Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Tư Tuần XXIX Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: Ep 3, 2-12
“Hiện nay mầu nhiệm của Đức Kitô đã được mạc khải, các Dân ngoại được đồng thừa tự lời hứa”.
Trích thư Thánh Phaolô Tồng đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, anh em đã nghe biết Thiên Chúa ban phát ân sủng để cho tôi mưu ích cho anh em: vì nhờ ơn mạc khải mà tôi biết được sự mầu nhiệm, như tôi vừa mới viết ra trong ít lời trên kia. Đọc những lời đó, anh em có thể nhận thức được sự am hiểu của tôi trong mầu nhiệm Đức Kitô. Mầu nhiệm đó chưa hề tỏ ra cho con cái loài người ở các thế hệ khác được biết, nhưng hiện nay, đã được mạc khải cho các thánh Tông đồ và các tiên tri của Người, trong Thánh Thần. Và nhờ Tin Mừng, các Dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể, và đồng thông phần lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô.
Tôi đã được nên người phục vụ Tin Mừng đó, do ân huệ Thiên Chúa đã ban cho tôi, bằng cách thi thố sức mạnh của Người. Tôi là kẻ hèn nhất trong các thánh, nhưng đã được ơn này là rao giảng cho Dân ngoại những sự giàu có không thể thấu hiểu được của Đức Kitô, và soi sáng cho mọi người biết cách thức phân phát mầu nhiệm đã được ẩn giấu từ muôn thuở trong Thiên Chúa, Đấng tạo thành vạn vật: khiến các chủ thần và quyền thần thiên quốc đều phải nhờ Hội Thánh mới biết được sự khôn ngoan muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa, thể theo dự định từ trước muôn đời mà Ngài đã thi hành trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Người, chúng ta được cậy trông và nhờ lòng tin vào Ngài, chúng ta mạnh dạn đến cùng Ngài. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Is 12, 2-3. 4bcd-5. 5-6
Đáp: Các ngươi sẽ hân hoan múc nước nơi suối Đấng Cứu Độ (c. 3).
Xướng: 1) Đây Thiên Chúa là Đấng Cứu Chuộc tôi, tôi sẽ tin tưởng mà hành động và không khiếp sợ: vì Chúa là sức mạnh, là Đấng tôi ngợi khen, Người sẽ trở nên cho tôi phần rỗi. – Đáp.
2) Hãy ca tụng Chúa và kêu cầu danh Người, hãy công bố cho các dân biết kỳ công của Chúa, hãy nhớ lại danh Chúa rất cao sang. – Đáp.
3) Hãy ca tụng, vì Chúa làm nên những việc kỳ diệu, hãy cao rao việc đó trên khắp hoàn cầu. Hỡi người cư ngụ tại Sion, hãy nhảy mừng ca hát, vì Đấng cao cả là Đấng Thánh Israel ở giữa ngươi. – Đáp.
ALLELUIA: Tv 118, 18
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin mở rộng tầm con mắt của con, để quan chiêm những điều kỳ diệu trong luật Chúa. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 12, 39-48
“Người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy hiểu biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.
Phêrô thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?” Chúa phán: “Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: ‘Chủ tôi về muộn’, nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
24/10/2018 – THỨ TƯ TUẦN 29 TN
Th. An-tôn Ma-ri-a Cla-rét, giám mục
Lc 12,39-48
CHO NHIỀU, ĐÒI LẠI NHIỀU
“Hễ ai được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi nhiều hơn.” (Lc 12,48)
Suy niệm: Tại Paralympic 2008 Bắc Kinh, thế giới sững sờ ngưỡng mộ tay bơi 22 tuổi Christopher Tronco Sanchez, người Mexicô, “kình ngư kỳ lạ nhất thế giới” không có tay, chỉ còn một chân, tranh giải bơi tự do 100m! Sanchez đã từng sở hữu 130 huy chương các loại về bơi lội. Tại Paralympic này cũng như tại khắp nơi trên thế giới, biết bao nhiêu anh chị em khuyết tật đã không đầu hàng số phận. Hoàn cảnh khó khăn, khả năng ít ỏi, họ đã nỗ lực vươn lên, sống vui, sống hữu ích cho đời. Có ít mà họ đã làm ra được nhiều, hơn cả những người có nhiều hơn họ. Được hay không những tấm huy chương, họ đều là những anh hùng khuyết tật, tấm gương sáng cho chúng ta soi chung. Lời Chúa dạy chúng ta: Không có gì ta đang có mà ta đã không lãnh nhận. Chúng ta chỉ là người quản gia những khả năng tinh thần vật chất Chúa ban cho. Ngài đòi hỏi chúng ta phát triển tỷ lệ thuận với những gì Ngài đã ban tặng: được giao phó nhiều thì cũng được đòi hỏi nhiều hơn.
