Ngày thứ tư (17-11-2021) – Trang suy niệm

16/11/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Tư Tuần XXXIII Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I:   2 Mcb 7, 1. 20-31

“Đấng Sáng Tạo vũ trụ sẽ trả lại cho các con tinh thần và sự sống”.

Trích sách Macabê quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, bảy anh em bị bắt cùng với thân mẫu, và thừa lệnh nhà vua, người ta dùng gậy và roi gân bò đánh đập họ, bắt buộc họ ăn thịt heo mà luật đã cấm.

Đặc biệt là bà mẹ đáng ca tụng và ghi nhớ: chỉ trong một ngày, bà chứng kiến bảy con mình chết, bà vui lòng chịu đựng và trông cậy vào Thiên Chúa. Bà đầy khôn ngoan, dùng tiếng của cha ông, can đảm khuyên bảo từng đứa con; bà dùng sự hăng say nam nhân mà nâng đỡ tâm hồn phụ nữ của bà. Bà nói với các con: “Mẹ không biết các con đã thành hình trong lòng mẹ ra sao, vì không phải mẹ ban cho các con tinh thần, linh hồn và sự sống, cũng không phải mẹ sắp đặt các chi thể của mỗi con, nhưng là Đấng Sáng Tạo vũ trụ, Người đã dựng nên loài người, và sáng tạo mọi sự với lòng nhân hậu. Người sẽ trả lại cho các con tinh thần và sự sống, vì giờ đây các con coi rẻ mạng sống các con để bảo vệ luật pháp của Người”.

Vua Antiôcô tưởng rằng lời lẽ ấy khinh thị và lăng nhục ông. Bởi thế, đối với đứa con út của bà còn sống, không những ông dùng lời dụ dỗ cậu, ông còn thề hứa với cậu sẽ làm cho cậu được sung sướng giàu có, nếu cậu chối bỏ lề luật của cha ông, sẽ coi cậu như bạn hữu của ông và ban cho cậu nhiều tước lộc. Nhưng cậu không quan tâm đến những lời dụ dỗ ấy, nhà vua liền cho gọi mẹ cậu đến và khuyên bà nhủ bảo con, để cứu lấy mạng sống con mình. Khi nhà vua đã dài lời khuyến khích bà, bà nhận lời thuyết phục con. Vậy bà cúi sát vào con bà, đánh lừa nhà vua độc ác ấy; bà còn dùng tiếng của cha ông mà nói rằng: “Hỡi con, hãy thương mẹ đã cưu mang con chín tháng trong dạ, đã cho con bú sữa trong ba năm, đã nuôi dưỡng và dẫn dắt con cho tới tuổi này. Con ơi, mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất, và tất cả mọi sự trong đó; con biết rằng Thiên Chúa đã tác tạo những vật đó và loài người từ hư vô, nên con đừng sợ tên lý hình này, một hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con và hãy nhận lãnh cái chết, để nhờ lòng lân tuất của Chúa, mẹ sẽ gặp con cùng với các anh con”.

Bà mẹ vừa dứt lời thì cậu con út lên tiếng rằng: “Các ông còn chờ gì nữa? Tôi không tuân lệnh nhà vua đâu, nhưng tôi tuân theo lề luật mà Môsê đã ban cho cha ông chúng tôi. Còn nhà vua, là kẻ đã bày ra đủ thứ để bách hại dân Do-thái, nhà vua sẽ không thoát khỏi tay Thiên Chúa đâu”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 16, 1. 5-6. 8b và 15

A+B: Lạy Chúa, khi thức giấc, con no thoả nhìn chân dung Chúa (c. 15b).

A) Lạy Chúa, xin nghe điều chính nghĩa của con, xin để ý đến lời con kêu cứu, lắng tai nghe tiếng con thốt ra tự cặp môi chân thành.

B) Bước con đi bám chặt đường lối của Ngài, chân con đã không hề xiêu té. Con kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời con, lạy Chúa, xin lắng tai về bên con, xin nghe rõ tiếng con.

A) Xin che chở con trong bóng cánh của Ngài. Phần con, nhờ công chính, sẽ được thấy thiên nhan; khi thức giấc, con no thoả nhìn chân dung Chúa.

A+B: Lạy Chúa, khi thức giấc, con no thoả nhìn chân dung Chúa (c. 15b).

ALLELUIA: Tv 110, 8ab -Lạy Chúa, mọi gới răn Chúa được lập ra cho tới muôn đời. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 19 11-28

“Sao ngươi không gửi bạc Ta ở ngân hàng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán thêm một dụ ngôn nữa, vì Người đã đến gần Giêrusalem, mà dân chúng lại cứ tưởng là Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện trong giây lát. Vậy Người phán rằng:

“Có người quý tộc kia đi phương xa để được phong vương rồi trở về. Ông cho gọi mười người tôi tớ đến, giao cho họ mười nén bạc và dặn rằng: ‘Hãy làm lợi cho đến khi ta trở về’. Nhưng các người dân của ông ấy ghét ông, sai người đi theo mà rằng: ‘Chúng tôi không muốn ông ấy làm vua chúng tôi’. Được phong vương rồi ông trở về, cho gọi các tôi tớ mà trước kia ông đã giao tiền cho, để biết mỗi người đã làm lợi được bao nhiêu.

