Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Tư Tuần XII Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: 2 V 22, 8-13; 23, 1-3
“Vua đọc cho mọi người nghe lời sách giao ước đã tìm thấy trong Nhà Chúa, ký kết giao ước trước mặt Chúa”.
Bài trích sách Các Vua quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, thượng tế Helcia nói với thư ký Saphan rằng: “Tôi tìm thấy sách luật trong Nhà Chúa”. Helcia trao sách cho Saphan đọc. Rồi thư ký Saphan đến cùng vua, và thuật lại cho vua rằng: Tôi tớ vua đã thu lượm số bạc dâng cúng trong nhà Chúa, và trao cho đốc công nơi Đền thờ Chúa, để phát lương cho thợ. Thư ký Saphan cũng thuật cho vua rằng: “Tư tế Helcia đã trao cho tôi cuốn sách”. Thư ký Saphan đã đọc sách đó trước mặt vua. Khi nghe lời sách luật Chúa, vua liền xé áo mình, rồi truyền cho tư tế Helcia và Ahica con Saphan, Acôbor con Mica, và thư ký Saphan cùng Asaia người hầu cận vua rằng: “Các ngươi hãy đi hỏi ý Chúa cho trẫm, cho toàn dân và cho nhà Giuđa, về các lời sách vừa tìm thấy. Cơn thịnh nộ của Chúa đối với chúng ta nặng nề lắm, vì cha ông chúng ta không tuân giữ các lời trong sách này”. Họ thuật lại cho vua các lời của Chúa. Bấy giờ vua sai đi triệu tập các trưởng lão Giuđa và Giêrusalem đến cùng vua. Vua lên Đền thờ Chúa với những người thuộc chi tộc Giuđa, toàn thể dân cư Giêrusalem, các tư tế, các tiên tri và toàn dân lớn bé, ông đọc cho mọi người nghe lời sách giao ước đã tìm thấy trong Nhà Chúa. Vua đứng trên bệ, ký kết giao ước trước mặt Chúa, để ai nấy đi theo Chúa, cùng hết lòng hết sức tuân giữ các huấn lệnh, các lề luật và nghi lễ của Chúa. Họ làm sống lại các lời giao ước đã ghi chép trong sách này: cả dân đều chấp nhận bản giao ước. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 118, 33. 34. 35. 36. 37. 40
Đáp: Lạy Chúa, xin dạy bảo con đường lối thánh chỉ Ngài (c. 33a).
1) Lạy Chúa, xin dạy bảo con đường lối thánh chỉ Ngài, để con tuân giữ cho bằng triệt để.
2) Xin dạy con để con vâng theo luật pháp Ngài, và để con hết lòng tuân giữ luật đó.
3) Xin hướng dẫn con vào đường lối chỉ chị Ngài, vì chính trong đường lối này con sung sướng.
4) Xin nghiêng lòng con theo lời Ngài nghiêm huấn, và chớ để con sa ngã vào chỗ lợi danh.
5) Xin cho con ngoảnh mặt, khỏi thấy cảnh phù vân; xin cho con được sống noi theo đường lối Chúa.
6) Này đây, con khao khát huấn lệnh của Ngài, theo lượng công minh Ngài, xin cho con được sống.
ALLELUIA: Ga 14, 23
All. All. – Chúa phán: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. – All.
