Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Tư tuần 7 Phục Sinh – Năm A
BÀI ĐỌC I: Cv 20, 28-38
“Tôi xin ký thác các ông cho Thiên Chúa, Đấng có quyền năng kiến tạo và ban cho các ông được dự phần gia nghiệp”.
Bài trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phaolô nói với các trưởng giáo đoàn Êphêxô rằng: “Các ông hãy thận trọng, và săn sóc đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt các ông làm giám quản điều khiển giáo đoàn của Chúa đã được Người cứu chuộc bằng máu. Phần tôi, tôi biết rằng sau khi tôi đi rồi, sẽ có những sói dữ đột nhập giữa các ông, chúng không dung tha đoàn chiên; và ngay giữa các ông sẽ có những kẻ ăn nói xảo trá nổi dậy để lôi kéo các môn đồ theo họ. Vì thế, các ông hãy tỉnh thức, và nhớ rằng trong ba năm trời, đêm ngày tôi không ngừng sa lệ mà khuyên bảo từng người. Và bây giờ, tôi xin ký thác các ông cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, Người là Đấng có quyền năng kiến tạo và ban cho các ông được dự phần gia nghiệp làm một với tất cả mọi người đã được thánh hoá. Tôi đã không ham muốn bạc, vàng, hay y phục của ai hết, như chính các ông đã biết. Những đồ gì tôi và những kẻ ở với tôi cần dùng, thì chính hai bàn tay này đã làm ra. Bằng mọi cách, tôi đã chỉ bảo cho các ông rằng phải làm việc như vậy, để nâng đỡ những người yếu đuối, và ghi nhớ lời Chúa Giêsu đã phán: ‘Cho thì có phúc hơn là nhận’”. Nói xong, ngài quỳ xuống cầu nguyện với mọi người. Ai nấy đều khóc lớn tiếng, và ôm cổ Phaolô mà hôn, họ đau buồn nhất là vì lời ngài vừa nói rằng họ sẽ không còn thấy mặt ngài nữa. Rồi họ tiễn đưa ngài xuống tàu.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 67, 29-30. 33-35a. 35b-36c
Đáp: Chư quốc trần ai, hãy ca khen Thiên Chúa (c. 33a).
1) Ôi Thiên Chúa, xin tỏ ra quyền năng của Chúa. Ôi Thiên Chúa, xin củng cố sự việc Chúa đã làm cho chúng con! Vì thánh đài của Chúa ở Giêrusalem, các vua sẽ tiến dâng Ngài lễ vật.
2) Chư quốc trần ai, hãy ca khen Thiên Chúa, hãy xướng lên bài ca mừng Chúa, mừng Đấng ngự giá qua cõi trời, cõi trời ngàn thu! Kìa Ngài lên tiếng, tiếng nói quyền năng: “Các ngươi hãy nhìn biết quyền năng Thiên Chúa”.
3) Oai nghiêm Ngài chiếu giãi trên Israel, và quyền năng Ngài trên cõi nước mây. Từ thánh điện của Ngài, Thiên Chúa đáng tôn sợ. Thiên Chúa của Israel, chính Ngài ban cho dân Ngài được quyền năng và mãnh lực.
ALLELUIA: Mt 28, 19 và 20
All. All. Chúa phán: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. All.
PHÚC ÂM: Ga 17, 11b-19
“Để chúng được nên một như Ta”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, xin hãy gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con, để chúng được nên một như Ta. Khi Con còn ở với chúng, Con đã gìn giữ chúng trong Cha. Con đã gìn giữ những kẻ Cha đã giao phó cho Con, không một ai trong chúng bị mất, trừ ra con người hư vong, để lời Kinh Thánh được nên trọn. Bây giờ Con về cùng Cha, và Con nói những điều này khi Con còn dưới thế, để chúng được đầy sự vui mừng của Con trong lòng. “Con đã ban lời Cha cho chúng, và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Con không xin Cha đem chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ. Chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin hãy thánh hoá chúng trong chân lý: lời Cha là chân lý. Cũng như Cha đã sai Con vào thế gian, thì Con cũng sai chúng vào thế gian. Và vì chúng, Con đã tự thánh hoá, để cả chúng cũng được thánh hoá trong chân lý”.
