Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Tư Tuần II Mùa Chay Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: Gr 18, 18-20
“Hãy đến, và chúng ta hành hạ nó”.
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Thiên hạ nói rằng: “Các ngươi hãy đến và chúng ta tìm cách chống lại Giêrêmia: vì tư tế không thiếu lề luật, người khôn ngoan không thiếu lời chỉ bảo, tiên tri không thiếu lời giảng dạy! Hãy đến, chúng ta hãy dùng lời nói mà tố cáo nó và đừng để ý đến các lời nó dạy”.
Lạy Chúa, xin lưu tâm đến con, và nghe tiếng quân thù của con! Làm lành mà phải gặp dữ sao, vì họ đào lỗ chôn con? Xin Chúa hãy nhớ lại con đã đứng trước nhan thánh Chúa để biện hộ cho họ, Chúa đã nguôi giận họ. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 30, 5-6. 14. 15-16
Đáp: Lạy Chúa, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa (c. 17b).
Xướng:
1) Chúa dẫn con xa lưới dò chúng ngầm trương ra để hại con, vì Ngài là chỗ con nương náu. Con phó thác tâm hồn trong tay Chúa; lạy Chúa, lạy Thiên Chúa trung thành, xin cứu chữa con. – Đáp.
2) Con đã nghe thấy lũ đông bàn tán, nỗi sợ sệt gieo nặng khắp đôi nơi; cùng một lúc, chúng tụ họp phản đối con; chúng đã âm mưu sát hại mạng con. – Đáp.
3) Phần con, lạy Chúa, con tin cậy ở Ngài, con kêu lên: Ngài là Thiên Chúa của con! Vận mạng con ở trong tay Ngài, xin cứu gỡ con khỏi tay quân thù và những người bách hại. – Đáp.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ge 2, 12-13
Chúa phán: “Vậy từ đây các ngươi hãy thật lòng quay về với Ta, vì Ta nhân hậu và từ bi”.
PHÚC ÂM: Mt 20, 17-28
“Họ đã lên án tử cho Người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, đem riêng mười hai môn đệ đi theo. Dọc đường, Người nói với họ: “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các vị thượng tế và luật sĩ. Người ta sẽ lên án tử cho Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại để chúng nhạo báng, đánh đòn, rồi treo Người lên thập giá, nhưng đến ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Bấy giờ bà mẹ các con ông Giêbêđê cùng với hai con đến gặp Người. Bà sấp mình xuống lạy Người, có ý xin Người điều chi đó. Người hỏi: “Bà muốn gì”. Bà ta thưa lại: “Xin Ngài hãy truyền cho hai con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong Nước Ngài”. Chúa Giêsu đáp lại: “Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây Ta sắp uống chăng?” Họ nói với Người: “Thưa được”. Người bảo họ: “Vậy các ngươi sẽ uống chén của Ta, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả, thì không thuộc quyền Ta ban, nhưng Cha Ta đã chuẩn bị cho ai, thì người ấy mới được”. Nghe vậy, mười người kia tỏ ra bất bình với hai anh em: Chúa Giêsu gọi họ lại mà bảo: “Các con biết thủ lãnh của các dân tộc thì thống trị họ và những người làm lớn thì hành quyền trên họ. Giữa các con thì không được thế. Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu trong các con, thì hãy làm tôi tớ các con. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
16/03/2022 – THỨ TƯ TUẦN 2 MC
Mt 20,17-28
PHỤC VỤ ĐÍCH THỰC
“Con Người đến không phải để được kẻ hầu người hạ, nhưng là để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20,28)
Suy niệm: Cho đi để được cho lại là tính toán thường tình của con người. Có người làm ơn làm phúc để được đền đáp, có người hy sinh phục vụ để tên tuổi của mình được nhắc đến. Tiền tài, danh vọng, quyền bính lắm khi ẩn núp sau những công việc mà có người gọi là phục vụ. Cuộc sống của Chúa Giê-su đã đem lại cho hai chữ phục vụ ý nghĩa đích thực: phục vụ là làm công việc của một người tôi tớ. Người tôi tớ thời Chúa Giê-su chỉ có một hiện hữu duy nhất đó là sống cho và sống vì người khác. Như vậy, phục vụ đích thực là sống trọn vẹn cho tha nhân và vì tha nhân.
