Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Tư Tuần XX Mùa Thường Niên Năm lẻ
BÀI ĐỌC I: Tl 9, 6-15
“Đang khi Chúa ngự trị giữa chúng tôi, các ngươi đã nói: ‘Xin cho một vua cai trị chúng tôi'”.
Trích sách Thủ Lãnh.
Khi ấy, mọi người Sikem và tất cả các gia tộc thành Mêllô tụ họp lại, rồi kéo nhau đến gần cây sồi ở Sikem, và tôn Abimêlech lên làm vua.
Khi ông Giotham nghe tin ấy, liền đi lên đứng trên đỉnh núi Garizim, lớn tiếng kêu lên rằng: “Hỡi người Sikem, hãy nghe ta, để Thiên Chúa cũng nghe các ngươi. Các cây cối đều đến xức dầu phong một vị vua cai trị chúng, và nói cùng cây ôliu rằng: ‘Hãy đi cai trị chúng tôi’. Cây ôliu đáp lại rằng: ‘Chớ thì ta có thể bỏ việc sản xuất dầu mà các thần minh và loài người quen dùng, để được lên chức cai trị cây cối sao?’ Các cây cối nói cùng cây vả rằng: ‘Hãy đến cầm quyền cai trị chúng tôi’. Cây vả trả lời rằng: ‘Chớ thì ta có thể bỏ sự ngọt ngào của ta, bỏ hoa trái ngon lành của ta, để được lên chức cai trị các cây cối khác sao?’ Các cây cối nói với cây nho rằng: ‘Hãy đến cai trị chúng tôi’. Cây nho đáp rằng: ‘Chớ thì ta có thể bỏ việc cung cấp rượu, là thứ làm cho Thiên Chúa và loài người được vui mừng, để được lên chức cai trị các cây cối khác sao?’ Tất cả những cây cối nói với bụi gai rằng: ‘Hãy đến cai trị chúng tôi’. Bụi gai trả lời rằng: ‘Nếu các ngươi thật lòng đặt ta làm vua các ngươi, thì các ngươi hãy đến nghỉ dưới bóng ta. Nhưng nếu các ngươi không muốn thì sẽ có lửa từ bụi gai phát ra thiêu huỷ các cây hương nam núi Liban'”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 20, 2-3. 4-5. 6-7
Đáp: Lạy Chúa, do quyền năng Chúa mà vua vui mừng (c. 2a).
Xướng:
1) Lạy Chúa, do quyền năng Chúa mà vua vui mừng; do ơn Chúa phù trợ, vua xiết bao hân hoan! Chúa đã ban cho sự lòng vua ao ước, và điều môi miệng vua xin, Chúa chẳng chối từ.- Đáp.
2) Chúa đã tiên liệu cho vua được phước lộc may mắn, đã đội triều thiên vàng ròng trên đầu vua. Nhờ Chúa giúp mà vua được vinh quang cao cả, Chúa khoác lên người vua, oai nghiêm với huy hoàng. – Đáp.
3) Vua xin Chúa cho sống lâu, thì Chúa đã ban cho một chuỗi ngày dài tới muôn muôn thuở. Chúa đã khiến vua nên mục tiêu chúc phúc tới muôn đời, Chúa đã cho vua được hân hoan mừng rỡ trước thiên nhan. – Đáp.
ALLELUIA: Tv 118, 135
Alleluia, alleluia! – Xin Chúa tỏ cho tôi tớ Chúa thấy long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của Chúa. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 20, 1-16a
“Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Nước Trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông.
“Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: ‘Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng’. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.
“Đến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: ‘Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?’ Họ thưa rằng: ‘Vì không có ai thuê chúng tôi’. Ông bảo họ rằng: ‘Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta’.
“Đến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: ‘Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết’. Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng. Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn; nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Đang khi lãnh tiền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: ‘Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao?’ Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: ‘Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao? Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?’
“Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
18/08/2021 – THỨ TƯ TUẦN 20 TN
Mt 20,1-16a
VÌ MỘT NỀN KINH TẾ CHIA SẺ
Khoảng giờ thứ mười một ông chủ trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?” Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi.” (Mt 20,6-7)
Suy niệm: Trong thời đại toàn cầu hoá hiện nay, các sản phẩm càng ngày càng đòi hỏi chất lượng cao với kỹ thuật tinh vi hiện đại. Vì thế, muốn có việc làm lương cao, phải có trình độ chuyên môn cao. Muốn thế thì phải học hành cao mới đáp ứng nổi yêu cầu. Thế nhưng chi phí cho việc học lại vượt quá khả năng của những người nghèo cơm ăn bữa no bữa đói. Thế nên, người nghèo bị bó chặt trong cái vòng luẩn quẩn của kiếp nghèo, bị loại ra bên lề cuộc chơi “chất lượng cao”, giống như những người thợ vườn nho đành đứng ngoài ngáp ruồi “vì không ai mướn chúng tôi.” Lời Chúa thúc bách chúng ta nghĩ đến một toàn cầu hoá không-loại-trừ thay vì một toàn cầu hoá “hoang dã,” một nền kinh tế chia sẻ thay vì một nền kinh tế tiêu thụ ích kỷ.
Mời Bạn: Bác ái trong thời đại toàn cầu hoá đòi hỏi bạn bước ra khỏi “căn nhà” tiện nghi, và an toàn của mình để tìm gặp những người đang bị gạt ra bên lề đó, không chỉ để bố thí cho họ một chút cơm thừa, mà là tìm cách tốt nhất chia sẻ với họ cả những điều kiện, những cơ hội để thăng tiến cuộc sống.
Chia sẻ: Có nhiều trường hợp đòi hỏi sự chia sẻ “tổng lực” của cả cộng đoàn. Nhóm của bạn điểm ra những trường hợp như thế và lên kế hoạch chia sẻ.
Sống Lời Chúa: Luôn luôn sẵn sàng và quảng đại hợp tác với những chương trình chia sẻ trong cộng đoàn của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, vì Chúa đã mặc lấy thân phận người nghèo ở giữa chúng con, chúng con không được phép làm ngơ trước những anh em nghèo đói chung quanh chúng con.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm
Sau khi anh thanh niên giàu có từ chối lời mời của Đức Giê-su,
ông Phêrô đã đại diện anh em hỏi Thầy:
“Chúng con đã bỏ mọi sự và theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì ?”
Thầy Giêsu đã đáp lại bằng một câu trả lời khá dài.
Họ sẽ được xét xử các chi tộc Ít raen, được gấp trăm về mọi sự,
và nhất là được hưởng sự sống đời đời (Mt 19, 27-30).
Như thế ở đây Nước Trời được coi như một phần thưởng,
một sự trả công Chúa dành cho những ai dám từ bỏ hy sinh.
Các môn đệ cho đi, và rồi họ sẽ được lại.
Bài Tin Mừng hôm nay nằm ngay sau câu chuyện trên.
Dưới một góc độ nào đó thì cả hai có nội dung rất khác nhau,
nhưng bổ túc cho nhau, để ta có một cái nhìn quân bình về Thiên Chúa.
Thiên Chúa không phải chỉ là Đấng công bằng,
thưởng công cho những gì chúng ta đã vất vả cố gắng.
Người còn là Đấng quảng đại, tốt lành và giàu lòng xót thương.
Dụ ngôn về “người thợ giờ thứ mười một” cho thấy điều đó.
Thật ra phải gọi dụ ngôn này là dụ ngôn về “Ong chủ độ lượng”.
Trong thế giới thời Đức Gíê-su, người ta mướn thợ buổi sáng
và trả công cho thợ buổi chiều theo lề luật (Lv 19,13; Đnl 24, 14-15).
Lương công nhật là một quan tiền (denarius),
tiền này tạm đủ để nuôi gia đình ở mức căn bản.
Dụ ngôn hôm nay có nhiều nét khác thường mà không có lời giải thích.
Ong chủ vườn nho tự mình ra chợ mướn người, thay vì viên quản lý.
Những người thợ đứng suốt ngày ngoài chợ (c.6)
lại không được ông chủ thấy và mướn từ đầu, dù ông ra chợ nhiều lần.
