Ngày thứ tư (14-07-2021) – Trang suy niệm

13/07/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Tư Tuần XV Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Xh 3, 1-6. 9-12

“Chúa hiện ra trong ngọn lửa cháy từ giữa bụi gai”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Môsê chăn chiên cho ông nhạc gia là Giêtrô, tư tế xứ Mađian. Ông lùa đoàn chiên qua sa mạc, đến núi Horeb là núi của Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện ra với ông trong ngọn lửa cháy từ giữa bụi gai. Ông nhìn thấy bụi gai bốc lửa, nhưng không bị thiêu rụi. Môsê nói: “Ta hãy lại xem cảnh tượng kỳ lạ này, vì sao bụi gai không bị thiêu rụi?”

Thiên Chúa thấy ông lại xem, từ giữa bụi gai Người gọi ông: “Môsê, Môsê!” Ông thưa: “Dạ con đây!” Chúa nói: “Ngươi đừng đến gần đây. Hãy cởi dép ở chân ra, vì chỗ ngươi đang đứng là nơi thánh”. Chúa lại nói: “Ta là Thiên Chúa của Tổ phụ ngươi. Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp”. Môsê che mặt, vì không dám nhìn Thiên Chúa.

Chúa phán với ông: “Tiếng kêu van của con cái Israel đã thấu đến Ta; Ta đã thấy họ bị người Ai-cập hà hiếp khổ cực. Bây giờ ngươi hãy lại đây, và Ta sai ngươi đến Pharaon, để ngươi dẫn đưa dân Ta là con cái Israel ra khỏi Ai-cập”.

Môsê thưa cùng Thiên Chúa rằng: “Con là ai mà dám ra trước mặt Pharaon và dẫn đưa con cái Israel ra khỏi Ai-cập?” Chúa bảo ông: “Ta sẽ ở cùng ngươi; và cứ dấu này mà biết Ta đã sai ngươi: Khi ngươi dẫn đưa dân Ta ra khỏi Ai-cập, thì ngươi hãy tế lễ Thiên Chúa trên núi này”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 102, 1-2. 3-4. 6-7

Đáp: Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót (c. 8a).

Xướng:

1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. – Đáp.

2) Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. – Đáp.

3) Chúa thi hành những việc công minh, và trả lại quyền lợi cho những người bị ức. Người tỏ cho Môsê được hay đường lối, tỏ công cuộc Người cho con cái Israel. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 94, 8ab

Alleluia, alleluia! – Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa và đừng cứng lòng. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 11, 25-27

“Chúa đã giấu không cho những người khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu thưa rằng: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con trừ ra Cha; và cũng không ai biết Cha trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

14/07/2021 – THỨ TƯ TUẦN 15 TN

Th. Ca-mi-lô Len-li, linh mục

Mt 11,25-27

MẠC KHẢI CHO NGƯỜI BÉ MỌN

“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” (Mt 11,25)

Suy niệm: Không phải Thiên Chúa thiên vị khi mặc khải mầu nhiệm cao cả cho những người bé mọn mà lại “giấu” không cho những bậc thông thái khôn ngoan biết những điều ấy. Mọi người đều được Chúa yêu thương và cứu độ. Nhưng chính thái độ tự mãn kiêu căng cản trở người ta không đón nhận được mặc khải của Đức Ki-tô. Quả thật, trước lời rao giảng của Chúa Giê-su, chính những người bình dân, ít học, bị coi là tội lỗi… lại mau mắn vui mừng đón nhận, còn những thầy thông luật, kinh sư, Pha-ri-sêu… lại quay lưng chống đối.