PHÚC ÂM: Mt 7, 15-20
“Hãy xem quả thì các con sẽ biết chúng”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hãy coi chừng các tiên tri giả. Họ mặc lốt chiên đến cùng các con, nhưng bên trong, họ là sói dữ hay cắn xé. Hãy xem quả thì các con sẽ biết được chúng. Nào ai hái được trái nho nơi bụi gai, hoặc trái vả nơi bụi găng sao? Cũng thế, cây tốt thì sinh trái tốt, còn cây xấu thì sinh trái xấu. Cây tốt không thể sinh trái xấu, và cây xấu không thể sinh trái tốt. Các cây không sinh trái tốt sẽ bị chặt đi và ném vào lửa. Vậy coi trái thì các con sẽ nhận biết được chúng”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
27/06/2018 – THỨ TƯ TUẦN 12 TN
Th. Sy-ri-lô, giám mục A-lê-xan-ri-a, tiến sĩ HT
Mt 7,15-20
GIEO NHÂN GẶT QUẢ
“Cứ xem họ sinh quả nào, thì biết họ là ai.” (Mt 7,20)
Suy niệm: Bài Tin Mừng hôm nay chỉ có vỏn vẹn sáu câu, nhưng Chúa Giê-su đã hai lần lập lại về đề tài xem họ sinh quả nào, thì biết rõ họ là ai. “Họ” mà Ngài muốn nói ở đây là các ngôn sứ giả, kẻ đội lốt chiên đến với anh em mình. “Họ” chính là nhóm Pha-ri-sêu, các luật sĩ cùng thời với Chúa Giêsu, bị Ngài quở trách nhiều lần. Nhân rộng ra, “họ” có thể là bất cứ ai gieo rắc sự giả hình, giả dối lừa bịp người khác, đặc biệt trong lãnh vực đạo đức. Những người ấy không thiếu trong thời đại ta đang sống. Để phân định chính – tà, tốt – xấu, chân – giả của một người, ta chỉ cần xem hoa quả người ấy làm, phải chăng là dâm bôn, ô uế, phóng đãng, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa… hay là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ (Gl 5,20-22)? Cây nào trái ấy.
Mời Bạn: Sự thật phũ phàng này không ngăn cản được đầu óc vụ lợi và ích kỷ của nhiều người trong đó không loại trừ cả chúng ta. Lắm khi ta thấy lợi trước mắt mà không lường được tác hại về sau. Hãy biết cầu nguyện xin ơn phân định của Chúa Thánh Thần mỗi khi quyết định hành động.
Sống Lời Chúa: Tôi xác tín Lời Chúa dạy: “Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây sâu không thể sinh quả tốt” (c. 18).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã cho con một nguyên tắc để biết cách phân định người khác và chính mình: xem quả biết cây. Con vẫn tự hào mình là cây tốt, nhưng trong thực tế, lại sản sinh những quả xấu. Xin tha thứ và giúp con sống xứng đáng hơn. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
27 THÁNG SÁU
Trong Sự Chăm Sóc Ân Cần Của Cha
Ngay từ thuở ban đầu, sự quan phòng của Thiên Chúa được xem như một chân lý nền tảng của đức tin. Huấn quyền của Giáo Hội luôn luôn khẳng định điều ấy, tuy rằng mãi đến Công Đồng Vatican I chân lý này mới được tuyên bố chính thức về mặt tín lý. Công Đồng nói về sự quan phòng của Thiên Chúa nơi tạo vật: “Mọi sự mà Thiên Chúa đã sáng tạo, Ngài gìn giữ và dẫn dắt bằng sự quan phòng của Ngài – sự quan phòng ấy bao trùm từ chân trời này tới chân trời kia và cai quản tất cả một cách tốt đẹp” (Kn 8,1), “Tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mắt Ngài (Dt 4,13), kể cả những gì sẽ xảy ra do sáng kiến tự do của các thụ tạo” (DS 3003).
Bản văn của Vatican I nhằm đáp ứng cho những nhu cầu cụ thể của các tín hữu Công Giáo sống trong thế kỷ 19. Trước hết, Công Đồng muốn xác nhận giáo huấn vốn sẵn có của Giáo Hội về sự quan phòng, một giáo huấn bất biến có liên kết chặt chẽ với toàn bộ sứ điệp Thánh Kinh. Chúng ta nhận ra điều này trong những bản văn Cựu Ước và Tân Ước đã được trích dẫn trong bản văn của Công Đồng.