Mời Bạn: Đôi khi chúng ta phàn nàn về những thiếu thốn của mình. Nhưng hãy nhìn lại những gì mình có và tự hỏi chúng ta đã phát huy hết các tiềm năng có sẵn của mình chưa? Hay lại phung phí, làm hư hỏng những khả năng ấy? Phá hại môi trường, nhậu nhẹt, cờ bạc, ma tuý và bao tệ nạn khác đều là không quản lý tốt ân huệ của Chúa.
Sống Lời Chúa: Quyết tâm sửa chữa khuyết điểm mình mắc phải.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin tạ ơn Chúa vì biết bao ân huệ Chúa ban xuống cho con. Xin cho con biết phát triển những khả năng Chúa ban và dùng chúng để phục vụ tha nhân.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
24 THÁNG MƯỜI
Xin Cho Chúng Nên Một
Chiều hôm trước khi vào cuộc Khổ Nạn, trong bữa Tiệc Ly với các môn đệ, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho sự hiệp nhất của tất cả những ai tin vào Ngài. Ngài nói: “ Lạy Cha, con không chỉ cầu xin cho những người này – tức các tông đồ- nhưng còn cho những ai nhờ họ mà tin vào con, để tất cả nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 20-21).
Chúng ta cùng hiệp thông trong lời cầu nguyện này với chính Chúa Kitô – vị Thượng tế của Giao Ước Mới. Chúa Kitô hiến trao chính bản thân mình làm hy lễ. Ngài trao hiến chính Thịt và Máu của Ngài. Ngài trao hiến cuộc sống và cái chết của Ngài. Và với hy tế này, hy tế thánh thiện vô song, Ngài giao hòa thế giới với chính Ngài. Đức Kitô chết trên Thập Giá để “quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát khắp nơi về một mối” (Ga 11,52).
Lời nguyện hiến tế của Chúa Giêsu được thốt ra từ chính trọng tâm của hy tế này. Cả lời cầu nguyện và cái chết hy tế của Ngài đều có cùng một mục đích là “Xin cho chúng nên MỘT”.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 24/10
Thánh Antôn Maria Clarét, giám mục
Ep 3, 2-12; Lc 12, 39-48.
LỜI SUY NIỆM: “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều.”
Chúa Giêsu đang mời gọi chúng ta phải sống, một đời sống tích cực với trách nhiệm cao, chứ không chỉ tuân giữ những lề luật đã được đề ra. Bởi vì tất cả chúng ta đang sống trong “Ân Sủng của Chúa”. Điều này giúp cho tất cả chúng ta hiểu biết là đang được sống trong đặc ân của Thiên Chúa, khi đã nhận ra những đặc ân mà Chúa đã ban, luôn phải thực hiện theo thánh ý Chúa muốn với sự nhiệt tình trong tinh thần trách nhiệm của mình.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con ý thức khi đã nhận lãnh ân sủng và sống trong ân sủng của Chúa, thì chúng con phải sống xứng đáng những gì Chúa đã ban cho chúng con. Để tránh khỏi bị đánh đòn nhiều.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 24-10
Thánh ANTÔN MARIA CLARET
Giám mục – Tổ phụ dòng Trái tim vẹn sạch mẹ Maria (1807 – 1870)
“Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi”
Đó là châm ngôn và chương trình đời sống thánh ANTÔN MARIA CLARET. Ngài sinh năm 1807 tại Sallent Bắc Tây Ban Nha, trong một gia đình khiêm tốn làm nghề dệt. Là con thứ 5 trong 10 anh em, thánh nhân tỏ ra nhanh nhẹn thông minh có khiếu đối với nghề nghiệp của cha anh và được gởi đi Barcelone trong một xưởng máy lớn. Ban chiều, Ngài dự lớp học Pháp văn, nghiên cứu La văn và luyện nghề ấn loát, không có gì Ngài xao lãng cả. Ơn gọi đi tu sống sâu trong đáy lòng Ngài, kèm theo mọi hành động và sắp trở thành mạnh mẽ nhất: cuối cùng Ngài đã bước qua cổng chủng viện ở Vich năm 1829.
