Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Tư Lễ Tro
BÀI ĐỌC I: Ge 2, 12-18
“Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo các ngươi”.
Trích sách Tiên tri Giôel.
Bấy giờ Chúa phán: Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van. Hãy xé tâm hồn, chớ đừng xé áo các ngươi. Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi, vì Người nhân lành và từ bi, nhẫn nại, giầu lòng thương xót và biết hối tiếc về tai hoạ. Biết đâu Người sẽ trở lại, sẽ hối tiếc và sẽ ban lại phần phúc để có của lễ hiến tế dâng lên Chúa là Thiên Chúa các ngươi?
Hãy thổi kèn lên khắp Sion, hãy ra lệnh ăn chay, triệu tập một đại lễ, quy tụ dân chúng, ra lệnh mở đại hội, tập họp các bô lão, quy tụ các thiếu nhi và các trẻ còn măng sữa. Tân lang hãy ra khỏi nhà, và tân nương hãy ra khỏi phòng. Các tư tế là những kẻ phụng sự Chúa, hãy đứng giữa cửa chính và bàn thờ mà than khóc và kêu lên rằng: Lạy Chúa, xin thương xót dân Chúa, xin đừng để cho cơ nghiệp Chúa phải hổ thẹn, đừng để các dân tộc thống trị nó. Tại sao thiên hạ dám nói rằng: “Chúa của chúng ở đâu?” Chúa đã nhiệt thành với xứ sở Người và đã tha thứ cho dân Người. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 50, 3-4. 5-6a. 12-13. 14 và 17
Đáp: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa (x. c. 3a).
1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác. – Đáp.
2) Vì sự lỗi con, chính con đã biết, và tội con ở trước mặt con luôn; con phạm tội phản nghịch cùng một Chúa. – Đáp.
3) Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con. – Đáp.
4) Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Lạy Chúa, xin mở môi con, để miệng con sẽ loan truyền lời ca khen. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: 2 Cr 5, 20 – 6, 2
“Hãy làm hoà cùng Chúa đi… Bây giờ là cơ hội thuận tiện”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.
Anh em thân mến, chúng tôi đây là sứ giả của Đức Kitô, chính Thiên Chúa nhờ chúng tôi mà khích lệ anh em. Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi năn nỉ anh em hãy làm hoà cùng Thiên Chúa. Đấng không hề biết đến tội lỗi thì Thiên Chúa đã làm Người thành thân tội vì chúng ta, để trong Người, chúng ta được trở nên sự công chính của Thiên Chúa.
Với tư cách là những cộng sự viên của Người, chúng tôi khuyên anh em đừng nhận lấy ơn của Thiên Chúa một cách vô hiệu. Quả thật Chúa phán: “Dịp thuận tiện đến rồi, Ta đã nhậm lời ngươi, vào ngày giải thoát, Ta đã cứu vớt ngươi”. Bây giờ là cơ hội thuận tiện, giờ đây là ngày cứu thoát. Đó là lời Chúa.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Tv 50, 12a và 14
Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch. Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ.
PHÚC ÂM: Mt 6, 1-6. 16-18
“Cha ngươi, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không các con mất công phúc nơi Cha các con là Đấng ở trên trời. Vậy khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Các con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.
“Rồi khi các con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật, Ta bảo các con rằng: họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.
“Khi các con ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con”. Đó là lời Chúa.
(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)
++++++++++++++++++
14/02/2024 – THỨ TƯ LỄ TRO
Mt 6,1-6.16-18
DƯỚI CÁI NHÌN CỦA CHÚA
“Còn anh khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo.” (Mt 6,5-6)
Suy niệm: Có sự tương phản rõ rệt giữa Chúa Giê-su và người Pha-ri-sêu về cung cách, ý hướng ăn chay, cầu nguyện và làm phúc bố thí. Người Pha-ri-sêu làm ngoài đường phố, nơi công cộng có ý phô trương, cho người khác thấy. Còn Chúa Giê-su thì dạy các môn đệ thay vì tìm cách để người ta thấy thì sống dưới cái nhìn của Thiên Chúa, làm các việc đạo đức chỉ để cho “Đấng thấu suốt những gì kín đáo” nhìn thấy mà thôi. Chúa không nhìn theo bề ngoài, không đánh giá theo số lượng nhưng Ngài nhìn thấu suốt và đánh giá theo tấm lòng chân thành của người ta với Chúa (x. Lc 21,1-4).