“Người thứ nhất đến và thưa: ‘Tâu vua, nén bạc của vua đã sinh lợi được mười nén’. Nhà vua bảo: ‘Được, hỡi người tôi tớ tốt lành, ngươi đã trung tín trong điều nhỏ mọn, ngươi sẽ được quyền cai trị mười thành’. Người thứ hai đến thưa: ‘Tâu vua, nén bạc của vua đã sinh lợi được năm nén’. Nhà vua đáp: ‘Ngươi cũng vậy, hãy cai quản năm thành’.

“Người thứ ba đến thưa: ‘Tâu vua, đây nén bạc của vua, tôi còn giữ trong khăn, vì tôi sợ ngài: ngài là người hà khắc, và lấy cái ngài không gửi, gặt cái ngài không gieo’. Vua phán rằng: ‘Hỡi đầy tớ bất lương, ta cứ lời ngươi mà xử ngươi. Ngươi đã biết ta là người hà khắc, lấy cái ta không gửi, gặt cái ta không gieo, sao ngươi không gửi bạc ta ở ngân hàng, để rồi khi ta trở về, ta có thể lấy cả vốn lẫn lời’.

“Vua liền bảo những người đứng đó rằng: ‘Hãy lấy nén bạc của nó mà trao cho người đã có mười nén’. Họ tâu rằng: ‘Tâu vua, người ấy đã có mười nén rồi’. Vua đáp: ‘Ta nói cùng các ngươi: Ai có sẽ cho thêm, và người đó sẽ được dư dật; còn ai không có, người ta sẽ lấy đi cả cái nó đang có. Còn những kẻ nghịch cùng ta, không muốn ta làm vua, hãy đem chúng ra đây và giết chúng trước mặt ta”. Nói thế rồi Chúa liền dẫn họ lên Giêrusalem. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

17/11/2021 – THỨ TƯ TUẦN 33 TN

Th. Ê-li-sa-bét Hung-ga-ri

Lc 19,11-28

SINH LỢI CHO NƯỚC CHÚA

“Rồi người thứ ba đến trình: Thưa ngài, yến bạc của ngài đây, tôi đã bọc khăn giữ kỹ…” (Lc 19,20)

Suy niệm: Cơn đại dịch Covid-19 cho chúng ta một minh chứng cụ thể, và đau đớn nữa, của hiệu ứng dây chuyền trong một thế giới toàn cầu hoá. Chỉ cần một mắt xích trong chuỗi cung ứng bị đứt gãy là cả hệ thống kinh tế rơi vào khủng hoảng. Điều đó giải thích người tôi tớ thứ ba này gây thiệt hại cho kế hoạch kinh doanh của ông chủ như thế nào khi đem yến bạc của ông “bọc khăn cất kỹ”. Chúng ta không phải là chủ mà là người quản lý những gì chúng ta đang có. Những “vốn liếng” Chúa ban cho chúng ta, không phải để “đóng băng”, hưởng thụ ích kỷ, càng không phải để phung phá mà để “sinh lợi cho Nước Chúa” bằng cách sử dụng chúng để đem lại thiện ích cho tha nhân.

Mời Bạn: Qui luật của nền “kinh tế cứu độ” (economy of salvation) – còn gọi là “nhiệm cục cứu độ” – hệ tại ở việc “bán đi tất cả những gì anh có mà cho người nghèo” để rồi sẽ “được gấp trăm ngay ở đời này” và cả “kho tàng trên trời” (x. Mc 10,21.30). Bạn chỉ có thể sinh lợi cho Nước Chúa, khi bạn “đầu tư vốn liếng” Chúa giao cho bạn để chia sẻ và phục vụ người nghèo, những người yếu thế, bé nhỏ nhất. Mỗi khi bạn chi tiêu cái gì hay sử dụng của cải, bạn hãy nghĩ tới họ, và nghĩ xem bạn có thể làm gì để chia sẻ với họ.

