Ngày thứ tư (14-10-2020) – Trang suy niệm

13/10/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Tư Tuần XXVIII Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Gl 5, 18-25

“Những ai thuộc về Đức Kitô, thì đóng đinh xác thịt cùng với các dục vọng vào thập giá”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, nếu anh em được Thánh Thần hướng dẫn, anh em không còn ở dưới chế độ lề luật nữa. Vả chăng người ta thừa hiểu sự nghiệp của xác thịt là: tà dâm, ô uế, phóng đãng, buông tuồng, thờ lạy thần tượng, phù phép, thù hằn, kình địch, ghen tương, giận dữ, cãi lẫy, bất bình, bè phái, giết người, say sưa, mê ăn uống, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho anh em hay, như tôi đã từng nói rằng: hễ những ai phạm các điều lỗi đó, sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa.

Còn hoa quả của Thánh Thần là: yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lành, khoan dung, dịu hiền, trung trực, đức hạnh, tiết độ, trinh khiết. Lề luật không chống lại các điều ấy. Vả chăng, những ai thuộc về Đức Kitô, thì đã đóng đinh xác thịt cùng với các dục vọng và đam mê vào thập giá. Nếu chúng ta sống nhờ Thánh Thần, chúng ta cũng hãy ăn ở theo Thánh Thần. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6

A+B=Lạy Chúa, ai theo Chúa sẽ được ánh sáng ban sự sống (c. Jo 8,12).

A=Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày.    

B=Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt.    

A=Kẻ gian ác không được như vậy, họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi; vì Chúa canh giữ đường lối người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong.    

A+B=Lạy Chúa, ai theo Chúa sẽ được ánh sáng ban sự sống.

ALLELUIA:  Mt 4, 4b

– Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. – Alleluia. 

PHÚC ÂM:  Lc 11, 42-46

“Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái, và khốn cho các ngươi, hỡi những tiến sĩ luật”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa phán rằng: “Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi nộp thuế thập phân, bạc hà, vân hương, và các thứ rau, mà lại bỏ qua đức công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa: Phải thi hành những điều này, và không được bỏ những điều kia. Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi ưa thích ngồi ghế nhất trong các hội đường, và ưa thích được chào hỏi ngoài phố chợ. Khốn cho các ngươi, vì các ngươi giống những mồ mả không rõ rệt, người ta bước đi ở trên mà không hay biết!”

Có một tiến sĩ luật trả lời Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy nói như thế là Thầy sỉ nhục cả chúng tôi nữa”. Người đáp lại rằng: “Hỡi những tiến sĩ luật, khốn cho các ngươi nữa! Vì các ngươi chất lên người ta những gánh nặng không thể vác được, mà chính các ngươi dù một ngón tay cũng không động tới”. Đó là lời Chúa.    

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

14/10/2020 – THỨ TƯ TUẦN 28 TN

Th. Ca-lít-tô I, giáo hoàng, tử đạo

Lc 11,42-46

CHÂN THÀNH VỚI CẢ TẤM LÒNG

“Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bằng và lòng yêu mến Thiên Chúa.”(Lc 11,42)

Suy niệm: Chúa Giê-su quở trách những người Pha-ri-sêu và các thầy thông luật bằng những lời lẽ thật nặng nề vì lối sống giả hình của họ. Quả thật, họ giả hình vì lối sống chỉ có “vỏ” bề ngoài để che đậy cái “ruột” bên trong trống rỗng và xấu xí: họ thực hành luật lệ một cách thật chi li, tỉ mỉ theo hình thức nhưng “điều quan trọng nhất trong lề luật”, điều làm cho việc thực hành lề luật có giá trị, đó là “lẽ công bằng và lòng yêu mến” thì họ lại không có. Thế nên việc họ để cho lòng ham chuộng hư danh chế ngự, chạy theo địa vị chức quyền và lời khen tặng chính là hệ quả của sự trống rỗng nội tâm.

