Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Tư Tuần XXXIII Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: Kh 4, 1-11
“Thánh, Chúa là Thiên Chúa toàn năng, Đấng đã có, hiện có và sẽ đến”.
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.
Tôi là Gioan, tôi đã thấy: kìa cửa trời mở ra và tiếng tôi đã nghe trước kia nói cùng tôi như tiếng loa rằng: “Hãy lên đây, Ta sẽ cho ngươi thấy điều phải xảy ra sau này”. Bỗng tôi xuất thần, và kìa, một ngai đã đặt trên trời, có Đấng ngự trên ngai, và Đấng ngự trên ngai rực rỡ như bích ngọc hoặc như hồng thạch; có mống cầu vồng màu lục thạch bao bọc ngai. Chung quanh ngai có hai mươi bốn toà, và trên đó, có hai mươi bốn trưởng lão, mặc áo trắng tinh, đầu đội triều thiên vàng. Từ nơi ngai phát ra những tia chớp, tiếng nói và tiếng sấm; lại có bảy cây đèn cháy trước ngai, đó là bảy Thần linh của Thiên Chúa. Phía trước ngai coi như có biển trong ngần như pha lê.
Còn chính giữa và chung quanh ngai có bốn con vật, đàng trước đàng sau chỗ nào cũng có mắt: Con vật thứ nhất giống như sư tử; con vật thứ hai giống như con bò; con thứ ba có dung mạo như mặt người; con thứ tư như chim phượng hoàng đang bay. Bốn con vật ấy con nào cũng có sáu cánh quanh mình, và trong mình đầy những mắt, ngày đêm không ngớt tung hô:
“Thánh, Thánh, Thánh! Chúa là Thiên Chúa toàn năng, Đấng đã có, hiện có, và sẽ đến”.
Và mỗi lần bốn con vật tôn vinh, chúc tụng và cảm tạ Đấng ngự trên ngai, là Đấng hằng sống muôn đời, thì hai mươi bốn trưởng lão phủ phục trước Đấng ngự trên ngai và thờ lạy Đấng hằng sống muôn đời; họ gỡ triều thiên của họ mà đặt trước ngai và tung hô rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Chúa đáng được vinh quang, danh dự và quyền năng, vì chính Chúa đã tạo thành vạn vật, chính do ý Chúa mà muôn vật mới có và được tạo thành”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 150, 1-2. 3-4. 5-6
A+B: Thánh, thánh, thánh! Chúa là Thiên Chúa toàn năng (Kh 4, 8b).
A) Hãy ngợi khen Chúa trong Thánh đài của Chúa, ngợi khen Chúa nơi thanh không cao cả của Người. Hãy ngợi khen Người vì những kỳ công vĩ đại, ngợi khen Người bởi sự Người tuyệt đối oai nghiêm.
B) Hãy ngợi khen Người với tiếng kèn rầm rộ, ngợi khen Người với cây đàn sắt đàn cầm. Hãy ngợi khen Người với trống rung và ca vũ, ngợi khen Người với tiếng tơ đàn, với ống tiêu.
A) Hãy ngợi khen Người với âm vang não bạt, ngợi khen Người với tiếng rền rĩ mã la. Phàm vật chi có hơi thở, hãy ngợi khen Thiên Chúa.
A+B: Thánh, thánh, thánh! Chúa là Thiên Chúa toàn năng (Kh 4, 8b).
ALLELUIA: Tv 110, 8ab -Lạy Chúa, mọi gới răn Chúa được lập ra cho tới muôn đời. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 19 11-28
“Sao ngươi không gửi bạc Ta ở ngân hàng”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán thêm một dụ ngôn nữa, vì Người đã đến gần Giêrusalem, mà dân chúng lại cứ tưởng là Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện trong giây lát. Vậy Người phán rằng:
“Có người quý tộc kia đi phương xa để được phong vương rồi trở về. Ông cho gọi mười người tôi tớ đến, giao cho họ mười nén bạc và dặn rằng: ‘Hãy làm lợi cho đến khi ta trở về’. Nhưng các người dân của ông ấy ghét ông, sai người đi theo mà rằng: ‘Chúng tôi không muốn ông ấy làm vua chúng tôi’. Được phong vương rồi ông trở về, cho gọi các tôi tớ mà trước kia ông đã giao tiền cho, để biết mỗi người đã làm lợi được bao nhiêu.
“Người thứ nhất đến và thưa: ‘Tâu vua, nén bạc của vua đã sinh lợi được mười nén’. Nhà vua bảo: ‘Được, hỡi người tôi tớ tốt lành, ngươi đã trung tín trong điều nhỏ mọn, ngươi sẽ được quyền cai trị mười thành’. Người thứ hai đến thưa: ‘Tâu vua, nén bạc của vua đã sinh lợi được năm nén’. Nhà vua đáp: ‘Ngươi cũng vậy, hãy cai quản năm thành’.
