“Nếu các con biết điều đó mà thực hành thì thật có phúc”.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng hôm nay nằm trong bối cảnh sau khi Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, Ngài nói, “Nếu các con biết điều đó mà thực hành thì thật có phúc”.
Qua Tin Mừng Gioan, nhất là trong những tuần qua, chúng ta nghe những xác quyết mang tính biểu trưng, qua đó, Chúa Giêsu mặc khải chính mình: “Tôi là bánh từ trời; Tôi là cửa ràn chiên; Tôi là mục tử nhân lành; Tôi là sự sống lại và là sự sống; Tôi là đường, là sự thật và là sự sống; Tôi là cây nho; Tôi là ánh sáng thế gian thì qua Tin Mừng hôm nay, nếu muốn, chúng ta có thể cảm nhận thêm một biểu trưng khác, “Tôi là người đã cúi xuống rửa chân cho anh em”.
Trước khi cúi xuống rửa chân cho môn đệ, Ngài đã cúi xuống làm con một bà mẹ nghèo; cúi xuống tận hang đá Bêlem; cúi xuống trên những bụi bặm của rạp mộc quê làng Nazareth; cúi xuống dòng nước sám hối, cúi xuống trước vị tiền hô; cúi xuống trên những người cùi, những người mù, những người nghèo; cúi xuống trên những người chết, trên những tội nhân và cúi xuống trên một nhân loại ngắc ngoải khốn cùng…
Cúi xuống rửa chân là một giáo huấn không lời của Ngài vốn là một vị Thầy, một vị Chúa. Ngài ý thức vị thế của mình khi cúi xuống để làm một việc hèn hạ như muốn nói với các môn đệ rằng, đó cũng là vị thế của người tôi tớ, người được sai đi nhưng cũng là vị thế đúng nghĩa nhất của một người lãnh đạo. Ngài nói, “Thầy là Thầy là Chúa mà còn cúi xuống rửa chân cho anh em, thì anh em cũng hãy rửa chân cho nhau”. Từ đó việc cúi xuống trước những con người được giao phó trở thành một đòi buộc. Rồi Ngài thêm, “Nếu các con biết điều đó mà thực hành thì thật có phúc”. Ngài biến hành vi cúi xuống trở thành mối phúc, phúc thật. Và như thế, ai cúi xuống như Ngài, sẽ là người có phúc, vì “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy”.
Người đời hạnh phúc khi được cung phụng, Chúa dạy hạnh phúc khi biết cúi xuống. Càng kém cỏi, càng hống hách; càng hống hách, càng kệch cỡm; càng kệch cỡm, càng khó cúi xuống. Tuổi thơ càng thiếu thốn, có quyền càng vơ vét; tấm bé càng mồ côi, có quyền càng ôm ấp.
Một cha xứ nọ kể, nhà thờ của ngài tuy không nhỏ nhưng không đủ sức chứa, mỗi Chúa Nhật có đến ba thánh lễ. Những lễ nhất, lượng người bên ngoài tương đương với con số bên trong. Mỗi khi ông bõ nhà thờ đi vác thêm ghế cho những thanh niên ‘đạo gốc’, nhiều người xầm xì, “Không cần”; có người bảo “Làm gì mà hèn hạ thế”. Vậy là trong một lễ Chúa Nhật, ngài nói với cộng đoàn, “Tại sao anh chị em coi việc vác ghế của ông bõ là không cần thiết và nhất là tại sao coi công việc đó là hèn hạ? Anh chị em có biết không, bao lần khi cha phó dâng lễ; ngồi trong nhà thờ, anh chị em đâu có thấy tôi cũng đi vác ghế vì tôi sợ những người ở ngoài đứng gần cả giờ đồng hồ sẽ mỏi chân. Cứ hỏi ‘các bạn trẻ đạo gốc… cây’, việc đó đã xảy ra biết bao nhiêu lần. Cũng như bao buổi tối Chúa Nhật, khi mọi người đã ra về, nhà thờ im ắng… tôi đi một vòng coi điện nước và nếu nhà vệ sinh dơ quá, không đợi được đến sáng thứ hai mới có người dọn, thì tôi dọn nhà vệ sinh. Vậy thôi, có chết ai đâu, có gì hèn hạ xấu hổ đâu; vui trong lòng, miệng hát nghêu ngao thì có”.
Anh Chị em,
Để có thể trải nghiệm một niềm vui bên trong cùng với phúc ngọt ngào của nó, đừng ngần ngại cúi xuống; chỉ lúc đó, chúng ta mới cảm nhận được điều Chúa Giêsu nói, “Đó mới là phúc”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa đã cúi xuống trên mảnh đời con như đã cúi xuống trước Giuđa; như thế, không ai là không xứng đáng để con lỡ nhịp hớp phúc ngọt ngào”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Gp. Huế)