Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Tư Tuần XXV Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: Cn 30, 5-9
“Xin chớ để con ăn mày và cũng đừng để con giàu có: xin chỉ ban cho con ăn dùng vừa đủ”.
Trích sách Châm Ngôn.
Mọi lời Thiên Chúa như luyện trong lửa, là thuẫn che chở kẻ nương tựa vào Người. Ngươi chớ thêm điều gì vào lời Chúa, kẻo ngươi bị trách cứ và bị coi là kẻ gian dối. Con xin Chúa hai điều này và xin đừng từ chối trước khi con chết: Xin hãy loại xa con sự giả trá và lời gian dối. Xin chớ để con ăn mày và cũng đừng để con giàu có: xin chỉ ban cho con ăn dùng vừa đủ: kẻo khi no đầy, con bị mê hoặc mà chối Chúa rằng: Chúa là ai? Hoặc vì túng thiếu con đi ăn trộm và làm ố danh Thiên Chúa của con. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 118, 29. 72. 89. 101. 104. 163
Đáp: Lời Chúa là đèn soi tỏ dưới bước chân con (c. 105a).
Xướng:
1) Xin đưa con xa cách con đường gian dối, và rộng tay ban luật pháp của Ngài cho con. – Đáp.
2) Đối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn. – Đáp.
3) Thân lạy Chúa, cho tới đời đời kiếp kiếp, lời Chúa vẫn còn đó như cõi trời cao. – Đáp.
4) Con kiềm hãm con xa mọi điều gian ác, để giữ trọn những lời răn dạy của Ngài. – Đáp.
5) Nhờ huấn lệnh Ngài con trở nên minh mẫn, bởi thế con ghét mọi đường lối gian tà. – Đáp.
6) Con ghét và ghê tởm điều gian dối, con yêu chuộng luật pháp của Ngài. – Đáp.
ALLELUIA: 1 Ga 2, 5
Alleluia, alleluia! – Ai giữ lời Chúa Kitô, thì quả thật tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 9, 1-6
“Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai Tông đồ lại, ban cho các ông sức mạnh và quyền năng trên mọi ma quỷ và được chữa lành các bệnh tật. Đoạn Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người bảo các ông rằng: “Khi đi đàng, các con đừng mang gì cả, chớ mang gậy và bị, bánh và tiền, cũng đừng mặc hai áo. Các con vào nhà nào, thì hãy ở lại đó, và đừng rời khỏi nơi ấy. Những ai không tiếp đón các con, thì khi rời bỏ thành đó, các con hãy giũ cả bụi chân lại, để làm chứng tố cáo họ”. Các ông liền đi rảo khắp các làng mạc, rao giảng Tin Mừng, và chữa lành bệnh tật khắp nơi. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
23/09/2020 – THỨ TƯ TUẦN 15 TN
Th. Pi-ô Pi-et-ren-xi-na linh mục
Lc 9,1-6
THỬ THÁCH QUÁ ĐÁNG
HAY VẪN ĐANG QUAN PHÒNG
Người nói: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo.” (Lc 9,3)
Suy niệm: Chúa Giê-su sai Nhóm Mười Hai đi rao giảng Nước Thiên Chúa, với chỉ thị không mang cái này, đừng mang cái kia, ngay cả những hành trang thật cần thiết để sống hay đề phòng bất trắc trên đường như lương thực, tiền bạc, áo quần,v.v…. Theo cái nhìn tự nhiên, Chúa có thử thách các môn đệ quá mức không khi Chúa giao cho họ sứ mạng mà không lo liệu những điều kiện thiết yếu để bảo đảm cuộc sống và giúp họ chu toàn sứ mạng? Chúa thử thách chăng? Tất nhiên là có. Nhưng Chúa vẫn luôn quan phòng vì trước đó Ngài đã ban cho các ông quyền năng để “trừ quỷ và chữa lành bệnh tật”. Còn nhớ sau này Ngài đã trả lời cho Phê-rô: Ai bỏ mọi sự mà theo Ngài “sẽ được gấp bội ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Lc 18,30).
Mời Bạn: “Tự bản tính, Giáo hội là người được sai đi” (Vaticanô II, Sắc lệnh Truyền giáo, 2). Chúa cũng sai bạn ra đi, mời bạn mạnh dạn loan báo Tin Mừng. Chắc chắn bạn cũng gặp nhiều thử thách không kém các tông đồ ngày xưa. Nhưng bạn nhớ rằng Chúa vẫn luôn đồng hành, và chăm sóc. Những phương tiện tự nhiên, của trần thế là cần thiết, nhưng hành trang mà Chúa trao cho bạn là sức mạnh và quyền năng từ Thiên Chúa và Tin Mừng cứu độ của Ngài.
