơn nữa. Lúc ấy Ngài đã già nua. Cuối cùng Ngài bị bất tỉnh và được đưa vào nguyện đường thánh Basiliô gần miền Cappadocia. Nơi đây sau khi chịu các phép bí tích cuối cùng,

Ngài qua đời ngày 14 tháng 9 năm 407. Năm 438 xác thánh nhân được long trọng rước về Constantinople. Vị tân hoàng đế và em gái ông đã hối hận vì tội lỗi của cha mẹ họ.

Kim Khẩu có nghĩa là miệng vàng. Tài lợi khẩu và việc rao giảng đã khiến cho thánh nhân xứng đáng mang danh hiệu này. Tên Ngài cũng dính liền với phụng vụ thánh Gioan Kim Khẩu, thịnh hành ở Đông phương.

Tuy nhiên thánh nhân nổi tiếng vì chính con người của Ngài hơn là tài giảng thuyết. Ngài là một khuôn mặt có ảnh hưởng lớn lao và sống động thời đó. Qua các bài giảng của Ngài, chúng ta thấy phản ảnh một con người nhẫn nại và đầy sức sống. Qua các tác phẩm và nhất là qua các thư từ của Ngài, ngày nay chúng ta có được cảm giác sống động thế nào là một con người đầy nhân bản.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

13 Tháng Chín

Bộ Lông Chồn 

Tại những khu rừng ở miền Bắc Âu, có một loại chồn rất đẹp. Vào mùa hạ, lông chồn màu nâu nhạt. Nhưng vào mùa đông, lông chồn bỗng đổi màu và mang sắc trắng như tuyết, trừ có đầu và đuôi chồn vẫn giữ nguyên màu đen. Có lẽ do một bản năng kỳ lạ nào đó, những con chồn này giữ gìn bộ lông đẹp đẽ của mình rất cẩn thận. Chúng không bao giờ để thân thể dính bụi đất dơ bẩn.

Những người thợ săn Âu châu biết được đặc tính kỳ lạ này. Do đó, thay vì đặt bẫy để bắt chồn, họ đi tìm những khe đá hoặc gốc cây nơi chồn cư ngụ, rồi bôi nhựa đường lên. Sau đó, họ thả chó ra để bắt đầu săn đuổi. Những con chồn bị đuổi vội chạy về chỗ ở. Nhưng khi thấy nơi ở của mình bị hoen ố, chúng không chịu vào ẩn núp. Chúng đành chịu đương đầu với nguy hiểm và ngay cả sự chết, hơn là để thân thể hóa ra hoen ố…

Ðối với giống chồn đẹp đẽ trên đây, sự trong sạch còn quý hơn cả mạng sống: chúng sẵn sàng chiến đấu và chết hơn là để cho thân thể phải ra hoen ố.

Cuộc sống của người Kitô chúng ta cũng phải như thế. Ðược tái sinh trong Ðức Kitô Phục Sinh, mỗi người Kitô chúng ta được khoác lên chiếc áo trắng tinh tuyền. Chiếc áo trắng ấy, như lời khuyên của Giáo Hội trong ngày chúng ta chịu Phép Rửa, chúng ta phải mang nó tinh tuyền cho đến ngày ra trước mặt Chúa…

Cuộc sống nào cũng có chiến đấu. Cạm bẫy giăng mắc đầy các lối đi của chúng ta. Người Kitô không vì một chút lợi lộc, một chút an toàn giả hiệu để làm hoen ố chiếc áo tâm hồn của mình.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư – Tuần 23 – TN1  

Bài đọc: Col 3:1-11; Lk 6:20-26.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sống như Đức Kitô đã dạy.

Có nhiều tín hữu chỉ có đạo trên danh nghĩa, vì đã lãnh nhận Phép Rửa Tội; nhưng không chịu thi hành những gì Đức Kitô giảng dạy. Một cuộc sống như thế có giúp cho phần rỗi linh hồn họ không? Chúa Giêsu trả lời rất rõ ràng: “không phải tất cả những ai nói Lạy Chúa! Lạy Chúa! mà được vào Nước Trời; nhưng chỉ có những ai lắng nghe và thực hành Lời Chúa.”

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc giải thích tại sao con người cần sống đạo bằng cách thực hành Lời Chúa. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu Colossê: tuy họ đang sống nơi hạ giới, nhưng họ không được sống theo tiêu chuẩn và giá trị của hạ giới; mà phải luôn hướng lòng lên và sống theo tiêu chuẩn và giá trị của thượng giới. Lý do vì họ đã được chịu Bí-tích Rửa Tội. Trong Phúc Âm, thánh Luca mô tả thế nào là đời sống mới trong Đức Kitô bằng 4 mối phúc thật và 4 mối khốn khổ. Đức Kitô đã đảo lộn hoàn toàn tiêu chuẩn đánh giá trị của thế gian: những gì thế gian cho là phúc, Ngài cho là khốn khổ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hai tác động của Bí Tích Rửa Tội

Để hiểu những gì thánh Phaolô muốn dạy các tín hữu Colossê, chúng ta cần hiểu thần học ngài dạy về Bí-tích Rửa Tội: Khi được dìm mình trong nước, chúng ta dìm mình trong cái chết của Đức Kitô; và khi chúng ta trồi lên, chúng ta được chung hưởng vinh quang phục sinh với Ngài. Vì thế, hai ứng dụng trong đời sống mà các tín hữu phải làm:

1.1/ Giết chết những gì thuộc hạ giới: Vì được dìm mình trong nước Rửa Tội, các tín hữu phải rửa sạch các tội của mình. Ngài liệt kê những tội người tín hữu phải khai trừ: gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu, và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng. Phải từ bỏ những giận dữ, nóng nảy, độc ác, thoá mạ, và ăn nói thô tục. Người tín hữu không còn được sống theo ý mình, nhưng phải tìm ra và làm theo thánh ý Thiên Chúa. Họ phải sống theo sự thật, không được sống theo sự giả trá. Họ phải sống hiệp nhất và bác ái với mọi người; không được phân biệt Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, man di hay mọi rợ, nô lệ hay tự do, nhưng chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người.