Qua việc xác nhận giáo thuyết này, Công Đồng chống lại những sai lạc của thuyết duy vật và thuyết tự nhiên thần giáo (deism) của thế kỷ 19. Thuyết duy vật phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Thuyết tự nhiên thần giáo tuy nhìn nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa và sự sáng tạo thế giới song lại chủ trương rằng Thiên Chúa không hoạt động trong thế giới mà Ngài đã sáng tạo. Vì thế, có thể nói rằng thuyết này (deism) trực tiếp chống lại chân lý về sự quan phòng của Thiên Chúa.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 27/ 6
Thánh Cyrillô Alexandria, tiến sĩ Hội Thánh
2V 22, 8-13; Mt 7, 15-20.
Lời suy niệm: “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em, nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai.”
Chúa Giêsu đang cảnh giác mỗi người chúng ta phải cẩn thận phân biệt giữa ngôn sứ thật và ngôn sứ giả, để không bị những ngôn sứ giả lừa dối, để không đánh mất lòng tin vào các ngôn sứ thật, bằng cách: “Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai.” Khi một ngôn sứ giảng dạy chân lý mà không làm theo mình dạy thì dó là ngôn sứ giả. Một ngôn sứ đến đâu cũng xin tiền, đòi dọn cơm đãi tiệc thì đó là ngôn sứ giả. Còn những ngôn sứ thật, họ hy sinh, phục vụ, yêu thương trước, trước khi kêu gọi người khác thực hiện.
Lạy Chúa Giêsu xin Chúa ban cho cộng đoàn chúng con có những ngôn sứ thật để chăm sóc chúng con, và xin Chúa cất khỏi chúng con những ngôn sứ giả, giúp chúng con khỏi sa vào những cám dỗ nguy hại cho đời sống thiêng liêng của chúng con.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 27-06: Thánh CYRILLÔ ALEXANDRINÔ
Giám Mục, Tiến Sĩ Hội Thánh (+444)
Năm 412 thánh Cyrillô kế vị cậu Ngài là Theophilô làm giám mục Alexandria. Khi ấy Ngài đã vào khoảng trung tuần. Người ta không biết gì về cuộc sống Ngài trước đó, trừ trường hợp, Ngài có mặt trong vụ kết án thánh Gioan Kim Khẩu năm 408. Hiển nhiên là Ngài đã có thời sống như một ẩn sĩ trong sa mạc và đã được giáo dục kỹ lưỡng về văn chương Hy Lạp.
Vào thế kỷ V, các giáo phụ Alexandria đã trở thành những giám mục giàu có và uy quyền nhất trong đế quốc. Trở thành Kitô, người Ai cập vẫn còn mang những gì còn lại trong tâm tình dân tộc của mình. Các giám mục tự mô tả như là những Đấng kế vị thánh Marcô, nhưng cũng kế nhiệm các thượng tế Amen Ra và có phong cách nào đó của Pharao.
Suốt 15 năm đầu làm giám mục, thánh Cyrillo đã đập tan thế hệ cầm quyền và những nhà đổi tiền Do thái ở Alexandria. Việc thực thi đức ái của Ngài đối với người nghèo khó, bệnh hoạn cũng như lòng thương cảm sâu xa của Ngài với mọi tội nhân hối cải, luôn kèm theo một chút cứng rắn. Chắc chắn là các kẻ thù của Ngài cũng là kẻ thù của Thiên Chúa. Nhiệt tâm với các linh hồn và say mê bảo vệ đức tin Kitô giáo, Ngài sẵn sàng dùng đến mọi phương tiện trong tay như là của cải, tài khích lệ quần chúng và lực lượng các thầy dòng.
Điều này giúp chúng ta hiểu được tại sao cuộc tranh luận về Kitô học mà Ngài giữ một vai trò lớn lao đã có màu sắc pha trộn chính trị lâu dài như vậy.