Mời Bạn: “Chúa chế giễu đứa hay nhạo báng, nhưng thi ân cho kẻ khiêm nhường” (Cn 3,34). Kiêu ngạo là gốc rễ của tội lỗi và hành động xấu xa. Trong khi đó, khiêm nhường là mảnh đất duy nhất cho phép ân sủng của Thiên Chúa hoạt động để sinh hoa kết quả. Dù bạn có là nhà bác học, thông minh tài trí, bạn vẫn có thể trở nên bé mọn trước mặt Chúa nhờ noi gương Con Thiên Chúa hiền lành khiêm nhường. Mời bạn luôn ấp ủ trong lòng thái độ đơn sơ chân thành, biết khiêm cung tìm kiếm ý Chúa trong cuộc sống, kể cả khi ý của Người khác với ý của chúng ta.

Sống Lời Chúa: Tập khiêm nhường bằng cách biết từ bỏ ý riêng, lắng nghe người khác và nhận biết điều tốt nơi họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con có được đức tin đơn sơ và thuần khiết, để con nhìn thấy khuôn mặt nhân từ của Chúa. Xin xóa bỏ nơi con những nghi ngờ và tự mãn, để con có thể đón nhận ý định của Chúa trong khiêm tốn và vâng phục. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay là một lời nguyện tự phát của Đức Giêsu.
Đó là một lời tạ ơn, một lời ngợi khen của Con dâng lên Cha.
Đức Giêsu gọi Thiên Chúa bằng từ Abba thân thương gần gũi,
nhưng Thiên Chúa ấy cũng là Đấng siêu việt ngàn trùng,
Đấng quyền uy tối thượng, Chúa Tể cả trời đất (c. 25).
Đức Giêsu ca ngợi Cha vì hành vi mặc khải của Cha cho con người.
Cha có một kế hoạch cứu độ nhân loại qua Con của Cha là Đức Giêsu.
Và Cha muốn vén mở kế hoạch đó cho con người biết.
Có những người đã thành tâm đón nhận, và có những người cố ý từ chối.
Nhưng tất cả đều không nằm ngoài chương trình của Cha (c. 26).

Lối nói kiểu Do thái của Đức Giêsu có thể khó hiểu đối với ta ngày nay:
“Cha đã giấu các điều này trước những người khôn ngoan thông thái.”
Thật ra, chẳng phải Thiên Chúa ghét bỏ hay phân biệt đối xử,
vì Ngài muốn cho mọi người được cứu độ (1 Tm 2, 4).
Chẳng phải Cha ghét bỏ các người khôn ngoan và cổ võ sự ngu dốt.
Ngài cũng không che giấu mầu nhiệm Nước Trời trước một ai.
Nhưng quả thật ai tự hào, tự mãn với hiểu biết khôn ngoan của mình,
và khép lại trước những gì vượt quá trí hiểu nông cạn của họ,
người ấy sẽ không có cơ may đón nhận được mặc khải của Thiên Chúa.
Một số kinh sư và người Pharisêu giỏi giang về Sách Thánh và truyền thống,
đã không thể đón nhận được cái hoàn toàn mới mẻ nơi giáo lý Đức Kitô,
vì họ quá bám víu vào cái biết cũ mà họ coi là tuyệt đối.
Nhưng các người bé mọn, ít tri thức và sách vở, lại dễ dàng đón nhận hơn.
Họ hồn nhiên mở ra trước mặc khải của Thiên Chúa qua Đức Giêsu.
Chính vì thế họ biết được những điều sức người không thể nào đạt tới.

Câu cuối (c. 27) là một mặc khải lớn của Đức Giêsu trong tư cách là Con.
Ngài cho thấy giữa Cha và Con có sự hiểu biết nhau cách độc nhất vô nhị.
“Không ai biết rõ Con trừ ra Cha và không ai biết rõ Cha trừ ra Con…”
Sự hiểu biết nhau thân tình và sâu xa này
như thể tạo ra một thế giới riêng giữa Cha và Con.
Muốn biết Cha phải nhờ Con, Đấng duy nhất có đủ thẩm quyền mặc khải.
Hơn nữa, muốn biết Con cũng phải nhờ Cha mặc khải.
Phêrô phải nhờ Cha mới biết được Đức Giêsu là ai (Mt 16, 17).
Nói chung Cha và Con làm nên một thế giới riêng tư, nồng ấm.
Nhưng thế giới ấy lại không khép kín, mà mở ra để mời con người vào.
Cha và Con đều muốn mặc khải thế giới ấy cho con người.
Cha đưa ta gặp Con, Con đưa ta gặp Cha.
Chỉ cần gặp Con hay Cha là có thể bước vào thế giới đó, để gặp cả Cha và Con.

