Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Tư Tuần III Mùa Thường Niên Năm lẻ
BÀI ĐỌC I: Dt 10, 11-18
“Người đã làm cho những kẻ được thánh hoá nên hoàn hảo đến muôn đời”.
Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.
Trong khi mọi tư tế hằng ngày đứng gần bàn thờ chu toàn chức vụ mình và hiến dâng cũng những ngần ấy của lễ nhiều lần, nhưng không bao giờ xoá được tội lỗi, còn Người khi dâng xong của lễ duy nhất đền tội, đã ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời, và từ đây, Người chờ đợi cho đến khi thù địch bị đặt làm bệ dưới chân Người. Vì chưng, nhờ việc hiến dâng duy nhất mà Người đã làm cho những kẻ được thánh hoá nên hoàn hảo đến muôn đời. Vả chính Thánh Thần cũng đã minh chứng cho chúng ta như thế. Vì sau khi Chúa đã phán: “Này là giao ước Ta sẽ ký kết với chúng sau những ngày ấy”, thì Người còn thêm: “Ta sẽ đặt lề luật Ta trong lòng chúng, và khắc nó vào tâm trí chúng; Ta sẽ không còn nhớ đến những tội lỗi và sự gian ác của chúng nữa”. Vậy nơi nào tội lỗi được thứ tha, thì không còn việc dâng của lễ đền tội nữa. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 109, 1. 2. 3. 4
Đáp: Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê (c. 4bc).
Xướng: 1) Thiên Chúa đã ban bố cùng Chúa tôi rằng: “Con hãy ngồi bên hữu Ta, cho tới khi Ta bắt quân thù làm bệ kê dưới chân Con”. – Đáp.
2) Đức Thiên Chúa từ Sion sẽ phô bày vương trượng quyền bính của Ngài, rằng: “Con hãy thống trị giữa quân thù”. – Đáp.
3) Các thủ lãnh cùng hiện diện bên Con, ngày Con giáng sinh trong thánh thiện huy hoàng: “Trước rạng đông, tựa hồ sương sa, Ta đã sinh hạ ra Con”. – Đáp.
4) Đức Thiên Chúa đã thề và không hối hận rằng: “Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê”. – Đáp.
ALLELUIA: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe: Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 4, 1-20
“Người gieo hạt đi gieo hạt giống”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy ở bờ biển và có đám đông dân chúng tụ lại gần Người, nên Người xuống ngồi trong một chiếc thuyền trên mặt biển, tất cả đám đông thì ở trên đất theo dọc bờ biển. Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều, và khi giảng, Người nói với họ rằng: “Các ngươi hãy nghe! Này người gieo hạt đi gieo hạt giống. Khi gieo, một phần hạt rơi xuống vệ đường và chim trời đến ăn hết. Phần khác rơi trên đất sỏi, nơi không có nhiều đất. Hạt giống đã mọc lên ngay, vì lớp đất không sâu. Nhưng khi mặt trời mọc lên, hạt giống bị nắng đốt và vì không rễ, nên bị chết khô. Một phần khác rơi vào bụi gai, và gai mọc lên làm hạt giống chết và không sinh hoa trái được. Phần hạt khác rơi vào đất tốt, mọc lên, nẩy nở và sinh quả, hạt thì sinh được ba mươi, hạt được sáu mươi, hạt được một trăm”. Và Người phán rằng: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe”.
Khi Người còn lại một mình, thì mười hai ông là những kẻ luôn ở với Người, hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn, Người liền bảo các ông: “Các con được ơn biết mầu nhiệm về nước Thiên Chúa, còn những kẻ khác ở ngoài thì mọi sự được giảng dạy bằng dụ ngôn, vì chúng nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu, kẻo chúng trở lại mà được tha tội”.
