Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Tư. Thánh Gioakim và Thánh Anna
BÀI ĐỌC I: Xh 16, 1-5. 9-15
“Ta sẽ cho mưa bánh từ trời rơi xuống”.
Bài trích sách Xuất Hành.
Con cái Israel rời bỏ Êlim và đến hoang địa gọi là Sin, nằm giữa Êlim và Sinai, nhằm ngày mười lăm tháng hai, kể từ khi rời bỏ đất Ai-cập. Toàn thể cộng đoàn con cái Israel kêu trách Môsê và Aaron, họ nói với hai ông rằng: “Thà chúng tôi chết trong đất Ai-cập do tay Chúa, khi chúng tôi ngồi kề bên nồi thịt và ăn bánh no nê. Tại sao các ông dẫn chúng tôi lên sa mạc này, để cả lũ phải chết đói như vầy?” Chúa liền phán cùng Môsê rằng: “Ðây Ta sẽ cho bánh từ trời rơi xuống như mưa: dân chúng phải đi lượm bánh đủ ăn mỗi ngày, để Ta thử coi dân có tuân giữ lề luật của Ta hay không. Nhưng mỗi ngày thứ sáu phải lấy gấp đôi phần mình quen lượm hằng ngày”. Môsê nói cùng Aaron rằng: “Hãy ra lệnh cho toàn thể cộng đoàn con cái Israel biết: Phải đến trước mặt Chúa, vì Người đã nghe lời các ngươi kêu trách rồi”. Ðang khi Aaron nói cùng toàn thể cộng đoàn con cái Israel, họ nhìn về phía sa mạc, thì đây vinh quang của Chúa hiện ra trong đám mây. Và Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ta đã nghe tiếng kêu trách của con cái Israel; ngươi hãy nói với họ rằng: “Chiều nay các ngươi sẽ ăn thịt, và sáng mai sẽ ăn bánh no nê, như thế các ngươi sẽ nhận biết rằng Ta là Thiên Chúa các ngươi”. Chiều hôm ấy, có chim cút bay tới che rợp các trại, và sáng hôm sau có sương sa xuống quanh trại. Tới lúc sương tan trên mặt đất, thì thấy có vật gì nho nhỏ tròn tròn như hột sương đông đặc trên mặt đất. Con cái Israel thấy vậy, liền hỏi nhau rằng: “Man-hu”, có nghĩa là “Cái gì vậy?”, vì họ không biết là thứ gì. Môsê liền nói với họ: “Ðó là bánh do Chúa ban cho anh em ăn”.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 77, 18-19. 23-24. 25-26. 27-28
Đáp: Chúa đã ban cho họ được bánh bởi trời (c. 24b).
1) Họ đã thử thách Thiên Chúa trong lòng, bằng cách đòi lương thực theo sở thích. Họ buông lời nói nghịch cùng Thiên Chúa, rằng: “Thiên Chúa dọn được bàn ăn trong hoang địa này chăng?”
2) Nhưng Người đã ra lệnh cho ngàn mây trên cõi cao xanh, và Người đã mở rộng các cửa trời, Người đã làm mưa Manna xuống để họ ăn, và Người ban cho họ được bánh bởi trời.
3) Con người được ăn bánh của những bậc hùng anh; Người đã ban cho họ lương thực ăn tới no nê. Người đã khiến gió đông từ trời nổi dậy, và trổ quyền năng dẫn luồng gió Nam thổi tới.
4) Người làm cho thịt mưa xuống trên họ như thể bụi tro, và những loài cầm điểu rơi xuống tựa hồ cát biển. Chúng đã rơi rớt vào trong dinh trại, chung quanh mọi nơi cư xá của họ.
ALLELUIA: Ga 14, 23
All. All. – Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. – All.
PHÚC ÂM: Mt 13, 1-9
“Nó sinh hoa kết quả gấp trăm”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Ngày ấy, Chúa Giêsu ra khỏi nhà và đi đến ngồi ở ven bờ biển. Dân chúng tụ tập quanh Người đông đảo đến nỗi Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Và Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói: “Này đây, có người gieo giống đi gieo lúa. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất. Có hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều đất. Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên nó khô héo. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt. Có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả, có hạt được một trăm, có hạt được sáu mươi, hạt ba mươi. Ai có tai để nghe, thì hãy nghe”.
Đó là lời Chúa.
