Ngày thứ tư (17-01-2024) – Trang suy niệm

16/01/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Tư. Thánh Antôn, viện phụ

BÀI ĐỌC I: 1 Sm 17, 32-33. 37. 40-51

“Đavít đã dùng dây ném đá và đá mà thắng tên Philitinh”.

Bài trích sách Samuel quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, khi người ta dẫn Đavít đến trước Saolê, thì Đavít nói với Saolê rằng: “Đừng ai lo sợ gì cả. Tôi đây, tôi tớ của bệ hạ, tôi sẽ ra chiến đấu với tên Philitinh”. Saolê nói cùng Đavít rằng: “Ngươi không thể chống cự và chiến đấu với tên Philitinh đó đâu, vì ngươi còn bé nhỏ, mà anh ta là một chiến sĩ từ lúc còn niên thiếu”. Đavít liền đáp: “Chúa đã từng cứu tôi thoát khỏi nanh vuốt sư tử và gấu, Người sẽ giải thoát tôi khỏi tay tên Philitinh đó”. Saolê mới nói với Đavít: “Ngươi hãy đi và Chúa ở cùng ngươi”. Đavít lấy cây gậy mà chàng quen cầm trong tay. Chàng lựa năm viên đá bóng láng dưới khe nước, bỏ vào bị chăn chiên mà chàng thường đeo bên mình. Tay chàng cầm trành ném đá ra ứng chiến với tên Philitinh. Tên Philitinh có vệ sĩ cầm khí giới đi trước, tiến lại gần Đavít. Khi tên Philitinh thấy Đavít, thì khinh bỉ chàng, vì chàng là một thanh niên hồng hào đẹp trai. Tên Philitinh nói với Đavít: “Tao có phải là chó đâu mà mày cầm gậy đến với tao?” Rồi tên Philitinh nhân danh các thần của y mà nguyền rủa Đavít. Anh ta nói với Đavít: “Mày hãy lại đây, tao sẽ phân thây mày cho chim trời và thú đồng ăn thịt”. Đavít đáp lại: “Còn mi, mi cầm gươm, giáo, lao mà đến với ta, thì ta đến với mi nhân danh Chúa các đạo binh, Thiên Chúa các đoàn quân Israel mà hôm nay mi đã nhục mạ. Chúa sẽ trao mi vào tay ta, ta sẽ đánh và chặt đầu mi, và hôm nay ta sẽ ném thây quân sĩ Philitinh cho chim trời và thú đồng, để khắp hoàn cầu biết rằng Israel có một Thiên Chúa, và toàn thể cộng đồng này nhận biết rằng: “Chúa không dùng gươm giáo mà giải phóng, vì Người là chủ trận chiến, Người sẽ trao các ngươi vào tay chúng ta”. Vậy tên Philitinh vùng lên, tiến lại gần Đavít, và Đavít hối hả chạy đến nghinh chiến với tên Philitinh. Đavít thò tay vào bị, lấy viên đá, rồi dùng dây ném đá mà phóng vào trán tên Philitinh, viên đá trúng lủng trán hắn, và hắn liền té sấp xuống đất. Và Đavít đã dùng dây ném đá và đá mà chiến thắng và hạ sát tên Philitinh. Nhưng vì Đavít không có sẵn gươm, nên cậu chạy lại đứng trên mình tên Philitinh, lấy gươm của hắn, rút ra khỏi vỏ và chặt đầu hắn.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 143, 1. 2. 9-10

Đáp: Ôi Đá Tảng của con, chúc tụng Chúa! (c. 1a)

1) Ôi Đá Tảng của con, chúc tụng Chúa, là Đấng rèn luyện cho tay con biết đấu tranh, cho các ngón tay con thiện nghề chinh chiến. (2) Chúa là Tình thương và là chiến luỹ, là Đấng phù trợ và giải phóng con. Chúa là khiên thuẫn, là chỗ con nương náu, Ngài bắt chư dân phải khuất phục con. (3) Ôi Thiên Chúa, con sẽ hát mừng Ngài bài ca mới, với cây đàn mười dây, con sẽ ca mừng Ngài, vì Ngài đã ban cho các vua chiến thắng, đã giải phóng Đavít là tôi tớ của Ngài.

ALLELUIA: Ga 6, 64b và 69b

All. All. – Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống. Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – All.

PHÚC ÂM: Mc 3, 1-6

“Trong ngày Sabbat được cứu sống hay là giết chết?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu lại vào hội đường và ở đó có một người khô bại một tay. Người ta để ý quan sát xem Chúa có chữa bệnh trong ngày Sabbat không, để tố cáo Người. Chúa bảo người có tay khô bại rằng: “Ngươi hãy đứng ra giữa đây”. Rồi Người bảo họ: “Trong ngày Sabbat được làm sự lành hay sự dữ? Được cứu sống hay là giết chết?” Nhưng họ thinh lặng. Bấy giờ Người thịnh nộ đưa mắt nhìn họ và buồn phiền vì lòng họ chai đá, Người bảo bệnh nhân rằng: “Hãy giơ tay ra”. Người đó giơ tay ra và tay anh ta được lành. Lập tức, những người biệt phái đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hêrôđê chống đối Người và tìm cách hại Người.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

17/01/2024 – THỨ TƯ TUẦN 2 TN

Th. An-tôn, viện phụ

Mc 3,1-6

LÀM GÌ TRONG NGÀY SA-BÁT?