“Người thứ ba đến thưa: ‘Tâu vua, đây nén bạc của vua, tôi còn giữ trong khăn, vì tôi sợ ngài: ngài là người hà khắc, và lấy cái ngài không gửi, gặt cái ngài không gieo’. Vua phán rằng: ‘Hỡi đầy tớ bất lương, ta cứ lời ngươi mà xử ngươi. Ngươi đã biết ta là người hà khắc, lấy cái ta không gửi, gặt cái ta không gieo, sao ngươi không gửi bạc ta ở ngân hàng, để rồi khi ta trở về, ta có thể lấy cả vốn lẫn lời’.
“Vua liền bảo những người đứng đó rằng: ‘Hãy lấy nén bạc của nó mà trao cho người đã có mười nén’. Họ tâu rằng: ‘Tâu vua, người ấy đã có mười nén rồi’. Vua đáp: ‘Ta nói cùng các ngươi: Ai có sẽ cho thêm, và người đó sẽ được dư dật; còn ai không có, người ta sẽ lấy đi cả cái nó đang có. Còn những kẻ nghịch cùng ta, không muốn ta làm vua, hãy đem chúng ra đây và giết chúng trước mặt ta”. Nói thế rồi Chúa liền dẫn họ lên Giêrusalem. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
16/11/2022 – THỨ TƯ TUẦN 33 TN
Th. Ma-ga-ri-ta Xcốt-len, trinh nữ
Lc 19,11-28
SINH LỢI CHO NƯỚC TRỜI
“Sao anh không gửi bạc của tôi vào ngân hàng?” (Lc 19,23)
Suy niệm: Người đầy tớ nhận một yến bạc đem đi chôn lại còn cố biện bác, thế nhưng lý lẽ của anh đã không có sức thuyết phục tí nào lại còn ngầm oán trách ông là “người khắc nghiệt”. Ông chủ đánh giá các đầy tớ không phải ở chỗ họ bỏ ra công sức nhiều hay ít mà ở chỗ họ có sinh lợi từ số vốn ban đầu. Ít ra việc “gửi bạc vào ngân hàng” để sinh lợi cũng là một giải pháp chấp nhận được, thế mà anh ta đã không làm. Ông chủ có vẻ “kỹ tính” như thế nhưng thật ra, ông lại rất rộng lượng: phần thưởng ông dành cho người tôi tớ tài giỏi và trung thành thật hậu hĩ: Ông cho họ đồng cai trị với ông. Cơ sở để ông tín nhiệm là họ đã “trung thành trong việc rất nhỏ” thì họ có khả năng trung thành trong việc lớn hơn.
Mời Bạn: Thiên Chúa đã trao ban cho mỗi người vô vàn “yến bạc”. Đó không chỉ là sự sống, tài năng, sức khỏe, mà còn những “yến bạc” có vẻ vô hình hơn, đó là thời gian, môi trường, cộng đoàn chúng ta đang sống, và cả những khó khăn, bệnh tật, đau khổ… cũng là những “yến bạc” ta được giao cho để sinh lợi. Nhưng bạn ơi, đừng quá lo mình không đủ tài sức để làm việc đó. Chúa nói qua thánh Phao-lô: “Ơn Ta đủ cho ngươi!” (2Cr 12,9). Chúa không đòi hỏi những gì vượt quá sức của chúng ta. Hãy trung thành chu toàn những bổn phận rất nhỏ, Chúa sẽ ban cho bạn khả năng để hoàn thành những việc lớn lao hơn.
Sống Lời Chúa: Tâm niệm với thánh Tê-rê-xa: Chu toàn những bổn phận nhỏ nhất nhưng với tình yêu lớn nhất.
Cầu nguyện: Lạy Chúa! Xin cho chúng con luôn sẵn sàng dấn thân phục vụ, như những đầy tớ tốt lành và trung tín của Chúa. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Ở thành phố Giêricô không chỉ có anh mù Báctimê ngồi ăn xin,
mà còn có ông Dakêu, đứng đầu các người thu thuế.
Ông là người giàu có, nhưng thật ra ông là người nghèo,
vì ông bị mọi người khinh rẻ bởi cái nghề thu thuế của ông.
Dakêu đi chung với đám đông, theo sau Đức Giêsu.
Ông có một khao khát mãnh liệt là được thấy mặt Ngài,
vì chắc ông đã nghe nhiều người nói về vị ngôn sứ khác thường ấy.
