Ngày thứ tư (29-05-2024) – Trang suy niệm

28/05/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Tư Tuần VIII Thường Niên

BÀI ĐỌC I: 1 Pr 1:18-25

“Anh em được cứu độ bằng máu châu báu của Đức Kitô, Con Chiên tinh tuyền”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, anh em biết rằng không phải bằng vàng bạc hay hư nát mà anh em đã được cứu chuộc khỏi nếp sống phù phiếm tổ truyền, nhưng bằng máu châu báu của Đức Kitô, Con Chiên tinh tuyền, không tì ố. Người đã được tiền định trước khi tác thành vũ trụ và được tỏ bày trong thời sau hết vì anh em. Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng làm cho Người sống lại từ cõi chết, và ban vinh quang cho Người để anh em đặt cả lòng tin và niềm hy vọng nơi Thiên Chúa.

Khi anh em thánh hoá linh hồn anh em trong sự vâng phục đức ái, trong tình bác ái huynh đệ, anh em hãy thật lòng yêu mến nhau với một tâm hồn đơn sơ. Anh em đã được tái sinh không phải do hạt giống hay hư nát, mà là do hạt giống không hư nát, nhờ lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại muôn đời. Vì chưng xác phàm chẳng qua là cỏ rác và tất cả vinh quang của nó ví như hoa cỏ: cỏ thì khô cháy và hoa rũ tàn, còn lời Chúa thì tồn tại muôn đời. Đó là Tin Mừng đã rao giảng cho anh em. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 147, 12-13. 14-15. 19-20.

Đáp: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa (c. 12a).

1) Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa. Hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion! vì Người giữ chặt các then cửa ngươi, Người chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội.

2) Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo. Người khiến tuyết rơi như thể lông cừu, Người gieo rắc sương đông như tro bụi trắng.

3) Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế, Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người.

ALLELUIA: Tv 129, 5

Alleluia, alleluia! – Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 10, 32-45

“Giờ đây chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, các môn đệ và Chúa Giêsu lên đường đi Giêrusalem, Chúa Giêsu dẫn đầu đi trước họ, và các ông hết sức bỡ ngỡ, những người theo sau thì sợ hãi. Người gọi mười hai ông lại gần và nói cho các ông biết những gì sẽ xẩy đến cho Người: “Giờ đây chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế, các luật sĩ và các kỳ lão. Họ sẽ kết án tử hình Người và nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo cười Người, phỉ nhổ vào Người, đánh đòn và giết Người, và ngày thứ ba Người sẽ sống lại”.

Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, đến gần Người và thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy”. Người đáp: “Các con muốn Thầy làm gì cho các con?” Các ông thưa: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”. Chúa Giêsu bảo: “Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được”. Chúa Giêsu bảo: “Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định”. Mười môn đệ khác nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.  Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

29/05/2024 – THỨ 4 TUẦN 8 TN

Th. Phao-lô VI, giáo hoàng   Mc 10,32-45

CÙNG ĐI VỚI CHÚA GIÊ-SU

“Đức Giê-su và các môn đệ đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Người dẫn đầu các ông.” (Mc 10,32)

Suy niệm: Cùng bước đi bên Chúa Giê-su trên con đường lên Giê-ru-sa-lem, nhưng lòng trí các môn đệ lại cách xa Thầy mình vời vợi. Trong khi Thầy hướng về cuộc Khổ nạn, nỗ lực thi hành ý muốn của Chúa Cha, các ông chỉ nghĩ đến cái danh cái lợi, làm sao có địa vị bản thân. Thế nên, không lạ gì các ông sợ hãi, trốn chạy biến cố thập giá, không thể chia sẻ nỗi khắc khoải với Thầy, mà giữa các ông còn nẩy sinh sự đố kỵ, tranh giành, đấu đá lẫn nhau, gây nên sự chia rẽ, mất bình an. Chúa Giê-su đã gọi các ông đến và nhắn nhủ các ông: để hiệp hành với Ngài, hợp nhất với nhau, và nhằm vinh danh Cha trên trời trên bước đường theo Ngài, các ông phải sống con đường phục vụ, sẵn sàng hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người như chính Ngài đã sống.