Sống Lời Chúa: Những gì không phải là thiết yếu cho cuộc sống của bạn, gia đình bạn? Bạn hãy tiết giảm chúng để dành vào việc chia sẻ cho người nghèo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con đừng cất kỹ những nén bạc trong sự hưởng thụ ích kỷ, nhưng biết dùng thời gian, tiền bạc, khả năng Chúa ban để phục vụ anh chị em mình.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

 Suy niệm:

 Khi Đức Giêsu đến gần Giêrusalem,
nhiều người nghĩ rằng Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện rồi.
Họ cho rằng khi Ngài tiến vào thành thánh lẫm liệt như một vị vua,
Nước ấy sẽ bừng tỏa trọn vẹn trên đoàn dân của Thiên Chúa (c. 11).
Thật ra Nước Thiên Chúa không đến nhanh như họ nghĩ.
Đức Giêsu còn phải chịu đau khổ, chết, rồi được phục sinh.
Sau đó Giáo Hội còn phải chờ một thời gian dài
trước khi Nước Thiên Chúa đến cách viên mãn qua việc Ngài trở lại.
Thời gian của Giáo Hội là thời gian đợi chờ,
thời gian lo làm ăn sinh lợi với những gì Chúa tặng ban.
Đó chính là ý nghĩa của dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay.

 Một nhà quý tộc kia đi xa để lãnh nhận vương quyền.
Trước khi đi ông gọi mười người đầy tớ lại,
và trao cho họ mỗi người một số tiền không lớn lắm, là một đồng mina.
Ông ra lệnh: “Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến” (c. 13).
Khi nhà quý tộc trở về trong tư cách là vua,
ông truyền gọi các đầy tớ lại để họ báo cáo về công việc làm ăn.
Hai người đầy tớ đầu tiên đã sinh lợi không ít.
Một người được lời thêm mười đồng, người kia được thêm năm đồng.
Cả hai được vua ban thưởng rất trọng hậu, cho cai trị các thành phố.
Còn người thứ ba trả lại cho nhà vua đồng mina anh đã nhận.
“Thưa Ngài, đồng mina của Ngài đây, tôi đã giữ kỹ nó trong khăn.”
Tất cả tội của người đầy tớ này nằm ở thái độ giữ kỹ.
Giữ kỹ thì chẳng mất gì, vẫn còn nguyên vẹn.
Nhưng giữ kỹ lại không thể làm cho đồng tiền sinh lời.
Hơn nữa, giữ kỹ là không vâng lời ông chủ trước khi đi: “Hãy lo làm ăn!”
Người đầy tớ sợ ông chủ, vì ông là người nghiêm khắc (c. 21).
Chính vì sợ làm ăn thua lỗ, sợ bị ông chủ trừng phạt
mà anh chọn thái độ chắc ăn là giữ kỹ đồng vốn trong khăn.
Thái độ này không được ông chủ, nay trở thành nhà vua, chấp nhận.
“Tại sao anh không gửi tiền của tôi vào ngân hàng,
để khi trở về, tôi mới rút được cả vốn lẫn lời chứ ?” (c. 23).
Ý của chủ là đồng tiền cần phải được đầu tư để sinh lời.
Nỗi sợ đã làm cho anh đầy tớ mất đi sự liều lĩnh cần thiết.

Bài Tin Mừng nhắc các Kitô hữu một điều cần.
Giữ kỹ, giữ nguyên những gì Chúa ban vẫn chỉ là một thái độ tiêu cực.
Kitô hữu là người tích cực sử dụng đồng vốn nhận được để sinh lời.
Ra khỏi thái độ rụt rè, sợ hãi, để dám nghĩ, dám làm việc lớn cho Chúa,
đó mới là thái độ đúng đắn của người Kitô hữu có trách nhiệm.
Nếu không liều lĩnh trong những dự tính và hành động,
nhiều nén bạc Chúa ban sẽ bị bỏ quên mãi trong khăn.
Ông chủ trong dụ ngôn thật ra không phải là người ham lời.
Ông chỉ muốn các đầy tớ trung tín trong việc rất nhỏ (c. 17).
Nhờ dấn thân làm việc cho Nước Chúa mà người Kitô hữu được lớn lên.

 Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.

Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.

Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn,
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.

Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

17 THÁNG MƯỜI MỘT

Ân Sủng

Thánh Hóa Tình Cảm Nhân Loại

Sự đồng ý đón nhận nhau giữa một người nam và một người nữ khi họ cử hành hôn nhân Kitô giáo không chỉ là một diễn tả tình cảm nhân loại mà hai người cam kết trọn đời. Họ nói ‘vâng’ với nhau trong đức tin, một đức tin mà họ dứt khoát chọn lựa cho cả đời mình. Mầu nhiệm này của cuộc hôn nhân giữa họ là một phản ảnh của sự kết hợp thần nhiệm và của tình yêu phu phụ giữa Đức Kitô và Giáo Hội.