Giêsu không khinh giới thu thuế, trái lại còn kết bè kết bạn với họ.
Giêsu là ai? Đó là người ông tìm cách gặp mặt (c. 3).
Có hai cản trở khiến cho cuộc gặp gỡ trở nên khó khăn.
Đám đông vây quanh Đức Giêsu khiến ông không thấy Ngài.
Hơn thế nữa, thân hình ông lại thấp bé.
Nhưng Dakêu không dễ nản lòng.
Ông chạy đón đàng trước và leo lên một cây sung để thấy Đức Giêsu,
vì ông biết thế nào Ngài cũng đi qua đó.
Như thế ông đã vượt qua được đám đông và sự thấp bé của mình.
Để vượt qua thì phải chạy chứ không đi từ từ,
và phải vất vả leo lên cao, vượt lên trên cái tôi nhỏ bé.
Dakêu khao khát đến mức nào mới dám nghĩ và dám làm như vậy.
Điều mà Dakêu không ngờ là Đức Giêsu đã dừng lại nơi cây sung,
và ngước mắt nhìn lên ông đang nằm bò trên cây như một đứa trẻ.
Ánh mắt của Ngài kéo theo hàng trăm cái nhìn khác của đám đông.
Dakêu chắc xấu hổ luống cuống, còn Đức Giêsu thì hạnh phúc tràn trề.
Dường như Ngài quên đám đông, để chỉ nghĩ đến con chiên lạc này.
“Dakêu, xuống nhanh đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (c. 5).
Đây là một lời hối thúc dịu dàng và một đề nghị bất ngờ.
Dakêu ngỡ ngàng kinh ngạc trước ánh mắt ấy, lời nói ấy.
Ông đã nhanh chóng leo xuống và dẫn Đức Giêsu về nhà mình.
Đường từ gốc sung về nhà ông bao xa, ta không biết,
nhưng chắc chắn đó là đoạn đường đầy niềm vui.
Dakêu bỗng thấy mình mất đi mặc cảm tự ti, lấy lại được danh dự,
vì Đức Giêsu sắp đến nhà ông, căn nhà ít ai muốn đến (c. 7).
Ông chỉ muốn thấy mặt Ngài, còn Ngài lại muốn vén mở lòng mình.
Cách cư xử của Ngài đối với một người tội lỗi như ông
đã làm lòng ông tan chảy và mời gọi ông đổi đời.
Những thứ ông từng say mê, bây giờ chẳng có gì hấp dẫn.
“Tôi xin cho người nghèo nửa tài sản của tôi…” (c. 8).
Dakêu đã hoán cải một cách bất ngờ, tự nguyện, sâu xa và cụ thể.
Cuộc đổi đời của Dakêu là kết quả của việc hai người đi tìm nhau.
Không phải chỉ Dakêu mới là người đi tìm.
“Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (c. 10).
Dakêu dạy cho chúng ta biết cách tìm kiếm Chúa trong đời.
Phải ước ao cho mãnh liệt, rồi ta sẽ được soi sáng để tìm ra con đường,
ngay cả khi ở trong tình huống tưởng như tuyệt vọng.
“Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (c. 9).
Dakêu đã quảng đại và vui sướng mở lòng để đón lấy ơn cứu độ đó.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
sám hối không phải là điều dễ dàng,
bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn
để nhận mình lầm lỗi.
Chúng con ngỡ ngàng
khi thấy Chúa là Đấng vô tội
mà lại đứng chung với các tội nhân,
chờ Gioan ban phép Rửa.
Chúa đã muốn nên bạn đồng hành
với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.
Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh
lối nghĩ và lối sống của mình,
tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,
thành thật để khỏi tự dối mình.
Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,
dám đi đến những hành động cụ thể,
và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.
Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con
niềm vui của Dakêu,
hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
16 THÁNG MƯỜI MỘT
Bí Tích Hôn Nhân Phản Ảnh Tình Yêu Của Đức Kitô
Sự hiện diện của Chúa Giêsu tại tiệc cưới Cana – nếu chúng ta muốn nhận hiểu một cách đầy đủ – cũng nhằm làm một động thái nhắc chúng ta nghĩ đến những gì thuộc thượng giới (Cl 3,2). Ở đây, Chúa muốn nhắc chúng ta về ý nghĩa thiêng liêng sâu xa của tình yêu vợ chồng. Tình yêu này là một dấu hiệu và một sự thông dự trong chính tình yêu vốn tồn tại giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Tình yêu ấy không thể chịu sự chi phối của những thay đổi thất thường và bất định của cuộc sống. Không, nó có thể và phải là một sự dấn thân vĩnh viễn không thể phân ly và không thể phá hủy. Như vậy, tình yêu vợ chồng mở ra tới những viễn tượng vô hạn của Vương Quốc Thiên Chúa và của cuộc sống bất diệt.
