Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Tư Tuần III Mùa Vọng Năm B
BÀI ĐỌC I: Is 45, 6b-8. 18. 21b-26
“Trời cao, hãy đổ sương mai!”
Trích sách Tiên tri Isaia.
Chính Ta là Chúa, và không có Chúa nào khác. Ta đã dựng nên ánh sáng và tối tăm. Ta đã dựng nên hạnh phúc và tai hoạ. Chính Ta là Thiên Chúa đã làm những sự ấy. Trời cao, hãy đổ sương mai! Ngàn mây, hãy mưa Đấng Công Chính! Đất hãy mở ra và trổ sinh Đấng Cứu Độ, và đồng thời sự công chính hãy xuất hiện. Chính Ta là Chúa đã dựng nên loài người. Vì Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên các tầng trời, chính Người đã dựng nên địa cầu, đã tạo ra và làm cho (nó) bền vững. Người không dựng nên địa cầu hoang vu, nhưng đã dựng nên cho người ta ở, chính Người phán: Ta là Chúa và không có Chúa nào khác. Nào Ta chẳng phải là Chúa, và ngoài Ta, còn có Chúa nào khác đâu? Không có Thiên Chúa công bình và cứu độ nào khác ngoài Ta.
Hỡi các người ở tận cùng trái đất, hãy trở lại cùng Ta và các ngươi sẽ được cứu thoát. Vì Ta là Thiên Chúa và không có Chúa nào khác. Ta lấy tên Ta mà thề; lời công chính phát xuất từ miệng Ta sẽ không trở lại: mọi gối sẽ quỳ xuống trước mặt Ta, và mọi lưỡi sẽ lấy tên Ta mà thề rằng: Nhờ Chúa mà tôi sẽ được công chính và sức mạnh. Người ta sẽ đến cùng Chúa, và mọi kẻ chống đối Người sẽ phải hổ thẹn. Toàn thể dòng dõi Israel sẽ được công chính hoá và được hiển vinh. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 84, 9ab-10. 11-12. 13-14
Đáp: Hỡi các tầng trời, hãy đổ sương mai! Hỡi ngàn mây, hãy mưa Đấng Công Chính! (Is 45,8).
Xướng:
1) Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng ta. – Đáp.
2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh từ trời nhìn xuống. – Đáp.
3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng ta sẽ sinh bông trái. Đức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người. – Đáp.
ALLELUIA
Alleluia, alleluia! – Chúa đến, hãy ra đón Người, chính Người là Hoàng tử Bình an. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 7, 19-23 (Hl 18b-23)
“Hãy thuật lại với Gioan những điều các ông đã nghe và đã thấy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Gioan gọi hai người trong số môn đệ của mình, sai họ đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Ngài là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải chờ đợi Đấng nào khác?” Khi những người này đến cùng Chúa Giêsu, họ thưa Ngài rằng: “Gioan Tẩy Giả sai chúng tôi đến hỏi Ngài: Ngài có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác?” Ngay lúc đó, Chúa chữa những người khỏi bệnh hoạn tật nguyền và quỷ ám, và cho nhiều người mù được thấy. Ngài đáp lại rằng: “Các ông hãy về thuật lại cho Gioan những điều các ông đã nghe và đã thấy: người mù xem được, người què đi được, người phong hủi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết sống lại, kẻ nghèo khó được rao giảng tin mừng; và phúc cho ai không vấp phạm vì Ta”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
16/12/2020 – THỨ TƯ TUẦN 3 MV
Lc 7,19-23
MỘT THIÊN CHÚA ĐẦY BẤT NGỜ
“Thầy có thật là Đấng phải đến hay không?” (Lc 7,19)
Suy niệm: Ai trong chúng ta dám nói rằng mình đã biết tường tận về Chúa? Từ kinh nghiệm này, chúng ta sẽ không quá ngạc nhiên về câu hỏi của Gio-an Tẩy Giả: chính ông là người đã dọn đường cho Chúa đến, và đã làm phép rửa cho Chúa kia mà! (x. Lc 3,1-22). Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ là một vị Thiên Chúa đầy bất ngờ. Bất ngờ trong giờ của Ngài; bất ngờ trong cách thức của Ngài… Thiên Chúa là Cha, qua Con Một Ngài là Đức Giê-su Ki-tô, tỏ mình ra là Đấng huyền nhiệm luôn luôn mới. Chúng ta đến với Đức Ki-tô, chiêm ngắm để khám phá ra Ngài hiện diện trong đời sống đạo của mình.