Người nói với các ông: “Các con không hiểu dụ ngôn đó sao? Vậy thì hiểu sao được tất cả những dụ ngôn khác? Người gieo hạt là gieo lời Chúa. Vệ đường mà lời Chúa được gieo vào, là những kẻ vừa nghe xong, thì Satan đến và cất lấy lời Chúa gieo trong tâm hồn họ. Và cũng thế, những hạt giống rơi trên đất sỏi là những kẻ khi nghe lời Chúa thì đón nhận vui vẻ, nhưng chúng không đâm rễ bên trong và là những người hay thay đổi: sau đó gặp phải cơ cực hay bắt bớ vì lời Chúa, thì họ sa ngã liền. Lại có những hạt giống rơi trong bụi gai. Đây là những kẻ nghe lời Chúa, nhưng những lo lắng trần tục, sự quyến rũ của giàu sang và những đam mê khác xâm chiếm họ, bóp nghẹt lời Chúa, khiến không thể sinh hoa trái được. Còn những hạt giống gieo trong đất tốt: đó là những người nghe lời Chúa, biết giữ lấy và làm sinh lợi, hạt ba mươi, hạt sáu mươi, và hạt một trăm”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
27/01/2021 – THỨ TƯ TUẦN 3 TN
Th. An-giê-la Mê-ri-si, trinh nữ
Mc 4,1-20
CUNG CÁCH ĐÓN NHẬN LỜI CHÚA
“Ai có tai để nghe thì hãy nghe.” (Mc 4,9)
Suy niệm: Lời Chúa là Lời Hằng sống, nghe bằng đôi tai chưa đủ, còn phải nghe bằng cả trái tim nữa. Chỉ nghe bằng tai thì âm thanh có vang vọng, nhưng sứ điệp, nội dung lắm khi lại không đi vào cõi lòng, tựa như nước đổ đầu vịt. Nghe bằng trái tim, từng âm thanh đi qua đôi tai, sứ điệp, nội dung vang vọng nơi sâu thẳm của cõi lòng, gợi lên những ước ao, khát khao, nôn nao thực hiện, chứ không phải chỉ là âm thanh lao xao bên ngoài. Nghe bằng trái tim cần sự chuẩn bị, việc lắng đọng tâm trí, nhất là sự khao khát vươn tới đỉnh cao toàn thiện. Hiểu biết hai loại nghe như vậy, ta dễ đi vào ý nghĩa của bốn loại người được Chúa phân chia trong bài Tin Mừng hôm nay. Nghe bằng đôi tai sẽ là loại tâm hồn vệ đường, sỏi đá, bụi gai. Chỉ có người nghe với quả tim mới là tâm hồn đất tốt cho Lời Chúa. Khi Chúa phán “ai có tai để nghe thì hãy nghe,” Ngài muốn ta chú ý lắng nghe, không phải bằng thái độ hời hợt, nhưng bằng tâm hồn nhạy bén trước các nhu cầu của đời sống làm con cái, người môn đệ Chúa.
Mời Bạn: Sáng tai họ, điếc tai cày vốn là cố tật của con người. Ước chi hôm nay nghe tiếng Chúa, bạn chớ cứng lòng, nhưng hãy nghe với trọn con tim, để là mảnh đất tốt cho Lời Chúa sinh hoa kết hạt!
Sống Lời Chúa: Bạn đã chọn câu Lời Chúa nào làm kim chỉ nam cho đời sống mình chưa? Mời bạn chọn một câu Lời Chúa để sống mỗi ngày, một câu để định hướng cả đời Ki-tô hữu của mình.
Cầu nguyện: Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài dạy con trong cuộc sống. Xin cho con biết thực hành Lời Chúa đã truyền rao, vì đó là nguồn sức sống của con. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Khi xa nhau, nhớ nhau, người ta thường viết thư cho nhau.
Ngày xưa phải mất nhiều thời gian một lá thư mới đến tay người nhận.
Nhưng nhận được lá thư từ xa thì thật là hạnh phúc.
Có lẽ thánh Phaolô đã viết thư này cho anh Timôthê
khi ngài đang ngồi tù tại Rôma, vào những năm cuối đời.