Rồi Người nói với họ: “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi? ” (Mc 3,4)

Suy niệm: Hôm nay lại vào ngày sa-bát, Chúa Giê-su chữa lành cho một người bại tay tội nghiệp. Thật ra đứng trước nhóm người biệt phái luôn rình rập bắt lỗi để tố cáo mình, Chúa Giê-su có thể nói với người bại tay: Anh thông cảm cho, hôm nay là ngày sa-bát, tôi không thể chữa cho anh được.  Nhưng không, Ngài lại nói: “Anh trỗi dậy, ra giữa đây!” Và kết quả  là “tay liền trở lại bình thường”. Ngài dạy họ ý nghĩa sâu xa về luật yêu thương: Luật để cứu sống, để chữa lành, chứ không phải để lên án nhau, để giết chết; giữ luật để làm tâm hồn biết cảm thông và yêu thương hơn, chứ không phải là thái độ ‘mackeno’ (mặc kệ nó), dửng dưng vô cảm trước đau khổ của người khác.

Mời Bạn: Còn chúng ta, chúng ta đã làm gì trong ngày Chúa Nhật? Thái độ của người Chúng ta đi lễ vì động lực nào, vì yêu mến hay vì theo thói quen hoặc chỉ để phô trương? Ngày Chúa Nhật, chúng ta đã thực sự tìm kiếm việc lành, hay vẫn để mình buông theo những điều tội lỗi? Trong cuộc sống nơi công ty, nhà máy, trường học, chúng ta đã sống thế nào với câu hỏi của Chúa: “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?”

Sống Lời Chúa: Tham dự Thánh lễ cách sốt sắng và làm việc bác ái với lòng yêu mến Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa! Đôi khi như người biệt phái, chúng con giữ ngày sa bát không trọn vẹn, đi lễ chỉ vì hình thức, hay giữ luật bởi thói quen. Xin Chúa cho chúng con sống “ngày của Chúa” với lòng yêu mến và tình bác ái với anh chị em.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay là cao điểm của năm cuộc tranh luận
giữa Đức Giêsu với các kinh sư hay người Pharisêu (Mc 2, 1-3, 6).
Đó là các cuộc tranh luận về quyền tha tội của Đức Giêsu,
về chuyện Ngài ăn uống với người thu thuế, chuyện môn đệ không ăn chay,
chuyện môn đệ bứt lúa ngày sabát, và cuối cùng là chuyện Ngài chữa bệnh.

Trong hội đường, vào một ngày sabát, một người có bàn tay bị teo đi dự lễ.
Các người Pharisêu rình xem Đức Giêsu có chữa cho anh ấy không.
để có cớ tố cáo Ngài.
Đức Giêsu chủ động đưa âm mưu của họ ra ánh sáng.
Ngài muốn công khai hóa và chính thức hóa việc làm của mình,
bởi vậy Ngài mới nói với người bị tật rằng: “Anh hãy trỗi dậy ra giữa đây!”
Như thế mọi người trong hội đường đều thấy được anh.
Rồi Ngài đặt câu hỏi với các người đang rình rập Ngài
về điều được phép làm trong ngày sabát:
được làm điều tốt hay điều xấu, cứu sống hay giết chết?
Câu trả lời tưởng như quá rõ ràng,
nhưng ta nên nhớ rằng chữa bệnh ngày sabát bị coi như lao động.
Chỉ được chữa bệnh ngày sabát khi đó là một bệnh nguy tử.

Anh bại tay không phải là người lâm cơn bệnh nguy tử.
Nếu hoãn lại đến ngày mai mới chữa anh, thì có vẻ cũng chẳng sao.
Nhưng Đức Giêsu đã không chấp nhận sự trì hoãn này.
Đối với Ngài, làm điều tốt là chữa ngay cho anh.
Ngài không đợi anh ấy gần chết mới cứu sống.
Cứu sống là cho con người được sống hạnh phúc dồi dào hơn.
Một bàn tay héo khô, teo tóp, bại liệt,
một bàn tay đàn ông chẳng còn làm việc được, chẳng còn tự phục vụ được,
một bàn tay đã chịu tật nguyền như thế từ bao giờ,
theo Đức Giêsu, bàn tay ấy phải được chữa lành ngay khi có thể.
“Hãy giơ tay ra!”
Người ấy đã giơ tay ra và tay anh trở lại bình thường.
Giơ tay ra là điều trước kia anh mong muốn mà không làm được.
Bây giờ anh có thể giơ tay để nắm lấy một bàn tay khác,
và cảm được sự ấm áp chân thành của tình bạn.
Có bao nhiêu bàn tay, dù không bại liệt, nhưng chẳng bao giờ bình thường
vì chẳng bao giờ dám đưa ra để trao và để nhận, để nắm và để buông.