Mời Bạn: Có những khủng hoảng, xung đột, chia rẽ trong đời sống gia đình, hay sinh hoạt hội đoàn đến từ việc ta chỉ muốn mọi sự theo ý mình. Những lúc đó, ta được mời gọi cùng ngồi lại với nhau và với Chúa, xin Ngài soi sáng giúp ta sẵn lòng từ bỏ ý riêng, hướng dẫn cách làm theo thánh ý Ngài. Chỉ khi làm vậy, ta mới có thể hiệp hành với nhau xây dựng Hội thánh, loan báo Tin mừng.

Sống Lời Chúa: Bắt đầu ngày mới, bạn xin Chúa soi sáng cho mình biết việc phải làm, cũng như đủ sức mạnh để làm theo điều Chúa muốn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết luôn tìm và sống theo ý Chúa trong bậc sống, trong bổn phận Chúa trao. Nhờ đó, chúng con có thể hiệp hành với nhau trên con đường theo Chúa và làm chứng cho Nước Trời. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Khi nghĩ đến những đau khổ Đức Giêsu phải chịu
chúng ta thường nghĩ ngay đến cuộc Khổ nạn của Ngài.
Chúng ta ít nghĩ đến một đau khổ khác,
đó là Ngài phải chịu đựng sự chậm hiểu của các môn đệ.
Bài Tin Mừng hôm nay là một thí dụ khá rõ.

Khi đang trên đường lên Giêrusalem,
Thầy Giêsu kéo riêng Nhóm Mười Hai để loan báo cho họ lần thứ ba
về những gì sắp xảy đến cho mình trong cuộc Khổ nạn (c. 32).
Tiếc thay, hai môn đệ thân tín là Giacôbê và Gioan,
vẫn loay hoay ở lại trong tham vọng về chức quyền của mình.
Họ nói với Thầy Giêsu một câu không được lịch sự lắm:
“Chúng con muốn Thầy làm cho chúng con bất kỳ điều gì chúng con xin.”
Vậy mà Thầy vẫn nhẹ nhàng trả lời họ:
“Các anh muốn Thầy làm gì cho các anh?” (c. 36).
Họ đã dám xin được ngồi hai chỗ cao nhất trong vinh quang Nước Thầy.
Thầy Giêsu thú nhận mình không có quyền cho điều đó,
nhưng Thầy lại mời hai ông chia sẻ chén đắng Thầy sắp uống
và dìm mình thật sâu trong phép rửa Thầy sắp chịu (c. 38).

Khi thấy mười môn đệ kia tức giận với Giacôbê và Gioan,
Thầy Giêsu đã huấn dụ cho cả nhóm về cách lãnh đạo trong Giáo Hội.
Cách lãnh đạo này khác hẳn cách lãnh đạo ngoài đời,
thường dùng quyền uy để thống trị và mưu cầu tư lợi.
“Giữa anh em thì không được như vậy!” (c. 43).
Mọi chức vụ và quyền bính là để phục vụ cho Dân Chúa.
Thầy Giêsu chỉ cách hành xử cho những ai muốn làm lớn, làm đầu.
Đó là sống như người đầy tớ, người phục vụ (c. 44).

Thầy Giêsu đã không nói suông, nhưng sống điều Ngài giảng.
Rõ ràng Thầy là người có uy quyền (Mc 1, 22.27; 2, 10).
Nhưng quyền uy đó chỉ được dùng để rao giảng và để giải phóng.
Suốt đời Thầy đã sống như một người phục vụ.
Và giờ đây, cái chết của Thầy chính là một việc phục vụ cao nhất.
Lần đầu tiên Thầy Giêsu nói rõ ý nghĩa cái chết của mình.
Như người Tôi Trung trong ngôn sứ Isaia (Is 52,13 – 53,12)
Thầy phải trả giá bằng mạng sống để cứu chuộc muôn người (c. 45).

