Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Tư Tuần XVI Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: Gr 1, 1. 4-10
“Ta đặt ngươi làm tiên tri cho các dân tộc”.
Khởi đầu sách Tiên tri Giêrêmia.
Lời của Giêrêmia, con trai của Helcia, thuộc gia tộc tư tế định cư ở Anathoth, thuộc lãnh thổ Bengiamin.
Có lời Chúa phán cùng tôi rằng: “Trước khi tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi ra khỏi lòng mẹ, Ta đã hiến thánh ngươi, Ta đã đặt ngươi làm tiên tri cho các dân tộc”. Và tôi đã thưa lại: “A, a, lạy Chúa là Thiên Chúa, con đâu có biết ăn nói, vì con còn con nít”. Nhưng Chúa phán cùng tôi rằng: “Ngươi đừng nói: Con là con nít, vì ngươi sẽ đi đến với những kẻ Ta sẽ sai ngươi đi; ngươi sẽ nói mọi điều Ta sẽ truyền dạy ngươi nói. Ngươi đừng sợ họ, vì Ta sẽ ở với ngươi để bảo vệ ngươi”. Chúa phán như thế. Và Chúa giơ tay sờ miệng tôi mà nói với tôi rằng: “Đây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi. Đây hôm nay Ta ban quyền cho ngươi trên các dân tộc và trên các vương quốc, để ngươi lật đổ và đập phá, phân tán và tiêu diệt, xây dựng và vun trồng”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 70, 1-2. 3-4a. 5-6ab. 15ab và 17
Đáp: Lạy Chúa, miệng con sẽ kể ra ơn Ngài giúp đỡ (x. c. 15).
Xướng:
1) Lạy Chúa, con tìm đến nương nhờ Ngài, xin đừng để con tủi hổ muôn đời. Theo đức công minh Chúa, xin cứu nguy và giải thoát con, xin ghé tai về bên con và giải cứu. – Đáp.
2) Xin trở nên thạch động để con dung thân, và chiến lũy vững bền hầu cứu độ con: vì Chúa là Đá tảng, là chiến lũy của con. Lạy Chúa con, xin cứu con khỏi tay đứa ác. – Đáp.
3) Bởi Ngài là Đấng con mong đợi, thân lạy Chúa; lạy Chúa, Ngài là hy vọng của con tự hồi thanh xuân. Ngay từ trong bụng mẹ, con đã nép mình vào Chúa; từ trong thai mẫu, Chúa là Đấng bảo vệ con. – Đáp.
4) Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh, và suốt ngày kể ra ơn Ngài giúp đỡ. Lạy Chúa, Chúa đã dạy con từ hồi niên thiếu, và tới bây giờ con còn kể những sự lạ của Ngài. – Đáp.
ALLELUIA: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! – Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 13, 1-9
“Nó sinh hoa kết quả gấp trăm”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Ngày ấy, Chúa Giêsu ra khỏi nhà và đi đến ngồi ở ven bờ biển. Dân chúng tụ tập quanh Người đông đảo đến nỗi Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Và Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói:
“Này đây, có người gieo giống đi gieo lúa. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất. Có hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều đất. Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên nó khô héo. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt. Có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả, có hạt được một trăm, có hạt được sáu mươi, hạt ba mươi. Ai có tai để nghe, thì hãy nghe”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
20/07/2022 – THỨ TƯ TUẦN 16 TN
Th. A-pô-li-na-rê, giám mục, tử đạo
Mt 13,1-9
HÀO PHÓNG VÀ KIÊN NHẪN
“Hạt rơi trên đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. Ai có tai thì nghe.” (Mt 13,8-9)
Suy niệm: Hạt giống là Lời Thiên Chúa, mà Ngài là người gieo giống lại hào phóng gieo chúng vào vệ đường, nơi đá sỏi, bụi gai, chứ không chỉ nhắm vào vùng đất màu mỡ mà thôi! Một công việc thật nhiều rủi ro, nhưng trong chương trình của Thiên Chúa, Ngài không coi đó là việc phung phí, vô nghĩa, vô ích. Có những hạt giống đức tin phải nằm chờ 10, 20, 30 năm sau mới nẩy mầm sinh trái… Kinh nghiệm truyền giáo cho chúng ta biết được điều này.