Trước sự thinh lặng chai đá của các kẻ chống đối,
Đức Giêsu vừa giận vừa buồn (c.5).
Ngài chấp nhận trả giá cho quyết định của mình.
Ngài đã chữa bệnh chỉ bằng một lời nói, chứ không bằng đụng chạm.
Thế nên theo Luật Môsê, Ngài vẫn không bị coi là đã vi phạm ngày sabát.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,
lúc đầu chúng con chỉ muốn cầm tay nhau
để làm thành một vòng tròn khép kín.
Sau đó chúng con hiểu rằng
cần phải buông tay nhau
để nhận những người bạn mới,
để vòng tròn đuợc mở rộng đến vô cùng
và trái tim đuợc lớn lên mãi.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng
cần phải nối vòng tay lớn
xuyên qua các đại dương và lục địa.
vòng tay người nối với người,
vòng tay con người nối với Tạo Hóa.

Chúng con thích Chúa
đứng chung một vòng tròn
với tất cả loài người chúng con,
nắm lấy tay chúng con
và đua chúng con lên cao.

Ước gì việc Chúa giang tay trên thập giá
giúp chúng con biết cầm lấy tay nhau
và nhận nhau là anh em.  

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

17 THÁNG GIÊNG

Xây Dựng Một Bầu Khí Sống Hoạt Yêu Thương

Nhiều khía cạnh khác của đời sống gia đình cũng cần được quan tâm. Chẳng hạn, chúng ta không được phép quên quyền lợi của phụ nữ, trẻ em và người già lão. Và cũng có những quyền lợi của gia đình xét như một toàn thể – tôi đã đề cập đến những quyền này trong Tông Huấn Familiaris consortio. Tòa Thánh đã đúc kết những quyền này trong bản “Hiến Chương Quyền Của Gia Đình”.

Tất cả các quyền ấy đều rất quan trọng; nhưng ở đây tôi muốân đề cập một cách đặc biệt đến quyền được giáo dục của con cái. Trách nhiệm giáo dục con cái mình là một trách nhiệm rất quan trọng của cha mẹ – qua đó họ giúp con cái mình đạt đến mức trưởng thành đầy đủ trong tất cả các giá trị căn bản nhất của đời sống. Công Đồng Vatican II nêu rõ: “Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được. Thực vậy, chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng thành kính đối với Thiên Chúa và tha nhân, để giúp cho việc giáo dục toàn diện con cái trong đời sống cá nhân và xã hội trở nên dễ dàng. Do đó, gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội cần thiết cho mọi đoàn thể.” (GD 3).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 17/01

Thánh Antôn, Viện phụ

1Sm 17, 32-33. 37. 40-51; Mc 3, 1-6.

Lời Suy Niệm: Đức Giêsu bảo người bại tay: “Anh trổi dậy, ra giữa đây!” Rồi người nói với họ: “Ngày Sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” (Mc 3,3-4)

          Tin Mừng hôm nay trình bày về một câu chuyện xãy ra ngay trong một hội đường vào ngày Sa-bát của người Do-thái. Hội đường là nơi cầu nguyện cùng Thiên Chúa, va nghe lời Kinh Thánh và nghe những giáo huấn đạo đức để sông. Nhưng đã xãy ra: có một người bị bại tay trong hội đường, mà những người trong hội đường lại có tính: “rình xem Chúa Giêsu có chữa anh ta trong ngày sa-bát hay không, để tố cáo Người. Chúa Giêsu biết rõ thâm ý của họ. Nên Chúa đã đưa ra một câu hỏi để đánh động tâm hồn và con người của họ; bởi vì rình xem để tố cáo là hành vi của kẻ giết chết người; còn chữa lành bệnh tật là hành động cứu sống con người. Nhưng tất cả đã im lặng; lại còn cấu kết với nhau làm điều xấu: “Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giêsu.”

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn biết phân định khi đứng trước một sự việc, biết chọn việc phải làm và điều phải tránh, để thể hiện tình yêu thương mà Chúa muốn. Amen  

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 17-01: Thánh ANTÔN

Viện Phụ (Thế kỷ IV)

Thánh Antôn chào đời năm 250 tại Corma, gần Hieraclens, miền thượng Ai cập. Cha mẹ Ngài nổi danh giàu có lẫn đạo đức, đã lo lắng dạy dỗ Ngài sống đạo ngay từ nhỏ.

Khi được 18 tuổi thì cha mẹ Ngài qua đời. Sáu tháng sau ngày mất cha mất mẹ, tại một giáo đường, thánh nhân đã nghe đọc lời sách thánh: “Nếu con muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải và đem phân phát cho kẻ nghèo khó rồi theo Ta” (Mt 19,21). Tưởng như Thiên Chúa nói riêng với mình đã về bán hết của cải và đem phân phát cho người nghèo khó.