Chỉ nhóm thợ đầu tiên mới được thuê với tiền công rõ ràng,
còn ba nhóm sau chỉ được hứa sẽ trả “hợp lẽ công bằng” (c.4).
Cuối cùng ba nhóm giữa bị bỏ rơi, để chỉ tập trung vào nhóm đầu và cuối.
Dụ ngôn này trở nên hết sức khác thường
với việc ông chủ ra lệnh trả công cho người làm cuối trước.
Những người thợ giờ thứ mười một (5 giờ chiều)
cả ngày làm có một tiếng, được trả một quan tiền.
Điều này hẳn tạo ra niềm hy vọng cho những ai đã làm từ sáng sớm,
“đã làm việc nặng nhọc cả ngày, lại bị nắng nôi thiêu đốt” (c.12).
Nhưng rốt cuộc những người thợ đầu tiên cũng chỉ được một quan tiền.
Chúng ta cần phải đứng trong hoàn cảnh của họ
để xem họ sẽ sửng sốt, thất vọng, buồn bực, tức giận và cằn nhằn ra sao.
Có lẽ chúng ta cũng phản ứng tương tự khi gặp chuyện như vậy.
Phản ứng này cũng là phản ứng giận dữ của người anh cả
khi biết cha mình đã tiếp đón linh đình sự trở về của đứa con hư hỏng.
Đối với những người thợ, đây rõ ràng là một sự bất công.
Bất công nằm ở chỗ làm nhiều. làm ít, nhận lương như nhau.
Nhưng ông chủ không cho đây là một sự bất công,
vì ông đã trả cho nhóm thợ làm sớm nhất đúng như đã thỏa thuận.
Những câu cuối của dụ ngôn là những câu đẹp nhất,
những câu nói lên bản chất sâu xa của tấm lòng Thiên Chúa.
“Tôi muốn cho người làm cuối này như tôi cho anh” (c. 14).
Tôi muốn cho họ nhiều như tôi đã cho anh, tôi muốn họ bằng anh :
đó là ước muốn, là chọn lựa của Thiên Chúa.
Tình thương của Người phá vỡ sự phân biệt người đầu, người cuối,
người làm nhiều, làm ít, công nhiều, công ít.
“Chẳng lẽ tôi không được phép làm điều tôi muốn
với tài sản của tôi sao?” (c. 15).
Thiên Chúa giàu sang nên có quyền rộng rãi thi ân cho kẻ Người muốn.
Chẳng ai có thể bắt Người phải đối xử công bình theo kiểu con người.
Chẳng ai có quyền hạch hỏi Người vì Người quá sức độ lượng (c.12).
“Hay mắt của anh xấu xa vì tôi tốt lành” (c. 15).
Con mắt xấu xa là con mắt khó chịu vì kẻ khác bằng mình, dù không đáng,
ghen tỵ với may mắn và hạnh phúc bất ngờ của người khác.
Đức Giêsu khẳng định mình là người tốt lành,
đặc biệt trong cách cư xử của Người đối với những tội nhân.
Anh trộm lành trên thập giá cũng là người thợ giờ thứ mười một.
Anh được hưởng những gì mà người khác phải nỗ lực cả đời.
Nói cho cùng, vấn đề không phải là đáng hay không đáng.
Chẳng ai xứng đáng để vào thiên đàng, kể cả các thánh.
Hạnh phúc Nước Trời là một ơn ban
hơn là một sự trả công hay phần thưởng.
Thiên Chúa vượt lên trên sự sòng phẳng có tính mua bán của con người.
Người không phải là nhà buôn, nhưng là người cha tốt lành.
Cha thương cả hai con, cả đứa ở nhà phục vụ lẫn đứa bỏ đi bụi đời.
Thậm chí đứa hư hỏng hay tật nguyền lại được quan tâm hơn.
Ông chủ vườn nho thương cả những người
đứng ngoài chợ suốt ngày mà không được ai mướn.
Có thể vì họ kém khả năng, kém may mắn hơn những người khác chăng?