Chị Edit Stein là một phụ nữ Do thái được coi là thông thái, trí tuệ.
Chị đậu tiến sĩ triết học với hạng tối danh dự tại Đức.
và là người cộng tác với ông tổ của Hiện tượng luận là triết gia Husserl.
Việc tìm kiếm Chân Lý đã dẫn chị đến với đạo Công giáo.
Chị đã đi tu Dòng Kín Cát Minh và đã bị giết tại trại giam của Đức quốc xã.
Chị Bênêđícta Thánh Giá được phong thánh năm 1998 bởi Đức Gioan Phaolô II.
Sự thông thái khiêm tốn đã giúp Chị gặp được Nước Trời như một kẻ bé mọn.\

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.

Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.

Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.

Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.

Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

14 THÁNG BẢY

Được Trao Ban Những Ân Sủng Đặc Biệt

Được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài, con người là tạo vật hữu hình duy nhất mà Đấng Tạo Hóa “nhắm đến vì chính nó” (MV 24). Thiên Chúa – Đấng cai quản thế giới với sự khôn ngoan và quyền lực siêu việt của Ngài – trao cho con người mục tiêu để đạt đến trong cuộc sống này. Nhưng con người cũng là một cứu cánh nơi tự thân mình, không giống như các tạo vật khác. Con người cần đạt đến sự thành toàn trong tư cách là một nhân vị được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài.

Được làm cho phong phú với một ân huệ đặc biệt – và cũng là một trách nhiệm – con người có quan hệ mật thiết với mầu nhiệm quan phòng thần linh. Chẳng hạn, chúng ta đọc thấy trong Sách Huấn Ca: “Đức Chúa lấy đất mà tạo ra con người… Ngài mặc cho nó sức mạnh… để chúng thống trị muông chim cầm thú. Ngài ban cho chúng trí khôn, lưỡi, mắt, tai, và trái tim để chúng suy nghĩ. Ngài làm cho chúng đầy kiến thức thông minh, tỏ cho chúng biết điều tốt điều xấu. Ngài đặt con mắt mình vào tâm hồn chúng, để chúng nhận ra các công trình vĩ đại của Ngài… Ngài còn ban kiến thức cho chúng, và cho thừa hưởng luật đem lại sự sống” (Hc 17,1.3.5-7.9).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 14/7

Thánh Camillô Lellis, linh mục

Xh 3, 1-6. 9-12; Mt 11, 25-27.

LỜI SUY NIỆM: Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho.

          Đây là lời của Chúa Giêsu sau khi Người dâng lời tạ ơn Chúa Cha. Điều này giúp cho chúng ta không thể tự hào mình đã biết rõ về Người cũng như về Chúa Cha, nhưng cần phải khiêm tốn học hỏi trong ân sủng của Người ban cho, với ơn soi sáng hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

          Lạy Chúa Giêsu, Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con tích cực tham gia các lớp giáo lý, các lớp Kinh Thánh cũng như các hội đoàn trong Giáo xứ, để trau dồi thêm sự hiểu biết về Chúa, để sống đúng là những người bé mọn.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 14-07: Thánh CAMILLÔ LELLIS

Linh Mục – (1550 – 1614)