Sau khi lo lắng gửi gấm em gái của mình cho một nữ tu viện, Ngài lui vào sa mạc để làm việc và cầu nguyện, Ngài theo đuổi một cuộc sống rất khắc khổ, chỉ ăn bánh với muối và uống nước ngày một lần sau khi mặt trời lặn. Để giữ được sự cô tịch trọn vẹn, Ngài còn ẩn thân vào một ngôi mộ bỏ trống. Thỉnh thoảng một người bạn mang bánh đến cho Ngài bánh đến cho Ngài nhưng ma quỉ đã tìm cách quấy phá để trục Ngài ra khỏi “căn phòng” và cuộc sống khắc khổ, chúng thường hay la hét và hiện hình kỳ quái. Phản ứng lại, thánh nhân thường cầu nguyện nhiều hơn và tăng gấp những việc hãm mình. Giận dữ vì các mưu mô bị thất bại, ma quỉ còn công khai hành hạ Ngài nữa.

Một ngày kia người bạn mang bánh đến, bỗng thấy thánh nhân nửa sống nửa chết, mình đầy thương tích. Nhưng khi vừa bừng tỉnh, thánh nhân liền chỗi dậy và la lớn: – Tôi còn sẵn sàng chiến đấu. Lạy Chúa, không, không gì có thể tách lìa con khỏi lòng yêu mến Chúa được.

Giữa những đau đớn vì các cuộc tấn công của ma quỉ, Ngài khinh bỉ trả lời: – Ồn ào vô ích. Dấu thánh giá và lòng tin tưởng vào Chúa là những thành trì kiên cố.

Thánh nhân luôn tin tưởng nơi Chúa. Ngày kia, được an ủi trong tâm hồn và cảm thấy là ma quỉ đã lùi bước, Ngài cầu nguyện: – Oi, lạy Chúa, Chúa ở đâu ? Sao Chúa không ở đây lau sạch nước mắt và thoa dịu những dày vò của con ?

Tiếng Chúa trả lờ i: – Cha ở gần con, cha giúp con chiến đấu. Bởi vì con đã chống trả lại ma quỉ, cha sẽ bảo vệ quãng đời còn lại của con. Cha sẽ làm cho tên con rạng rỡ trên trời.

Tràn đầy nghị lực, thánh nhân chỗi dậy tạ ơn Chúa. Muốn xa mọi người hơn nữa, Ngài vượt sông Nil đến trú ngụ trong một pháo đài hoang phế đầy những rắn rết. Nhưng sự thánh thiện của Ngài như một sức nam châm, vẫn thu hút nhiều người đến xin làm môn đệ. Thế là một phong trào ẩn tu nổi lên mạnh mẽ. Sa mạc mọc lên những mái tranh, từ đó không ngừng vang lên những lời kinh ca khen Chúa. Thánh nhân trở nên vị thủ lãnh của nếp sống ẩn tu.

Dầu vậy, thánh An tôn đã hai lần từ giã sa mạc. Vào năm 311 khi có cuộc bách hại của Alaximiô, Ngài nói: – Nào ta cùng đi chiến đấu với anh em ta.

Ngài lên đường đi Alexandria. Người ta thấy thánh nhân khích lệ các tù nhân nơi các trại giam, theo họ tới trước quan tòa và khuyên nhủ họ can đảm chết vì đạo, Ngài còn xuống hầm trú để an ủi các linh mục. Ngài thoát chết là một điều lạ lùng.

Cuộc bách hại chấm đứt được một năm, thánh nhân lại tìm về sa mạc. Số các môn sinh ngày càng tăng thêm đông. Sợ bị cám dỗ thành kiêu căng, và thấy gương các thánh tử đạo, thánh Antôn khao khát sống khắc khổ để đền tội. Ngài tiến sâu hơn nữa vào sa mạc. Sau ba ngày đi theo đoàn người buôn bán, Ngài dừng lại gần biển Đỏ, dưới chân núi Kolzim và dựng một căn lều vừa đủ để nằm để ở. Dân Bê-đu-anh (Bédouins) cho Ngài bánh ăn. Về sau các môn sinh tìm tới và mang cho Ngài một cái xuổng với một ít hạt giống, đây là nguồn gốc của tu viện thánh Antôn hay là Deir-el-Arat, một tu viện theo nghi lễ Cốp (Copte) ngày nay vẫn còn.

Lần thứ hai, thánh nhân trở lại Alexandria theo lời mời của đức giám mục Athanasiô, để chống lại lạc giáo. Dân chúng cả thành chen lấn nhau đi đón Ngài. Các lương dân cũng bảo nhau: – Chúng ta đi gặp người của Thiên Chúa.

Nhiều người cảm động vì những bài diễn thuyết và những phép lạ Ngài làm, đã xin lãnh bí tích rửa tội, người ta tưởng sẽ gặp một lão già tám mươi hoang dại, nhưng đã ngạc nhiên khi thấy Ngài rất lịch thiệp, xử dụng ngôn ngữ văn hóa và diễn tả tư tưởng rất uyên thâm. Các triết gia ngoại giáo ngạc nhiên hỏi Ngài:

– Ngài làm gì được trong sa mạc không có sách vở chi hết ? Thánh nhân trả lời:

– Thiên nhiên đối với tôi là một cuốn sách mở rộng.

Và người ta ngỡ ngàng về những điều thánh nhân đã khám phá được trong cuốn sách vĩ đại này của Đấng Tạo hóa.

