Ngày thứ tư (23-03-2022) – Trang suy niệm

22/03/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Tư Tuần III Mùa Chay Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Đnl 4, 1. 5-9

“Các ngươi hãy tuân giữ các giới răn và đem thực hành bằng việc làm”.

Trích sách Đệ Nhị Luật.

Môi-sen nói với dân chúng rằng: “Hỡi Israel, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà tôi dạy bảo các ngươi phải thực hành, để được sống và được vào chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa cha ông các ngươi sẽ ban cho các ngươi. Các ngươi nên biết, tôi thừa lệnh Chúa là Thiên Chúa tôi mà truyền dạy cho các ngươi biết lề luật và huấn lệnh của Chúa, để các ngươi thi hành các điều ấy trong phần đất mà các ngươi chiếm hữu; các ngươi phải tuân giữ và thực hành, vì đó là sự khôn ngoan và sáng suốt của các ngươi trước mặt muôn dân, để khi nghe nói đến tất cả các lề luật ấy, họ nói: ‘Thật, dân tộc vĩ đại này là một dân khôn ngoan và sáng suốt’. Không một dân tộc vĩ đại nào được các thần ở bên cạnh mình, như Chúa là Thiên Chúa chúng ta ở bên cạnh chúng ta khi chúng ta kêu cầu Người. Có dân tộc thời danh nào khác có lễ nghi, huấn lệnh công chính, và bộ luật như tôi trình bày trước mặt các ngươi hôm nay không?

“Vậy các ngươi hãy ý tứ và giữ mình. Trong suốt đời các ngươi, đừng quên và đừng để lòng xao lãng những điều các ngươi đã thấy. Hãy dạy cho con cháu các ngươi biết các điều ấy”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 147, 12-13. 15-16. 19-20

Đáp: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa (c. 12a).

Xướng:

1) Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa. Hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion! vì Người giữ chặt các chốt cửa thành ngươi; Người đã chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội. – Đáp.

2) Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo. Người khiến tuyết rơi như thể lông cừu, Người gieo rắc sương đông như tro bụi trắng. – Đáp.

3) Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế, Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người. – Đáp.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Xh 33, 11

Chúa phán: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống”. 

PHÚC ÂM: Mt 5, 17-19

“Ai giữ và dạy người ta giữ, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tưởng Ta đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

23/03/2022 – THỨ TƯ TUẦN 3 MC

Th. Tu-ri-bi-ô Môn-rô-vê-khô, giám mục

Mt 5,17-19

ĐẠI SỰ TỪ NHỮNG VIỆC NHỎ NHOI

Đức Giê-su nói : “Vậy ai bãi bỏ, dù chỉ là một trong những điều luật nhỏ nhất ấy …, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời.” (Mt 5,19)

Suy niệm: Đến Thái Lan, du khách được đón tiếp với những nụ cười ngay từ khi bước xuống máy bay: của viên chức hải quan, của nhân viên phi trường, của hướng dẫn viên du lịch, và sau đó của rất nhiều nhân viên các dịch vụ khác. ‘Nụ cười Thái’ tuy nhỏ nhoi, nhưng đã để lại một ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách nước ngoài, và góp phần tạo nên nền công nghiệp du lịch khổng lồ. Đại sự khởi đầu từ những cái nhỏ nhoi. Đó cũng là bài học mà Đức Giê-su muốn nói với chúng ta hôm nay. Trong Nước Trời của Đức Giê-su, không có gì là nhỏ bé, tầm thường, cũng chẳng có ai là không đáng kể! Công trạng của chúng ta được hình thành từ những việc rất nhỏ nhoi, từ cách quan tâm của mình với những người nhỏ bé.

Mời Bạn: Hình như bao lần bạn mơ ước được đánh giá cao qua những thành công to lớn? Hay thành một giáo dân tốt với những công tác quan trọng? Thánh Tê-rê-xa nhắc bạn: “Cúi xuống lượm một cây kim với lòng yêu mến Chúa đủ sức cứu một linh hồn.” Một ngày sống của bạn có biết bao việc nhỏ như “cúi xuống lượm cây kim”, bạn chỉ cần thêm chút lòng mến Chúa là trọn vẹn.