Thánh Camillô Lellis là con của ông Gioan Laliis, một hiệp sĩ danh giá trong quân đội của Chales-Quint. Mẹ Ngài thuộc vào một gia đình thời danh nhất ở Neples. Từ những năm đầu thời hôn nhân, họ có được một người con, nhưng lại bị cất đi ngay, khi đứa bé còn ở trong nôi. Lúc bà Lellis 60 tuổi, sau bao lời cầu hôn khẩn thiết, bà đã sinh ra Camillô vào ngày 25 tháng 5 năm 1550. Khi đang mang thai, bà đã thấy mộng con trẻ mang trên ngực một hình thánh giá, có vô số trẻ em theo sau. Mộng thấy vậy, bà lo sợ rằng mình sẽ sinh hạ một người con làm đầu bọn cướp, Camillô mới sinh ra ít lâu thì mồ côi mẹ. Chưa được 6 tuổi, Ngài lại mồ côi cha. Do những tai họa này, việc giáo dục Camillô bi bỏ mặc.

Những buổi đầu đời của con trẻ đã chứng thực điều lo sợ của người mẹ là đúng. Camillô biếng nhác và phóng túng, lao mình vào cuộc chơi. Đến tuổi 19, Ngài theo đuổi binh nghiệp và năm năm sau Ngài xuất ngũ.

Người thanh niên này phung phí hết tài sản và lâm cảnh cùng quẫn, phải làm phụ hồ cho công trình xây cất nhà cho các cha Phanxicô. Tại Fermô, Ngài gặp hai thầy dòng và mến phục nết đạo đức khiêm tốn của hai vị. Tự đáy lòng, Camillô nguyện một ngày kia sẽ nhập dòng. Bỏ binh nghiệp, Ngài đến nhà dòng Phanxicô ở Aquila. Một người cậu của Camillô giữ cổng nhà dòng này. Camillô kể lại cho ông nghe tất cả những gì đã qua và xin được mặc áo dòng. Cha giữ cửa biết rõ quá khứ đau lòng của cháu, muốn thử thách ơn kêu gọi bất ngờ này đã từ khước trong một thời gian.

Camillô lại rơi vào cơn rối loạn. Ngài trở nên bất hạnh đến nỗi phải đi ăn xin cùng với một người lính cùng khốn khổ như Ngài. Ngày lễ thánh Anrê năm 1574, Ngài ăn xin ở cửa nhà thờ Manfredonia. Một lãnh chúa đi qua. Ong thương tình đề nghị Camillô làm việc cho nhà dòng. Camillô nhận lời, ngày kia trước lời khuyên nhủ của một cha dòng, Ngài động lòng và bật tiếng khóc.

– Lạy Chúa, thật là khốn cho con. Tại sao con biết Chúa trễ quá ? Sao con có thể giả điếc làm ngơ trước bao nhiêu lời mời gọi của Chúa như vậy được. Xin Chúa tha thứ cho con là đứa tội lỗi khốn nạn. Xin hãy cho con đủ thời gian đền bù tội lỗi của con.

Lúc đó Camillô 25 tuổi. Ngài xin nhập dòng ngày hôm đó và được nhận vào tập viện. Nhưng một mụn nhọt ở chân mở miệng, Ngài phải đi chữa trị. Lành bệnh Ngài trở lại dòng, nhưng mụn nhọt lại mở miệng. Các bác sĩ cho rằng ung nhọt này vô phương chữa trị. Ngài được nhận vào một bệnh viện nan y ở Roma. Nơi đây Camillô nhận ra ơn gọi của mình. Ngài thấy các nhân viên được trả lương như vô tâm trước nỗi đau đớn của các bệnh nhân. Ngài tận tụy phục vụ các bệh nhân ngày đêm. Ngài còn qui tụ các bạn thành một để thực hành đức ái nữa. Trên ngực họ đeo một thánh giá đỏ. Công việc nặng nề và các bạn Ngài thường tỏ ra lo lắng. Camillô nhắc cho họ lời của thánh Catarina thành Siêna:
– Hãy lo cho ta và ta sẽ lo lắng cho con.