Điều đáng kể dường như không phải những nhiệm nhặt Ngài theo đuổi, mà là tâm hồn trong trắng Ngài kết hiệp mật thiết với Chúa, Ngài nói: – Hư danh là kẻ thù nguy hiểm nhứt của chúng ta.

Danh tiếng của thánh Antôn lan rộng đến nỗi vua Constantinô và con cái ông đã viết thư tham khảo ý kiến Ngài, Môn sinh của Ngài hãnh diện lắm. Nhưng Ngài bảo họ:

– Đừng ngạc nhiên lắm khi thấy nhà vua là một con người viết thư cho một con người. Đáng ngạc nhiên là chính Thiên Chúa đã muốn viết luật cho loài người, và đã nói với chúng ta qua đức Giêsu Kitô .

Và trả lời cho lớp người vương giả ấy, Ngài dùng những lời cao thượng để khuyên họ biết khinh chê danh vọng mà nhớ tới cuộc chung thẩm.

Khi Ngài đã quá 90 tuổi, Thiên Chúa qua một thị kiến đưa ngài đến thăm thánh Phaolô ẩn tu trong sa mạc. Ngài còn được cho biết là sẽ sống tới tuổi 105.

Biết sắp tới giờ từ giã trần gian, Ngài đi thăm anh em Ngài lần chót. Ngài nói với họ về sự chết với niềm vui của người hồi hương. Họ đã khóc ròng, nhưng Ngài khuyên nhủ họ: – Hãy sống như phải chết mỗi ngày. Hãy cố gắng noi gương các thánh.

Thánh nhân trở lại núi với hai môn sinh. Trong căn phòng nghèo nàn của mình, Ngài đã phó linh hồn trong tay Chúa lúc 105 tuổi. Chúng ta biết được ân sủng giai thoại quý báu của đời thánh An tôn là nhờ thánh Athanasiô kể lại.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

17 Tháng Giêng

 Cứ Ðể Yên Như Thế  

Trong một tác phẩm có tựa đề “Quyển Phúc Aâm thứ 5”, một tác giả người Italia là ông Mario Pomilio có tưởng tượng ra một mẩu chuyện như sau: Sau thời kỳ bách hại tại Roma, các tín hữu bắt đầu xây cất nhà thờ. Ðâu đâu người ta cũng thấy mọc lên nhà thờ. Tên của Ðức Mẹ và các Thánh được đặt cho các nhà thờ. Nhưng người ta vẫn chưa thấy có nhà thờ nào mang tên của Ngôi Lời. Thấy thế thánh Gioan mới đến báo cáo với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu bèn ra lệnh cho thánh Phêrô khởi công xây cất một nhà thờ dâng kính cho Ngôi Lời.

 Con người đã có một thời được mệnh danh là người xây dựng vĩ đại của Giáo Hội mới đi rảo khắp nơi để thu tập vật tư. Thánh Mathêô đã cung cấp đá. Thánh Marcô mang vôi đến. Thánh Luca tặng những cây trụ lớn. Còn Thánh Gioan thì cúng đá cẩm thạch để làm bàn thờ và vàng để làm nhà tạm..

 Với tất cả những vật liệu cần thiết, Thánh Phêrô hớn hở bắt tay vào việc xây cất. Nhưng thời gian trôi qua, công sức đã tiêu hao quá nhiều mà người thợ xây Phêrô mới chỉ hoàn tất được việc đặt nền móng cho ngôi nhà thờ. Thấm mệt, vị thủ lãnh các tông đồ mới cầu xin Chúa: “Lạy Chúa, xin ban thêm cho con đủ sức để hoàn thành ngôi Nhà Thờ”.

 Chúa Giêsu mới trả lời: “Cứ để yên như thế. Ngươi hãy nhớ rằng cứ mỗi người đi ngang qua công trình này đều có thể mang đến một viên gạch, một ít vôi để xây tường và thế hệ này qua thế hệ khác, những cột trụ Ðền Thờ sẽ được dựng lên”.

 Có hai sự kiện xem ra tương phản nhau: tại Tây Phương, nhiều nhà thờ bị đóng cửa hoặc đem ra bán đấu giá, vì giáo dân không đủ cấp số hoặc không còn người lui tới nhà thờ. Trong khi đó thì tại Việt Nam, nhu cầu sửa chữa hoặc xây nhà thờ mới mỗi ngày một gia tăng.

 Có thể có hai quan niệm sống đạo đằng sau hai sự kiện ấy. Nhiều người Tây Phương cho rằng sống đạo là sống Công Bình và Bác Aùi, chứ không nhất thiết phải đến nhà thờ. Trong khi đó thì có người lại trách cứ rằng nhiều người Việt Nam chỉ giữ đạo hình thức, họ thích biểu dương tôn giáo, họ thích rước sách, họ đọc kinh làu làu, họ siêng năng đến nhà thờ, nhưng họ xem thường những đòi hỏi của Công Bình và Bác Aùi.