Người thợ giờ thứ mười một đã làm được gì cho vườn nho của ông chủ?
Chắc chẳng được bao nhiêu.
Nhưng anh ấy đã đứng chờ suốt ngày.
Thế giới này lúc nào cũng có những người thợ giờ thứ mười một,
“những người không được ai mướn” (c.7),
những người cứ đứng chờ vậy thôi, suốt ngày, suốt đời,
những người được nhận trễ, chẳng biết mình sẽ được trả lương ra sao.
chỉ biết phó thác cho lòng tốt của ông chủ.
Những người này khác với những người làm từ sáng,
biết chắc mình sẽ được trả công một quan tiền.
Dụ ngôn không nói đến việc người làm cuối reo lên vì được trả công hậu hỹ.
Nhưng chắc là đã có những tiếng reo.
Thiên đàng đầy ắp những tiếng reo như thế,
kinh ngạc, ngỡ ngàng, thán phục, tri ân…
Chẳng có ai vào thiên đàng mà lại không reo lên
vì thấy những gì gọi là công đức của mình chỉ là chuyện nhỏ,
quá nhỏ để có thể mua được một vé vào thiên đàng.
Người ta cũng sẽ reo lên vì thấy sự có mặt của những người
mà ta tưởng chẳng bao giờ có thể lên thiên đàng được.
Thiên Chúa không chỉ thấy thời gian làm việc trong vườn nho.
Người còn thấy cả thời gian chờ.
Nhiều khi chờ còn mệt hơn làm việc.
Đừng cằn nhằn! hãy vui với niềm vui của Thiên Chúa,
Đấng hạnh phúc khi thấy người ta ngỡ ngàng vì những ơn bất ngờ,
vì lòng tốt của Ngi không sao hiểu được.
Hãy vui với những người được Chúa yêu, bất chấp quá khứ của họ.
Chúng ta không có quyền buồn như người con cả, khi cha đang vui.
Hãy đổi cái nhìn của mình về Thiên Chúa.
Như thế chúng ta cũng sẽ thay đổi cách cư xử với anh em.
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu, con Thiên Chúa,
Chúa đã làm người như chúng con,
Nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người.
Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc
Mà con người lại yếu đuối mong manh.
Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt,
Và giữa ánh sáng,
Cũng có những bóng mờ đe dọa.
Lạy Chúa Giêsu,
Nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến,
Xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu
Chúa đã buồn muốn chết được.
Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây,
Xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá
Chúa đã thốt lên: Sao Cha bỏ con?
Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc.
Xin đồng hành với con, để con không cô đơn.
Xin cho con yêu đời luôn
Dù đời chẳng luôn đáng yêu.
Xin cho con can đảm
Đối diện với những thách đố
Vì biết rằng cuối cùng
Chiến thắng thuộc về người
Có niềm hy vọng lớn hơn. Amen
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
18 THÁNG TÁM
Thiên Chúa Sử Dụng Chúng Ta
Để Xây Dựng Công Cuộc Sáng Tạo Mới
Con người hiện đại chắc chắn ý thức về vai trò của mình. Nhưng “nếu … sự độc lập của các thực tại trần thế có nghĩa là các tạo vật không lệ thuộc Thiên Chúa và con người có thể sử dụng chúng mà không cần qui hướng về Đấng Tạo Hóa thì không một ai nhìn nhận Thiên Chúa lại không thấy rằng lập trường đó hết sức sai lầm. Thực vậy, không có Tạo Hóa, tạo vật đều tiêu tan… Quên mất Thiên Chúa, mọi tạo vật đều trở nên mờ tối” (MV 36).