Mời Bạn: Quá rõ Chúa Giê-su ghét thậm tệ thói giả hình khi Ngài quở trách các thầy thông luật và người Pha-ri-sêu như vậy. Điều quan trọng không phải hình thức đẹp mã bên ngoài, cũng không phải số lượng những việc mà bạn gọi là làm cho Chúa. Thiên Chúa cần lòng nhân chứ đâu cần lễ tế (x. Hs 6,6): Chúa mong đợi chúng ta thực thi giới răn của Ngài với cả tấm lòng, tấm lòng một người tôi trung, một người con thảo noi gương Người Tôi Trung và Con Yêu Dấu của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô.

Sống Lời Chúa: Ngày hôm nay, tôi chu toàn bổn phận của mình với tất cả lòng mến Chúa và yêu thương tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết bỏ đi thói đạo đức giả mà sống thật với Chúa trong mọi việc mình làm. Hầu nhờ đó, mỗi ngày chúng con có thể trở nên hoàn thiện hơn, để xứng đáng là những người con hiếu thảo của Chúa và lợi ích cho anh chị em mình.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu trách các nhà lãnh đạo.
Họ là những người Pharisêu, những nhà thông luật.
Họ được dân chúng kính nể vì học thức, vì chức vụ, vì đời sống đạo đức.
Nhưng họ cũng có những khiếm khuyết cần sửa đổi.

Đức Giêsu ba lần nói “Khốn cho” đối với người Pharisêu (cc. 42-44).
Khốn cho thứ nhất vì họ quá chú tâm giữ những điều lặt vặt, phụ thuộc,
mà xao lãng cái chính yếu và quan trọng.
Họ nộp thuế 10% về những thứ rau cỏ ngoài vườn để tỏ lòng đạo đức.
Tiền thuế này được dùng để giúp đỡ các tư tế và các thầy Lêvi.
Nhưng tiếc là họ không để ý đến sự công bình đối với tha nhân,
và lòng yêu mến đối với Thiên Chúa (c. 42).
Tương quan hai chiều của họ bị tổn thương.
Việc nộp thuế, dâng cúng cho nhiều cũng không sao kéo lại được.
Đức Giêsu đòi giữ cả hai, nhất là những bổn phận chính yếu:
“Các điều này phải làm mà các điều kia cũng không được bỏ.”

Khốn cho thứ hai vì họ thích tiếng khen từ người đời.
Không yêu mến Thiên Chúa, nhưng họ lại yêu mến ghế đầu nơi hội đường,
và yêu thích được chào hỏi nơi công cộng (c. 43).
Địa vị, tiếng tăm là điều họ tha thiết tìm kiếm.
Mọi việc họ làm đều nhằm tôn vinh cho cái tôi.
Chính vì thế một đời sống bề ngoài có vẻ sống cho Chúa,
kỳ thực lại là một tìm kiếm hư danh cho chính mình.
Khốn cho thứ ba gắn liền với sự giả hình trên đây.
Đức Giêsu ví họ với mồ mả người chết chôn dưới đất.
Vì không có gì làm dấu, nên chẳng ai biết đó là mồ mả để tránh.
Nhiều người giẫm lên nên bị ô nhơ mà không hay.

Nghe Đức Giêsu nói, một nhà thông luật cảm thấy bị xúc phạm.
Đức Giêsu cũng sẽ nói ba lần Khốn cho đối với các vị này.
Họ là những nhà chuyên môn giải thích luật và là thầy dạy dân chúng.
Khốn cho đầu tiên vì họ đã làm cho luật trở nên một gánh quá nặng.
Những giải thích của họ làm sinh ra bao cấm đoán và đòi buộc
vượt xa những gì chính bản văn lề luật đòi hỏi.
Thí dụ trong ngày sabát, có 39 loại công việc không được phép làm.
Luật thay vì là nguồn vui, nguồn hạnh phúc, thì lại trở nên ách nặng nề.
Nhiệm vụ của người thông luật không phải chỉ là dạy luật,
mà còn là giúp người khác giữ luật.
Với thái độ đứng ngoài, không muốn động vào,
không muốn trợ giúp, dù bằng một ngón tay (c. 46),
người thông luật sẽ không làm cho người ta cảm thấy tình yêu Thiên Chúa.

Những lời Khốn cho của Đức Giêsu cách đây hai mươi thế kỷ
vẫn còn nguyên giá trị cho Hội Thánh của các Kitô hữu hôm nay.
Để có thể xây dựng một Hội Thánh Việt Nam cho kỷ nguyên mới,
chúng ta cần tránh những lỗi của người xưa.

