Ngày thứ tư (23-02-2021) – Trang suy niệm

23/02/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Tư Tuần I Mùa Chay Năm lẻ

BÀI ĐỌC I:  Gn 3, 1-10

“Dân thành Ninivê đã bỏ đàng tội lỗi”.

Trích sách Tiên tri Giona. 

Lời Chúa phán cùng Giona rằng: “Hãy chỗi dậy và đi đến Ninivê, một thành phố lớn, và rao giảng cho nó điều Ta sẽ nói cho ngươi”. Giona chỗi dậy và đi đến Ninivê theo lời Chúa dạy. Ninivê là một thành phố lớn, rộng bằng ba ngày đàng. Giona tiến vào thành phố, đi một ngày đàng, rồi rao giảng rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá huỷ”. Dân thành tin tưởng nơi Chúa; họ công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm, từ người lớn đến trẻ nhỏ.

Vua thành Ninivê nghe điều đó, liền bỏ ngai vàng, cởi áo cẩm bào, mặc áo nhặm và ngồi trên đống tro. Trong thành Ninivê, người ta rao sắc lệnh sau đây của nhà vua và các vương hầu: “Người, vật, bò, chiên, không được nếm, không được ăn uống gì hết; người và vật phải mặc áo nhặm, phải kêu to lên cùng Chúa và phải cải thiện đời sống, phải bỏ đàng tội lỗi và những điều bất chính đã phạm. Biết đâu Chúa sẽ đổi ý thứ tha, nguôi giận và chúng ta khỏi chết?” Chúa thấy việc họ làm, vì họ bỏ đời sống xấu xa, Chúa đổi ý định phạt họ, và Người không thực hiện điều đó. Đó là lời Chúa. 

ĐÁP CA:  Tv 50, 3-4. 12-13. 18-19

Đáp: Lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung (c. 19). 

Xướng:

1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác. –  Đáp.   

2) Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con. –  Đáp. 

3) Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sinh lễ, nếu con dâng lễ toàn thiêu, Chúa sẽ không ưng. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát, lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung. –  Đáp.  

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM:  Ga 8, 12b

Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian. Ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”. 

PHÚC ÂM:  Lc 11, 29-32

“Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: “Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Đến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

24/02/2021 – THỨ TƯ TUẦN 1 MC

Lc 11,29-32

TÂM TÌNH SÁM HỐI

“Dân thành Ni-ni-vê sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giô-na giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giô-na nữa.” (Lc 11,32)

Suy niệm: Chúng ta đã bước vào Mùa chay với nghi thức xức tro lên đầu, nói lên tâm tình sám hối của người tín hữu. Nhưng lòng sám hối không chỉ dừng lại ở nghi thức trong ngày thứ Tư Lễ Tro hay trong 40 ngày Mùa Chay; trái lại tâm tình đó phải đi suốt cuộc đời mỗi người chúng ta. Bởi vì tất cả chúng ta đều ý thức rằng thân phận con người vốn mỏng dòn, dễ sa đi ngã lại. Chính nhận thức đó giúp ta dễ sống khiêm nhường hơn, cũng như dễ nghe theo Lời Chúa dạy hơn. Đang khi Giô-na là một ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến kêu gọi dân sám hối, Đức Giê-su đến không chỉ rao giảng lòng thương sót của Thiên Chúa, mà còn có quyền ban ơn tha tội ‘tội con đã được tha rồi’ (Lc 7,48). Một Đấng uy quyền đang ‘ở đây’ lẽ nào chúng ta lại cứng lòng không nghe theo sao!

Mời Bạn: Mùa Chay nhắc nhở chúng ta sống tâm tình sám hối như ý nghĩa của thời gian đặc biệt này. Nhưng thật nguy hiểm nếu sau Mùa Chay, chúng ta lại ‘sống thả giàn’ theo kiểu bù lỗ lại những tháng ngày chay tịnh khắc khổ. Lâu nay bạn có suy nghĩ như vậy không?