Mời Bạn: Làm việc gì chúng ta cũng muốn “thu vào tối đa, chi ra tối thiểu”, mà lại phải có kết quả ngay. Thế mà việc gì cũng có thời gian của nó: một vụ lúa chí ít cũng mất ba tháng; mùa lúa đức tin cũng thế: hôm nay bạn gieo hạt, nhưng mùa thu hoạch có khi lại là đời cháu nội, cháu ngoại của bạn. Hào phóng và kiên nhẫn là nét đẹp mà bạn có thể thấy nơi Chúa Giê-su, nhà truyền giáo vĩ đại.
Chia sẻ: Việc của bạn và tôi hôm nay là làm cho hạt giống đức tin nơi mình trổ sinh thật nhiều bông hạt, để vừa bù vào những hạt chết ngạt nơi bụi gai, vệ đường… vừa kích thích cho những mầm hạt mới nhú có cơ may sinh trưởng (TĐ Phát triển các dân tộc). Bạn cụ thể hoá lời đó cách nào trong cuộc sống của bạn?
Sống Lời Chúa: Quan sát khu vực bạn sống có ai lơ là, bỏ đạo, lương dân có thiện chí… bạn tìm cách tiếp cận đưa họ về với Chúa và Hội Thánh (hy sinh, cầu nguyện, làm gương sáng, nói về Chúa…).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con chuyên cần lắng nghe lời Chúa và hăng hái rao truyền để làm cho người khác nhận biết Chúa là Đấng Cứu Độ.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Cầu Nguyện
Nơi bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu kể dụ ngôn người gieo giống.
Trước hết Ngài kể dụ ngôn này cho dân chúng và môn đệ (Mt 13,3-8).
Sau đó Ngài giải thích riêng cho môn đệ về ý nghĩa của dụ ngôn này
khi họ đến gần Ngài (Mt 13,18-23).
Dụ ngôn Ngài kể rất gần gũi với cuộc sống của người đương thời.
Câu chuyện về một người gieo hạt giống ở những loại đất khác nhau,
nên chúng cũng mang lại những hiệu quả khác nhau.
Có những hạt rơi trên vệ đường, đất cứng nên hạt nằm chơ vơ ở trên.
Chúng dễ dàng làm mồi cho lũ chim trời đến ăn mất.
Có những hạt rơi trên sỏi đá, chỉ có một lớp đất mỏng ở trên.
Chúng mọc ngay, nhưng không sao bén rễ sâu được.
Lớp đá sỏi khiến rễ không hút đủ nước để nuôi cây.
Khi nắng nóng nổi lên, cây lúa bị cháy rụi và chết khô.
Có những hạt rơi trên bụi gai.
Cây lúa mọc lên, nhưng bụi gai lại mọc lên mạnh hơn lúa,
lấn át và làm cây lúa không lớn lên được và bị chết nghẹt.
Cả ba trường hợp trên đều cho thấy sự thất bại.
Các hạt giống rốt cuộc chẳng đem lại được gì.
May mắn thay có những hạt rơi vào đất tốt.
Đất không quá cứng, không sỏi đá, không bụi gai.
Những hạt này đã đem lại mùa bội thu vượt quá lòng mong đợi.
Một hạt thành gấp trăm, gấp sáu mươi hay gấp ba mươi.
Dụ ngôn Đức Giêsu kể cho đám đông dân chúng chỉ có thế.
Sau đó Ngài giải thích cho các môn đệ để họ hiểu (Mt 13,18-23).
Đức Giêsu chính là người gieo hạt giống.
Hạt giống là lời giáo huấn của Ngài.
Mỗi loại đất tượng trưng cho tâm hồn của một hạng người.
Có loại tâm hồn “vệ đường” cứng cỏi, khép kín, không chịu đón nhận.
Có thể xếp một số người trong nhóm Pharisêu vào loại này.
Họ đã tố cáo Đức Giêsu là liên minh với quỷ (Mt 9,34; 12,24).
Một số người ở các thành vùng Galilê cũng thuộc hạng người này,
vì họ đã không chịu hoán cải khi nghe Đức Giêsu (Mt 11,20-24).