Sống Lời Chúa: Chu toàn việc bổn phận và chia sẻ phục vụ người nghèo với ý chỉ cầu nguyện cho việc truyền giáo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa mời gọi con loan báo Tin Mừng. Con tin sẽ không gặp thử thách quá sức, vì Chúa đã hứa: “Ơn Ta đủ cho con.” Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Chẳng rõ Đức Giêsu đã xa gia đình ở Nadarét bao lâu,
mà hôm nay Mẹ và anh em Ngài mới đến gặp Ngài.
Có phải vì nhớ, hay vì lo lắng do nghe các lời đồn đại?
Để biết được Ngài đang ở đâu, thì phải hỏi thăm,
bởi hồi đó chưa có những phương tiện truyền thông như bây giờ.
Vì vậy chuyện Mẹ đến được chỗ của Con là một nỗ lực không nhỏ.
Tiếc là khi đã đến nơi Con đang giảng dạy,
thì Mẹ lại không làm sao vào được, vì người đông quá (c. 19).
Chắc Mẹ đã nhờ ai đó vào báo cho Đức Giêsu:
“Có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy” (c. 20).
Các sách Tin Mừng Nhất Lãm đều không cho biết
Đức Giêsu có ra ngoài để đón tiếp Mẹ và các anh em Ngài không.
Điều này khiến ta có cảm tưởng bầu khí đón tiếp hơi lạnh lùng.
Nhưng cả ba Tin Mừng đều kể lại câu nói gây sốc của Ngài:
“Mẹ tôi và anh em tôi chính là những ai nghe lời Thiên Chúa
và đem ra thực hành” (c. 21).
“Mẹ tôi và anh em tôi” là ai? Một câu hỏi quá dễ !
Hiển nhiên đó là những người đang đứng ở ngoài kia.
Mẹ của Ngài là bà Maria, người phụ nữ làng Nadarét,
người đã cưu mang, cho bú mớm, và chăm lo dưỡng dục Ngài.
Anh em là những người họ hàng gần gũi, tuy không phải là anh em ruột.
Mẹ và anh em của Đức Giêsu là những người đang đứng ngoài nhà.
Ngài không hề khinh họ, nhưng Ngài tập trung vào người trong nhà.
Những người ở trong nhà là những người đang ngồi nghe lời Đức Giêsu.
Họ được mời gọi không nghe suông, nhưng đem ra thực hành,
để trở thành mẹ và anh em của Ngài.
Như thế Đức Giêsu đã nới rộng gia đình của Ngài.
Ngài không bó hẹp trong gia đình ruột thịt, mà khai mở một gia đình mới.
Gia đình thiêng liêng thì rộng lớn hơn nhiều,
và mỗi Kitô hữu đều có chỗ trong gia đình đó.
Đức Giêsu có nhiều mẹ và nhiều anh chị em.
Ai nghe và thi hành lời Thiên Chúa thì trở nên mẹ của Ngài,
bởi vì, theo thánh Bêđa, qua gương sáng và lời nói của họ,
họ sinh ra Ngài trong trái tim tha nhân.
Đức Giêsu là Con, luôn nghe và thi hành lời Thiên Chúa Cha.
Bất cứ ai sống như Ngài cũng trở nên con Thiên Chúa,
nên lập tức trở nên anh chị em với Ngài.
Chúng ta ít khi nghĩ tới chuyện mình có họ hàng với Đức Giêsu.
Có một thứ liên hệ còn sâu nặng hơn cả liên hệ máu mủ nữa.
Chúng ta mang dòng máu của Đức Giêsu, dòng máu vâng nghe lời Chúa.
Chính Thiên Chúa nối kết Đức Giêsu và cả nhân loại thành một gia đình.
Trong gia đình đó có chỗ quan trọng cho Đức Maria,
vì hơn ai hết Mẹ là người đã lắng nghe và thi hành lời Thiên Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
23 THÁNG CHÍN
Các Bạn Là Con Cái Của Thiên Chúa Các bạn là ai ?
Các bạn là thế hệ môn đệ mới của Đức Kitô, những người đã lãnh nhận Phép Rửa. Qua bí tích đầu tiên đó các bạn được đón nhận vào cộng đoàn Giáo Hội. Đối với hầu hết chúng ta, bí tích khai tâm này được lãnh nhận trong những tuần lễ đầu đời của mình. Cha mẹ ruột và cha mẹ đỡ đầu đưa chúng ta đến lãnh nhận Phép Rửa. Từ đó, chúng ta sống trong ơn thánh hóa. Thiên Chúa đã đặt ấn tín vô hình và vĩnh viễn trên chúng ta. Chúng ta là con cái của Thiên Chúa, linh hồn chúng ta được khắc ghi ân sủng.
