“Chúa là Đấng từ bi nhân ái, chậm bất bình và rất mực khoan nhân”.
Thật thâm thuý câu nói của thánh Augustinô, “Lòng khoan nhân của Thiên Chúa… đi trước sự lưỡng lự không sẵn lòng của Ngài; nó đi theo ước muốn, làm sao ý chí Ngài phải có hiệu lực!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thánh Vịnh đáp ca của Chúa Nhật hôm nay rạng ngời một chân lý ngàn đời, “Thiên Chúa Là Tình Yêu”. Và như thế, câu nói của thánh Augustinô một lần nữa cho thấy, ý chí của Thiên Chúa là yêu thương; vì lẽ, “Chúa là Đấng từ bi nhân ái, chậm bất bình và ‘rất mực khoan nhân!’”.
Chân lý đó đã làm cho Kitô hữu trở nên những con người khác biệt và Kitô giáo trở nên khác biệt bất cứ một tôn giáo nào! Tại sao? Chính ân sủng và sức mạnh của Thiên Chúa đã ban cho con cái Ngài khả năng để đối xử với người khác, không như họ đáng đối xử, nhưng như Chúa muốn họ được đối xử. Vì lẽ, Chúa nhân ái với mọi người, kẻ lành, người ác; “Ngài cho mưa xuống trên người công chính cũng như hạng bất lương”. Tình yêu Ngài bao trùm cả thánh nhân lẫn tội nhân; Ngài tìm kiếm điều tốt đẹp nhất của chúng ta, dạy chúng ta tìm kiếm điều tốt đẹp nhất của người khác, cả những người thù ghét mình, “Các con hãy yêu kẻ thù!”.
“Hãy cầu nguyện cho những người bắt bớ các con!”. Lời cầu nguyện dành cho những người làm chúng ta đau khổ vừa phá vỡ ước muốn trả thù, vừa giải phóng sự tù hãm của con tim. Thế nhưng, làm sao có thể yêu thương những người đã gây tổn hại hoặc ác ý với chúng ta? Với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể! Ngài sẽ ban quyền năng và ân sủng Thánh Thần của Ngài; Thánh Thần sẽ chinh phục tất cả, ngay cả những tổn thương, sợ hãi, định kiến và đau buồn của mỗi người. Thập giá Chúa Kitô có thể giải thoát chúng ta khỏi sự bạo ngược của độc ác, hận thù, trả thù, và oán ghét; thập giá Ngài cho chúng ta can đảm để đáp lại điều ác bằng điều thiện.
Khi dạy chúng ta yêu kẻ thù, Chúa Giêsu không nói những điều không tưởng, mâu thuẫn, hoặc Ngài đang sử dụng những câu nói hoa mỹ. Không, hoàn toàn không! Đây là sự cách tân của Kitô giáo và cũng là sự khác biệt của Kitô giáo! Thiên Chúa đòi chúng ta can đảm để có một tình yêu không tính bằng giá; bởi lẽ, thước đo của Ngài là tình yêu không có thước đo. Đã bao lần chúng ta quên điều đó, nên cư xử như bao người khác! Ấy thế, giới răn yêu thương của Chúa không đơn giản chỉ là một thách đố; nhưng còn là trọng tâm của Tin Mừng. Đừng lo lắng về ác ý của người khác, về những ý nghĩ tiêu cực họ dành cho chúng ta; thay vào đó, hãy mở rộng trái tim vì lòng yêu mến Chúa! Những ai yêu mến Ngài, sẽ không có kẻ thù trong lòng, vì sự thờ phượng Thiên Chúa luôn luôn trái nghịch với văn hoá hận thù!
Sách Samuel hôm nay đã cống hiến tấm gương cao quý của Đavít. Saolê dẫn 3.000 quân truy lùng ông, Chúa lại trao Saolê, vào tay Đavít. Ấy thế, đó là cơ hội cho trái tim và nhân cách của Đavít thể hiện sự vĩ đại và hào hiệp của nó. Đavít chưa biết Chúa Giêsu, nhưng đã đối xử cao thượng theo hình ảnh “Ađam mới”, Đấng từ trời, hậu duệ của ông, như bài đọc thứ hai lưu ý.
Anh Chị em,
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay thật rõ ràng: hãy khoan nhân như Thiên Chúa ‘rất mực khoan nhân!’. Hãy xem, Chúa Giêsu trên thập giá, điều đầu tiên Ngài nghĩ tới là, “Xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm!”. Cũng thế, Đavít đã khoan nhân với Saolê vì ông cảm nhận sự khoan nhân của Thiên Chúa dành cho cá nhân ông và gia tộc ông. Như vậy, chúng ta không thể yêu thương kẻ thù, khoan nhân với người hiềm khích nếu không cảm nhận thế nào là sự tha thứ nơi thập giá Con Thiên Chúa. Nhờ sự chết và phục sinh của Ngài, chúng ta trở nên những con người thuộc thiên giới; khoan nhân với anh chị em mình như Chúa, chúng ta thực sự mang hình ảnh của con người thần thiêng. Hãy để mình bay cao, bay xa như con cái Thiên Chúa!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Đấng ‘rất mực khoan nhân’, Chúa đã tha thứ cho kẻ tra tấn và đóng đinh Chúa; xin giúp con làm điều tương tự với những ai đang trở nên thập giá đời con!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)