Mẫu thức tối thượng và siêu việt này của tình yêu vợ chồng được minh họa cho chúng ta trong Thư Eâphêsô. Trong Thư này, chúng ta khám phá nền tảng cho việc chọn lựa hôn nhân để chúng ta thực sự hạnh phúc và sống theo thánh ý Thiên Chúa. Sự dấn thân và chọn lựa đời sống hôn nhân Kitô giáo nâng đỡ và đào sâu tình yêu của chúng ta trong những lúc gặp khó khăn thử thách, giúp làm cho tình yêu của chúng ta tinh tuyền hơn và sinh hoa trái nhiều hơn.
Chúng ta cần đánh giá tình cảm của mình trong ánh sáng của nhận thức nói trên về tình yêu vợ chồng. Nhờ đó chúng ta có thể đảm bảo rằng một tình yêu đích thực và một cuộc hôn nhân Kitô giáo đích thực sẽ được bộc lộ rõ rệt trong đời sống vợ chồng. Hôn nhân quả là một bí tích. Chúng ta bắt đầu thoáng thấy các lý tưởng của tình yêu và khả năng sinh hoa trái mà mỗi người vợ người chồng Kitôhữu đều được mời gọi đạt đến với sự hỗ trợ của ân sủng.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 16/11
Thánh nữ Margarita Scotland
Thánh Gertruđê, trinh nữ
Kh 4, 1-11; Lc 19, 11-28.
Lời Suy Niệm: “Tôi nói cho các anh hay: phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi.”
Mỗi người sống trên trần gian này đều là do ơn ban của Chúa, cần phải biét dùng ơn ban đó mà làm cho đời sống của mình ngày càng phong phú trước mặt Chúa và người đời. Được như vậy thì ơn Chúa sẽ tiếp tục tuôn đỏ trên chúng ta mãi mãi, néu không biết dùng ơn ban của Chúa, thì Chúa sẽ lấy lại mà trao ban cho những người biét sử dụng.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong gia đình chúng con luôn nhận ra ơn ban của Chúa để nuôi sống chúng con ngày càng trưởng thành trong đức tin và thực hành trong đức ái.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 16-11: Thánh GERTRUĐÊ
Đồng Trinh (1256 – 1301)
Thánh GERTRUDÊ sinh ra vào ngày lễ Hiển linh năm 1256. Người ta không biết gì về cha mẹ Ngài, nhưng chắc hắn cha Ngài đã có lòng đạo đức sâu xa và đã dâng con gái 5 tuổi của mình làm tu sĩ tu viện Helfia theo luật dòng thánh Benedictô. Chẳng may Ngài lại trùng tên với vi tu viện trưởng. Ngài lớn lên xa mọi thú vui thế gian và sớm chứng kiến hoạt động trí thức lớn mạnh.
Trong bầu khí chiến tranh, nhà dòng trốn về Rossdorf, rồi vì thiếu nước lại trở về Helfta. Thánh Mechtilde chị của tu viện trưởng Gertrudê đứng trường. Người nữ tu trẻ GERTRUDÊ say mê quên bỏ đời sống cầu nguyện. Việc trau dồi văn chương nghệ thuật thu hút Ngài đến nỗi Ngài nói rằng vào thời đó “Ngài lo lắng cho tâm hồn chỉ bằng lo lắng cho đôi chân của mình thôi”.
Vào lúc 25 tuổi, trong một thị kiến, Chúa Kitô đã trách móc Ngài là đã bỏ Chúa mà lo học hành. Thế là đảo lộn tất cả: “Mọi bồng bột tuổi trẻ đối với con bắt đầu xem ra lạt lẽo vô vị. Lạy Chúa, Chúa là chân lý trong suốt hơn mọi ánh sáng, nhưng sâu thẳm hơn mọi bí mật. Chúa đã quyết phá tan những bóng đêm đậm đặc của con”. Và thị kiến kết thúc bằng một cuộc trở lại. Ngài đã kể lại và nói: “Trong một niềm vui của tinh thần mới, tôi bắt đầu tiến tới”.
Gertrudê chỉ còn muốn học và suy gẫm thánh kinh, các giáo phụ và các nhà thần học. Ngài kiềm chế tính hiếu động bằng việc hãm mình dữ dằn và sống trong sự kết hiệp liên lỉ với Chúa. Đáp lại việc hiến thân hoàn toàn ấy, Ngài được nhiều ơn thần bí phi thường. Ngài được mạc khải nhiều lần trong khi hát kinh nhật tụng viết lại những mạc khải này trong cuộc khảo luận.