Có loại tâm hồn “sỏi đá” nông nổi nhất thời, không bám rễ sâu trong đất.
Khi nghe lời của Đức Giêsu, họ lập tức đón nhận với niềm vui.
Nhưng khi gặp thử thách, bách hại, thì họ tháo lui và vấp ngã.
Đây là hình ảnh của đám đông chạy theo Đức Giêsu khi Ngài thành công,
Nhưng chẳng ai thấy họ trong những ngày Ngài bị bắt.
Có loại tâm hồn “bụi gai” làm cho lời Đức Giêsu bị bóp nghẹt.
Gai là nỗi lo âu chuyện đời và mê đắm danh vọng của cải.
Anh thanh niên giàu có đã không thể đáp lại lời mời của Đức Giêsu,
không phải vì có nhiều của cải, mà vì gắn bó với của cải quá mức.
Cả ba loại người trên đều nghe lời của Đức Giêsu,
nhưng lời ấy bị thui chột, không sinh được hoa trái nào.
Chỉ ai có tâm hồn “đất tốt” mới thật sự nghe và hiểu, rồi sinh trái.
Là môn đệ của Đức Giêsu, họ đã mở lòng đón nhận hạt giống.
Mùa bội thu lớn lao mà họ đem lại khiến ta có niềm lạc quan vô bờ.
Lời Đức Giêsu tung gieo sẽ thành công mỹ mãn,
bất chấp việc có những hạt giống rơi vào chỗ không phù hợp.
Qua dụ ngôn này, Giáo Hội sơ khai hiểu Đức Giêsu muốn nhắn nhủ gì.
Và đối với chúng ta, bài học của dụ ngôn vẫn không mất đi tính hiện đại.
Lời Chúa đã được gieo vào tim ta lại bị ác thần cướp mất.
Lời Chúa được đón nhận hời hợt và nông cạn nên chẳng biến đổi gì.
Lời Chúa bị bóp nghẹt bởi lo lắng cơm áo gạo tiền, bởi đam mê vật chất.
Làm sao để cải tạo mảnh đất tâm hồn mình?
Làm sao để mảnh đất của mình mềm hơn, ít sỏi đá và gai góc hơn?
Có được tâm hồn như mảnh đất tốt không phải là chuyện tự nhiên.
Cần cộng tác với ơn Chúa để từ từ cải tạo mảnh đất của trái tim (Mt 13,19).
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
sống là tìm kiếm.
Mỗi người chạy theo điều mình đang mải mê kiếm tìm.
Chúng con tự hỏi mình đang tìm kiếm gì, tìm kiếm ai,
đâu là hướng đi, đâu là lý tưởng đời mình.
Chúng con thấy rằng những giá trị của thế gian
chiếm chỗ lớn trong những ước mơ của chúng con.
Tiền bạc , danh vọng, khoái lạc, quyền lực
vẫn là những điều làm chúng con ngây ngất say mê.
Cha vẫn không có chỗ cao nhất trong cuộc đời của chúng con.
Lạy Cha, xin ban cho chúng con ơn hoán cải.
Xin đánh thức chúng con khỏi cơn mê.
Xin làm cho chúng con tỉnh ngộ để nhận ra giá trị đích thực.
Xin dạy chúng con biết kiếm tìm Cha,
Vì chỉ có Cha mới thật sự đong đầy
những ước mơ sâu kín của chúng con,
và cho chúng con được hạnh phúc viên mãn.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
20 THÁNG BẢY
Ước Gì Mọi Miệng Lưỡi Đều Ngợi Khen
Ân Sủng Rạng Ngời Của Ngài
“Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi trao ban chính Con Một của Ngài, để những ai tin vào người Con ấy thì không phải hư nát, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Lời ấy của Đức Giêsu làm nên cốt lõi của giáo thuyết về sự tiền định. Chúng ta nhận ra giáo thuyết này trong giáo huấn của các Tông Đồ, nhất là trong các Thư của Thánh Phao-lô.
Chẳng hạn, chúng ta đọc thấy trong Thư Ê-phê-sô: “Thiên Chúa, Cha của Đức Giê-su Kitô Chúa chúng ta, … đã tuyển chọn chúng ta trong Người, trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Ngài chúng ta trở nên tinh tuyền thánh thiện. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Ngài, Ngài đã tiền định cho chúng ta làm nghĩa tử trong Đức Kitô – để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời mà Ngài ban tặng cho chúng ta trong người Con yêu dấu” (Ep 1,3-6).