Camillô được đặt cai quản nhà thương, lệnh Ngài đưa ra là:

– Hãy phục vụ bệnh nhân như phục vụ chính Chúa Giêsu vậy.

Để phục vụ hữu ích hơn, Ngài đã theo lời khuyên của Đức Hồng Y Taragi để tiến tới chức linh mục. Nhưng trở ngại quá lớn, vì học thức Ngài còn quá kém. Một thị kiến đã giúp Ngài can đảm thắng vượt mọi khó khăn. Ngài thấy Chúa Kitô đưa tay ra nói:
– Camillô, con đừng sợ chi, cha sẽ giúp đỡ con và ở cùng con.

32 tuổi, Ngài không mắc cỡ khi ngồi với các em nhỏ để học vần Latinh. Sự kiên trì đã giúp người kinh viện này vượt qua mọi khó khăn. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm 1584, Camillô thụ phong linh mục và dâng thánh lễ đầu tiên tại nhà thờ thánh Giacôbê. Vài tháng sau, Ngài được trao phó cho cai quản nhà thờ Đức Bà hay làm phép lạ.

Tại đây, Ngài thiết lập một tu hội. Anh em qui tụ quanh Ngài dấn thân phục vụ những người hấp hối ở bất cứ nơi nào. Họ luôn trung thành với lời khuyên của Ngài: – Hãy hồi tâm để dâng lên những lời kinh nguyện tắt và các bạn sẽ được nâng đỡ đặc biệt bên cạnh các bệnh nhân. Chớ gì họ biết cầu xin ơn tha thứ, biết dâng cái chết của họ hợp với sự chết của Chúa Giêsu Kitô và xin Người đón nhận linh hồn họ vào lòng nhân từ Người.

Năm 1586, Đức giáo hoàng Sixtô V chấp thuận chương trình của Ngài. Năm 1588, Ngài được gọi đến lập tu viện ở Nappples. Nơi đây Ngài đã thực hiện những hành vi đức ái kỳ diệu đối với các nạn nhân của một cơn dịch hạch.

Năm 1591, Đức giáo hoàng Grêgôriô XV đã nâng tu hội của Ngài thành dòng tu, ngoài ba lời khấn còn có lời khấn thứ tư là hiến thân phục vụ nhân loại đau khổ, dầu bởi bất cứ bệnh tật nào. Dòng thánh Camillô phổ biến khắp nước Ý và còn phổ biến sang cả Pháp, Tây Ban Nha.

Con người số tu sĩ và nhà dòng ngày một nhiều. Tuy nhiên, lòng tin tưởng của Camillô vào Chúa quan phòng thật vô bờ. Các chủ nợ lo âu hỏi Ngài: – Bao giờ cha mới trả hết nợ cho chúng tôi ?

Ngài trả lời: – Đừng sợ gì Thiên Chúa quyền năng không gởi cho chúng ta món tiền nào sáng mai sao ?

Các chủ nợ cười nói: – Thời phép lạ đã qua rồi.

Nhưng rồi vài ngày sau, Ngài được những túi tiền lớn đủ để trả nợ. Sự quan phòng cho thấy rằng các phép lạ có mãi cho những ai phó thác cho Chúa.

Khi tuổi cao, Camillô vẫn không giảm bớt những phục vụ bên cạnh các người đau khổ. Thấy vậy, các bệnh nhân nói: – Cha nghỉ đi kẻo té ngã mất.

Nhưng các Ngài trả lời: – Này các con, cha là nô lệ của các con, cha phải làm mọi sự có thể làm được để phục vụ các con.

Đi từ giường này tới giường khác, Ngài tự nhủ:

– Hạnh phúc tôi mong đợi lớn lao đến nỗi mọi đau khổ đều thành niềm vui của tôi.

Kiệt sức vì công việc và đau đớn, Camillô Lellis chỉ còn là một bộ xương. Khi thấy giờ chết tới gần, Ngài vui sướng:

– Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: nào ta đi về nhà Chúa.