Ngài viết trong thư như sau: “Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế,
đã đến giờ tôi phải ra đi” (2 Tm 4, 6).
Ngài còn viết: “Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu khổ,
tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi” (2 Tm 2, 9).
Nếu đúng thế, thì lá thư này là một thứ di chúc để lại cho Timôthê,
người môn đệ, bạn đồng hành mà ngài gọi là người con yêu dấu (c. 2).
Đọc những câu đầu của lá thư,
chúng ta thấy tình cảm gắn bó của Phaolô đối với Timôthê,
người mà ngày đêm ngài luôn nhớ đến trong lời cầu nguyện (c. 3).
Phaolô cũng nhớ những giọt nước mắt lúc chia tay của Timôthê (c. 4),
lúc anh vâng lời ở lại Êphêsô, còn Phaolô tiếp tục hành trình (1 Tm 1, 3).
Phaolô vẫn không quên truyền thống đức tin nơi gia đình của anh.
Đức tin được thông chuyển đến Timôthê qua mẹ và bà ngoại.
Tên của hai phụ nữ này Phaolô còn giữ trong ký ức (c. 5).
Xem ra chưa phai mờ bao kỷ niệm thời Timôthê đi chung với Phaolô
trong những cuộc hành trình truyền giáo (Cv 16, 1-4; 19, 22).
Chia sẻ bao buồn vui, nhọc nhằn và nguy hiểm, trên đất liền và biển cả,
Phaolô và Timôthê trở thành những người bạn thân thiết cho sứ mạng.
Khi viết thư cho Timôthê trong vai trò một người giám quản,
phụ trách cộng đoàn Kitô hữu ở Êphêsô,
Phaolô muốn nâng đỡ Timôthê trong lúc anh đang gặp khó khăn.
Có vẻ anh muốn chùn bước trước những người dạy giáo lý sai lạc.
Phaolô đụng ngay vào tính nhút nhát của anh khi nhắc nhở:
“Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một tinh thần nhút nhát,
nhưng một tinh thần mạnh mẽ, yêu thương và tự chủ” (c. 7).
Timôthê cần vượt lên trên sự xấu hổ để làm chứng cho Chúa,
dám chia sẻ sự gian khó để loan báo Tin Mừng (c. 8).
Có một ngọn lửa nào cần khơi dậy nơi Timôthê.
Đối với Phaolô ngọn lửa ấy chính là đặc sủng của Thiên Chúa,
đặc sủng mà Timôthê nhận được khi Phaolô đặt tay trên anh (c. 6),
khi hàng kỳ mục ở Êphêsô đặt tay trên anh (1 Tm 4,14).
Timôthê đã được thụ phong rồi, ngọn lửa đã bừng sáng.
Không thể để khó khăn, nguy hiểm nào làm nó tắt được.
Mừng lễ hai thánh Timôthê và Titô, hai phụ tá của thánh Phaolô,
chúng ta cầu nguyện cho các vị lãnh đạo Giáo Hội trên thế giới.
Khi “dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa” (c. 8),
chúng ta sẽ ra khỏi sự nhút nhát và xấu hổ, sợ hãi và lo âu của mình,
để làm chứng cho Chúa trong một thế giới đầy rối ren và phức tạp.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con ngọn lửa trong Trái tim Chúa,
ngọn lửa của tình yêu Cha và nhân loại.
Xin làm tim con ấm lại mỗi ngày,
nhờ được nghe Chúa nói như hai môn đệ về Emmau,
và được Chúa nuôi bằng bánh ban sự sống.
Xin soi sáng chúng con bằng ngọn lửa rực rỡ
mỗi khi chúng con cầu nguyện hay quyết định.
Xin thanh luyện chúng con bằng ngọn lửa hồng
của những thất bại đắng cay trên đường đời.
Ước gì chúng con luôn có lửa nhiệt thành
để hết lòng phụng sự Nước Chúa,
lửa tình yêu để vượt qua những hận thù đố kỵ.