Năm 438, thày dòng Nestôriô trở thành thượng phụ Constantinople. Dường như ông ta đã làm giám mục tại triều đình có tham vọng mãnh liệt, tin vào hiệu quả lớn mạnh do đời sống cầu nguyện của mình và có ý tiêu diệt mọi lạc thuyết. Đàng khác, không chắc rằng ông đã muốn trở thành lạc giáo. Vào đầu thế kỷ V, các thần học gia đền nhận rằng: đức Kitô vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Dầu vậy chưa có định tín về mối tương quan giữa Thiên tính và nhân tính của Người như thế nào. Thánh Cyrillo chủ trương rằng: cả hai bản tính kết hợp mật thiết với nhau, đến độ Mẹ Chúa Kitô cũng được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Nestôriô thì phân biệt rằng Mẹ Con Trẻ Giêsu chỉ được gọi là Mẹ Chúa Kitô mà thôi. Mỗi bên đều tố cáo bên kia là lạc giáo.
Thánh Cyrillo liên kết với các tu sĩ Đông phương Ngài còn được Đức giáo hoàng nâng đỡ và cử làm Vị đại diện ở Đông phương. Với mệnh lệnh này, năm 430 Ngài kết án Nestôriô là lạc giáo tại một hội nghị ở Alexandria. Mùa hè năm 431, Ngài triệu tập và chủ tọa cộng đồng chung ở Ephesô. Nestôriô không những bị kết án mà còn bị truất phế nữa. Đức trinh Nữ được tuyên xưng là Mẹ Thiên Chúa.
Công đồng Ephêsô được Đức giáo hoàng chuẩn nhận. Nhưng hoàng đế lại không công nhận vì thánh Cyrillo đã không đợi 43 giám mục có thiện cảm với Nestôriô tới họp. Thánh Cyrillo bị bắt ở Tiểu Á và bị giam tù trong hai tháng. Thánh phụ Antiôkia và các người dưới quyền cắt đứt hiệp thông với Ngài. Thánh nhân trốn về Ai cập và năm 433 kết hợp lại được với Antiôkia. Từ đó Ngài lại thúc đẩy hoàng đế chấp nhận các sắc lệnh của công đồng Ephêsô. Hoàng đế vẫn nghi ngờ Ngài cho đến khi Ngài qua đời vào năm 444. Thánh Cyrillo vẫn còn dấn thân vào cuộc tranh luận Kitô học này cho đến chết.
Không có nhà thần học Hy Lạp nào lớn hơn thánh Cyrillo. Ngài có khả năng tổng hợp và nhận định có thể so sánh được với thánh Augustinô. Không có thánh nhân nào bị phê bình tàn khốc như thánh nhân, nhưng ít có thánh nhân nào đã hăng hái như Ngài. Cả những người ghen ghét cũng không thề chất vấn về sự cao cả của Ngài. Bên dưới sự hăng hái của Ngài là cả một tình yêu mạnh mẽ đối với đức Kitô với niềm tin mãnh liệt vào lòng thương xót của Người. Đức giáo hoàng Celestinô xưng tụng Ngài là đấng bảo vệ Giáo hội và Đức tin”.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
27 Tháng Sáu
Con Chim Trong Bàn Tay
Người Ba Tư có kể câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Ngày xưa, tại quảng trường của một thành phố nọ, có một nhà hiền triết xuất hiện và tuyên bố giải đáp được tất cả mọi thắc mắc của bất cứ ai đến vấn kế.
Một hôm, giữa đám người đang say mê lắng nghe nhà hiền triết, có một mục tử từ trên núi cao đến. Nghe tiếng đồn về sự thông thái và khôn ngoan của nhà hiền triết, anh muốn chứng kiến tận mắt, nghe tận tai và nhất là để hạ nhục nhà hiền triết giữa đám đông.