Đó là lời Chúa.
(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)
++++++++++++++++++
24/05/2023 – THỨ TƯ TUẦN 7 PS
Ga 17,11b-19
NHƯ SEN GIỮA ĐẦM LẦY
Đức Giê-su nói: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian.” (Ga 17,15-16)
Suy niệm: “Sống chung với lũ”, đó là phương sách tại những vùng thường xuyên ngập lụt như đồng bằng sông Cửu Long để hạn chế những thiệt hại do lũ lụt, cũng như để tận dụng những ích lợi mà lũ lụt có thể đem lại cho cư dân vùng lũ. “Sống chung với thế gian”, đó cũng là phương châm Đức Giê-su dạy các môn đệ, để các ông nhờ đó có thể biến đổi thế gian. Nhưng nếu không cảnh giác, người dân có thể bị cơn lũ cuốn trôi. Cũng vậy, người Ki-tô hữu có thể bị dòng thác lũ thế gian cuốn hút, đánh lạc hướng tính chất Ki-tô hữu, mất niềm tin vào Đức Giê-su. Những cơn lũ tiện nghi, hưởng thụ mỗi khi có cơ hội đang xói mòn “chân đê” lương tâm người môn đệ; những dòng nước ngầm đam mê vô độ, ham hố quyền lực có thể làm sụp đổ cả “bờ bao” chí hướng tông đồ.
Mời Bạn: Nhớ rằng Chúa đặt bạn ở giữa thế trần không phải để bạn lây nhiễm thói hư tật xấu của thế gian, nhưng là để bạn biến đổi trần thế, bằng cách chiến đấu chống lại quyến rũ của sự dữ và đưa men Tin Mừng của Chúa vào giữa môi trường ô nhiễm sự dữ ấy.
Sống Lời Chúa: Thành thật xét xem thói xấu nào “nổi cộm” hơn cả nơi tôi lúc này, rồi tìm mọi cách để sửa đổi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, như đoá sen trong đầm lầy, xin giữ tâm hồn chúng con thanh khiết. Giữa một thế giới đầy hình ảnh vẩn đục, xin gìn giữ mắt chúng con. Giữa một thế giới tôn thờ khoái lạc, xin dạy chúng con biết trân trọng thân xác. Giữa một thế giới bị ám ảnh bởi tình dục, xin thanh lọc trí tưởng tượng của chúng con. Amen. (Rabbouni)
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy Niệm
Chúng ta đang sống trong một thế giới tự nhận là khoa học kỹ thuật,
trong đó dường như Thiên Chúa vắng mặt,
và Quỷ dữ, Ác thần, Satan cũng không có chỗ.
Thật ra, cả Thiên Chúa lẫn Satan đều có mặt trong thế giới này.
Con người sống trong thế giới là chịu sự lôi kéo của cả hai.
Khi dâng lời cầu nguyện lúc sắp trở về với Cha,|
Đức Giêsu ý thức hơn khi nào hết quyền lực có thật của quỷ dữ
đang tác động trên các môn đệ còn sống ở trần gian.
Chính vì thế Ngài khẩn khoản xin Cha gìn giữ họ khỏi Ác thần (c. 15).
“Khi còn ở với họ, Con đã gìn giữ họ…Con đã canh giữ họ…” (c. 12).
Gìn giữ các môn đệ là việc Đức Giêsu đã làm trong suốt sứ vụ,
và Ngài đã không để ai trong họ phải hư mất, trừ Giuđa.
Những sói dữ bao giờ vẫn có, chúng khuấy phá đàn chiên.
Mục tử Giêsu đã không để ai cướp được chiên khỏi tay mình,
và trong cuộc chiến đấu này, Ngài đã dám hy sinh mạng sống (Ga 10, 11).
Bây giờ Ngài xin Cha tiếp tục gìn giữ các môn đệ (c. 11b),
là đoàn chiên của Cha mà Cha đã ban cho Ngài chăm sóc.
Vì Thiên Chúa là Cha chí thánh đối với Đức Giêsu (c. 11b),
nên Cha có khả năng làm cho các môn đệ nên thánh.