Lạy Chúa Giêsu,
thế giới hôm nay vẫn bị tối tăm, lạnh lẽo đe dọa.
Xin ban cho chúng con những lưỡi lửa
để chúng con đi khắp địa cầu
loan báo về Tình yêu và gieo rắc Tình yêu khắp nơi. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
27 THÁNG GIÊNG
Bảo Vệ Quyền Lợi Người Lao Động Trong Thời Đại Tự Động Hóa
Hiểu được giá trị trỗi vượt của con người trong môi trường lao động, chúng ta thấy rõ rằng con người không thể bị hy sinh để phục vụ cho hiệu năng của tự động hóa. Vâng, các môi trường lao động hiện đại phải hết sức lưu tâm để bảo vệ quyền làm việc của con người – bằng cách chỉ triển khai loại thay đổi này (tức tự động hóa) sau khi đã vạch kế hoạch kỹ lưỡng. Với thiện chí và với sự tiên lượng tốt, chúng ta có thể giúp cho nhiều người trong số những kẻ mất việc làm do sự thay đổi công nghệ được đào tạo lại và được tái thu dụng vào lực lượng lao động.
Trong tình hình như vậy, ý nghĩa đích thực của nhân vị và của phẩm giá con người phải là mối ưu tiên hàng đầu trong bất cứ trường hợp nào liên can đến sự thu dụng hay chuyển đổi chỗ làm của người lao động. Những người chủ việc phải cố gắng đứng ở vị trí bảo vệ quyền làm việc thích đáng cho mọi công nhân của mình. Tôi đặc biệt đề xuất điều này với các tổ chức công đoàn – là những tổ chức có bổn phận bênh vực quyền lợi của người công nhân. Các công đoàn không thể giới hạn tầm nhìn của mình nơi chỉ một loại công nhân nào đó, nhưng cần phải quan tâm đến phẩm giá của mọi người trong môi trường lao động.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 27/1
Thánh Angêla Mêrici, trinh nữ
Dt 10, 11-18; Mc 4, 1-20.
LỜI SUY NIỆM: “Có hạt rơi vào đất tốt, nó mọc lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm”
Chúa Giêsu gieo vãi Lời Thiên Chúa, không giới hạn số lượng và nơi chốn, bất cứ nơi đâu khi Người gieo Lời đều có sự sống, nhưng tùy vào tâm hồn và hoàn cảnh đón nhận của mỗi người mà có những kết quả khác nhau. Nhưng Chúa vẫn cho biết có những tâm hồn đơn sơ, khao khát sự công chính, đã có sự chuẩn bị để đón nhận, thì sẽ đem lại nhiều kết quả tốt đẹp hơn. Còn đối với những tâm hồn không quan tâm cho đời sống mai sau, thì họ chỉ nghe để mà nghe, họ không tin vào Lời nên không tìm hiểu, không suy gẫm; Hoặc những tâm hồn đầy tham lam ích kỷ, lo lắng sự đời thái quá, hay những tâm hồn không biết hướng thiện; dù có đón nhận cũng sẽ vô ích. Quỷ dữ đến sẽ lấy mất.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa cho chúng con biết muốn đón nhận Lời của Chúa. Chúng con phải có sự chuẩn bị tâm hồn khiêm nhường. Xin Chúa ban cho mỗi thành viên trong gia đình chúng con, biết giúp nhau trong cầu nguyện, giúp nhau trong việc học hỏi Lời Chúa, cùng chia sẽ cho nhau sau những học biết và khám phá trong Kinh Thánh qua giáo huấn của Giáo Hội. Để Lời của Chúa làm cho cuộc đời chúng con ngày càng tốt đẹp hơn.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 27-01: Thánh ANGÊLA MÊRICI
Đồng trinh (1474-1540)
Angêla Mêrici sinh ngày 21-3-1474 ở Dessenzanô bên hồ Garda. Khi lên mười, Ngài đã bị mồ côi cha mẹ. Những tín hữu đạo đức ước ao cho con cái mình tìm được hạnh phúc trong vinh quang Chúa và đưa cuộc đời các thánh ra làm gương mẫu. Cậu của Ngài lãnh trách nhiệm giáo dục Ngài, cũng theo một tinh thần trên. Khi các ông cậu qua đời, Ngài lại về sống với anh em. Angêla là một cô gái đạo đức và để bảo đảm sự thánh thiện của mình, Ngài đã gia nhập hội dòng ba thánh Phanxicô, hiến mình làm việc bác ái, nhất là việc giáo dục trẻ em.