Mời Bạn: Chúa Giê-su đã phục vụ quên mình và quên mình cho đến chết. Ngài là mẫu gương cho bạn trong cách phục vụ khi Ngài chết đi cho bạn. Các tông đồ xưa và nay cả bạn cũng theo Chúa nhưng từ bỏ mọi sự với một tính toán nào đó. Vì thế, Giáo Hội mời gọi bạn phải không ngừng hoán cải, quay về với Chúa, trong mọi sự chỉ tìm kiếm một mình Chúa và vì Chúa mà thôi.
Sống Lời Chúa: Bạn đang sống trong mùa chay. Mùa chay nhắc nhở bạn về ơn gọi của người môn đệ là phục vụ, quên mình và ý thức mình là đầy tớ vô dụng. Mời bạn tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa bằng những hy sinh và từ bỏ một thói xấu mà bạn hay phạm.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết có tinh thần phục vụ đích thực như Chúa, phục vụ bằng cả khối óc, quả tim và đôi tay. Ước gì con biết chiến đấu mỗi ngày chống lại mọi tính xấu để được sống dồi dào hơn.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Ghế tượng trưng cho chức vụ và chức vị.
Chính vì thế bình thường người ta ai cũng thích ghế.
Ghế trong tôn giáo cũng như ghế ngoài đời.
Tìm cách có ghế, giữ ghế hay tìm cách lên một ghế cao hơn,
đó vẫn là điều khiến nhiều người vất vả,
và đó cũng là điều khiến thế giới loạn lạc và xung đột.
Bài Tin Mừng kể cho chúng ta chuyện tranh cãi giữa nhóm Mười Hai.
Vẫn là chuyện những cái ghế.
Quan trọng nhất là hai ghế nằm hai bên tả hữu của Thầy
khi Thầy vào vinh quang trong Nước Thiên Chúa.
Chỉ tiếc là chuyện tranh cãi này lại xảy ra ngay sau khi
Thầy Giêsu tâm sự riêng với các môn đệ về cuộc Khổ Nạn của mình.
Chẳng rõ có phải Gioan và Giacôbê đã nhờ mẹ mình xin giùm không.
Từ chối lời xin ngây thơ của một người mẹ thương con là điều không dễ.
Thầy Giêsu có bực mình không khi phải chịu một áp lực như thế?
“Các người không biết các người xin gì!”
Điều các người xin xa lạ với con đường Thầy sắp đi.
Điều các người mơ ước lại là điều Thầy sắp phải quyết liệt từ bỏ:
quyền lực, tiếng tăm, vinh dự…
“Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”
Như thế Thầy Giêsu thách đố nhóm Mười Hai
về khả năng chia sẻ cuộc Khổ Nạn với Ngài,
khả năng dám uống chung một chén đắng mà Ngài sắp uống.
Chỉ những ai dám cùng chịu đau khổ mới được chung phần vinh quang.
Chẳng rõ các môn đệ có lường được cái giá phải trả không,
nhưng họ đã vội trả lời là uống nổi.
Thầy Giêsu xác nhận chọn lựa của họ,
nhưng Ngài lại không hứa cho họ ngồi hai bên tả hữu của mình,
đơn giản là vì điều đó thuộc quyền của Cha.
Chuyện tranh cãi giữa các môn đệ là cơ hội để Thầy Giêsu vạch ra
cách hành xử cho những nhà lãnh đạo tương lai của Giáo Hội.
Chắc chắn nó khác với lối lãnh đạo ngoài đời,
khi người ta dùng quyền uy để thống trị và làm bá chủ (c. 25).
“Giữa anh em thì không được như vậy,” anh em không được theo thói đời.
Thầy Giêsu dạy các môn đệ điều ngược đời:
kẻ làm lớn, làm đầu phải làm đầy tớ phục vụ cho anh em mình (cc. 26-27).
Tấm gương lớn nhất là tấm gương Thầy phục vụ (c. 28).