Cùng với thánh nữ Mechtilde, Ngài là người đầu tiên tỏ bày lòng tôn sùng Trái Tim Chúa. Lúc đó Gertrudê 35 tuổi. Sức khỏe Ngài không cho phép Ngài giữ những nhiệm vụ quan trọng nữa, Ngài chỉ còn là phó ca trưởng. Nghi ngờ nhiều, Ngài chỉ thấy sự thấp kém và hư không của mình mà chạy đến với ý kiến của thánh Mechtilde là ca trưởng. Chúa đã tỏ cho thánh Mechtilde: “Cuộc đời của Gertrude là một thánh ca liên tục ca ngợi vinh quang Cha. Trên trần gian này, sau bí tích Thánh Thể, Cha chỉ cư ngụ cách đặc biệt trong lòng Gertrudê”.
Thánh nhân được ơn những dấu đinh vô hình và một vết thương trong lòng. Các sách của Ngài chỉ được phổ biến 200 năm sau, cho thấy đời sống nội tâm nồng nhiệt của Ngài, Ngài liên kết say mê với phụng vụ cố gắng đồng nhất đời mình với những mầu nhiệm mà chu kỳ phụng vụ nhắc lại. Ngài muốn chịu khổ vì phần rỗi anh em và tìm những lời nồng cháy để cải hoá các tội nhân và đổ ra nhiều nước mắt vì những đau khổ gây nên cho Chúa.
Năm tháng cuối đời, thánh nữ nằm bệnh bất động với những đau đớn dữ dằn. Ngài không còn nói được nữa, nhưng vẫn giữ được sự bình thản. Ngài biết giờ vinh quang sắp tới. Ngày 17 tháng 10 năm 1031 hay là 1032 thánh nữ từ trần. Tương truyền rằng: lúc chết Ngài thấy Chúa Giêsu và đức trinh nữ với đoàn người trên trời đến dẫn Ngài vào thiên đàng trong khi quỉ dữ khóc ròng.
Để kết thúc, nhà chép sử ghi lại mạc khải của một nữ tu thấy linh hồn thánh Gertrudê bay thẳng như một cánh chim vào lòng Chúa Giêsu đang mở rộng đón tiếp Ngài vào tình yêu vô cùng của Ngài.
Không được chính thức tôn phong làm thánh, nhưng lễ kính Ngài có trong lịch chung theo nghi thức Roma.
****************
Ngày 16-11
Thánh MAGARITA SCOTIA
(1045 – 1093)
Thánh Magarita sinh ra khoảng năm 1045. Cha Ngài là hoàng tử Edward người Anh, bị lưu đày và cưới một nữ công chúa người Đức, có lẽ là cháu của hoàng hậu vua thánh Stephanô nước Hungaria. Magarita lớn lên trong triều đình Hungari và đã gặp được sự công chính và thánh thiện để làm nên dấu thánh thiện của chính mình. Khoảng 12 tuổi trở lại nước Anh, thánh nữ sống trong triều đình của vua thánh Edward.
Trong cuộc chinh phục Norman năm 1066, Magarita cùng với mẹ và anh chị em Ngài bị lưu đày một lần nưã. Họ trốn sang Scotia, dầu lúc ấy đang có chiến tranh giữa hai nước, vua Scotia là Malcola Cannore cũng đã nhân ái tiếp nhận những kẻ lưu đày.
Malcolm Cannore mà tên gọi có nghĩa là “nhà cai trị vĩ đại” là một vị vua uy quyền có khả năng. Ông yêu Magarita, còn Magarita thì có ý định đi tu dòng. Nhưng ông đã khuyên Magarita lập gia đình với ông. Cuộc sống chung của họ được mô tả với vài chi tiết trong một tập hồi ký có lẽ do cha giải tội của Ngài là Turgot, sau là giám mục viết. Đây là một câu chuyện thích thú về sự gặp gỡ giữa một người đàn bà trẻ khôn ngoan và thánh thiện với người chồng hung hăng ít được giáo dục nhưng hứơng chiều về sự thánh thiện của vợ mình.
Cuộc hoà hợp nhân duyên này mang lại cho họ sáu người con trai và hai người con gái. Hoàng hậu chỉ chấp nhận cho những gương lành tới gần các tâm hồn trẻ thơ này và không một người xấu nào dám tới triều đình. Những hoàng tử công chúa này lớn lên và tham gia vào các công cuộc của người mẹ thánh thiện và của người cha đã trở thành vị vua gương mẫu.