Cầu nguyện:

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các Kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

14 THÁNG MƯỜI

Loan Báo Tin Mừng, Một Nhu Cầu Cấp Bách Và Toàn Diện

Công Đồng Vatican II, trong Sắc Lệnh Truyền Giáo, đã tổng hợp một cách tuyệt vời cả lý do lẫn trách nhiệm loan báo Tin Mừng. Sắc Lệnh này đề cập đến các hoạt động truyền giáo của Giáo Hội : “Lý do của sứ mạng truyền giáo phát xuất từ ý định của Thiên Chúa, Ngài ‘muốn tất cả mọi người được cứu độ và được biết sự thật. Và sự thật là: Thiên Chúa là Đấng Duy Nhất. Cũng chỉ có một Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, đó là Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, Đấng đã trao hiến chính mình làm giá chuộc cho mọi người’ (1Tm 2,4-6), và ‘không có ơn cứu độ nơi bất cứ ai khác’ (Cv 4,12). Do đó, mọi người phải trở về với Ngài sau khi đã nhận biết Ngài nhờ lời rao giảng của Giáo Hội, và phải kết hiệp mật thiết với Ngài cũng như với Giáo Hội là thân thể của Ngài qua Phép Rửa…”

“Đành rằng Thiên Chúa – bằng những cách thế chỉ một mình Ngài biết – có thể dẫn dắt những người có lương tâm ngay thẳng nhưng không biết Tin Mừng đến với đức tin – ‘bởi người ta không thể làm hài lòng Thiên Chúa được nếu không có đức tin’ (Dt 11,6); tuy nhiên, bổn phận tất yếu của Giáo Hội phải là rao giảng Tin Mừng, nghĩa là hoạt động truyền giáo của Giáo Hội luôn luôn còn đầy đủ tính khẩn thiết của nó – hôm nay và mãi mãi” (TG, 7).

Loan báo Tin Mừng là công việc thường xuyên của Giáo Hội. Nó luôn khẩn thiết và không bao giờ có thể chước miễn. Ơn cứu độ của con người luôn là vấn đề nóng bỏng. Đó là lý do tại sao Đức Phao-lô VI, trong Tông Huấn Evangelii nuntiandi, đã viết: “Người tông đồ phải hiến dâng tất cả thời giờ, tất cả sức lực, và nếu cần, hy sinh cả sự sống mình cho việc loan báo Tin Mừng” (EN, 5).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 14/10

Thánh Callistô I, giáo hoàng, tử đạo

Gl 5, 18-25; Lc 11, 42-46.

LỜI SUY NIỆM: “Khốn cho các ngươi! Các ngươi như mồ mả mà không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay”

       Khi Chúa Giêsu đứng trước những người biệt phái và các kinh sư, khi họ chỉ chú trọng bề ngoài, giữ cho đầy đủ các nghi lễ bề ngoài tôn giáo, còn tâm hồn họ thì thật tối tăm, thiếu hẳn tình yêu. Trước thực trạng này, ngày hôm nay Chúa Giêsu cũng đang cảnh tỉnh mỗi người chúng ta, đừng đóng kịch, để che đậy những bất lương của mình, để rồi làm cho người ngoài lầm tưởng mình là người tốt, thánh thiện, mà không còn giúp lời cầu nguyện cho chúng ta cả khi còn sống hay khi đã qua đời.

       Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết mọi sự thật trong và ngoài của chúng con, xin Chúa cho mọi thành viên trong gia đình chúng con, luôn sống trung thực với mình và với hết mọi người chung quanh mình.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 14-10

Thánh CALLISTÔ I
Giáo Hoàng Tử Đạo (+222)

Chúng ta biết được cuộc đời của thánh Callistô I chính là nhờ vào bản ký thuật của thánh Hyppolytô (Philosphoumena q. IX). Nhưng chẳng may đây lại là thuật ký của một kẻ thù nghiệt ngã với thánh nhân. Dầu vậy, thánh Hyppolytô không thể ngụy tạo các sự kiện hiển nhiên được và biết lượng định theo lương tri, chúng ta biết nhiều về thánh Callistô I hơn các đức giáo hoàng tiên khởi khác.