Thánh thiện là thuộc tính của Thiên Chúa Cha,
nhưng Đức Giêsu cũng được gọi là Đấng Thánh của Thiên Chúa (Ga 6, 69),
và Đấng Phù Trợ được gọi là Thánh Thần (Ga 14, 26).
Thánh thiện là nét chung của Ba Ngôi, tách biệt Ba Ngôi khỏi thế giới,
dù thế giới vẫn là đối tượng để Ba Ngôi luôn cùng nhau hướng về.
Ba Ngôi vẫn muốn chia sẻ sự thánh thiện của mình cho thế giới.
“Các ngươi phải nên thánh vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11, 44).
Đức Giêsu xin Cha thánh hóa các môn đệ (c. 17),
nhờ Thánh Thần mà Cha sắp ban xuống trên họ.
Làm cho các môn đệ nên thánh chính là tách biệt họ ra khỏi thế gian,
với lối suy nghĩ và hành động, với những giá trị riêng của nó.
Thánh hóa môn đệ chính là làm cho họ không thuộc về thế gian nữa,
để như Đức Giêsu, họ thuộc về Cha trọn vẹn (c. 16).
Nhưng tách biệt khỏi thế gian lại không có nghĩa là cất họ khỏi đó (c. 15),
và giữ họ an toàn trong tháp ngà bảo đảm.
Đời người Kitô hữu chẳng an toàn, vì họ được sai vào thế gian (c.18).
Thế gian đầy bóng tối, dối trá, hận thù, chính là nơi họ phải đến,
phải đằm mình vào, để biến đổi nó thành ánh sáng, sự thật, tình yêu.
“Các con là muối của trái đất, là ánh sáng của thế gian” (Mt 5, 13).
Được thánh hóa, được tách khỏi thế gian, chính là để được sai vào đó.
Nếu không được thánh hóa, không thuộc về Chúa, thì khi được sai vào,
ta sẽ chẳng biến đổi được thế gian, và sẽ bị nó nuốt chửng.
Lời Nguyện
Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin ;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống ;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống ;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong…
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
24 THÁNG NĂM
Thiên Chúa Rọi Ánh Sáng Ngài Trên Tội Lỗi Chúng Ta
Chúa Thánh Thần hoạt động như một nguồn ánh sáng soi chiếu tâm hồn, giúp tội nhân nhận ra tội lỗi của mình. Bao lâu con người còn khép mắt lại trước tội lỗi của mình, bấy lâu họ không thể được biến đổi. Thánh Thần soi rọi ánh sáng của Thiên Chúa trong linh hồn người ta, xét xử lương tâm người ta và làm cho tội nhân được giải phóng khỏi tình trạng mù tối vốn không cho họ thấy thân phận tội lỗi của mình. Đó là lý do tại sao những người tham gia vào vụ xử án Đức Giêsu (qua việc yêu cầu tử hình Người) đã bất thần khám phá ra rằng thái độ của họ là tội lỗi.
Thánh Thần cũng sản sinh lòng sám hối và thúc đẩy tội nhân xưng thú tội lỗi. Thánh Thần giúp chúng ta hiểu rằng ơn thứ tha của Thiên Chúa luôn có sẵn đó cho ta, nhờ lễ hy sinh của Đức Kitô. Ai cũng có thể nhận được ơn tha thứ đó. Chương 2 Sách Công Vụ Tông Đồ kể rằng sau diễn từ của Phê-rô, các thính giả đã hỏi: “Vậy thì chúng tôi phải làm gì đây?” Bằng cách nào tội nhân có thể quay lưng lại với tội lỗi? Không có con đường nào để vượt thoát ra được nếu ơn tha thứ bị đóng lại trước mặt tội nhân! Nhưng thực tế thì ơn tha thứ luôn rộng mở; và con người chỉ cần làm một việc là bước vào để lãnh nhận sự thứ tha. Thánh Thần làm dậy lên trong lòng người ta niềm tin tưởng vào tình yêu thứ tha của Thiên Chúa. Thánh Thần đưa dẫn người ta vào nẻo đường cứu rỗi trong Chúa Giê-su Kitô.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 24/5
Cv 20, 28-38; Ga 17, 11b-19.