Sống Lời Chúa: Bắt đầu ngày hôm nay, tôi sẽ thay đổi cách nhìn với những việc nhỏ nhoi, và cách ứng xử với những người nhỏ bé chung quanh mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con sung sướng được sống trong Nước Trời. Xin giúp chúng con biết tôn trọng và yêu mến những anh chị em nhỏ bé, biết nhận ra giá trị to lớn nơi những công việc nhỏ nhoi. Nhờ vậy, chúng con xứng đáng là công dân Nước Trời.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

 Vào thời Tin Mừng Mátthêu được viết, các người Do-thái thuộc Hội Đường
thường chỉ trích các người Do-thái đã tin vào Đức Giêsu Kitô,
coi họ như những người đã bỏ Luật Môsê, bỏ cái cốt lõi của Do-thái giáo.
Đức Giêsu của Mátthêu đã bác bỏ lối hiểu sai này.
“Thầy không đến để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn” (c. 17).
Kiện toàn là đưa Luật Môsê đến chỗ thành tựu, hoàn hảo,
bởi lẽ nó có những hạn chế, bất toàn,
do Thiên Chúa phải nương theo trình độ lúc đó của Dân Ngài.
Kiện toàn là giải thích lại Luật Môsê theo đúng ý Thiên Chúa.
Chẳng ai biết Ý Thiên Chúa Cha bằng Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô.
Hơn ai hết, Đức Giêsu có quyền nói lên ý nghĩa mới mẻ của Lề Luật.

Có một dòng chảy liên tục trong khoa sư phạm của Thiên Chúa.
Ngài huấn luyện Dân Ngài qua Môsê và các ngôn sứ trong lịch sử.
Đỉnh cao nhất là Đức Giêsu, Đấng vén mở trọn vẹn ý định của Thiên Chúa.
Đức Giêsu không phá những công trình đi trước, ngài kiện toàn.
Lời giáo huấn của ngài vừa liên tục với,
vừa vượt qua Giao Ước thứ nhất còn khiếm khuyết.
Vượt qua về chiều rộng,
khi ngài mời ta đi xa hơn chuyện không được giết người,
mà còn không được có hành vi, lời nói giận ghét anh em (Mt 5, 22).
Vượt qua về chiều sâu,
khi ngài đòi ta không được giữ Luật kiểu giả hình bên ngoài,
nhưng phải khởi đi từ trái tim, từ cái tâm bên trong (cc. 27-28),
khi ngài đưa ra những đòi hỏi tận căn trước đây chưa hề có
về việc chẳng những không được trả thù mà còn yêu kẻ thù (cc. 38-48).
Mọi lề luật đều qui về điều răn chính yếu là yêu thương.
Phải yêu như Cha trên trời mới trở thành con cái Cha (c. 45).

 Đức Giêsu mời chúng ta nghiêm túc giữ Luật Môsê đã được ngài kiện toàn.
Luật ấy là lời giáo huấn của ngài mà các môn đệ đã nghe.
Con người thời nay thích tự do nên dị ứng với luật lệ.
Nhưng giữ luật không phải là chuyện của nô lệ hay trẻ con.
Khi tránh được thói nệ luật, cứng nhắc bám vào mặt chữ,
ta có thể giữ luật như cách biểu lộ hồn nhiên tình yêu với Chúa và tha nhân.
Trung tín với những đòi hỏi nhỏ bé của các điều răn chỉ vì yêu,
và “dạy người ta mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 20),
đó là con đường dẫn đến hạnh phúc mai sau cho người môn đệ.

 Lời nguyện:

 Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được tự do thực sự :
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,
tự do trước đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

23 THÁNG BA

Chúng Tôi Rao Giảng Đức Kitô Chịu Đóng Đanh

Mùa Chay, Giáo Hội không chỉ đào sâu luật luân lý của Thập Giới. Cùng với Thánh Phao-lô, Giáo Hội còn rao giảng cho chúng ta “Đức Kitô chịu đóng đanh” trên Núi Can-vê.

Thuở xưa, người Do Thái đòi dấu lạ và người Hy Lạp tìm sự khôn ngoan – như một điều kiện để họ tin vào hành động cứu độ của Thiên Chúa (1Cr 1,22). Con người thời nay cũng có thái độ tương tự như người Do Thái và người Hy Lạp thời các Tông Đồ. Hay nói đúng hơn, đòi hỏi của con người thời nay còn xa hơn thế nữa. Đó đây đôi khi chúng ta gặp phải những chỉ trích và chống đối đối với các huấn lệnh của Thiên Chúa một cách phũ phàng hơn. Dù sao, Giáo Hội vẫn kiên trung với lời tuyên bố của Tông Đồ Phao-lô: “Chúng tôi rao giảng Đức Kitô chịu đóng đanh” (1Cr 1,23).

