Thầy dạy vĩ đại

27/05/2020

“Vì họ, Con xin thánh hiến chính mình Con”.

Kính thưa Anh Chị em,

Cả tuần nay, chúng ta lắng nghe lời nguyện hiến tế của Chúa Giêsu mà chỉ Phúc Âm thứ tư, thánh Gioan, có. Hôm nay, chúng ta dừng lại lời nguyện cuối của đoạn Tin Mừng, “Vì họ, Con xin thánh hiến chính mình Con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến”.

“Thánh hiến”, ‘thánh hoá’ là làm cho nên thánh; nghĩa là, ‘Con tự thánh hoá chính mình, để môn đệ của Con được thánh hoá’. Lời nguyện ấy có thể trở thành ý lực sống cho chúng ta là những bậc làm cha mẹ, các nhà giáo dục, “Con tự thánh hoá chính mình để con cái con, bạn bè con, những ai Chúa trao cho con được thánh hoá”. Trong bài Công Vụ Tông Đồ hôm nay, thánh Phaolô cũng căn dặn các trưởng giáo đoàn hãy tự thánh hoá mình, “Các ông hãy thận trọng, săn sóc đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt các ông làm giám quản điều khiển”.

Trong cuốn Tự Thuật, nhà giáo dục Booker T. Washington viết, “Càng lớn lên, tôi càng tin chắc, không một sự giáo dục nào có thể gặt hái từ sách vở hay từ những phương tiện đắt tiền lại có thể sánh với những gì người ta gặt hái do tiếp xúc với các bậc vĩ nhân”.

Các bậc vĩ nhân ở đây được sách Huấn Ca nhìn nhận là “Những bậc cha mẹ đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng”. Vì thế, chúng ta có thể đọc lại câu nói trên của nhà giáo dục, “Càng lớn lên, tôi càng tin chắc, không có một sự giáo dục nào có thể gặt hái từ sách vở hay từ những phương tiện đắt tiền lại có thể sánh với những gì người ta gặt hái do tiếp xúc với các bậc cha mẹ vĩ đại, những người dạy dỗ vĩ đại”.

Nếu những bậc làm cha mẹ, các nhà giáo dục… biết cậy trông vào sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Thầy Dạy vĩ đại, họ sẽ làm công việc thánh hoá và thánh hiến này một cách tuyệt vời hơn. Một trong bảy ơn của Chúa Thánh Thần là ơn khôn ngoan, chính Chúa Thánh Thần, thầy dạy khôn ngoan làm cho họ nên khôn ngoan; chính Ngài thánh hoá, soi sáng, thúc giục để họ nên gương sáng, biết thánh hoá chính mình hầu có thể thánh hoá người khác.

Thomas Edison với 1,500 bằng phát minh mà ngày nay, hầu hết các thiết bị chúng ta đang sử dụng từ âm thanh ánh sáng đến các phương tiện khác đều có công của ông. Một ngày nọ, cậu bé Thomas Edison đem về cho mẹ một tờ giấy của thầy giáo. Mở tờ giấy, bà thất thần, đôi mắt bà đẫm lệ nhưng bà lại đọc lớn tiếng cho con trai nghe rằng, “Con của bà là một thiên tài; trường này quá nhỏ cho cậu ấy, cũng không đủ giáo viên giỏi để đào tạo cháu. Bà hãy tự giáo dục cháu”. Nhiều năm sau khi bà đã qua đời, Edison đã là một nhà phát minh lớn. Ngày kia, lục lại đồ đạc cũ, bỗng nhiên ông thấy mảnh giấy năm xưa gập lại dưới góc của một ngăn kéo. Mảnh giấy ghi, “Con của bà bị đần, chúng tôi không cho nó tới trường nữa”. Edison đã khóc hàng giờ liền và ông đã viết những dòng này lên nhật ký, “Thomas Alva Edison là một thằng đần được sinh ra bởi một người mẹ anh hùng và ông ta đã trở thành một thiên tài của thế kỷ”. Sau này ông nhớ lại, “Mẹ tôi đã tạo ra tôi. Bà rất tin tưởng và chắc chắn về tôi; và tôi cảm thấy rằng, tôi có một điều gì đó để sống, một ai đó để tôi không thể làm cho thất vọng”.

Anh Chị em,

Thậy may, bà mẹ của Edison đã đọc trại lá thư để con bà có được sự tự tin. Để có những con người vĩ đại, bậc làm cha mẹ, các nhà giáo dục hãy học sự khôn ngoan từ Chúa Thánh Thần. Ngài sẽ thánh hoá, dạy dỗ; đồng thời, cũng chính Ngài giục giã họ ra sức làm gương sáng.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hoá đầy khôn ngoan, với ơn Chúa, con cũng có thể là một thầy dạy vĩ đại. Tại sao không?”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Gp. Huế)