Chia sẻ: Chúa mời gọi bạn hoán cải về phương diện nào trong Mùa Chay này?

Sống Lời Chúa: Tôi tham dự các nghi thức phụng vụ với tâm tình sám hối trong Mùa Chay cũng như trong suốt cuộc đời làm con Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa luôn quảng đại và giàu lòng thương xót. Xin cho chúng con đừng lợi dụng lòng tốt của Chúa để ở mãi trong tội lỗi, nhưng cho chúng con luôn sống tâm tình thống hối để làm đẹp lòng Chúa. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Mùa Chay là thời gian tăng cường việc cầu nguyện.
Nhưng vấn đề là cầu nguyện như thế nào theo đúng ý của Đức Giêsu.
Ngài đã cảnh báo về một thứ cầu nguyện có tính phô trương, tìm mình.
Ngài mời ta cầu nguyện một cách kín đáo (Mt 6, 6).
Cầu nguyện là gặp Cha, Đấng ở nơi kín ẩn và Đấng thấy ở nơi kín ẩn.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nhắc chúng ta nhớ rằng
cầu nguyện không phải là dùng những lời kinh như một thứ ma thuật,
để lèo lái hay cưỡng bách Thiên Chúa phải theo ý mình.
Cầu nguyện là mềm mại để uốn mình theo ý Chúa.
Sức mạnh của cầu nguyện không nằm ở chỗ lắm lời,
vì không phải cứ nói nhiều là được ưng nhậm (c. 7).
Cầu nguyện cũng không phải là thông tin cho Ngài biết về tình trạng của ta,
sợ rằng nếu ta không nói thì Ngài không biết (c. 8).
Thật ra, Thiên Chúa đã biết trước nhu cầu của từng người rồi.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần bày tỏ để có tương quan với Thiên Chúa,
thổ lộ với Ngài cách đơn sơ hồn nhiên như con thơ nói với cha.

Qua kinh Lạy Cha, Đức Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện.
Ngài dạy họ gọi Thiên Chúa là Cha, Abba.
Họ được phép gọi như Ngài đã gọi và chia sẻ chức vị làm Con của Ngài.
Một lời cầu nguyện có tính tập thể: “Lạy Cha chúng con.”
Chính vì Cha là Cha của chúng con nên chúng con là anh chị em với nhau.
“Cha ở trên trời”, vì thế Cha lại thấy hết mọi người và ở bên từng người.
Cha thật siêu việt vì Cha ở trên trời cao thẳm;
nhưng Cha lại thật gần gũi,
vì Cha lo cho từng con chim sẻ, từng bông hoa ngoài đồng,
Cha cho mặt trời mọc lên và mưa rơi xuống trên mặt đất.

Ba lời xin đầu tiên của kinh Lạy Cha hướng đến Thiên Chúa Cha.
Hẳn chúng diễn tả tâm tình chủ yếu của Đức Giêsu trong suốt đời.
Bốn lời xin tiếp theo hướng đến nhu cầu của nhóm môn đệ.
Xin bánh mỗi ngày, xin ơn tha thứ, ơn thắng được cám dỗ và sự dữ.

Có khi lời nguyện của chúng ta quá qui về mình, loay hoay với cái tôi,
với những ước mơ tính toán, những âu lo cho nhu cầu vật chất.
Hãy xin Chúa những điều lớn lao cho Nước Chúa trên trần gian,
còn mọi sự khác nho nhỏ, Ngài sẽ ban thêm cho ta.