Nơi Đức Kitô, chúng ta tìm thấy câu trả lời cho mọi sự! Mọi chỉ trích và chống đối nhắm vào các huấn lệnh của Thiên Chúa đều bị hóa giải khi chúng đối diện với một Đức Kitô chịu đóng đanh. Thập giá Can-vê “thì khôn ngoan hơn loài người” và “mạnh mẽ hơn loài người” (1Cr 1,25).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 23/3

Thánh Turibiô Môgrôvêjô, giám mục

Đnl 4, 1. 5-9; Mt 5, 17-19.

LỜI SUY NIỆM: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải bãi bỏ nhưng là để kiện toàn.”

          Luật Môsê và lời các ngôn sứ là toàn bộ của Kinh Thánh Cựu Ước, hướng dẫn con người sống đúng phẩm giá của mình mà Thiên Chúa mong muốn, đồng thời khai mở sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế. Và khi Chúa Giêsu nói điều này cho chúng ta thấy được cần phải sống tích cực hơn nữa với Luật Môsê và Lời các ngôn sứ. Nên Chúa Giêsu đã căn dặn: “Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” Và Người còn nhấn mạnh: “Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời, Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, sẽ được gọi là lớn nhất trong Nước Trời.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn biết lắng nghe Lời Chúa để sống tích cực với Lề Luật của Chúa và Giáo Hội. Giúp chúng con có những bước vững chắc trên đương về Nhà Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 23-03: Thánh TURIBIÔ MONGRÔVEJO

Giám mục (1536 – 1606)

Có những trẻ em như đã biết Chúa làm gì, trong khi những người khác lo tìm kiếm. Những trẻ này biết an ủi và giúp đỡ người khác. Chẳng hạn dân Mayorga nước Tây Ban Nha, ngày kia, được thấy một em bé đến bên một phụ nữ đang giận dữ. Bà này mất một vật mà không mong tìm lại. Đứa trẻ nhã nhặn giải thích cho bà rằng: đừng nên làm như vậy bởi vì điều đó làm phiền lòng Thiên Chúa. Đứa trẻ tốt lành và tế nhị này tên là Turibiô, con thứ của lãnh chúa Mongrôvejô.

Ở trường Valladolid rồi ở Salamanca, Ngài thường nhịn ăn để giúp đỡ người nghèo, Ngài còn muốn thống hối thay cho các tội nhân đến nỗi Ngài bị buộc phải bỏ những hy sinh. Người ta có thể tiên đoán là người sẽ thành một tông đồ bởi Ngài đã biết sống đúng đắn.

Khi đã lớn đủ, cùng với sự khôn ngoan, thông hiểu khá vững chãi, Ngài được vua Philippê II đặt làm chánh án tòa án Granada. Khi địa phận Lima trống ngôi năm 1578, thật ngạc nhiên khi người được chỉ định là một giám mục lại là Turibinô một giáo dân. Nghe tin này, Turibinô khóc ròng, Ngài quì dưới chân thánh giá viết thư cho nhà vua, trong đó Ngài tự diễn tả như một kẻ thù tồi tệ của vua vì những bất xứng của mình. Nhưng các lý lẽ ấy đã không lay chuyển được ai. Ngài thụ phong linh mục rồi giám mục và nhậm địa phận năm 1581.

Địa phận dành cho Turibiô có những khó khăn đến nỗi có thể ngăn chận Ngài lại nếu Ngài không phải là một vị thánh. Địa phận có chu vi là sáu trăm dặm, gồm nhiều thành phố và làng mạc rải rác trên hai dãy núi Andes.

Người Tây Ban Nha khai phá tân thế giới, ức hiếp dân chúng cách man rợ. Muốn cải hóa bằng roi, họ bắt dân làm nô lệ và muốn khai hóa dân thì họ lại chỉ thông cho dân những tật xấu của mình. Nhìn dân da đỏ say sưa liên lỉ, Turibiô không thể cầm được nước mắt Ngài quở trách những người chinh phục vì những lạm dụng cướp bóc của họ và tuyên cáo rằng: những cớ vấp phạm ấy phải dừng lại cho chân lý và tình thương ngự trị.

