Người của một thế giới khác

05/05/2020

“Tôi và Cha Tôi là một”;

“Tôi biết chiên của Tôi”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay cho thấy mối tương giao giữa Chúa Con với Chúa Cha cũng như giữa Chúa Giêsu với đoàn chiên mình thật sâu sắc và bền bỉ.

“Tôi và Cha Tôi là một” nghĩa là hằng giây hằng phút, Ngài, con yêu dấu luôn “Đẹp lòng Cha mọi đàng” vì “Tôi ở trong Cha và Cha ở trong Tôi” và “Của ăn Tôi là làm theo ý Đấng đã sai Tôi” hầu “Ai thấy Tôi là thấy Chúa Cha”.

“Tôi biết chiên của Tôi” nghĩa là Ngài biết từng con chiên, từng người trong từng hoàn cảnh; biết từng cá tính, sở trường, sở đoản riêng của mỗi người. Trước mặt Chúa Giêsu, không ai là một con số và nhất là Ngài yêu thương mỗi người mỗi cách. Tương giao giữa Ngài với Chúa Cha soi rọi tương giao giữa Ngài với từng con người. Các mối tương giao ấy dựa trên sự hiểu biết nghĩa là trên tình yêu, bằng chứng là Ngài vâng phục Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết cũng như sẵn sàng hy sinh mạng sống đến chết vì đoàn chiên mình.

Người thời nay rất sợ phải sống vô danh khi họ bị coi như một con số âm thầm giữa lòng thế giới. Và như thế, mỗi người chỉ như một bộ phận nhỏ trong một guồng máy khổng lồ và ai nấy lặng lẽ cô đơn làm xong phần việc của mình. Nhiều người trẻ cố thể hiện mình bằng những tiếng nói vô thanh, những tuyên bố không lời với hình xăm, kiểu tóc hay thời trang.

Đang khi với Chúa Giêsu, người mục tử nhân lành, không ai bị loại trừ ngay cả những người thấp cổ bé họng dễ bị tổn thương nhất. Ngài nói, “Tôi biết chiên của Tôi” và Ngài hằng ước ao những kẻ được Ngài sai đi cũng biết và yêu thương chiên của mình như Ngài.

Madeleine Delbrêl, 1904-1964, một nhà văn, nhà thơ rất nổi tiếng của Pháp; khi còn trẻ, bà sống như người vô thần; về sau, trở lại công giáo. Hồng Y Etchegaray coi bà như mẫu gương cho giới trẻ trong cuộc chiến cam go chống lại sự dữ để tiến đến sự thánh thiện. Bà viết, “Thiếu vắng một linh mục đích thực trong một đời người là nỗi khốn cùng không diễn tả nổi. Món quà lớn nhất mà người ta có thể dâng, tình bác ái lớn nhất mà người ta có thể mang tới, đó là một linh mục xứng với danh hiệu của mình. Linh mục là cách thể hiện sự hiện diện hữu hình của Chúa Kitô trên thế gian này, đó là cách gần đúng hơn cả. Trong Chúa Kitô có một cuộc sống của con người và một cuộc sống của Thiên Chúa; trong linh mục, người ta cũng muốn gặp lại một cuộc sống thực sự nhân bản và một cuộc sống thực sự thần linh. Buồn thay! Nhiều linh mục xem ra thiếu một trong hai mặt ấy. Có những linh mục dường như chưa bao giờ có một cuộc sống làm người. Họ không biết lượng định các khó khăn của một giáo dân, một người cha, người mẹ trong gia đình cho đúng về phương diện nhân loại; họ không hiểu nổi thế nào là một kiếp người đích thực, cụ thể, đau đớn. Khi giáo dân gặp được một linh mục hiểu họ với trái tim nhân loại của mình vốn đã đi vào đời họ, họ sẽ không bao giờ quên được nữa. Nhưng với điều kiện là tuy linh mục hoà cuộc sống mình vào cuộc sống của chúng tôi, họ đừng sống hoàn toàn như chúng tôi, ăn uống như chúng tôi, nói năng, đi đứng như chúng tôi. Chúng tôi cần linh mục sống một đời sống của Chúa; tuy sống giữa chúng tôi, nhưng linh mục phải là người của một thế giới khác”.

Anh Chị em,

Đang ở trong tuần lễ Chúa Chiên Lành, chúng ta cầu nguyện cho hơn 400,000 linh mục trên thế giới. Xin cho các ngài luôn xứng đáng là những hiện thân đích thực của Chúa Giêsu.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, biết là yêu, liệu con có biết Chúa như Chúa biết con không”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Gp. Huế)