(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)
++++++++++++++++++
26/07/2023 – THỨ TƯ TUẦN 16 TN
Th. Gio-a-kim và An-na, song thân Đức Ma-ri-a
Mt 13,1-9
GIEO HẠT GIỐNG TRONG HY VỌNG
“Người gieo giống ra đi gieo giống. Có hạt rơi xuống vệ đường… có hạt rơi trên nơi sỏi đá… có hạt rơi vào bụi gai… có hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục.” (Mt 13,1-9)
Suy niệm: Có thể nói không ai sống với niềm hy vọng cho bằng nhà nông. Ra đi gieo giống với bao bất trắc có thể xảy ra, từ lúc hạt giống được gieo vãi, nẩy mầm, mọc lên, tới khi trổ đòng đòng, thậm chí lúc kết hạt, vẫn có thể trắng tay. Thế nhưng, nhà nông vẫn luôn hy vọng vào một mùa bội thu. Chính niềm hy vọng đó khiến nhà nông ra đi gieo giống và tiếp tục gieo giống. Đức Giê-su nói với ta rằng đó chính là tâm trạng của Thiên Chúa khi gieo hạt giống Lời Ngài vào thửa ruộng tâm hồn của ta, dù bao bất trắc đe dọa số phận mong manh của hạt giống: sự hời hợt nông cạn, tính lơ đễnh chểnh mảng, lòng đam mê của cải vật chất, thú vui trần thế… Thế nhưng, Thiên Chúa tin tưởng rốt cuộc, mùa gặt sẽ dồi dào phong phú.
Mời Bạn: Xét xem số phận hạt giống Lời Chúa nơi thửa ruộng tâm hồn bạn: hạt giống cứ trơ ra không chút tác động, chỉ tác động sơ sơ, bị những đam mê trần thế làm chết ngạt, hay được trân trọng chăm sóc bằng việc quan tâm đọc, suy niệm và sống mỗi ngày. Tâm hồn tôi đang thuộc loại đất gì? Tôi sẽ làm gì để biến thửa ruộng tâm hồn thành đất tốt?
Sống Lời Chúa: Chọn một câu Lời Chúa làm hạt giống cho vụ mùa hôm nay của bạn và nỗ lực thực hành Lời ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin biến đổi thửa ruộng tâm hồn chúng con thành loại đất tốt, nhờ vậy, hạt giống Lời Chúa sẽ sinh hoa kết hạt, đem lại nhiều lợi ích thiêng liêng cho tâm hồn.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Nơi bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu kể dụ ngôn người gieo giống.
Trước hết Ngài kể dụ ngôn này cho dân chúng và môn đệ (Mt 13,3-8).
Sau đó Ngài giải thích riêng cho môn đệ về ý nghĩa của dụ ngôn này
khi họ đến gần Ngài (Mt 13,18-23).
Dụ ngôn Ngài kể rất gần gũi với cuộc sống của người đương thời.
Câu chuyện về một người gieo hạt giống ở những loại đất khác nhau,
nên chúng cũng mang lại những hiệu quả khác nhau.
Có những hạt rơi trên vệ đường, đất cứng nên hạt nằm chơ vơ ở trên.
Chúng dễ dàng làm mồi cho lũ chim trời đến ăn mất.
Có những hạt rơi trên sỏi đá, chỉ có một lớp đất mỏng ở trên.
Chúng mọc ngay, nhưng không sao bén rễ sâu được.
Lớp đá sỏi khiến rễ không hút đủ nước để nuôi cây.
Khi nắng nóng nổi lên, cây lúa bị cháy rụi và chết khô.
Có những hạt rơi trên bụi gai.
Cây lúa mọc lên, nhưng bụi gai lại mọc lên mạnh hơn lúa,
lấn át và làm cây lúa không lớn lên được và bị chết nghẹt.
Cả ba trường hợp trên đều cho thấy sự thất bại.
Các hạt giống rốt cuộc chẳng đem lại được gì.
May mắn thay có những hạt rơi vào đất tốt.
Đất không quá cứng, không sỏi đá, không bụi gai.
Những hạt này đã đem lại mùa bội thu vượt quá lòng mong đợi.
Một hạt thành gấp trăm, gấp sáu mươi hay gấp ba mươi.
Dụ ngôn Đức Giêsu kể cho đám đông dân chúng chỉ có thế.
Sau đó Ngài giải thích cho các môn đệ để họ hiểu (Mt 13,18-23).