Mời Bạn: Khi đến với Chúa trong “nơi kín đáo”, là tâm hồn mình, ta được gặp Chúa, được trở về với con người thật của mình. Cái nhìn yêu thương của Chúa giúp ta khiêm tốn nhận ra lỗi lầm, những giới hạn, yếu đuối của mình để sám hối. Nhận biết mình là tội nhân hèn yếu nhưng lòng bao dung của Chúa không làm ta không tuyệt vọng nhưng đầy lòng tin tưởng để quyết tâm làm lại cuộc đời. “Nơi kín đáo” là nơi ta cảm nhận tình yêu của Chúa và sức mạnh giúp ta đổi mới cuộc đời.
Sống Lời Chúa: Tôi luôn cảnh giác trước căn bệnh thành tích đang lan tràn trong xã hội. Dù ở đâu, lúc nào, tôi cũng sống dưới con mắt âu yếm của Chúa và chăm chỉ làm việc bổn phận.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, hôm nay Giáo Hội bắt đầu mùa chay tịnh và sám hối. Xin cho khi chúng con biết sống tinh thần sám hối cách chân thành không giả dối, không phô trương để thời gian này trở thành mùa hồng ân, thời cứu độ cho chúng con. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Cứ đến Thứ Tư Lễ Tro là chúng ta lại được nghe bài Tin Mừng này.
Đức Giêsu nói đến ba việc đạo đức quan trọng của người Do Thái:
cầu nguyện, bố thí, ăn chay.
Chẳng phải cứ đợi đến Mùa Chay chúng ta mới làm ba việc đó.
Nhưng Mùa Chay là thời gian thuận lợi để ta tập trung chú ý hơn.
Tập trung vào cầu nguyện là làm mới lại tương quan với Thiên Chúa,
từ bỏ những gì làm tôi xa Chúa và dứt bỏ mọi tội lỗi quen phạm.
Tập trung vào bố thí là chia sẻ của cải cho những người nghèo hơn,
tự nguyện bỏ bớt một phần tiện nghi để giúp những ai đói khổ.
Tập trung vào chay tịnh là làm cho thân xác, tâm hồn mình trở nên nhẹ nhàng,
thoát khỏi những kéo xuống nặng nề, những cám dỗ sống hưởng thụ, ích kỷ.
Cả ba việc này có tương quan chặt chẽ với nhau.
Khi làm tốt một việc, ta sẽ dễ làm hai việc còn lại hơn.
Ăn chay giúp chúng ta hàn gắn lại tình bạn với Chúa,
và lớn lên trong sự thân mật đối với Ngài.
Ăn chay giúp ta tránh tội và tránh mọi thứ dẫn đến tội.
Ăn chay là thoát ra khỏi sự thèm muốn tự nhiên về cơm bánh vật chất,
để nếm cảm sự cần thiết của tấm bánh tinh thần.
Nhờ ăn chay con người thấy mình được tự do hơn để sống theo ý Chúa.
Khi chịu đói nơi thân xác, chúng ta sẽ thấy tim mình đói khát Thiên Chúa
và mong Ngài đến với ta để làm ta mãn nguyện.
Nhưng ăn chay cũng giúp ta mở mắt trước tình cảnh thiếu thốn của tha nhân.
Nhờ ăn chay, chúng ta không còn sống cho chính mình nữa,
nhưng biết sống cho Chúa và tha nhân.
Ăn chay giúp ta chế ngự được tính ích kỷ làm ta co lại,
nhờ đó ta có thể mở lòng ra trước nhu cầu của anh chị em mình
và chia sẻ cho họ điều mình đã tiết kiệm được từ ăn chay.
Ngay cả một người có hai áo cũng có thể chia sẻ được cho người trần trụi.
Người chỉ còn vài lon gạo cũng có thể chia cho người đang đói.
Chúng ta đã bắt đầu cuộc hành trình 40 ngày Mùa Chay.
Không phải chỉ là ăn chay, mà là sống chay.
Chay tịnh phải là một thái độ thấm vào cuộc sống.