Anh tiến đến gần nhà hiền triết, trong tay bóp chặt một con chim nhỏ. anh đặt câu hỏi như sau: ‘Thưa ngài, trong tay tôi có cầm một con chim. Ngài là bậc thông thái biết được mọi sự. Xin ngài nói cho tôi biết con chim tôi đang cầm trong tay sống hay chết?”.
Nhà hiền triết biết đây là một cái bẫy mà người mục tử tinh ranh đang giăng ra. Nếu ông bảo rằng con chim đang còn sống, thì tức khắc người mục tử sẽ bóp cho nó chết trước khi mở bàn tay ra. Còn nếu ông bảo rằng con chim đã chết thì lập tức con người khôn manh ấy sẽ mở bàn tay ra và con chim sẽ bay đi.
Sau một hồi thinh lặng, trước sự chờ đợi hồi hộp của đám đông, nhà hiền triết mới trả lời như sau: “Con chim mà ngươi đang cầm trong tay ấy sống hay chết là tùy ở ngươi. Nếu ngươi muốn cho nó sống thì nó sống, nếu ngươi muốn cho nó chết thì nó chết”.
Ai trong chúng ta cũng khao khát hạnh phúc. Ai trong chúng ta cũng mong ước được cuộc sống an bình, vui tươi. Nhưng lắm khi chúng ta chạy theo chiếc bóng mờ ảo của hạnh phúc hơn là hưởng nếm chính hạnh phúc đang cầm trong tầm tay của chúng ta. Hạnh phúc đích thực chính là con chim mà mỗi người chúng ta đang có ở trong lòng tay. Con chim ấy sống hay chết là tùy ở mỗi người chúng ta. Chúng ta được hạnh phúc, chúng ta được an bình hay không là do chính chúng ta.
Hạnh phúc đích thực của chúng ta, niềm vui đích thực của chúng ta chính là Thiên Chúa. Nếu chúng ta để cho Thiên Chúa chiếm ngự, nếu chúng ta để cho Thiên Chúa lấp đầy, thì cho dẫu ngoại cảnh có làbầu trời đen tối đi nữa, chúng ta vẫn cảm thấy an bình, hạnh phúc.
Ý thức được sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn, để cho Chúa chiếm trọn tâm tư, lấy Chúa làm tất cả trong cuộc sống, chúng ta sẽ có được niềm vui đích thực.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 12 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: 2 Kgs 22:8-13; 23:1-3; Mt 7:15-20.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy sống xứng đáng với danh hiệu mình mang.
Theo thuyết Chính Danh của Khổng Tử: làm vua phải biết lo cho dân được ấm no và bình an, làm dân phải biết tuân giữ các mệnh lệnh và chu toàn bổn phận của mình; làm cha phải biết thương yêu và giáo dục con cái nên người, làm con phải biết vâng lời và báo hiếu cha mẹ. Nếu mọi người trong nước và trong gia đình đều biết sống đúng như danh hiệu của mình, dân chúng sẽ an cư lạc nghiệp, gia đình sẽ yên vui hạnh phúc, và đất nước sẽ bình an.
Các bài đọc hôm nay muốn đưa ra những tấm gương để mọi người nhìn vào đó và nhận ra mình đã sống đúng với danh hiệu của mình chưa. Trong bài đọc I, khi sửa chữa Đền Thờ, thượng tế Hilkiah đã tìm lại được quyển Sách Luật đã bị bỏ quên lâu năm. Ông đưa cho viên ký lục của vua đọc. Sau đó viên ký lục này trình lên đức vua. Khi vua Josiah đọc Sách Luật, ông kinh hoảng về những lời dạy trong đó, và truyền cho thượng tế Hilkiah canh tân toàn thể vương quốc theo sự chỉ dẫn của Sách dạy. Vì thế, vua đã cứu vương quốc mình thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đề phòng cho dân chúng đừng tin các ngôn sứ giả. Họ là những chó sói đội lốt người chăn chiên để rình chờ cắn xé chiên. Để giúp dân nhận ra những ngôn sứ giả, Chúa Giêsu khuyên dân chúng đừng đánh giá bằng bộ áo họ mặc; nhưng nhìn vào cuộc sống của họ, vì cây tốt không thể sinh quả xấu.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: “Chúng ta đã không vâng nghe các lời trong sách này mà làm theo mọi điều đã viết trong đó.”