Cuộc Khổ nạn sắp đến là việc phục vụ khiêm hạ nhất của Thầy.
Lần đầu tiên Đức Giêsu cho biết ý nghĩa cái chết sắp đến của mình,
cái chết như giá chuộc để cứu độ muôn người (c. 28).
Mười môn đệ khác có còn ghen tức hai anh em con ông Dêbêđê nữa không
nếu họ biết rằng ngồi ghế cao chính là để thấy rõ mà dễ phục vụ hơn?
Cầu nguyện:
Lạy Thầy Giêsu,
Thầy không gọi chúng con là tôi tớ,
Thầy cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ.
Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy,
vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con
những điều riêng tư thầm kín nhất
trong tương quan giữa Thầy với Cha.
Hơn nữa, sau phục sinh,
Thầy đã gọi các môn đệ là anh em.
Mặc nhiên Thầy tự nhận mình là Anh Trưởng
đứng đầu một đoàn em đông đúc.
Xin cho chúng con
luôn thi hành ý muốn của Cha
để trở nên những người em
cùng huyết nhục với Thầy.
Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên
làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy.
Còn Thầy lại hạ mình xuống
phục vụ chúng con như người tôi tớ,
rửa chân cho chúng con như một nô lệ
và chết thay cho chúng con trên thập giá.
Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy
và sống yêu thương mọi người như anh em. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
16 THÁNG BA
Luân Lý Tính Phải Được Đo Lường
Bằng Thước Đo Của Thiên Chúa
Xuyên qua việc tuân giữ Thập Giới, con người sẽ trở nên tốt. Con người sẽ mặc lấy phẩm tính của Thiên Chúa. Còn nếu không tuân giữ Thập Giới, con người sẽ sa vào hành động xấu. Như vậy, Thập Giới trao cho chúng ta chuẩn mực để đo lường hành vi và đo lường chính cuộc sống của chúng ta. Trong tư cách là con người – có thể chọn lựa giữa cái đúng và điều sai – phẩm giá của chúng ta được nối kết một cách trực tiếp với sự vâng phục của chúng ta đối với luật luân lý của Thiên Chúa.
Vâng phục luật luân lý – đó không chỉ là một vấn đề cá nhân mà còn là một vấn đề xã hội. Nó cho chúng ta biết Thiên Chúa muốn chúng ta sống với tha nhân như thế nào. Nó hình thành cho chúng ta một tiêu chuẩn sống. Nó cho ta biết phải làm sao để bảo vệ và tôn trọng phẩm giá của người khác cũng như của mình. Qua đó, nó giải phóng người ta khỏi sự trói buộc của sự dữ. Đây không phải là chuyện hoa hòe, ‘tùy hỉ’chút nào; mà đây là vấn đề hết sức chủ yếu. Đấng trao ban Thập Giới là Thiên Chúa Gia-vê, là Đấng đã dẫn đưa con cái It-ra-en ra khỏi đất Ai-cập, ra khỏi tình cảnh nô lệ.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 16/3
Gr 18, 18-20; Mt 20, 17-28.
LỜI SUY NIỆM: “Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và ngày thứ ba Người sẽ trổi dậy.”
Chúa Giêsu loan báo riêng với các môn đệ của Người về sự Thương Khó và Phục Sinh của Người, đây là lần thứ ba. Chúa Giêsu loan báo để các ông có thể “Hiệp hành” với Người; nhưng các ông lại đang nghĩ đến địa vị “bên hữu bên tả” trong Nước của Người.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn ghi tạc vào lòng mình về cuộc Thương Khó của Chúa, để biết sám hối, cải thiện đời sống của mình và đặt trọn hy vọng vào Sự Phục Sinh của Chúa sẽ đem lại sự sống đời đời cho chúng con.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
16 Tháng Ba
Cuộc Săn Thỏ
Ðức hồng Y Carlo Martini, nguyên viện trưởng trường Kinh Thánh tại Roma và hiện là tổng giám mục Milano bên Italia, đã ghi lại trong quyển chú giải về Phúc Âm Thánh Gioan, câu chuyện sau đây:
Vào thế kỷ thứ ba, trong Giáo hội có vấn đề các tu sĩ ào ạt rời bỏ cuộc sống tu trì… Ðể giải thích cho hiện tượng này, một thầy dòng nọ đã đưa ra hình ảnh của một đàn chó đi săn thỏ. Một chú chó trong đàn đã bất chợt nhận ra một con thỏ. Thế là chú nhanh nhẩu rời đàn chó và vừa chạy theo con thỏ vừa sủa inh ỏi. Không mấy chốc, mấy chú chó khác cũng rời hàng ngũ để chạy theo. Và cứ thế cả đàn chó bỗng chạy ùa theo. Tất cả mọi con chó đều chạy, nhưng kì thực chỉ có một con chó là đã phát hiện ra con thỏ.