Khi bớt nuông chiều những đòi hỏi ngày càng nhiều của thân xác,
chúng ta sẽ thắng được những cám dỗ của thèm muốn vô độ.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
14 THÁNG HAI
Quí Trọng Các Bậc Lão Thành
Tuổi già là một giai đoạn sống đầy nỗ lực và yêu thương, vì thế, chúng ta phải nhiệt tình ủng hộ tất cả những phong trào ủy lạo người cao tuổi – để giúp giải phóng cho người già khỏi cảnh sống lầm lũi, chán chường, cô đơn. Chúng ta phải giúp người già phát huy vai trò của họ là nguồn khôn ngoan cho các thế hệ hậu sinh, là chứng tá của hy vọng, và là những tấm gương của lòng bác ái.
Môi trường đầu tiên mời gọi ta giúp đỡ người già chính là tại gia đình. Sự khôn ngoan và kinh nghiệm của các bậc lão thành là một kho tàng cho các đôi vợ chồng trẻ. Đứng trước những thử thách ban đầu trong cuộc sống hôn nhân của mình, các đôi vợ chồng trẻ có thể tìm thấy nơi ông bà cha mẹ mình những người bạn tâm tình để mình chia sẻ và tìm kiếm sự chỉ dạy. Trong những gia đình mà cha mẹ thường vắng mặt – điều khá phổ biến trong thời đại hôm nay – các cháu sẽ tìm thấy nơi ông bà mình sự bù đắp là chính mẫu gương sống và sự săn sóc ân cần mà ông bà dành cho mình.
Trong xã hội, chúng ta luôn luôn tín nhiệm sự khôn ngoan của những người từng trải – bởi các vị ấy có một bề dày kinh nghiệm mà chúng ta không có được. Vâng, chúng ta cần những người cao tuổi giúp đỡ mình bằng sự khôn ngoan và kinh nghiệm của các ngài. Với sự giúp đỡ của các ngài, chúng ta có thể xây dựng một xã hội khôn ngoan hơn và quân bình hơn.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 14/2
Thứ tư Lễ Tro
Ge 2, 12-18; 2Cr 5, 20-6,2; Mt 6, 1-6. 16-18.
Lời Suy Niệm: “Rồi khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rỉ như bọn đạo đức giả; chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh. Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo sẽ trả lại cho anh. (Mt 6,16-18)
Trong năm phụng vụ, người tín hữu có hai ngày cùng nhau ăn chay và kiên thịt đó là Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh. Trong cả hai ngày này Giáo Hội đều kêu mời giữ chay và kiên thịt kết hợp với cầu nguyện, bằng những hy sinh và làm việc thiện một cách âm thầm và kín đáo chứ không phô trương rầm rộ bên ngoài.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con trong những lúc giữ chay biết được ý nghĩa và mục đích của sự chay tịnh: là giúp cho chúng con biết hối cải đối với bản thân; đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân; để ngày càng sống đẹp lòng Chúa và với mọi người. Amen.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 14-02
Thánh CYRILLÔ Tu Sĩ
và thánh MÊTÔĐIÔ Giám mục
(….869 và 884 )
Cyrillô và Mêtođiô thuộc về một gia đình nghị viện miền Thessalônica. Triều đình đã muốn xem người con trưởng sáng sủa xinh đẹp như thần đồng. Nhưng đối với anh sự khôn ngoan đáng quí chuộng hơn mọi hư danh trần thế. Người con út có tính cách vừa trầm tư vừa hung hăng hay lý sự nữa. Sau khi theo học ở tại Constantinople, hai anh em đều chíếm giữ những chức vụ thuộc dân sự. Cyrillô làm giáo sư triết học. Sau cùng thì lần lượt họ đạt tới lý tưởng làm linh mục.
Nhà vua Moravia xin hoàng đế gửi các thừa sai tới. Vì biết tiếng Slave nên hai anh em đã được chọn. Các Ngài đã phát minh ra mẫu tự Slave cũng như văn chương người Slave sau này được mọi người chấp thuận. Cyrillô còn học tiếng Hipri để tranh luận với người Do thái. Hai anh em thừa sai thực hiện hoạt động vừa chính trị vừa tôn giáo. Các Ngài sẽ tổ chức Kitô giáo ở Bulgaria, Moravia và nơi những dân Slave mà bước chân đế quốc đặt tới.
