“Chúa là Thiên Chúa của lòng xót thương”.
Kính thưa Anh Chị em,
Sẽ rất ngạc nhiên khi bảo phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói đến lòng xót thương của Thiên Chúa nhất là với bài Tin Mừng khi Chúa Giêsu nặng lời quở trách các thành. Thiên Chúa yêu thương các thành của Cựu Ước cũng như các thành của Tân Ước dẫu chưa bao giờ Chúa Giêsu thốt ra những lời nặng nề đến thế, “Khốn cho các ngươi hỡi Corozain, khốn cho các ngươi hỡi Bethsaida, khốn cho các ngươi hỡi Capharnaum”.
Với các thành Cựu Ước thời vua Akhat, lòng thương xót của Thiên Chúa thể hiện cách rõ ràng, điều này dễ hiểu. Bài đọc thứ nhất cho thấy tâm can Akhat, vua nhà Đavít, đang rối bời khi ông không biết phải ứng xử thế nào trước liên quân Syria-Israel đang chuẩn bị tấn công Giuđa và đang lăm le thôn tính cả Giêrusalem, thành đô Thiên Chúa. Vua lưỡng lự giữa việc đầu hàng liên quân, hùa theo liên quân hay là liều mình phó mặc vào tay Thiên Chúa nhà Đavít, tổ phụ ông. May thay, để giải toả lòng vua, Chúa sai ngôn sứ Isaia đến và đây cũng là lần đầu tiên Isaia can thiệp; qua Isaia, Chúa nói, “Hãy cẩn thận, ở yên lặng, đừng sợ và đừng nao núng trước hai que củi còn khói này”; “Chuyện đó sẽ không xảy ra, sẽ không có”; “Nếu các ngươi không tin, các ngươi sẽ không tồn tại”. Chúa là Thiên Chúa xót thương, Đấng con người tựa nương.
Lòng thương xót của Thiên Chúa một lần nữa thể hiện nơi Chúa Giêsu khi Ngài quở trách các thành. Đó là các thành được Ngài dạy dỗ, được chứng kiến các phép lạ Ngài làm; thế mà họ vẫn cứng lòng. Vì vậy, Chúa Giêsu xét thấy cần đưa mọi thứ lên một tầm cao mới và tầm cao mới này là một sự quở trách nặng ký trong yêu thương. Những lời của Chúa Giêsu thoạt đầu tưởng như cơn giận của Ngài bùng phát; không phải vậy, Ngài nặng lời không vì nóng giận hoặc mất kiểm soát nhưng chỉ vì quá yêu thương. Thốt ra những lời quở trách mạnh mẽ đó, Ngài hy vọng họ thay đổi cách sống bởi Ngài vẫn mãi là một Thiên Chúa đầy lòng xót thương.
Những lời quở trách được gọi là ‘những quở trách thánh’ đôi khi thật cần thiết cho con người, bởi lẽ, những lời mời gọi nhẹ nhàng vốn đã không lay chuyển được lòng người và nhất là giúp cho nó vượt thắng tội lỗi. Một khi tội lỗi đã trở nên nghiêm trọng, Thiên Chúa không ngần ngại phải dùng những lời quở trách mạnh mẽ nhưng thánh thiện; đau đớn nhưng yêu thương. Đây chính là hành động cụ thể của lòng thương xót hơn bao giờ hết nơi Thiên Chúa mà con người cần đến và đôi khi, cần thiết và đau đớn hơn, Người có thể cho phép một tai nạn xảy ra.
Khấu Chuẩn đời nhà Tống, lúc nhỏ là một cậu bé lêu lổng. Mẹ ông vốn là người nghiêm khắc, thường hay quở phạt ông. Tuy nhiên, vẫn tính nào tật ấy, Khấu Chuẩn không thay đổi. Một hôm, ông trốn học, mẹ ông quá giận, cầm quả cân ném phải chân ông, máu chảy đầm đìa… Từ đó, ông bỏ hẳn tính lêu lổng, chuyên chăm học hành; về sau đỗ đạt, được bổ làm tể tướng. Mỗi khi sờ đến vết sẹo ở bàn chân, ông khóc nức nở, “Với vết thương này, mẹ tôi đã giúp tôi nên người”.
Anh Chị em,
Yếu đuối là điều thường tình, chúng ta không nhìn những quở trách của Chúa hay những vết sẹo trong tâm hồn để tiếc nuối nhưng để nhận ra dấu chỉ của lòng thương xót Chúa. Tình yêu Chúa mạnh hơn tội lỗi và yếu đuối vì ở đâu tội lỗi càng nhiều, ở đó ân sủng càng chan chứa.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con đừng để ngoài tai những lời quở trách và cả những cảnh báo của lòng thương xót Chúa”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)