Không dễ kéo các môn đệ ra khỏi những tham vọng trần tục.
Thầy Giêsu vẫn thấy mình lạc lõng bên cạnh các môn đệ.
Họ không hiểu được Thầy, và cũng chẳng muốn đi đường Thầy đi.
Làm sao để chúng ta cảm được hạnh phúc của việc phục vụ?
Làm sao để chúng ta hiểu rằng phục vụ không làm con người hèn hạ,
nhưng lại nâng cao con người và ban cho nó sự lớn lao đích thực?
Chính Chúa Giêsu, Đấng được thành toàn nhờ suốt đời phục vụ,
là chỗ dựa đầy hy vọng của chúng ta.

Cầu nguyện:

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các Kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

29 THÁNG NĂM

Vinh Danh Chúa Ba Ngôi

Lạy Chúa Ba Ngôi, chúng con tôn vinh Chúa! Chúng con ca mừng tán dương Ngài, Đấng duy nhất trong thần tính. Chúa là Đấng duy nhất trong Ba Ngôi Thần Linh: một mầu nhiệm khôn dò! Ôi, Đấng duy nhất trong thần tính. Ôi, Đấng duy nhất trong mối hiệp thông ba ngôi vị cùng một bản tính thần linh! Chúng con ngợi ca vinh quang Chúa Ba Ngôi. Chúng con chúc tụng Chúa, “Đấng đang có, đã có, và sẽ đến” (Kh 1,4).

“Ngài là Thần Khí sự thật, khi Ngài đến, Ngài sẽ hướng dẫn anh em đến với sự thật trọn vẹn” (Ga 16, 13).

Vâng, khi Ngài đến, Ngài sẽ hướng dẫn anh em. Ngài không chỉ là Đấng đang có mà còn là Đấng sẽ tới; do vậy, Ngài sẽ đưa dẫn chúng ta tới gần sát hơn với mầu nhiệm sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Vốn vẫn hoàn toàn vượt trên chúng ta trong uy phong và dũng lực của Ngài, Thiên Chúa đã trở thành Thiên Chúa của ơn cứu độ cho chúng ta. “Và chúng ta đã nhìn thấy vinh quang của Ngài” (Ga 1, 14).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 29/5

Thánh Phaolô VI, Giáo hoàng

1Pr 1, 18-25; Mc 10, 32-45.

Lời suy niệm: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10,45).

          Chúa Giêsu đang nói riêng với các môn đệ của Người về cách chăm sóc đoàn chiên của Người. Người môn đệ của Chúa được trao quyền, nhưng là quyền để phục vụ trong yêu thương và tha thứ, biết cảm thông những khó khăn mà những con chiên đang mắc phải, mọi việc phục vụ đoàn chiên, cần phải theo mẫu gương của Người: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng làm giá chuộc muôn người.”

          Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa dẫn đưa những mục tử nhân lành đến với từng cộng đoàn tín hữu chúng con với một tinh thần phục vụ, hầu có thể giúp chúng nhận được sự nâng đỡ về cả xác lẫn hồn của chúng con. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

29 Tháng Năm

Ðỉnh Cao 

Ðỉnh Everest cao nhất thế giới của dãy Hy Mã Lạp Sơn như có một ma lực hấp dẫn những người leo núi thiện nghệ. Ai đã vướng vào môn thể thao leo núi xem đó như là một giấc mơ, nếu ngày nào đó họ đặt được chân trên đỉnh núi cao 8,880 thước, quanh năm phủ tuyết này, nhưng chỉ có một số ít người thực hiện được giấc mộng ấy và rất nhiều người đã bỏ mình dọc theo con đường lên đỉnh.

Trên những con đường ấy, người ta thấy hai bia mộ ghi những dòng chữ sau đây: bia thứ nhất đề “Họ thấy được lần cuối cùng trong lúc gắng sức leo lên”. Và bia thứ hai tưởng niệm một huấn đạo viên chỉ viết vỏn vẹn một câu “Ông ta chết trong lúc đang leo”.