Vì thế, hôn nhân giữa hai Kitôhữu trước hết là một hành vi của đức tin. Tình cảm nhân loại của họ được chuyển hóa và được làm cho nên thánh thiện nhờ ân sủng. Vì họ đã ký thác tình yêu và cuộc hôn nhân của họ cho Thiên Chúa, nên Ngài nhất định sẽ bảo vệ và nuôi dưỡng nó bằng ân phúc của Ngài. Chính Đức Kitô cho biết rằng ở đây không chủ yếu là tự họ ràng buộc với nhau, mà đúng hơn chính Cha trên trời đang ràng buộc họ với nhau. Và công việc quan trọng đệ nhất của họ là liệu sao để không phá vỡ sự kết hợp thánh thiện này.

Một đôi vợ chồng sẽ thành công trong việc bảo vệ cuộc hôn nhân của mình nếu họ nhớ rằng chính Thiên Chúa đã trở thành người bảo vệ sự kết hợp giữa họ. Và khi họ trải qua những khó khăn trong cuộc sống hôn nhân, họ sẽ chạy đến với Thiên Chúa trong lòng tin tưởng vững vàng vào sự quan phòng và vào tình yêu thương của Ngài.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 17/11

Thánh nữ Êlisabeth Hungari

2Mcb 7, 1. 20-31; Lc 19, 11-28.

LỜI SUY NIỆM: Có một người quý tộc kia trẩy đi phương xa lãnh nhận vương quyền, rồi trở về. Ông gọi mười người trong các tôi tớ của ông đến, phát cho họ mười nén bạc và nói với họ: “Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến.”

          Những ngày cuối năm phụng vụ Giáo Hội muốn mời gọi mọi Kitô hữu phải luôn ý thức đến những ân sủng mà mình đã đón nhận từ Thiên Chúa, qua ngày sống của mình; mình đã sử dụng như thế nào? Vào việc gì? Và đã sinh lợi bao nhiêu? Hay là không cần dùng đến, đem chôn giấu? Nhưng tất cả đều phải có bổn phận và trách nhiệm riêng của mỗi người; để rồi sẽ nhận được một kết quả tốt đẹp hay là một án phạt cho riêng mình sau khi Chúa đến với mỗi người.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con nhận ra biết bao là ẩn sủng của Chúa trong đời sống của mình để sống tốt hơn để làm sáng danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 17-11: Thánh ELISABETH Nước Hungaria

Nữ Tu (1207 – -1231)

Em bé 4 tuổi mặc ái nhung đeo vàng, người ta dẫn tới Thuringia, là con vua Hungaria. Tên Ngài là Elisabeth và vừa được đính hôn với hoàng tử Luy (Louis) mười một tuổi con của Landgrave miền Thuringia, và theo thói thường Ngài lớn lên tại cung điện Thuringia.

Elisabeth xem ra đã được tiền định với niềm vui, được cầu nguyện hãm mình và mỗi ngày hy sinh một điều thích thú. Nếu trong cuộc chơi mà thành công rực rỡ, Ngài không quá vui và ngừng lại. Một phần những cái người ta cho Ngài thường là tới tay người nghèo. Nhưng Ngài sớm thấy một đau khổ khác, không phải mọi người đều vui lòng khi thấy Ngài lớn lên trong đạo đức, tốt lành và quảng đại như vậy. Công chúa Sophia, mẹ của Luy tức giận vì sự hoàn thiện này.

Khi bà dẫn Elisabeth với cô con gái mình tới nhà thờ, cả hai trang điểm như công chúa thì Elisabeth lại cởi vương miện bằng đá ra mà nói không muốn mang nó đến trước Thiên Chúa phải đội mão gai. Thế là công chúa và con mình khinh bỉ và tuyên bố rằng: Ngài bất xứng để làm vợ của bá tước. Nhưng khi Luy đã trở lại triều đình chàng ngây ngất vì vị hôn thê trẻ của mình. Chàng chọn làm châm ngôn những đức tính: đạo đức, trong sạch và công bình. Chàng đã cử hành hôn phối sớm hết sức có thể, lúc chàng 20 và nàng 14.

Năm sau họ có con đầu lòng và 2 năm sau nữa sinh con thứ. Các đày tớ của thánh nữ nói về Ngài: “Bà kêu đến Chúa trong mọi hành vi, bà sống khiêm tốn, rất bác ái và say mê cầu nguyện”. Ngày sống của nữ bá tước được phân phối cho công việc cầu nguyện, làm việc bác ái, cùng với các phụ nữ dệt len cho người nghèo. Rảo quanh các làng quê phân phát các đồ cứu trợ. Luy, một hiệp sĩ hào hùng, rất lịch thiệp, là bạn trung thành nâng đỡ Elisabeth trong đường thánh thiện Ngài đeo đuổi. Ông yêu vợ có khuôn mặt và tâm hồn dịu hiền của mình. Người ta thích kể lại một huyền thoại làm đẹp cuộc đời thánh nữ như sau:

Vào một ngày mùa đông. Luy đi săn về gặp vợ cong mình xuống dưới sức nặng các đồ ăn giấu trong vạt áo. Ông hỏi: – Em mang gì đó ?