Chúng ta nhớ lại một bản văn cho phép chúng ta nắm bắt khía cạnh khác của sự phát triển thế giới bởi con người. Công Đồng nói: “Thánh Thần Chúa, Đấng điều khiển những biến chuyển thời gian và canh tân bộ mặt trái đất với sự quan phòng kỳ diệu, đang hiện diện trong cuộc tiến hóa này” (MV 26). Thánh Thần sử dụng chúng ta để xây dựng cuộc sáng tạo mới bằng cách giúp chúng ta vượt qua tội lỗi và những sự dữ khác trong cuộc sống chúng ta. Rồi chúng ta có thể tái tạo bộ mặt trái đất và hoàn thành định mệnh của chúng ta. Nhờ Thánh Thần Chúa để vượt qua sự dữ, điều đó có nghĩa là chọn lựa sự tiến bộ luân lý của con người, chứ không chỉ là những tiến bộ vật chất và thể lý. Khi ấy phẩm giá của con người có thể được bảo vệ. Con người có thể đưa ra một câu trả lời cho những đòi hỏi thiết yếu nhất của một thế giới đích thực có nhân tính. Bằng cách này, Nước Thiên Chúa sẽ dần dần lớn lên trong lịch sử của con người, tìm thấy bản sắc tâm linh của mình và cho con người thấy những dấu hiệu của sự hiện diện của Thiên Chúa.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 18/8
Tl 9, 6-15;Mt 20, 1-16a.
LỜI SUY NIỆM: “Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình.”
Quyền được sống trong Nước Trời là quyền của Thiên Chúa ban cho con người. Chúa không ấn định, nhưng Ngài luôn mời gọi, mời gọi hết thảy mọi người không trừ một ai, Ngài mời gọi để đảm nhận một công việc, và cuối cuộc đời làm người, Ngài sẽ thưởng công theo lượng từ bi của Ngài, không gây thiệt hại cho bất cứ ai. Tất cả chúng ta không thể ganh tị với người khác vì tình thương của Ngài, nhưng phải khiêm nhượng nhận lấy ân huệ mà Ngài đã hứa ban.
Lạy Chúa Giêsu. Chúng con tạ ơn Chúa đang cho chúng con được sống và làm việc trong vườn nho của Chúa. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mình mà Chúa đã giao phó khi chúng con sống với nhau.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
18 Tháng Tám
Ngài Là Sự Bình An Của Chúng Ta
Năm 1899, cuộc xung đột biên giới giữa hai nước Chile và Argentina suýt đưa tới một cuộc chiến tranh khốc liệt… Mùa Phục Sinh năm 1900, quân đội của hai bên đã sẵn sàng giao tranh với nhau.
Trong suốt tuần thánh năm đó, vị tổng giám mục Buenos Aires của Argentina đã đưa ra một lời kêu gọi tha thiết về Hòa Bình. Sứ điệp của ngài đã không mấy chốc được truyền sang Chile. Các giám mục của nước này cũng hưởng ứng nhiệt liệt lời kêu gọi. Giáo hội của hai bên đã làm áp lực để hai chính phủ ngồi vào bàn hội nghị với nhau qua trung gian của vua Edward thứ 7 của Anh quốc.
Không mấy chốc, một hòa ước đã được hai nước ký kết. Ðể nói lên thiện chí xây dựng hòa bình, quân đội Argentina đã gom góp lại một số khí giới và nung lên để rồi đúc thành một tượng Chúa Giêsu. Bức tượng đã được đặt tên là “Ðức Kitô của dãy núi Andes”. Andes là dãy núi nơi đã có cuộc xung đột giữa hai quốc gia. Cánh tay phải của bức tượng được mở rộng để ban phép lành, còn cánh tay trái cầm thánh giá.
Chính phủ Argentina đã quyết định đưa bức tượng lên đỉnh núi ở cao độ gần 4 ngàn thước. Xe lửa di chuyển bức tượng đến chân núi. Sau đó, người ta dùng chính các chiến xa do lừa kéo để đưa bức tượng lên núi. Và cuối cùng, khi đến gần đỉnh núi, chính các quân nhân là những người hoàn thành công tác còn lại.
Sau khi đã dựng bức tượng, người ta viết dưới bệ của bức tượng như sau: “Những ngọn núi này sẽ sụp xuống và biến thành cát bụi nếu nhân dân của Chile và Argentina quên đi lời giao hòa mà họ đã long trọng ký kết dưới chân Ðức Kitô”. Trên mặt khác của chân tượng, người ta cũng đọc thấy câu trích từ thư của thánh Ephesô như sau: “Chính Ngài là sự bình an của chúng ta. Ngài đã làm cho đôi bên bị chia rẽ nên một”.
Giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1990 đã được quyết định trao tặng cho tổng thống Gorbachov của Liên Xô. Cả thế giới đã nhìn nhận vai trò của ông trong việc đạp đổ bức tường ô nhục Bá Linh và các chế độ cộng sản tại Ðông Âu, cũng như góp phần dập tắt cuộc chiến tranh giữa hai khối cộng sản và tư bản.
Hòa bình mà tổng thống Gorbachov góp phần kiến tạo phải chăng không là kết quả của một sự “đạp đổ”: chỉ khi nào những bức tường của kỳ thị, của bách hại, của hận thù, của độc tôn bị đạp đổ thì Hòa Bình mới thực sự chớm nở…
Người La Mã ngày xưa thường nói: Nếu muốn Hòa Bình, hãy chuẩn bị chiến tranh. Còn cuộc chiến nào gay go, khốc liệt cho bằng cuộc chiến để đạp đổ những bức tường của hận thù, của bạo động, của bất khoan dung trong tâm hồn của mỗi người chúng ta. Chúng ta chỉ thực sự có bình an trong tâm hồn và người người mới thực sự có Hòa Bình khi những bức tường ấy được đạp đổ trong chúng ta.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư – Tuần 20 – TN1 – Năm lẻ
Bài đọc: Judg 9:6-15; Mt 20:1-16.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự khác biệt giữa Vua Trời và vua chúa trần gian
Vua chúa trần gian trước khi được lên ngôi hứa hẹn rất nhiều với dân chúng, nhưng một khi đã lên ngôi rồi, họ quên hết những gì đã hứa với dân chúng, hay nếu có thi hành, cũng chẳng được bao nhiêu. Trái lại, Thiên Chúa trung thành giữ tất cả những gì Ngài hứa với con người, cho dẫu con người không trung thành với những gì họ hứa. Hơn nữa, Ngài luôn tìm cách để giúp đỡ những người nghèo khó, tội lỗi, hay yếu kém hơn.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy sự khác biệt giữa Thiên Chúa và các nhà lãnh đạo trần thế. Trong Bài Đọc I, Abimelech trở về quê hương để vận động những người đồng hương tôn mình lên làm vua, vì ông biết họ có khuynh hướng chọn những người đồng hương để có thể nhờ vả sau này. Một khi đã được làm vua, Abimelech quên hết ân nghĩa và thẳng tay trừng trị những người đã tôn ông lên làm vua. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu ví Nước Trời như một gia chủ mướn thợ vào làm vườn nho của mình. Ông thỏa thuận với thợ lương công nhật là một đồng một ngày. Sau đó, ông trở ra và kêu gọi nhiều thợ nữa vào làm vườn nho với những giờ khác nhau. Chiều đến, khi trả công, các người làm việc sớm than trách vì ông trả những người đến làm sau bằng họ. Gia chủ tuyên bố ông đã công bằng trả cho họ những gì ông và họ đã thỏa thuận; họ không có quyền ngăn cản ông thương xót và rộng lượng cho những người làm việc sau.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy nghe tôi đây, thì Thiên Chúa cũng sẽ nghe các người.
1.1/ Lý do dân chúng Shechem tôn Abimelech lên làm vua: Abimelech là con của Thủ Lãnh Gideon với một nàng hầu mà chúng ta đã đọc ngày hôm qua. Gideon có nhiều vợ nên có rất nhiều con, tất cả hơn 70 người. Mẹ của Abimelech sinh ra ở Shechem. Đó là lý do Abimelech trở về quê hương để thuyết phục những người đồng hương tôn ông nên làm vua, với những lời lẽ như sau: “Xin bà con hỏi các thân hào Shechem xem điều nào tốt cho các vị: để cho 70 người, tức là tất cả các con ông Gideon (Jerubbaal) cai trị các vị; hay để một người cai trị các vị mà thôi? Xin các vị nhớ cho tôi là anh em ruột thịt của quí vị.”