Lời Suy niệm: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha, mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta.”
Với lời cầu nguyện này của Chúa Giêsu trước khi Người đi vào cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Người, Người không còn hiện diện trực tiếp chăm sóc và gìn giữ các môn đệ của Người. Người đã cậy dựa vào tình thương của Chúa Cha đối với Người; Người xin trao phó tất cả các môn đệ của Người trong vòng tay yêu thương và gìn giữ; hầu tất cả được trọn vẹn nên một trong một tình yêu.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa đang cầu nguyện cùng Chúa Cha cho mỗi người trong chúng con: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha, mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta.” Xin cho chúng con luôn biết yêu mến và vâng phục sống theo những điều Chúa đã dạy; hầu giúp chúng con luôn được ở trong tình yêu thương của Chúa. Amen.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
24 Tháng Năm
Lòng Tham Không Ðáy
Hôm ấy, trời vừa rạng đông, một ông hoàng nói với tên đầy tớ: “Xem chừng anh mơ ước giàu lắm. Vậy từ giờ này cho tới lúc mặt trời lặn, anh có sức ngần nào thì cứ chạy. Tất cả những ruộng vườn anh chạy vòng quanh được, tôi vui lòng nhường lại cho anh hết”.
Sướng quá! Cha chết sống lại cũng không bằng.
Tức thì chàng cắm đầu chạy, chạy vùn vụt như Hạng Vũ trên lưng con ngựa Ô-Truy. Chín mười tiếng đồng hồ qua, chàng ta làm chủ được mấy cánh đồng bao la mù mịt. Chàng vừa dừng chân, thì một khu rừng mơn mởn hiện ra trước mắt cám dỗ chàng. Không kịp thở, chàng lại cắm đầu chạy tiếp, chạy một vòng dài nữa.
Vừa dừng chân, lại một hồ cá mênh mông, với mặt nước trong ngần, huyền ảo phản chiếu ánh mặt trời đã xế chiều. Lại một vòng nữa… Sau cùng, màn đêm đã phủ xuống trên nẻo đường đi. Chàng hổn hển quay bước trở về nhà, để làm bậc tỉ phú với “Ruộng vườn mặc sức chim bay, biển hồ lai láng mặc bầy cá đua”.
Nhưng vừa bước chân qua ngưỡng cửa, chàng ngã lăn xuống đất bất tỉnh. Vợ con vội vàng thuốc thang săn sóc… Nhưng vô hiệu. Nhà tỉ phú đã trút linh hồn sau một ngày dài lao lực quá sức. Người ta đào cho chàng một chỗ nghỉ trong lòng địa cầu, vừa dài vừa rộng, nhưng không quá ba tấc đất.
Ðiểm qua những câu chuyện cổ kim về lòng tham, chúng ta rút ra được bài học gì?… Chắc có người tự hỏi: sống trong thời củi quế gạo châu, chạy ăn từng bữa này làm gì có nhiều của mà tham với lam. Như những anh ăn mày cũng gắn bó với manh chiếu rách, với chiếc áo tơi đến độ có thể “ăn thua đủ” với những ai đánh cắp.
Lòng tham không cần bị nhiều cám dỗ mới nổi tính tham. Vì thế đức tính đầu tiên chúng ta cần phải tập là tinh thần từ bỏ, dùng của cải như những phương tiện chứ không phải như mục đích. Bước thứ hai là tập cho có quan niệm: chúng ta chỉ là những người quản lý chứ không phải là chủ nhân những của cải vật chất và có như thế chúng ta mới dễ dàng tiến thêm bước thứ ba: sẵn sàng chia sẻ với những người cần thiết hơn. Không cần phải đợi có tiền muôn bạc vạn mới chia sẻ. Hạt muối cắn hai mới thật sự sưởi ấm lòng người và công đức trước mặt Thiên Chúa.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư – Tuần VII – PS
Bài đọc: Acts 20:28-38: Jn 17:11-19.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nỗi quan tâm của mục tử khi phải rời bỏ đoàn chiên của mình.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã từng phân biệt người mục tử tốt lành khác với người chăn chiên. Các Bài Đọc hôm nay đi xa hơn, khi nói lên mối quan tâm của những người mục tử tốt lành lo lắng cho đoàn chiên khi ông phải xa cách đoàn chiên mình. Người mục tử tốt lành không những lo chăm sóc, dạy dỗ, và bảo vệ đoàn chiên khi còn sống; mà còn kiếm người bảo vệ và săn sóc chiên khi biết mình sắp qua đời. Người chăn chiên có tốt lắm cũng chỉ săn sóc và bảo vệ chiên khi còn sống, ông không quan tâm đến đoàn chiên khi phải từ giã cuộc đời.