Một ngày kia Angêla được thị kiến thấy một chiếc thang nối liền đất với trời. Một đoàn trinh nữ leo lên từng bậc thang ấy và một người trong số đó nó với Ngài: – Chị sẽ làm mẹ đám người ấy.
Theo lòng đạo đức thời đó, người thiếu nữ đã đi hành hương nhiều nơi. Rồi với một nhóm người hành hương, Ngài muốn đi hành hương Giêrusalem. Nhưng Ngài bị một cơn mù lòa nhiệm lạ tại Candie và chỉ hết bệnh khi Ngài trở lại đây. Ngài đã giải thích sự kiện nầy như biểu tượng sự từ bỏ, làm nền tảng cho mọi dự định của mình. Angêla đến yết kiến Đức Thánh cha và lo thực hiện công trình giữa những sự đau khổ của chiến tranh. Ngài tận tụy nhiều cho người nghèo và dân lao động. Những kỷ niệm cuộc thị kiến ám ảnh lòng Ngài mãi. Ngài đã tới Brescia là nơi có một ngôi nhà dành cho Ngài xử dụng.
Một số thiếu nữ đến qui tụ bên Ngài. Đây là hạt nhân của một hội dòng mà Ngài sẽ thành lập với một hình thức tu trì mới mẻ đối với thời đại, một cuộc sống nối kết sự chiêm niệm với việc dạy dỗ trẻ em. Angêla đặt hội dòng dưới sự bảo trợ của thánh nữ Ursula, vị nữ đồng trinh thành Côlôgna, đã được tôn vinh như là một nữ anh hùng chiến thắng man rợ về văn hóa.
Phương pháp của thánh Angêla thật khác với ý niệm tân tiến về một trường dòng Ngài thích sai các nữ tu đến dạy các thiếu nữ tại ngay gia đình họ. Ngài thường nói: – Xáo trộn trong xã hội là kết quả sự xáo trộn ngay tự trong gia đình.
Không được học hành nhiều. Thánh Angêla có những trực giác lạ lùng. Ngài nghĩ rằng: người ta chỉ có thể canh tân phong hóa tự gia đình, và gia đình được canh tân là do việc giáo dục phụ nữ.
Thánh Angêla Mêrici được biết tới như vị sáng lập dòng của các nữ tu Ursula. Thực sự Ngài là vị sáng lập, dầu không đúng với các ý hướng của Ngài. Bởi vì Ngài xem ra có hơi cấp tiến đối với thời đại của mình. Dự định của Ngài về các nữ tu là không có y phục riêng, không có lời khấn trọng, không có lũy rào để dễ đến với tuổi trẻ hứa hẹn của tương lai, và để có thể phục vụ tha nhân hữu hiệu hơn. Nhưng dự định này đi ngược với những ý niệm thịnh hành thời Ngài và dưới ảnh hửơng của thánh Carôlô Berrômêô và của qui luật của đức Thánh cha (Thánh Piô V) là buộc các nữ tu Ursula phải nhận những bảo đảm theo giáo luật đòi buộc mọi nữ tu.