Vị mục tử đi tìm kiếm mọi con chiên của mình. Sa mạc nóng cháy, núi cao tuyết phủ, thú rừng hung tợn, tất cả đều không làm Ngài nản chí, những người Tây ban Nha quyền thế trở thành phó vương, rồi đến vua Philippe II, do những báo cáo sai lầm đã trách cứ Ngài. Nhưng tất cả những lề luật nghiêm khắc đó đã không làm cho Ngài tháo lui. Ngài biện hộ rằng : Chính Chúa Kitô chứ không phải thế gian sẽ phán xét Ngài.

Turibiô học ngôn ngữ dân Peru, Ngài dạy dỗ dân da đỏ như một người cha nhân từ. Lòng bác ái nhân từ của Ngài đối với họ không có giới hạn. Khi Ngài tới một làng hẻo lánh, dân chúng đổ xô đến với Ngài. Trước hết Ngài thăm hỏi những người đau yếu và không chữa chạy cho họ được, Ngài dạy cho họ biết chết lành. Khi phân phát tình yêu Chúa Kitô, Ngài cũng tái lập sự công bình. Dần dần các thành phố và cả những nơi cô quạnh có người Kitô hữu cư ngụ đông đảo. Thánh Turibiô thiết lập các chủng viện, các viện cứu tế.

Trong hai mươi lăm năm, Ngài đi thăm viếng giáo phận rộng lớn và hoang dã của mình ba lần, mỗi lần phải mất tới bảy năm. Ngài kiên trì ngồi tòa mỗi sáng. Người ta nói rằng: khi cầu nguyện, Ngài tỏa chiếu từ khuôn mặt một tia sáng siêu nhiên. Mệt nhọc đã là một việc sám hối rồi, Ngài còn hy sinh và ăn chay thêm nữa. Khi có ôn dịch trong giáo phận, Ngài tăng gấp đôi lời cầu nguyện hãm mình, Ngài cũng tổ chức nhiều cuộc rước, khi tham dự chính Ngài rơi lệ uớt cả thánh giá cầm trong tay.

Trong khi bất dầu cuộc kinh lý mớí, Ngài đã ngã bệnh tại Santa, Ngài chỉ biết lập lại lời thánh Phaolô : “Tôi ao ước thoát khỏi những ràng buộc của thể xác để kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô”.

Gần chết Ngài xin những người chung quanh hát lời thánh vịnh  : – Tôi vui mừng khi nghe nói cùng tôi : chúng ta đi về nhà Thiên Chúa

Thế là cái chết của Ngài được coi như một thánh lễ. Lời cuối cùng của Ngài là lời chính chúa Kitô  : – Lạy Chúa, con phó thác linh hồn con trong tay Chúa. Ngài tự đi tới thánh đường Santa để lãnh các bí tích cuối cùng và kết hiệp với Thánh Thể, Ngài qua đời năm 1606.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

23 Tháng Ba

Cầu Xin và Cảm Tạ

Một buổi sáng kia, một cô giáo dạy vườn trẻ chưng một bình hoa thủy tiên tuyệt đẹp trên chiếc bàn đặt ở giữa phòng. Khi các em bé nhỏ thơ ngây tung tăng tiến vào phòng học, có một em tròn xoe đôi mắt nhìn ngắm những chiếc hoa màu vàng lợt và em nói với cô giáo: “Có phải Chúa đã làm ra những bông này không, em muốn gọi dây nói để cảm ơn Chúa đã cho chúng ta những cái bông đẹp”.

Nếu đất với trời được nối kết với nhau bằng dây điện thoại, thiết nghĩ Thiên Chúa sẽ phải đặt ra hai đường dây: Một đường dây cho những kẻ cầu xin và một đường dây dành cho những lời cám ơn. Và người ta sẽ thấy một đường điện thoại luôn luôn bận rộn. Trong khi đường dây kia thỉnh thoảng mới được dùng đến như một chuyện ngụ ngôn kia thuật lại như sau:
Hai Thiên thần được sai xuống trần gian, môic vị mang theo một chiếc giỏ. Họ chia tay nhau đểđi khắp hang cùng ngõ hẻm, đến nhà các người giàu có cũng như những kẻ nghèo khổ, thăm các trẻ em cầu nguyện tại tư gia cũng như tất cả nam phụ lão ấu cầu nguyện tại các nhà thờ.