Thánh Magarita dùng nhiều thì giờ và tiền của cho các công cuộc bác ái, chính Ngài hầu hạ người nghèo khó, già cả, côi cút và yếu đau. Ngài khám phá ra mọi hình thức khổ cực, giúp đỡ các gia đình phá sản phục hồi, chuộc lại các tù nhân, xây dựng nhà thương, nhà vãng lai cho du khách. Người lạ biết rằng: họ có thể luôn tìm được chỗ trú ngụ nơi Ngài khi ra khỏi nhà. Cả đoàn người bất hạnh vây quanh Ngài và đây mới là triều đình thật của Ngài. Khi trở về nhà, Ngài chỉ muốn ngồi vào bàn ăn sau khi đã hầu bàn cho 300 người nghèo ngồi đầy một phòng ăn lớn.
Scotia đã được cải hoá từ lâu, nhưng sự man rợ còn tồn tại ở đó trở thành mẹ của một vương quốc, thánh Magarita biến nó thành một gia đình rộng lớn và dẫn tới Thiên Chúa, Ngài trao cho những quan liêm chính tái lập trật tự, sai các nhà giảng thuyết đi loan báo Tin Mừng để Chúa Giêsu được yêu mến khắp nơi. Ngài giải quyết vấn đề Giáo hội ở Scotia thời Ngài gặp phải. Bị cắt đứt liên lạc do cuộc xâm lăng của người ngoại, Giáo hội Celt đã khác biệt nhiều điểm với Roma và chính thánh Magarita đã hoà giải những yếu tố tranh chấp và đưa Giáo hội Celt ở Scotia về qui phục. Ngài làm việc này mà vẫn tránh được sự phân ly đau đớn.
Cũng thế những cố gắng đưa văn hóa Âu Châu vào Scotia của Ngài rất thành công. Trong khi bên Anh, cuộc chinh phục Norman đã để lại một di sản cay đắng thì ở Scotia dưới ảnh hưởng của Magarita và các con của Ngài, việc lan tràn văn hóa Trung Cổ đã mang lại cho Scotia một thời đại hoàng kim kéo dài cả 2000 năm sau khi thánh nữ qua đời.
Thánh Magarita qua đời năm 1093 tại lâu đài Ediburgh như rất nhiều vị thánh, vào lúc mà mọi công trình xem ra tiêu tan hết. Vua nước Anh xâm chiếm một pháo đài. Malcoln và hai người con cả đi tái chiếm. Thánh nữ cảm thấy âu lo. Ngày kia Edgar con Ngài trở về, thánh nữ hiểu ngay thực tế khủng khiếp là vua và người con kia đã chết. Đau đớn, thánh nữ chỉ biết nói: – Lạy Chúa toàn năng, Chúa đã gửi cho con sự đau đớn lớn lao này để thanh tẩy tâm hồn con, con xin chúc tung Chúa .
Ngài không than trách, đức tin và lòng dũng cảm không rung chuyển, nhưng sáu tháng sau Ngài đã qua đời.
Ba người con của Ngài tiếp tục cai trị trên ngai vàng, công cuộc của người mẹ được tăng cường và đi tới hoàn thành. Thánh Magarita được phong thánh năm 1250.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
16 Tháng Mười Một
Vui Ðể Ðợi Chết
Theo giai thoại của người Trung Hoa thì ngày xưa có một người tên là Vinh Khải Kỳ tỏ ra là một bậc tiên ông đạo cốt, mình mặc áo lông cừu, lưng thắt dây, ngày ngày giao du ở sơn thủy, vui thú cầm ca chậm rãi rảo bước, tay đánh đàn miệng ca hát không ngừng. Một hôm, đức Khổng Tử đi dạo gặp Vinh Khải Kỳ, ngài mới hỏi ông: “Tiên sinh làm thế nào mà thường vui vẻ ca hát như thế?”.
Khải Kỳ thưa: “Trời sanh muôn vật, loài người cao quý nhất. Ta đã được làm người, đó là điều đáng vui. Người ta sinh ra có người đui què, có người non yếu… mà ta thì khỏe mạnh sống lâu, thế là hai điều đáng vui. Còn cái nghèo là sự thường của thế gian, cái chết là hết sự đời. Ta nay biết vui với cảnh đời để đợi cái chết thì còn gì lo buồn nữa?”.
Lạc quan, vui sống là đức tính cơ bản nhất của người Kitô. Người Kitô nhận ra phẩm giá cao cả của mình và tiếp nhận mọi sự xảy đến như một hồng ân của Chúa. Cây cỏ đồng nội, muôn thú trên rừng không nhọc công tích trữ mà còn được Chúa che chở nuôi nấng, huống chi con người là hình ảnh của Người… Mỗi ngày có niềm vui nỗi khổ của nó. Hãy quẳng gánh lo đi và vui sống từng phút giây như một ân ban của Chúa, đó là bí quyết để giúp ta được hạnh phúc ở đời này.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư – Tuần 33 – TN2
Bài đọc: Rev 4:1-11; Lk 19:11-28.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người phải tính sổ với Thiên Chúa trong Ngày Phán Xét.