Những năm cuối đời, thánh Angêla Mêrici thường hay xuất thần. Ngài qua đời ở Brescia ngày 27 tháng giêng năm 1540.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
27 Tháng Giêng
Ống Ðiện Thoại Sống
Xã hội càng văn minh, kỹ thuật càng tân tiến, thì người già càng bị ngược đãi. Tại Roma chẳng hạn, với khoảng 3 triệu dân cư, người ta ước tính có đến trên sáu trăm ngàn người già. Chỉ có một số nhỏ được săn sóc đàng hoàng, đa phần phải trải qua một trong những thử thách lớn nhất của tuổi già là cô đơn và nhiều sự ngược đãi khác.
Từ bao lâu nay, các tu sĩ thuộc cộng đồng Thánh Egidio đã dấn thân một cách đặc biệt trong việc bảo vệ quyền lợi của người già. Nay, cộng đồng còn đưa ra một sáng kiến mới gọi là “Cú điện thoại chống lại bạo động và bênh vực quyền lợi của người già”. Với sáng kiến này, cộng đồng đã thiết lập một đường dây điện thoại đặc biệt nhằm giúp cho những người già đang sống một mình hoặc bà con thân thuộc của họ có thể liên lạc để xin trợ giúp tron bất cứ nhu cầu nào. Túc trực điện thoại trên đường dây này là 60 nhân viên, tất cả đều đã từng có kinh nghiệm trong nhiều ngành khác nhau như luật pháp, cán sự xã hội, y tá, nói chung trong mọi lĩnh vực có liên quan đến các vấn đề của người già.
Qua sáng kiến trợ giúp trên đây, nhiều người già cả đã ý thức hơn về quyền lợi của họ cũng như tìm được nhiều an ủi đỡ nâng qua chính những người chỉ túc trực ở điện thoại để lắng nghe.
Một tác giả đã viết về sự cô đơn như sau: “Cô đơn là cho đi mà không có người nhận, muốn nhận mà chẳng có ai cho. Cô đơn là chờ đợi, mà cái mình chờ chẳng bao giờ đến. Như hai bờ sông nhìn nhau mà vẫn nghìn trùng cách xa bởi dòng sông. Nên cô đơn là gần nhau mà vẫn cách biệt. Không phải cách biệt của không gian mà là cách biệt của cõi lòng. Bởi đó, vợ cô đơn bên chồng, con cái cô đơn bên cha mẹ. Càng gần nhau mà vẫn cách biệt thì nỗi cô đơn càng cay nghiệt mà vẫn phải gần nhau thì lại càng cô đơn hơn. Tôi cô đơn khi tôi bị vây bọc bởi những con sông thờ ơ, những mây mù ảm đạm. Tôi có thể cô đơn vì tôi không đến với những người khác…”.
Những dòng trên đây như muốn nói lên một sự thật: ai trong chúng ta cũng đều có thể rơi vào cô đơn. Trong bất cứ tuổi tác nào, trong bất cứ địa vị nào trong xã hội, ai cũng có thể làm mồi cho cô đơn. Liều thuốc để ra khỏi sự cô đơn, chính là ra khỏi chính mình để làm cho người khác bớt cô đơn. Xã hội sẽ được ấm tình người hơn nếu mỗi người biết ra khỏi cái vỏ ích kỷ hẹp hòi của mình để đến với người khác, để trở thành một đường dây điện thoại sống cho người khác.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư, Tuần III TN, Năm lẻ
Bài đọc: Heb 10:11-18; Mk 4:1-20.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lời Chúa có tiềm năng sinh lợi ích vô hạn cho con người.
Cha ông chúng ta thường nói “Điều kiện để thành công, phải có đủ 3 yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa.” Hay, “phải có 4 đúng: đúng người, đúng vật, đúng nơi, đúng chỗ.” Thiếu một trong những điều kiện đòi hỏi là sẽ không thành công hay không đạt được kết quả mong muốn.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh việc cộng tác làm việc giữa Thiên Chúa và con người. Trong Bài Đọc I, tác-giả Thư Do-Thái so sánh hiệu quả của lễ hy sinh của Cựu-Ước và Tân Ước, và của hai Giao Ước cũ và mới. Theo ông, Giao Ước mới và lễ hy sinh của Đức Kitô có hiệu quả hơn Giao Ước cũ và các lễ hy sinh của Cựu Ước. Trong Phúc Âm, Lời Chúa được ví như hạt giống, có tiềm năng để sinh lợi; nhưng có sinh lợi thực sự hay không tùy thuộc vào nơi mà hạt giống được gieo vào.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Nơi nào đã có ơn tha tội, thì đâu cần lễ đền tội nữa.