Cầu nguyện:

Lạy Cha là Đấng Tạo Hóa nhân từ,
xin cho chúng con thấy sự hiện diện của Cha
trong vũ trụ vô cùng lớn,
trong những hạt tử vô cùng nhỏ,
và trong bộ óc vô cùng phức tạp của con người.
Cha từ ái biết bao
khi ban cho chúng con một thế giới đầy mầu sắc.
Mầu xanh cỏ non, mầu hồng trái chín,
mầu vàng mặt trời xế chiều.
Cha từ ái biết bao
khi ban cho chúng con một thế giới đầy âm thanh.
Tiếng suối róc rách, tiếng chim hót véo von,
tiếng gió rì rào qua kẽ lá.
Cha từ ái biết bao
khi ban cho chúng con một thế giới đầy hương thơm.
Hương của đồng lúa mới, của hoa bưởi, hoa cau,
hương thơm của nắng xuân dìu dịu.

Chúng con ca ngợi đôi tay khéo léo của Cha
khi tạo nên sự trong ngần ngời sáng của viên ngọc,
sự lộng lẫy phong phú của muôn loài hoa lan,
sự rực rỡ hài hòa nơi đôi cánh của loài bướm,
và nhất là sự đẹp đẽ cao cả nơi con người.

Dưới lòng đất, trên núi cao,
giữa biển sâu, trong rừng vắng,
chỗ nào chúng con cũng thấy bóng dáng Cha.

Xin cho chúng con
biết chung sống với thiên nhiên này
như một người bạn, một quà tặng Cha ban,
biết giữ gìn ngôi nhà trái đất
để nó khỏi hư hỏng, cạn kiệt,
và biết chia sẻ cho nhau bao tài nguyên còn tiềm ẩn.
Ước gì đến ngày cả trái đất, cả vũ trụ này
và muôn loài Cha đã dựng nên
được cùng với cả nhân loại chúng con
vui hưởng tự do và vinh quang trong Nước Cha. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

24 THÁNG HAI

Chiến Thắng Trên Cám Dỗ

Chúng ta phải có thái độ dứt khoát đối với tội lỗi. Nếu chúng ta không chặt phăng gốc rễ của ích kỷ nơi mình, nó sẽ ngoi lên lại hết lần này đến lần khác. Không dứt khoát một lần đối với căn nguyên ích kỷ nơi mình, chúng ta không thể tiến lên được trên đường lối Thiên Chúa.

Câu chuyện Đức Giêsu bị cám dỗ trong sa mạc là một bài học tuyệt vời cho mỗi người chúng ta. Chúng ta thấy Người quyết liệt nói KHÔNG với trò phỉnh gạt của tham vọng ích kỷ và kiêu căng để hoàn toàn vâng phục tiếng gọi của Thiên Chúa. Bằng cách từ bỏ mọi tham vọng, Người đáp trả trọn vẹn lời Thiên Chúa và đặt mình tùy thuộc thánh ý Thiên Chúa.

Trung thành vâng phục Thánh Kinh xét như là Lời Thiên Chúa, Đức Giêsu đã vượt qua cơn cám dỗ đòi độc lập khỏi Thiên Chúa khi Người nói với tên quỉ cám dỗ rằng: “Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh” (Lc 4, 4). Người đã cự tuyệt cơn cám dỗ tự mình làm phép lạ khi Satan xúi quẩy: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống khỏi đây đi nào” (Lc 4, 9). Người cũng cự tuyệt cơn cám dỗ của tham vọng hão huyền và của sự thèm khát quyền lực khi Satan đề nghị tặng cho Người các vương quốc trần gian: “Tôi sẽ cho ông tất cả quyền lực này” (Lc 4, 6). Đức Giêsu đã chiến thắng ba thứ cám dỗ mà dân It-ra-en đã ngã vào trong khi họ rong ruổi ở sa mạc; và Người đã trao cho chúng ta một mẫu gương để biết phải hành động thế nào khi đối diện với những trò lừa phỉnh ấy.

Mùa Chay là một thời gian đặc biệt quan trọng để lắng nghe Lời Chúa – để đặt mình tuân phục Lời Chúa bằng cách từ bỏ con người cũ của mình. Rồi, chúng ta sẽ được chuyển hóa thành những tạo vật mới, sẽ sống theo thánh ý Thiên Chúa chứ không phải theo ý riêng mình. Học nơi gương mẫu và nơi chiến thắng của Đức Giêsu, chúng ta cũng có thể chiến thắng những cám dỗ và tội lỗi trong cuộc đời mình.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 24/2

Gn 3, 1-10; Lc 11, 29-32.