1.1/ Sách Luật của Thiên Chúa bị bỏ quên: Một điều ngạc nhiên đây là Sách mà hầu hết các học giả đều đồng ý là Sách Đệ Nhị Luật, một trong Ngũ Thư (5 quyển sách đầu tiên của Cựu Ước). Làm sao một sách quan trọng như thế lại bị bỏ quên trong Đền Thờ đến nỗi thầy thượng tế cũng không biết cho đến khi vua truyền phải sửa chữa Đền Thờ?
Thượng tế Hilkiah nói với ký lục Shaphan: “Tôi đã tìm thấy sách Luật trong Nhà Đức Chúa.” Ông Hilkiah trao sách cho ông Shaphan đọc. Ký lục Shaphan đến gặp vua và trình lên vua rằng: “Tư tế Hilkiah đã đưa cho tôi một cuốn sách.” Sau đó, ông Shaphan đọc sách trước mặt vua.
Nghe những lời ghi chép trong sách Luật, vua xé áo mình ra, rồi truyền lệnh sau đây cho tư tế Hilkiah, cho ông Ahikam, con ông Shaphan, cho ông Achbor, con ông Micaiah, cho ký lục Shaphan và ông Asaiah, tôi tớ của vua: “Hãy đi thỉnh ý Đức Chúa cho ta, cho dân và toàn thể Judah về những lời ghi chép trong sách đã tìm thấy đây, vì Đức Chúa đã bừng bừng nổi cơn thịnh nộ chống lại chúng ta, bởi lẽ tổ tiên chúng ta đã không vâng nghe các lời trong sách này mà làm theo mọi điều đã viết trong đó.”
1.2/ Vua Josiah canh tân đất nước đúng như những gì Sách dạy.
Là người biết kính sợ Đức Chúa, “Vua sai người tập họp chung quanh vua mọi kỳ mục của Judah và Jerusalem. Rồi cùng với mọi người Judah và mọi dân cư ở Jerusalem, cùng với các tư tế, các ngôn sứ và toàn dân từ người nhỏ nhất cho đến người lớn nhất. Vua lên Nhà Đức Chúa, đọc cho họ nghe tất cả các lời trong sách Giao Ước đã tìm thấy trong Nhà Đức Chúa. Đứng trên bệ cao, vua lập giao ước trước nhan Đức Chúa, cam kết đi theo Đức Chúa và hết lòng hết dạ tuân giữ các mệnh lệnh, chỉ thị và quy tắc của Người, để chu toàn các khoản của Giao Ước được ghi chép trong sách đó. Toàn dân chấp nhận giao ước.”
Chính vì hành động kính sợ Đức Chúa và canh tân kịp thời của vua Josiah, Thiên Chúa đã đình chỉ việc giáng phạt Judah.
2/ Phúc Âm: Hãy coi chừng các ngôn sứ giả!
2.1/ Ngôn sứ thật và ngôn sứ giả: Đời nào cũng có các ngôn sứ giả. Lịch sử Do-thái không thiếu những hạng người này như được ghi chép nhiều lần trong Sách ngôn sứ Jeremiah và Ezekiel. Thánh Phaolô cũng đề phòng môn đệ Timothy về hạng người này và gọi họ là “chó sói” như Chúa Giêsu gọi hôm nay: “Họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi.” Ngày nay, cũng đầy dẫy những linh mục giả lợi dụng chiếc áo để gieo những lạc thuyết sai lầm và tìm kiếm lợi nhuận. Làm sao để nhận ra các ngôn sứ giả? Trước tiên chúng ta phải biết một ngôn sứ thật.