Mọi việc xảy ra trong cuộc đời đều có lý do của nó: người thợ mộc làm chiếc ghế để ngồi, nhà nông trồng lúa để có gạo ăn … Cũng thế, Thiên Chúa dựng nên và cho con người mọi sự trong cuộc đời là để con người chứng tỏ niềm tin và tình yêu của họ dành cho Ngài. Con người sẽ phải tính sổ với Thiên Chúa về những gì con người đã thực hiện trong cuộc sống trên dương gian; và tùy vào kết quả, con người sẽ được trọng thưởng hay phải chịu hình phạt.
Trong Bài đọc I, Thánh Gioan được cho nhìn thấy thị kiến về Ngày Phán Xét trên trời, khi tất cả mọi tạo vật của Thiên Chúa ra trước Ngai Thiên Chúa để chịu phán xét bởi Ngài và 24 Kỳ-mục. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kể cho dân chúng dụ ngôn: Nước Trời cũng giống như truyện một Nhà Vua phân phối của cải cho đầy tớ trước khi trẩy đi phương xa. Khi ông trở về, họ sẽ phải tính sổ với ông; và ông sẽ phân xử họ tùy vào những gì họ đã sinh lời được.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thị kiến “Ngai Thiên Chúa trên trời”
1.1/ Ngai của Thiên Chúa và 24 ngai của các Kỳ-mục:
(1) Ngai Thiên Chúa: Gioan nhìn thấy và mô tả Ngai Thiên Chúa; nhưng chính Thiên Chúa, Gioan không thể mô tả. Ông chỉ có thể nói “Đấng ngự đó trông giống như ngọc thạch và xích não.” Theo truyền thống Do-Thái, vinh quang Thiên Chúa được mô tả như ánh chớp của đá quí (x/c Exo 24:10, Eze 1:26-28, 10:1).
(2) 24 ngai khác: 12 ngai tượng trưng cho 12 Bộ-tộc của Cựu-Ước, và 12 ngai tượng trưng cho 12 Tông-đồ của Tân-Ước. Các vị ngồi trên ngai để cùng thống trị và phân xử với Thiên Chúa.
“Bảy ngọn đuốc, tức là bảy thần khí của Thiên Chúa cháy sáng trước ngai.” 6 Thần Khí được liệt kê trong Sách Isaiah 11: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Thiên Chúa. Thần khí thứ 7 là đạo đức được GH thêm vào và gọi là 7 ơn của Thánh Thần.
1.2/ Các vật xuất hiện trước Ngai Thiên Chúa:
– Trước ngai có cái gì như biển trong vắt tựa pha lê: truyền thống Do-Thái tin đây là bức tường ngăn cách giữa trời và đất.
– Ở giữa ngai và chung quanh ngai có bốn Con Vật, đằng trước và đằng sau đầy những mắt: Ý tưởng nền tảng của sự mô tả này là (Eze 1:10). Bốn Con Vật tượng trưng cho tất cả công trình tạo dựng của Thiên Chúa; mỗi Con Vật tượng trưng cho những gì huy hòang nhất của các vật tạo dựng. Đầy những mắt: Thiên Chúa luôn hiện diện và điều khiển công trình sáng tạo của Ngài:
* Con Vật thứ nhất giống như sư tử: sự cao quí; “Sư tử của Judah = Đấng Thiên Sai.”
* Con Vật thứ hai giống như bò tơ: tượng trưng cho sức mạnh.
* Con Vật thứ ba có mặt như mặt người: tượng trưng cho sự khôn ngoan.
* Con Vật thứ bốn giống như đại bàng đang bay: tượng trưng cho sự mau lẹ.
– Tất cả công trình tạo dựng của Thiên Chúa đứng trước Ngai Thiên Chúa để thờ phượng Ngài và hòan tất những gì Ngài mong muốn. Từ thời Thánh Irenê, Bốn Con Vật tượng trưng cho 4 Thánh Ký, theo thứ tự: Marcô, Luca, Matthêu, và Gioan.
– Cả trái đất và trên trời hợp lời và không ngớt tiếng tung hô Thiên Chúa: “Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Ngài xứng đáng lãnh nhận vinh quang, danh dự và uy quyền, vì Ngài đã dựng nên muôn vật, và do ý Ngài muốn, mọi loài liền có và được dựng nên.”