Ân sủng này và ấn tín thiêng liêng này của Phép Rửa, chúng ta có được là nhờ Đức Kitô – nhờ cái chết và sự Phục Sinh của Ngài. Thực vậy, qua Phép Rửa chúng ta được dìm vào trong cái chết của Đức Kitô, và như vậy chúng ta có thể sống lại với Người trong sự sống mới. Tông đồ Phaolô dạy chúng ta trong thư gởi giáo đoàn Rôma: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới”(Rm 6,4).
Kể từ giây phút được lãnh Phép Rửa, chúng ta trở thành người thông phần vào sự sống mới trong Đức Kitô – sự sống của Con Thiên Chúa. Và chúng ta trở thành những dưỡng tử của Thiên Chúa. Chúng ta được nâng lên phẩm giá làm con trong Đức Kitô, người Con Duy Nhất của Chúa Cha. Vì Chúa Con chia sẻ trọn vẹn sự sống trong mối hiệp nhất với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, nên chúng ta cũng lãnh nhận sự sống mới trong Phép Rửa. Chúng ta đã được thanh tẩy nhân danh Ba Ngôi Chí Thánh: Nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.
Phép Rửa là sự tái sinh con người nhờ nước và Thánh Thần (Ga 3,5). Vì vậy chúng ta trở nên thông phần vào sự sống mới trong Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa. Chúng ta đang mang trong mình chúng ta mối đảm bảo sự sống đời đời.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 23/9
Thánh Piô Pietrelcina (Piô Năm Dấu Thánh)
Cn 30, 5-9; Lc 9, 1-6.
LỜI SUY NIỆM: “Đức Giêsu tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa lành mọi bệnh tật.”
Chúa Giêsu sai Nhóm Mười Hai ra đi truyền rao Tin Mừng với năng lực và quyền phép được Chính Chúa Giêsu ban cho để trừ mọi thứ quỷ và chữa lành mọi bệnh tật. Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã dùng lời của ngôn sứ Isaia nói với dân chúng trong hội đường Nadarét: ““Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4, 18-19). ChínhTin Mừng này từ Chúa Giêsu và được tiếp nối qua Nhóm Mười Hai và những vị Giáo Hoàng kế tiếp, Các Công Đồng, Các Thượng Hội Đồng Giám Mục và các Hội Đồng Giám mục địa phương vẫn tiếp tục loan báo với quyền năng và sự hiện diện của Người và của Chúa Thánh Thần để tạo hạnh phúc cho con người.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa luôn muốn tất cả chúng con góp sức mình vào công cuộc tạo dựng của Chúa Cha và cứu chuộc nhân loại của Chúa. Xin cho chúng con được Chúa tin dùng và ban ơn để tất cả chúng con chu toàn bổn phận với trách nhiệm là con cái của Chúa.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
23 Tháng Chín
Cậu Bé Ðau Liệt Trong Bức Tranh
Một trong những bức tranh bất hủ của danh họa Rafaello, người Italia, hiện đang được cất giữ trong bảo tàng viện Vatican: đó là bức họa Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabôrê.
Trong bức tranh, người ta thấy có ba tầng. Ở tầng cao nhất của bức tranh là khuôn mặt và toàn thân Chúa Giêsu trong cảnh chiếu sáng rực rỡ giữa các tầng mây. Ở tầng dưới của bức tranh và kề sát với Chúa Giêsu là ba vị tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan trong tình trạng ngây ngất trước sự biến dạng rực rỡ của Chúa Giêsu. Và ở tầng thấp nhất của bức tranh, người ta thấy một nhóm môn đệ và một gia đình đang quây quanh một em bé đang đau liệt: tất cả đều chìm ngập trong một khung cảnh ảm đạm, mờ ảo.
Có lẽ danh họa Rafaello đã cố gắng giải thích cho chúng ta về sứ điệp của bài Tin Mừng tường thuật cuộc biến hình của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chính là niềm hy vọng và là Ðấng cứu chữa con người. Ðứa bé đau liệt trong bức tranh là chính mỗi người trong chúng ta, là toàn thể nhân loại đang chịu đựng vì không biết bao nhiêu bệnh tật trong thân xác lẫn tâm hồn. Trong đám môn đệ đang quây quanh cậu bé đau liệt, Rafaello đã làm nổi bật hai cử chỉ: cử chỉ của một người môn đệ đang trỏ tay chỉ về cậu bé và cử chỉ của một người môn đệ khác đang chỉ tay về Chúa Giêsu…
Phải chăng Rafaello đã không muốn đánh thức ba vị tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan đang say sưa chiêm ngưỡng Thánh nhan rực rỡ của Chúa Giêsu mà quên đi cảnh nhân loại đang quằn quại trong đau thương khốn khổ?