Mời Bạn: Mùa Vọng, mùa mong chờ. Mong chi đây? Chờ ai đây? Câu hỏi có vẻ ngây ngô khi mà Chúa đã đến cách đây hơn 2.000 năm. Hay là mong No-en như mong một lễ hội? Bạn ạ, Chúa vẫn đang đến trong mỗi phút giây hiện tại. Và Chúa sẽ đến trong ngày cánh chung. Thời gian này là dịp để bạn đón nhận một điều gì đó thật mới mẻ từ biến cố Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Nhưng làm sao nhận biết? Chiêm ngắm và thuật lại cho người khác là một cách thế: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe.”
Chia sẻ: Theo bạn, có phải chúng ta vẫn hay “áp đặt” cho Thiên Chúa từ những lý luận của chúng ta?
Sống Lời Chúa: Giới thiệu Chúa cho anh chị em bằng chính kinh nghiệm đức tin của bạn, chứ không chỉ qua “kiến thức” bạn có về Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn có một con tim luôn rộng mở, để luôn học biết và đón nhận những điều mới mẻ mà Chúa muốn dạy cho con.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Dụ ngôn hôm nay là một dụ ngôn đặc biệt, với nội dung đơn sơ.
Đức Giêsu nói dụ ngôn này cho các thượng tế và kỳ mục.
Một người cha có hai con trai.
Ông sai đứa con thứ nhất đi làm vườn nho.
Lúc đầu anh ta từ chối, nhưng sau đó hối hận nên lại đi (c. 29).
Ông gặp đứa con thứ hai và kêu anh làm cùng một việc.
Anh mau mắn nhận lời, nhưng rốt cuộc lại không đi (c. 30).
Đức Giêsu kết thúc dụ ngôn bằng việc hỏi họ một câu khá dễ:
“Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của cha?”
Không mấy khó khăn, các thượng tế và kỳ mục đã trả lời đúng.
Nhưng họ không ngờ mình mắc bẫy của Ngài
như xưa vua Đavít đã mắc bẫy của ngôn sứ Nathan (2 Sm 12, 5).
Bởi chính họ là đứa con thứ hai, nhận lời, nhưng rồi lại không đi,
chính họ là những người không thi hành ý muốn của Thiên Chúa.
Hẳn giới lãnh đạo ở Giêrusalem sẽ tức điên lên vì nhục nhã
khi nghe Đức Giêsu nói đứa con thứ nhất
chính là những kẻ thu thuế và các cô gái điếm (c. 31).
Theo Đức Giêsu, những người tội lỗi này sẽ vào Nước Trời
trước cả giới lãnh đạo tôn giáo đầy uy tín, đạo đức, oai phong.
Tại sao lại có chuyện oái oăm đó?
Chính thái độ tin hay không tin ông Gioan tạo ra sự khác biệt này.
Gioan xuất hiện như một hiện tượng nổi bật, ai cũng thấy.
Các vị chức sắc tôn giáo cũng thấy,
nhưng sau đó họ không hối hận mà tin (c. 32).
Còn những người tội lỗi, giống đứa con thứ nhất,
lúc đầu từ chối cha, nhưng sau đó đã hối hận và vâng lời (c. 29).
Họ đã tin Gioan và bước vào đường công chính (c. 32).