Nếu đời sống là một cuộc tranh đấu không ngừng thì để sống đạo và hành đạo cũng thế. Ðiều quan trọng không phải là thành công hay thất bại, mà là chỗi dậy và tiến bước. Phải gọi là thẳng tiến thì đúng hơn, vì câu tâm niệm của các Kitô hữu phải là: “ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, nhưng kém hơn ngày mai”.

Bí quyết thành công thứ hai là không bao giờ chúng ta nên đi trên con đường nên thánh một mình, hãy noi gương những người đi trước, những thánh nhân và hãy cùng nhau tiến bước. Và nhất là hãy đi vào những vết chân Chúa Giêsu đã để lại.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư – Tuần 8 – TN2 – Năm Chẵn

Bài đọc: 1 Pet 1:18-25; Mk 10:32-45.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sống như nào sẽ lãnh nhận hậu quả như vậy

Sự hiểu biết của con người rất quan trọng, vì biết thế nào sẽ tin như thế. Kế tiếp, tin thế nào sẽ sống như vậy, dù điều này cũng có luật trừ vì tính yếu đuối của xác thịt. Sau cùng, sống thế nào sẽ lãnh hậu quả tương xứng. Một số người đưa ra một lý luận rất nguy hiểm: không cần học biết, vì biết mà không làm sẽ có tội. Nhưng những người này phải hiểu tuy họ không có trách nhiệm luân lý; họ vẫn phải lãnh nhận hình phạt. Một ví dụ dẫn chứng, một người vượt đèn đỏ bị cảnh sát bắt dừng lại: biết hay không người đó vẫn phải trả tiền phạt. Trong lãnh vực chung cuộc của đời người cũng thế, con người cần bỏ thời gian học hỏi để biết đâu là đích điểm của cuộc đời và cách thức để đạt đích điểm đó.

Các bài đọc hôm nay muốn hướng dẫn con người biết sự thật, để rồi con người biết sống sự thật và đạt được kết quả như Thiên Chúa tiên định. Trong bài đọc I, tác giả Thư Phêrô I cho con người biết ý định của Thiên Chúa muốn cứu con người nhờ bửu huyết của Đức Kitô đã đổ ra, để con người biết sống làm sao cho xứng đáng với tình yêu Thiên Chúa để đạt được cuộc sống đời đời. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu phải sửa sai các tông đồ khi các ông bắt đầu tranh giành quyền hành. Ngài nhấn mạnh đến việc hy sinh, phục vụ như là con đường để chung hưởng vinh quang với Ngài trong Nước Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn là Đức Kitô.

1.1/ Lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại: Tác giả nhắc cho các tín hữu biết lối sống của họ trước khi trở lại và tin theo Đức Kitô. Mục đích của tác giả là muốn cho các tín hữu không chỉ tin; nhưng còn biết sống theo những gì Đức Kitô truyền dạy.

+ Theo sự giả trá: Đối với những Dân Ngoại, họ quan niệm chết là hết. Điều này là một sự sai lầm, ngược lại với ý định của Thiên Chúa. Người Hy-lạp tiến bộ hơn, họ đã biết lý luận: thân xác sẽ tiêu tan vì là vật chất; nhưng linh hồn bất tử vì không lệ thuộc vật chất.

+ Hưởng thụ vật chất: Nếu chết là hết, con người sẽ dùng mọi cố gắng để hưởng thụ tối đa những gì thế gian dâng tặng. Họ sẽ tranh đấu mọi cách để có quyền hành, danh vọng, và hưởng thụ khoái lạc đời này.

+ Tranh dành và chia rẽ: Vì mọi người đều mong hưởng thụ nên họ sẽ tìm mọi cách để tranh dành quyền lợi, mà không để ý gì đến công bằng, bác ái và hiệp nhất.