Trước tâm hồn phong phú của thánh nhân, Đức cha Corcue ra đã rút ngắn chương trình thần hoc. Ngài thụ phong linh mục 6 năm sau và cử hành thánh lễ đầu tiên tại giáo xứ Ngài đã được rửa tội. Được cử làm cha sở, Ngài đã thánh hóa địa hạt của mình. Nhưng việc tông đồ của Ngài cần một điạ hạt rộng lớn hơn. Ngài đi Roma, muốn gia nhập dòng Tên nhưng một vết thương ở chân buộc Ngài từ bỏ ý định trở về Tây Ban Nha. Bản chất nóng nảy của Ngài tỏ lộ những ân huệ siêu nhiên mới, tài hùng biện thánh của Ngài tăng bội số những cuộc trở lại, chủ đề được ưa chuông của Ngài là: đường thẳng và chắc để về trời” và ngày càng thêm nhiều người dấn thân vào đường hẹp sỏi đá mở ra ánh sáng. Đức Trinh Nữ hình như hiện diện khi Ngài trình bày các bổn phận của bậc sống nhạt nhẽo nhưng có nét đẹp ẩn giấu trước mặt Chúa, các từ bỏ liên tiếp… Ngài đã đi giảng như vậy qua một tỉnh với hành trang gồm có cuốn sách Thánh Kinh và sách nguyện gói trong khăn, Ngài từ chối tất cả tiền bạc, ngủ dưới vòm trời, giải tội ngày đêm và dâng lễ khi ánh sao cuối cùng vừa lặn. Ngài đã đặt tay chữa bệnh, chiêm ngắm các cuộc hiện ra.
Antôn rất gần gũi tự do đến nỗi đã gây nên những ghen tương, những lời chế nhạo ngắt ngang bài giảng của Ngài. Mạng sống bị đe dọa, Ngài phải giã từ quê hương thân yêu để rồi chỉ trở lại 15 năm sau để được đề cử và tấn phong Tổng giám mục Santiago, Cuba, tại nhà thờ chính toà Vich, Ngài đã dùng khoảng thời gian giao thời này để Phúc âm hoá các đảo Camari và đặt nền móng tu hội thừa sai Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ, Ngài nỗ lực dưới mọi hình thức để cứu vớt các linh hồn. Đây là lúc Ngài thêm danh hiệu MARIA vào tên mình.
Vị tổng giám mục truyền giáo cập bến, Ngài sắp gặp thấy một giáo xứ đầy thương tâm gồm một ít linh mục thiếu học nghèo túng, Ngài thiết lập một nhóm học hiểu biết và tiếp tục vai trò người bao bọc vì Chúa Kitô, Ngài mất 6 năm để rảo qua các điạ phận mênh mông của mình, những con số sau đây nói lên hoạt động của Ngài: 11.000 bài giảng, 120.000 lễ Thêm sức, 40.000 phép rửa tội, 12.000 lễ hôn phối. Còn mệt nhọc hơn cả những khó khăn trên đường, thánh nhân hòa mình với các bệnh nhân ngã gục vì dịch tả. Các chủ nhân buôn bán nô lệ tố cáo Ngài đã xúi giục các người bị tàn phá nổi loạn. Mười lăm lần Ngài đã thoát chết. Ngài mơ lập một trường nông nghiệp nhưng gặp những chống đối mạnh mẽ.