Trong Bài Đọc I, Thánh Phaolô giao đoàn chiên mình cho những kỳ mục tại Ephesô. Ngài muốn họ hãy chăm sóc đòan chiên một cách vui vẻ và vô vị lợi, bảo vệ họ khỏi những nanh vuốt của quỉ dữ và của thế gian. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cầu nguyện và đặt đoàn chiên dưới sự che chở của Chúa Cha. Ngài cầu xin Chúa cha thánh hiến các môn đệ của Ngài trong sự thật, và gìn giữ họ khỏi thế gian và ác thần.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Lời căn dặn của Phaolô cho các kỳ mục tại Ephesus trước khi về Jerusalem.
1.1/ Họ phải ý thức bổn phận cao quí và quan trọng của họ: Đó là họ phải bảo vệ món quà vô giá là đức tin của họ và của đoàn chiên. Phaolô khuyên nhủ họ: “Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính mình.” Để bảo vệ đức tin, Phaolô nêu bật hai điều quan trọng hơn cả:
(1) Họ phải bảo vệ sự thật giữa bao điều giả trá: Phaolô biết rõ tầm quan trọng của việc biết sự thật, và sự nguy hiểm của bao điều giả trá, từ kinh nghiệm mục vụ của mình. Ông cảnh giác giới lãnh đạo: “Phần tôi, tôi biết rằng khi tôi đi rồi, thì sẽ có những sói dữ đột nhập vào anh em, chúng không tha đoàn chiên. Ngay từ giữa hàng ngũ anh em sẽ xuất hiện những người giảng dạy những điều sai lạc, hòng lôi cuốn các môn đệ theo chúng.” Đoàn chiên còn ngây thơ, non dại; chúng chưa biết tất cả sự thật. Vì thế, bổn phận của các mục tử là không ngừng dạy dỗ đòan chiên để chúng biết nhận ra sự thật giữa bao sự gian xảo.
(2) Họ phải canh thức và khuyên nhủ: Các con chiên không luôn nghe tiếng chủ: có con ham chơi rồi đi lạc, có con cứng đầu chống lại cần phải sửa phạt; nhưng người mục tử tốt lành không bao giờ bỏ rơi bất cứ con nào. Vì thế, việc chăm sóc đòan chiên đòi người mục tử phải để ý tới từng cá nhân khi có thể, như Phaolô trưng dẫn kinh nghiệm của mình: “Vì vậy anh em phải canh thức, và nhớ rằng, suốt ba năm, ngày đêm tôi đã không ngừng khuyên bảo mỗi người trong anh em, lắm khi phải rơi lệ.”
1.2/ Những điều quan trọng khác:
(1) Sức mạnh của Lời Chúa: Nhận ra sự khẩn thiết của việc biết sự thật như đã nêu trên, Phaolô chỉ cho họ biết kho tàng khôn ngoan của Lời Chúa: “Giờ đây, tôi xin phó thác anh em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, lời có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến.” Lãnh đạo khôn ngoan cần đặt căn bản trên Lời Chúa, và xây dựng trên niềm tin vào Thiên Chúa.
(2) Phần thưởng của người mục tử không dựa trên những lợi lộc vật chất: Khác với những nhà lãnh đạo thế gian, họ quan tâm đến địa vị, uy quyền, và những lợi lộc vật chất; người lãnh đạo dân Chúa phải biết hy sinh cách vô vị lợi, và cố gắng sinh sống bằng bàn tay của mình, như Phaolô đã làm: “Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham. Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp.” Dĩ nhiên, đó là điều lý tưởng; nhưng như Chúa Giêsu dạy và Phaolô nói sau này: “thợ làm vườn đáng được trả công.” Hơn nữa, việc khai mở và nuôi dưỡng đức tin phải được ưu tiên hơn việc kiếm kế sinh sống.