Từ chỗ nói: “Thưa cha, con đây”, đến chỗ thực sự đi làm vườn nho,
có một khoảng cách khá lớn, khiến nhiều người ngần ngại.
Chấp nhận tin là chấp nhận lên đường, bước vào cuộc phiêu lưu.
Con đường công chính đầy thách đố, bấp bênh và bất trắc.
Tin vào Gioan đòi hỏi sám hối, để đón Đấng Thiên Sai.
Nhưng ít người muốn nhận mình có lỗi.
Có khi cô gái điếm lại dễ hối hận hơn một người công chính.
Có khi anh thu thuế lại dễ ăn năn hơn một người đạo hạnh.
Dù sao tin vào Gioan khiến mọi người không được sống như xưa.
Hơn nữa, niềm tin ấy thế nào cũng dẫn đến tin vào Đức Giêsu.
Tin vào Đức Giêsu là chấp nhận mất đi những chỗ dựa ổn định.
Không dám mất thì cũng chẳng dám tin.
Nhiều Kitô hữu hôm nay gặp khó khăn không nhỏ về đức tin,
vì sống đức tin đòi họ phải trả một giá quá lớn.
Nếu chúng ta đã có lần nói: Con không muốn đi!,
thì chúng ta luôn có thời gian suy nghĩ lại, để tự điều chỉnh,
và sau đó nói: “Này con đây, xin hãy sai con.”
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng trưởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
16 THÁNG MƯỜI HAI
Vậy Chúng Tôi Phải Làm Gì?
Thiên Chúa đang đến gần ta, vậy ta sẽ đáp lại thế nào đây? Cũng như con cái Israel bên bờ sông Gio-đan, chúng ta tự hỏi: “Vậy chúng tôi phải làm gì ?” Thiên Chúa hiểu thấu tất cả những gì kín nhiệm thẳm sâu trong cõi lòng con người, vì Ngài đến để làm ánh sáng soi chiếu lương tâm và trái tim con người.
Chúa đến gần ta, ta đáp trả thế nào đây? Đáp trả thế nào trước sự hiện diện của Ngài? Chúng ta có đầy lòng tôn thờ, đầy lòng nhiệt tâm với Chúa và tin tưởng nơi Ngài không? Phụng vụ Mùa Vọng kêu mời chúng ta đáp trả bằng thái độ như thế.
Hay chúng ta hành động cách khác hẳn? Hay chúng ta cứ sống đối ngược lại tinh thần mùa Vọng? Sự gần gũi của Thiên Chúa đã “quen quá hóa nhàm” đối với chúng ta rồi sao? Phải chăng chúng ta đã đánh mất chân lý thẳm sâu mà Thiên Chúa trao cho chúng ta trong Mùa Vọng? Phải chăng chúng ta đã trở nên dửng dưng với chân lý ấy?
Trước sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa, chúng ta có sẽ nói ‘vâng’? Hay là sự hiện diện ấy chỉ tổ quấy rầy và gây phiền phức cho chúng ta?
Phụng vụ Mùa Vọng thúc giục chúng ta giải quyết những câu hỏi ấy. Đó là những câu hỏi vô cùng cốt yếu. Những câu hỏi ấy không chỉ liên hệ tới con người luân lý và đến cung cách ứng xử của chúng ta, mà chúng còn liên hệ đến chính cốt lõi hiện hữu của chúng ta, đến lương tâm Kitô giáo của chúng ta.
Anh em hãy vui lên, Chúa đang đến gần! Niềm vui của chúng ta sẽ là niềm vui đích thực và sâu xa khi chúng ta hiểu và đón nhận tất cả sự thật trong tiếng kêu của Gioan Tẩy Giả bên bờ sông Gio-đan. Chúng ta không bao giờ được phép quên rằng Thiên Chúa, Đấng vô cùng gần gũi với ta, cũng là một Thiên Chúa vô cùng thánh thiện!