1.1/ Hiệu quả của hy lễ đền tội: Trong Cựu Ước, “Vị tư tế nào cũng phải đứng trong Đền Thờ lo việc phụng tự mỗi ngày và dâng đi dâng lại cũng ngần ấy thứ lễ tế; mà những lễ tế đó chẳng bao giờ xoá bỏ được tội lỗi.” Điều này có thể thấy qua việc dâng hai con chiên mỗi ngày: một con ban sáng và một con ban chiều. Đấy là chưa kể việc sát tế các súc vật trong Ngày Xá Tội mỗi năm bởi Thầy Thượng Tế. “Còn Đức Kitô, sau khi dâng lễ tế duy nhất để đền tội cho nhân loại, Người đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời. Và từ khi đó, Người chờ đợi ngày các kẻ thù bị đặt làm bệ dưới chân. Quả thật, Người chỉ dâng hiến lễ một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hoá được nên hoàn hảo.” Hy lễ của Chúa Giêsu không thể và cũng không cần lặp lại.
1.2/ Hiệu quả của Giao Ước cũ và mới: Giao Ước cũ được ghi khắc trong hai bia đá, đến từ bên ngòai con người; nhưng Giao Ước mới được Thiên Chúa phán qua Tiên-tri Jeremiah như sau: “Đây là giao ước Ta sẽ lập với chúng sau những ngày đó, thì Đức Chúa phán: Ta sẽ ghi vào tâm khảm chúng, sẽ khắc vào lòng trí chúng lề luật của Ta. Ta sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm và việc gian ác của chúng nữa. Mà nơi nào đã có ơn tha tội, thì đâu cần lễ đền tội nữa.”
2/ Phúc Âm: Hiệu quả tùy thuộc ở các nơi mà Lời Chúa được gieo vào.
Dụ ngôn Chúa Giêsu nói tới hôm nay nhắm tới 2 điểm chính: (1) Hạt giống là Lời Chúa, tự nó có tiềm năng sinh lợi như hạt giống có tiềm năng sinh nhiều hạt khác; (2) Nơi gieo vào là lòng trí con người, Lời Chúa có sinh lợi hay không, và sinh lợi bao nhiêu, tùy thuộc vào lòng trí con người.
2.1/ Bốn nơi mà hạt giống Lời Chúa được gieo vào:
(1) Vệ đường: Chúa giảng: “Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất.” Chúa cắt nghĩa: “Những kẻ ở bên vệ đường, nơi lời đã gieo xuống, là những kẻ vừa nghe thì Satan liền đến cất lời đã gieo nơi họ.” Hạng người này là những người dửng dưng, họ coi Lời Chúa không quan trọng trong cuộc đời của họ.
(2) Sỏi đá: Chúa giảng: “Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô.” Chúa cắt nghĩa: “Những kẻ được gieo trên sỏi đá là những kẻ khi nghe lời thì liền vui vẻ đón nhận, nhưng họ không đâm rễ mà là những kẻ nông nổi nhất thời; sau đó, khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, họ vấp ngã ngay.” Hạng người này không chịu suy xét để đào sâu và sống Lời Chúa, nên dễ dàng bỏ cuộc sau một thời gian ngắn.