Đức Giêsu chính là người gieo hạt giống.
Hạt giống là lời giáo huấn của Ngài.
Mỗi loại đất tượng trưng cho tâm hồn của một hạng người.
Có loại tâm hồn “vệ đường” cứng cỏi, khép kín, không chịu đón nhận.
Có thể xếp một số người trong nhóm Pharisêu vào loại này.
Họ đã tố cáo Đức Giêsu là liên minh với quỷ (Mt 9,34; 12,24).
Một số người ở các thành vùng Galilê cũng thuộc hạng người này,
vì họ đã không chịu hoán cải khi nghe Đức Giêsu (Mt 11,20-24).
Có loại tâm hồn “sỏi đá” nông nổi nhất thời, không bám rễ sâu trong đất.
Khi nghe lời của Đức Giêsu, họ lập tức đón nhận với niềm vui.
Nhưng khi gặp thử thách, bách hại, thì họ tháo lui và vấp ngã.
Đây là hình ảnh của đám đông chạy theo Đức Giêsu khi Ngài thành công,
Nhưng chẳng ai thấy họ trong những ngày Ngài bị bắt.
Có loại tâm hồn “bụi gai” làm cho lời Đức Giêsu bị bóp nghẹt.
Gai là nỗi lo âu chuyện đời và mê đắm danh vọng của cải.
Anh thanh niên giàu có đã không thể đáp lại lời mời của Đức Giêsu,
không phải vì có nhiều của cải, mà vì gắn bó với của cải quá mức.
Cả ba loại người trên đều nghe lời của Đức Giêsu,
nhưng lời ấy bị thui chột, không sinh được hoa trái nào.
Chỉ ai có tâm hồn “đất tốt” mới thật sự nghe và hiểu, rồi sinh trái.
Là môn đệ của Đức Giêsu, họ đã mở lòng đón nhận hạt giống.
Mùa bội thu lớn lao mà họ đem lại khiến ta có niềm lạc quan vô bờ.
Lời Đức Giêsu tung gieo sẽ thành công mỹ mãn,
bất chấp việc có những hạt giống rơi vào chỗ không phù hợp.
Qua dụ ngôn này, Giáo Hội sơ khai hiểu Đức Giêsu muốn nhắn nhủ gì.
Và đối với chúng ta, bài học của dụ ngôn vẫn không mất đi tính hiện đại.
Lời Chúa đã được gieo vào tim ta lại bị ác thần cướp mất.
Lời Chúa được đón nhận hời hợt và nông cạn nên chẳng biến đổi gì.
Lời Chúa bị bóp nghẹt bởi lo lắng cơm áo gạo tiền, bởi đam mê vật chất.
Làm sao để cải tạo mảnh đất tâm hồn mình?
Làm sao để mảnh đất của mình mềm hơn, ít sỏi đá và gai góc hơn?
Có được tâm hồn như mảnh đất tốt không phải là chuyện tự nhiên.
Cần cộng tác với ơn Chúa để từ từ cải tạo mảnh đất của trái tim (Mt 13,19).
Cầu Nguyện:
Lạy Cha,
sống là tìm kiếm.
Mỗi người chạy theo điều mình đang mải mê kiếm tìm.
Chúng con tự hỏi mình đang tìm kiếm gì, tìm kiếm ai,
đâu là hướng đi, đâu là lý tưởng đời mình.
Chúng con thấy rằng những giá trị của thế gian
chiếm chỗ lớn trong những ước mơ của chúng con.
Tiền bạc , danh vọng, khoái lạc, quyền lực
vẫn là những điều làm chúng con ngây ngất say mê.
Cha vẫn không có chỗ cao nhất trong cuộc đời của chúng con.
Lạy Cha, xin ban cho chúng con ơn hoán cải.
Xin đánh thức chúng con khỏi cơn mê.
Xin làm cho chúng con tỉnh ngộ để nhận ra giá trị đích thực.
Xin dạy chúng con biết kiếm tìm Cha,
Vì chỉ có Cha mới thật sự đong đầy
những ước mơ sâu kín của chúng con,
và cho chúng con được hạnh phúc viên mãn.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
26 THÁNG BẢY
Thiên Chúa Muốn Thiết Lập Vương Quyền Của Ngài Trong Đời Sống Chúng Ta
Từ những suy tư rút ra từ các Thư của Thánh Phao-lô như trên, chúng ta có thể hiểu hơn giáo huấn của Đức Kitô về sự quan phòng bao trùm mọi sự của Cha trên trời (Mt 6,25-34 và Lc 12,22-31): “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, rồi các thứ khác sẽ được ban thêm cho” (Mt 6,33; Lc 12,31).