 Kỳ thực, giữ đạo trong nhà thờ mà không sống đạo bên ngoài nhà thờ là một thiếu sót, nếu không muốn nói là một thái độ giả hình mà Chúa Giêsu đã lên án gắt gao. Nhưng sống Công Bình và Bác Aùi mà không múc lấy sức sống từ việc gặp gỡ Chúa nơi nhà thờ cũng là một thiếu sót. Người Kitô đích thực múc lấy sức sống từ Ðức Kitô và diễn đạt sức sống ấy qua cuộc sống thường ngày. Có nhà thờ để cầu nguyện nhưng cũng có chợ đời để gặp gỡ Chúa. Người Kitô hướng về Trời cao, nhưng vẫn còn bám lấy cõi Ðất. Người Kitô đến nhà thờ, mà để quay trở lại cuộc sống. Và cuộc sống cũng sẽ trở nên cằn cỗi, nếu nó không được nuôi dưỡng bằng lương thực Thần Linh.

 “Hãy trở nên những viên đá sống động”. Ðó là ơn gọi của người Kitô chúng ta. Hãy trở thành những viên đá sống động không chỉ để xây dựng ngôi nhà thờ bằng gỗ đá, nhưng là để xây ngôi Ðền Thờ của cuộc sống. Cuộc sống có trở thành Ðền Thờ để gặp gỡ Chúa qua những gặp gỡ với tha nhân, qua những xây dựng Hòa Bình và yêu Thương, thì Ðền Thờ gỗ đá mới sống động.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư – Tuần 2 – TN2 

Bài đọc: Heb 7:1-3, 15-17; I Sam 17:32-33, 37, 40-51; Mk 3:1-6.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải tin tưởng nơi uy quyền của Thiên Chúa.

Tôn giáo hiện hữu là để đưa con người tới Thiên Chúa. Để làm việc này, con người cần giữ luật. Bao lâu con người tuân giữ những luật Thiên Chúa truyền, con người giữ mối liên hệ tốt lành với Thiên Chúa. Nhưng con người đã không thể giữ mãi mối liên hệ với Thiên Chúa vì họ phạm tội; và như thế, con người cần dâng lễ vật để đền tội và nối lại mối liên hệ với Thiên Chúa. Đó là lý do chức tư tế và luật dâng lễ vật hiện hữu. Theo từ ngữ Latin, từ ngữ dùng để chỉ tư tế là pontifex, có nghĩa người xây cầu để nối giữa 2 điểm. Tư tế là người xây cầu để nối giữa Thiên Chúa và con người bằng dâng các lễ vật hy sinh. Theo truyền thống Do-thái, lễ vật hy sinh chỉ có thể đền những tội vô tình xúc phạm đến Luật mà thôi; những tội cố ý, không lễ vật hy sinh nào có thể đền được. Tác giả Thư Do-thái nhìn thấy sự bất toàn của chức tư tế và các lễ vật hy sinh trong Đạo Do-thái; ông nhận ra con người cần một phẩm trật tư tế cao trọng hơn phẩm trật tư tế theo Aaron, và một lễ vật hy sinh cao trọng hơn máu chiên bò, để có thể tha thứ các tội cho con người, và cung cấp cho con người cách thức an toàn để nối lại mối liên hệ với Thiên Chúa sau khi phạm tội.

Trong Bài Đọc I, năm lẻ, tác giả dùng Thánh Vịnh 110:4 và Sách Sáng Thế 14:18-20, để chứng minh Đức Kitô là Thượng Tế theo phẩm trật Melkizedek; phẩm trật này cao trọng hơn phẩm trật Aaron, vì “Melkizedek không có cha, không có mẹ, không có gia phả, cuộc đời không có khởi đầu, cũng không có kết thúc. Như thế là ông giống Con Thiên Chúa: mãi mãi ông vẫn là tư tế.” Trong Bài Đọc I, năm chẵn, trẻ David tình nguyện đi chiến đấu với tên khổng lồ Philistine, vì cậu tin uy quyền của Thiên Chúa sẽ giúp cậu chiến thắng. Vì biến cố vĩ đại này, Thiên Chúa chuẩn bị lòng dân chúng dành chấp nhận David làm vua thay thế Saul. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tức giận vì nhóm Pharisees lòng chai dạ đá: trong khi Ngài muốn chữa lành con người khỏi mọi tội lỗi và bệnh hoạn, tật nguyền, nhưng họ luôn tìm cách để tố cáo và luận tội Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đức Kitô là Thượng-tế theo phẩm trật Melkizedek.

1.1/ Thượng Tế Melkizedek: Khi truy tầm tên Melkizedek mà Thánh Vịnh 110 đề cập tới, Tác-giả Thư Do-Thái tìm thấy trong Sách Sáng Thế nói về Ông như sau: “Ông Melkizedek, vua thành Salem, mang bánh và rượu ra; ông là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao. Ông chúc phúc cho ông Abraham và nói: “Xin Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất, chúc phúc cho Abraham! Chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao, Đấng đã trao vào tay ông những thù địch của ông!” Rồi ông Abraham biếu ông Melkizedek một phần mười tất cả chiến lợi phẩm” (Gen 14:18-20).