Sau một lúc săn đuổi, chú chó nào cũng mệt lả, cho nên từ từ bỏ cuộc, bởi vì đa số đã không được nhìn thấy con thỏ. Chỉ duy chú chó đầu tiên đã phạt hiện ra con thỏ là tiếp tục đeo đuổi cuộc săn bắt.
Vị tu sĩ đãđưa ra kết luận như sau: “Ðã có rất nhiều tu sĩ đi theo Chúa, nhưng kỳ thực chỉ có một hoặc hai vị là đã thực sự thấy Chúa và hiểu được họ đang đeo đuổi điều gì. Số khác chạy theo vì đám đông hoặc vì họ nghĩ rằng họ đang làm được một điều tốt. Nhưng kỳ thực họ chưa bao giờ thấy Chúa. Cho nên khi gặp khó khăn thử thách, họ bắt đầu chán nản bỏ cuộc”.
Cuộc sống của người Kitô chúng ta có lẽ cũng sẽ ví được với một cuộc săn thỏ… Ở khởi đầu, ai trong chúng ta cũng hăm hở ra đi, ai trong chúng ta cũng đều làm rất nhiều cam kết, nhưng một lúc nào đó, khi không còn thấy gì đến trước mắt nữa, chúng ta bỏ cuộc buông xuôi… Ða số trong chúng ta hành động theo sự thúc đẩy của đám đông mà không cần tìm hiểu lý do của việc làm chúng ta. Người ta lập gia đình mà không hiểu đâu là cam kết của đời sống hôn nhân. Người ta gia nhập đoàn thể này, đoàn thể nọ, chúng ta cũng hăng hái tham gia mà không cân nhắc kỹ lưỡng các lý do tại sao chúng ta tham dự. Và biết đâu, người ta đi nhà thờ, chúng ta cũng đi nhà thờ mà không bao giờ tự hỏi tại sao chúng ta đi nhà thờ. Người ta đi xưng tội rước lễ, chúng ta cũng đi xưng tội rước lễ mà có lẽ chưa bao giờ đặt ra câu hỏi nghiêm chỉnh tại sao chúng ta làm như thế… Dĩ nhiên, Ðức Tin của chúng ta cần phải được nâng đỡ từ gia đình, xã hội, bởi người khác. Nhưng chúng ta không thể quên được rằng trước hết Ðức Tin là một cuộc gặp gỡ cá vị giữa mỗi người và Thiên Chúa, Ðức tin là một cuộc hành trình trong đó mỗi con người phải tự thấy con đường mình đang đi… Chúng ta không thể sống đạo, giữ đạo vì người khác. Người Kitô có một đồng phục chung là Ðức Ái, nhưng cuộc sống của mỗi người không phải vì thế mà được đúc sẵn theo một khuôn mẫu, theo những công thức có sẵn, theo những lôi cuốn của đám đông.
Trong cuộc hành trình Ðức Tin, chúng ta cùng đồng hành với người khác, nhưng mỗi người cần phải thấy rõ địa điểm mình đang đi tới. Có thấy rõ như thế, mỗi khi gặp mệt mỏi, chông gai thử thách, chúng ta mới có thể kiên vững tiếp tục tiến bước.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư – Tuần II – MC
Bài đọc: Jer 18:18-20; Mt 20:17-28.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lãnh đạo bằng phục vụ và chịu đau khổ.
