Tâm Hồn Cao Thượng

10/06/2023

“Bà đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống”.

Năm 1886, “Tâm Hồn Cao Thượng” ra đời. Hơn 130 năm, cuốn sách của E. De Amicis đã chinh phục hàng triệu trái tim. Đó là những câu chuyện nhỏ của một cậu bé lớp 3. Thế giới trẻ thơ có những va đập, bất đồng; nhưng phía sau những va đập ấy, là những mảnh vỡ nhặt được lóng lánh bao giá trị sống: lòng yêu nước, sự chân thành và hơn cả, những ‘tâm hồn cao thượng!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay cho thấy những ‘tâm hồn cao thượng’ thời Cựu Ước và cả Tân Ước. Tin Mừng không chỉ dành cho trẻ em, mà cho cả người lớn; vì thế, Chúa Giêsu không ngại chỉ ra những tâm hồn ‘ít cao thượng’; đó là những luật sĩ mà Ngài đã nặng lời.

Những ‘tâm hồn cao thượng’ thời Cựu Ước là cha con Tôbia. Họ đã xin người đồng hành của ‘Tôbia con’ “vui lòng nhận một nửa những gì đã mang về”. Và nếu muốn biết “những gì đã mang về”, thì sách Tôbia tiết lộ, có đến 300 ký bạc, chưa nói số lãi trong 20 năm; đó là cả một gia tài. Ở đây, chúng ta không thể bỏ qua ‘tâm hồn cao thượng’ của Gabael, người giữ bạc cho Tôbia; ông sẵn sàng trao lại những gì đã giữ theo khế ước. Chuyện như mơ đối với người thời nay! Và này, một ‘tâm hồn cao thượng’ khác được mục kích trước khi sách Tôbia khép lại; đó là Raphael Tổng Lãnh Thiên Thần, người bạn đồng hành, ngài không lấy một hào! Ngài nói, “Hãy chúc tụng Thiên Chúa và cao rao mọi việc kỳ diệu của Người!”. Tâm tình ngợi khen đó được lặp đi lặp lại trong Thánh Vịnh đáp ca, “Chúc tụng Thiên Chúa, Đấng muôn đời hằng sống!”.

Với bài Tin Mừng, chúng ta gặp một ‘tâm hồn cao thượng’ thời Tân Ước. Đó là một bà goá nghèo bỏ vào hòm cúng nhiều hơn ai hết mà Chúa Giêsu nhìn thấy, “Bà đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống”. Cái “để nuôi sống” chính là sự sống, là máu. Ngài thấy điều không ai thấy, những gì thật nhỏ bé, nhưng thực chất là tất cả ‘gia tài’ của bà. Bác ái thuần tuý liên quan đến sự dâng hiến toàn bộ bản thân; đó là hiến dâng không dè giữ; yêu thương, phục vụ bất cứ ai, bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào. Đó là bác ái Kitô đích thực nơi một ‘tâm hồn cao thượng!’.

Ngoài những ‘tâm hồn cao thượng’ trên, Tin Mừng còn chỉ ra những tâm hồn ‘ít cao thượng’ mà Chúa Giêsu nói đến; đó là các luật sĩ giả hình đang ‘biểu diễn’ trước mặt bá quan. Họ dạy dỗ, cốt để gây ấn tượng; họ cho đi, cốt để tạo danh tiếng; họ cầu nguyện, cốt để biện minh cho những gì đã lấy trộm của người nghèo. Họ không phải là người xấu; nhưng là những ‘quý ông tốt’ đã bị cuốn hút bởi việc tìm hư danh; cái họ kiếm tìm là tôn vinh chính mình!

Anh Chị em,

“Bà đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống”. Có tâm hồn nào “đã bỏ tất cả” bằng ‘tâm hồn cao thượng’ Giêsu! Ngài đã chết, sống lại và giờ đây đang âm thầm ‘bỏ mình’ trên các bàn thờ, trong các nhà chầu. Ước gì lòng bác ái của bạn và tôi luôn lặng lẽ và kín đáo như Ngài; bấy giờ, sự hiến dâng của chúng ta cũng là một điều gì đó mà chỉ một mình Thiên Chúa biết. Bởi lẽ, việc tìm kiếm chính mình sẽ ‘giết chết’ giá trị sự hiến dâng, ‘huỷ hoại’ những nỗ lực hình thành các nhân đức, và ‘bóp nghẹt’ trái tim của một linh hồn; hơn nữa, ích kỷ luôn kìm hãm, trói buộc, không cho bất cứ ai có khả năng vươn tới “các giá trị sống” và những gì thuộc cõi trên.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để của cải sở hữu con, dạy con biết sở hữu nó! Bởi lẽ, một khi nó sở hữu con, con bị kéo xuống; biết sở hữu nó, con vươn cao, vươn đến các giá trị sống ‘hôm nay’ và ‘đời đời!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)