Được đưa về phòng, Ngài còn nói trong nước mắt: – Lạy Chúa, con biết con là một tội nhân ghê gớm. Nhưng xin hãy cứu con nhờ lòng nhân lành Chúa.

Ngày 14 tháng 7 năm 1614 Camillô Lellis qua đời. Năm 1746, Đức giáo hoàng Bênêdictô đã suy tôn Ngài lên bậc hiển thánh.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

14 Tháng Bảy

Tự Do Ðích Thực 

Trong tập thơ mang tựa đề Gitanjali, thi hào Tagore đã có bài thơ về tù nhân như sau:

“Hỡi tù nhân, hãy nói cho ta hay ai đã xiềng xích ngươi. Tù nhân đáp, thưa chính là chủ tôi. Tôi đã muốn thắng vượt mọi người, bằng của cải và quyền lực, cho nên tôi đã vơ vét vào kho tàng của tôi tất cả tiền bạc của chủ. Mệt mỏi vì cuộc chạy đua theo tiền của tôi, cuối cùng tôi đã thiếp ngủ ngay trên chính giường của chủ tôi. Khi thức dậy, tôi thấy mình đã bị giam hãm ngay trên kho tàng của tôi.

Hỡi tù nhân, hãy nói cho ta hay ai đã rèn chiếc xích sắt này cho ngươi. Tù nhân đáp: tôi đã muốn giam hãm tất cả thế giới, vì như thế tôi sẽ được tự do và không còn ai quấy rầy. Ngày đêm, tôi đã dùng lửa, búa và chiếc dũa để rèn sợi xích này. Khi nó được hoàn thành, và chiếc mốc cuối cùng được nối lại, tôi đã để cho sợi xích giam hãm cả cuộc đời của tôi, khiến không có gì bẻ gãy được”.

Năm 1989, nước Pháp đã mừng kỷ niệm 200 năm cuộc cách mạng 1789. Cùng với việc lật đổ chế độ quân chủ, bản tuyên ngôn nhân quyền được công bố ngày 04 tháng 8 năm 1789 đã đánh dấu một bước dài của nhân loại tiến đến tự do, dân chủ.

Nhưng oái oăm thay, người ta đã nhân danh tự do để chống lại tự do và phạm không biết bao nhiêu tội ác đối với con người. Nhân danh tự do, Robespierre đã giết hại 25 ngàn người cũng như cấm chế nhiều quyền tự do trong đó cơ bản nhất là quyền tự do tôn giáo.

Lịch sử cũng đã được lập lại trong rất nhiều cuộc cách mạng sau này. Mới đây tại Trung Quốc, người ta đã nhân danh tự do dân chủ để đạp đổ Nữ Thần Tự Do và sát hại không biết bao nhiêu người đòi tự do.

Nhân danh tự do để chối bỏ tự do của người khác, nhân danh quyền con người để chà đạp quyền sống của người khác: đó là thảm trạng của không biết bao nhiêu cuộc cách mạng trong thời đại ngày nay. Chính khi con người chối bỏ tự do và chà đạp quyền sống của người khác là cũng chính lúc con người tự giam hãm mình trong nô lệ, nô lệ cho quyền lực, nô lệ cho tiền bạc, nô lệ cho bất an… Lắm khi con người tự rèn lấy cho mình xích xiềng để tự chói lấy mình. Nhà tù ấy, sợi xích ấy chính là lòng tham lam nơi con người: tham lam tiền của, tham lam quyền lực, tham lam danh vọng.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư – Tuần 15 – TN1 – Năm lẻ

Bài đọc: Exo 3:1-6, 9-12; Mt 11:25-27.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa mặc khải cho những người bé mọn.