Con người ham quyền hành, chức tước, và địa vị quan trọng trong xã hội; vì khi họ nắm quyền hành, họ sẽ được ra lệnh; khi có chức tước, họ sẽ được mọi người biết tới; và khi làm lớn, họ sẽ được dân chúng hầu hạ. Để đạt được những điều này, nhiều người đã dùng mọi cách để có ưu thế trước, ngay cả việc dùng những thủ đọan để hạ bệ người khác. Điều này được coi là thông thường với các nhà lãnh đạo thế gian, nhưng bị Thiên Chúa ngăn cấm với các nhà lãnh đạo tôn giáo.
Các Bải đọc hôm nay xoay quanh hai cách lãnh đạo khác nhau này. Trong Bài Đọc I, tiên tri Jeremiah khó chịu khi làm việc lành cho dân, đã không được họ biết ơn thì chớ, lại còn bị các nhà lãnh đạo trong dân hội họp nhau, để lập mưu hãm hại ngài. Trong những trường hợp như thế, nhà lãnh đạo tôn giáo dễ nản chí, bỏ cuộc, và ngay cả xin Thiên Chúa báo thù. Trong Phúc Âm, khi Chúa Giêsu loan báo Cuộc Khổ Nạn sắp tới của Ngài lần thứ ba, người mẹ của hai môn đệ Giacôbê và Gioan đến xin Chúa Giêsu cho hai con được “một đứa ngồi bên tả và một đứa ngồi bên hữu trong Nước Chúa.” Điều này gây chia rẽ giữa các môn đệ. Chúa Giêsu phải dạy dỗ để các ông hiểu cách lãnh đạo của người môn đệ Chúa: phải phục vụ mọi người và hy sinh chịu gian khổ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Lấy óan đền ơn.
1.1/ Người ngôn sứ phải chịu bắt bớ đau khổ: Điều này hiển nhiên, vì họ phải nói những gì Thiên Chúa nói; và những điều Thiên Chúa nói, nhiều khi là những điều con người không thích nghe. Các ngôn sứ giả nói những điều thiên hạ muốn nghe, nên được mọi người yêu thích. Còn Jeremiah, ông phải nói những gì thiên hạ không muốn nghe như loan báo: chiến tranh, phá hủy và lưu đày. Vì thế, không lạ gì mà ông phải chịu đau khổ. Họ nói với nhau: “Hãy đến đây ta cùng nhau bàn mưu tính kế hại Jeremiah. Vì thiếu tư tế, lề luật không chết; thiếu hiền nhân, không thiếu ý kiến; thiếu ngôn sứ, không thiếu lời dạy bảo. Đến đây, ta hãy dùng lời nó mà hại nó, và phải hết sức để ý đến mọi lời nó nói.” Họ quên rằng Thiên Chúa là Đấng quan phòng mọi sự xảy ra trong trời đất: họ có thể làm cho Jeremiah chịu đựng đau khổ, nhưng không ngăn cản được những gì Thiên Chúa sắp đổ xuống trên họ.
1.2/ Người ngôn sứ dễ mất kiên nhẫn khi phải đương đầu với bạc bẽo, vong ân: Qua đời sống của các tiên tri, chúng ta học được bài học đau khổ của các ngài: một đàng vì thương dân, không muốn dân phải chịu đau khổ, nên cầu nguyện để xin Thiên Chúa thương xót, và đừng đổ đại họa xuống trên dân; một đàng tức giận vì sự ngoan cố của họ, đã không chịu ăn năn trở lại, mà còn tính kế lập mưu để làm hại những người thương yêu lo lắng cho họ. Tiên tri Jeremiah bày tỏ sự bất mãn của ông với dân lên Thiên Chúa: “Lạy Đức Chúa, xin để ý đến con và nghe những kẻ tố cáo con nói đó. Nào có ai lấy oán đền ơn? Thế mà chúng lại đào hố nhằm làm con mất mạng.
Xin Ngài nhớ cho: con đã từng đứng ra trước nhan Ngài để nói tốt nói hay cho chúng, để ngăn cơn thịnh nộ của Ngài khỏi giáng lên đầu chúng.”
2/ Phúc Âm: Tham quyền và củng cố địa vị.