Nói “trước hết”, Đức Giêsu cho thấy rõ Thiên Chúa muốn gì trước hết nơi mỗi chúng ta. Điều mà Thiên Chúa nhắm đến trước hết trong công cuộc sáng tạo thế giới, điều mà Ngài ao ước ở chung cuộc của thế giới chính là thiết lập “Nước của Ngài và sự công chính của Ngài” trong đời sống chúng ta. Toàn thể thế giới đã được tạo thành trong định hướng qui về Vương Quốc này. Thế giới được tiền định để đạt tới sự viên mãn của nó nơi con người và nơi lịch sử của con người trong thời gian của Thiên Chúa. Vương quyền của Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, đó là điều mà thế giới và con người được tiền định từ đời đời trong Đức Kitô.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 26-7
Thánh Joachim và Thánh Anna, song thân Đức Maria
Xh 16, 1-5.9-15; Mt 13, 1-9.
Lời suy niệm: “Hôm ấy, Đức Giêsu từ trong nhà đi ra, ngồi ven Biển Hồ. Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ, Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.
Trong chương mười ba Tin Mừng của Thánh Mátthêu, thánh sử thu gom tất cả những dụ ngôn mà Chúa Giêsu dùng để giảng dạy: về Lời của Thiên Chúa, và Nước của Ngài; hầu giúp cho những con người đi theo Người nghe giảng dạy, biết nhận thức mà tìm kiếm Nước Trời và biết hoán cải đời sống, để được thuộc về Nước Trời.
Lạy Chúa Giêsu. Với đám đông, Chúa dùng dụ ngôn mà nói với họ; còn đối với các Tông Đồ của Chúa thì Chúa đã dành để thời gian gần gủi và riêng tư mà giải thích những dụ ngôn, giúp các Tông Đồ hiểu rõ hơn. Xin Chúa ban Thánh Thần của Chúa đến với chúng con trong cầu nguyện cũng như những lúc chúng con đọc và suy niệm Lời Chúa để chúng con sống đẹp ý Chúa hơn. Amen
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 26-07: Thánh GIOAKIM VÀ ANNA
Phụ Mẫu Của Đức Trinh Nữ Maria
Chúng ta không biết chắc được điều gì về cha mẹ của Đức Trinh Nữ. Những điều liên quan tới các Ngài mà chúng ta biết được là do các ngụy thư, đầy tính chất hoang đường. Khi óc tò mò của dân chúng không được thỏa mãn với các chi tiết thánh kinh và thánh truyền cung ứng cho, thì óc tưởng tượng đã lấp đầy khoảng trống.
Cuốn ngụy thư “Phúc âm thánh Giacôbê”, một văn nguồn vào thế kỷ thứ II, có nhiều chỉ dẫn liên quan đến cha mẹ và cuộc đời thơ ấu của Đức Trinh nữ. Những chỉ dẫn này rất giống câu chuyện về tuổi trẻ của Samuel trong sách ISm 1-2. Các học giả cho rằng chúng chỉ cho là một sự bắt chước, chính danh xưng Anna cũng không có gì chắc chắn vì nó trùng với tên mẹ tiên tri Samuel.
Dường như khuôn mặt Gioakim cũng dựa một phần vào người chồng của Suzana trong sách Daniel 13. Cần phải nhớ rằng thánh Luca khi dùng những chương sách ISm làm khung cho bản tường thuật về cuộc sinh hạ và tuổi trẻ của thánh Gioan Tẩy giả, Ngài đã cẩn thận dùng sự kiện lịch sử để bảo đảm sự sống đời này.
Tuy nhiên nét đẹp của câu chuyện, như hầu hết các truyện thần thoại khác, đều có giá trị biểu trưng của nó, truyện kể rằng ông bà Gioakim và Anna son sẻ. Đây là một thử thách lớn lao đối với các Ngài. Nhưng một thiên thần đã báo cho biết họ sinh một con trẻ, họ sẽ đặt tên là Maria và cung hiến cho Thiên Chúa. Nếu các Ngài chọn đau khổ là vì mọi đóng góp vào công cuộc cứu rỗi đều bao hàm sự chia sẻ thánh giá với Chúa Kitô.