Những xác quyết ấy về định mệnh của chúng ta trong Đức Kitô giải thích hùng hồn yếu tính của điều mà chúng ta gọi là “tiền định”. Thật vậy, cần phải làm sáng tỏ ý nghĩa của thuật ngữ này để phòng tránh mọi nguy cơ ngộ nhận khi người ta sử dụng nó – điều khá thường xảy ra. Chẳng hạn, người ta có thể ngộ nhận rằng sự tiền định đồng nghĩa với một số mệnh mù quáng nào đó – hay là “cơn giận” thất thường của một vị chúa hay ghen tị. Trong mạc khải thần linh, từ ngữ “tiền định” có nghĩa là sự chọn lựa đời đời của Thiên Chúa. Sự chọïn lựa đó luôn luôn tích cực, sáng suốt và đầy lòng tư øphụ. Đó là một sự chọn lựa của tình yêu.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 20/7
Thánh Apôllinarê, Giám mục tử đạo
Gr 1, 1. 4-10; Mt 13, 1-9.
LỜI SUY NIỆM: “Giữa một đám đông dân chúng theo Chúa Giêsu để nghe Ngài giảng dạy, Ngài đã dùng dụ ngôn “người gieo giống” Và Ngài kết luận: “Ai có tai thì nghe” (Mt 13,9)
Trong mọi Lời Chúa, luôn có sự đòi hỏi nơi mỗi người phải biết lắng nghe, và phải biết nghe cách nào; để hiểu. Bởi tùy mỗi cách nghe, sẽ cho chúng ta cách sống. Muốn nghe Lời Chúa. Chỉ có một mình Chúa mới giải thích cho chúng ta hiểu được, bởi vì mỗi người đều có một khả năng riêng và từng hoàn cảnh riêng. Nếu chúng ta thật tình yêu mến và tin vào Lời Chúa. Thì Thần Khí của Ngài sẽ tác động trên chúng ta để càng ngày chúng ta càng hiểu biết hơn. Lời Chúa là Lời hằng sống và luôn luôn là điều mới lạ của mỗi chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu. Ước gì mỗi người trong chúng con luôn biết lắng nghe Lời Chúa, với đức tin và sự tuân phục trong tình mến.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
20 Tháng Bảy
Ai Cũng Có Lý
Cách đây không lâu, tại nhà của một quan tòa ở Milano, bên Italia, đã xảy ra một câu chuyện như sau: Có hai người tranh chấp với nhau lâu ngày, cuối cùng đã đưa nhau đến quan tòa của thành phố nhờ phân xử dùm. Người thứ nhất trình bày câu chuyện và tự biện hộ cho mình. Anh vừa dứt lời thì quan tòa dõng dạc tuyên bố: “Anh có lý”. Ðến lượt người thứ hai phân trần, anh cũng đem ra mọi lý lẽ để làm nghiêng cán cân công lý về phía mình. Sau kho nghe anh trình bày dông dài, quan tòa cũng tuyên bố: “Anh có lý”.
Cậu con trai nhỏ của quan tòa theo dõi câu chuyện từ đầu. Nó ngạc nhiên vô cùng: làm thế nào cả hai đều có lý cả? Quan tòa cũng đưa ra phán quyết về nhận xét của con mình như sau: con cũng có lý. Mỗi người chúng ta ai cũng có lý của mình, nhưng có lẽ chúng ta không muốn nhận ra phần có lý của người khác cũng như chính phần lỗi của mình. Và đó chính là đầu mối của mọi bất hòa.
Vô nhân thập toàn, nhưng cũng không có ai là người xấu hoàn toàn. Nếu chúng ta biết khiêm tốn nhận ra những giới hạn của mình và chấp nhận giá trị của người khác, thì có lẽ chúng ta sẽ không bất mãn về người khác cũng như đối với chính mình. Cuộc sống chỉ có thể thở được nếu mỗi người chúng ta biết cư xử bằng sự cảm thông và tha thứ.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư – Tuần 16 – TN2 – Năm Chẵn
Bài đọc: Jer 1:1, 4-10; Mt 13:1-9
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lời Chúa và sứ vụ tiên tri.