Tác-giả dựa vào những gì Sách Sáng Thế trình bày, và suy diễn thêm về những gì tuy Kinh Thánh không nói tới, nhưng quan trọng về vị Thượng Tế này như sau: “Trước hết, ông tên là Melkizedek, nghĩa là “Vua công chính;” rồi ông lại là vua Salem, nghĩa là “Vua bình an.” Ông không có cha, không có mẹ, không có gia phả, cuộc đời không có khởi đầu, cũng không có kết thúc. Như thế là ông giống Con Thiên Chúa: mãi mãi ông vẫn là tư tế.”

1.2/ Sự khác biệt giữa 2 phẩm trật tư tế: Tác giả so sánh những gì ông tìm ra về Thượng Tế Melkizedek và so sánh với những gì ghi chép trong Luật về phẩm trật tư tế Aaron, ông tìm ra những khác biệt trong Chương 7, chúng tôi chỉ tóm tắt như sau:

(1) Phẩm trật Aaron: Theo Luật Do-Thái, một người trở thành tư tế vì thuộc giòng dõi Aaron; mà không tùy thuộc vào đặc tính và khả năng của vị tư tế. Chức tư tế của những người theo phẩm trật Aaron chấm dứt cùng với cái chết của người ấy. Thiên Chúa không bao giờ thề hứa với phẩm trật theo Aaron. Sau cùng, các tư tế theo phẩm trật này phải luôn dâng hy lễ đền tội cho mình, trước khi có thể dâng lễ đền tội cho người khác.

(2) Phẩm trật Melkizedek: Chức tư tế của Melkizedek không tùy thuộc vào giòng dõi con người, nhưng tùy thuộc vào đặc tính và khả năng của ông. Hơn nữa, Melkizedek không có gia phả con người, và Kinh Thánh không thấy nói tới sự chết của ông; vì thế, chức tư tế của ông tồn tại đến muôn đời. Chức tư tế theo phẩm trật Melkizedek được Thiên Chúa thề hứa và không bao giờ thay đổi (x/c Psa 110:4). Đức Kitô không bao giờ phạm tội, và Ngài không cần dâng lễ đền tội cho mình, chỉ dâng hy lễ một lần để đền tội cho con người là đủ.

1.3/ Đức Kitô là Thượng-tế theo phẩm trật Melkizedek: Tác giả Thư Do-Thái kết luận: “Điều ấy lại còn hiển nhiên hơn nữa, khi một vị tư tế khác tương tự như ông Melkizedek xuất hiện; vị này đã trở nên tư tế không phải do Lề Luật quy định việc cha truyền con nối, nhưng do sức mạnh của một đời sống bất diệt. Quả thật, có lời chứng nhận rằng: “Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Melkizedek”” (Psa 110:4).

2/ Bài đọc I (năm chẵn): Không phải nhờ gươm, nhờ giáo mà Đức Chúa ban chiến thắng.

Đây là câu truyện nói lên uy quyền của Thiên Chúa. Thoạt nhìn, không ai có thể nghĩ David sẽ thắng tên Philistine; ngay cả vua Saul là người to lớn nhất trong Israel cũng phải đầu hàng. Khi David tỏ ý định muốn đi chiến đấu với tên khổng lồ Philistine, vua Saul nói với David: “Con không thể đến với tên Philistine ấy để chiến đấu với nó, vì con chỉ là một đứa trẻ, còn nó là một chiến binh từ khi còn trẻ.” Nhưng David tin tưởng vào uy quyền Thiên Chúa, ông nói: “Đức Chúa là Đấng đã giật con khỏi vuốt sư tử và vuốt gấu, chính Người sẽ giật con khỏi tay tên Philistine này.” Vua Saul nói với David: “Con hãy đi, xin Đức Chúa ở với con!” Cậu cầm gậy chăn chiên trong tay, chọn lấy năm hòn đá cuội dưới suối, bỏ vào túi chăn chiên, vào bị của cậu, rồi tay cầm dây phóng đá, cậu tiến về phía tên Philistine.

(1) Tên Philistine cậy vào thể lực của mình: Khi thấy có người Israel tiến lên, tên Philistine từ từ tiến lại gần David, đi trước mặt nó là người mang thuẫn. Tên Philistine nhìn, và khi thấy David, nó khinh dể cậu, vì cậu còn trẻ, có mái tóc hung và đẹp trai. Tên Philistine nói với David: “Tao là chó hay sao mà mầy cầm gậy đến với tao?” Và tên Philistine lấy tên các thần của mình mà nguyền rủa David. Tên Philistine nói với David: “Đến đây với tao, tao sẽ đem thịt mày làm mồi cho chim trời và dã thú.”

(2) David chiến đấu nhân danh Thiên Chúa: David bảo tên Philistine: “Mày mang gươm, mang giáo, cầm lao mà đến với tao. Còn tao, tao đến với mày nhân danh Đức Chúa các đạo binh là Thiên Chúa các hàng ngũ Israel mà mày thách thức.”

– David tin tưởng nơi Thiên Chúa sẽ ban chiến thắng, không chỉ chiến thắng cá nhân giữa cậu và tên Philistine, mà còn chiến thắng giữa quân đội Israel trên quân đội Philistines: “Ngay hôm nay Đức Chúa sẽ nộp mày vào tay tao, tao sẽ hạ mày và làm cho đầu mày lìa khỏi thân. Ngay hôm nay tao sẽ đem xác chết của quân đội Philistine làm mồi cho chim trời và dã thú.”