Đàng khác, sự son sẻ của Anna gợi lên chủ đề quen thuộc trong Cựu ước, theo đó con trẻ là quà tặng của Thiên Chúa. Điều này được nhấn mạnh đặc biệt trong truyền thống về các tổ phụ Isaac, Giacob và Giuse về quan án Samson và tiên tri Samuel. Các Ngài đều sinh ra bởi các bà mẹ không có hy vọng sinh con. Định mệnh của Thiên Chúa chỉ bởi Thiên Chúa mà thôi.
Người Israel chân chính viết rằng mình không thể tự mãn được và phải tùy thuộc vào sáng kiến của Thiên Chúa. Huyền thoại đặt cuộc sinh hạ của Đức trinh Nữ Maria vào dòng tư tưởng này như cao điểm của chủ đề và sự bất lực của con người trước uy quyền của Thiên Chúa.
Việc tôn sùng thánh Anna có từ thế kỷ thứ VI bên Đông phương vào đầu thế kỷ VIII bên Roma. Cuối thời Trung Cổ, lòng sùng kính lan rộng khắp Au Châu. Dường như năm 1382 do sự khẩn nài của nước Anh, lễ kính Ngài lần đầu tiên được mừng hàng năm. Nhưng chỉ mới từ hai thế kỷ gần đây lễ này mới được ghi vào lịch chung Roma.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
26 Tháng Bảy
Vết Sẹo Nơi Bàn Chân
Ông Khấu Chuẩn, người đời nhà Tống, đất Hạ Bì, lúc nhỏ là một cậu bé lêu lổng, ham chơi. Bà mẹ vốn là người nghiêm khắc, nên thường hay quở phạt ông. Tuy nhiên, tính nào vẫn tật ấy, Khấu Chuẩn vẫn không thay đổi. Một hôm, ông trốn học đi chơi, bà mẹ giận quá cầm quả cân ném phải chân ông, máu chảy đầm đìa… Từ đó, ông đã bỏ hẳn tính lêu lổng phóng túng, chỉ lo chuyên cần học tập. Về sau đỗ đạt, ông được bổ làm tể tướng. Mỗi khi sờ đến vết sẹo ở bàn chân, ông khóc nức nở: “Chính vết thương này đã làm ta nên người”.
Sống là một cuộc chiến đấu không ngừng. Thương tích dường như là một điều thiết yếu trong cuộc sống. Vấp ngã là điều thường tình trong thân phận con người. Chúng ta không nhìn lại những vết sẹo trong tâm hồn để nuối tiếc quá khứ, nhưng để nhận rõ dấu chỉ của một tình thương bao la cao cả hơn. Phải, Thiên Chúa mạnh hơn sự chết và tội lỗi của con người. Nói như thánh Phaolô: nơi nào tội lỗi càng nhiều, nơi đó ân sủng của Chúa càng dồi dào.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư – Tuần 16 – TN1 – Năm lẻ.
Bài đọc: Exo 16:1-5, 9-15; Mt 13: 1-9.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Người ta sống không phải chỉ nhờ cơm bánh.
Nhu cầu ăn uống tuy là nhu cầu căn bản của con người; nhưng không phải là tất cả nhu cầu của cuộc sống con người. Cám dỗ của ma quỉ xưa cũng như nay là làm cho con người giản đơn tất cả cuộc đời vào nhu cầu ăn uống này, như chúng đã từng cám dỗ Chúa Giêsu trong sa mạc: “Ông hãy biến những hòn đá này thành bánh, thì người ta sẽ tin và theo ông.” Chẳng lạ gì mà rất nhiều người thời nay dành hầu như trọn ngày cho nhu cầu này: lao động, mua thực phẩm, nấu nướng, ăn uống … đến nỗi chẳng còn thời giờ cho các nhu cầu tâm linh, trí tuệ, và tình cảm!
Các Bài Đọc hôm nay cho hai ví dụ tương phản của những người tìm vật chất và người tìm Chúa. Trong Bài Đọc I, chỉ mới một tháng sau biến cố xuất hành qua Biển Đỏ, dân Israel đã quên tình thương và uy quyền của Thiên Chúa, và họ nhớ những đồ ăn thức uống bên Ai-cập. Họ than phiền với ông Moses: “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai-cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!” Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói với dân một dụ ngôn quan trọng về tiềm năng và sức mạnh của Lời Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hiểu biết về Thiên Chúa giúp con người tránh được tầm nhìn thiển cận.