(3) Hãy lo lắng cho những người yếu kém: “Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận.” Trong đoàn chiên, sức mạnh và khả năng của mỗi con chiên khác nhau; người mục tử cần chú ý hơn đến những con chiên yếu ớt, bệnh tật.
Khi đã khuyên bảo xong, ông Phaolô cùng với tất cả các anh em quỳ gối xuống cầu nguyện. Ai nấy oà lên khóc và ôm cổ ông mà hôn. Họ đau đớn nhất vì lời ông vừa nói là họ sẽ không còn thấy mặt ông nữa. Rồi họ tiễn ông xuống tàu.
2/ Phúc Âm: Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.
2.1/ Chúa Giêsu biết sự nguy hiểm cho các môn đệ khi sống trong thế gian.
Chúa Giêsu biết đã đến giờ Ngài phải bỏ thế gian, nên Ngài tâm sự với Chúa Cha: “Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha.” Giờ Chúa Giêsu phải rời bỏ các môn đệ, cũng là giờ mà các ông phải đương đầu với quyền lực của thế gian một mình. Ngài biết hậu quả sẽ nghiêm trọng chừng nào, như Ngài đã từng nói với các môn đệ: “Họ sẽ tiêu diệt chủ chăn và đoàn chiên sẽ tan tác.” Nhìn lại kết quả việc chăn chiên của mình, Chúa Giêsu hãnh diện nói với Chúa Cha: “Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh.”
Thế gian sẽ ghét bỏ và truy tố các môn đệ như họ sắp ghét bỏ và truy tố Chúa Giêsu. Lý do là vì cả Chúa Giêsu và các môn đệ không thuộc về thế gian. Ngài muốn cho các ông biết rõ điều này; để các ông không ngạc nhiên khi điều đó xảy đến.
2.2/ Chúa Giêsu cầu xin cho các môn đệ: Biết những nguy hiểm sẽ xảy đến cho các môn đệ như thế, Ngài cầu xin Chúa Cha ban cho các ông những điều quan trọng sau:
(1) Xin Chúa Cha bảo vệ các môn đệ khỏi ác thần: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian.” Chúa Giêsu không xin “cất các môn đệ khỏi thế gian;” nhưng Ngài xin “gìn giữ họ khỏi ác thần.” Các ông phải ở lại thế gian để tiếp tục sứ vụ rao giảng của Ngài.
(2) Xin Chúa Cha thánh hiến các môn đệ trong sự thật: Giống như Phaolô, Chúa Giêsu biết nguy hiểm của sự sai lạc: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.” Sự thật đây là Lời Kinh Thánh và những lời tâm huyết Chúa Giêsu vừa dạy dỗ họ. Ngài biết mọi hành động sai bắt đầu từ sự hiểu biết sai; vì thế, hiểu biết sự thật là điều không thể thiếu cho các môn đệ của Chúa.
Cả hai điều cầu xin này đều được Chúa Cha ban cho các môn đệ qua việc ban Thánh Thần. Ngài là thần sự thật, Ngài sẽ giúp các ông nhận ra sự thật và sẽ hướng dẫn các ông tới tất cả sự thật. Ngài cũng là người bảo vệ và giúp các ông có sức mạnh làm chứng nhân cho Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Mỗi người chúng ta đều được kêu gọi để trở thành mục tử nhân lành: hoặc một số người con như bậc làm cha mẹ, hoặc một số đông như bậc linh mục, giám mục. Chúng ta phải lo cho đoàn chiên không chỉ lúc còn sống, mà còn cả khi chúng ta phải rời bỏ họ.
– Người mục tử nhân lành phải xây dựng đời mình trên đức tin và Lời Chúa. Họ phải làm hết cách sao cho đoàn chiên có một đức tin vững mạnh và hiểu biết Lời Chúa cách sâu xa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************