Vạch áo ra ông chỉ thấy những bó hoa hồng trắng rất đẹp không mùa xuân nào có được. Vị bá tước xúc động vì phép lạ, Ngài ưu ái người vợ lý tưởng của mình hơn nữa.

Còn chính thánh nữ thì tăng gấp việc bác ái. Ngài săn sóc các bệnh nhân nghèo, cấp đồ ăn cho họ, băng bó các vết thương. Vào một ngày thứ năm tuần thánh, Ngài đã hôn chân các người cùi Ngài tập hợp lại. Dưới những chiếc áo sang trọng, Ngài dấu một chiếc áo nhặm. Không ai nghi ngờ sự khắc khổ của Ngài. Isentrude, người đày tớ theo Ngài và có nhiệm vụ đánh thức Ngài ban đêm để cầu nguyện làm chứng: “Ngài hoàn thành những công trình bác ái trong tâm hồn vui tươi và không đổi nét mặt”.

Chính Elisabeth đã nói về những người nhân đức mà mặt mày ủ dột: “Họ có vẻ muốn làm khiếp đảm Thiên Chúa nhân lành. Trong khi Ngài yêu thích những kẻ cho một cách vui tươi”.

Luy phải ra trận. Đây là lúc nữ bá tước đau đớn nhất và tăng gấp lời cầu nguyện và đánh tội. Thánh nữ vẫn thường bối rối lo sợ có những bất công mà lãnh Chúa thường gặp phải. Gặp buổi đói ăn, thánh nữ nhiệt thành nâng dỡ người nghèo. Phân phát hết lúa gạo dự trữ, Ngài hy sinh cả nữ trang và đá quí, Ngài thiết lập những nhà thương. Dân chúng gọi Ngài là “mẹ”. Khi chồng trở về, thánh nữ thường cười nói: – Em đã dâng cho Thiên Chúa cái thuộc về Ngài bảo vệ của cải của chúng ta,

Nhưng đã đến lúc những thử thách lớn lao đưa Elisabeth tới đỉnh cao thánh thiện. Luy tham gia đoàn quân thánh giá và vong mạng năm 1227. Vài ngày sau thánh nữ sinh hạ người con thứ ba. Ngài như điên lên vì đau đớn, nhưng đã chứng tỏ lòng đai độ từ bỏ thánh nữ đã có từ buổi thiếu thời. Hình ảnh cổ truyền còn diễn tả thánh nữ, bị người em bất xứng của Luy xua đuổi và cấm dân chúng không được cho trú ngụ, khóc lóc ôm con nhỏ đi vào đường mòn sỏi đá giữa mùa đông lạnh lẽo với hai người con níu bên tay…

Thực tế là người em rể đã một thời không cho Ngài được thừa hưởng của cải của chồng Ngài. Elisabeth từ chối mọi thỏa hiệp với ông ta và không muốn nhận được cấp dưỡng bằng cái Ngài coi là của cắp của dân nghèo. Ngài thích được rẫy bỏ hơn và tự kiếm kế sinh nhai. Như thế với lương tâm Kitô giáo Ngài đã chọn được nên nghèo khó. Thực vậy, Ngài đã phải trú ngụ trong một chuồng heo cũ và đã biết khốn cực là gì. Người đày tớ theo Ngài kể rằng: – “Bị bắt bớ bởi những chư hầu của chồng, thiếu mọi thứ của cải và vì thiếu thốn, Ngài đã phải gửi con đến những miền xa để chúng được nuôi dưỡng ở đó.

Dầu vậy, Ngài vẫn cảm tạ Chúa và đã bóc lột Ngài như thế, và trong một nguyện đường các anh em hèn mọn Ngài đã đặt tay lên bàn thờ thề hứa từ bỏ tất cả.

Cậu của Ngài là giám mục miền Bamberg rất muốn Ngài tái giá và còn gọi Ngài tới lâu đài Haute Francoine nơi đặt các xương cốt của chồng Ngài. Nhận xương cốt, Ngài nguyện vâng phục và tạ ơn Thiên Chúa.

“Lạy Chúa, con yêu biết bao. Nhưng Chúa biết con không hối tiếc việc hy sinh người yêu của con cho Chúa. Anh đã tự hiến mình cho Chúa, con cũng hiến dâng anh con cho Chúa để yểm trợ thánh địa. Nếu được con cho cả thế giới để đổi lấy anh, rồi chúng con cùng đi ăn xin với nhau. Nhưng con xin chứng tỏ rằng: nếu trái với ý Chúa, con sẽ không muốn chuộc lại sự sống của anh, cả đến sợi tóc đi nữa… Nguyện ý Chúa thành sự trong chúng con”.