1.1/ Cái nhìn thiển cận của con người: Những lời ta thán của con cái Israel cho chúng ta thấy họ đã quên đi mục đích, tình thương, và uy quyền của Thiên Chúa; mà chỉ còn bận tâm đến
nhu cầu ăn uống của con người. Một sự nhìn lại sẽ cho ta thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề:
(1) Mục đích: Thiên Chúa giải phóng dân Israel khỏi làm nô lệ cho người Ai-cập là để phục hồi nhân phẩm và đem dân vào Đất Hứa mà Ngài đã hứa với các Tổ-phụ. Trước khi cho dân vào Đất Hứa, Ngài đem dân vào sa mạc để thử thách đức tin và thanh luyện mọi tính hư tật xấu. Cuộc sống của dân Israel lang thang trong sa mạc 40 năm có thể ví như cuộc đời dương thế của mỗi người. Thiên Chúa muốn con người chứng tỏ cho Ngài thấy niềm tin yêu của họ vào Thiên Chúa, qua những đau khổ và thử thách, để xứng đáng được vào Đất Hứa là Thiên Đàng mai sau.
Thời gian cần thiết để con người nhận ra sự quan trọng của mục đích và để thanh luyện. Thiên Chúa muốn con người phải chờ đợi và chứng tỏ họ xứng đáng để được vào Đất Hứa; trong khi con người lại muốn được vào ngay.
(2) Tình thương: là động lực thúc đẩy Thiên Chúa quan tâm đến những khổ cực mà con cái Israel phải chịu. Vì tình thương, Thiên Chúa muốn cứu thoát họ khỏi cảnh làm nô lệ cho người Ai-cập, và cõng họ trên vai như đại bàng cõng con qua Biển Đỏ. Khi than trách Thiên Chúa và ham muốn “có bánh ăn và ngồi bên nồi thịt” hơn là được tự do thờ phượng Thiên Chúa, họ đã khinh thường kế hoạch cứu độ và nghi ngờ tình thương của Thiên Chúa dành cho họ.
(3) Uy quyền của Thiên Chúa: Dân Israel đã chứng kiến không biết bao nhiêu phép lạ Thiên Chúa tỏ uy quyền trên người Ai-cập, nhất là phép lạ Chúa cho họ qua Biển Đỏ an toàn trong khi toàn bộ quân đội Ai-cập bị nhận chìm trong Biển Đỏ. Nếu Thiên Chúa có thể làm những phép lạ huy hòang như thế, việc cung cấp cho dân có của ăn thức uống trong sa mạc thấm chi đối với Ngài. Lẽ ra thay vì mở miệng than trách những lời đau lòng Thiên Chúa, họ biết quỳ gối xuống cầu nguyện xin Người cho bánh ăn, thì kết quả sẽ tốt đẹp chừng nào!
(4) Thử thách: là cơ hội để con người chứng tỏ niềm tin. Nếu con cái Israel hiểu biết những điều trên và luôn suy niệm trong lòng, họ sẽ lợi dụng thử thách để tăng cường niềm tin và chứng tỏ niềm tin yêu của họ vào Thiên Chúa; chứ không càm ràm, khó chịu, và thốt lên những lời độc địa xúc phạm đến Thiên Chúa, làm nản chí các nhà lãnh đạo, và gây gương mù cho người khác. Hơn nữa, dù không muốn bị thử thách và chịu đau khổ, họ vẫn phải ngang qua tiến trình đó, vì thử thách nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Nếu họ có thái độ tích cực và lạc quan hơn để xin sức mạnh của Thiên Chúa, họ có thể vượt qua thử thách và trở thành những người có bản lãnh hơn, vì gian nan rèn nhân đức.
1.2/ Thiên Chúa có dư quyền năng để cung cấp thực phẩm cho dân trong sa mạc: Đức Chúa phán với ông Moses: “Ta đã nghe tiếng con cái Israel kêu trách. Vậy, ngươi hãy bảo chúng rằng: Vào buổi chiều, các ngươi sẽ được ăn thịt, và ban sáng, các ngươi sẽ được ăn bánh thoả thuê, và các ngươi sẽ biết rằng Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi.”