2/ Phúc Âm: Ngày Chúa Phán Xét
Dụ ngôn này cũng giống như trình thuật của (Mt 25:14-30). Điểm khác biệt giữa 2 trình thuật là Luca cho biết lý do tại sao nhà quí tộc trẩy đi phương xa: để “lãnh nhận vương quyền;” và thái độ của dân chúng: “Nhưng đồng bào ông ghét ông, nên họ cử một phái đoàn đến sau ông để nói rằng: “Chúng tôi không muốn ông này làm vua chúng tôi.”” Sự kiện lịch sử của dụ ngôn này là sau khi Vua Herôđê Cả chết, ông chia vương quốc thành 3 miền cho 3 con: Antipas, miền Galilê; Philip, miền Jordan; và Archelaus, miền Judah. Quyết định này phải được phê chuẩn bởi Hòang-đế Augustus bên Rôma. Khi Archelaus rời bỏ Judah đi Rôma để thuyết phục Hòang-đế, người Do-Thái cũng gởi một phái đòan gồm 50 người đến Rôma để nói lên nguyện vọng: “Họ không muốn Archelaus cai trị họ.” Hậu quả là Hòang-đế Augustus phê chuẩn Archelaus làm Vua cai trị Judah. Khán giả của Chúa Giêsu biết rõ sự kiện lịch sử này.
Dụ ngôn muốn làm sáng tỏ 3 điều:
(1) Thiên Chúa tin tưởng con người: Ngài không ấn định mức phải sinh lời; nhưng Ngài để con người tùy khả năng và sáng kiến để làm việc sinh lời. Ngài cũng không ở gần bên để xem xét, chỉ trích; nhưng trẩy đi phương xa để con người hòan tòan tự do để quyết định và làm việc.
(2) Thiên Chúa đòi con người phải tính sổ với Ngài: Tài sản được ban để sinh lời, không phải để hoang phí. Điều quan trọng hơn là để con người chứng tỏ niềm tin và tình yêu của mình cho Thiên Chúa: Người thứ nhất đến trình: “Thưa ngài, nén bạc của ngài đã sinh lợi được mười nén.” Ông bảo người ấy: “Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi! Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, thì hãy cầm quyền cai trị mười thành.” Người thứ hai đến trình: “Thưa ngài, nén bạc của ngài đã làm lợi được năm nén.” Ông cũng bảo người ấy: “Anh cũng vậy, anh hãy cai trị năm thành.”
Người thứ ba đến trình: “Thưa ngài, nén bạc của ngài đây, tôi đã bọc khăn giữ kỹ. Tôi sợ ngài, vì ngài là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo.” Ông nói: “Hỡi đầy tớ tồi tệ! Tôi cứ lời miệng anh mà xử anh. Anh đã biết tôi là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo. Thế sao anh không gửi bạc của tôi vào ngân hàng? Có vậy, khi tôi đến, tôi mới rút ra được cả vốn lẫn lời chứ!” Rồi ông bảo những người đứng đó: “Lấy lại nén bạc nó giữ mà đưa cho người đã có mười nén.” Họ thưa ông: “Thưa ngài, anh ấy có mười nén rồi!” “Tôi nói cho các anh hay: phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi.”
(3) Phần thưởng và hình phạt: Hậu quả thu được chứng tỏ khả năng của mỗi người với Thiên Chúa. Nếu ai chứng tỏ mình xứng đáng với niềm tin của Thiên Chúa như người thứ nhất và thứ hai, Ngài sẽ tin tưởng và trao cho những trách nhiệm nặng nề hơn; vì Ngài biết họ có thể hòan thành trách nhiệm. Còn ai không chứng tỏ mình xứng đáng với niềm tin của Thiên Chúa, lại còn tìm cách biện minh cho sự lười biếng của mình bằng cách đổ tội cho Thiên Chúa như người thứ ba, làm sao Thiên Chúa có thể tin tưởng mà trao cho sứ vụ khác? Hậu quả là Ngài sẽ lấy lại hết tất cả những gì anh có mà trao cho những người biết sinh lợi cho Ngài. Kinh nghiệm cuộc sống là một bằng chứng cho lời Chúa nói: Nếu con người không chịu chăm chỉ thực hành những tài năng đã có, chúng sẽ dần dần mất đi; nhưng nếu con người biết “văn ôn võ luyện,” tài năng càng ngày càng phát triển và đem lại nhiều lợi ích cho con người.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
Chúng ta cần biết lý do tại sao Thiên Chúa cho chúng ta sống trên đời này: là để chúng ta chứng tỏ niềm tin và tình yêu của chúng ta dành cho Ngài qua những gì chúng ta làm cho mình và cho tha nhân. Chắc chắn chúng ta sẽ phải tính sổ với Ngài trong Ngày Phán Xét.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************