Người góa phụ trẻ không muốn có phần gì đối với vinh hoa trần thế nữa, đã mặc áo dòng ba Phanxicô và dùng tiền của chồng để lại để điều hành một nhà thương là nơi bà ngồi ăn chung với các bệnh nhân nghèo khó. Sau cùng Ngài ở trong một ngôi nhà bằng cây vách đất. Ngài dệt vải để nuôi thân và chịu những hy sinh cực khổ hơn nữa.

Cha giải tội của Ngài là Conrad thấy sự diụ hiền của Ngài có vẻ tạo nên cảm tình của hai người bạn từ hồi trẻ và nay theo Ngài, nên không cho Ngài giữ họ gần mình nữa. Thay vào đó là một đứa trẻ vô giáo dục và một bà điếc lác khó chịu. Elisabeth đối xử với họ cách âu yếm như với bạn bè và dành lấy những công việc gớm ghiếc nhất. Một đứa trẻ bất toại Ngài săn sóc bắt Ngài thức dậy mỗi đêm sáu lần và chính Ngài giặt giũ áo quần hôi hám của nó. Khi đứa trẻ chết, Ngài thayvào đó một dứa trẻ phong cùi và nói: – Tôi không đang cởi giây giầy cho em. Đối với tôi Chúa Giêsu đang ở vào đại vị của em.

Đứa trẻ chết, lại một người bị bịnh trứng tóc sống bên Ngài. Vị hướng dẫn còn dùng đến những cư xử nghiệt ngã lạ lùng. Nhà chép sử nói rằng: “ông ta có thể đánh vào mặt Ngài, nhưng thánh nữ đủ mạnh để chịu dựng như một người đang chiêm niệm. Ngài qua những giờ ngây ngất và nét mặt trở bên rực sáng.

Nhưng Elisabeth yếu dần và qua đời lúc mới 24 tuổi, vào ngày 19 tháng 10 năm 1231. Từng đoàn người lũ lượt hành hương kính viếng mộ Ngài và đã có rất nhiều phép lạ xảy ra tại đó. Bốn năm sau Đức giáo hoàng Gregoriô IX đã tôn phong Ngài lên bậc hiển thánh.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

17 Tháng Mười Một

Trong Mọi Sự, Hãy Nghĩ Ðến Cùng Ðích

Một ngày nọ, triết gia Diogene của Hy Lạp đã đến giữa chợ Athène và dựng lên một căn lều có ghi đậm hàng chữ như sau: “Ở đây có bán sự khôn ngoan”.

Một bậc khoa cử tình cờ đi qua căn lều đọc được lời rao báo, mới cười thầm trong bụng… Muốn biết đằng sau căn lều ấy có những gì, ông mới sai người đầy tớ cầm tiền để dò la và mua cho được cái mà người bán gọi là sự khôn ngoan.

Người đầy tớ cầm tiền ra đi làm theo lời căn dặn của chủ… Anh đưa cho Diogene 3 hào và nói rằng chủ của anh muốn có sự khôn ngoan. Cầm lấy 3 hào bỏ vào túi, triết gia Diogene nói với người đầy tớ một cách trang trọng như sau: “Anh hãy về đọc lại cho chủ anh nghe câu này: Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích”.

Vị khoa cử thành Athène vô cùng thích thú vì lời khôn ngoan này. Ông đã cho viết trước cửa nhà như khuôn vàng thước ngọc để chính ông suy niệm mỗi ngày và tất cả những ai đi qua trước nhà ông đều có thể đọc thấy…

“Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích”.

Có lẽ đó cũng là khuôn vàng thước ngọc mà Giáo Hội muốn ngỏ với mọi người chúng ta trong những ngày tháng cuối cùng của năm Phụng Vụ này. Mỗi năm qua đi: đó là hình bóng của đời người và lịch sử của thế giới này.

“Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích”. Người lực sĩ nghĩ đến phần thưởng đang chờ đợi mình. Người học sinh nghĩ đến ngày đỗ đạt thành tài… Ðiểm đến thúc đẩy con người hăng say làm việc.

Thời Noe, mọi người ăn uống, vui chơi và cười nhạo khi ông cho đóng tàu để phòng nạn Hồng Thủy. Ðối với họ, chuẩn bị để đương đầu với tai nạn, chuẩn bị để làm một cuộc hành trình dài là một chuyện viển vông, là điều ngu xuẩn…

Hãy vui hưởng cuộc sống, hãy sống như thể con người sẽ không bao giờ chết: đó là thái độ của nhiều người trong chúng ta. Sống như thế là sống không định hướng, sống như thế là sống không mục đích. Thánh Phaolô đã gọi những người đó là những người chỉ biết thờ cái bụng của mình…