Một giai thoại chứng tỏ tính khí mạnh mẽ và kỳ khôi của Mêtođiô. Ngài chỉ đích danh được thù nhân người Đức của mình để phá tan họ. Ngài nói:- Các ông chống lại sắt thép, các ông sẽ bể sọ. Và đầy nhiệt thành, Ngài lau mồ hôi và kể lại một ngụ ngôn:
“Người ta hỏi một triết gia, tại sao ông lại toát mồ hôi như vậy ?”
Và Ngài thêm vào câu trả lời: – Chính vì tôi đã phải tranh luận với những người đần độn”
Các giám mục Đức chống lại việc nhà truyền giáo đã đưa ngôn ngữ Slave vào phụng tự mà các Ngài coi như dụng cụ tuyệt hảo trong công cuộc chinh phục của mình. Hai anh em phải đi Roma để biện minh cho mình và được Đức Nicola I ưng thuận.Vị kế nhiệm Ngài còn tấn phong Ngài làm giám mục nữa. Cyrillô đã qua đời tại Roma năm 869 lúc 42 tuổi.
Mêtodiô còn sống thêm hai mươi năm để truyền giáo cho các dâ tộc Slave. Ngài chịu đau khổ nhiều, bị một thẩm đoàn giám mục miền Bavière tố cáo lạc giáo và bị giam giữ hai năm trong một nơi xa vắng lạnh lẽo. Ngài lại bị mang ách, luôn bị bách hại, bị tố cáo tới Roma là đã làm sai lạc đức tin. Hai lần Ngài phải đi biện minh với Đức Thánh cha và Đức Thánh cha đã coi những lời tố cáo là hư từ. Hoàng đế Basiliô xin Ngài đi Consttantinople là nơi Ngài được tiếp đón nồng hậu. Cũng vị vua này đã muốn gửi Ngài trở lại Russi và Bulgaria, nhưng thánh nhân trở lại Moravia và qua đời tại đó năm 884.
Hai anh em đã mang văn minh lại cho dân Slave khi truyền bá đức tin cho họ. Các Ngài đồng thời vừa là các tông đồ vừa là các văn hào tiên khởi của dân tộc Slaves.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
14 Tháng Hai
Hạt Thóc Dâng Tặng Ðức Vua
Có lẽ chúng ta đã có dịp đọc bài thơ sau đây của đại thi hào Tagore: “Có một người hành khất ngồi bên vệ đường. Hôm đó, Ðức Vua sẽ ngự giá đi qua ngôi làng. Người hành khất cố gắng lê lết đến trước cổng làng, lòng nhủ thầm: “Ðây là dịp may duy nhất đời tôi”. Từ đằng xa, khi vừa thấy xa giá xuất hiện, anh đã cố gắng đưa tay lên vẫy chào. Có ngờ đâu, trước sự sửng sốt của mọi người, khi xa giá vừa đến trước cổng làng, Ðức Vua đã cho dừng xe lại và chính ông là người đưa tay ra để xin hành khất bố thí.
Người hành khất bèn đưa tay vào trong chiếc bị cũ kỹ nhơ bẩn của mình để kéo ra một hạt thóc. Anh trịnh trọng đặt hạt thóc vào trong tay Ðức Vua. Ðức Vua tiếp nhận món quà từ tay người hành khất và biến đi giữa cát bụi mịt mù.