(3) Bụi gai: Chúa giảng: “Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả.” Chúa cắt nghĩa: “Những kẻ khác là những kẻ được gieo vào bụi gai: đó là những kẻ đã nghe Lời, nhưng những nỗi lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác xâm chiếm lòng họ, bóp nghẹt lời khiến lời không sinh hoa kết quả gì.” Đây là những kẻ đã nghe Lời, nhưng không chịu mang ra sinh sống trong cuộc đời. Thay vào đó, họ chạy theo bả vinh hoa phú quí, hay theo tính đam mê xác thịt.
(4) Đất tốt: Chúa giảng: “Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm.” Chúa cắt nghĩa: “Còn những người khác nữa là những người được gieo vào đất tốt: đó là những người nghe Lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả, kẻ thì ba mươi, kẻ thì sáu mươi, kẻ thì một trăm.” Đây là những kẻ nghe, hiểu thấu, và mang ra sống trong cuộc đời. Tùy thuộc vào cách ứng dụng, họ sinh lời được 30, 60, hay 100.
2.2/ Bí mật của Mầu Nhiệm Nước Trời: Khi còn một mình Đức Giê-su, những người thân cận cùng với Nhóm Mười Hai mới hỏi Người về các dụ ngôn. Người nói với các ông: “Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn, để họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu, kẻo họ trở lại và được ơn tha thứ.”
Thọat nghe những lời này, một người có thể hiểu Mầu Nhiệm Nước Trời chỉ ban cho một số người thuộc về Thiên Chúa; và sẽ dễ rơi vào chủ thuyết “tiền định:” người nào được Thiên Chúa tiền định cho được cứu rỗi, Ngài sẽ ban cho hiểu; và ngược lại. Hiểu biết như vậy là sai vì 2 lý do sau đây:
(1) Marcô trích dẫn Isa 6:10 của Bản Bảy Mươi, nhưng không hòan tòan cả câu: “Vì tim của dân này đã bị chai đá, tai của họ đã điếc, và mắt họ đã nhắm lại, kẻo mắt nó thấy, tai nó nghe và lòng nó hiểu, mà nó trở lại và được chữa lành.” Một điều khác biệt là Bản Bảy Mươi dùng thời thụ động cho động từ đầu tiên “đã bị chai đá,” và muốn hiểu như thế cho 2 động từ theo sau. Điều này muốn nói người chịu trách nhiệm cho những hậu quả này là dân chứ không phải Thiên Chúa. Bản dịch của MT dùng thời truyền lệnh: Chúa phán: “Hãy đi nói với dân này rằng: Cứ nghe cho rõ, nhưng đừng hiểu, cứ nhìn thật kỹ, nhưng đừng nhận ra. Hãy làm cho lòng dân này ra đần độn, cho tai nó điếc, cho mắt nó mù; kẻo mắt nó thấy, tai nó nghe và lòng nó hiểu, mà nó trở lại và được chữa lành.” Bản dịch này xem ra có vẻ qui trách nhiệm cho Thiên Chúa.
(2) Thực ra, nếu xét tòan bộ văn mạch và tất cả Kinh Thánh, đây chỉ là lối nói của người Do-Thái khi qui trách mọi việc xảy ra là trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, nếu xét theo kinh nghiệm cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu cũng như của Tiên-tri Isaiah, mặc dù cả hai đã cố gắng rao giảng, nhưng nếu con người không chịu mở lòng để đón nhận, mở tai để nghe, mở mắt để nhìn; làm sao họ có thể hiểu và thi hành những lời rao giảng? Và nếu không hiểu, làm sao có thể thi hành để sinh hoa kết quả? Đó chính là mục đích mà trình thuật nhắm tới hôm nay.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Lời Chúa có tiềm năng sinh lợi ích vô hạn cho con người.
– Lời Chúa có sinh ích hay không là hòan tòan tùy thuộc vào thái độ và khả năng lãnh nhận của con người.
– Chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn để lắng nghe Lời Chúa, dành nhiều thời gian để học hỏi và suy niệm, đồng thời phải để Lời Chúa hướng dẫn mọi sự trong cuộc đời.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************