Người là nô lệ của một Kitô hữu tên là Carpôphôrô. Biết được khả năng về kinh tế và tài tổ chức của Ngài, ông đặt Ngài quản trị một ngân hàng. Công cuộc làm ăn thất bại, chúng ta có thể tin chắc rằng Callistô vô tội chứ không phải Ngài biển thủ ngân quỹ như Hippolytô qui trách. Để đòi lại những món nợ bởi người Do thái, Ngài bắt buôc phải vào một hội đường. Thế nhưng những người Do thái lại tố cáo Ngài là Kitô hữu. Quan tổng trấn Roma bắt Ngài, đánh đòn rồi gửi đi làm lao công ở các hầm mỏ miền Sardinia.

Khi bà Marcia, người thân của hoàng đế Commodô xin được ơn phóng thích cho các tội nhân, Callistô trở về. Đức giáo hàong Victor gửi Ngài tới Antium để dưỡng sức và cấp dưỡng cho Ngài. Điều này chứng tỏ rằng việc Ngài bị đức giáo hoàng Victor gạch tên khỏi sổ những người bị tù tội vì đức tin, mà Hippolytô viết ra là sai sự thật. Đến khi thánh Zephirinô lên kế vị Đức giáo hoàng Victor, Callistô được đặt làm tổng phó tế và có nhiệm vụ coi sóc các nghĩa trang. Ngài xây dựng một mộ địa mang tên Ngài. Đây là tài sản do một người bạn có quyền thừa kế tên là Cêcilia dâng tặng. Callistô đã tỏ ra là một nhà quản trị có khả năng, nên năm 217, Ngài được chọn làm giáo hoàng kế vị thánh Zephirinô.

Trên ngai giáo hoàng, đức Callistô I tỏ ra là người kiên quyết bảo vệ đức tin tôn giáo. Ngài đã kết án Sabelliô vì ông này chủ trương sai lạc về tín điều Chúa Ba ngôi. Đối với Hippolytô, Ngài cảnh cáo chủ trương sai lạc theo khuynh hướng nhị nguyên của ông về Chúa Giêsu. Tuy nhiên về phương diện kỷ luật, Ngài tỏ ra rất khôn ngoan và nhân từ. Dường như chính Ngài là đấng đã tổ chức các tước vị tại Roma, tại các nhà thờ thuộc giáo xứ…

Năm 222, thánh Callistô I từ trần bằng một cái chết dữ dằn. Theo truyền thuyết, Ngài bị đám đông giận dữ ném xuống giếng, tại Trstevere. Người ta cho rằng các lương dân căm thù vì bị Ngài trục xuất đã đưa tới cái chết này. Từ đầu tới cuối, Ngài là một con người cương nghị và độc tài. Ngài được chôn cất, không phải nơi hầm mộ mang tên Ngài, nhưng tại nghĩa địa ở đường Aurelia.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

14 Tháng Mười

Lời Trăn Trối Của Người Mẹ

Thời cách mạng Pháp, người ta hay nhắc đến một khuôn mặt dữ tợn, chuyên săn lùng các linh mục: đó là đại úy Laly.

Ông đã gia nhập vào đảng Jacobins đi khắp nơi để reo rắc kinh hoàng cho dân chúng. Nhiều vị linh mục đã kín đáo đến khuyên nhủ để lôi kéo ông ra khỏi tội ác. Nhưng tất cả mọi cố gắng của người khác đều vô ích. Con người độc ác đó chỉ đáp lại bằng lãnh đạm và những lời lẽ thô tục.

Thế nhưng một hôm, khi mọi người tưởng như không còn một chút hy vọng, Laly đã lần mò đến một linh mục để xin xưng tội và hòa giải với Giáo Hội. Sau đó ông đã thú nhận: “Cả đời, ngày nào tôi cũng đọc một kinh Kính Mừng, theo lời trăn trối của mẹ tôi trước khi chết”.