2.1/ Đấng Thiên Sai phải ngang qua con đường đau khổ: Người Do-Thái, trong đó có các Tông-đồ, và ngay cả chúng ta, không thể nào hiểu nổi thánh ý của Thiên Chúa. Họ và chúng ta không thể nào hiểu nổi tại sao một Thiên Chúa quyền uy không dùng sức mạnh để cứu độ, mà lại chọn con đường gian khổ để cứu độ con người! Đây là lần thứ ba Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ ý định của Thiên Chúa, các môn đệ không hiểu và cũng không muốn chấp nhận con đường này. Tại sao Đấng Thiên Sai phải chịu đau khổ?
(1) Ngài muốn gánh hình phạt của cả nhân lọai trên vai: Tiên tri Isaiah đã loan báo trước: “Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta … Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Isa 53:4-5).
(2) Con người dễ bị cảm hóa bởi tình yêu hơn lệnh truyền: Trong Cựu Ước, nhiều lần Thiên Chúa truyền qua Lề Luật; nhưng con người vẫn vi phạm. Trong Tân Ước, Thiên Chúa muốn con người nhìn thấy Chúa Giêsu chịu gian khổ, để con người hiểu tình yêu của Ngài dành cho họ; để họ yêu mến Ngài. Khi con người cảm nghiệm được tình yêu, họ sẽ biết sống tốt đẹp.
2.2/ Người mẹ của môn đệ muốn quyền hành cho hai con mình: Điều bà mẹ của Giacôbê và Gioan xin Chúa Giêsu cũng dễ hiểu, nếu xét theo tiêu chuẩn con người; vì có bà mẹ nào không muốn con cái mình có một tương lai yên ấm! Hơn nữa, nếu con được yên ấm, mẹ cũng được hưởng nhờ. Chúa Giêsu rất kiên nhẫn cắt nghĩa cho Bà: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi.” Vì ham muốn chức quyền, nên họ trả lời “Có!” Nhưng nếu hiểu rõ “chén đắng” mà Chúa Giêsu sắp uống là Con Đường Khổ Nạn của Ngài, chưa chắc họ dám trả lời với Ngài như vậy. Các nhà lãnh đạo tinh thần cũng phải noi gương Chúa Giêsu, phải kiên nhẫn cắt nghĩa và làm cho dân chúng hiểu những gì quá sức họ.
2.3/ Mười môn đệ khác tức tối với hai anh em đó: Khó chịu khi thấy người khác hơn mình là điều thường xảy ra cho tất cả mọi người, vì ai cũng muốn làm lớn. Đây cũng là nguyên nhân chính gây nhiều thiệt hại và đổ vỡ trong cộng đòan. Nếu không biết cách sửa chữa kịp thời, cộng đòan sẽ có nguy cơ tan rã. Nhận ra sự nguy hại của điều này, Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.”
Chúa Giêsu muốn các môn đệ sự khác biệt giữa hai lý tưởng và hai cách lãnh đạo. Lý tưởng khác thì các lãnh đạo cũng phải khác. Lý tưởng của các môn đệ Chúa là đưa mọi người về cho Thiên Chúa, chứ không phải để đạt được uy quyền danh vọng ở đời này; nên cách lãnh đạo của họ cũng phải khác, họ phải phục vụ và hy sinh chịu gian khổ để người khác được cứu độ. Chúa Giêsu dùng chính gương của Ngài để làm ví dụ cho các ông: “Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Lòng ham muốn quyền hành, chức tước, và địa vị, xâm nhập khác nơi; ngay cả trong hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo và trong gia đình. Người môn đệ Chúa phải đề phòng những ham muốn này; nếu không, họ sẽ cảm thấy bực tức, khó chịu, và ngay cả bỏ lý tưởng đang theo đuổi.
– Chúa Giêsu truyền: Nhà lãnh đạo tôn giáo phải khác với những nhà lãnh đạo khác, vì mục đích của hai bên khác nhau. Họ phải hy sinh phục vụ và chịu đựng gian khổ để đưa con người về với Chúa, chứ không phải để đạt những lợi lộc vật chất ở đời này.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************