Chiều đến, khi về tới nhà, người hành khất mới mở chiếc bị của mình ra. Lạ lùng thay, giữa muôn hạt thóc, anh nhận ra một hạt vàng óng ánh. Lúc bấy giờ, người hành khất mới khốc nức nở hối tiếc: “Phải chi ta đã cho Ðức Vua tất cả những gì ta có…”
Thiên Chúa đối xử với chúng ta cũng giống như vị Vua đối xử với người hành khất. Ngài muốn trao ban cho chúng ta tất cả kho báu trên Thiên Ðàng. Qua người con một của Ngài là Ðức Giêsu Kitô, Thiên Chúa muốn trao ban cho chúng ta chính Sự Sống của Ngài. Qua Sự Sống chúng ta đã lãnh nhận, qua sự hiện diện của những người anh em chúng ta, qua ngay cả những thất bại và tội lỗi của chúng ta, Thiên Chúa vẫn luôn nhắc đến với từng người chúng ta như một người hành khất. Chúng ta tưởng chúng ta đang chìa tay van xin trước. Kỳ thực, chính Ngài mới là kẻ không ngừng đưa tay ra để xin chúng ta mở rộng đôi tay và quả tim của chúng ta. Tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Ngài, nghĩa là như những con người có tự do, Thiên Chúa vẫn tiếp tục tôn trọng chúng ta. Ngài muốn trao ban tất cả cho chúng ta vì yêu thương. Nhưng cũng chính vì yêu thương, cho nên Ngài không làm cách nào khác hơn là van lơn, kêu mời chúng ta. Ngài chờ đợi nơi chúng ta một cái gật đầu, một hạt thóc nhỏ rút từ trong chiếc bị khốn cùng của chúng ta. Một nghĩa cử nhỏ mọn làm cho người anh em, một chút tin yêu hy vọng giữa bao nhiêu thử thách khó khăn của cuộc sống, một chút khiêm tốn và sám hối sau những lần vấp nga: đó là những hạt thóc bé nhỏ mà chúng ta có thể trao tặng cho Chúa để từ đó lãnh nhận trở lại tất cả kho tàng Yêu Thương của Ngài.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Lễ Tro – Bắt đầu Mùa Chay
Bài đọc: Joel 2:12-18; II Cor 5:20-6:2; Mt 6:1-6, 16-18.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lòng thương xót của Thiên Chúa và tội lỗi của con người
Mùa Chay nhắc nhở con người nhiều điều: Thân phận mỏng giòn của con người qua nghi thức xức tro: “Hãy nhớ mình là bụi đất và sẽ trở về bụi đất!” Hay tính yếu đuối và tội lỗi của con người: “Hãy ăn năn xám hối và tin vào Tin Mừng!” Tuy nhiên, tình thương của Thiên Chúa lớn hơn những tội lỗi mà con người xúc phạm; Ngài sẵn sàng tha thứ tất cả nếu con người biết ăn năn xám hối.
Các Bài Đọc cho chúng ta những khía cạnh khác nhau của Mùa Chay. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Joel nhắc nhở con người chú ý đến hai khía cạnh: hãy xé lòng chứ đừng xé áo và chiều kích cộng đồng của việc xám hối. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô nhấn mạnh đến sự thuận tiện của thời gian để con người làm hòa với Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, thánh Matthêu chú trọng đến 3 cột trụ của Mùa Chay: ăn chay, cầu nguyện, và làm các việc lành phúc đức.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy xé lòng chứ đừng xé áo.
1.1/ Hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van: Để con người được tha tội, họ cần 2 điều kiện căn bản sau đây:
(1) Tin Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót: Ngài sẽ tha thứ mọi lỗi lầm con người đã phạm. Con người phải tin vào sự thật này trước khi có thể ăn năn trở lại. Sự thật này được nhắc lại nhiều lần trong Sách Tiên Tri và là hy vọng của dân trong Thời Lưu Đày.
(2) Phải hết lòng hết dạ trở về với Thiên Chúa: Tiên tri Joel nhấn mạnh đến chiều kích trong tâm hồn: “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng… hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van.” Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự trong tâm hồn, những lễ nghi hay hành động hời hợt bên ngòai sẽ không đủ để được Ngài tha thứ.
1.2/ Chiều kích cộng đồng của tội lỗi: Ngòai chiều kích cá nhân, tội lỗi còn mang tính cộng đồng; vì Thiên Chúa muốn con người sống chung và nâng đỡ nhau ngay từ đầu khi Ngài tạo dựng con người. Vì thế, khi xét mình, con người không chỉ xét những tội cố tình phạm, mà còn những tội vô tình quên như: bổn phận phải giúp đỡ người khác (7 mối phần hồn cũng như 7 mối phần xác). Tiên tri Joel nhấn mạnh đến chiều kích cộng đồng trong Bài Đọc hôm nay: “Hãy rúc tù và tại Sion, ra lệnh giữ chay thánh, công bố mở cuộc họp long trọng; hãy tụ tập chúng dân, mời dự đại hội thánh, triệu tập các cụ già, tụ họp đám thiếu nhi cũng như trẻ thơ còn đang bú. Tân lang hãy ra khỏi loan phòng, tân nương hãy rời bỏ phòng khuê!” Tiên tri Jonah còn đi xa hơn, khi tường thuật Vua Nineveh ra lệnh không những cho con người, mà ngay cả những súc vật cũng phải ăn chay đền tội (Joh 3:7-8).