Theo lời thỉnh cầu của hoàng hậu Isabelle II, đức giáo hoàng đã cử thánh Antôn Maria làm tuyên úy cho bà. Ngài nhận lời sau nhiều do dự, với điều kiện là sẽ đứng ra ngoài mọi chuyện chính trị và không sống trong hoàng cung. Từ Maddrid, Ngài tiếp tục cai quản Cuba. Nhưng sự ghen tương không dứt. Sự vu khống đã đưa đến chỗ các kẻ thù ký tên khả kính của Ngài dưới những danh sách bần tiện, trong khi chính Ngài đã là tác giả xây dựng của 150 pho sách hay những tập rời. Cuộc cách mạng đã xua đuổi hoàng hậu tới Pan, rồi Paris là nơi cha giải tội đã theo bà và lo lắng cho thuộc điạ Tây ban Nha và vẫn theo đuổi phát triển của tu hội truyền giáo, Ngài dự cộng đồng bàn về giáo thuyết bất khả ngộ của tòa thánh. Sự ghen ghét của những thù địch người Tây ban Nha theo đuổi Ngài mãi. Thánh nhân một thời rút lui về một trong những nhà dòng của Ngài ở Prades, rồi ở L’Audes, nơi các thày dòng Xitô ở Phontfroide là nơi không hề phàn nàn kêu trách năm 1870.
Antôn Maria Claret vị thánh rất tân thời đã tỏ ra là nhà tiên phong với nhà sách đạo của Ngài. Trước khi có các tu hội triều ngày nay, Ngài đã sáng nghĩ ra “các nữ tu tại gia” là học giả uyên bác, Ngài đã xếp các văn sĩ có giá trị, các nghệ sĩ công giáo vào “hàn lâm viện thánh Micae”.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 29 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: Eph 3:2-12; Lk 12:39-48.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Rao giảng Tin Mừng là một đặc quyền.
Hiểu biết được Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa là một đặc ân vì không phải ai cũng có thể biết và hiểu được. Một khi đã hiểu biết Mầu Nhiệm Cứu Độ, con người nắm được chìa khóa vào Nước Trời. Nhưng nhiệm vụ của những người đã hiểu biết là phải rao giảng Mầu Nhiệm Cứu Độ này cho người khác. Trong Bài đọc I, Thánh Phaolô coi đó như một đặc quyền được rao giảng Mầu Nhiệm Cứu Độ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khen thưởng những người biết trung thành phân phối Mầu Nhiệm Cứu Độ cho người khác; đồng thời, Chúa cũng cảnh cáo những người bất trung, lười biếng không chịu phân phối Mầu Nhiệm Cứu Độ cho mọi người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Mầu nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa được thực hiện và mặc khải qua Đức Kitô.
1.1/ Đức Kitô mặc khải Mầu nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa cho các Tông Đồ và Thánh Phaolô: Trong 4 Phúc Âm, chính Chúa Giêsu mặc khải cho các Tông Đồ về Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa. Tuy Phaolô không thuộc Nhóm Mười Hai và không được mặc khải bởi Chúa Giêsu khi Ngài còn mang thân xác con người, nhưng Phaolô cũng được mặc khải về Mầu Nhiệm này bởi chính Đức Kitô Phục Sinh. Mầu nhiệm đó là: trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các Dân Ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.
Hiểu được Mầu Nhiệm Cứu Độ là một đặc ân Chúa ban, vì không phải ai cũng có thể hiểu được Mầu Nhiệm đó, như lời Thánh Phaolô nói: “Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thánh Thần mà mặc khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Người.”