Từ giữa thế kỷ 18 tới bây giờ, vì sự tiến bộ của khoa học, nên nhiều người chủ trương phải xét lại niềm tin vào Thiên Chúa. Nhiều người cho rằng khoa học càng tiến bộ, niềm tin con người càng giảm sút cho đến độ không còn cần thiết nữa. J. H. Newman đã ngạc nhiên vô cùng khi thấy các bạn ông, đa số là những người khôn ngoan và thông thái từ từ bỏ đạo hết! Con người có biết đâu khoa học cũng chỉ là khám phá ra những định luật Thiên Chúa đã dựng nên và quan phòng. Hơn nữa, còn biết bao nhiêu những kỳ diệu mà trí khôn con người chưa thể hiểu nổi.

Lời Chúa hôm nay gióng lên lời cảnh tỉnh cho con người: Thiên Chúa thích mặc khải Ngài cho những kẻ bé mọn, khiêm nhường. Nói cách khác, kiến thức về Thiên Chúa được tiếp nhận không theo cách thức của con người: nghĩa là không cần phải khôn ngoan thông thái mới học được; nhưng cần có một thái độ khiêm nhường. Niềm tin vào Thiên Chúa của các người nông dân chất phác quê mùa là bằng chứng cho điều này.

Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy những người được Thiên Chúa mặc khải. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa mặc khải Danh Ngài cho Moses và trao cho ông sứ vụ giải phóng dân Israel ra khỏi Ai-cập, mặc dù ông thú nhận là ông chỉ là một người hèn hạ và bất tài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu ngợi khen Cha Ngài là Chúa Tể trời đất, vì Cha Ngài đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều bí nhiệm, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa mặc khải cho ông Moses từ bụi cây.

1.1/ Thiên Chúa mặc khải Ngài cho ông Moses: Sách Xuất Hành tường thuật: “Bấy giờ ông Moses đang chăn chiên cho bố vợ là Jethro, tư tế Midian. Ông dẫn đàn chiên qua bên kia sa mạc, đến núi của Thiên Chúa, là núi Horeb. Thiên sứ của Đức Chúa hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Moses nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi. Ông tự bảo: “Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi?””

Đức Chúa thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông: “Moses! Moses!” Ông thưa: “Dạ, tôi đây!” Người phán: “Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh.” Người lại phán: “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Jacob.”

Truyền thống Do-thái tin không ai nhìn thấy Thiên Chúa mà có thể sống sót; đó là lý do “ông Moses che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa.”

1.2/ Thiên Chúa trao cho ông Moses sứ vụ giải thoát con cái Israel khỏi Ai-cập: Thiên Chúa trao cho Moses một sứ vụ: “Tiếng rên siết của con cái Israel đã thấu tới Ta; Ta cũng đã thấy cảnh áp bức chúng phải chịu vì người Ai-cập. Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pharao để đưa dân Ta là con cái Israel ra khỏi Ai-cập.”

Ông Moses thưa với Thiên Chúa: “Con là ai mà dám đến với Pharao và đưa con cái Israel ra khỏi Ai-cập?” Hai khó khăn mà Moses phải đương đầu với: (1) Làm sao một người chăn chiên không có lấy một binh lính trong tay, có thể đương đầu với quân đội hùng mạnh của vua Ai-cập? (2) Làm sao dân Do-thái tin rằng ông có thể lãnh đạo và đưa họ ra khỏi Ai-cập?

Nhưng việc gì không thể với con người luôn có thể với Thiên Chúa. Người phán với ông: “Ta sẽ ở với ngươi. Và đây là dấu cho ngươi biết là Ta đã sai ngươi: khi ngươi đưa dân ra khỏi Ai-cập, các ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa trên núi này.”

2/ Phúc Âm: Thiên Chúa thích mặc khải cho những người bé mọn.