Khi hội đủ 2 điều kiện trên, Thiên Chúa sẽ tha thứ tội vạ cho dân và sẽ tiếp tục săn sóc và bảo vệ họ: “Đức Chúa đã nồng nhiệt yêu thương đất của Người, đã tỏ lòng khoan dung đối với dân Người. Tai ương chấm dứt và dân được giải thoát.”
2/ Bài đọc II: Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.
2.1/ Hãy làm hoà với Thiên Chúa: Hai lý do để con người phải làm hòa với Thiên Chúa: (1) Tất cả đều đã phạm tội; và (2) Đức Kitô đã chết để gánh tội cho con người: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.”
2.2/ Đây là thời gian thuận tiện: Con người lệ thuộc vào thời gian, phần hồn cũng như phần xác. Con người phải lệ thuộc thời gian về phần xác, khi con người phải chờ thời để gieo cũng như gặt. Con người phải lệ thuộc thời gian về phần hồn như giữ ngày Sabbath, Lễ Tuần, Năm Thánh, hay Năm Đại Thánh.
Mỗi năm khi Mùa Chay tới, Mẹ Giáo Hội nài nỉ và khuyến khích các tín hữu hãy ăn năn xám hối và quay về với Thiên Chúa như Thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu của Ngài: “Anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu.” Mùa Chay là mùa hồng phúc, mùa Thiên Chúa giáng phúc thi ân, mùa con người có cơ hội nhìn lại và định vị cuộc đời để biết mình đang ở đâu trong hành trình về nhà Cha trên trời. Nếu đã đi trật đường, Mùa Chay cung cấp cho con người bẻ lái cho đúng hay kịp thời quay đầu trở lại.
3/ Phúc Âm: Ba cột trụ của Mùa Chay
(1) Làm việc lành phúc đức: Vì chiều kích cộng đòan của tội, con người cũng phải đền bù tội bằng việc làm những việc lành phúc đức: giúp đỡ người nghèo khó, thăm viếng bệnh nhân và tù nhân, khuyên bảo tội nhân quay về với Chúa…
Khi làm những việc lành phúc đức này, Chúa Giêsu dạy: “Anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.”
(2) Cầu nguyện: không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của các Kitô hữu. Tuy nhiên, họ phải gia tăng việc cầu nguyện trong Mùa Chay vì là Mùa kỷ niệm Cuộc Thương Khó của Đức Kitô, Đấng đã hy sinh đổ máu để chuộc tội cho con người. Hơn nữa, Mùa Chay cũng là mùa giúp con người nhìn lại cuộc đời, con người cần nhiều thời gian để xét mình và ăn năn xám hối xin Chúa tha thứ các tội đã xúc phạm đến Ngài.
Khi cầu nguyện, Chúa Giêsu dạy: “Anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”
(3) Ăn chay: không phải là chỉ đơn giản bớt ăn uống, nhưng còn phải để ý đến ý hướng của việc ăn chay. Trước tiên, ăn chay là để cho mọi người đều có của ăn, chứ không phải ăn chay để tiết kiệm tiền; vì thế, những gì chúng ta không ăn, phải được phân phát cho những người đang cần của ăn. Ngòai ra, chúng ta cũng cần ăn chay con mắt để đừng nhìn những sự chẳng nên nhìn; ăn chay trí óc để đừng có những ao ước bất chính hại người; ăn chay miệng lưỡi để đừng đưa điều đặt chuyện làm thiệt hại danh giá của tha nhân.
Khi ăn chay, Chúa Giêsu dạy: “Anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Mùa Chay nhắc nhở chúng ta tình thương Thiên Chúa qua việc trao ban Người Con Một để gánh tội cho chúng ta. Hãy biết sống xứng đáng với tình thương này.
– Việc cần thiết nhất mỗi người phải làm trong Mùa Chay là hòa giải với Thiên Chúa qua Bí-tích Giao Hòa để lãnh nhận ơn tha thứ.
– Chúng ta phải làm cho đời sống thiêng liêng trở nên vững mạnh qua việc làm cho 3 cột trụ của Mùa Chay trở nên vững chắc: ăn chay, cầu nguyện, và làm các việc lành phúc đức.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************