Trong đời sống đạo, chúng ta dễ rơi vào hai thái cực: hoặc chỉ chăm chú cầu nguyện mà không đếm xỉa gì đến lòng bác ái đối với tha nhân, hoặc ngược lại, xem hành động bác ái là một lời cầu nguyện mà không màng đến đời sống nội tâm.
Nơi Chúa Giêsu, cầu nguyện đưa đến hoạt động và hoạt động dẫn đến cầu nguyện. Mỗi một gặp gỡ của Ngài với tha nhân cũng là một lời cầu nguyện và mỗi một lời cầu nguyện của Ngài cũng ôm trọn lấy tất cả những ai mà Ngài đã hoặc sẽ gặp gỡ.
Chúng ta hãy chiêm ngắm mẫu gương của Chúa Giêsu… Cả cuộc đời của chúng ta phải là một lời nguyện dâng lên Thiên Chúa, chứ không chỉ có những lời kinh mà chúng ta đọc ngoài môi mép.
Người ta không lên xe để ở mãi trên đó… Một môn sinh không đến thụ giáo để ở mãi bên cạnh thầy mình… Cũng thế, chúng ta không leo lên núi cao để ở lại mãi trên đó. Sau cơn ngây ngất của ba vị tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan trên núi Tacôbê, Chúa Giêsu đã kêu gọi các ngài hãy trở lại với thực tế: đó là thực tế của những cuộc gặp gỡ, đương đầu và cuối cùng là cái chết.
Từ đỉnh cao của sự cầu nguyện, từ bốn bức tường của nhà thờ, từ cung thánh của những giây phút ngất ngây trong sự kết hiệp, chúng ta hãy quay lại với cuộc sống, nơi đó có những nghĩa vụ để thi hành, nơi đó có những con người để gặp gỡ và yêu thương.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 25 TN2
Bài đọc: Prov 30:5-9; Lk 9:1-6.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đức tính cần có của người rao giảng Tin Mừng.
Hai hành trang cần thiết nhất trong cuộc đời là Lời Chúa và đức tin, và hai hành trang này bổ xung cho nhau. Lời Chúa soi sáng và làm cho đức tin ngày càng thêm vững mạnh. Đức tin làm cho con người hiểu thấu đáo Lời Chúa hơn, và nhất là dám hy sinh để Lời Chúa được lan tràn cho mọi người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hiểu chính xác Lời Chúa và tin tưởng hòan tòan nơi Thiên Chúa.
1.1/ Không được tự tiện thêm bớt Lời Chúa:
Kinh Thánh không dễ hiểu. Khi gặp những vấn nạn khó hiểu, thay vì phải cầu nguyện và tìm tòi nghiên cứu, con người thường có hai khuynh hướng: hoặc thêm ý của mình vào làm để cho vấn đề dễ hiểu hơn hoặc tự ý đục bỏ những gì không hiểu hay không thích. Người Hồi Giáo cũng tin Cựu Ước, nhưng chỗ nào không muốn tin thì tự ý đục bỏ; họ lấy lý do vì người Do-Thái ghét họ nên cho thêm vào. Thế kỷ 20 có nhóm mệnh danh là Jesus Seminar, khi gặp đọan Kinh Thánh khó hiểu hay mâu thuẫn giữa các Thánh Ký, họ họp nhau và lấy ý kiến chung nên cắt đi hay giữ lại. Sách Khôn Ngoan lên án những khuynh hướng này: “Mọi lời Thiên Chúa phán đều đã được gạn lọc. Người là khiên thuẫn cho ai tìm ẩn náu nơi Người. Đừng thêm thắt chi vào lời Người phán dạy kẻo bị Người quở trách, và con thành kẻ nói dối nói gian.”
1.2/ Hai điều quan trọng người khôn ngoan phải xin Thiên Chúa trong cuộc đời:
(1) Tránh xa điều dối trá và chuyện lừa đảo: Con người có thể không thành thật với Thiên Chúa như thêm hoặc bớt Lời Kinh Thánh để biện hộ cho các tật xấu của mình. Con người có thể không thành thật với chính mình khi ăn gian nói dối để được lợi nhuận. Sau cùng, con người có thể không thành thật với tha nhân khi tố cáo người công chính hay lừa đảo những người cô thân yếu thế để lấy những gì họ có.
