“Chúng tôi không biết!”.
Wilson Tozer nhận định, “Thánh Kinh không công nhận một đức tin nào mà không dẫn đến sự mềm mỏng, cũng như không công nhận một sự mềm mỏng nào mà không bắt nguồn từ đức tin! Thánh Thần là tác nhân của chuyển động kép đó. Để khôn ngoan, bạn hãy ‘thuận theo Thần Khí!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Sẽ khá trùng hợp với lời khuyên của Wilson Tozer, Lời Chúa hôm nay nói đến việc mềm mỏng ‘thuận theo Thần Khí!’. Phù thuỷ ngoại giáo Balaam không thể làm gì khác hơn điều mà Thánh Thần buộc ông phải làm; các thượng tế và kỳ lão không có được sự mềm mỏng đó khi họ phủ nhận Chúa Giêsu, chất vấn Ngài; và khi Ngài đặt vấn đề thì họ bảo, “Chúng tôi không biết!”.
Sách Dân Số tường thuật câu chuyện đầy thú vị của phù thuỷ Balaam. Sau 40 năm lang thang, Israel tiến vào đất hứa; họ vấp phải sự phản kháng gay gắt của Balak, vua Canaan. Balak sai Balaam đi nguyền rủa Israel. Với người Canaan, lời nguyền của các thầy sãi có giá trị như lời của các thần minh. Trên đường đi, đột nhiên, con lừa của Balaam không chịu đi xa hơn, thiên thần Chúa chặn đường nó. Balaam đánh con vật thậm tệ, nó vẫn không nhúc nhích! Cuối cùng, qua miệng con lừa, Thiên Chúa lên tiếng, mắt Balaam mở ra; ông phải ‘thuận theo Thần Khí’, chúc phúc dân Chúa thay vì chúc dữ, “Thánh Thần Chúa ngự xuống trên ông, ông liền tuyên sấm và nói: ‘Lời sấm của Balaam, lời sấm của người nghe lời Thiên Chúa. Hỡi nhà Giacóp, doanh trại của ngươi đẹp biết bao! Hỡi Israel, chỗ cư ngụ của ngươi tốt dường nào!’”. Chưa hết, Balaam còn nói đến sự xuất hiện của một vị lãnh đạo, “Một ngôi sao từ Giacóp mọc lên. Một phủ việt từ Israel xuất hiện”. Rõ ràng, dẫu là người ngoại giáo, Balaam vẫn là một con người mềm mỏng với Thánh Thần!
Như Balaam, đã bao lần, cách này cách khác, Thiên Chúa cũng chặn đường các lãnh đạo tôn giáo; thế nhưng, họ vẫn không ‘thuận theo Thần Khí’. Khi Gioan rao giảng sự xuất hiện của Đấng Messia, họ đã chống lại lời ông và bắt bớ ông. Chúa Giêsu cũng gặp phải sự thù địch từ phía họ. Họ công khai chất vấn Ngài để làm mất uy tín Ngài; chẳng hạn hôm nay, sau khi Ngài đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ, họ đặt vấn đề, “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?”. Ngài điềm tĩnh trả lời họ bằng một câu hỏi như là điều kiện để Ngài nói cho họ nguồn gốc thẩm quyền của Ngài, “Phép lạ của Gioan bởi đâu mà có, bởi trời hay bởi người ta?”. Ngài biết, nhận định đúng đắn của họ về Gioan, buộc họ phải nhìn nhận Ngài; nếu ủng hộ hay chống lại Gioan, họ cũng sẽ ủng hộ hay chống lại Ngài. Sau khi suy nghĩ, họ trả lời, “Chúng tôi không biết!”.
“Chúng tôi không biết!”. Họ không biết vì họ lờ đi tất cả hiểu biết Thánh Kinh mà họ rất am tường; vì lẽ, mọi điều trong Thánh Kinh đều ám chỉ Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai. Họ không biết vì họ sợ mất quyền lợi nếu công nhận Đấng Thiên Sai chính là Ngài. Đang khi Chúa Giêsu không chỉ là Đấng Thiên Sai, Ngài còn là nguồn gốc của sự sống đời đời và sự thật! Ai đến với Ngài, sự thật giải phóng họ; người ấy sẽ tìm thấy niềm vui, tự do và hạnh phúc. Thật ý nghĩa với Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, nẻo đường Ngài, xin dạy cho con biết!”.
Anh Chị em,
“Chúng tôi không biết!”. Rồi đây, cùng với Philatô, các thượng tế và kỳ lão sẽ ‘rửa tay’ và lặp lại những lời đó; để rồi chính họ sẽ đưa Ngài đến cái chết thập giá. Và cả chúng ta, “Chúng tôi không biết!”, một câu trả lời chúng ta nghe quá thường và cũng nói quá thường. Chúng ta không biết vì không muốn biết, cũng như không bao giờ nhận mình biết. Bởi lẽ, một khi biết, chúng ta phải thay đổi cách sống. Những ngày cuối Mùa Vọng, Lời Chúa cho chúng ta biết Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, Ngài đang ở giữa chúng ta; Ngài đến, ban Thần Khí, Đấng hướng dẫn chúng ta trên mọi nẻo đường. Chính Thánh Thần soi sáng, cho thấy những ràng buộc của cái tôi nơi mỗi người, khiến chúng ta đang lạnh lùng trước Thiên Chúa và trước tha nhân. Lắng nghe Lời Chúa, là lắng nghe Thần Khí và sống thuận theo ý Ngài.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin nung đốt trái tim con và tâm trí con, để con luôn mềm mỏng ‘thuận theo Thần Khí’, hầu con có thể làm mọi điều Chúa muốn; bấy giờ, con sẽ tìm được niềm vui và tự do”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)