1.2/ Tìm kiếm những gì thuộc thượng giới: Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Thánh Phaolô gọi việc lãnh nhận Bí-tích Rửa Tội là mặc lấy Đức Kitô. Khi mặc lấy Đức Kitô, các tín hữu phải sống cuộc sống mới như Đức Kitô sống: theo tiêu chuẩn của Nước Trời và làm theo thánh ý Thiên Chúa. Thánh Phaolô khẳng định về lối sống của chính Ngài: Tôi sống, nhưng không còn là tôi; nhưng là chính Đức Kitô sống trong tôi.

2/ Phúc Âm: Khốn khổ dưới mắt con người lại là phúc thật trước mặt Thiên Chúa.

Nếu Chúa Giêsu sống và rao giảng Tin Mừng này cho những con người hôm nay, không biết có mấy người dám theo Ngài; vì Ngài đảo lộn hoàn toàn nấc thang giá trị của thế gian. Những gì con người cho là phúc, Ngài cho là khốn; và những gì con người cho là khốn, Ngài lại cho là phúc.

2.1/ Nghèo khó: Người thế gian thích được giầu có, vì “có tiền mua tiên cũng được.” Họ tìm mọi cách thức và dùng mọi thời gian để tích trữ của cải, sao cho không phải làm ăn hay lo lắng gì cả trong suốt cuộc đời còn lại của họ; trong khi đó, Đức Giêsu lại dạy các môn đệ: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.”

Chúa Giêsu biết rõ bản chất con người: của cải anh em ở đâu, lòng trí anh em ở đó. Nếu của cải của con người đặt trên những giá trị vật chất, lòng trí của họ đâu còn mơ tưởng những giá trị tinh thần. Khi con người không chú trọng đến của cải vật chất, họ sẽ có nhiều thời gian để đi tìm những giá trị tinh thần.

2.2/ Đói khát: Người thế gian không những thích ăn no, mà còn thích ăn ngon; trong khi Chúa Giêsu dạy: “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.”

Chúa Giêsu chắc chắn không cổ động sự nghèo đói, vì Ngài đã hai lần làm phép lạ để nuôi dân chúng khi họ không có bánh ăn. Mối phúc này có liên hệ với mối phúc thứ nhất, và điều Chúa Giêsu muốn nói tới không phải là sự đói khát vật chất mà là sự đói khát về tinh thần. Khi con người đã có đầy đủ mọi sự, họ không cảm thấy nhu cầu cần đi tìm Thiên Chúa; nhưng khi con người đói khổ, họ sẽ biết chạy đến với Chúa để xin Ngài lấp đầy những thiếu thốn. Thực tế nhiều lần chứng minh: khi con người đói khổ, họ biết chạy đến với Chúa; khi con người no lòng thỏa dạ, họ bỏ Chúa để chạy theo những thú vui bất chính, và thờ lạy đủ mọi tà thần.

2.3/ Than khóc: Người thế gian rất sợ bệnh tật, đau khổ, và chết chóc; trong khi Chúa Giêsu dạy: “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười.”

Một câu hỏi mà con người luôn thắc mắc: “Tại sao Thiên Chúa uy quyền và nhân lành lại để đau khổ, bệnh tật, chết chóc xảy ra cho con người; nhất là xảy ra cho người ”vô tội”?” Khi cuộc đời toàn mầu hồng, rất ít người nghĩ tới việc cám ơn những hồng ân Thiên Chúa đổ xuống trên cuộc đời mình. Họ coi đó là bổn phận Thiên Chúa phải làm. Nhưng khi phải đương đầu với đau khổ, họ trách cứ Thiên Chúa không thương và không chu toàn bổn phận. Lẽ ra, thay vì trách Thiên Chúa, họ phải đấm ngực trách mình; vì đã không sống đúng như những người thụ ơn. Khi để đau khổ xảy ra, Thiên Chúa cho con người nhận ra chân lý: con người không thể sống thiếu Thiên Chúa.

2.4/ Bị truy tố: Con người thích được người khác nghe lời và mến chuộng; trong khi Chúa Giêsu dạy: “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.”

Khi chọn lối sống của người môn đệ Đức Kitô, chúng ta đã chọn con đường tử đạo; vì nó khác xa lối sống của người thế gian. Người thế gian chú trọng đến sự giả hình, trong khi Đức Kitô dạy phải chú trọng đến sự thành thật. Họ thích được khen ngợi cho dù chẳng có điều gì đáng khen và cần được thanh tẩy bao tội lỗi trong tâm hồn. Ngôn sứ của Thiên Chúa phải nói những sự thật, nhưng họ không sẵn sàng chấp nhận sự thật; vì thế, việc họ truy tố ngôn sứ là chuyện đương nhiên.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta không được sống theo tiêu chuẩn và giá trị của hạ giới; nhưng phải hướng lòng trí lên trời để tìm và sống theo những tiêu chuẩn và giá trị của thượng giới.

– Chắc chắn chúng ta sẽ phải trả giá đắt cho lối sống này, nhưng sẽ tìm được niềm vui trong tâm hồn, vì đã sống theo những gì Đức Kitô răn dạy, và được bảo đảm cho phần rỗi linh hồn mai sau. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************