2.1/ Thiên Chúa thích mặc khải cho những kẻ bé mọn: Vào lúc ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.” Có mấy từ chuyên môn chúng ta cần hiểu ở đây:

– Giấu (kru,ptw): có hai trường hợp: (1) Cất giấu đi để đừng ai nhìn thấy; ví dụ: giấu vàng trong ruộng. (2) Giấu kín để đừng ai khám phá ra; ví dụ: giấu tông tích hay những điều bí ẩn của mình. Chúa Giêsu muốn nói về trường hợp thứ hai này.

– Mặc khải (avpokalu,ptw) có nghĩa làm cho những gì đã giấu kín được tỏ lộ ra, mang ra ánh sáng những gì đang ở trong bóng tối, hay làm cho một người hiểu những gì họ chưa biết hay còn mù mờ.

– Kẻ bé mọn (nh,pioj): có thể chỉ một trẻ nhỏ hay những ai chưa tới tuổi thành niên như luật pháp ấn định (ví dụ, 18 tuổi).

(1) Thánh Phaolô so sánh tình trạng không trưởng thành của các tín hữu như trẻ thơ, họ nhìn những vấn đề thiêng liêng dưới con mắt của trẻ thơ. Họ vẫn còn bú sữa, chứ chưa thể lãnh nhận thức ăn dành cho người lớn, những người đã trưởng thành (te,leioj) (I Cor 3:1).

(2) Chúa Giêsu so sánh giữa những người khôn ngoan và thông thái (sofo,j, suneto,j) với kẻ bé mọn (nh,pioj), để nói với khán giả: họ cần có thái độ của trẻ thơ: tin tưởng, khiêm nhường, ham học hỏi, để Ngài chuyển thông cho họ những kiến thức về Thiên Chúa. Một thái độ kiêu hãnh và nghi ngờ sẽ ngăn cản họ nhận ra những gì Ngài muốn mặc khải cho họ. Khi con người lãnh nhận kiến thức về Thiên Chúa, họ phải có thái độ của trẻ: cái gì cũng là mới cả với các em.

2.2/ Kiến thức về Thiên Chúa: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”

(1) Chúa Giêsu là người biết về Chúa Cha rõ ràng hơn ai hết: Động từ Hy-lạp dùng ở đây là “evpiginw,skw,” biết như một con người hay sự vật là. Con người hiểu biết về Thiên Chúa với nhiều cấp độ khác nhau; nhưng chỉ có Chúa Giêsu hiểu biết Thiên Chúa trong cấp độ hoàn hảo nhất. Điều này không ngạc nhiên, vì Chúa Giêsu là chính Lời hay tư tưởng của Thiên Chúa. Ngài và Cha Ngài là một.

(2) Con người biết Thiên Chúa qua mặc khải của Chúa Giêsu: Nếu Thiên Chúa không chọn để mặc khải cho con người, con người không bao giờ có thể biết Thiên Chúa. Đức Kitô chính là mặc khải của Thiên Chúa; Ngài đến để mặc khải cho con người biết về Chúa Cha, như Ngài đã tuyên bố với các môn đệ: Ai thấy Thầy là thấy Cha. Hơn nữa, để con người có thể hiểu những mặc khải này, họ cần được Thánh Thần do Chúa Cha sai tới để hướng dẫn và thúc đẩy.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Khoa học chân chính giúp tìm ra, chứ không chối bỏ Thiên Chúa. Chúng ta phải cẩn thận trong khi học hỏi và đánh giá trị các phát minh của khoa học.

– Để hiểu biết các điều bí ẩn của Thiên Chúa, chúng ta cần có một thái độ khiêm nhường để nhìn nhận khả năng giới hạn của con người; vì một thái độ kiêu ngạo sẽ ngăn cản chúng ta học hỏi về Thiên Chúa, và Ngài cũng chẳng tỏ mình cho những ai có thái độ như thế.

– Để hiểu biết về Thiên Chúa, chúng ta phải học với Đức Kitô; vì Ngài chính là mặc khải của Thiên Chúa. Không có Đức Kitô, chúng ta sẽ không có kiến thức hoàn hảo về Thiên Chúa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************