LỜI SUY NIỆM: Khi dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giêsu bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna. Quả thật, ông Giôna đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.”

          Khởi đầu sứ vụ Chúa Giêsu đã kêu mời dân chúng: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,15). Nhưng đám đông, chỉ đi theo Người với sự tò mò, chứ không chịu lắng nghe giáo huấn của Người để mà sám hối tội lỗi của mình. Nên Chúa Giêsu đã khiêu gợi lại hình ảnh Giôna và dân thành Ninivê, hầu có thể đánh thức họ hoán cải nội tâm để nhận được sự tha thứ và ơn cứu độ của Thiên Chúa.

          Lạy Chúa Giêsu, hoán cải nội tâm là điều cần thiết cho đời sống hiện tai cũng như đời sau. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn biết canh tân tâm hồn mình theo đường lối của Giáo Hội để nhận được mọi ơn lành Chúa ban.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

24 Tháng Hai

Không Khí

Trong kho tàng văn chương Ấn giáo, có ghi lại câu chuyện như sau: Có một đệ tử đến thưa với vị linh đạo của mình: “Thưa thầy, con muốn gặp Chúa”. Vị linh đạo chỉ đáp trả bằng một cái mỉm cười thinh lặng.

Ngày hôm sau, người môn sinh trở lại và bày tỏ cũng một ước muốn. Vị linh đạo vẫn mỉm cười và tiếp tục giữ thinh lặng cố hữu của ông. Một ngày đẹp trời nọ, ông đưa người thanh niên đến một dòng sông. Thầy trò cùng trầm mình xuống nước. Chờ cho người đệ tử cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong dòng nước mát, bất thần vị linh đạo túm lấy anh và dìm xuống nước một hồi lâu. Người thanh niên cố gắng vùng vẫy để trồi lên mặt nước. Lúc bấy giờ vị linh đạo mới hỏi anh: “Khi bị dìm xuống nước như thế, con cảm thấy cần điều gì nhất?”. Không một chút suy nghĩ, người đệ tử đáp: “Thưa, con cần có không khí để thở”.

Lúc bấy giờ vị linh đạo mới dẫn giải: “Con có cảm thấy ước ao gặp gỡ Thiên Chúa như vậy không? Nếu con khao khát như thế, con sẽ gặp được Ngài tức khắc. Ngược lại, nếu con không hề có ước muốn ấy, thì dù con có vận dụng tất cả tài trí và cố gắng, con cũng sẽ không bao giờ gặp được Ngài”.

Chúng ta thánh thiện không phải vì chúng ta đã làm việc thiện. Chúng ta thánh thiện không phải vì chúng ta đã tránh được điều xấu. Chúng ta thánh thiện không phải vì chúng ta đã cầu nguyện. Chúng ta thánh thiện không phải vì chúng ta đã sống tử tế. Chúng ta thánh thiện không phải vì chúng ta can đảm. Chúng ta thánh thiện không phải vì chúng ta cố gắng rèn luyện ý chí. Chúng ta thánh thiện không phải vì chúng ta hy sinh phục vụ…

Sự thánh thiện của chúng ta chính là Thiên Chúa. Chính nhờ tham dự vào sự sống của Ngài mà chúng ta mới có thể làm việc thiện, mới có thể tránh được điều xấu, mới có thể cầu nguyện, mới có thể can đảm, vui tươi…

Cũng như người đệ tử khao khát gặp Chúa, chúng ta hãy xin Ngài ban cho chúng ta được thông dự vào sự sống của Ngài, để nhờ đó chúng ta mới có thể mang lại hoa trái của sự thánh thiện.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư Tuần I MC

Bài đọc: Jon 3:1-10; Lk 11:29-32.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ai cũng có thể ăn năn trở lại.