(2) Đừng để quá túng nghèo, cũng đừng quá giàu có; chỉ xin cho có cơm bánh cần dùng. Hai thái cực con người cần tránh: Nếu quá túng nghèo, con người có thể sinh ra trộm cắp để có cơm bánh ăn; khi làm như thế là họ làm ô danh Thiên Chúa. Nếu quá đầy dư, con người sẽ bỏ quên Thiên Chúa và chỉ trông cậy vào chính bản thân mình. Cách tốt nhất là chỉ xin cho được hằng ngày dùng đủ như lời Kinh Lạy Cha mà Chúa dạy cho các Tông Đồ của Ngài: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.”
2/ Phúc Âm: Trông cậy vào sức mạnh của Thiên Chúa và hy sinh tất cả vì Tin Mừng.
(1) Chúa ban cho các Tông Đồ sức mạnh và uy quyền: “Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông sức mạnh và uy quyền để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật.” Sứ vụ của Chúa khi xuống trần gian là rao giảng, chữa lành, và huấn luyện các Tông Đồ để tiếp tục sứ vụ của Ngài. Trước khi sai các Tông Đồ đi, Ngài ban cho các ông sức mạnh và uy quyền của Ngài để các ông cũng làm được những gì Ngài làm để mang mọi người về cho Chúa. Uy quyền trên các quỉ thần là quyền của Thiên Chúa, nếu Thiên Chúa không trao ban, con người không thể nào thắng được quỉ thần. Ơn chữa bệnh cũng thế, không chỉ các Tông Đồ mà còn rất nhiều linh mục qua các thời đại được Chúa ban ơn chữa lành cho các bệnh nhân. Trong thời đại chúng ta, người nổi danh chữ bệnh phần xác là Cha Piô được Chúa cho in năm Dấu Thánh.
(2) Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người nói: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi. Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” Khi truyền những điều này, Chúa muốn các Tông Đồ phải:
– Tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa vì thợ làm đáng được thưởng công bởi Thiên Chúa và bởi người nhận ơn. Thiên Chúa có thể thúc đẩy tâm tình biết ơn nơi những người đã lãnh nhận để họ biết chăm sóc cho những thợ làm vườn nho cho Chúa. Rất nhiều giáo dân đã tiền bỏ vào nhà thờ mỗi tuần, tiền giúp ơn gọi, tiền cho các cha đi đường hay ăn học…
– Hy sinh tất cả cho việc rao giảng Tin Mừng. Khi không dính bén quá nhiều với của cải vật chất, người tông đồ sẽ dễ dàng lên đường đi bất cứ nơi nào được sai đến. Nhưng khi quá nặng lòng với của cải vật chất, người tông đồ bị đè nặng vì quần áo, bị gậy, lương thực… và không dễ lên đường tới những nơi xa xôi để rao giảng Tin Mừng cho những người đang cần được nghe.
– Chúc lành cho những ai đón tiếp và phủi bụi chân lại cho những ai không tiếp đón. Ai đón tiếp người tông đồ là đón tiếp chính Chúa vì họ được Thiên Chúa sai đi. Cũng vậy, ai từ khước các tông đồ là từ khước chính Chúa. Sự giũ bụi chân là dấu hiệu để tỏ cho chủ nhà biết ông đã từ chối nghe Tin Mừng; và như thế, tự ông đã luận phạt chính ông.
(3) Các Tông Đồ nghe lời Chúa ra đi, rảo qua các làng mạc, loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải cố gắng dành thời giờ để học hỏi và nghiên cứu Lời Chúa trước khi có thể áp dụng vào cuộc sống để sinh lợi ích cho bản thân và rao giảng Lời Chúa cho tha nhân.
– Chúng ta chỉ cần xin Chúa cho có của cải vừa đủ để sinh sống. Cần xin Chúa cho đừng quá nghèo để sinh tật trộm cắp làm ô danh Chúa. Cần xin Chúa cho tránh cảnh quá giầu vì sẽ dễ dàng tự tin nơi mình và bỏ quên Thiên Chúa.
– Không quá dính bén với của cải vật chất sẽ làm cho con người chúng ta nhẹ nhàng để bay bổng, không phải lo nghĩ làm sao gìn giữ chúng, và nhất là sẽ có nhiều giờ cho việc học hỏi và rao giảng Tin Mừng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************