Sau một thời gian, hai Thiên thần gặp nhau đúng thời điểm đã hẹn để trở về trời. Chiếc giỏ của một thiên thần nặng như chì, còn chiếc giỏ của Thiên Thần kia có vẻ nhẹ như đựng toàn bông gòn.

“Ông mang gì mà nặng thế?”, một Thiên Thần hỏi. Thiên Thần mang giỏ nặng trả lời: “Tôi được sai đến để thu nhận tất cả những lời cầu xin của nhân loại. Còn ông, cái giỏ của ông xem ra nhẹ nhàng thế?”.

“À, tôi được sai đến để góp nhặt những lời cám ơn Thiên Chúa vì những ơn lành Ngài luôn ban cho họ”.

Sự thật về hai cái cân nặng nhẹ của những lời cầu xin và những lời cám ơn trên cũng được bài Tin Mừng về 10 người phong hủi được Chúa Giêsu chữa lành bệnh thuật lại như sau: Một trong bọn họ thấy mình được làm sạch, bèn quay trở lại lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người. Mà người ấy lại là người xứ Samaria. Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: “Chớ thì không phải cả 10 người được làm sạch sao? Còn 9 người kia đâu? Sao không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại bang này?”.

Ðể sống trọn lời Chúa, ước gì cuộc sống chúng ta được diễn ra hằng ngày theo lời khuyên sau đây: Hãy chỗi dậy với tâm hồn thư thái và hãy tạ ơn cho một ngày mới mình được yêu thương.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư – Tuần III – MC

Bài đọc: Deut 4:1, 5-9; Mt 5:17-19.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lề Luật của Thiên Chúa bảo vệ đời sống con người.

Con người khó chịu khi phải tuân giữ luật lệ, vì nó ngăn cản không cho con người làm những gì họ muốn làm. Họ coi luật lệ như là một chướng ngại, giới hạn tự do của con người. Nhưng luật lệ tốt lành được làm ra là để bảo vệ con người: chính đương sự, môi trường sống, và những người chung quanh. Lề Luật được ví như hàng rào giữ con người khỏi bước ra ngòai phạm vi giới hạn; vì nếu bất tuân bước ra ngòai, con người sẽ phải lãnh nhận thiệt hại và ngay cả cái chết. Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh những lợi ích của Lề Luật trong cuộc sống con người. Trong Bài Đọc I, Sách Đệ Nhị Luật xác tín Lề Luật là kho tàng khôn ngoan của Thiên Chúa, vì nó giúp con người đạt mọi điều tốt lành và tránh được mọi điều nguy hiểm. Trong Phúc Âm, nhiều người nghĩ Chúa Giêsu đến để bãi bỏ Lề Luật Thiên Chúa ban qua Moses và các ngôn sứ; nhưng Chúa Giêsu tuyên bố: “Ngài đến để kiện tòan Lề Luật.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Phải học biết và thực hành Lề Luật của Thiên Chúa.

1.1/ Lề Luật là kho tàng vô giá vì phát xuất từ Thiên Chúa: Người Do-thái hết sức hãnh diện về Lề Luật, và họ có lý do để làm như thế: vì nó phát xuất từ Thiên Chúa. Có ai hiểu biết sản phẩm hơn người làm ra nó? Thiên Chúa không những tạo dựng nên con người, mà còn tất cả môi trường sống chung quanh con người. Ngài biết con người tưởng nghĩ gì, thích muốn gì, và thích làm gì. Ngài biết điều gì tốt cũng như điều xấu cho con người, con người không biết như vậy nếu không chịu học hỏi. Vì thế, Ngài ban cho con người Lề Luật để con người thi hành để đạt được điều tốt và tránh điều xấu. Còn ai là người khôn ngoan hơn, xứng đáng hơn, để ban hành những Lề Luật này cho con người hơn Thiên Chúa? Đó là lý do Ông Moses hỏi dân: “Có dân tộc vĩ đại nào được những thánh chỉ và quyết định công minh, như tất cả Lề Luật mà hôm nay tôi đưa ra trước mặt anh em?”