Mùa Chay là mùa của xám hối ăn năn. Biết bao nhiêu câu truyện của những người sống hoang đàng trở về với Chúa, giúp chúng ta hy vọng vào lòng thương xót của Chúa, và trở về với Ngài. Ví dụ, không ai có cuộc đời ăn chơi trác táng như Augustine, đến nỗi mẹ ông đã phải khóc lóc van xin với thánh Ambrose để xin ngài cầu nguyện và khuyên bảo con mình trở lại. Một cuộc đời cuồng tín, đang trên đường bách hại các tín hữu như Phaolô, sau khi bị ngã ngựa, đã trở thành một người nhiệt thành rao giảng Tin Mừng hơn hết mọi người. Hay sự trở lại của người trộm lành trên Thập Giá: “Lạy Ngài, khi nào về vương quốc của Ngài, xin nhớ đến tôi.” Và Chúa Giêsu hứa với anh: “Ngay hôm nay, anh sẽ được ở cùng ta trên Thiên Đàng.” Những gương trở lại anh hùng này chứng minh cho chúng ta thấy: ai cũng có thể ăn năn trở lại.

Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh sự trở lại của tòan thành Nineveh sau biến cố rao giảng của tiên-tri Jonah. Trong Bài Đọc I, Nineveh là một thành dân ngọai cực kỳ rộng lớn và rất tội lỗi. Tuy không tin và thờ phượng Đức Chúa của Israel, thế mà khi nghe tiên-tri Jonah rao giảng mới một ngày rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Nineveh sẽ bị phá đổ;” cả thành: từ Vua đến dân, từ lòai người đến súc vật, đều ăn chay, nằm trên tro bụi, và ăn năn xám hối. Họ hy vọng Thiên Chúa sẽ xót thương và đình chỉ hình phạt của Ngài trên thành, và xảy ra như thế. Trong Phúc Âm, thánh Luca cho một hình ảnh ngược lại, những người Israel tin tưởng Đức Chúa, mặc dù đã được thấy tỏ tường những việc Ngài làm và lắng nghe những lời Ngài rao giảng, đã cứng lòng không chịu ăn năn trở lại, lại còn thách thức Chúa làm những gì họ muốn trước khi có thể tin vào Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Sự trở lại của dân thành Nineveh

1.1/ Thiên Chúa thương xót và cho dân thành cơ hội trở lại: Nineveh là Baghdad, Iraq, ngày nay. Trong thời của Jonah, đây là thành phố của Dân Ngọai, những người không phải Do-Thái và không tin Thiên Chúa. Không những thế, họ còn là kẻ thù của dân Do-Thái, vì đã mang quân đội phá bình địa Jerusalem, và bắt từ vua tới dân lưu đày qua Babylon. Đây chính là lý do tại sao tiên-tri Jonah bất tuân Thiên Chúa lần nhất không chịu qua Nineveh rao giảng. Tiên tri không thể hiểu nổi tại sao Thiên Chúa lại tỏ lòng thương xót cho một thành Dân Ngọai và là kẻ thù không đội trời chung của Do-Thái. Ông không hiểu Thiên Chúa là Cha của mọi người: Do-Thái cũng như Dân Ngọai. Nếu Ngài là Cha, Ngài phải thương đồng đều tất cả các con: đứa ngoan ngõan cũng như đứa cứng đầu. Ngài đã từng tuyên bố: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn xám hối để được sống” (Eze 33:11).

1.2/ Dân thành Nineveh tin vào Thiên Chúa: Tiên-tri mới chỉ rao giảng có một ngày, kết quả rao giảng được ghi lại như sau:

– Dân Nineveh tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ.

– Tin báo đến cho Vua Nineveh; Vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro.

– Vua cho rao tại Nineveh: “Do sắc chỉ của Đức Vua và các quan đại thần, người và súc vật, bò bê và chiên dê không được nếm bất cứ cái gì, không được ăn cỏ, không được uống nước.

