“Lòng chúng ta chẳng nóng lên sao?”.
Emmaus ở phía Tây so với Giêrusalem, phía Đông. Như thế, hai môn đệ đang đi về phía mặt trời lặn, phía của đêm tối, tuyệt vọng và chết chóc. May thay, trên đường đi, Chúa Phục Sinh kịp có mặt, dù ‘lúc ẩn, lúc hiện’ để làm cho lòng họ nóng lên. Ngài đưa hai người về lại Giêrusalem, phía mặt trời mọc, phía ‘Vầng Hồng Giêsu’ không còn ẩn giấu, nhưng ngời sáng, sẽ thắp lên trong họ niềm hy vọng đích thực. Và này, chính Giêrusalem, nơi họ phải ‘ở yên tại chỗ hoặc đi về phía đó’, Ngài sẽ hiện ra một lần nữa, ban Thánh Thần và sai họ đi khắp cùng thế giới!
Kính thưa Anh Chị em,
Nhiều lúc trong cuộc sống, bạn và tôi thấy mình đi sai hướng! Chúng ta đi vào một khuôn mẫu nhất định, bất kể nó là gì, và cảm thấy nó không thực sự phù hợp. Ở một mức độ sâu xa nào đó, bạn không hài lòng với hướng đi đời mình. Thậm chí, có thể thấy mình đang xa rời một điều gì đó, một nơi nào đó; trong khi trên thực tế, chúng ta nên ‘ở yên tại chỗ hoặc đi về phía đó!’.
Đây cũng là hoàn cảnh của hai môn đệ trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay. Họ rời Giêrusalem, nơi lẽ ra họ phải ở lại, vì chính tại Giêrusalem, Chúa Phục Sinh đã định ban Thánh Thần cho họ; cũng chính từ đó, Ngài sẽ sai họ đi đến tận cùng trái đất. Với Luca, Giêrusalem, nơi “khởi đầu của mọi khởi đầu!”. Vì thế, đi về Emmaus, họ đã đi sai hướng! Đau buồn, thất vọng và vỡ mộng khiến họ sai hướng. Họ muốn ra khỏi Giêrusalem, nơi Thầy họ bị đóng đinh càng sớm càng tốt. Họ quên điều Ngài đã nói, “Ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy!”. Đôi khi sự đau buồn, tức giận, hoặc thất vọng sâu sắc của bản thân có thể khiến chúng ta đi sai hướng. Cảm xúc có thể làm lu mờ ký ức và che khuất lý trí, chúng ta thấy mình đang rời xa một nơi nào đó, một “Ai đó” có khả năng mang lại sức sống cho đời mình, nơi mà chúng ta lẽ ra phải ‘ở yên tại chỗ hoặc đi về phía đó!’.
Chúa Phục Sinh đồng hành với hai môn đệ, mặc dù họ đang sai hướng. Ngài cùng rảo bước với mục đích khiến họ đổi hướng, nhưng trước khi làm được điều đó, Ngài giả vờ đi sai hướng với họ một lúc. Ngài bước vào hoàn cảnh của họ; mời họ kể câu chuyện của mình. Câu chuyện của họ là lý do họ rời Giêrusalem. Đó là một câu chuyện buồn, nhưng nó không phải là toàn bộ. Họ đã bỏ lỡ phần kết! Họ kết thúc bằng cái chết, nhưng nó phải là sự sống! Đó là kết luận mà Ngài tiếp tục nói với họ, “Nào Đấng Kitô lại chẳng chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?”. Sau khi nghe Ngài, họ đổi hướng; quay trở lại Giêrusalem, nơi họ phải ‘ở yên tại chỗ hoặc đi về phía đó’. Tại đây, họ gặp lại mười một anh em và tuyệt vời, gặp lại chính Ngài!
Anh Chị em,
“Lòng chúng ta chẳng nóng lên sao?”. Cách Chúa Phục Sinh tiếp cận hai môn đệ cũng là cách Ngài đến với bạn và tôi! Ngài đồng hành với chúng ta, khiến lòng chúng ta nóng lên, cả khi bạn và tôi đi sai hướng. Ngài mời bạn và tôi kể cho Ngài câu chuyện đời mình; Ngài chăm chú lắng nghe, mặc dù thường không phải là toàn bộ. Theo cách riêng, Ngài cố cung cấp một bức tranh đầy đủ hơn, giúp chúng ta thấy phần cốt lõi có thể bỏ sót; và theo cách đó, Ngài thúc giục chúng ta đi theo một hướng khác, một con đường khác, điều sẽ mang lại sự sống hơn cho mình và cho người khác. Chúa Phục Sinh luôn gặp chúng ta nơi chúng ta đang ở, rất thường xuyên trong sự ‘tan vỡ’ của mỗi người, nhưng Ngài cũng hành động để dẫn chúng ta ra khỏi đó. Ngài luôn mở lòng để chúng ta nghe một câu chuyện lớn hơn. Câu chuyện Ngài hiến mình, đặc biệt trong Thánh Thể. Hãy đến với Ngài mỗi ngày trong Thánh Lễ, kể cho Ngài nghe, và lắng nghe Ngài!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin ở lại với con, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn. Chiều của con, chỉ một mình Chúa biết, hơn cả con biết. Hãy đưa con về nơi mà lẽ ra con phải ‘ở yên tại chỗ hoặc đi về phía đó!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)