Ngọt ngào đến ngậm ngùi

11/05/2020

Kính thưa Anh Chị em,

Thật là lạ khi Giuđa Tađêô hỏi một đường, Chúa Giêsu lại trả lời một nẻo. “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con mà không tỏ mình ra cho thế gian?” – “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy”, một câu trả lời mà người nghe xem ra không hiểu câu hỏi.

Không, Chúa Giêsu hiểu rất rõ và qua câu trả lời, Ngài cho thấy việc tỏ mình và yêu thương liên hệ mật thiết với nhau. Yêu nhiều, tỏ nhiều; yêu ít, tỏ ít; không yêu, khỏi tỏ.

Với con người, chưa yêu thì chưa tỏ; không yêu, càng không tỏ. Yêu nhiều, tỏ nhiều; yêu ít, tỏ ít và yêu thật mới tỏ thật. Vì thế, không ít người hối tiếc bởi trước đó, họ đã tỏ quá nhiều để giờ đây, xót xa vì không còn yêu; hay đúng hơn, nhiều người phải hối tiếc vì những người mình yêu đã không xứng đáng với những gì mình tỏ.

Với Thiên Chúa thì khác, một khi đã yêu, Người yêu đến cùng, yêu đời đời; tình yêu của Người trước sau như một, không suy suyển. Thiên Chúa yêu thật, nên tỏ thật, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban con một của Người”; không chỉ tỏ thật, Người tỏ đến cùng, “Có chi phải làm mà Ta đã không làm cho ngươi?”; không chỉ tỏ đến cùng, Người tỏ đến chết, “Ta trồng ngươi như vun trồng cây nho quý, mà ngươi lấy đòng đâm thấu tim Ta”. Và như thế, Thiên Chúa đã không hối tiếc về bất cứ điều gì Người đã làm, đã tỏ vì quá yêu thương con người, cho dù “Kẻ ăn bánh với Tôi lại giơ gót đạp Tôi”; cho dù con người hay nhân loại được Người yêu thương đó có bội phản hay thật bất xứng với tình yêu của Người thì Người vẫn mải yêu thương.

Nếu có con mắt đức tin, chúng ta sẽ mục kích Thiên Chúa tỏ mình mỗi ngày cho con cái Người. Thiên Chúa tỏ mình qua các bí tích, qua Lời Chúa, qua các giáo huấn của Hội Thánh, qua sự hiện diện thường xuyên của các mục tử, qua những anh chị em tốt lành Chúa gửi đến. Chính qua họ, chúng ta kín múc bao điều mới lạ từ các chân trời; chân trời tri thức, chân trời nhân vị, chân trời tâm linh. Đó có thể là một câu chuyện vui, một cuốn sách quý, một thông tin thời sự, một kiến thức, một bài học nhân văn, một suy tư triết học. Và như thế, không ngày nào mà chúng ta không có niềm vui; đó quả là hồng ân Thiên Chúa không ngừng rộng ban cho những kẻ Người yêu mến và đó cũng là cách thức Người tỏ mình.

Thiên Chúa còn tỏ mình cả trong những biến cố bất ưng trái khoáy, kể cả những tai nạn và cái chết. Trong những ngày qua, thế giới sống trong dịch bệnh; con virus nhỏ bé đã làm điên đảo và xáo trộn mọi tầng lớp, mọi hạng mục. Từ kinh tế, chính trị, văn hoá đến tôn giáo… tất cả phải được đặt lại vấn đề. Có thể nói, chúng ta thật may mắn khi được trải nghiệm một biến cố mà không phải bất cứ đời người nào cũng có thể có, đó là trải nghiệm dịch bệnh là gì. Rõ ràng, Thiên Chúa đang tỏ mình. Đức Thánh Cha Phanxicô gọi đây là dịp để con người hồi tâm và hoán cải, là lúc xét lại các mối tương quan của nó với Thiên Chúa, với gia đình, với tha nhân, với người nghèo và với cả môi trường. Ngài nhắc lại một ngạn ngữ Tây Ban Nha, “Thiên Chúa thì luôn luôn tha thứ, con người thì thỉnh thoảng tha thứ, và thiên nhiên thì không bao giờ tha thứ”.

Anh Chị em,

Và đến lượt mình, chúng ta cũng hãy trở nên một công cụ để qua đó, Thiên Chúa có thể tỏ mình. Mẹ Têrêxa được gọi là “thiết bị dò tìm của nợ” nhưng Mẹ được coi như một thiết bị của trời. Mỗi ngày, Mẹ đi tìm cho mình những của nợ, đó là những con người khốn khổ mà Mẹ phải mất ăn mất ngủ vì họ; thế nhưng, qua Mẹ, Thiên Chúa lại tỏ mình ra cho những con người nghèo nhất của thế giới cũng như cho thế giới giàu có nhất biết rằng, Thiên Chúa vẫn luôn luôn là một Thiên Chúa của lòng thương xót và Người những mong mỏi con người hôm nay cũng hãy biết trở nên những ốc đảo yêu thương của lòng thương xót Người giữa một đại dương ích kỷ và thờ ơ. Vì lý do đó, Mẹ Têrêxa, con người nhỏ thó này được gọi là vị thánh của thế kỷ 21.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con tin Chúa luôn yêu con và vẫn đang tỏ mình cho con, dẫu sự tỏ mình đó đôi lúc ngọt ngào đến ngậm ngùi nhưng cũng không ít lần nghẹn ngào đến ngắc ngoải”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Gp. Huế)