Người và súc vật phải khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa. Mỗi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình. Biết đâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại, chẳng bỏ ý định giáng phạt, và nguôi cơn thịnh nộ, khiến chúng ta khỏi phải chết.”

1.3/ Thiên Chúa không phạt dân thành nữa: “Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa.” Tác giả Sách Jonah không chú trọng đến thần học về các bản tính của Thiên Chúa, nên Bản Bảy Mươi dùng động từ “hối tiếc;” trong khi bản của Do-Thái dùng động từ ở thời thụ động (Niphal): Thiên Chúa động lòng thương và đình chỉ tai họa Ngài định giáng xuống trên họ. Điểm tác giả chú trọng tới là tình thương của Thiên Chúa dành cho tội nhân khi họ biết ăn năn trở lại.

2/ Phúc Âm: Hậu quả phải chịu nếu không biết ăn năn trở lại.

2.1/ Niềm tin không chỉ dựa vào dấu lạ: Người Do-Thái thích dấu lạ, nên họ hay đòi hỏi phải có dấu lạ để bảo đảm niềm tin. Chúa Giêsu không đả phá dấu lạ, vì chính Ngài đã làm rất nhiều phép lạ, nhưng phép lạ chỉ khơi mào niềm tin mà thôi. Niềm tin vững chắc không thể chỉ dựa trên phép lạ, vì rất nhiều người đã chứng kiến phép lạ mà vẫn không tin. Còn đối với những người đã có niềm tin vững mạnh, phép lạ không còn cần thiết nữa. Đó là lý do tại sao Chúa nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Jonah. Quả thật, ông Jonah đã là một dấu lạ cho dân thành Nineveh thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.” Dấu lạ Chúa muốn nói ở đây chính là sự chết và sự phục sinh vinh hiển của Ngài.

2.2/ Niềm tin phải đặt căn bản trên sự khôn ngoan: Con người phải dùng trí khôn suy xét để nhận ra sự thật. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu không chỉ làm phép lạ, nhưng Ngài còn mặc khải và dạy dỗ dân để họ biết suy xét tìm ra sự thật. Rất nhiều lần Ngài đã sữa chữa những niềm tin sai lầm của dân chúng, nhất là của các kinh sư và biệt phái. Con người yêu mến sự thực và sự khôn ngoan, đó là lý do tại sao Nữ Hòang Phương Nam đã không quản ngại đường xa mang biết bao lễ vật đến để học hỏi sự khôn ngoan của Vua Solomon. Thế mà có người khôn ngoan hơn Solomon, Người đã ban khôn ngoan cho Solomon, đang đứng trước mặt họ để dạy dỗ. Họ vẫn khinh thường không chịu lắng nghe Ngài!

2.3/ Đạo trên danh nghĩa không bảo đảm được cứu độ: Tin Chúa là phải làm những gì Ngài dạy dỗ; niềm tin trong trí sẽ không giúp được gì cho con người. Điều trớ trêu trong cuộc đời là những con cái trong nhà như dân tộc Israel, những người được học hỏi nhiều như những người Công Giáo; thế mà khi phải biểu tỏ niềm tin nơi Thiên Chúa, họ còn thua cả những Dân Ngọai. Chúa Giêsu cảnh cáo dân Do-Thái, và chúng ta nữa: “Trong cuộc Phán Xét, dân thành Nineveh sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Jonah rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Jonah nữa.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Ai cũng có thể trở lại và ai cũng cần phải ăn năn trở lại. Chúa cho mọi người cơ hội đồng đều để ăn năn trở lại. Chúng ta cũng phải hy vọng và cầu nguyện cho tha nhân được ăn năn trở lại.

– Chúng ta phải nắm lấy cơ hội để học biết Thiên Chúa và ăn năn trở lại; vì chúng ta không biết cơ hội có tới nữa hay không. Đức tin không thực hành sẽ không mang lợi ích gì cho chúng ta.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************