1.2/ Đức Kitô đã trao phó cho Phaolô nhiệm vụ phân phát ân sủng qua việc rao giảng Tin Mừng: Đức Kitô Phục Sinh không chỉ mặc khải Mầu Nhiệm Cứu Độ cho Phaolô mà Ngài còn sai ông đi rao giảng Mầu Nhiệm Cứu Độ này cho các Dân Ngọai: “Tôi đã trở nên người phục vụ Tin Mừng đó, nhờ ân sủng đặc biệt Thiên Chúa ban cho tôi, khi Người thi thố quyền năng của Người.”
Thánh Phaolô ý thức được sở dĩ Ngài được mặc khải và được sai đi để rao giảng Mầu Nhiệm Cứu Độ, không phải vì công đức của Ngài, nhưng hòan tòan vì lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài thú nhận: “Tôi là kẻ rốt hết trong toàn thể dân thánh, thế mà Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Kitô, và soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài.”
Một câu truyện có thể dùng để nói lên cảm nghĩ của Thánh Phaolô khi được Thiên Chúa sai đi rao giảng Mầu Nhiệm Cứu Độ: Nhà điều khiển hòa tấu lừng danh Toscanini nói với anh nhạc công đang sửa sọan hòa tấu nhạc Beethoven: Tôi chẳng là gì, anh cũng chẳng là gì, nhưng chúng ta hãy cố gắng để cho những giòng nhạc của thiên tài Beethoven được trào dâng.
2/ Phúc Âm: Ông chủ trao cho người quản gia sản nghiệp và ban quyền phân phát.
2.1/ Ông chủ trao cơ nghiệp và quyền phân phát cho người quản gia: Người quản gia là người được ông chủ chọn; tuy ông có quyền trên các đầy tớ khác nhưng đối với chủ, ông vẫn là một đầy tớ. Nhiệm vụ của quản gia là coi sóc mọi sự trong nhà và mọi đầy tớ khi chủ vắng mặt; trong đó có nhiệm vụ cung cấp của ăn cho các gia nhân đúng giờ đúng lúc. Nhưng ai là quản gia trong câu truyện Chúa muốn nói ở đây?
Bấy giờ ông Phêrô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín và khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?” Câu trả lời của Chúa Giêsu muốn ám chỉ các Tông Đồ. Các ông là những người được Chúa Giêsu tin tưởng, huấn luyện, và sai đi để rao giảng Tin Mừng. Các ông phải chịu trách nhiệm với Chúa về những người mà Chúa sai các ông đến để rao giảng. Nhưng câu trả lời cũng có thể mở rộng đến các Kitô hữu.
2.2/ Thái độ của người quản gia: Ông có thể rơi vào một trong 2 thái độ:
(1) Thái độ trung thành và phần thưởng: Người quản gia trung thành là người biết chu tòan nhiệm vụ của mình khi chủ có mặt cũng như lúc chủ vắng mặt. Vì thái độ luôn trung thành nên không lạ khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy. Chúa Giêsu khen: “Thật là phúc cho anh ta. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình.” Ai trung thành trong việc nhỏ thì cũng sẽ trung thành trong việc lớn.
(2) Thái độ bất trung và hình phạt: Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: “Chủ ta còn lâu mới về,” và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín.
Và Chúa Giêsu tuyên án: Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Rao giảng Tin Mừng là một đặc quyền chứ không phải chỉ là bổn phận. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta thấu hiểu Mầu Nhiệm Cứu Độ và Ngài sai chúng ta đi phân phát ân sủng bằng việc rao giảng Tin Mừng.
– Không phải công ơn của chúng ta cũng chẳng phải sự xứng đáng của người nghe, nhưng hòan tòan là do tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa mà chúng ta thấu hiểu được Mầu Nhiệm Cứu Độ được thực hiện qua Đức Kitô.
– Vì đã được trao phó kho tàng Tin Mừng, nhiệm vụ của mỗi người được trao là phải trao ban Tin Mừng lại cho những người khác thì sẽ được Thiên Chúa thưởng công xứng đáng. Nhưng nếu chúng ta xao lãng bổn phận để người khác phải hư đi, chúng ta sẽ lãnh nhận hình phạt từ Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************