Khi suy nghĩ về tiềm năng của một hạt giống, một người sẽ ngạc nhiên vô cùng về tiềm năng của nó. Ví dụ, một hạt giống lúa mì trong điều kiện tốt. Khi nó lớn lên, trổ đòng, và trở thành cây lúa, nó có thể sinh ra hàng trăm hạt khác; từ hàng trăm hạt này có tiềm năng sinh ra cả hàng trăm ngàn hạt khác; và cứ thế tiếp tục cho đến vô tận. Ai là người đã cho một hạt giống lúa mì có tiềm năng vô hạn như thế? Người có niềm tin nơi Thiên Chúa nhận ra chính Ngài đã dựng nên và trao những hạt giống này vào tay con người để họ có bánh ăn mọi ngày trong cuộc sống. Suy tư tương tự như thế có thể áp dụng cho hạt giống Lời Chúa trong lãnh vực tinh thần.
Các bài đọc hôm nay và hai ngày kế tiếp muốn gợi nên những suy tư về hạt giống Lời Chúa, về người gieo hạt, và về bổn phận của con người phải chuẩn bị để hạt giống Lời Chúa sinh hoa kết quả cho con người. Trong bài đọc I, ngôn sứ Jeremiah tường thuật ơn gọi làm ngôn sứ của chính ông. Jeremiah muốn nhấn mạnh Thiên Chúa là Người đã lựa chọn, thánh hóa, và sai ông đi để nói những Lời của Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói với dân một dụ ngôn quan trọng về tiềm năng và sức mạnh của Lời Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: “Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói.”
1.1/ Thiên Chúa chọn và trao cho Jeremiah sứ vụ làm tiên tri của Ngài: Sứ vụ ngôn sứ là do bởi Thiên Chúa, Ngài chọn những người Ngài sẽ sai đi chứ không phải ai muốn là được. Thiên Chúa mặc khải cho Jeremiah biết Ngài đã chọn ông làm ngôn sứ trước khi ông được tạo thành trong bụng mẹ: “Ta đã biết ngươi trước khi ngươi được tạo thành trong lòng mẹ; Ta đã thánh hiến ngươi trước khi ngươi sinh ra; và Ta đã đặt ngươi làm tiên tri cho các dân tộc.”
Bổn phận của ngôn sứ là đi bất cứ nơi nào Chúa sai tới và nói tất cả những gì Chúa truyền cho nói. Khi Jeremiah nói lên sự thiếu khả năng về ăn nói của mình, Thiên Chúa củng cố tinh thần ông và hứa Ngài sẽ luôn ở với ông: “Đừng nói tôi chỉ là cậu bé, vì ngươi sẽ đi tới tất cả những ai Ta sẽ sai ngươi tới, và ngươi sẽ nói tất cả những gì Ta truyền cho ngươi nói. Đừng sợ họ, vì Ta luôn ở với ngươi và bảo vệ ngươi.”
1.2/ Lời của tiên tri nói là Lời Chúa, và sức mạnh của những Lời này: Rồi Đức Chúa giơ tay chạm vào miệng Jeremiah mà phán: “Đây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi. Coi, hôm nay Ta đặt ngươi đứng đầu các dân các nước, để nhổ, để lật, để huỷ, để phá, để xây, để trồng.”
Theo thông lệ của những người Cận Đông và ngay cả thế giới chúng ta, người được sai đi là người đại diện cho chủ nhân. Vì thế, đón tiếp người được sai đi là đón tiếp chính chủ nhân; từ chối người được sai đi là từ chối chính chủ nhân. Những lời của ngôn sứ nói nhân danh Thiên Chúa không còn là của ông, mà là của chính Thiên Chúa, vì ông là sứ giả của Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng theo thông lệ này khi Ngài nói: “Ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Cha Thầy, Đấng đã sai Thầy.”
