Ngước mắt lên trời

02/06/2022

“Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện!”.

George Muller nói, “Cám dỗ thường tình của Satan là khiến chúng ta từ bỏ việc đọc Lời Chúa và cầu nguyện! Nó làm đủ cách để chứng tỏ, đọc Lời Chúa là vô ích; cầu nguyện là vô hồn. Sự thật là, để có thể thích thú với Lời Chúa, chúng ta phải tiếp tục đọc; và để có thể cầu nguyện, chúng ta phải tiếp tục cầu nguyện! Cầu nguyện là ‘ngước mắt lên trời’, nói với Chúa rằng, ‘Lạy Chúa, xin ban Lời, này con đang nghe!’. Sống động đến thế, sao bạn lại từ bỏ hai việc này?”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Cầu nguyện là ‘ngước mắt lên trời!’”. Cùng với ý tưởng của Muller, Lời Chúa hôm nay khá bất ngờ với một chi tiết mà chúng ta sẽ ngạc nhiên; đó là, khi cầu nguyện với Chúa Cha, Chúa Giêsu ‘ngước mắt lên trời!’. ‘Ngước mắt lên trời’, Chúa Giêsu chiêm ngưỡng sự hiện diện huy hoàng của Chúa Cha trong một chiều kích hoàn toàn mới mẻ, tuyệt đối lạ lẫm, một chiều kích mà chính mỗi người cần có cả đời để khám phá. Đó là “chiều kích siêu việt” của Thiên Chúa!

Chúa Cha, Đấng siêu việt! “Siêu việt” là trên hết, trước hết và vô cùng. Thiên Chúa vượt trên tất cả; Ngài “bất tử”; thế giới không chứa nổi Ngài; không phàm nhân nào hiểu hết Ngài. Nói đến sự siêu việt của Thiên Chúa còn là nói đến quan hệ siêu việt của Ba Ngôi; Cha, Con và Thánh Thần. Tuy là Ba nhưng vẫn là Một! Quan hệ của Ba Ngôi là một quan hệ hỗ tương sâu sắc tự bản chất của từng Ngôi Vị. Và mặc dù hai từ “bất tử” và “siêu việt” khá xa lạ trong vốn từ vựng thường ngày của chúng ta, nhưng những khái niệm này cần được suy gẫm; ý nghĩa của chúng cần được thấu hiểu. Bởi lẽ, hiểu được mối quan hệ nội tại của Ba Ngôi, chúng ta hiểu được ảnh hưởng trực tiếp của nó đến mối quan hệ của chúng ta với Ngài theo hai nghĩa đó.

Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha cho chúng ta, là những người tin rằng, chúng ta được thông phần vào sự “bất tử và siêu việt” của Cha, Con, và Thánh Thần. Chúng ta chia sẻ sự sống và tình yêu của Thiên Chúa; điều này có nghĩa là, cùng Chúa Giêsu, chúng ta chiêm ngưỡng sự siêu việt của Thiên Chúa; cùng Ngài ‘ngước mắt lên trời’, chiêm ngưỡng sự uy nghi, vinh quang, vĩ đại, quyền năng… của Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng ở trên tất cả, vượt qua tất cả!

Thật trùng hợp, bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay cho thấy sự thông hiệp của chúng ta với Thiên Chúa khi chúng ta tin vào sự sống lại của kẻ chết, tin thiên thần và linh hồn bất tử. Như vậy, cùng với Phaolô và phái Pharisêu, chúng ta không chỉ tin vào sự “bất tử” và sự “siêu việt” của Thiên Chúa, nhưng còn tin vào sự “bất tử” và “siêu việt” của chính mình. Chính Thiên Chúa, đã thông ban chính Ngài cho những ai tin nhận Ngài, tin nhận Giêsu, Đấng họ ẩn thân! Thánh Vịnh đáp ca thật thâm thúy, “Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu!”.

Anh Chị em,

“Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện!”. Cùng Chúa Giêsu, chúng ta ‘ngước mắt lên trời’ và cầu nguyện; đồng thời, biết rằng, Thiên Chúa vinh hiển và siêu việt này đang thương đoái ngự xuống trong linh hồn chúng ta, ở lại với chúng ta, cắm lều trong chúng ta; Ngài thiết lập quan hệ cá nhân bền bỉ với chúng ta. Thật ngạc nhiên khi hai khía cạnh “siêu việt” và “gần gũi” này trong cuộc sống của Thiên Chúa lại kết hợp với nhau một cách tuyệt vời mầu nhiệm đến thế! Vậy mà hai khía cạnh đó không chống đối nhau; ngược lại, kết hợp với nhau và có tác dụng thu hút chúng ta vào mối quan hệ mật thiết với Đấng tạo thành, Đấng duy trì vạn vật. Thiên Chúa ngàn trùng chí thánh, nhưng cũng là Thiên Chúa đang ở với tôi, trong tôi, đang yêu thương tôi! Vinh quang Ngài cửu trùng thăm thẳm không chứa nổi, nhưng lại đang ngự trong nơi sâu kín bí mật của tâm hồn tôi. Lời Chúa hôm nay mời gọi bạn và tôi hãy thừa nhận sự hiện diện của Ngài, ‘ngước mắt lên trời’, kính uý Ngài, yêu mến Ngài. Ngài đang sống trong bạn và tôi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cuộc sống đang kéo ghì con xuống, xin giúp con luôn ‘ngước mắt lên trời’ để chiêm ngắm sự uy nghi huy hoàng của Chúa. ‘Lạy Chúa, xin ban Lời, này con đang nghe!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)