– Cậu tin chiến thắng là nhờ Danh Chúa, Đấng dựng nên trời đất, chứ không nhờ gươm giáo. David nói với tên Philistine: “Toàn cõi đất sẽ biết rằng có một Thiên Chúa che chở Israel, và toàn thể đại hội này sẽ biết rằng không phải nhờ gươm, nhờ giáo mà Đức Chúa ban chiến thắng, vì chiến đấu là việc của Đức Chúa và Người sẽ trao chúng mày vào tay chúng tao!”

(3) Kết quả của cuộc chiến: “Khi tên Philistine bắt đầu xông lên và đến gần để đương đầu với David, thì David vội vàng chạy từ trận tuyến ra để đương đầu với tên Philistine. David thọc tay vào bị, rút từ đó ra một hòn đá, rồi dùng dây phóng mà bắn trúng vào trán tên Philistine. Hòn đá cắm sâu vào trán, khiến nó ngã sấp mặt xuống đất. Thế là David thắng tên Philistine nhờ dây phóng và một hòn đá. Cậu hạ tên Philistine và giết nó. Nhưng trong tay David không có gươm. David chạy lại, đứng trên xác tên Philistine, lấy gươm của nó, rút khỏi bao, kết liễu đời nó và dùng gươm chặt đầu nó.”

Vì vua Saul bất tuân lệnh của Thiên Chúa, Ngài đã truất phế Saul khỏi ngôi vua. Thiên Chúa đã sai ngôn sứ Samuel xức dầu phong vương cho trẻ David, và Ngài muốn dùng chiến thắng này để chuẩn bị lòng dân chúng để tiếp nhận David làm vua thay thế Saul. Điều này một lần nữa chứng minh: một khi Thiên Chúa đã chọn ai, Ngài sẽ ban ơn đủ cho người ấy thi hành nghĩa vụ của mình.

3/ Phúc Âm: Đức Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá.

3.1/ Xung đột ý kiến giữa Chúa Giêsu và Nhóm Pharisees: Chỉ trong hai câu mô tả ngắn ngủi, Marcô cho chúng ta nhìn thấy sự xung đột giữa hai bên: “Đức Giêsu lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. Họ rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy ngày Sabbath không, để tố cáo Người.” Trong khi Chúa Giêsu chính thức rao giảng và chữa lành dân chúng trong các hội đường, Nhóm Pharisees cũng có mặt. Mục đích của họ không phải để nghe giảng, nhưng để “rình xem” Chúa Giêsu có chữa bệnh trong ngày Sabbath.

3.2/ Hai phản ứng khác nhau:

(1) Phản ứng của của Chúa Giêsu: Khi nhìn thấy người bại tay, Chúa Giêsu động lòng thương anh, và Ngài muốn chữa lành, nên bảo anh: “Anh trỗi dậy, ra giữa đây!” Ngài có thể bảo anh ngày mai trở lại, hay bảo anh đi đến một nơi nào đó cho khuất mắt những người đang rình; nhưng để dạy cho họ có cơ hội hiểu biết đúng đắn về ngày Sabbath, Chúa Giêsu mời gọi họ đối thoại với Ngài: “Ngày Sabbath, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” Nhưng họ làm thinh. Đức Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: “Anh giơ tay ra!” Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường.

(2) Phản ứng của Nhóm Pharisees: Làm thinh không nói có thể vì không biết câu trả lời; nhưng họ đã biết câu trả lời: phải luôn làm việc lành trong cả ngày Sabbath, và phải luôn cứu mạng người; nhưng vì họ sợ nếu phải công nhận những gì Chúa Giêsu dạy trước mặt mọi người, họ phải tin theo và làm những gì Ngài đòi hỏi nên họ làm thinh. Không phải chỉ có thế, nhưng sau khi ra khỏi đó, Nhóm Pharisees lập tức bàn tính với phe Herode, để tìm cách giết Đức Giêsu.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Tội lỗi làm chúng ta xa cách Thiên Chúa; nhưng qua Đức Kitô là Thượng Tế theo phẩm trật Melkizedek, chúng ta đã có con đường an toàn để nối lại tình nghĩa với Ngài.

– Chúng ta hãy vâng lời làm theo những gì Đức Kitô dạy. Nếu không hiểu, hãy chịu khó bỏ thời giờ để nghiên cứu học hỏi; đừng ngoan cố như những người biệt-phái để cố tình sống trong tội lỗi của mình.

– Chúng ta có chiến thắng được ba thù là nhờ uy quyền của Thiên Chúa, chứ không do sức lực, tài năng, và sự khôn ngoan của cá nhân.

– Tôn giáo không phải chỉ là tuân theo những luật lệ cứng nhắc, nhưng trước hết là tâm tình đồng cảm với những khổ đau của nhân loại. Chúng ta hãy cố gắng và tìm cách để làm vơi đi những khổ đau của tha nhân.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************