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 16/12
Is 45, 6b-8. 18. 21b-28; Lc 7, 19-23.
LỜI SUY NIỆM: Ông Gioan liền gọi hai người trong nhóm môn đệ lại, sai họ đến hỏi Chúa rằng: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”
Với Gioan Tẩy Giả, ông đặt trọn niềm tin vào Chúa Giêsu là Đấng Mêsia thật. Nhưng với cách sống đầy lòng nhân hậu của Người, có thể làm cho các môn đệ của ông có sự hoài nghi; nên Gioan đã sai hai môn đệ của ông đến hỏi trực tiếp Chúa Giêsu; giúp cho các môn đệ của ông sớm nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Mêsia; và tin vào Người.
Lạy Chúa Giêsu. Nhờ có Kinh Thánh và Giáo Lý của Giáo Hội với sự trợ giúp của các Giám mục, linh mục và tu sĩ nam nữ cùng các đoàn thể Công Giáo Tiến Hành cũng như các Tông Huấn của các vị Giáo Hoàng đã giúp cho đức tin của chúng con ngày càng trưởng thành hơn. Xin cho chúng con luôn có lòng nhiệt thành đọc và suy niệm Lời Chúa. Để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
16 Tháng Mười Hai
Hơi Ấm Của Tình Người
Một vị linh đạo Ấn Giáo và các môn sinh ngồi quây quần bên một bếp lửa hồng. Sức nóng của than hồng và hơi nóng của từng người làm cho căn phòng ấm hẳn ra… Nhưng bỗng chốc, vị linh đạo già run lập cập, môi ông bập bẹ không nói ra lời. Các môn sinh lo lắng cho sức khỏe của thầy: “Thưa thầy, chắc thầy yếu trong người, chúng con xin phép được cho thêm củi vào lò sưởi”.
Trong cơn thổn thức, vị linh đạo già cố gắng nói từng tiếng: “Lửa và sức nóng trong căn phòng này quá đủ cho ta… Ta cảm thấy lạnh là bởi vì bên ngoài có một người hành khất đang run lập cập”.
Quả thật, đúng như lời của vị thầy, các môn sinh đã mở cửa nhìn ra ngoài, và họ đã tìm thấy một người hành khất đang rét run vì đói và lạnh… Họ đưa người đó vào trong căn phòng, săn sóc cho anh và từ giây phút ấy, vị linh đạo già cũng trút bớt được nỗi rét run của mình.
Câu chuyện được trích từ kho tàng khôn ngoan của người Ấn Ðộ trên đây có lẽ gợi lại cho chúng ta lời của thánh Giacôbê tông đồ: “Ðức Tin không có việc làm là một Ðức Tin chết”. Vị linh đạo già trên đây đã cảm thấy rét run là bởi vì sự ấm áp của thầy trò đang có với nhau chưa được chia sẻ cho người khác. Ông chỉ cảm thấy thật sự ấm lòng, khi hơi ấm của sự quây quần ấy được san sẻ cho người khác.
Vị linh đạo này là hình ảnh của đời sống Ðức Tin của chúng ta. Dù có sốt sắng bao nhiêu trong việc cầu nguyện, trong các nghi thức phụng tự, nếu tâm hồn chúng ta không được nuôi dưỡng bằng lòng mến đối với tha nhân, thì hơi ấm của lòng đạo đức nơi chúng ta chỉ là một thứ hơi ấm giả hiệu… Một Ðức Tin nhiệt thành, một Ðức Tin có hơi ấm thật sự cần phải được nuôi dướng bằng lòn mến.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần III MV2
Bài đọc: Isa 45:6b-8, 18, 21b-25; Lk 7:18b-23.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chỉ có một Thiên Chúa mà thôi.