Hậu quả của lối sống phù hoa: Cỏ khô, hoa rụng. Mọi phàm nhân đều như cỏ và tất cả vinh quang của họ cũng đều như hoa cỏ.

1.2/ Lối sống theo Lời Chúa như đã được cứu độ bởi Đức Kitô:

+ Theo sự thật: Tác giả tóm gọn Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa vào biến cố cứu độ của Đức Kitô: Anh em đã được cứu chuộc không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc; nhưng nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô. Người là Đấng Thiên Chúa đã biết từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên, và Người đã xuất hiện vì anh em trong thời cuối cùng này. Tuy nhiên, tác giả vẫn nhấn mạnh vào tích cách liên tục của Lời Chúa, vì Lời Chúa vẫn tồn tại đến muôn thuở muôn đời. Đó chính là Lời đã được loan báo cho anh em như một Tin Mừng.

+ Hướng về cuộc sống đời sau: Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa. Nhờ Đức Kitô, cuộc sống đời đời dành cho tất cả những ai tin và làm theo những gì Ngài truyền dạy.

+ Yêu thương huynh đệ: Một khi đã tin vào cuộc sống đời sau, con người không nên dành mọi thời gian và nỗ lực để mưu cầu ích lợi đời này. Tác giả khuyên: “Nhờ vâng phục sự thật, anh em đã thanh luyện tâm hồn để thực thi tình huynh đệ chân thành. Anh em hãy tha thiết yêu mến nhau với tất cả tâm hồn.”

2/ Phúc Âm: Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.

Đây là lần thứ ba Marcô tường thuật Chúa Giêsu nói cho các tông đồ biết những gì sẽ xảy ra cho Ngài tại Jerusalem: “Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại.” Lần thứ nhất, Phêrô khuyên Chúa Giêsu gạt bỏ ý định lên Jerusalem để chịu chết. Lần thứ hai, các môn đệ tranh luận ai sẽ là người lớn nhất trong số họ, khi Chúa Giêsu khôi phục vương quốc của Cha Ngài.

2.1/ Lối sống của người đời: Các tông đồ của Chúa Giêsu vẫn còn bị ảnh hưởng bởi lối sống của thế gian.

+ Ham muốn uy quyền và danh vọng: Sau lời tiên báo, hai người con ông Zebedee là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và nói: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.” Hai ông ham muốn chức vị vì muốn được mọi người biết đến và phục vụ. Tuy nhiên, các ông sẵn sàng thông phần vào cuộc khổ nạn của Chúa, chứ không chỉ muốn vinh quang mà thôi.

+ Khi ham muốn mà không nhận được, con người tức tối và thù ghét nhau: “Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan.” Các ông tức tối là vì tất cả các ông đều muốn như thế. Nếu Giacôbê và Gioan ngồi hai địa vị quan trọng nhất, các ông sẽ ngồi đâu, vì các ông cũng theo Chúa!

+ Hậu quả là cộng đoàn bị phân chia: Chúa Giêsu nhìn thấy trước những gì sẽ xảy ra nếu các tông đồ cứ giữ thái độ tranh dành quyền hành và địa vị như thế. Họ sẽ bị phân chia và sẽ không nhớ sứ vụ rao giảng Tin Mừng, làm sao ơn cứu độ được rao truyền tới muôn người.

2.2/ Lối sống của người môn đệ Đức Kitô: Chúa Giêsu tập họp các ông và khuyên bảo các tông đồ ba điều:

+ Không được theo lối sống của người đời: “Những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy.”

+ Sống phục vụ: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.”

+ Sống theo gương Đức Kitô: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta cần học hỏi Kinh Thánh để biết sự thật Thiên Chúa muốn cho con người. Nếu không, chúng ta sẽ dễ dàng nghe theo để sống lối sống của thế gian và của ma quỉ.

– Nếu chúng ta muốn lãnh nhận ơn cứu độ, chúng ta phải làm những gì Thiên Chúa muốn. Nếu không, chúng ta sẽ phải lãnh nhận hậu quả của những người không tuân phục Thiên Chúa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************