Có những câu ca dao, có những bài hát, có những bài học làm người, chúng ta tiếp thu ngay khi còn ngồi trên gối mẹ. Trí óc non dại của chúng ta chưa đủ khả năng để lĩnh hội ý nghĩa sâu xa của những bài học đó. Nhưng dần dà với thời gian, khi bắt đầu chúng ta biết suy nghĩ, những bài học đó trồi lên một cách trong sáng trong kiến thức của chúng ta. Có lẽ người mẹ nào cũng hiểu được giá trị của câu: “Dạy con từ thuở còn thơ…”.

Mẹ Maria, Hiền Mẫu của chúng ta, vừa là một mẫu gương vừa là một nhà giáo dục tuyệt hảo trong Ðức Tin. Lời kinh dâng Mẹ mà chúng ta bập bẹ khi vừa biết nói là bài ca dao đẹp nhất không ngừng ngân vang trong cuộc sống Kitô chúng ta. Có thể, đôi lúc chúng ta cũng ngâm nga một cách máy móc, nhưng Mẹ vẫn có đó và Mẹ vẫn đeo đuổi, ấp ủ chúng ta trong Tình Yêu bao la của Mẹ.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư Tuần 28 TN2, Năm Chẵn

Bài đọc: Gal 5:18-25; Lk 11:42-46.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hai lối sống: theo Thánh Thần hay theo xác thịt.

Đối phương của Thánh Phaolô tố cáo: Vì muốn chiêu mộ nhiều tín hữu nên Phaolô rao truyền một thứ đạo quá dễ dàng: chỉ cần tin mà không cần giữ Lề Luật. Thánh Phaolô trả lời cho họ bằng cách phân biệt 2 lối sống: theo Thánh Thần và theo Lề Luật. Ngài tố cáo họ đã sống theo lối sống thấp hèn của Lề Luật. Những người đặt niềm tin nơi Chúa Kitô sống một lối sống cao hơn mà Lề Luật không bao giờ có thể đạt tới, đó là lối sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng vạch ra những tật xấu của các Kinh-sư và Luật-sĩ vì lối sống theo Lề Luật của họ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: So sánh hai lối sống: theo Thánh Thần và theo xác thịt (Lề Luật)

Theo đạo lý của Thánh Phaolô: Con người trở nên công chính không bằng việc giữ Lề Luật, nhưng bằng niềm tin vào Đức Kitô thể hiện qua đức bác ái. Tương xứng với đạo lý này là hai lối sống: nếu một người chọn trở nên công chính theo Lề Luật, người ấy sẽ sống theo lối xác thịt; nếu một người chọn trở nên công chính bằng niềm tin vào Đức Kitô, người ấy sẽ để cho Thánh Thần hướng dẫn, và không còn lệ thuộc Lề Luật nữa.

1.1/ Lối sống theo xác thịt: Thánh Phaolô liệt kê một số các dấu hiệu của lối sống theo xác thịt:

– dâm dục, ô uế, hoang đàng: để thỏa mãn những dục vọng thấp hèn của xác thịt;

– thờ bụt thần, dùng phù phép: không tin tưởng nơi sức mạnh của Thiên Chúa;

– hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận: hòan tòan ngược lại với đức bác ái;

– tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ: không xây dựng sự hiệp nhất trong cộng đòan;

– say sưa, chè chén: để thỏa mãn nhu cầu ăn uống của xác thịt.

Nếu một người để mình sống theo những khuynh hướng này, Thánh Phaolô cảnh cáo: “Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa.”

1.2/ Lối sống theo Thánh Thần: Thánh Phaolô liệt kê 9 dấu hiệu cuả lối sống theo Thánh Thần mà ngài gọi là hoa quả của Thánh Thần. Đây là những nhân đức mà con người có thể luyện tập được khi để cho Thánh Thần hướng dẫn:

(1) Bác ái (Charity): hoa quả đầu tiên và quan trọng nhất của lối sống theo Thánh Thần;

(2) Hoan lạc (Joy): niềm vui trong tâm hồn chứ không phải niềm vui vì lợi lộc vật chất;

(3) Bình an (Peace): không sợ hãi trước một đau khổ nào, vì luôn tin nơi Thiên Chúa;

(4) Đại lượng (Generosity): không lấy ác báo ác, nhưng luôn rộng lượng tha thứ;

(5) Tử tế (Kindness): sẵn sàng giúp đỡ những người cần đến và tử tế với mọi người;

(6) Từ tâm (Goodness): có lòng thương xót cho mọi người;

(7) Hiền hoà (Gentleness): không to tiếng la lối, chửi mắng, hay đánh đập người khác;

(8) Trung tín (Faithfulness): trung thành với những gì đã thề hứa dẫu gặp khó khăn;

(9) Tiết độ (Self-control): tự chủ trong mọi lãnh vực ăn, uống, ngủ, và hưởng thụ.