Con người có thể lỗi phạm đến Thiên Chúa cả khi sung sướng hạnh phúc lẫn khi đau khổ buồn sầu. Con người quên Thiên Chúa trong lúc được sung sướng hạnh phúc, vì họ cho đó là công sức của họ hay một thần nào khác. Con người từ chối Thiên Chúa khi phải đương đầu với nghịch cảnh và đau khổ, vì họ đặt câu hỏi nếu Thiên Chúa có uy quyền thay đổi và yêu thương rất mực, tại sao Ngài lại để những đau khổ xảy ra cho con người, nhất là những người “vô tội?” Vì thế, họ kết luận hoặc Thiên Chúa không uy quyền hoặc Thiên Chúa không yêu thương, nên họ từ chối tin vào Ngài!
Các Bài Đọc hôm nay xác tín chỉ có một Thiên Chúa duy nhất và Ngài quan phòng mọi sự trong trời đất này. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Isaiah quả quyết chỉ có một Thiên Chúa, Ngài tạo dựng mọi sự trong vũ trụ, quan phòng mọi chuyện xảy ra: tốt cũng như xấu, và có quyền giải thoát và ban ơn cứu độ cho những ai vững tin vào Ngài. Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả sai hai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Chúa Giêsu trả lời hai người ấy rằng: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ta là Đức Chúa, ngoài Ta ra, không có thần nào nữa.
1.1/ Thiên Chúa duy nhất: Khi nói đến uy quyền của Thiên Chúa, truyền thống Do-thái cũng như Giáo Hội thường đề cập đến ba hoạt động chính của Ngài: tạo dựng, quan phòng, và cứu độ. Trình thuật của Isaiah hôm nay dẫn chứng ba điều này như sau:
(1) Ngài tạo dựng nên mọi sự trong vũ trụ: Tiên-tri Isaiah loan báo: “Đây là lời của Đức Chúa, Đấng tạo dựng trời cao – chính Người là Thiên Chúa nặn quả đất thành hình, củng cố cho bền vững; Người dựng nên quả đất mà không để hoang vu, nặn ra nó cho muôn loài cư ngụ.”
(2) Ngài quan phòng mọi sự xảy ra trong trời đất: “Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác. Ta tạo ra ánh sáng và dựng nên tối tăm, làm ra bình an và dựng nên tai hoạ. Ta là Đức Chúa, Ta làm nên tất cả.” Theo giáo huấn của Giáo Hội, Thiên Chúa, trong sự quan phòng trời đất, dựng nên cả ánh sáng và tối tăm, những tai họa của trời đất như: núi lửa, động đất, mưa bão… nhưng tội lỗi luân lý là hoàn toàn do con người, vì Ngài đã cho con người được tự do chọn lựa.
(3) Ngài ban ơn cứu độ cho con người: Thiên Chúa có quyền dạy dỗ con người bằng cách để những tai nạn xảy ra cho họ, như bệnh tật, đau khổ, tù đày; nhưng nếu con người biết ăn năn xám hối, chỉ một mình Ngài có uy quyền giải thoát con người. Trong lịch sử, Ngài giải thoát họ bằng cách sai Moses và Aaron đưa dân ra khỏi đất nô lệ Ai-cập; hay dùng Cyrus, vua Ba-tư để phóng thích cho dân hồi hương để xây dựng lại Đền Thờ và quê hương; hay gởi Đấng Thiên Sai tới để chuộc tội cho dân, như lời tiên-tri Isaiah loan báo: “Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương, mây hãy đổ mưa, mưa đức công chính; đất mở ra đi cho nẩy mầm ơn cứu độ, đồng thời chính trực sẽ vươn lên. Ta là Đức Chúa, Ta đã làm điều ấy.”
1.2/ Thái độ của con người t:rước Thiên Chúa: Trước tiên, con người cần xác tín: những gì Thiên Chúa đã hứa, Ngài không bao giờ rút lại. Tiên-tri Isaiah dẫn chứng điều này qua sấm ngôn của Đức Chúa: “Ta lấy chính danh Ta mà thề, lời chân thật này thốt ra khỏi miệng Ta, Ta quyết chẳng bao giờ rút lại: Trước mặt Ta, mọi người sẽ quỳ gối, và mở miệng thề rằng: Chỉ mình Đức Chúa mới cứu độ và làm cho mạnh sức.”