(1) Ngôn sứ thật: Theo định nghĩa đúng, người ngôn sứ là người nói những gì Thiên Chúa muốn nói như một sấm ngôn hay một sứ điệp, chứ không nhải là người nói tiên tri những gì sẽ xảy ra, dầu đôi khi có thể như vậy. Ngôn sứ là cái miệng của Thiên Chúa dùng để nói những gì Ngài muốn nói với con người. Ngày nay, ngôn sứ thật phải biết Lời Chúa và giảng Kinh Thánh, chứ không phải giảng văn chương và nói chuyện chính trị. Ngôn sứ thật phải dạy dân biết Luật của Thiên Chúa và can đảm sửa sai khi cần thiết.
(2) Ngôn sứ giả: Họ không nói lời của Thiên Chúa, thay vào đó họ nói những gì họ muốn hay lời của người khác rồi đổ cho Thiên Chúa. Họ không dạy cho dân biết Kinh Thánh và Lề Luật của Thiên Chúa, nhiều khi cũng chẳng chịu học biết để dạy. Họ không dám sửa dạy dân chúng vì sợ mất lòng và bị ghét. Họ thích nói những gì dân chúng muốn như: khen ngợi nhiều, đừng bắt làm nhiều, nhất là đừng khui tội của dân chúng ra để lương tâm họ bị cắn rứt.
2.2/ Phương cách để nhận ra các ngôn sứ giả: Để giúp các tín hữu nhận ra những ngôn sứ giả, Chúa Giêsu dạy: Nhìn quả biết cây; cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Các tín hữu có thể nhìn cách sống của một người để biết ngôn sứ thật hay giả. Hai điều chúng ta có thể rút ra từ những lời dạy của Chúa Giêsu:
(1) Đừng nhìn bên ngoài mà đánh giá: Đừng đánh giá bởi bộ áo bên ngoài vì “Chiếc áo không làm nên thầy tu.” Chúa Giêsu mô tả: “Họ xúng xính trong bộ áo thụng! Họ đeo những hộp kinh lớn trên trán và các tua áo dài… Họ đọc kinh nhiều và dài để nuốt hết gia tài các bà góa.”
(2) Phải nhìn việc làm để đánh giá vì ý hướng bên trong của họ ta không thấy. Họ không quan tâm gì đến phần hồn của chiên; nhưng để ý đến những gì chiên mang lại cho họ. Họ như chó sói đội lốt chiên luôn rình chờ để cắn xé đoàn chiên. Một số các đặc điểm của các ngôn sứ giả:
+ Tham lợi nhuận vật chất: họ thích tiền và những của biếu xén.
+ Ham danh vọng: Họ lợi dụng chức vụ để xây dựng danh tiếng cho mình. Họ chỉ nhận lời làm những gì mang lại danh thơm tiếng tốt và chê bỏ những gì tầm thường, hèn kém.
+ Thích quyền hành: Họ mong những chức vụ cao trọng trong Giáo Hội để được ăn trên ngồi chốc, hay chán nản bi quan khi cấp cao không nhận ra tài năng quan trọng của họ.
+ Thỏa mãn xác thịt: Họ lạm dụng niềm tin của phụ nữ và con trẻ để thỏa mãn xác thịt. Đây là thứ tội mà Chúa Giêsu kinh tởm và buộc tội: “Thà buộc cối đá và quăng xuống biển còn hơn!”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta hãy biết sống đúng với danh hiệu của mình. Nếu là ngôn sứ, hãy dạy dân biết Lời Chúa và chỉ đường cho dân đến với Ngài. Nếu là Kitô hữu, hãy vâng lời và làm những gì Thiên Chúa truyền dạy.
– Chúng ta đừng đánh giá người khác theo cái vỏ bên ngoài; nhưng hãy nhìn vào việc làm của họ.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************