1.2/ Thi hành Lề Luật bảo đảm mọi kết quả tốt đẹp cho cuộc sống: Lề Luật Thiên Chúa ban ra là để thi hành, chứ không phải chỉ để đóng khung tôn kính. Ông Moses truyền cho dân: “Hỡi Israel, hãy nghe những thánh chỉ và quyết định tôi dạy cho anh em, để anh em đem ra thực hành. Như vậy anh em sẽ được sống và sẽ được vào chiếm hữu miền đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, ban cho anh em.”

Vi phạm Lề Luật hay không chịu thi hành là sẽ phải chấp nhận mọi thiệt hại và ngay cả cái chết. Ông Moses cũng cảnh cáo dân: “Nhưng anh em hãy ý tứ và cẩn thận giữ mình đừng quên những điều mắt anh em đã thấy, và suốt đời, đừng để cho những điều ấy ra khỏi lòng anh em; trái lại, anh em hãy dạy cho con cháu anh em biết.”

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu đến để kiện tòan Lề Luật.

2.1/ Người Do-thái tưởng Chúa Giêsu đến bãi bỏ Lề Luật: Các cuộc tranh luận của Chúa Giêsu và người Do-thái thường xoay quanh các vấn đề của Lề Luật: thanh tẩy, giữ ngày Sabbath, ăn chay, cầu nguyện, và làm các việc lành phúc đức. Nhiều người trong họ nghĩ Chúa Giêsu đến để bãi bỏ Lề Luật và dạy dân chúng khinh thường Lề Luật. Tuy nhiên, trong tất cả trường hợp, Chúa Giêsu muốn giúp họ sửa sai những quan niệm và áp dụng của họ về Lề Luật:

– Người phân biệt giữa Lề Luật của Thiên Chúa và của con người: “Các ông khéo lấy Lề Luật của các ông để vô hiệu hóa các giới răn của Thiên Chúa.” Ví dụ: Giới luật thứ bốn trong Thập Giới truyền phải thảo hiếu cha mẹ bằng cách phải phụng dưỡng các ngài. Các kinh-sư và biệt-phái dạy: “Người nào nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là “coban” nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa” rồi, và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa” (Mk 7:11-12). Con người có bổn phận phải giữ các Luật của Thiên Chúa; họ có thể từ chối không giữ luật của con người nếu những luật này ngược lại với những gì Thiên Chúa dạy.

– Người phân biệt giữa tinh thần của Lề Luật và cách áp dụng Lề Luật: “Lề Luật làm ra vì con người chứ không phải con người cho Lề Luật” (Mk 2:27). Ví dụ: Ngày Sabbath làm ra vì con người; vì thế, chữa bệnh trong ngày Sabbath là điều được phép làm. Chính các kinh-sư và biệt-phái cũng làm như thế, khi họ kéo các con vật của họ rơi vào hố trong ngày đó; thế mà họ lại khó chịu khi thấy Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbath (Mt 12:1-12).

– Để chứng minh sự hiểu biết sai của họ về Luật thanh tẩy, Người phân biệt cái nhơ bẩn bên ngòai và sự ô uế trong tâm hồn: “Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài?” Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch. “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế” (Mk 7:18-23).

2.2/ Chúa Giêsu đến để kiện tòan Lề Luật: Để sửa sai quan niệm của họ về Ngài, Chúa Giêsu tuyên bố rõ ràng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Moses hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.” Chúa Giêsu làm gì để kiện tòan Lề Luật? Chương 5 của Matthew chứa đầy những giáo lý tòan hảo của Chúa Giêsu trên Lề Luật; ví dụ:

– Khi Ngài dạy phải thanh sạch ngay từ trong tâm hồn: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5:27-28).

– Khi Ngài dạy các môn đệ phải yêu thương kẻ thù: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:46-48).

– Khi Ngài dạy bán hết gia tài và phân phát cho người nghèo khó: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19:21).

– Khi Ngài cầu xin cho các môn đệ được hiệp nhất nên một như Cha Ngài và Ngài là một:

“Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (Jn 17:23).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Lề Luật của Thiên Chúa ban là cho sự thiện hảo của con người. Chúng ta phải biết quí trọng và mang ra thực hành trong cuộc sống để đạt lợi ích cho cá nhân, gia đình, và xã hội.

– Làm theo những gì Chúa Giêsu dạy là tiến trình nên trọn lành và tránh các tội. Không một thần minh hay con người nào trong vũ trụ này dạy chúng ta cách tốt đẹp hơn Ngài.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************