Chúa nói và Chúa giữ lời. Ngài tìm được bánh ăn và thịt cho dân trong sa mạc, nơi không một cây cỏ nào có thể sống được. Điều này Ngài muốn chứng minh cho con người: Không chuyện gì là không thể đối với Thiên Chúa. Con người đừng thử thách uy quyền của Ngài.
(1) Chim cút: Để cho dân có thịt ăn, “buổi chiều, chim cút bay đến rợp cả trại.” Thiên Chúa là Đấng dựng nên và điều khiển muôn loài. Theo sự quan phòng khôn ngoan, Ngài có thể truyền lệnh cho bất kỳ tạo vật nào, chúng phải vâng theo lệnh của Ngài.
(2) Manna: Để co dân có bánh ăn, buổi sáng thì có lớp sương phủ quanh trại. Khi sương tan đi thì trên mặt hoang địa, có một thứ gì nho nhỏ mịn màng, nho nhỏ như sương muối phủ mặt đất. Khi con cái Israel thấy thế, họ liền hỏi nhau: “Manhu?” có nghĩa: “Cái gì đây?” Vì họ không biết đó là cái gì. Ông Moses bảo họ: “Đó là bánh Đức Chúa ban cho anh em làm của ăn!” Manna là hình bóng của Bí-tích Thánh Thể: Nếu Thiên Chúa có thể nuôi phần xác của dân bằng việc cho manna rơi từ trời xuống trong sa mạc, Chúa Giêsu có thể nuôi sống phần hồn của con người bằng Bánh Thánh Thể mỗi ngày. Thế mà vẫn còn biết bao con người nghi ngờ sự hiện diện của Chúa trong BT Thánh Thể!
2/ Phúc Âm: Dụ ngôn người gieo giống.
2.1/ Các bài giảng bằng dụ ngôn
Trình thuật hôm nay bắt đầu phần bài giảng thứ ba trong năm bài giảng mà thánh Matthew đã xếp đặt những lời giảng của Chúa Giêsu, theo như Ngũ Thư của Cựu Ước. Phần thứ ba này cũng được gọi là “những bài giảng bằng dụ ngôn.”
Vùng Biển Hồ, nhất là vùng Jezreel, Bashan và Gilead, là nơi rất thích hợp cho việc trồng lúa mì; nên chúng ta có thể nói khán giả của Chúa Giêsu, nếu không hành nghề ngư phủ, cũng là những nông dân. Họ không lạ lẫm gì với việc gieo giống và có thể hiểu ngay theo nghĩa đen những gì Chúa Giêsu muốn nói.
2.2/ Mục đích của Chúa Giêsu: Qua dụ ngôn “Người Gieo Giống,” Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến tiềm năng của Lời Chúa và tâm hồn con người nơi mà Lời Chúa được gieo vào.
Như người gieo giống ra đi gieo hạt, không phải hạt giống nào cũng có cơ hội phát triển tối đa tiềm năng của chúng; nhưng chỉ có những hạt giống rơi vào những thửa ruộng đã được cầy bừa cẩn thận, đất tốt và có nước nhiều. Những hạt giống rơi xuống bên vệ đường sẽ không có cơ hội thối rữa đi, vì chim trời đến ăn mất. Những hạt giống rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Hạt rơi trên đất tốt cũng cho những kết quả khác nhau: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục.
Cũng tương tự như vậy cho hạt giống Lời Chúa. Chúa Giêsu hay các ngôn sứ cũng rao giảng Lời Chúa cho mọi người. Lời Chúa tuy có sức mạnh vô hạn: chỉ lối cho kẻ lạc đường, sửa dạy kẻ mê muội, thanh tẩy các tội lỗi con người, giúp tập tành các nhân đức để càng ngày càng trở nên tinh tuyền thánh thiện; nhưng nó sẽ không thể làm những điều này nơi những kẻ cứng lòng không thèm nghe, những người hững lờ lạnh nhạt, những người quá mê mải sự thế gian đến nỗi không còn thời giờ để học hỏi Lời Chúa!
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta không thể nào đơn giản hóa cuộc sống vào những nhu cầu vật chất, vì con người được Thiên Chúa tạo dựng cho những mục đích cao quí hơn loài vật.
– Chúng ta phải dành thời giờ để học hỏi Lời Chúa và phát triển đời sống tâm linh cũng như trí tuệ, để có thể nhận ra sự thật từ giữa bao cám dỗ sai trái và đạt đích điểm của cuộc đời.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************