Lời Chúa không phải là những lời nói chơi, vô bổ, hay không có mục đích. Ngôn sứ Isaiah đã so sánh Lời Chúa “như nước mưa và tuyết, chúng sẽ không trở lên trời sau khi đã thấm nhuần đất đai, làm cho đất được phì nhiêu, cho người có cơm bánh ăn, và cho nhà nông có hạt giống để trồng; cũng vậy Lời Chúa sẽ không trở về với Chúa cho tới khi đạt mục đích Chúa mong muốn” (Isa 55:10-11).
Sức mạnh của Lời Chúa được minh định rõ ràng trong những Lời của Thiên Chúa phán với Jeremiah: “có thể nhổ lên hay kéo xuống, có thể phá hủy hay trục xuất, có thể xây dựng hay vun trồng.” Những lời được phán ra từ miệng các tiên tri sẽ trở thành hiện thực vì đó là Lời của Chúa. Các ngôn sứ nói Jerusalem sẽ xụp đổ, nhà vua và các quan sẽ bị lưu đầy; nhưng Thiên Chúa sẽ cho trở về, Đền Thờ Jerusalem sẽ được tái thiết… Tất cả những điều này đã được ứng nghiệm như lịch sử Cựu Ước đã chứng minh.
2/ Phúc Âm: Tầm quan trọng của Lời Chúa qua dụ ngôn người gieo giống.
2.1/ Các bài giảng bằng dụ ngôn: Trình thuật hôm nay bắt đầu phần bài giảng thứ ba trong năm bài giảng mà thánh Matthew đã xếp đặt những lời giảng của Chúa Giêsu, theo như Ngũ Thư của Cựu Ước. Phần thứ ba này cũng được gọi là “những bài giảng bằng dụ ngôn.”
Vùng Biển Hồ, nhất là vùng Jezreel, Bashan và Gilead, là nơi rất thích hợp cho việc trồng lúa mì; nên chúng ta có thể nói khán giả của Chúa Giêsu, nếu không hành nghề ngư phủ, cũng là những nông dân. Họ không lạ lẫm gì với việc gieo giống và có thể hiểu ngay theo nghĩa đen những gì Chúa Giêsu muốn nói.
2.2/ Mục đích của Chúa Giêsu: Qua dụ ngôn “Người Gieo Giống,” Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến tiềm năng của Lời Chúa và tâm hồn con người nơi mà Lời Chúa được gieo vào.
Như người gieo giống ra đi gieo hạt, không phải hạt giống nào cũng có cơ hội phát triển tối đa tiềm năng của chúng; nhưng chỉ có những hạt giống rơi vào những thửa ruộng đã được cầy bừa cẩn thận, đất tốt và có nước nhiều. Những hạt giống rơi xuống bên vệ đường sẽ không có cơ hội thối rữa đi, vì chim trời đến ăn mất. Những hạt giống rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Hạt rơi trên đất tốt cũng cho những kết quả khác nhau: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục.
Cũng tương tự như vậy cho hạt giống Lời Chúa. Chúa Giêsu hay các ngôn sứ cũng rao giảng Lời Chúa cho mọi người. Lời Chúa tuy có sức mạnh vô hạn: chỉ lối cho kẻ lạc đường, sửa dạy kẻ mê muội, thanh tẩy các tội lỗi con người, giúp tập tành các nhân đức để càng ngày càng trở nên tinh tuyền thánh thiện; nhưng nó sẽ không thể làm những điều này nơi những kẻ cứng lòng không thèm nghe, những người hững lờ lạnh nhạt, những người quá mê mải sự thế gian đến nỗi không còn thời giờ để học hỏi Lời Chúa!
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Lời Chúa đến từ Thiên Chúa và có tiềm năng vô hạn để biến đổi tâm hồn con người. Chúng ta có chịu học hỏi để Lời Chúa biến đổi chúng ta theo kế hoạch của Thiên Chúa?
– Chúng ta đều mang trong mình sứ vụ ngôn sứ của Thiên Chúa khi chịu bí tích Rửa Tội. Chúng ta đã chu toàn sứ vụ của người gieo giống ra đi gieo Lời Chúa cho muôn người?
– Được sai đi để nói những gì Chúa truyền. Chúng ta có nói những gì Chúa truyền hay chỉ nói những gì chúng ta nghĩ? Hay chúng ta chỉ nói những gì làm hài lòng người nghe?
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************