Để được Thiên Chúa cứu độ, con người cần qui hướng và đặt trọn vẹn niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa: Nếu con người cậy dựa vào Thiên Chúa, họ sẽ chiến thắng vẻ vang; nhưng nếu con người cậy dựa vào sức mình hay nơi các thần khác, Ngài sẽ để mặc họ cho các sức mạnh của ma quỉ và của thế gian hành hạ họ, và họ sẽ phải nhục nhã và thẹn thùng xấu hổ.
2/ Phúc Âm: Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.
2.1/ Câu hỏi của Gioan Tẩy Giả: Có nhiều giả thuyết khác nhau chung quanh câu hỏi của hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”
(1) Ông nghi ngờ Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai: Truyền thống Do-thái tin một Đấng Thiên Sai uy quyền, khi Ngài tới, Ngài sẽ dùng uy quyền và sức mạnh để đanh đuổi ngoại bang và phục hồi địa vị ưu việt cho người Do-thái. Khi không thấy điều này xảy ra, niềm tin của ông vào Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai bị lung lay.
(2) Tuy Gioan tin Chúa Giêsu, nhưng ông muốn hai môn đệ của ông tự tìm ra và củng cố niềm tin của họ bằng cách gởi họ trực tiếp tìm câu trả lời từ miệng Chúa Giêsu. Một người có thể nghe người khác nói về Chúa Giêsu hay đọc những sách nói về Ngài; nhưng để có niềm tin vững mạnh vào Ngài, họ cần có kinh nghiệm trực tiếp với Chúa Giêsu.
(3) Gioan đang bị giam giữ khốn khổ trong ngục thất, và sự giam giữ này làm lung lay đức tin của Gioan. Tại sao Chúa Giêsu không dùng uy quyền ra tay giải thoát hay sai các thiên sứ của Ngài đến để cứu ông thoát khỏi cảnh tù tội?
Cả ba giả thuyết đều có lý do, vì dựa trên câu trả lời của Chúa Giêsu cho hai môn đệ.
2.2/ Câu trả lời của Chúa Giêsu: Thánh sử Lucas chú trọng đến hai điều quan trọng trong câu trả lời của Chúa Giêsu:
(1) Chúa Giêsu có uy quyền chữa bệnh: “Chính giờ ấy, Đức Giêsu chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều người mù được thấy.” Hai môn đệ của Gioan đã chứng kiến tất cả những việc này, và niềm tin của hai ông phải được củng cố bởi những phép lạ của Chúa Giêsu.
(2) Chúa Giêsu củng cố niềm tin cho Gioan: Đau khổ khi bị tù đày cần thiết để thanh luyện và củng cố đức tin cho con người. Trong câu cuối, Ngài gián tiếp nhắn nhủ Gioan và hai môn đệ của ông: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”
(3) Chúa Giêsu nhắc nhở cho Gioan biết Ngài là Đấng mà tiên-tri Isaiah đã loan báo, và Ngài làm cho lời tiên-tri Isaiah được ứng nghiệm: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa phải được củng cố và làm cho lớn mạnh mỗi ngày, để có thể giúp chúng ta đứng vững trước phong ba của cuộc đời. Nếu không, chúng ta sẽ dễ dàng bỏ Thiên Chúa để chạy theo các thần khác.
– Khi phải đương đầu với nghịch cảnh, thay vì trách Thiên Chúa, chúng ta hãy tự kiểm điểm xem tại sao những điều ấy xảy ra: có thể là tiếng kêu gọi thức tỉnh để trở về với Thiên Chúa hay có thể là dịp để chúng ta luyện tập đức tin cho vững vàng hơn.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************