Abimelech rất khôn lanh vì biết dân chúng sẽ vì tình đồng hương mà tôn ông nên làm vua với hy vọng sẽ được hưởng những lợi nhuận sau này. Bấy giờ tất cả thân hào Shechem cùng toàn dân Bethmillo họp lại, kéo đến tôn Abimelech lên làm vua, bên cạnh cây sồi trước bia đá ở Shechem. Abimelech dùng tiền thâu được của đồng hương Shechem, thuê du đãng đi giết các anh em cùng cha của mình tại Ophrah, tất cả là 70 người trên cùng một tảng đá; chỉ có Jotham là người con út của Gideon thoát khỏi.
1.2/ Ông Jotham vạch trần nguy hiểm của việc tấn phong này: Khi người ta báo tin ấy cho ông Jotham, ông liền lên đứng trên đỉnh núi Gerizim, cất tiếng gọi và nói với những người kia rằng: “Hỡi các thân hào Shechem! Hãy nghe tôi đây, thì Thiên Chúa cũng sẽ nghe các người.” Sau đó, ông kể cho họ nghe một dụ ngôn về các cây cối đã lên đường đi xức dầu phong một vua cai trị chúng. Dụ ngôn được dùng để chỉ nói lên một điều quan trọng mà thôi. Trong dụ ngôn này, Jotham muốn ám chỉ vị vua đó chính là Abimelech, và cây cối chính là dân chúng ở Shechem. Abimelech được ví như một “bụi gai,” có nghĩa là một người không xứng đáng và không tài đức, chỉ được tôn làm vua sau khi cây cối đã bị tất cả các cây khác từ chối lời mời làm vua. Jotham báo trước tai hại mà người Shechem sẽ phải lãnh nhận từ Abimelech, khi bụi gai nói với các cây cối: “Nếu quả thật các ngươi xức dầu phong ta làm vua cai trị các ngươi, thì hãy tới nương náu dưới bóng ta; bằng không, lửa sẽ bốc ra từ bụi gai và sẽ thiêu rụi các cây bá hương Lebanon!” Sau khi Abimelech lên làm vua, ông đã thẳng tay trừng trị dân thành Shechem và họ cũng toa rập với nhau để chống lại ông.
2/ Phúc Âm: Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn.
2.1/ Dụ ngôn các thợ làm vườn nho: Chúa Giêsu nói: “Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình.”
(1) Lương công nhật là một đồng: Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc.
(2) Thợ vào làm những giờ khác nhau: Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.” Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy.
(3) Lý do tại sao vào làm trễ: Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?” Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi.” Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!” Những người này chỉ làm có một tiếng đồng hồ mà thôi.
2.2/ Cách trả lương của gia chủ: Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.” Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền.
(1) Phản ứng của các thợ làm trước nhất: Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.”
(2) Phản ứng của gia chủ: Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?”
(3) Áp dụng của dụ ngôn: Nhiều nhà chú giải đã áp dụng dụ ngôn này cho:
+ Người Do-thái và Dân Ngoại: Mặc dù người Do-thái được Thiên Chúa chọn trước, nhưng ơn cứu độ được phân phối đồng đều cho cả người Do-thái lẫn Dân Ngoại.
+ Người đạo gốc và tân tòng: Người đạo gốc, cho dù đã theo Chúa lâu năm, cũng được Chúa thưởng đồng đều như người tân tòng mới trở lại đạo, dù chỉ một ngày.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Thiên Chúa luôn trung thành với những gì Ngài hứa. Chúng ta hãy đặt trọn vẹn niềm tin tưởng nơi Ngài. Đừng tin tưởng nơi hàng quyền thế chẳng cứu nổi ai như Abimelech.
– Chúng ta đừng áp dụng tiêu chuẩn trần gian cho Chúa. Hãy để Chúa là Thiên Chúa khi Ngài rộng lượng thi ân cho tất cả mọi người.
– Thiên Chúa luôn công bằng, nhưng cũng rất nhân từ và khoan dung. Chúng ta trông cậy vào lòng nhân từ của Thiên Chúa hơn là đòi hỏi Ngài phải công bằng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************