Cái chết là cửa để bước vào cuộc sống mai hậu. Và cuộc sống mai hậu ấy tùy thuộc vào những tích chứa, những xây dựng của chúng ta trong cuộc sống tại thế này. Nếu trong cuộc sống này, chúng ta hướng tất cả mọi hoạt động của chúng ta vào cùng đích ấy, nếu chúng ta hành động, suy nghĩ như thể chúng ta sẽ ra đi tức khắc, thì chắc chắn khi bước qua ngưỡng cửa ấy, chúng ta sẽ không ngỡ ngàng, thất vọng…

Nhưng dĩ nhiên, không phải từ sức mình, chúng ta có thể xây dựng cho mình tương lai vĩnh cửu ấy. Sự sống trường sinh là ân ban nhưng không của Chúa. Thiên Chúa chỉ chờ đợi nơi chúng ta sự ưng thuận và đáp trả tích cực mà thôi… Ước gì từng suy nghĩ, từng hành động, từng gặp gỡ, từng hơi thở của chúng ta đều là một đáp trả tích cực của chúng ta đối với lời mời gọi vào sự sống bất diệt của Chúa. Ước gì trong tất cả mọi sự, sự khôn ngoan hướng dẫn chúng ta chính là cõi phúc trường sinh mà Chúa đã hứa ban cho chúng ta. Ước gì trong từng bước lữ hành về cõi phúc ấy, chúng ta có thể nếm được niềm vui và hạnh phúc đích thực ngay trong cuộc sống này…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư – Tuần 33 – TN1

Bài đọc: II Mac 7:1, 20-31; Lk 19:11-28.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúng ta phải trả lại cho Thiên Chúa cả vốn lẫn lời.

Những ngày cuối năm là thời gian tính sổ sách của các xí nghiệp, công ty, trường học … để xem lời lỗ thế nào, điều gì mạnh và sinh lời cần phát triển thêm nữa, điều gì yếu và lỗ lã cần phải bỏ đi. Đây cũng là thời gian để mỗi người chúng ta tính sổ với Thiên Chúa, để xem năm vừa qua chúng ta đã làm lợi hay gây thiệt hại cho Nước Chúa: điều gì lợi chúng ta sẽ tìm cách phát triển thêm, điều gì hại chúng ta phải chấm dứt ngay.

Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta những mẫu gương tốt cũng như xấu của con người trong việc họ dùng các quà tặng Thiên Chúa ban. Trong Bài Đọc I, bà mẹ anh hùng đã can đảm khuyên nhủ và chứng kiến bảy đứa con của mình hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa; trong khi vua Antiochus đã lạm dụng uy quyền Chúa ban để sát hại các tín hữu của Ngài. Trong Phúc Âm, ông chủ, sau một thời gian vắng bóng, gọi các đầy tớ đến để tính sổ với ông về những món tiền mà ông đã trao cho họ để đầu tư sinh lời cho ông.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ.

1.1/ Bà mẹ đạo đức và 7 đứa con anh hùng: Có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ. Vua Antiochus cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Moses cấm.

(1) Lời khuyên của bà mẹ: Phúc đức tại mẫu, con cái biết kính sợ Thiên Chúa là do sự dạy dỗ và khuyên bảo của các người mẹ. Bà mẹ của bảy anh em nhà Maccabees chứng tỏ một niềm tin chắc chắn và một niềm trông cậy vững vàng vào Thiên Chúa khi Bà khuyên các con: “Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình.”

(2) Chí khí can trường của người con út: Sau khi đã chứng kiến những cái chết đau thương của các người anh, nghe những lời dụ khị phóng thích và ban chức tước vinh quang của vua Antiochus, và nghe những lời khuyên khôn ngoan của mẹ; người con út nói lớn tiếng: “Các người còn chờ đợi gì nữa, tôi chẳng nghe theo lệnh vua đâu, nhưng tôi chỉ vâng theo lệnh của Lề Luật Thiên Chúa đã ban cho cha ông chúng tôi qua ông Moses. Còn vua đã bày ra đủ thứ trò độc ác để hại người Do-thái; vua sẽ chẳng thoát khỏi bàn tay Thiên Chúa.”

1.2/ Kế hoạch bắt đạo của vua Antiochus: Ngược lại với niềm tin của bà mẹ và bảy anh em nhà Maccabees, vua Antiochus ngông cuồng tin ông có quyền trên sự sống con người, và nghĩ ông có thể thay đổi niềm tin của con người vào Thiên Chúa qua việc đe dọa, tra tấn bằng những cực hình dã man, khen thưởng, ban chức tước, và giết chết; nhưng ông đã thất bại, vì họ không những đã chọn trung thành với Thiên Chúa, mà còn cảnh cáo ông về bản án đã dành sẵn cho ông ở đời sau.