Giáo Hội, trong Sách GLCG, số 1832, liệt kê thêm 3 hoa quả của Chúa Thánh Thần:

(10) Kiên nhẫn (Patience): không dễ thay đổi khi phải đương đầu với khó khăn;

(11) Đơn giản (Modesty): không để cho của cải vật chất chi phối cuộc đời;

(12) Trong sạch (Chastity): giữ thể xác và tâm hồn luôn trong trắng.

Thánh Phaolô khẳng định: “Không có luật nào chống lại những điều như thế.” Hơn nữa, Lề Luật chỉ có thể ngăn cấm con người để đừng phạm tội, nhưng không thể giúp cho con người sống theo những tiêu chuẩn cao thượng như thế. Nhưng những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào Thập Giá cùng với các dục vọng và đam mê. Đồng thời, Thánh Thần của Đức Kitô sẽ giúp con người đạt được mức tòan thiện của cuộc sống.

2/ Phúc Âm: Tai hại của việc sống theo Lề Luật

2.1/ Chúa Giêsu mắng chửi các Biệt-phái: Thuế Thập Phân là 10% cho tất cả các hoa mầu ruộng đất, trả trực tiếp cho những người Levites; và họ sẽ trả 10% những gì họ thu được cho các tư tế. Chúa Giêsu không kết tội họ vì bắt người ta nộp thuế Thập Phân, nhưng trách họ về bốn tội sau đây:

(1) Xao lãng lẽ công bằng: cất giấu các lợi nhuận thu được để dùng riêng;

(2) Thiếu lòng yêu mến Thiên Chúa: vì quá chú trọng đến các nghi lễ bên ngòai (Mk 7:6);

(3) Thích hư danh: thích ngồi ghế đầu trong hội đường để mọi người nhìn thấy, thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng để thấy mình quan trọng;

(4) Đánh lừa thiên hạ: “Các người như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay.” Lề luật dạy: hễ động vào mồ mả là trở thành ô uế cho dù có biết hay không. Chúa ví các Kinh-sư cũng nguy hiểm như các mồ mả không làm dấu vì sự giả hình của họ.

2.2/ Mắng chửi các Luật-sĩ: Lề Luật tự nó không xấu mà còn giúp để giữ trật tự; nhưng Chúa mắng chửi các Luật-sĩ vì họ lợi dụng Lề Luật để ức hiếp tha nhân. Ví dụ: để tránh giữ luật đi xa trong ngày Sabbath, họ dùng giây để làm cho giới hạn của nhà họ được rộng lớn hơn; để lấy tài sản của một người phải giúp cha mẹ, họ dùng luật Coban: của dâng cho Thiên Chúa không ai được đụng tới (Mk 7:11). Và còn trăm ngàn cách khác họ có thể đi chung quanh để buộc tội người khác và kiếm lợi nhuận cho mình. Vì thế, Đức Giêsu nói với họ: “Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Người Công Giáo không phải là người chỉ tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô rồi muốn làm gì thì làm; nhưng họ phải từ bỏ lối sống theo xác thịt và học sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần.

– Mười hai dấu hiệu để thấy nếu một người sống theo lối sống của Thánh Thần: bác ái, vui tươi, bình an, kiên nhẫn, đại lượng, trung thành, từ tâm, tốt lành, hiền hậu, đơn giản, tiết độ, và trong sạch.

– Ngược lại lối sống theo Thánh Thần là lối sống theo xác thịt hay Lề Luật mà Chúa Giêsu mắng chửi các Kinh-sư và Luật-sĩ. Họ coi thường Thiên Chúa, háo danh, và dùng Lề Luật để đối xử bất công và đánh lừa tha nhân.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************