2/ Phúc Âm: Ngày Chúa Phán Xét

Dụ ngôn này cũng giống như trình thuật của (Mt 25:14-30). Điểm khác biệt giữa 2 trình thuật là Lucas cho biết lý do tại sao nhà quí tộc trẩy đi phương xa: để “lãnh nhận vương quyền;” và thái độ của dân chúng: “Nhưng đồng bào ông ghét ông, nên họ cử một phái đoàn đến sau ông để nói rằng: “Chúng tôi không muốn ông này làm vua chúng tôi.”” Sự kiện lịch sử của dụ ngôn này là sau khi vua Herôđê Cả chết, ông chia vương quốc thành 3 miền cho 3 con: Antipas, miền Galilê; Philip, miền Jordan; và Archelaus, miền Judah. Quyết định này phải được phê chuẩn bởi hoàng-đế Augustus bên Rôma. Khi Archelaus rời bỏ Judah đi Rôma để thuyết phục Hoàng-đế, người Do-Thái cũng gởi một phái đoàn gồm 50 người đến Rôma để nói lên nguyện vọng: “Họ không muốn Archelaus cai trị họ.” Hậu quả là hoàng-đế Augustus phê chuẩn Archelaus làm vua cai trị Judah. Khán giả của Chúa Giêsu biết rõ sự kiện lịch sử này.

Dụ ngôn muốn làm sáng tỏ 3 điều:

(1) Thiên Chúa tin tưởng con người: Ngài không ấn định mức phải sinh lời; nhưng Ngài để con người tùy khả năng và sáng kiến để làm việc sinh lời. Ngài cũng không ở gần bên để xem xét, chỉ trích; nhưng trẩy đi phương xa để con người hòan tòan tự do để quyết định và làm việc.

(2) Thiên Chúa đòi con người phải tính sổ với Ngài: Tài sản được ban để sinh lời, không phải để hoang phí. Điều quan trọng hơn là để con người chứng tỏ niềm tin và tình yêu của mình cho Thiên Chúa: Người thứ nhất đến trình: “Thưa ngài, nén bạc của ngài đã sinh lợi được mười nén.” Ông bảo người ấy: “Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi! Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, thì hãy cầm quyền cai trị mười thành.” Người thứ hai đến trình: “Thưa ngài, nén bạc của ngài đã làm lợi được năm nén.” Ông cũng bảo người ấy: “Anh cũng vậy, anh hãy cai trị năm thành.”

Người thứ ba đến trình: “Thưa ngài, nén bạc của ngài đây, tôi đã bọc khăn giữ kỹ. Tôi sợ ngài, vì ngài là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo.” Ông nói: “Hỡi đầy tớ tồi tệ! Tôi cứ lời miệng anh mà xử anh. Anh đã biết tôi là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo. Thế sao anh không gửi bạc của tôi vào ngân hàng? Có vậy, khi tôi đến, tôi mới rút ra được cả vốn lẫn lời chứ!” Rồi ông bảo những người đứng đó: “Lấy lại nén bạc nó giữ mà đưa cho người đã có mười nén.” Họ thưa ông: “Thưa ngài, anh ấy có mười nén rồi!” “Tôi nói cho các anh hay: phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi.”

(3) Phần thưởng và hình phạt: Hậu quả thu được chứng tỏ khả năng của mỗi người với Thiên Chúa. Nếu ai chứng tỏ mình xứng đáng với niềm tin của Thiên Chúa như người thứ nhất và thứ hai, Ngài sẽ tin tưởng và trao cho những trách nhiệm nặng nề hơn; vì Ngài biết họ có thể hoàn thành trách nhiệm. Còn ai không chứng tỏ mình xứng đáng với niềm tin của Thiên Chúa, lại còn tìm cách biện minh cho sự lười biếng của mình bằng cách đổ tội cho Thiên Chúa như người thứ ba, làm sao Thiên Chúa có thể tin tưởng mà trao cho sứ vụ khác? Hậu quả là Ngài sẽ lấy lại hết tất cả những gì anh có mà trao cho những người biết sinh lợi cho Ngài. Kinh nghiệm cuộc sống là một bằng chứng cho lời Chúa nói: Nếu con người không chịu chăm chỉ thực hành những tài năng đã có, chúng sẽ dần dần mất đi; nhưng nếu con người biết “văn ôn võ luyện,” tài năng càng ngày càng phát triển và đem lại nhiều lợi ích cho con người.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Thiên Chúa dựng nên con người và mọi sự trong trời đất. Ngài trao cho con người để thay Ngài điều khiển vũ trụ. Con người không phải là chủ, họ chỉ là người quản lý, và sẽ phải tính sổ với Thiên Chúa trong Ngày Phán Xét.

– Chúng ta cần biết lý do tại sao Thiên Chúa cho chúng ta sống trên đời này: để chúng ta chứng tỏ niềm tin và tình yêu của chúng ta dành cho Ngài qua những gì chúng ta làm cho mình và cho tha nhân. Chắc chắn chúng ta sẽ phải tính sổ với Ngài trong Ngày Phán Xét.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************